Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Nữ thủ lĩnh Việt hốt bạc từ cuộc "vật lộn" sau thất bại hôn nhân

Chị Phạm Thị Bích Thủy là CEO của Trung tâm huấn luyện quản trị cuộc đời. Nhưng đằng sau đó vẫn là thân phận người đàn bà trước biến cố cuộc đời.


Trẻ, thành đạt và nhiều tham vọng. Phạm Thị Bích Thủy là một trong những nhân vật "có số má" trong ngành tài chính, từng giữ những vị trí chủ chốt và làm việc tại các công ty đa quốc gia như Dumex Việt Nam, British American, Procter & Gamble, Metro Cash & Carry...
Hiện chị là CEO của Better Living - Trung tâm huấn luyện quản trị cuộc đời. Nhưng đằng sau đó vẫn là thân phận người đàn bà trước biến cố cuộc đời.


Phạm Thị Bích Thủy là một trong những nhân vật "có số má" trong ngành tài chính, từng giữ những vị trí chủ chốt tại những công ty đa quốc gia như Dumex Việt Nam, British American Tobacco (BAT), nằm trong đội ngũ tư vấn từng phục vụ những khách hàng lớn như Procter & Gamble, Metro Cash & Carry...

Hiện tại, chị là giám đốc tài chính (CFO) của Khách sạn Duxton, một khách sạn nổi tiếng ngay trung tâm Sài Gòn. Và gần đây nhất, chị đã dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam: Quản trị cuộc đời.

Nữ thủ lĩnh CFO và cuộc "vật lộn" sau thất bại hôn nhân

- Với phong thái cởi mở có phần hài hước, chị giới thiệu bản thân đầy ấn tượng: "Chị là ván đã gỡ đinh với hai file đính kèm size nhỏ". Trong xã hội hiện đại, những nữ doanh nhân ly hôn đơn thân nuôi con đã không còn là chuyện hiếm. Nhưng khi nghe được câu chuyện của chị, tôi vẫn bật lên câu hỏi: "Một CFO thành đạt sao lại không quản trị được cuộc hôn nhân của mình?".

Thật không dễ để có thể trả lời câu hỏi đó nhưng tôi cũng muốn được chia sẻ nguyên nhân của sự thất bại trong hôn nhân của mình như một bài học cho những ai chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình: Phải tự tin chờ đợi tình yêu đích thực hơn là vội vàng kết hôn khi "đến tuổi", cũng không nên chọn lựa một người "điểm cao" theo chuẩn mực xã hội nhưng không cùng hệ giá trị để có thể chung sống trọn đời với mình.

- Một người đàn bà thép trong lĩnh vực tài chính vượt qua sự đổ vỡ hôn nhân, cách nào?


Ðơn đặt hàng của tôi với nhà tư vấn của mình là: giúp tôi tìm được một mục tiêu xứng đáng cho cuộc đời mình
Có một câu hỏi hay trở đi trở lại trong tôi rằng đây có phải là cuộc sống mình mong đợi? Đã có nhiều lần tôi làm hồ sơ nhập cư đến một đất nước phát triển hơn, rồi lại bỏ dở vì trực giác mách bảo rằng, cuộc sống nơi đó cũng sẽ không phải là câu trả lời mà mình mong đợi.


Như mọi người, tôi vẫn tự ru ngủ mình đang có rất nhiều thứ mà người khác mong ước đó thôi, còn đòi hỏi gì thêm nữa. Hôn nhân tan vỡ là một cú sốc khiến tôi nhất định phải tìm cho ra "đâu là mục đích cuộc đời tôi"?


Chắc chắn không phải là tiền bạc, danh tiếng, địa vị xã hội hay sự ngưỡng mộ. Tôi không thể chấp nhận kéo dài cuộc sống thiếu ý nghĩa đó nữa và buộc phải đi tìm sự thay đổi.

- Sau biến cố, "mục đích cuộc đời" của chị rút cục là gì?

"Hãy tìm, bạn sẽ gặp, hãy gõ, cửa sẽ mở"! Qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi gặp được chuyên gia tư vấn của mình - anh Trần Hữu Đức. Suốt hơn nửa năm trước đó, tôi loay hoay với tâm trạng: "Tôi có thể làm được mọi thứ, chỉ có điều, tôi không muốn làm gì cả".

Với tất cả những gì đã có, tôi bỗng thấy mình chẳng còn muốn gì nữa. Tôi chẳng biết phải làm gì tiếp theo. Tôi nghĩ tôi có thể nghỉ hưu được rồi. Ở tuổi 34! Đơn đặt hàng của tôi với nhà tư vấn của mình là: giúp tôi tìm được một mục tiêu xứng đáng cho cuộc đời mình.

Nhà tư vấn không bao giờ liệt kê với tôi anh đã giúp tôi gỡ những gì, tôi chỉ biết mình như một cái lò xo đang bị nén được tháo bung. Cần mất nhiều thời gian hơn cho việc tìm kiếm mục đích cuộc đời nhưng, cái được lớn nhất của tôi sau 10 phiên tư vấn, đó chính là tôi nhận ra mình không yêu quý và đánh giá cao bản thân như mình vẫn nghĩ.

- Nhận thức được giá trị bản thân, biết yêu mình hơn và sẽ sống khác đi?

Trước đây tôi thường tự chỉ trích mình và khắt khe với bản thân. Tôi cũng thường nhìn ra cái xấu, cái chưa hay của người khác hơn là nhìn ra cái hay cái đẹp của họ. Nhưng tôi đã thay đổi. Tôi học được cách đánh giá cao điểm khác biệt của bản thân và của người khác, rằng chúng đơn giản là các đặc điểm riêng, đáng tôn trọng, chứ chẳng phải là "tốt" hay "không tốt".

Những câu như "Strength through diversify" (sức mạnh từ sự đa dạng) tôi cũng đã nghe từ nhiều năm trước, ở những tổ chức lớn mà tôi đã làm, tôi hiểu nó về mặt ý thức, nhưng tôi không thực sự cảm nhận được nó trong từng chi tiết cuộc sống hay áp dụng nó hiệu quả như bây giờ. Tôi cởi mở hơn, không sợ bị dèm pha chỉ trích, nhờ vậy, con người của tôi với những điểm tích cực mới được người chung quanh nhìn nhận và đánh giá cao.

Tôi có thêm gần trăm người bạn rất tốt trong 6 tháng đó. Tôi dám mạnh dạn yêu cầu giúp đỡ khi cần và đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp hết lòng. Tôi yêu đời hơn. Tôi nhìn ra những điều tích cực của cuộc sống mỗi phút, mỗi ngày. Bạn bè đều nói tôi trông trẻ ra và sắc mặt tươi sáng hơn. Còn tôi thì biết rõ lưng mình thẳng hơn, vai mở và bước đi tự tin hơn.

Từ CFO đến CEO và cẩm nang "vitamin cho tâm hồn"

Sau khi vượt qua những khó khăn và tìm được cái mình cần, chị Thủy còn muốn chia sẻ niềm vui được "sống lại" với mọi người. Đó là lý do tại sao chị thành lập Công ty Better Living với ý nghĩa đúng như tên gọi của nó: để cuộc sống tốt đẹp hơn. Giống như một thứ vitamin cần thiết cho sức khỏe, cái mà chị theo đuổi "Life coaching" - quản trị cuộc đời - sẽ là liều thuốc bổ hữu hiệu nhất cho tinh thần.

- Trước hết hãy nói về vitamin tinh thần của chị, nó đã tác động thế nào đến cách nhìn và phương pháp quản trị công ty khi chị ngồi ở vị trí CFO và CEO?

Khi ngồi ở vị trí CFO, tôi quan tâm tới nhân viên rất máy móc, theo sách vở một cách rất kỹ thuật. Nhưng nay khi ngồi ở vị trí CEO, đã trải qua nhiều vấp ngã, tôi nhận thấy mình đã biết quan tâm tới nhân viên hơn, sâu từ bên trong.

Trước đây, mỗi bữa ăn trưa với khách hàng tôi thường chỉ trao đổi công việc nhưng nay thì khác. Các buổi hẹn ấy mang tính nhân bản hơn, tôi đến không phải chỉ để trao đổi thông tin mà trước hết là nghĩ xem, tôi có thể mang lại cho bạn cái gì hôm nay để thấy cuộc đời tươi đẹp hơn.

- Cùng một lúc ngồi ở 2 vị trí có tính chất khác biệt đó, có khi nào chị lại rơi vào bi kịch "không biết tự yêu mình"?

Tôi đã làm ở Duxton hơn 5 năm, công việc đã vào guồng. Tôi chỉ cần tiếp tục hỗ trợ tốt cho đội ngũ của mình là công việc sẽ chạy tốt. Giống như một cái bánh đà đã được quay có trớn, bạn chỉ cần thỉnh thoảng tác động một lực nhỏ để bù cho lực cản do ma sát thôi.

Còn Better Living là công việc mới, đội ngũ mới, lại là ngành nghề mới tại Việt Nam, cho nên công việc này không chỉ là khởi động cái bánh đà chưa từng quay mà còn phải biết tìm trục nào, ốc vít nào cho phù hợp...

Với công việc tài chính ở Duxton, tôi gần như có thể chỉ cần làm theo quán tính. Tuy vậy, với Better Living tôi vẫn có rất nhiều thuận lợi, nhiều năm làm việc trong các công ty đa quốc gia đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm tổ chức công việc một cách chuyên nghiệp.

Có khó chăng là, "tổ chức công việc một cách chuyên nghiệp, bài bản" thường đi kèm với chi phí cao, vốn đầu tư lớn. Nhiều người có đủ kinh nghiệm và trình độ để có thể tổ chức ra một công ty lớn bài bản như vậy nhưng họ lại không có đủ vốn và ngược lại. Còn tôi may mắn vì có được cả 2 thứ đó. Vậy nên, công việc mang lại cho tôi giá trị sống chứ không phải một sự "tận diệt năng lượng" không thể tái đầu tư nổi (cười)!

- Khái niệm "vitamin cho tinh thần" quá xa lạ với đa số người Việt Nam. Nó không phải là một viên thuốc cụ thể để phân tách thành phần, công dụng, vậy thì chị sẽ thuyết phục khách hàng như thế nào?


Không phải khả năng làm việc, trí thông minh, hay kỹ năng xã hội, mà là trí khôn tâm linh tạo cho bạn thói quen và kỹ năng buông,bỏ
Đúng vậy. Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là không thể nói được trong vòng một câu với mọi người là công ty mình làm gì… vì nó quá mới. Life Coaching tạm dịch là "tư vấn quản trị cuộc đời", nhưng quản trị thế nào, tiếp cận ra sao… thì không phải ai cũng hiểu được.


Một người đang thành công, nhưng vẫn chưa thấy hạnh phúc? Một ngày nhìn lại thấy cuộc đời mình thiếu ý nghĩa, thiếu một mục tiêu xứng đáng? Học cách đón nhận thất bại và khai thác hết bài học từ thất bại? Nâng cao lòng tự tin? Bạn muốn quản trị hiệu quả năng lượng bản thân? Khi bạn đặt cho mình bất kỳ câu hỏi nào thuộc dạng trên, Better Living hiện diện để giúp bạn.

Tại Việt Nam, Better Living tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ Life Coaching – Quản trị cuộc đời. Giúp bạn xây dựng nội lực, hỗ trợ bạn làm chủ cuộc đời của mình chính là mục đích cuối cùng của Life Coaching.

- Dường như chị đang tiên phong trong việc tạo nên một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ tại Việt Nam. Liệu mảnh đất này có màu mỡ?

Tôi hỏi bạn nhé: bạn có uống vitamin để bổ sung sức đề kháng và tăng cường sinh lực không?

- Có, tôi vẫn thường làm thế. Nhưng chuyện đó thì có liên quan gì tới công việc mà chị đang theo đuổi?

Life Coaching ở các nước phát triển đã là một dịch vụ được sử dụng rộng rãi. Vài người bạn có thể hùn nhau tặng bạn mình một voucher tư vấn Life Coaching vào dịp sinh nhật, khi biết bạn mình đang trải qua giai đoạn khó khăn hay là khúc quanh then chốt của cuộc đời.

Cũng ứng dụng tư vấn tâm lý, Life Coaching dành cho "người khỏe muốn khỏe hơn", mặc dù khi cần thiết, chúng tôi trị liệu rất tốt những sang chấn tâm lý mà khách hàng gặp phải từ tuổi thơ. Một ngày nào đó, mọi người sẽ thấy Life Coaching cũng cần thiết như những phòng tập Gym. Bạn uống vitamin và đến spa để chăm sóc cơ thể, thì Better Living là nơi để chăm sóc cho bộ não và tinh thần của bạn.

- Hiện có rất nhiều phụ nữ hiện đại, đặc biệt là các nữ doanh nhân vẫn bị đặt trước sự lựa chọn giữa gia đình và công việc. Thứ vitamin mà chị có sẽ là rất cần thiết với họ để lấy lại thăng bằng?

Nhiều người cho rằng phụ nữ tốt là phải hi sinh bản thân cho chồng con được hạnh phúc, nhưng tôi thường hỏi ngược lại rằng: Nếu bạn chỉ biết hy sinh đến quên cả hạnh phúc bản thân, bạn chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc thì làm sao chắc rằng bạn biết hạnh phúc là gì, mà tin rằng bạn có thể mang hạnh phúc đến cho người khác? Nếu bạn chưa có hạnh phúc của riêng bạn thì đừng nghĩ đến hạnh phúc của người khác.

Câu này tôi vẫn thường áp dụng cho khách hàng của mình. Mục tiêu của công ty là giúp khách hàng hiểu đúng chính mình, đang ở đâu, có đặc điểm tính cách thế nào, hệ giá trị là gì. Xác định mục tiêu cuộc đời chứ không phải là mục tiêu xã hội, xác định đến đâu và hành trang là gì, cần bạn đường hỗ trợ gì… là thứ mà chúng tôi đang theo đuổi.

- Giúp người khác tìm lại mục tiêu cuộc đời là công việc. Còn mục tiêu cuộc đời của riêng chị thì sao?

Hiện tại với Better Living tôi đóng vai trò CEO, người tổ chức-vận hành bộ máy. Sau này khi mọi thứ đã ổn định, tôi muốn mình trở thành một huấn luyện viên đúng nghĩa để có thể tư vấn, chia sẻ với mọi người giúp họ vượt qua khó khăn.

Tôi kinh doanh nhưng không coi đó là sĩ diện cá nhân, nghĩ công ty thành công thì mình thành công và ngược lại. Cái khó nhất và nên có nhất, theo tôi, chính là sự tự do chọn lựa, không quyến luyến. Và cái này, bạn có được không phải do khả năng làm việc, trí thông minh, hay kỹ năng xã hội, mà chính là trí khôn tâm linh (spiritual intelligence) tạo cho bạn thói quen và kỹ năng buông, bỏ.

Kết thúc câu chuyện, chị Thủy cho tôi xem bức ảnh của chị với "2 file đính kèm size nhỏ" của mình. Hình ảnh chị bế mỗi bên một em bé xinh xắn hiện lên rất mạnh mẽ và kiên cường. Sau thất bại, chị đã tìm được thấy mục tiêu của cuộc đời mình và sẽ cháy hết mình để biến những ước mong ấy thành hiện thực.
Theo Bích Ngọc
Ảnh: P.V
Tạp chí doanh nhân

Bà chủ thương hiệu Guốc Việt

Bà chủ thương hiệu Guốc Việt: 'Tôi sẽ xây tòa nhà hình guốc thì sao?'

"Tôi không thích nói mãi về đôi guốc kỷ lục. Kỷ lục ngày xưa bé tẹo. Có thể tôi sẽ xây tòa nhà hình guốc thì sao?"

Chị Phạm Như Hoa,Giám đốc Công ty TNHH Hoa Anh Đạt
Nghị lực, năng động, sáng tạo, đổi mới, chuyên tâm và kiên định với mục tiêu đã chọn, đồng thời cũng cay nghiệt và hơi “điên” nói lên phần nào tính cách, cuộc đời người phụ nữ nhiều sóng gió này. Chị là Phạm Như Hoa (Hoa Guốc), Giám đốc Công ty TNHH Hoa Anh Đạt, đơn vị sản xuất guốc mộc với thương hiệu Guốc Việt.


"Kỷ lục ngày xưa bé tẹo. Có thể tôi sẽ xây tòa nhà hình guốc thì sao? Ai biết được!”

Gặp Hoa Guốc trong một trưa hè oi ả tại Khu đô thị Pháp Vân, quận Hoàng Mai, Hà Nội, tôi mở lời: “Dường như đôi guốc kỷ lục của chị có sức lan tỏa lớn…”, chị cắt lời: “Đó chỉ là cái cớ để chúng ta trò chuyện. Tôi không thích nói mãi về đôi guốc kỷ lục. Kỷ lục ngày xưa bé tẹo. Có thể tôi sẽ xây tòa nhà hình guốc thì sao? Ai biết được!”

Quả thật, sau vài giờ trò chuyện với người đàn bà có tấm thân gầy guộc này, tôi nhận thấy bên trong con người ấy ẩn chứa một nguồn năng lượng cực lớn và sẵn sàng lan tỏa khi được kích hoạt. Sau nhiều nỗ lực tranh đấu với sự trớ trêu của số phận, Hoa Guốc của ngày hôm nay luôn biết cách hâm nóng và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. Ít ai nghĩ rằng chị vừa bước sang tuổi tứ tuần.

Từng là cử nhân vật lý, thành thạo 4 ngoại ngữ, sống chủ yếu bằng nghề đi dạy, cuộc sống êm ấm của chị Hoa đã xoay chuyển 180 độ. Năm 29 tuổi, một ca phẫu thuật thanh quản đã cướp đi giọng nói của chị. Sau tai nạn ấy, kể ra chị đã “mất” và cũng “được” rất nhiều. Chị khoe: “Tôi chính thức tự do từ tháng 6 rồi”. “Không ai hiểu tôi làm gì, nhưng tôi đang cô độc trong một xã hội bùng nổ. Tôi đang đi một mình, chồng không còn đi bên cạnh nữa”.

Đôi mắt người phụ nữ đơn thân có cách nói chuyện chao chat thoáng chút buồn. Nhưng khi kể về guốc, chị hào hứng nói: “Tôi là Hoa Guốc, mãi mãi là Hoa Guốc. Nếu có một hãng hàng không mang tên tôi, thì nó phải gắn với cái tên Hoa Guốc bay lên bầu trời. Hoặc một ngày nào bay cùng Hà Dũng, thì phải là Hoa Guốc và Hà Dũng cùng bay. Không thể khác được”.

Đến với guốc vì hoàn cảnh xô đẩy

*Cơ duyên nào đưa chị đến với guốc?

“Tôi từng đi ăn mày tình thương”

- Tôi đến với Guốc vì hoàn cảnh xô đẩy, chứ không phải vì một tình yêu nào cả. Thời trẻ tôi nhiều bạn trai theo đuổi; tôi nổi tiếng nhất nhì trường đại học; tôi xinh, biết hát, nhảy đẹp và giỏi nhiều ngoại ngữ,… Tôi nghĩ những nguyên liệu đó quá đủ để mình bước vào đời. Tôi cho rằng chỉ cần lấy một ông chồng giàu, thành công, có doanh nghiệp, bố mẹ cho mình ít vốn đầu tư mở công ty. 

Nhưng khi mất tiếng, tôi mất rất nhiều. Bị câm, tôi “mất dạy”, mất hát. Câm vẫn hoàn toàn có thể nhảy được nhưng tôi không làm điều đó. Tôi buồn tủi, chán chường, không lo chăm sóc số “vốn” còn lại. Cho nên, mất mỗi tiếng thôi, tôi cảm giác trời đất suy sụp, chỉ biết ngồi khóc, than thở, quăng quật đồ đạc,... Đó là sai lầm. Không những thế, tôi còn giết nốt vốn còn lại của mình: nhan sắc. 

Khi hỏng một thứ thôi, thứ mà nhờ tiến bộ của y học có thể cứu được. Còn sống còn hi vọng, nhưng ngày đó tôi không nghĩ được như vậy. Bây giờ, khi đã vượt qua tất cả, tôi mới khuyên các bạn trẻ: “Còn một tia hi vọng cũng phải cố. Ngày đó tôi còn đến chục tia, tôi không những không khơi dậy mà còn dập tắt cả. Tôi rầu rĩ, khổ sở, buồn chán để ăn mày tình thương của người khác. 

Và khi ăn mày tình thương, tôi được tình thương thật. Tôi được bố mẹ và anh trai động viên, cho tiền tiêu. Nhưng sau một thời gian, tôi cảm thấy cuộc sống của mình không đủ. Bởi con người đâu phải sống để tồn tại. Có thể nhiều người sẽ an phận với một gia đình tưởng chừng hạnh phúc: vợ nội trợ, chồng đi làm. Nhưng tôi vẫn còn giấc mơ. 

Lâu lâu nhận được điện thoại của người bạn cũ kể chuyện, thấy ngày xưa mình bằng 5 bằng 10 họ, giờ ngồi đây. Thêm nữa, khi các con đi học, bạn bè hỏi: “Bố mẹ cậu làm gì?”, cháu trả lời: “Mẹ tớ tàn tật ở nhà làm nội trợ”. Những thứ đó không có gì xấu, nhưng tự nhiên nó làm con người tôi lại rơi vào một trạng thái khác. Tôi cảm thấy mình sống mà không còn mơ ước nữa. Lúc đó tôi mới hiểu được sống với đam mê, sống với ước mơ giá trị cỡ nào. Cuộc sống không gắn với cái gì cả, sống không bằng chết, nhạt nhẽo lắm. Tôi cứ ngày ngày chờ người thân đi làm về, chờ đến kỳ lĩnh lương, chờ một ngày họ nổi hứng đưa mình đi xem phim. 

Gặp những thứ na ná giống tình yêu

Đến lúc nhận ra cuộc sống như địa ngục, tôi bắt đầu lang thang đi tìm tiếng nói bên trong mình, con người của mình. Trong quá trình tìm kiếm, đôi lúc tôi tìm sai. Tôi gặp một người khuyên tôi làm xây dựng và họ nói sẽ giúp đỡ. Tôi cũng tưởng: “À, đường sống của mình đây rồi”. Và tôi lao vào làm vật liệu xây dựng. Tôi hùng hục đi làm và những tưởng yêu nó. Mẹ tôi còn xúc động làm bài thơ “Xây nhà không ở” tặng con gái. 

Nhưng đó chưa phải là cái mình thực sự thích. Tôi tiếp tục đi tìm và gặp gốm. Tôi cũng tưởng mình yêu gốm. Với những phát kiến sáng tạo như làm sơn mài trên gốm, tôi trở thành một trong những người đi đầu ở VN về lĩnh vực này. Tôi cũng được giới thiết kế đánh giá cao, kể cả khi về Bát Tràng rất nhiều người biết đến mình. Rồi thậm chí dát vàng, dát bạc trên gốm tôi cũng từng kinh qua.

“Giấc mơ guốc ám tôi”

Nhưng rồi những thứ đó chỉ na ná giống tình yêu. Chỉ đến khi gặp guốc tôi mới mê như điếu đổ. Tôi thấy mình như được sống dậy. Từ khi gặp cơ duyên về làm guốc cho đến ngày hôm nay (10 năm), tôi thực sự thấy mình có duyên và có phận với guốc. Tôi cho rằng chỉ có làm guốc mình mới trở thành người số 1 và không ai soán ngôi được. Tôi còn nghĩ một ngày khi ra thế giới, tôi trở thành người số 1 về đam mê guốc và làm guốc. 


Con gái chị Hoa làm người mẫu cho Guốc Việt của mẹ

Trong đầu tôi luôn lẩn quẩn những giấc mơ đó. Tôi mơ một ngày nào đó được đứng trên sàn catwalk ở những kinh đô thời trang như Milan, Paris,… Những hình ảnh ấy ám ảnh tôi kinh khủng. Nhất là khi nhà thiết kế Minh Hạnh được nước Pháp phong tặng hiệp sỹ về thiết kế cho phong cách áo dài và hoa văn dân tộc, tôi có cảm giác mình sắp nhận một cái gì đó giống thế. 

Vì lẽ đó, có thể tôi không còn cảm giác hào hứng đi nhận những giải thưởng nhỏ trong nước nữa. Tất nhiên, nếu được vinh dự nhận các giải thưởng trong nước tôi vẫn hết sức trân quý và phấn đấu. Nhưng tôi muốn nói rằng những điều đó không còn làm tôi cảm thấy khao khát mạnh mẽ nữa. Khao khát của tôi bây giờ là giành được sự tôn vinh của thế giới. Giấc mơ trong tôi đến giờ phút này đã lớn hơn rất nhiều rồi. 

Bán đồng nát báo giấy viết về mình

* Có thời gian không thấy chị nhắc đến guốc, phải chăng chị định "giã từ vũ khí"?

Đúng là có thời gian tôi định "giã từ vũ khí" vì guốc không mang lại cơm ăn, áo mặc cho tôi. Thậm chí có những lúc guốc còn làm tôi vỡ nợ. Tất nhiên tôi vỡ nợ đâu phải vì guốc, mà tôi vỡ nợ từ việc có được tiền từ guốc và đi làm việc khác. Nhưng trong lúc đó guốc không giúp tôi sống được. 

Thành thật mà nói có những năm tháng tôi định giã từ guốc. Thậm chí, tôi muốn xóa sổ tên Hoa Guốc. Khi lên mạng, thấy tờ báo nào khai thác đôi guốc kỷ lục, tình yêu văn hóa dân tộc tôi ghét cay ghét đắng. Có thời kỳ sưu tầm báo giấy cả một tập ở góc nhà, thế mà tôi đã bán hết. Tôi bán đồng nát báo giấy viết về mình được hơn 40 nghìn đồng. 


Guốc Cách Cách, một trong số mẫu Guốc Việt có từ 6 năm nhưng chưa bị đụng hàng và lỗi thời.

Sự kiện bị mất cắp đôi guốc kỷ lục ngay tại nhà khiến tôi nghĩ rằng mình đã hết duyên với guốc. Thậm chí khi ra đường, tôi không tự xưng mình là Phạm Như Hoa nữa, mà tôi nhận mình là Hoa Phạm, một nickname khác để bắt đầu một câu chuyện khác. Nhưng rồi tất cả quay trở lại, khiến tôi không thể né tránh. Nó ám nghiệp vào mình rồi. Tất cả những gì về guốc lại thôi thúc và tôi trở lại. 

CEO Guốc Việt: Kiếm tiền tỷ từ nghề xây dựng, vẫn quyết không bỏ guốc

Người đàn bà bền bỉ tiếp tục sống đời với guốc, vực dậy guốc và tới đây làm guốc bùng nổ.
Chị Phạm Như Hoa: "Tôi không đủ xinh, chân không đủ dài, mắt không đủ lúng liếng để kêu gọi đại gia. Nhưng tôi vẫn có “đại gia” cho riêng mình, đó là tất cả những ai yêu văn hóa Việt".
Với doanh thu hơn 1 tỷ đồng từ kinh doanh vật liệu xây dựng, tham vọng trở thành nữ diễn giả hàng đầu Việt Nam, song nghiệp guốc mới là 'duyên trời định', thứ ngấm vào máu chị Phạm Như Hoa, Giám đốc Công ty Hoa Anh Đạt với thương hiệu Guốc Việt. Người đàn bà bền bỉ này tiếp tục sống đời với guốc, vực dậy guốc và tới đây làm cho guốc bùng nổ.

Sống được mọi nghề trên guốc
* Chị đã từng làm gốm, làm sơn mài và nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác, vì sao guốc lôi cuốn chị?
- Một lý do duy nhất: nếu tôi làm guốc, tất cả những thứ kia vẫn nằm trên guốc của tôi. Nếu làm guốc, tôi vẫn giữ được tình yêu sơn mài trên guốc; vẫn thể hiện được tình yêu gốm trên guốc, bởi những mặt dây đeo cổ, lắc tay vẫn nằm trên quai guốc của tôi. Thậm chí, sản phẩm trang sức của những làng nghề kim hoàn vẫn được thể hiện trên đôi guốc. Tôi từng thiết kế những đôi guốc, gót quấn xung quanh bằng lá ngọc cành vàng, đá ruby để tặng những người bạn. Cho nên nói làm guốc, tôi sống được mọi nghề trên guốc là vậy.
Nhớ có lần, tôi lọ mọ lên rừng tìm những tay sặt bé xíu để về làm đồ trang trí cho guốc. Tay sặt chỉ nhỏ như hạt ké có lỗ xuyên chỉ qua được mang về tẩm sấy, nhuộm, cắt khúc thành những hạt trang trí mà không cần gia công. Không giống như pha lê, những hạt từ gỗ cây tô điểm cho chiếc guốc vẻ cổ điển, xù xì, “tây tây”, trở về với thiên nhiên rất hay. Giá trị của guốc nằm ở đó chứ không phải vì những thứ kia khó quá tôi chạy sang guốc.
* Những đôi guốc như vậy có giá bao nhiêu?
- Để có được đôi guốc đó, bạn phải trả tôi tiền triệu. Nếu tôi đã làm, mỗi đôi guốc phải lên hàng tác phẩm. Tất nhiên tôi vẫn làm những đôi guốc bình dân bán ra thị trường. Nhưng những đôi guốc để tôi tự hào với thế giới Hoa Guốc làm ra nó phải là như vậy.
*Chị đánh giá sao về tình hình kinh doanh guốc hiện nay ở VN?
“Khá nhiều người chạy theo đôi guốc của tôi”
- Nhiều làng guốc bị mai một hết. Cho nên, để duy trì được thợ, tôi vẫn phải làm hàng gia công (hàng chợ). Lúc ít khách hàng, tôi vẫn cho thiết kế mẫu, mang đi chào hàng. Nói chung công việc khá vất vả để giữ chân thợ. Tôi có ông bác đã bỏ guốc đi đóng bàn thờ vì bàn thờ bán chạy hơn guốc.

Trong gần 2 năm vừa rồi, gần như hoạt động kinh doanh guốc của tôi bị tê liệt. Tôi không làm guốc nữa do kinh tế đuối. Kinh tế đuối mà chờ thiên hạ đặt guốc của mình thì hơi khó vì đâu có ai thích guốc, yêu guốc như mình suốt ngày nghĩ ra guốc mà làm? Nếu cứ làm theo guốc hàng chợ, thị trường miền Bắc sẽ không lại được với miền Nam về quy mô và độ nhanh nhạy.
Với tham vọng làm quy mô như miền Nam, thậm chí hơn thế, tôi từng mở siêu thị guốc lớn nhất Việt Nam trên diện tích rộng 450 m2 tại Trung tâm Thương mại VKO, Giảng Võ, Hà Nội. Tôi cũng sản xuất hàng loạt và trữ hàng nghìn, hàng vạn đôi trong kho để bán buôn bán lẻ. Thế nhưng, do một tính toán sai dẫn đến bị thua lỗ, đổ bể. Nhưng khi nhiều người chạy đua theo guốc của mình, đua không được thì mới có đất để tôi quay lại và vẫn giữ vị trí số 1.
Khi những thông tin về guốc được đăng tải sau sự kiện đôi guốc kỷ lục, tôi dám nói khá nhiều người chạy theo. Nhưng những mẫu thiết kế của họ chưa thể phong phú như công ty tôi. Họ chỉ ra mắt vài mẫu thiết kế, trong khi mỗi năm tôi ra 200 mẫu guốc.
“Nói guốc không sống được là sai!”
Gần đây, một số bài báo nói guốc không sống được là sai. Bởi nhiều người lao vào hàng bình dân. Guốc chợ được bán ra với giá vài chục nghìn, trong khi chi phí thuê nhà trên phố cổ lên đến 10-20 triệu trên mấy m2, không trụ được là phải. Tôi có tất cả, từ mặt bằng đến sự sáng tạo vô bờ, nhưng đến thời điểm guốc bắt đầu được truyền thông, thị trường nước ngoài biết đến là lúc tôi đổ bể. Song bằng tư duy, vốn hiểu biết, mối quan hệ đặc biệt là tình yêu với guốc, tôi khẳng định mình sẽ thành công.
Thời gian trước tôi buộc phải làm những công việc khác để ổn định cuộc sống, trả nợ để  tiếp tục sự nghiệp. Song tiếp tục không có nghĩa là âm ỉ mà trên cơ sở những cái mình đạt được để thừa thắng xông lên.
Niềm tin mãnh liệt vào guốc
* Cơ sở nào khiến chị tin tưởng guốc sống được?
- Guốc mộc có đặc tính ưu việt mà ai cũng có thể nhận ra, đó là bền, sạch, mát, giá cả vừa phải. Guốc có thể được bán ở trung tâm chăm sóc sắc đẹp để đi trong nhà. Cùng với sự phát triển của xã hội, đôi guốc có thể kết hợp với trang phục hiện đại. 

Guốc là nguyên liệu thiên nhiên, phù hợp với xu hướng tương lai không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong phong thủy, đôi guốc mộc được tin tạo ra vượng khí,…giúp con người hài hòa. Tất cả những điều đó khiến tôi có niềm tin mãnh liệt vào guốc.
Guốc kỷ lục thức tỉnh tâm thức nhiều người

*Trong nghiệp làm guốc, kỉ niệm nào để lại cho chị ấn tượng sâu đậm nhất?
- Điều làm tôi thích thú nhất là sự kiện ra mắt đôi guốc kỷ lục tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ - Hà Nội vào năm 2006, trong khuôn khổ "Hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam", chào mừng Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC.  Khi ra mắt, đôi guốc đã thức tỉnh tâm thức nhiều người. Đôi guốc kỷ lục có độ dài 2,3m, cao 1,1m được đầu tư khá tốn kém, mất nhiều thời gian nhưng cuối cùng đã được hoàn tất. 

Thứ hai, trong tuần lễ di sản Việt Nam, hình ảnh về gian triển lãm Guốc Việt đến với bạn bè quốc tế, ít nhất là hơn 20 nước tham gia khối APEC. Những phu nhân nguyên thủ quốc gia, vợ thương gia lớn dự tiệc ở Gala Dinner Văn Miếu cũng như khách tham quan đều nhìn thấy hình ảnh đôi guốc và bắt đầu có ấn tượng và khái niệm về guốc.
*Thành tựu chị gặt hái được tính đến thời điểm này là gì?
- Cho đến thời điểm này, tôi chưa hài lòng bất cứ điều gì về guốc. Người ta biết đến tôi vì sự can đảm, vì tôi dám theo đuổi một thứ mang tính di sản đã bị mai một. Hiện chỉ còn một số ít làm nghề này, các làng nghề gốc gần như “giã từ vũ khí”.  Số còn lại tìm cách du nhập guốc từ Nhật, Hàn về. Nhiều đôi guốc chợ cũng lặp đi lặp lại dáng dấp của một vài năm trước, nhìn chung sự sáng tạo rất hạn chế. Có thể nói, thành công của tôi là làm cho thị trường guốc Việt Nam có sức sống hơn.
*Kinh tế khó khăn, chị có những biện pháp gì để duy trì và phát triển nghề guốc?
- Hiện tại, công ty, phòng mẫu Guốc Việt đều được đặt tại nhà. Kinh tế đang khó khăn, mình không nhất thiết phải làm hoành tráng, thuê mướn nhiều. Tất nhiên, khi có khách nước ngoài hẹn sang tham quan, tôi chọn giải pháp thuê văn phòng ảo để trưng bày và làm việc. Vì để có một văn phòng đẹp ở khu trung tâm, số tiền mình bỏ ra sẽ bị đánh vào đôi guốc. 

Cũng tiết lộ thêm với bạn, ngoài guốc, tôi có làm chung công ty kinh doanh vật liệu xây dựng hoàn thiện và quảng cáo với anh trai, phụ trách toàn bộ việc bán hàng đầu ra. Mỗi tháng, công việc này cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Chính xác số tiền mặt thu về từ công nợ và bán hàng bình quân 1,4-1,6 tỷ đồng. Nhưng tôi vẫn tiếp tục sống với guốc, vực dậy guốc và tới đây làm cho guốc bùng nổ.

*Chị nói rằng chị cô độc trên hành trình ‘phục hưng’ guốc. Vậy chị có ý định tìm kiếm một “đại gia” giúp sức để đẩy nhanh tốc độ đưa Guốc Việt ra thế giới?

- Tôi không đủ xinh, chân không đủ dài, mắt không đủ lúng liếng để kêu gọi đại gia. Nhưng tôi vẫn có “đại gia” cho riêng mình là tất cả những ai yêu văn hóa Việt.  Với guốc, tôi không bao giờ sợ thất bại. Bởi nó quá đẹp. Nếu Guốc Việt sống được, nhiều làng nghề sẽ sống theo nó. Hiệp hội làng nghề cũng không quá vất vả để đẩy thương hiệu Việt Nam ra thế giới. 

 *Ngoài guốc, chị còn tham vọng nào khác?

- Tôi tham vọng trở thành một Oprah Winfrey, nữ hoàng truyền thông của Việt Nam. Hàng tháng, tôi vẫn tổ chức một số chương trình giao lưu, chia sẻ. Chủ đề tâm đắc nhất và sẽ làm nên tên tuổi tôi trong lĩnh vực diễn thuyết là "Để không sống trong ảo tưởng". Tôi chưa nổi trội vì thiếu một sự thành công được ghi nhận trong lĩnh vực đó. Nhưng tôi làm gì để đạt được điều đó là một câu chuyện dài. 

 

 

Flag Counter