Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

9 điều tối kị sếp nên tránh trong cư xử với nhân viên

Là sếp nghĩa là nắm mọi quyền năng nhưng không đồng nghĩa với việc sếp có thể làm mọi thứ, bởi trong công việc và những mối quan hệ với nhân viên có những điều rất không nên mà sếp cần “thuộc nằm lòng”.

Gây áp lực bắt nhân viên phải tham dự các sự kiện của công ty
Trên thực tế, có những nhân viên không thích những mối kết giao khác ngoài quan hệ công việc. Vì thế nếu sếp khiến những nhân viên này cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài tham dự những sự kiện của công ty, ý tốt có khi lại phản tác dụng. Áp lực ở đây có thể chỉ đơn giản là câu nói “Này cậu A, bữa tiệc Giáng sinh của cơ quan không thể thiếu cậu đâu đấy.” hay “Cậu A, tôi sẽ không hài lòng đâu nếu vắng mặt cậu trong bữa tiệc cuối năm.”
Nếu sếp thực sự muốn tổ chức những sự kiện để nhân viên có cơ hội giải trí, vui chơi, hãy chọn những chủ đề mà số đông yêu thích. Chẳng hạn, trong một bữa tiệc Giáng sinh có nhiều trẻ con, hãy sắp xếp để ông già Noel góp vui hay thi thoảng tổ chức một buổi picnic tại công viên giải trí. Điều cấm kị là ép nhân viên phải có mặt bằng mọi giá bởi vô hình chung sếp đã tạo những áp lực không đáng có đối với cấp dưới.
Yêu cầu cấp dưới làm những việc sếp đã sai nhân viên khác làm
Tình huống đặt ra như sau: Sếp yêu cầu anh A hoàn thành một dự án, tuy nhiên đã đến hạn mà anh A vẫn chưa hoàn thành công việc. Vô cùng thất vọng, sếp bèn nghĩ cách bàn giao việc cho chị B vì biết công việc sẽ được hoàn thành đúng hẹn. Hành động này rất có thể khiến sếp “mất điểm” trong mắt nhân viên B vì cách cư xử chưa kín kẽ. Tốt hơn hết, hãy cứ để nhân viên A hoàn thành công việc thay vì sai khiến người nọ người kia thực hiện những nhiệm vụ dở dang.
Ép nhân viên làm từ thiện
Một trong những điều sếp không nên làm là yêu cầu nhân viên làm từ thiện, thậm chí xem đó như là một tiêu chí đánh giá cấp dưới. Hãy để việc này diễn ra một cách tự nguyện, bởi suy cho cùng sếp không nên can thiệp quá sâu vào chuyện cấp dưới sử dụng tiền bạc của họ như thế nào.
Để nhân viên “bụng rỗng” đến nơi làm việc
Nếu sếp có nhã ý mời nhân viên đi nhà hàng lúc 6 giờ tối thì đây nên là lời mời ăn tối thay vì một cuộc nhậu nhẹ linh đình. Đối với bữa ăn trưa tập thể cũng vậy. Nếu công ty tổ chức ăn trưa, đừng quên chuẩn bị đủ đồ ăn cho mọi người bởi nếu không một số người sẽ phải ra ngoài ăn, trong khi số khác lại mang đồ ăn chuẩn bị ở nhà đi khiến nơi làm việc ám mùi thức ăn và bừa bộn.
Yêu cầu nhân viên tự đánh giá bản thân
Những nhân viên hoàn thành xuất sắc công việc được giao thường thắc mắc lý do họ phải tự đánh giá bản thân, bởi sếp là người biết rõ hơn ai hết năng lực của cấp dưới. Trong khi có một thực tế trái ngược là những nhân viên yếu kém lại chẳng mấy khi đánh giá một cách trung thực khả năng làm việc của họ. Điều này có thể dẫn đến những tranh cãi không đáng có khi công ty có buổi họp đánh giá và góp ý, chưa kể còn gây lãng phí thời gian.
Yêu cầu nhân viên đánh giá đồng nghiệp
Lẽ thường đã cùng làm việc với nhau, chẳng ai muốn đánh giá không tốt về đồng nghiệp. Cứ cho là những nhận xét đó hoàn toàn bí mật thì những người khác vẫn có thể đoán ra ai nói cái gì.
Sếp phải là người hiểu rõ hơn ai hết hiệu quả công việc của nhân viên. Nếu sếp không làm được điều này, thì những đánh giá của nhân viên đối với đồng nghiệp cũng chẳng thể giúp ích gì nhiều. Thay vào đó, sếp nên chú ý và quan tâm hơn đến cấp dưới để có được những đánh giá khách quan và chính xác nhất.
Tiết lộ những thông tin cá nhân để khuyến khích làm việc tập thể
Sếp không cần phải biết tất tần tật về nhân viên, bởi nếu biết đi chăng nữa, sếp cũng không thể thay đổi được những suy nghĩ và cảm xúc sâu kín bên trong của họ. Trên thực tế, sếp chỉ có thể mong chờ từ cấp dưới khả năng làm việc ngày càng hoàn thiện hơn.
Đòi hỏi nhân viên nhắc khéo những yếu điểm
Đây là một điều hoàn toàn không nên mà các sếp nên để tâm, bởi đối với nhân viên, điều này không có ý nghĩa gì, thậm chí còn khiến sếp “mất điểm” thảm hại.
Yêu cầu nhân viên thực hiện những công việc mà sếp cũng không muốn làm
Đó có thể chỉ là những điều nhỏ nhặt như đến nơi làm việc sớm và về muộn hơn, nhưng nếu sếp không làm gương chính từ những những việc nhỏ nhất như vậy, nhân viên cũng khó lòng tâm phục khẩu phục.

Theo TTVN/Inc.

Doanh nhân làm gì để công ty có giá hơn trong mắt nhà đầu tư?

“Năm điều sau có thể nâng cao giá trị của công ty bạn một cách đáng kể”- đây là lời khẳng định của nhà đầu tư mạo hiểm Jason Trevisan.



“Khi tôi mới tập lái xe, tôi luôn bị quẹo tay lái sang trái rồi sang phải. Huấn luyện viên nói với tôi rằng chỉ cần tập trung nhìn thẳng một trăm thước về phía trước thì sẽ đỡ bị lệch tay lái đi. Ban đầu với tôi, điều đó chẳng có ý nghĩa gì bởi tôi luôn băn khoăn về những vạch vàng ngay dưới lốp xe… Nhưng sau đó lời khuyên từ huấn luyện viên của tôi thực sự có tác dụng.

Cũng giống câu chuyện về bài học lái xe của tôi, những doanh nhân có sự nghiệp kinh doanh phát đạt hay phải vùi đầu vào những cuộc chiến ngày nối ngày và quên mở rộng tầm nhìn ra phía trước.

Khi những bước đi nhanh gọn trong kinh doanh là điều cần thiết hàng ngày thì giá trị chiến lược của một công ty lại thường được tìm ra qua việc mở rộng tầm nhìn về phía trước và chắc chắn rằng mình đang đi đúng hướng.

Vậy bạn cần tập trung vào điều gì giữa quá nhiều thứ cần chú trọng? Sau đây là các bước mà những doanh nhân hàng đầu đã thực hiện. Trùng hợp thay, đó cũng là những điểm khiến các nhà đầu tư luôn đánh giá rất cao.

1. Vạch ra một chiến lược thực sự

Không đơn thuần là một bản kế hoạch,dự trù ngân sách hay tuyên bố sứ mệnh. Cũng không phải một văn bản thảo sẵn nào đó nói rằng bạn sẽ cải thiện lợi nhuận kinh doanh như thế nào. Một chiến lược thực sự- nêu rõ thị trường và khách hàng của bạn sẽ cần gì trong ba năm tới, bằng cách nào bạn sẽ phục vụ họ tốt hơn những doanh nghiệp khác, và bạn cần phải giỏi ở những khoản nào để thành công trên thị trường đó.

2. Tạo nên sự khác biệt

Trừ khi bạn là De Beers, còn không thì bạn luôn có đối thủ cạnh tranh. Trong khi sự canh tranh vẫn đang là đề tài nóng hổi cho nhiều cuộc tranh luận gay gắt, thì có một điều chắc chắn rằng: bạn cần trở nên khác biệt với các đối thủ cạnh tranh của mình. Hãy biết thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng theo một cách riêng để làm đòn bẩy cho vị thế của mình trên thị trường.

3. Có một đặc trưng thương hiệu riêng

Là nhà kinh doanh nhỏ, bạn sẽ không thể phân bổ hết ngân sách cho một nhãn hàng vào những quảng cáo trên tivi, nhưng bạn có thể chủ động lồng ghép thông điệp, sản phẩm, văn hoá, biểu trưng, thiệp cá nhân hay chiến lược xã hội vào với nhau. Tất cả phải cùng hướng về một đặc trưng thương hiệu thống nhất và duy nhất.

4. Giữ chân khách hàng

Có lẽ chìa khoá quan trọng nhất đối với các công ty là việc giữ chân khách hàng, và cụ thể hơn là phải duy trì được doanh thu. Hãy khắc cốt ghi tâm điều này và có những kế hoạch hiệu quả.

5. Hiểu rõ toàn bộ thị trường hiện có

Nắm bắt cơ hội chỉ đơn thuần là bước mở đầu. Bước 2, bạn phải chắc chắn cho mình một lối đi trên thị trường và tìm cách mở rộng quy mô thông qua số lượng sản phẩm và phạm vi phân phối. Bước 3 là có một chiến lược để thu hút đầu tư.

Ngẫm nghĩ về những bài học thường bị lãng quên trên đây không hề là một việc lãng phí thời giờ. Và bạn sẽ thấy sự nghiệp kinh doanh của mình trở nên tập trung hơn và ít lệch hướng hơn.



Theo TTVN/Inc
Flag Counter