Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Chuyện cổ tích cô bé mồ côi bên bờ sông Hậu


TP - “Ba tôi hy sinh khi tôi còn nhỏ, tên Diệu Hiền là do nhà sư đặt cho” – chị Phạm Thị Diệu Hiền bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy trong một buổi trưa nắng gió tại trụ sở Cty cổ phần Thủy sản Bình An bên bờ sông Hậu mênh mang.
Chị Phạm Thị Diệu Hiền giới thiệu quy trình sản xuất với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi tới thăm Nhà máy thủy sản Bình An
“Tôi quê ở Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang, ba má là cán bộ cách mạng. Năm 1961, sinh tôi ra, má đành gửi vào một ngôi chùa ở miền Đông Nam Bộ. Bà nội lặn lội lên xin tôi về gửi cho người cô ruột thứ năm nuôi dưỡng. Cô là bà mẹ thứ hai của tôi nên tôi gọi  má Năm.
Ngày đó, vùng Long Mỹ là “vùng trắng” cực kỳ ác liệt, địch càn quét, lùng sục, bắt bớ liên miên. Nhà má Năm bao nhiêu lần bị địch đốt, phá. Má lôi tôi xuống chiếc xuồng cũ nát bơi đi lênh đênh nay đây, mai đó.
Tôi không thể nào quên được những lần hai má con đói mềm ruột, người ướt nhèm, sũng nước mưa giữa cánh đồng mênh mông nước, hun hút sóng trắng nhấp nhô. Tôi nói ao ước thành tiếng: “Má ơi, ước gì mình có căn nhà để ở…”.
Má Năm đưa tay kéo khăn rằn nhè nhẹ chặn nước mắt ngân ngấn. Căn nhà tôi ước không cần to đẹp mà chỉ cần đông đủ ba má, anh chị em vui vầy bên mâm cơm chiều tỏa khói… Ngày đất nước thanh bình, xóm làng vui đón người thân trở về nhưng cha tôi mãi mãi nằm lại chiến trường miền Đông năm 1970
Từ rừng sâu
Học xong lớp 12, Diệu Hiền xin vào làm cơ quan nhà nước và học thêm khóa kế toán trưởng, Cao đẳng Ngoại thương. Rồi chị lập gia đình. Đồng lương thời bao cấp vốn đã eo hẹp vì hai vợ chồng làm cơ quan nhà nước nay càng eo hẹp hơn khi sinh con trai đầu lòng.
Chị chấp nhận “hy sinh” xin nghỉ việc để chồng yên tâm phấn đấu trước sự ngỡ ngàng, tiếc nuối của bạn bè, bà con. Lãnh đạo cơ quan cũng rất tiếc và khuyên chị hãy ở lại làm việc vì bản thân gia đình có truyền thống cách mạng.
Chị tâm sự: “Không ruộng, không vườn tôi cũng giật mình trước sự “liều” của mình và nhiều đêm thức trắng. Nhưng tôi đã quyết: Phải tiến lên bằng chính sức mình! Sau khi khảo sát thị trường tôi bàn với chồng bán nữ trang làm đồ gỗ gia dụng. Dù ngỡ ngàng nhưng anh cũng đồng ý”.
Xưởng mộc nhỏ ra đời và nhờ tính tình xởi lởi cùng  hàng “không đụng ai” nên đồ của chị bán rất chạy, nhiều người tìm đến đặt mua hàng.
Năm 1989, chị sinh thêm cô bé Bình An với mong mỏi cuộc sống gia đình phát triển trong sự bình an chung của xã hội và giao việc xưởng cho người thân trông coi. Rồi họ làm mất khách hàng, nợ nần chồng chất, xưởng mộc ngưng sản xuất. Chị úp mặt xuống gối mà khóc ròng.
Nhưng chẳng có gì có thể quật ngã được người phụ nữ này. Chị bàn với chồng việc: lên Tây Nguyên “làm gỗ” dù lúc ấy con lớn mới 3 tuổi, con nhỏ chưa đầy năm.
“Tôi quyết đi, dù chưa hình dung được Tây Nguyên là thế nào? Khi thấy đường dốc trơn trượt, muỗi mòng như trấu rồi vượn hú, chim kêu não nề… thực tâm tôi cũng nản.
Rồi con trai bị sốt rét, chạy chữa mãi mới tạm bớt thì bé Bình An đổ bệnh ốm tong teo. Cả nhà phải ăn cơm với rau rừng qua ngày. Nếu cứ kiểu này thì chết, tôi về quê vay mượn lãi suất cao được 10 cây vàng để quay lại rừng”.
Trong một chuyến gỗ về xuôi, xe đang chạy trên đèo Phượng Hoàng thì mất thắng, lao xuống vun vút. Chị ôm chặt con trai vào lòng, thầm khấn Trời, Phật. Rầm! Chiếc xe ngã ngang, nằm chông chênh cạnh vách đá. Hai mẹ con thoát chết, thất thần về Thủ Đức tạm nghỉ trong tiệm rửa xe.
Nhìn những vòi nước làm trôi đi bùn đất bám trên xe, lại nhìn đống gỗ lấm lem, một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu chị, chị bừng tỉnh: Phải rửa chúng cho sạch sẽ để có giá hơn. Vậy là đống gỗ được rửa sạch trong sự hoài nghi của cánh thợ: “chưa ai rửa gỗ bao giờ!”.
Loại gỗ chị mua là gỗ thứ phẩm, do mốc meo nên giá rẻ, sau khi rửa sạch, mẫu mã gỗ tốt hiện ra nguyên vẹn, chở về đến vựa bán giá chính phẩm lãi lên nhiều lần. Cách làm sáng tạo này đã trở thành bí quyết riêng của chị và cứ thế, đồng vốn tăng lên hàng trăm lần…
Chị rời Tây Nguyên trở về làm lại xưởng mộc, mua thêm máy móc, tuyển thêm thợ giỏi. Những sản phẩm đồ gỗ uy tín tiếp tục ra đời và có những hợp đồng giá hàng tỷ đồng đóng bàn ghế với ngành giáo dục.
...Ra biển lớn
Năm 1992, chị mua một miếng đất ở TPHCM dự tính về đó ở để con cái được học hành đàng hoàng. Lúc này chồng chị được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường nghiệp vụ GTVT Hậu Giang (cũ) đóng tại Sóc Trăng. Một lần nữa, vì sự nghiệp của chồng, chị và các con theo anh về Sóc Trăng.
Năm 1996, chị thành lập DNTN Diệu Hiền tại Sóc Trăng với ngành nghề sản xuất kinh doanh đa dạng hơn. Khởi đầu lĩnh vực xây dựng, chị mua 10 ha đất xây dựng Khu văn hóa du lịch Bình An – khu du lịch sinh thái đầu tiên ở ĐBSCL - được mọc lên từ sình lầy.
Ngày khánh thành, hàng chục ngàn người đã chen nhau về vui chơi ở khu này khiến chị rưng rưng nước mắt. “Muốn phát triển doanh nghiệp thì cần có tri thức làm nền tảng” vì thế dù công việc sản xuất kinh doanh bận rộn nhưng chị vẫn đi học Đại học Kinh tế tại chức.
Năm 2003, chị tiên phong làm Khu đô thị mới Nam Cần Thơ. Cty TNHHXDTM Diệu Hiền được thành lập và trúng thầu xây dựng các công trình nhà xưởng thuộc Cục Kỹ thuật Quân khu 9. Chị được nhiều người biết đến như là một phụ nữ năng động, thành đạt, giàu có nhưng vẫn nặng tâm tư: Vì sao người dân vùng sông nước Cửu Long vẫn nghèo, phụ nữ còn nhiều cơ cực?
“Kinh doanh địa ốc giúp tôi thành tỷ phú, giúp nhiều người lao động có việc làm. Rồi chợt nhớ câu “làm giàu phải dựa vào nguồn nước” tôi bừng tỉnh: nuôi trồng thủy sản, xuất khẩu thì mới giúp phụ nữ thoát nghèo!” - Chị tâm sự:
Nghĩ là làm. Chị xắn quần sang cồn Tân An Thạnh, huyện Bình Minh, Vĩnh Long – đối diện với Cần Thơ bởi con sông Hậu - tìm hiểu việc nuôi cá, chế biến cá tra xuất khẩu. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm philê chất lượng cao, chị mua 40 ha đất cồn làm vùng nguyên liệu.
Chị nhanh chóng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản Bình An ở khu công nghiệp Trà Nóc II –đối diện vùng nguyên liệu – khiến nhiều người  thán phục. Nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu nối nhau bởi thênh thang, mênh mang sông Hậu đúng là vị trí đắc địa.
Điều này giúp chị chủ động nguyên liệu (mỗi năm cung ứng 16.000 tấn cá nguyên liệu). Một lợi thế nữa tiết kiệm cho Cty rất nhiều công vận chuyển cá nguyên liệu khi cá xuất ao chỉ qua  một con sông là cập cảng nhà máy. Với quy trình khép kín từ con giống, nuôi trồng, chế biến. Chị đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng xưởng chế biến phụ phẩm 300 tấn/ngày ngay gần nhà máy thành thức ăn công nghiệp chăn nuôi.
Ngạc nhiên và bất ngờ trước dự án được đầu tư hoàn hảo, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Seth Dwinnick khi tham quan nhà máy chế biến thủy sản Bình An (tháng 7/2006) đã thốt lên: “Việt Nam rất cần có những dự án đầu tư bài bản, tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm như thế này”.
Dẫn chúng tôi thăm nhà máy chị vui vẻ: “Nhà máy có tổng diện tích 3,3 ha, có 2 xưởng với công suất 400 tấn nguyên liệu/ngày. Xưởng chế biến rộng trên 10.000m2 được đầu tư các dàn ngưng tụ, máy phân cỡ, máy lạng da, máy nén, băng chuyền IQF, máy cấp đông, dây chuyền chế biến tự động… do các hãng nổi tiếng của Nhật, Mỹ, Đức, Bỉ, Pháp sản xuất và hệ thống xử lý nước thải hợp chuẩn, thân thiện với môi trường”.
Nhà máy giống như công viên bởi sự hài hòa giữa các tiểu công viên với các loại bonsai tạo cho người lao động có cảm giác thoải mái. Công trình ấy được đầu tư 30 triệu USD, mới hơn 6 tháng đi vào sản xuất Cty đã ký được hàng trăm hợp đồng có giá trị, đây là những bước thành công của chị khi chủ động tham dự các Hội chợ thủy sản quốc tế.
Hiện sản phẩm của nhà máy chủ yếu xuất vào thị trường châu Âu và Hoa Kỳ. 6 tháng đầu năm nay lợi nhuận của Cty là 21 tỷ đồng, dự tính cả năm lãi ròng là 50- 60 tỷ đồng.
Và mở rộng vòng tay
Ngày 13/10/2004 – ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, Phạm Thị Diệu Hiền là nữ doanh nhân duy nhất của vùng sông nước Cửu Long có mặt. Cảm động và trân trọng công sức của các cháu học sinh tiểu học Hà Nội đã làm ra tấm thiếp có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chị đã ủng hộ 500 triệu đồng vào Quỹ vì người nghèo.
Hằng năm, ngày 30 Tết âm lịch vợ chồng chị đều đến bệnh viện tặng quà, chia sẻ với hàng trăm người kém may mắn. Người phụ nữ mồ côi khi xưa đã giúp bao người phụ nữ khác và gia đình họ ấm lòng mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Khi hỏi chuyện, chị không nói về việc ủng hộ 10 tỷ đồng cho người nghèo hay người dân vùng bị thiên tai mà chỉ nhắc lại một câu của mẹ chị: “Muốn thành sự nghiệp con phải cho nhiều hơn nhận”. Đấy cũng là lý giải cho những chuyến đi làm từ thiện của chị.
“Điều gì trong năm nay khiến chị cảm động nhất?”. Ngưng lại một chút nén xúc động, chị trầm giọng: “Đó là chuyến thăm đầu năm - mồng 4 Tết - của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân.
Tôi thực sự xúc động và ấm lòng bởi những lời chúc tốt đẹp của Thủ tướng dành cho lãnh đạo cũng như chị em công nhân trong nhà máy, tiếp thêm cho Cty sức mạnh tinh thần. Vinh dự ấy càng ý nghĩa hơn trong những ngày đầu năm mới “vạn sự tốt lành” đối với nhà máy thủy sản Bình An”.
Đến nay, thương hiệu Bình An đã xuất hiện nhiều nơi trên thị trường quốc tế và nhờ đó công nhân của chị nhiều người đã giàu có, người nuôi cá bán cho nhà máy đã có nhà lầu, xe ôtô. Cô bé mồ côi Diệu Hiền năm xưa đã là người phụ nữ thành đạt ngày nay – một câu chuyện cổ tích có hậu bên dòng sông Hậu. 




Tiền Phong ( Ngày 19/8/2007)



Hành trình làm rạng danh cói Việt của nữ doanh nhân quê lúa



Giờ đây, những sản phẩm làm từ cói của chị Phạm Thị Ngắn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn trở thành thương hiệu có tên tuổi ở thị trường nhiều nước.


 
  Chị Phạm Thị Ngắn - Ảnh Chinhphu.vn
Với niềm đam mê nghề làm cói, chị Phạm Thị Ngắn ở xã Tây An (huyện Tiền Hải, Thái Bình) đã làm sống lại một làng nghề truyền thống và tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động.

“Hồi sinh” làng nghề

Khi chúng tôi về thăm Doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An của chị Phạm Thị Ngắn thì bắt gặp hàng chục công nhân đang hối hả đóng gói sản phẩm để chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản. Không ai bảo ai, mỗi người mỗi công đoạn làm việc một cách thuần thục, nhịp nhàng.

Ngược lên phía văn phòng, chị Ngắn đang cặm cụi bên đống sổ sách. Thấy khách đến chơi, chị vừa nhanh tay pha ấm trà, vừa hồ hởi mở đầu câu chuyện bằng những con số đầy ấn tượng.

“Chỉ trong vòng hai tháng đầu năm nay, tôi đã xuất khẩu được khoảng 20 tấn sản phẩm sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Italia. Riêng doanh thu tháng 1 đạt 5 tỷ đồng. Đơn dặt hàng được ký liên tục, hơn 7.000 lao động không lo thiếu việc làm”.

Cứ được một lúc, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với chị lại phải ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của khách hàng trong và ngoài nước.

Cách đây 30 năm, làng nghề làm cói truyền thống nơi chị sinh sống ngày càng đi xuống do khó tiêu thụ sản phẩm.

Người dân không còn mặn mà với nghề làm cói, tìm cách ly hương đi làm thuê khắp nơi. Những nghệ nhân cao niên trong làng không giấu nổi ánh mắt lo lắng, lắc đầu chán nản.

“Bao đêm tôi trăn trở, phải làm cách nào đó để khôi phục lại làng nghề truyền thống. Mình phải làm giàu từ chính nghề làm cói mà ông cha đã để lại từ bao đời nay”, chị Ngắn nói.

Năm 1996, chị đã bắt đầu khởi động những bước đi đầu tiên mang tính “đột phá” và “mạnh mẽ” với mong muốn làm sống lại làng nghề. Trên chiếc xe đạp cũ kĩ, chị lóc cóc một mình đến các chợ đầu mối trong tỉnh, rồi ngược lên các trung tâm thương mại ở Hà Nội để tìm hiểu thị trường, sưu tầm những mẫu sản phẩm mà khách hàng đang ưa chuộng.

Về nhà, chị sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, cách tân kiểu dáng, thêm họa tiết hoa văn vào các sản phẩm cói. Thế rồi, trên chiếc xe đã hoen rỉ bởi thời gian, chị lại cần mẫn mang các mặt hàng của mình đến giới thiệu tại các của hàng, trung tâm thương mại ở Thái Bình, Hà Nội.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của chị cũng đã được trả công xứng đáng. Hơn một năm trời đi quảng bá sản phẩm, chị đã vỡ òa trong hạnh phúc khi nhận được đơn đặt hàng đầu tiên với số lượng hơn 20.000 sản phẩm.

Thành công ban đầu đó không làm người phụ nữ quê lúa giàu tâm huyết với làng nghề truyền thống cảm thấy hài lòng. Chị quyết định tiến thêm bước nữa. Chị đem các các mặt hàng cói của mình vượt hàng nghìn cây số để chào bán ở thị trường một số nước Châu Âu như Thụy Điển, Na Uy..

Cứ như thế, sản phẩm cói truyền thống của chị không chỉ được ưa chuộng trong nước mà con bay xa ra người lãnh thổ, vươn đến phương trời Tây. Đến nay, các mặt hàng của chị đã được bầy bán trong các siêu thị, cửa hàng ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc… Mỗi năm, chị xuất ra nước ngoài khoảng nửa triệu mặt hàng cói các loại.

Hơn 15 năm lăn lộn với nghề cói, chị đã đem lại “sức sống mới” cho làng nghề truyền thống quê hương. Giờ đây, nghề làm cói xuất khẩu không chỉ phát triển ở xã Tây An mà còn mở rộng ra khắp tỉnh Thái Bình.

Riêng năm 2011, chị đạt tổng doang thu gót 20 tỷ đồng. Tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động trong tỉnh Thái Bình và hơn 1.000 người ở Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương.
Dạy nghề cho lao động nông thôn

Công nhân đang làm việc tại Doanh nghiệp của chị Ngắn

Chị Ngắn cho biết, chị vốn sinh ra từ làng quê. Chị lớn lên cũng nhờ cây lúa, của khoai. Cũng bởi lẽ đó, chị luôn tâm niệm phải làm điều gì đó cho quê hương. Cái tâm của chị lúc nào cũng hướng về người nông dân.

Nhận thấy nghề làm cói xuất khẩu phù hợp với lao động nông thôn, nhất là các chị em phụ nữ, chị nảy ra ý định mở lớp dạy nghề cho bà con. Chính quyền địa phương đã nhiệt tình ủng hộ sáng kiến của chị. Ngay từ năm 2002, những lớp dạy nghề đầu tiên đã khai giảng ở xã Tây An.

Mới đầu các lớp dạy nghề chỉ mở ở xã Tây An, dần dần lan tỏa ra khắp huyện Tiền Hải, rồi mở rộng ra toàn tỉnh Thái Bình. Tính đến nay, chị đã dạy nghề làm cói xuất khẩu cho khoảng 10.000 lao động nông thôn toàn tỉnh Thái Bình.

Không dừng lại ở đó, những lớp dạy nghề của chị còn lan sang cả các tỉnh lân cận như Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên. Và kết quả là hơn 1.000 nông dân đã có thêm nghề mới.

Sau khi dạy nghề xong, chị mang nguyên liệu đến tận nơi cho người lao động sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Cứ như thế, gần 10 năm qua, chị đã tạo thêm việc làm cho hơn 7.000 nông dân tỉnh Thái Bình. Chưa kể số lao động ở tỉnh ngoài.

Đặc biệt, cũng từ những lớp dạy nghề này mà hàng trăm người khuyết tật đã có một nghề trong tay để kiếm sống, giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Nhìn những người công nhân vốn là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn đang hăng say làm việc trong kho xưởng của mình, chị bảo: “Tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo thật nhiều việc làm cho bà con nông dân”.

Năm 2005, chị được chọn là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Chị còn được Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen.

Theo Dân trí
Flag Counter