Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Có ý tưởng tiếp thị tốt là nắm chắc thành công

Theo Martha Guidry - người đứng đầu một tổ chức chuyên giúp các doanh nghiệp phát triển ý tưởng tiếp thị cho rằng: đằng sau những nhãn hiệu, sản phẩm hay dịch vụ thành công là những ý tưởng tiếp thị đầy sức mạnh.

Ý tưởng tiếp thị là gì? Theo Guidry, nói một cách ngắn gọn, đó là những nhận thức về lợi ích mà khách hàng mục tiêu tin rằng họ sẽ nhận được khi mua sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.
Larry Huston của Procter & Gamble đã từng định nghĩa về ý tưởng hồi thập niên 1980 như sau: Thước đo chính xác nhất của một ý tưởng định vị nhãn hiệu là tính giản đơn của nó. Khi thể hiện ý tưởng này với người tiêu dùng, chúng ta cần phải trả lời câu hỏi của họ “Tại sao tôi nên mua hàng của anh?” một cách thật rõ ràng, có cơ sở vững chắc, có sức thuyết phục và giàu cảm xúc.

Có hai loại ý tưởng tiếp thị cơ bản là dựa trên đặc tính cốt lõi của sản phẩm hay dịch vụ (gọi là ý tưởng cốt lõi) và đề cao những lợi ích của sản phẩm hay dịch vụ bằng cách tác động vào một niềm tin của khách hàng và đưa ra một hoàn cảnh liên quan đến ý tưởng đó (gọi là ý tưởng định vị).

Doanh nghiệp cần phải có ý tưởng định vị để tạo nên sự khác biệt giữa mình với các đối thủ cạnh tranh.

Nếu không chủ động để phát triển ý tưởng này, khách hàng mục tiêu hoặc đối thủ cạnh tranh sẽ chính là những người định vị cho nhãn hiệu của doanh nghiệp, mà lại thường theo cách mà doanh nghiệp không muốn thể hiện.

Có thể minh họa cho hai loại ý tưởng trên qua ví dụ của nhãn hiệu sữa hữu cơ My Farm. Ý tưởng cốt lõi của nhãn hiệu này là một loại sữa chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng và có nguồn gốc tự nhiên.

Nhưng điều đó thì cũng bình thường như bao nhãn hiệu sữa hữu cơ khác mà khách hàng không quá quan tâm vì đó là… sữa! Trong khi đó, ý tưởng định vị đề cập đến một lợi ích cụ thể, thể hiện qua câu khẩu hiệu “My Farm giúp các bà mẹ an tâm trong chăm sóc trẻ”.

Ý tưởng này tác động đến tâm lý của các bà mẹ tìm loại sữa giúp mình thực hiện thiên chức làm mẹ một cách tốt hơn.

Nếu My Farm không truyền đạt ý tưởng tiếp thị đó đến khách hàng, các nhà sản xuất sữa thông thường có thể cho rằng sữa đó đắt tiền mà không có gì đặc biệt so với chi phí mà người tiêu dùng phải bỏ ra.

Vậy nên chọn lựa ý tưởng tiếp thị nào đây? Câu trả lời sẽ là chỉ ra cho khách hàng họ có lợi ích gì khi sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.

Theo Guidry, một ý tưởng tiếp thị định vị muốn có hiệu quả như ý thì cần phải hội đủ ba yếu tố cơ bản, bao gồm nội dung, ngôn ngữ và tính liên quan.

Nội dung của ý tưởng tiếp thị phải chuyển tải được điều gì có ý nghĩa, ví dụ có giúp khách hàng giải quyết một vấn đề hay khó khăn nào của họ không, có nêu rõ được những lý do vì sao sản phẩm hay dịch vụ ấy đem lại lợi ích thực sự cho khách hàng?

Ngôn ngữ của ý tưởng phải thích hợp với khách hàng mục tiêu.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thường mắc sai lầm khi phát triển một ý tưởng là tuyên truyền về ý tưởng đó theo một loại ngôn ngữ có vẻ như nhắm tới các chủ doanh nghiệp hay các khách hàng cao cấp nào đó, chứ không phải những khách hàng đang thật sự cần sản phẩm hay dịch vụ của mình.

Ngôn ngữ nên chú trọng đến tính hướng ngoại chứ không phải nói về mình hoặc sử dụng thuật ngữ mang nặng tính chuyên môn.

Tính liên quan đến khách hàng mục tiêu và sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh phải được thể hiện trong ý tưởng.

Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp bán dầu gội đầu và chỉ đơn thuần nói ra rằng khách hàng sẽ có một mái tóc sạch gàu thì sản phẩm đó chưa thể hấp dẫn được mấy ai, nhưng nếu thể hiện ý tưởng đem lại cho khách hàng mái tóc khỏe, bóng mượt và rạng rỡ thì rõ ràng, doanh nghiệp đã chạm đến một lợi ích mà nhiều khách hàng đang mong muốn.

Khi đã phát triển được ý tưởng tiếp thị có sức mạnh, doanh nghiệp cần phải chuyển hóa nó thành một câu khẩu hiệu (slogan) hay thông điệp dễ nhớ, có khả năng tác động đến cảm xúc của khách hàng.

Những câu khẩu hiệu như Hallmark, When You Care Enough to Send the Very Best (tạm dịch: Hallmark sẽ giúp bạn gửi đi những điều tốt đẹp nhất) hay Disney, Where Dreams Come True (Disney, nơi những ước mơ trở thành hiện thực)… chính là “xương sống” của một khái niệm tiếp thị (tức phần “hồn”) đã được phát triển trước đó.

Câu khẩu hiệu sẽ được sử dụng trong các chương trình quảng cáo, quan hệ công chúng (PR), các hoạt động bán hàng, khuyến mãi, truyền thông xã hội.

Phát triển một ý tưởng tiếp thị có sức mạnh và chuyển tải nó thành câu khẩu hiệu đầy ấn tượng đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư không ít thời gian và công sức, nhưng nỗ lực ấy chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp đi đến thành công nhanh hơn.


 Doanhnhansaigon/MarketingProfs

Lời khuyên từ Mark Cuban: Những doanh nghiệp mới nên tự tổ chức hoạt động PR !

Liệu bạn có dám đánh đổi số tiền dùng để trang trải mọi chi phí hoạt động nhằm giúp công ty sống sót thêm 1 tháng hoặc chí ít là 1 tuần với việc thuê 1 nhân viên PR ?

Mark Cuban là một doanh nhân, một nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ. Ông là chủ của đội bóng rổ nhà nghề Dallas Mavericks, hãng phim Magnolia và chủ tịch công ty cáp viễn thông HDNet.
Trong năm 2011, ông vừa xuất bản cuốn e-book “How to Win at the Sport of Business” kể về những trải nghiệm kinh doanh trong đời mình, thu hút được rất nhiều độc giả quan tâm. Hãy lắng nghe những chia sẻ của nhà doanh nghiệp này về chủ đề “Thuê 1 công ty PR có phải là lựa chọn đúng đắn của những công ty mới khởi nghiệp”

Tôi đã có 1 chuỗi các bài viết về vai trò của những nhân viên PR xuất sắc tại các doanh nghiệp. Thực sự tôi không phủ nhận đóng góp của các nhân viên PR cho những công ty mới khởi nghiệp, nhưng khi xem xét 1 cách tổng thế, những đóng góp đó có vẻ không tương xứng với những thứ các doanh nghiệp này có thể phải đánh đổi.
Vấn đề đầu tiên đối với việc thuê 1 công ty PR là vấn đề chi phí. Những doanh nghiệp mới luôn trong tình trạng thiếu tiền mặt. Liệu bạn có dám đánh đổi việc dùng tiền trang trải cho mọi hoạt động của mình nhằm giúp công ty sống sót thêm 1 tháng hoặc chí ít là 1 tuần với việc thuê 1 nhân viên PR ? Tôi sẽ chọn phương án đầu tiên.
Vấn đề kế tiếp là thời gian. Những người làm PR tuy có khả năng kết giao tuyệt vời, đăng những bài báo đúng nơi đúng lúc nhưng họ lại không có khả năng nhìn thấu hết mọi vấn đề. Họ không hiểu hết những giá trị cốt lõi, điểm mạnh, điểm yếu của một công ty mới khới nghiệp để tạo dựng 1 hình ảnh hiệu quả tới các phương tiện thông tin đại chúng, tới các đối tác, khách hàng, nhân viên tiềm năng và có thể là những nhà đầu tư tương lai. Thậm chí ngay cả bản thân những cá nhân khởi nghiệp cũng không nắm rõ những tiêu chí này của công ty mình vừa gây dựng. Để có được hình ảnh quảng bá tốt ra công chúng, bạn không những phải bỏ thời gian tiếp xúc với nhân viên PR định thuê mà còn mất thêm thời gian đào tạo họ ứng xử trước các nhóm công chúng khác nhau của công ty. Đây quả là khoảng thời gian không hề nhỏ, hệ quả của việc có quá nhiều cuộc gặp mặt..
Mặt khác, khoảng thời gian đó có thể được sử dụng để kết nối trực tiếp với các cơ quan truyền thông mà bạn muốn quảng bá hình ảnh hoặc tận dụng khoảng thời gian này để gây dựng những mối quan hệ trực tiếp với các cơ quan báo chí.
Về điểm này, 1 chuyên gia PR có thể tranh cãi và hỏi xem liệu hình ảnh công ty mới của bạn có thể đến được với bao nhiêu kênh truyền thông? Và họ khẳng định sẽ chẳng có cách nào giúp các công ty nhỏ có thể thu hút được sự chú ý của công chúng. Nếu bạn là một doanh nhân mới khởi nghiệp và suy nghĩ sai lầm rằng cần thiết phải xuất hiện trên những tờ báo như Letterman hay Good Morning America thì mới thể hiện được hình ảnh một công ty thành công, vậy có lẽ nhận định của vị chuyên gia PR kia là đúng. Nhưng thực tế, đa số những công ty mới khởi nghiệp (đặc biệt là những công ty liên quan tới công nghệ) lại thu được những lợi ích truyền thông từ những nhà đài địa phương. Những tổ chức này luôn tìm kiếm những câu chuyện mới để viết và họ rất muốn lắng nghe những thông tin từ những công ty mới khởi nghiệp..
Bạn muốn gửi một bức thư tới nhà đài địa phương nhằm sắp xếp một buổi quảng bá ra công chúng hoặc viết một bài báo đề cao hình ảnh công ty và bạn mong nhận được phản hồi ? Chìa khoá để nhận được lời phúc đáp như ý muốn là hãy viết thư sao cho ngắn gọn, ngọt ngào, hơi có chút nói quá đồng thời tập trung vào trọng điểm. Bạn cần phải thể hiện sự khác biệt độc đáo của công ty trong đoạn viết. Dưới đây là 1 bức thư mẫu có thể tham khảo:
Tiêu đề: Hệ thống theo dõi giao thông
Kính gửi: Báo Công nghiệp và Bất động sản
Tôi vô cùng mong muốn được kể cho các ngài nghe về motionloft.com. Chúng tôi đã phát triển một hệ thống cảm biến hiện đại có thể gắn bên hông các toà nhà nhằm theo dõi chính xác số lượng người cũng như phương tiện qua lại. Motionloft đang được những ông chủ các toà nhà tại San Fransisco và New York sử dụng, phục vụ trong việc cho thuê các địa điểm kinh doanh. Họ dùng thiết bị của chúng tôi để chỉ cho những người thuê tiềm năng thấy chính xác lưu lượng người đi bộ đi ngang qua cửa hàng, từ đó người thuê có thể quyết định thời gian hợp lý để mở hàng, đóng cửa cũng như đưa ra những chương trình và sản phẩm đặc biệt.
Chúng tôi đã có một trường hợp đã vận dụng thành công và rất muốn chia sẻ với các ngài: Một người đã quyết định thuê một cửa hàng mặt phố, dưa trên những số liệu từ thiết bị cũng như dữ liệu cung cấp bởi motionloft.com, ông ta đã đi ngược lại lối suy nghĩ thông thương và mở cửa hàng….vào buổi trưa, kết quả kinh doanh thu được quả thực rất khả quan!
Nếu các ngài muốn tìm hiểu nhiều hơn về motionloft.com cũng như có thêm những thông tin để thoả mãn độc giả của các ngài, hãy cứ liên hệ với tôi !
Chúc các ngài sức khoẻ
Mark
Một bức thư đơn giản, tập trung vào điểm chính, khá hoàn hảo, và đương nhiên sẽ có hiệu quả tốt. Lưu ý rằng chúng ta không bao giờ được sử dụng những từ như “tốt nhất, lớn nhất, nhanh nhất” hoặc thêm vào những lời khoác lác, những hành động này sẽ xoá xổ hình ảnh bạn khỏi công chúng. Điều quan trọng nhất của bức email là thu hút sự chú ý của những nhà báo, những người làm truyền thông bằng cách chỉ ra những thứ bạn tin rằng độc giả của họ sẽ chú ý. Giúp những người viết và họ sẽ giúp lại bạn !
Hãy nhớ rằng đó chỉ là bước đầu tiên trong việc phát triển một mối liên hệ trực tiếp với một người làm truyền thông, Những người làm truyền thông không chỉ là nguồn đưa thông tin quý giá của công ty bạn mà họ còn có vai trò như một nguồn thông phong phú. Nếu bạn phát triển mối quan hệ này vững chắc, họ sẽ vui vẻ thực hiện những bài so sánh bạn với những công ty khác đồng thời kể cho bạn nghe những phản hồi họ thu được từ bên ngoài về công ty bạn. Kiến thức là sức mạnh !
Không phải ai cũng sẵn sàng trả lời thư. Nhưng chỉ cần bạn luôn thể hiện mình trong tâm thế sẵn sàng cũng như giao tiếp bên ngoài với phong cách ngắn gọn, khúc chiết, đơn giản, bạn đã tự thu hút được sự chú ý của nhiều người. Và đừng ngạc nhiên hay quá sung sướng khi một nhân vật nổi tiếng hoặc một khách hàng giàu có nào đó nhắc đến tên công ty bạn tại những sự kiện lớn trước công chúng.
Bạn cũng có thể hỏi các khác hàng hoặc bất kỳ đối tác nào xem họ có những mối quan hệ với giới truyền thông không và hỏi xin một buổi giới thiệu. Thậm chí họ có thể có những nhân viên PR trong đội ngũ nhân sự và ngỏ ý muốn hợp tác cùng bạn. PR cũng có nét tương đồng với một quy trình bán hàng tiêu chuẩn: Bạn đều cần phải chủ động đánh tiếng.  .
Quay trở lại vấn đề những doanh nghiệp mới có nên thuê các công ty quan hệ công chúng? Ok, bạn có thể đạt đuợc những kết quả tương tự như đã đề cập ở trên với 1 công ty PR bên ngoài. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng bạn hoàn toàn có khả năng tự làm được các công việc đó với những mối quan hệ được xây dựng trực tiếp và không cần lãng phí cho việc thuê những trung gian. Những đồng tiền tiết kiệm được từ việc không thuê các công ty PR có thể giúp doanh nghiệp nhỏ của bạn tồn tại và phát triển lớn mạnh sau này.

Theo TTVN/Businessinsider
Flag Counter