Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Cụ Đỗ Thế Sử - Doanh nhân 90 tuổi và 11 người con thành đạt

Ở tuổi 90, cụ vẫn điều hành công ty và nuôi dạy những người con thành đạt như ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch DOJI, ông Đỗ Anh Tú - TGĐ Diana, ông Đỗ Tất Cường - GĐ Chuyên môn Bệnh viện Vinmec...


Cụ Đỗ Thế Sử và cụ bà Nguyễn Kim Phương.

Đã bước sang phía bên kia triền dốc, cụ Đỗ Thế Sử vẫn quyết định thành lập doanh nghiệp, làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phát triển Xuất khẩu May mặc; cụ bà là Nguyễn Kim Phương, 75 tuổi làm Giám đốc. Tuy nhiên, gia tài lớn mà các cụ có được không phải lợi nhuận nhiều tỉ đồng từ Công ty của mình mà là 11 người con đều thành đạt…

Sinh năm 1923, quê xã Chu Minh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, ngày xưa cụ Đỗ Thế Sử là đại biểu HĐND Khoá I tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Cụ tham gia học lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên, từng là Ủy viên Mặt trận Liên Việt huyện, làm Chủ tịch xã, rồi cán bộ tuyên huấn của Tỉnh ủy Hà Tây cũ. Năm 1965, cụ bà đột ngột ngã bệnh qua đời, người con lớn của cụ học lớp 10, còn con bé mới lên hai tuổi. Hoàn cảnh gia đình éo le, cụ đứng trước sự lựa chọn giữa công việc và chín người con. Sau rất nhiều đắn đo suy nghĩ, cuối cùng cụ viết đơn xin nghỉ việc.

Cụ kể: “Nghỉ việc, lại vừa làm cha, vừa làm mẹ thì làm gì để sống? Ngày tháng dài, tôi quên mình đi để nuôi con. Ban ngày lao động, tối về bảo các con ngồi thành hai bàn dài để dạy học. Thương và nghe lời bố, các con đều cố gắng học thật giỏi. Ngoài giờ học, các con lớn còn giúp bố nấu cơm, trông em, đi lấy cây chuối, hái rau nuôi lợn. Đêm ngủ, tôi thường phải soi đèn đếm chân xem có đủ Chín đứa con không”.

Thấy nhiều việc đơn giản mà những đứa trẻ có thể làm được, cụ Đỗ Thế Sử thành lập HTX thủ công chuyên làm văn phòng phẩm, thành viên là người trong gia đình và vài người hàng xóm. Ngày ngày, công việc của các anh chị lớn là xén giấy, em nhỏ thì gập, dán những chiếc bằng tốt nghiệp, huân, huy chương và đóng sổ sách các loại…

Đầu những năm 60 thế kỉ trước, để có thêm kiến thức dạy các con, cụ vào học tại chức ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và là người học giỏi nhất lớp. Học được ba năm, do đau yếu nên cụ xin nghỉ. Có lần, một ông Giám đốc công an nhận các con cụ làm con nuôi và ngỏ ý cho chúng đi nước ngoài học nhưng cụ không đồng ý vì nghĩ rằng, chúng cần cụ ở bên cạnh để dạy dỗ, chỉ bảo.

Vậy là, suốt 15 năm vật lộn nuôi dạy các con, đến khi người con út 17 tuổi, học ngoại ngữ để ra nước ngoài thì cụ tục huyền. Cụ nói: “Khi tục huyền, tôi bảo các con: Bố đã đứng vậy suốt 15 năm qua và bố vẫn có thể đứng tiếp những năm còn lại nhưng bố phải lấy một người có thể làm mẹ về cho các con, còn nếu lấy vợ cho bố thì bố lấy từ lâu rồi. Bà ấy (cụ Nguyễn Kim Phương) đã về với bố con tôi. Nhiều người can bà ấy đừng dại dột về sống với người đàn ông có chín đứa con. Nhưng bà ấy không nản mà vẫn quyết tâm, sau đó chúng tôi sinh thêm một con trai nữa. Trước đó, bà Phương đã có một con, thế là tổng cộng tôi có 11 người con. Các con tôi rất yêu quý và kính trọng mẹ kế, làm cái gì chúng cũng hỏi bà ấy chứ đâu có hỏi tôi”.

Các con cụ Sử đều tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm, Bách khoa, Y khoa ở trong nước và nước ngoài như Cộng hòa Séc, Hoa Kỳ… và sau này nhiều người có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ. Đến nay, người con trai cả của cụ là Đại tá, Kĩ sư Đỗ Thái Tùng đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang làm việc cho một công ty lớn ở Hà Nội. Con trai thứ hai là Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), hiện nay là Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 5 sao Vinmec (thuộc Tập đoàn Vingroup). Người con trai thứ ba là Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Tiên Phong liên doanh với Nhật. Người con thứ tư là Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Tắc-xi Hà Nội. Người con thứ năm là Đỗ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt. Người con thứ sáu là Đỗ Anh Tú, Tổng Giám đốc Công ty Diana và người con trai thứ bảy là Đỗ Khôi Nguyên, Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ.

Bốn người con gái của cụ, ai cũng giỏi giang, vừa tham gia lãnh đạo các công ty lớn, lại là những người con hiếu thảo trong gia đình.

Vừa làm cha, vừa làm mẹ trong nhiều năm, cụ đã nuôi dạy những người con của mình chu toàn theo đạo làm người, cách cư xử với vợ, chồng, với gia đình nội ngoại và ứng xử trong xã hội. Nghe lời cha và sống hiếu thuận nên 11 người con của cụ đều thành đạt, có cuộc sống hạnh phúc.

Cụ Đỗ Thế Sử hiện đã có 34 cháu nội ngoại và 15 chắt. Các cháu lớn của cụ khi học hết phổ thông đều học đại học và sau đại học ở nước ngoài, nay đều làm lãnh đạo hoặc làm việc ở các công ty lớn trong và ngoài nước

Trong sản xuất kinh doanh, do từng làm nhiều công việc khác nhau, trong đó có ngành vải sợi nên cụ có kinh nghiệm về lĩnh vực may mặc. Từ việc thu mua sản phẩm ở các công ty lớn rồi xuất đi nước ngoài, năm 1999 cụ cùng vợ thành lập Công ty Phát triển Xuất nhập khẩu May mặc để tự sản xuất quần áo bán cho các nước ở Đông Âu. Cách đây năm năm, hai cụ chuyển Công ty từ 352 đường Giải Phóng về cơ sở mới diện tích 1.500 m2 ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội; còn hai xưởng phụ gồm một ở TP Phủ Lý một ở huyện Ba Vì, mỗi xưởng có gần 100 công nhân. Hai cụ sống cùng ba người con trai ở ngõ Bà Triệu. Ngày ngày, hai cụ đều xuống công ty làm việc và mỗi tuần 2 - 3 lần xuống Phủ Lý hoặc về Ba Vì để kiểm tra sản phẩm.

Nhiều năm qua, cụ Sử còn tự học tiếng Anh và tiếng Trung để tiện giao dịch với khách hàng nước ngoài bởi sản phẩm của Công ty chủ yếu là xuất khẩu. Ở tuổi 90, khi làm việc với người nước ngoài, cụ luôn tính nhẩm trong đầu không cần máy tính và gần như thuộc lòng số điện thoại di động của tất cả các con, của nhiều người và các đối tác mà không nhầm lẫn. Không chỉ mang việc làm về cho lao động địa phương, cụ và gia đình còn công đức gần như toàn bộ để trùng tu hai ngôi chùa tặng xã Chu Minh (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) trong đó một ngôi chùa được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia.

Ghi nhận những đóng góp trong 50 năm làm doanh nghiệp của cụ Đỗ Thế Sử, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng cụ Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Ở tuổi 90, cụ Đỗ Thế Sử vẫn còn khoẻ mạnh và hoạt bát. Cụ rất tự hào với những người con của mình và thường nói với các con: “Bố vẫn có thể nuôi được các con, chứ không cần các con phải nuôi bố”.


Nguồn: Người cao tuổi

Doanh nghiệp gia đình: Hổ phụ sinh...

“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, ở đây xin nói đến việc khởi nghiệp và lưu truyền cơ nghiệp. Khởi nghiệp khó nhưng giữ vững cơ nghiệp và lưu truyền đến thế hệ nối tiếp cũng khó khăn vô cùng.


Ông Trịnh Chí Cường (ngoài cùng bên trái), Tổng giám đốc Công ty CP Đại Đồng Tiến trong chương trình Nâng cao năng lực lãnh đạo cấp cao do GIBC và UCLA tổ chức. Công ty Đại Đồng Tiến và cá nhân nhà quản lý thế hệ kế thừa này đã phải đối mặt và vượt qua những thử thách về mối quan hệ thứ bậc gia đình trong quá trình hậu chuyển giao

Theo một thống kê không chính thức của Viện nghiên cứu kinh tế gia đình của Mỹ (Family Business Institute), dưới 10% doanh nghiệp gia đình thành công trong việc truyền cơ nghiệp đến thế hệ thứ ba. Thực tế mà nói, rất nhiều doanh nghiệp gia đình tại châu Á còn không thể giữ vững và lụi tàn ngay trong thế hệ thứ hai sau khi người khởi nghiệp mất đi hoặc không đủ sức khỏe đứng mũi chịu sào.
Vận hội mới, thử thách mới

Nhìn lại chặng đường đổi mới đất nước Việt Nam đã đi qua hơn 25 năm đem lại những thành công đáng kể cho rất nhiều công ty gia đình.

Dù chưa được nghiên cứu đầy đủ, một điều dễ nhận thấy rằng các doanh nghiệp tư nhân, mà phần đông là các doanh nghiệp gia đình đã đang đóng góp một phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển đất nước.
Nhìn qua các mã blue-chip tạo nên chỉ số VN-Index trên sàn HoSE, ta dễ dàng tìm ra những người chủ của các doanh nghiệp trên tham gia điều hành đều xuất phát từ quan hệ gia đình, cụ thể như anh em nhà họ Phạm trong lĩnh vực bất động sản, các thành viên gia đình họ Đặng trong lĩnh vực ngân hàng, anh em nhà họ Đặng khu công nghiệp Tân Tạo.

Hội nhập toàn cầu mở ra cơ hội phát triển doanh nghiệp chưa từng có tiền lệ, cũng những cơ hội đầu tư đa dạng hóa, cổ phần hóa, tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

Nhưng, ngược lại, chính điều đó cũng đem đến không ít rủi ro tiềm ẩn sự xuất hiện cạnh tranh của các đối thủ mới, khả năng bị thâu tóm (hostile takeover) và sáp nhập (acquisition).

Và từ đó, bắt đầu phát sinh những thử thách quan trọng đối với các doanh nghiệp trong gia đình đã được các nhà nghiên cứu thế giới đúc kết.

Các mâu thuẫn trong gia đình

Gần đây nhất là câu chuyện chủ tịch của Tập đoàn Samsung Electronics, ông Lee Kun-hee hiện là người giàu nhất Hàn Quốc với tổng tài sản 9,3 tỉ USD.

Không chỉ riêng mình Lee Kun-hee, mà toàn bộ anh chị em của ông này cũng giàu không kém, đưa tên tuổi nhà họ Lee góp phần trong danh sách những gia đình giàu nhất châu Á.
Tuy nhiên, ông Lee Kun-hee đang bị chính những người anh chị của mình đưa ra tòa trong một cuộc chiến tranh giành tài sản, với trị giá lên tới hàng trăm triệu USD.
Dù là vì lý do gì đi nữa, mâu thuẫn nội bộ các thành viên trong gia đình sẽ sinh ra bè phái trong công ty, tạo ra môi trường không lành mạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.

Nâng đỡ vì máu mủ

Quản lý gia đình là vấn đề nhạy cảm, nhưng đừng quên rằng doanh nghiệp gia đình sẽ khó bền vững nếu được xây dựng trên việc nâng đỡ máu mủ, người thân.

Thuê mướn, thăng chức và trả lương dựa trên quan hệ gia đình gần xa, mà không dựa trên thành tích công việc hay khả năng là điều tối kỵ.
Không sớm thì muộn, các nhân viên trong công ty sẽ mất lòng tin vào người chủ, họ cũng đánh mất đi động lực để phấn đấu, năng suất lao động sẽ giảm sút đáng kể.

Cân bằng trong ứng xử gia đình - công việc


Quá câu nệ thứ bậc gia đình trong điều hành quản lý doanh nghiệp, điều đó tạo hình ảnh người chủ bạc nhược yếu kém trước mặt thuộc cấp và với khách hàng, và nghiêm trọng hơn nữa ảnh hưởng đến khả năng đưa ra các quyết định quan trọng trong những thời điểm nhạy cảm.

Mặt khác, nếu người chủ tỏ ra cứng rắn, có thể bị hiểu lầm là lạnh lùng và khó gần. Cứng nhắc với các thành viên gia đình (family employee) dễ làm tổn thương mối quan hệ trong gia đình.
Điều cần nhất là xác định sự cân bằng về cảm xúc cần thiết dựa trên sự năng động của môi trường kinh doanh của bạn.

Mất các nhân viên không thuộc gia đình


Có hai lý do các doanh nghiệp thường gặp khó trong việc giữ chân nhân viên không phải là thành viên gia đình: cơ hội thăng tiến hạn chế và các xung đột gia đình. Hầu hết các nhân viên muốn thăng tiến trong công ty.
Thật không may, trong hầu hết các doanh nghiệp gia đình thường cũng hạn chế cơ hội thăng tiến, vì các thành viên gia đình chiếm tất cả các vị trí lãnh đạo trong công ty.
Nếu không có cơ hội để thăng tiến hoặc về vai trò lãnh đạo, nhân viên tài năng và đầy tham vọng sẽ khó gắn bó lâu dài.

Là một chủ doanh nghiệp, bạn cần phải nhận ra rằng mỗi doanh nghiệp phát triển cần nguồn nhân lực dồi dào. Những nhân viên không thuộc gia đình mang lại yếu tố cân bằng cho tổ chức vì lẽ họ đánh giá hiệu quả kinh doanh không dựa trên tình cảm.

Không nhận ra tác động tích cực của các nhân viên không thuộc thành viên gia đình là một sai lầm rất lớn.

Hổ phụ sinh… khuyển tử

Trở lại chuyện “cha truyền con nối”, lịch sử của nước Việt Nam ta cũng đủ chứng tỏ rằng chuyện vua cha truyền cho con không phải là một việc đơn giản.

Vua Lê Đại Hành, vị vua mở đầu cho nhà Tiền Lê của lịch sử Việt Nam và là người đã oai hùng phá Tống, đã để lại ngôi vua cho con là ông vua nổi tiếng bạo ngược nhất trong lịch sử Việt Nam - Lê Long Ðĩnh.
Triều Lý do tướng quân hào kiệt Lý Công Uẩn lập nên cũng được coi là một thời đại vàng son hoa gấm của dân tộc, nhưng theo chế độ cha truyền con nối để rồi cuối cùng đến tay Lý Chiêu Hoàng thơ dại, yếu đuối và sau cùng mất vào tay nhà Trần.
Triều đại nhà Hậu Lê do Lê Lợi sáng lập nên sau khi trải qua 10 năm gian khổ đánh giặc Minh, đã để lại một hậu duệ là một ông vua bị nguyền rủa muôn đời là Lê Chiêu Thống, mang một vết nhơ “cõng rắn cắn gà nhà” không bao giờ rửa sạch.

Đánh giá đúng thực lực và chọn thời điểm chuyển giao thích hợp sẽ mãi là nỗi trăn trở của các doanh nghiệp gia đình và các bậc doanh nhân khởi nghiệp, và cũng là trăn trở chung của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển sắp tới.

“Sếp” ở nhà và “sếp” ở công ty

Chưa đến 30 tuổi, Trịnh Chí Cường được đặt vào ghế Tổng giám đốc của Công ty nhựa Đại Đồng Tiến. Chàng con trai cả của người sáng lập công ty này đã phải trải qua nhiều chuyện “nhức cái đầu” khi xung quanh mình toàn là những người mình gọi bằng chú, bằng bác, vì đã theo cha anh lập nghiệp từng mấy mươi năm trước.

Và dù là Tổng giám đốc, Trịnh Chí Cường vẫn không nắm trọn quyền vì rất nhiều “người cũ” thích “đi cửa sau” với ông chủ tịch để giải quyết mọi thứ theo lề lối cũ, nhanh và thuận lợi hơn, dù quy định mới đã có rất rõ ràng.

Cường cho biết, chỉ mỗi một chuyện tưởng chừng nhỏ xíu, là cách xưng hô, cũng phải mất khá nhiều thời gian để giải quyết.

Cuối cùng, anh ra phương án: ba mẹ thì gọi bằng “sếp”, còn mọi người trong công ty, cho dù là cô dì chú bác gì cũng đều xưng tôi là tôi và các anh chị.
Và anh không giấu cảm giác khó khăn khi phải làm quen và để mọi người làm quen với một nề nếp mới như thế trong công ty, bắt đầu từ cách xưng hô.


Theo NGUYỄN BỬU KHÔI 
Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Công ty GIBC 
Doanh nhân Sài Gòn
Flag Counter