Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Khởi nghiệp: Dễ chung lòng, khó chung vốn

Xu hướng liên kết để khởi nghiệp ngày càng rõ rệt hơn trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Chung lòng thì dễ, chung vốn có thuận lợi hay không lại là chuyện khác.
Là một kỹ sư phần mềm, từ ngày còn đi học, ước mơ của Lê Hồng Hải Nhân hết sức bình thường là ra trường, đi làm thuê cho các công ty và xây dựng gia đình. Tuy nhiên, bước vào năm 3 đại học, quan niệm của Hải Nhân đã hoàn toàn thay đổi khi trải qua quá trình thực tập tại một công ty phần mềm.

Càng tiếp xúc, càng thấy công việc mình đã chọn thiếu sáng tạo, không gây được hứng thú cho bản thân, Hải Nhân tỏ ra lo lắng. Anh tham gia vào một công ty khởi nghiệp và bắt đầu nhen nhúm ước mơ. “Lúc đó, tôi mới biết mình chọn sai đường và ước mơ của tôi là được làm chủ”, Hải Nhân chia sẻ. Nhưng tìm được số vốn đủ để khởi nghiệp với Nhân là chuyện chẳng dễ dàng.
Tạo dựng niềm tin
Biết mình khó xoay sở được vốn, Hải Nhân quyết định đi làm để tích lũy tài chính, cũng là cơ hội để kiểm tra một lần nữa xem con đường mình chọn liệu có sai như mình cảm giác hay không. Hai năm gắn bó với công ty phần mềm, vẫn thấy mình không có cơ hội đầu tư, Hải Nhân chọn hướng đi khác cho hành trình làm chủ của mình: Khởi nghiệp cùng 1 nhóm bạn. Trước tiên là làm dự án quán cà phê có tên là Niche Café để có không gian thực hiện ước mơ.

Theo dự án, quán cần ít nhất là 350 triệu đồng để đầu tư. Có đến 7 người đồng ý cùng tham gia với Nhân, nhưng thành viên nhóm đa số là sinh viên tỉnh lẻ, việc huy động mỗi người 50 triệu đồng là không dễ. Nhân kể: “Biết khó nhưng cả nhóm thống nhất chỉ tiêu rồi mỗi người một hướng để tìm vốn”. Điểm đến đầu tiên của Nhân là gia đình.

Tuy nhiên, khi hỏi ý kiến ba mẹ thì Nhân lập tức bị phản đối. Các thành viên khác cũng chung số phận. Biết mình không thể nói suông, Nhân bàn với các thành viên trong nhóm lên kế hoạch cụ thể về dự án, dự định thu - chi như thế nào, định hướng cho từng giai đoạn ra sao. “Muốn người khác góp vốn thì phải cho họ tin vào ý tưởng khởi nghiệp của mình”, Nhân tiết lộ.

Từ cách làm này, niềm tin dần lan tỏa và 7 người trong nhóm của Nhân đều kêu gọi được vốn từ gia đình, bạn bè... Quán Niche Café ra đời nhờ vào bước khởi đầu là tạo dựng được niềm tin.

Đồng cảnh ngộ, những sáng lập viên của Aothun.vn khi bắt tay vào dự án của mình cũng đối mặt với áp lực nguồn vốn. Anh Nguyễn Văn Lộc, sáng lập viên Aothun.vn kể, trước Aothun.vn, anh là chuyên viên công nghệ thông tin, từng thử sức với thương trường ở tuổi 19, khi bắt tay khởi nghiệp bằng việc lập một công ty thiết kế web, sau đó đi làm thuê cho một công ty trong nước, rồi mới khởi nghiệp lần 2 cùng đồng sự. “Dù đã 2 lần khởi nghiệp nhưng khó khăn nhất vẫn là tài chính”, Lộc chia sẻ.

Cùng nhau viết kế hoạch kinh doanh, phân tích mọi thuận lợi và khó khăn kín 40 trang giấy rồi đem gửi khắp nơi là cách mà Aothun.vn gọi vốn. Lộc cho biết, thứ tự ưu tiên để gọi vốn là gia đình, bạn bè, nhà đầu tư nhỏ, sau mới đến quỹ đầu tư. “Muốn người khác tin và cấp vốn cho mình kinh doanh thì phải tạo niềm tin nơi họ bằng hành động cụ thể”, anh cho biết.

Giữ tình đồng chí
Từ một xưởng may nhỏ, diện tích chỉ 10m2, nay lượng nhân viên của Aothun.vn đã lên đến 90 người, xưởng sản xuất hơn 1.000m2, tăng trưởng 4 năm liên tục. Tương tự, Niche Café đã trụ vững và có doanh thu tốt, trở thành điểm đến của các bạn trẻ, nhất là khi có nhu cầu hội họp. Tuy nhiên, với những bạn trẻ này, gọi được vốn chỉ là điểm khởi đầu.

Nguyễn Văn Lộc kể, ở lần khởi nghiệp đầu tiên, anh khá hồn nhiên, chỉ nghĩ vốn là quan trọng, và kết hợp với bạn bè để cùng làm tốt, bổ sung cho mình. “Sau 4 năm trên thương trường, tôi đã suy nghĩ khác, phải tìm hiểu tính cách cá nhân của đối tác xem có thích hợp để khởi nghiệp cùng nhau”, Lộc chia sẻ.

Anh cho biết, từ tích cách mà phân chia thành 4 nhóm người: cầu toàn, mạnh mẽ, sôi nổi và cầu an. Phải khảo sát để tìm hiểu tính cách để biết có hợp nhau không. Nhờ chu đáo trong công tác chọn đối tác mà trong lần tái khởi nghiệp, Lộc và đồng sự đã thành công.

Không chỉ tính cách, theo anh Nguyễn Anh Khoa, Trưởng Dự án Green Bricks, quán quân Hội trại khởi nghiệp VYE 2011, khi khởi nghiệp trong nhóm nhiều người, mỗi người có mục tiêu riêng, rất khó để tạo nên sức mạnh chung. “Điều kiện tiên quyết là phải họp lại để hiểu mục tiêu chung và cùng nhau làm việc”, Khoa chia sẻ.

Ngoài việc thống nhất mục tiêu, sự bình đẳng trong mọi quyết định cũng hết sức quan trọng. Cùng nhau làm chủ nên tất cả phải cùng dung hòa quyền lợi cá nhân, phải thống nhất về mặt chi tiết các chính sách cho doanh nghiệp của mình.

Tất nhiên, đã là mối quan hệ giữa người và người, chuyện tranh luận trong nhóm khởi nghiệp cũng sẽ khó tránh khỏi. “Nguyên tắc chung của nhóm là nếu không thuyết phục được người khác là mình đúng thì phải tự thuyết phục được bản thân là mình sai”, Hải Nhân tư vấn.
 
Theo DNSG

Chặng đường thành tỷ phú và thị trưởng New York của Michael Bloomberg

Khởi nghiệp từ vị trí nhân viên đếm tiền trong ngân hàng, bằng sự nỗ lực không ngừng, Michael Bloomberg đã vươn lên Chủ tịch một hãng tin tài chính hàng đầu thế giới, người giàu thứ 11 ở Mỹ và thị trưởng đã 3 nhiệm kỳ của thành phố New York.

Chặng đường thành tỷ phú và thị trưởng New York của Michael Bloomberg
Trong vòng hơn 20 năm, Bloomberg đã biến 10 triệu USD tiền bối thường thôi việc thành hãng tin tài chính Bloomberg trị giá nhiều tỷ USD. Doanh nhân kiêm chính trị gia này còn là một nhà từ thiện tích cực, một phi công, và được xem là một trong những tỷ phú quyền lực nhất thế giới.

Michael Bloomberg sinh vào ngày Valentine 14/2/1942 trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô Boston, bang Masachusetts và lớn lên ở thành phố Medford, cũng thuộc tiểu bang này. Cha ông là một kế toán làm việc 7 ngày mỗi tuần tại một công ty sữa địa phương để nuôi sống gia đình gồm 4 người.

Bloomberg tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins vào năm 1964 với tấm bằng cử nhân về kỹ thuật điện. Sau đó, ông tiếp tục học lên và nhận bằng MBA từ Đại học Harvard. Theo trangBusiness Insider, vào năm 1966, khi cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh điểm, Bloomberg nộp đơn xin vào trường đào tạo sỹ quan không quân nhưng không được nhận vì có gan bàn chân phẳng.

Cũng trong năm đó, Bloomberrg được một ngân hàng đầu tư có tên Salomon Brothers ở New York nhận vào làm với mức lương khởi điểm 9.000 USD/tháng. Ban đầu, Bloomberg làm việc trong hầm chứa tiền của ngân hàng này. Trong cuốn sách tựa đề “Bloomberg on Bloomberg”, ông kể lại: “Quần áo lót của chúng tôi đẫm mồ hôi trong hầm chứa tiền chẳng có điều hòa không khí. Thi thoảng chí có một bịch 6 lon bia để giải tỏa cái nóng. Mỗi buổi chiều, chúng tôi phải đếm số trái phiếu và chứng chỉ cổ phiếu trị gia hàng tỷ USD được gửi vào ngân hàng để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay qua đêm. Đến thập niên 1980, thì công việc như thế đã trở nên cổ xưa như chiếc xe ngựa kéo”.

Dần dần, Bloomberg thăng tiến lên những vị trí cao hơn và trở thành một nhà giao dịch trái phiếu và đối tác góp vốn ở Salomon Brothers vào năm 1972.  Vào cuối những năm 1970, ông đảm nhiệm vị trí người đứng đầu bộ phận giao dịch cổ phiếu. Năm 1976, ông kết hôn với người vợ đầu tiên, bà Susan Brown. Họ có hai người con là Emma và Georgina trước khi ly dị vào năm 1993.

Năm 1979, CEO John Gutfreund của Salomon Brothers yêu cầu Bloomberg thôi vị trí quản lý mảng giao dịch cổ phiếu để tới làm việc ở bộ phận hệ thống máy tính khi đó còn non trẻ. Đây bị coi là một sự giáng chức đối với Bloomberg. Tuy nhiên, về sau, Bloomberg có lẽ phải cảm ơn Gutfreund vì những kinh nghiệm mà ông đã thu thập được ở nhiệm vụ mới này.

Vào ngày 31/7/1981, mọi thứ ở Salomon Brothers đã thay đổi. Buổi tối hôm đó, các thành viên của ngân hàng này được mời tới một cuộc họp và được thông báo, ngân hàng sẽ sáp nhập vào một công ty giao dịch hàng hóa có tên Phibro Corporation. Phibro là một công ty đại chúng, nên việc sáp nhập vào công ty này đồng nghĩa với việc Salomon cũng sẽ là một công ty đại chúng, và nhiều trong số thành viên của Salomon sẽ trở nên cực giàu. Tất cả đã ăn mừng trong đêm đó.

Nhưng lại có một bất ngờ nữa xảy ra. CEO John Gutfreund yêu cầu Bloomberg và một số nhân vật khác rời khỏi Salomon. Ở tuổi 39, Bloomberg rời khỏi ngân hàng này với gói bồi thường thôi việc 10 triệu USD gồm tiền mặt và trái phiếu chuyển đổi. Sau khi chính thức rời ngân hàng vào ngày 30/9/1981, Bloomberg đứng ra thành lập một công ty công nghệ thông tin riêng. Ông muốn đem tới sự minh bạch và hiệu quả cho những người mua và bán các công cụ tài chính.

Bloomberg đã bỏ 4 triệu USD trong số tiền bồi thường thôi việc 10 triệu USD mà Salomon Brothers trả cho ông để phát triển một hệ thống máy tính nhằm cung cấp thông tin về thị trường trái phiếu, vận dụng những kiến thức về kỹ thuật điện mà ông học được từ Đại học Johns Hopkins. Ban đầu, công ty của Bloomberg có tên là Innovative Market Solutions, bao gồm ông và 4 người khác hợp tác để tạo ra và lập trình một thiết bị đầu cuối máy tính (Bloomberg Terminal) cho phép các nhà giao dịch cập nhật thông tin về thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ.
Chặng đường thành tỷ phú và thị trưởng New York của Michael Bloomberg
Vào năm 1982, khách hàng đầu tiên của Bloomberg là ngân hàng Merill Lynch đã đặt mua vào lắp đặt 22 thiết bị đầu cuối máy tính có tên MarketMaster này. Bên cạnh đó, Merrill Lynch cũng chi 30 triệu USD để thâu tóm  cổ phần 30% trong công ty của Bloomberg. Văn phòng của Bloomberg hiện nay ở New York có 22 bể cá, tượng trưng cho 22 thiết bị đầu cuối máy tính đầu tiên mà công ty bán được.

Thập niên 1980 là thời gian ăn nên làm ra của Bloomberg. Năm 1986, công ty đổi tên từ Innovative Market Systems thành Bloomberg L.P. Đến năm 1987, Bloomberg đã bán được thiết bị cuối máy tính thứ 5.000 và thiết lập nền tảng cho các hệ thống giao dịch của riêng mình. Năm 1989, Bloomberg mua lại 1/3 số cổ phần 30% mà Merrill Lynch nắm giữ với giá 200 triệu USD. Thương vụ này định giá Bloomberg ở mức 2 tỷ USD chỉ 8 năm sau ngày thành lập công ty.

Thập niên 1990 chứng kiến một loạt bộ phận truyền thông khác được thành lập trong Bloomberg L.P., bao gồm mạng tin tức Bloomberg Business News, đài phát thanh Bloomberg Radio, kênh truyền hình Bloomberg TV và tạp chí Bloomberg Markets Magazine.

Thiết bị Bloomberg Terminal thứ 100.000 đã được lắp đặt vào năm 1998. Với mức phí 1.500 USD/tháng mỗi thiết bị, công ty tư nhân của Bloomberg đã thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Đến thời điểm này, Bloomberg L.P. đã có văn phòng khắp thế giới và hiện diện khắp nơi trên các thị trường tài chính lớn. Hiện tại, công ty này đã có hơn 310.000 đăng ký sử dụng dịch vụ tin tức và thông tin tài chính và 15.000 nhân viên trên phạm vi toàn cầu.

Sau khi đã thành công trên thương trường, tỷ phú Bloomberg bắt đầu xuất hiện trên chính trường. Năm 2001, ông quyết định ra tranh cử chức thị trưởng thành phố New York với tư cách một ứn viên của đảng Cộng hòa. Trước đó, ông thuộc đảng Dân chủ, nhưng quyết định chuyển đảng với mong muốn có cơ hội giành thắng lợi lớn hơn.
Chặng đường thành tỷ phú và thị trưởng New York của Michael Bloomberg
Vào năm 2002, ông đã nhậm chức thị trưởng New York sau khi chi ra 74 triệu USD để vận động tranh cử. Ông chỉ nhận mức lương 1 USD/năm cho chức vụ này và đã nỗ lực hết sức để tái thiết khu vực bị phá hủy của New York trong sự kiện tấn công khủng bố ngày 11/9. Trở thành thị trưởng New York, Bloomberg thôi chức Giám đốc điều hành (CEO) của Bloomber L.P.

Nhiều người cho rằng, sau vụ 11/9, thành phố New York sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức như tội phạm gia tăng, các doanh nghiệp rời đi, và thành phố sẽ mất nhiều năm để hồi phục. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức vào năm 2002, thị trưởng Bloomberg đã giảm số người xin trợ cấp xã hội được 25%, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học tăng 40%, tội phạm giảm 35%, và góp phần tạo ra nhiều việc làm mới trong khu vực kinh tế tư nhân.

Hiện nay, Bloomberg đang ở trong nhiệm kỳ thị trưởng New York thứ ba. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Bloomberg, tỷ lệ ủng hộ ông đã có lúc giảm xuống còn 24%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã hồi phục nhanh chóng và với chiến dịch tranh cử tiêu tốn 85 triệu USD, Bloomberg đã trúng cử nhiệm kỳ thứ hai. Vào năm 2007, Bloomberg tuyên bố từ bỏ đảng Cộng hòa và trở thành một chính trị gia độc lập. Cuộc chạy đua tranh cử nhiệm kỳ thị trưởng thứ ba của Bloomberg tiêu tốn 90 triệu USD, nhưng đã đưa ông trở thành 1 trong 4 thị trưởng New York có nhiệm kỳ kéo dài nhất.

Tuy chỉ nhận lương 1 USD từ chức thị trưởng New York, Bloomberg sở hữu giá trị tài sản ròng 22 tỷ USD và là người giàu thứ 11 ở Mỹ theo xếp hạng của tạp chí Forbes. Ông cũng được cho là người giàu nhất ở New York.

Tính đến nay, tỷ phú Bloomberg đã dành 2,4 tỷ USD cho hoạt động từ thiện trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, phát huy các sáng kiến của chính phủ, nghệ thuật và giáo dục. Riêng trong năm 2011, ông đã tài trợ 330 triệu USD cho các hoạt động này.

Giống như nhiều tỷ phú khác, Bloomberg cũng thích sắm nhiều nhà đẹp và máy bay. Tại New York, ông không sống trong dinh thự dành riêng cho thị trưởng là Gracie Mansion mà ông sống ở căn nhà riêng trị giá 17 triệu USD ở khu Upper East Side. Ông còn có một dinh cơ 10,5 triệu USD ở Bermuda, một căn nhà 10 triệu USD ở London, một biệt thự 20 triệu USD ở Southampton, bang New York, và một căn hộ 1,5 triệu USD ở Vail. Tính chung, ông có 11 dinh cơ khác nhau.

Vào năm 1976, Bloomberg đã học lái máy bay. Ông có niềm đam mê láy máy bay trực thăng và một khi đã lên chiếc máy bay trực thăng 6 chỗ ngồi Agusta SPA A109s trị giá 4,5 triệu USD của công ty, ông hiếm khi nhường quyền lái cho phi công chuyên nghiệp. Thậm chí, ông còn đích thân lái máy bay đưa bạn bè và đối tác từ New York tới Albany trên chiếc máy bay trực thăng của mình.
Chặng đường thành tỷ phú và thị trưởng New York của Michael Bloomberg
Những khi không lái máy bay, Bloomberg thường đi bằng tàu điện ngầm ở New York. Cả Bloomberg và bạn gái hiện tại của ông, bà Diana Taylor, một người làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, thường xuyên sử dụng hệ thống tàu điện ngầm của thành phố này. Bà Diana Taylor cho biết, bà đi tàu điện ngầm đến chỗ làm mỗi ngày, còn thị trưởng Bloomberg cũng đi tàu điện ngầm từ nhà tới Tòa thị chính. 
 
Theo dantri
Flag Counter