Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Tiền không quan trọng bằng thái độ đối với tiền

Chăm lo cho con cái ngay cả khi chúng đã trưởng thành vốn là đạo lý của người Việt Nam. Tuy nhiên, việc chăm lo “quá đáng” về mặt vật chất, tiền bạc là con dao hai lưỡi mà có khi hại nhiều hơn lợi.

Ngoài việc dạy trẻ có nhận thức đúng về giá trị của tiền trong cuộc đời thì người lớn cũng phải dạy trẻ nhận thức tích cực về kiếm tiền và sử dụng tiền.
“Một người thành công là người phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Sự thử thách, khó khăn là cơ hội rất tốt để con người khám phá chính mình và vượt lên chính mình. Vì vậy, ngoài việc dạy trẻ có nhận thức đúng về giá trị của tiền trong cuộc đời thì người lớn cũng phải dạy trẻ nhận thức tích cực về kiếm tiền và sử dụng tiền” – Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, giảng viên trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt nói về cách dạy trẻ ứng xử với tiền.
PV: Liên quan đến việc gần đây nhiều “đại gia” có những cách sử dụng đồng tiền đối với con cái rất phô trương, trong đó đặc biệt là đám cưới con của “đại gia phố núi”, xin thạc sĩ cho biết ý kiến về hiện tượng này?
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu: Nhận thức - thái độ - hành xử của con người chịu ảnh hưởng bởi gia đình, nhà trường, cộng đồng, thể chế chính trị và văn hóa. Vì vậy, nếu dư luận ở các nước khác “miễn nhiễm” khi chứng kiến những đám cưới sang trọng, tốn kém của giới “siêu giàu” hoặc các gia đình nổi tiếng thì với văn hóa, thói quen nhận thức của người Việt, dư luận thiên về không đồng tình, phản đối, lên án việc một “đại gia phố núi” tổ chức đám cưới rầm rộ cho con trai cũng là chuyện bình thường của tâm lý con người.

Vị “đại gia” này có phân trần rằng, bà làm vậy là để bù đắp cho con cái vì lúc trẻ bà ta đã để con thiếu thốn tình cảm mà lao đi kiếm tiền. Theo thạc sĩ, cách nghĩ, cách giải thích này có chấp nhận được?
Tâm lý bù đắp cho con trẻ khi mà người lớn không có nhiều thời gian, sự quan tâm, thương yêu dành cho con là có thật. Mục tiêu của sự bù đắp thực chất là để giúp người lớn giảm bớt cảm giác xấu hổ, mặc cảm khi không làm tròn nhiệm vụ với con trẻ. Với sự bù đắp này, con trẻ là đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, sự bù đắp cho con trẻ nhiều khi lại chính là sự khỏa lấp cho thiếu hụt của bố mẹ. Đây là một hiện tượng tâm lý phức tạp có liên quan đến quá khứ, tuổi thơ, những thăng trầm trong cuộc đời của một con người. Vì vậy, khó có thể phân định đúng - sai, chấp nhận hay không chấp nhận nếu không có sự thấu hiểu về người trong cuộc.

Ngoài việc dạy trẻ có nhận thức đúng về giá trị của tiền trong cuộc đời thì người lớn cũng phải dạy trẻ nhận thức tích cực về kiếm tiền và sử dụng tiền.
Là một chuyên gia về tâm lý, theo Thạc sĩ, cách suy nghĩ, cách hành động của các “đại gia” này sẽ tác động đến con cái như thế nào trong hiện tại cũng như tương lai?
Nếu sự bù đắp có quan tâm đến nhu cầu thực sự của trẻ thì điều đó sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Ngược lại, sự bù đắp có thể khiến trẻ dễ bị sa lầy vào những tệ nạn của xã hội khi người lớn chỉ biết dùng vật chất bù đắp cho sự thiếu hụt tinh thần.

Hiện nay, có nhiều người cho rằng, khi còn sức khỏe thì cần phải lao động cật lực để kiếm tiền lo cho tương lai của con cái, suy nghĩ của Thạc sĩ về quan điểm này như thế nào?
Vật chất, tiền bạc chỉ là phương tiện quan trọng để con người chạm đến thành công – hạnh phúc nhưng nhận thức tích cực về vật chất, tiền bạc mới là yếu tố quyết định. Vì vậy, bên cạnh việc kiếm tiền để lo cho tương lai của con, người lớn cần dành thời gian quan tâm đến nhu cầu tinh thần cũng như giáo dục trẻ thái độ nhận thức tích cực đối với vật chất, tiền bạc vì sự đủ đầy vật chất có thể khiến trẻ mất đi khả năng tự lập, thiếu động lực phát triển bản thân.

Phải chăng, chính quan điểm của một số người lớn về tiền bạc đã vô hình chung tạo cho đứa trẻ sức ép cần phải kiếm tiền bằng mọi cách ngay từ khi còn rất ít tuổi, thậm chí dẫn đến phạm tội ác để có tiền?
Thái độ nhận thức đối với việc kiếm tiền và sử dụng tiền của trẻ chịu ảnh hưởng bởi việc kiếm tiền và sử dụng tiền của người lớn quan trọng trong gia đình. Vì vậy, nếu trẻ có nhận thức lệch về kiếm tiền và sử dụng tiền thì người lớn trong gia đình không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Cho nên, ngoài việc dạy trẻ có nhận thức đúng về giá trị của tiền trong cuộc đời thì người lớn cũng phải dạy trẻ nhận thức tích cực về kiếm tiền và sử dụng tiền.

Từ những hiện tượng này, thạc sĩ có lời khuyên nào dành cho các bậc làm cha mẹ trong cách giáo dục con về đồng tiền?
Một người thành công là người phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Sự thử thách, khó khăn là cơ hội rất tốt để con người khám phá chính mình và vượt lên chính mình. Vì vậy, để vừa tạo động lực cho trẻ phấn đấu tự lực kiếm sống, vừa để chúng không quá coi trọng đồng tiền mà có những hành động sai lầm, bố mẹ hãy dành thời gian rèn luyện khả năng tự lập cho trẻ, tạo điều kiện để trẻ khám phá bản thân, khám phá thế giới và không tiết kiệm lời khen khi trẻ làm đúng, làm tốt.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Thạc sĩ!


Vnmedia

Giúp con cái "khởi nghiệp" từ thuở nhỏ

Để những đứa bé biết trân trọng đồng tiền chúng kiếm được trong tương lai, đừng “cách ly” chúng với tiền từ thuở nhỏ hoặc gắn vào đầu chúng ý nghĩ “tiền là không tốt”

Bắt đầu một công việc kinh doanh là cách tuyệt vời để giúp con trẻ trở nên tự tin, đi đôi với việc dạy chúng cách quản lý tiền bạc và kỹ năng ra quyết định. Một “doanh nhân thiếu niên” người Anh tên là Henry Miller đã làm và bán mật ong nguyên chất tại cửa hàng do cậu tự xây dựng mang tên Henry Humdinger. Cậu quan điểm rằng điều hành một công việc kinh doanh là một cách rất tốt để thể hiện sự trưởng thành của mình. Henry nói “Bạn cần phải trở nên cuốn hút, sáng tạo và nhạy bén.”

Để những đứa bé biết trân trọng đồng tiền chúng kiếm được trong tương lai, đừng “cách ly” chúng với tiền từ thuở nhỏ hoặc gắn vào đầu chúng ý nghĩ “tiền là không tốt”. Thay vào đó, bằng những cách linh hoạt khác nhau, hãy để con trẻ làm quen với cách kiếm tiền và sử dụng tiền từ khi bạn cảm thấy chúng đã có đủ nhận thức. Dưới đây là một vài ý tưởng kinh doanh cho trẻ nhỏ mà các gia đình phương Tây thường áp dụng.

Mở cửa hàng nhỏ
                           

Những đứa bé có thể chính là những doanh nhân bẩm sinh. Hãy tìm hiểu xem chúng có niềm đam mê đặc biệt nào và cố gắng biến niềm vui thú đó trở thành ý tưởng kinh doanh. Có thể con bạn yêu thích đọc sách, vậy hãy cùng chúng xây dựng một quầy sách nho nhỏ. Nếu con bạn thích mô hình hiệu tạp hoá, nhằm tận dụng những đồ cũ trong gia đình hay nhà bạn bè, hàng xóm, hãy cùng con  đến tham quan những cửa hiệu tương tự tại địa phương. Bạn có thể đưa cho con một số tiền giới hạn để chúng quyết định mua vài thứ và rồi cho chúng tự quyết định sẽ bán lại những thứ đó ra sao để thu về nhiều lợi nhuận nhất. Với sự bảo trợ của cha mẹ, những đứa con hoàn toàn có thể thực hiện công việc kinh doanh trên Internet, bán những đồ vật không được sử dụng nữa tại những quầy hàng online trên Etsy hay eBay.

Phục vụ trong Gallery

          


Hãy thử tổ chức vài buổi trưng bày nghệ thuật nghiệp dư cùng hàng xóm, bè bạn hay họ hàng, để những đứa con có thể phục vụ đồ ăn nhẹ cũng như tập bán những tác phẩm nghệ thuật không chuyên, Thậm chí những đứa trẻ có thể tập bán hoa giấy, đồ trang trí tự làm,  những chiếc hộp đựng đồ nhỏ xinh hay những tấm thiếp cảm ơn. Bất kể là tác phẩm tranh vẽ hay đồ thủ công, điều quan trọng là những đứa trẻ đã thực sự đưa nét cá nhân của chúng vào sản phẩm. Và nếu những đồ vật này được những vị khách hào hứng đón mua, đó sẽ là niềm hân hoan lớn đối với đứa bé.

Chăm sóc thú nuôi

            

Đây là ý tưởng kinh doanh hay cho những đứa trẻ đã có tầm nhận thức nhất định và yêu thương động vật. Những thiếu niên này có thể nâng cao tinh thần trách nhiệm cùng cảm xúc yêu thương thông qua việc chơi đùa và chăm sóc những người bạn hoang dã này. Nếu bạn nghĩ con cái mình đã sẵn sàng, hãy thử liên hệ với người hàng xóm thân quen để đề nghị được cho đứa bé nhận công việc dắt chó đi dạo. Những công việc trên là những trải nghiệm tuyệt vời cho con trẻ và hỗ trợ rất tốt cho những việc trong tương lai như chăm sóc trẻ con hay quản gia.

Gói quà

                         

Mở một quầy gói quà trong các dịp lễ và kỳ nghỉ là một ý tưởng rất hay. Hãy cho phép những đứa bé tự do chọn lựa các loại giấy gói, ruy-băng và tự mở một quầy bọc quà bé bé trước nhà. Các bậc cha mẹ cần đảm bảo là con cái có thể gói quà với những kiểu dáng và kích cỡ khác nhau. Để mở rộng công việc kinh doanh, con bạn có thể muốn tự tay làm những món quà handmade, những tấm thiệp hay thậm chí là cả dịch vụ giao quà tận nhà. Gắn thêm những bánh xà phòng hoặc gói bim bim vào giỏ quà như một phần khuyến mại cũng là một cách khá thông minh và thú vị. Gói quà giúp trẻ em luyện tập tính khéo léo, biết cách kiếm đồng tiền khi gần đến các dịp lê (giống với việc nắm bắt cơ hội kinh doanh), đồng thời giúp chúng làm quen với khái niệm khởi nghiệp.

Chăm sóc vườn
             
Đây là công việc tốt để trẻ em tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Trẻ em có thể nhặt lá rụng, dọn dẹp vườn cây hay nhổ cỏ. Công việc này có thể tiến hành theo mùa vụ hoặc kéo dài cả năm, đứa trẻ cũng có thể dọn tuyết vào mùa đông. Hãy khoanh vùng để đứa bé dễ dàng làm việc cũng như liên hệ với hàng xóm để chúng có thêm nhiều “khách hàng”. Điều quan trọng là con trẻ sẽ biết cách trân trọng những đồng tiền chúng được trả do mồ hôi công sức mình bỏ ra.
Thái Dương
Theo TTVN/Foxbusiness
Flag Counter