Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Nền tảng vững chắc cho một nhãn hiệu mạnh


Doanh nghiệp trẻ phải xem xây dựng nhãn hiệu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và dành cho nó sự quan tâm thích đáng.
Khi mới khởi nghiệp, hầu hết các chủ doanh nghiệp thường tập trung mọi sức lực cho việc huy động vốn để phát triển sản phẩm, ít đầu tư xây dựng nhãn hiệu vì nghĩ rằng việc ấy vừa phức tạp, vừa tốn kém. Trong khi đó, các chuyên gia tiếp thị đã đúc kết kinh nghiệm thực tế để đưa ra lời khuyên rằng doanh nghiệp trẻ phải xem xây dựng nhãn hiệu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và dành cho nó sự quan tâm thích đáng.

Doanh nghiệp có thể sở hữu một sản phẩm mới, thậm chí đi tiên phong nhờ tính sáng tạo cao, nhưng nếu không tạo được một nền tảng vững chắc để truyền bá giá trị này đến với thị trường thì khó có thể tiến xa được. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia giúp các doanh nghiệp trẻ xây dựng một nhãn hiệu vững chắc ngay từ đầu.

Xác định một giá trị khác biệt

Không ít công ty mới thành lập gặp khó khăn trong việc làm cho các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng hiểu được những giá trị đằng sau các sản phẩm hay dịch vụ mới của mình. Họ cho rằng bản thân ý tưởng mới tự nó sẽ thuyết phục được mọi người.

Kết quả là họ gặp thất bại khi không kể được những câu chuyện có sức thu hút, lý giải vì sao sản phẩm hay dịch vụ của mình có sự khác biệt và đem lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng.

Mục đích cốt lõi của chiến lược xây dựng nhãn hiệu chính là định vị cho nhãn hiệu, thể hiện được những giá trị khác biệt của nó mà doanh nghiệp muốn khách hàng mục tiêu của mình quan tâm. Hằng năm có rất nhiều doanh nghiệp mới ra đời, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ mới, nhưng trong đó rất ít sản phẩm hay dịch vụ có sự khác biệt về cơ bản so với những gì đã và đang có trên thị trường.

Vì vậy, doanh nghiệp cần phải xác định được giá trị khác biệt của mình ngay từ khi mới thành lập.

Vẫn biết các doanh nhân trẻ phải làm việc với cường độ rất cao trong một thời gian dài khi mới khởi nghiệp, nhưng các chuyên gia khuyên rằng không nên vì lý do đó mà quên mất việc xác định giá trị cho nhãn hiệu của doanh nghiệp mình. Khi xác định được một giá trị khác biệt và được khách hàng mục tiêu đánh giá cao, doanh nghiệp sẽ có được một lợi thế cạnh tranh trên thị trường và từ đó có thể định giá cao hơn cho sản phẩm hay dịch vụ của mình.

Chiến lược nhãn hiệu không phải là chuỗi hoạt động tiếp thị

Các doanh nhân trẻ thường cho rằng thực hiện một hoạt động tiếp thị cũng là một cố gắng xây dựng nhãn hiệu. Trên thực tế, đây là hai vấn đề khác nhau, nhưng có liên quan với nhau.

Phát triển một chiến lược nhãn hiệu là xác định những giá trị cốt lõi trong sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp muốn đem ra thị trường. Trong khi đó, tiếp thị là quá trình chuyển tải một số thông điệp nhất định đến khách hàng mục tiêu thông qua các kênh truyền thông khác nhau.

Chiến lược nhãn hiệu chính là kim chỉ nam định hướng cho mọi hoạt động, chương trình, kế hoạch tiếp thị. Những hoạt động này sẽ chẳng có tác dụng hay không tạo ra được hiệu quả nếu không bám theo những giá trị cốt lõi của nhãn hiệu. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ sử dụng lãng phí nguồn ngân sách vốn đã hạn hẹp trong giai đoạn khởi nghiệp.

Để xây dựng một chiến lược nhãn hiệu phù hợp và có chất lượng, doanh nghiệp cần phải trang bị đầy đủ những hiểu biết nhất định về khách hàng và thị trường mục tiêu, đồng thời phải vận dụng cả tư duy sáng tạo. Trong khi đó, để làm tiếp thị hiệu quả, thứ mà doanh nghiệp cần nhất là vốn. Càng có nhiều vốn, doanh nghiệp càng có thể sử dụng nhiều kênh truyền thông và quảng bá khác nhau.

Bắt đầu bằng một tên gọi tốt

Theo thời gian, một doanh nghiệp trẻ sẽ trưởng thành, có thêm nhiều khách hàng trung thành, tạo được quan hệ tin tưởng với khách hàng và khẳng định được uy tín nhất định trên thị trường. Giá trị tài sản của doanh nghiệp cũng theo đó mà tăng lên.

Tất cả những điều tốt đẹp ấy sẽ diễn ra hiệu quả hơn nếu doanh nghiệp khởi đầu với một tên gọi thích hợp và sớm được khách hàng yêu thích. Có thể nói, tên gọi nhãn hiệu sẽ là một tài sản vô cùng có giá trị đối với doanh nghiệp sau này vì khi đã có uy tín thì nó có vị trí rõ ràng trong tâm trí người tiêu dùng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, một nhãn hiệu tốt cho một doanh nghiệp mới thành lập cần phải hội đủ ba yếu tố quan trọng sau đây:

1. Đặc điểm nhận diện nhãn hiệu. Đây chính là yếu tố cơ bản nhất của một nhãn hiệu. Nó trả lời cho câu hỏi “Doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu là ai?” và thường được thể hiện qua các biểu tượng (logo), ngôn ngữ, văn hóa, hình ảnh của doanh nghiệp.

2. Lời hứa của nhãn hiệu. Đó là những lợi ích mà doanh nghiệp muốn đem đến cho khách hàng, trả lời cho câu hỏi “Doanh nghiệp cung cấp gì mà không phải ai cũng có thể làm được như vậy?”. Những lời hứa của nhãn hiệu phải dựa trên các tính năng, các lợi ích về cảm xúc và lý trí mà khách hàng nhận được từ nhãn hiệu.

3. Trải nghiệm về nhãn hiệu. Đó là những trải nghiệm thực tế mà khách hàng có được trong quá trình tương tác với doanh nghiệp. Yếu tố này trả lời cho câu hỏi “Doanh nghiệp thực hiện lời hứa của mình như thế nào?”.

Những trải nghiệm của khách hàng về nhãn hiệu sẽ được tạo ra chính từ sản phẩm và cách doanh nghiệp đem sản phẩm (hay dịch vụ) của mình đến với khách hàng thông qua yếu tố con người và các kênh bán hàng.

Về nguyên tắc, các doanh nghiệp cần phải thiết kế nội dung của ba yếu tố trên để tạo ra một nhãn hiệu vững chắc ngay từ khi mới khởi nghiệp. Điều quan trọng nhất khi thiết kế ba nội dung này là phải làm cho chúng hài hòa, nhất quán với nhau trong tâm trí của khách hàng mục tiêu khi họ liên tưởng đến nhãn hiệu.

Tóm lại, doanh nghiệp trẻ cần cân nhắc kỹ trước khi trình làng nhãn hiệu lúc khởi nghiệp. Thực tế cho thấy, những nhãn hiệu có sức thu hút nhất thường là những nhãn hiệu đơn giản nhất, thể hiện những giá trị rõ ràng và ấn tượng nhất.

Theo Nhất Nguyên
Doanh nhân Sài Gòn/PullInc

Phương châm quản lý của nhà sáng lập 7-Eleven Nhật


Suzuki tốt nghiệp trường Đại học Chuo và làm việc ở Tohan Corp. trước khi gia nhập Công ty Ito-Yokado vào năm 1963. Tại Ito-Yokado, ông được bổ nhiệm vào bộ phận quản lý mặc dù không có chút kinh nghiệm gì về kinh doanh.
Có thể gọi Hirofumi Suzuki (trái) là "người sáng lập" 7-Eleven Japan


Suzuki đã thương lượng với Southland Ice (công ty sáng lập thương hiệu 7-Eleven) để họ liên kết với Ito-Yokado tại thị trường Nhật, và rồi giữ vai trò điều hành việc quản lý 7-Eleven Nhật từ khi thành lập cho đến nay.
Ông thường nói rằng nền tảng cơ bản của việc quản lý là một sự “đáp ứng nhu cầu thay đổi” và “tự cải tổ”. Thật thú vị là ông luôn đòi hỏi một hệ thống lãnh đạo có quyền quyết định từ trên xuống dưới, trong khi đó lại hết lòng tán thành năng lực của một bộ máy tổ chức dàn trải.
Chúng ta có thể tìm thấy bản chất phương châm quản lý của 7-Eleven Nhật trong các câu nói của ông:
Quan niệm quản lý của tôi là phải nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đổi mới trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Vấn đề quan trọng là phải có khả năng thay đổi cách suy nghĩ của bạn nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi đó.
Chỉ bằng sự cải tổ thì các cửa hàng và công ty mới có thể quản lý kinh doanh thành công một cách chắc chắn nhất.
Điều quan trọng để tiếp tục công việc kinh doanh mà người khác bỏ cuộc vì thiếu cơ hội kinh doanh là tạo ra một công việc kinh doanh mới bằng cách bỏ đi lối tư duy kinh doanh cũ.
Tình trạng kinh doanh trước đây cần phải hủy bỏ, vì kinh nghiệm thành công trong quá khứ sẽ không giúp gì cho hiện tại.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thay đổi, trong kinh doanh, còn cần phải suy nghĩ khách hàng đang tìm kiếm gì và chúng ta phải làm gì.
Vào thời điểm khi cần có sự thay đổi, mọi thứ không thể thay đổi nếu không có quyết định đồng bộ.
Một người lãnh đạo nên tự nhận thức và có khả năng đánh giá việc quản lý kinh doanh của mình một cách khách quan.
Dự đoán cho những năm sắp tới và lên kế hoạch dựa trên dự đoán đó chỉ làm cho người ta khó lòng có những thay đổi.
Suzuki cho rằng khái niệm về việc đặt hàng chuẩn xác dựa trên nguyên tắc quản lý từng mặt hàng nên được đặt làm nền tảng cho công việc kinh doanh bán lẻ, và POS là công cụ để thực hiện chức năng này. Ông đã nói:
Đối với kinh doanh bán lẻ, điều quan trọng nhất là tự chủ việc đặt hàng.
Luôn luôn cần đưa ra một giả thuyết, thực hiện và kiểm tra kết quả.
POS chỉ đơn thuần là công cụ kiểm tra giả thuyết được đưa ra.
Nắm bắt xu hướng bán các loại hàng hóa đơn lẻ và phân tích kỹ mối quan hệ nhân quả và phải xử lý tình hình.
Những biện pháp về việc làm cách nào để khỏi bị mất cơ hội kinh doanh sẽ liên quan trực tiếp với hiệu quả kinh doanh.
Suzuki thường xem xét triển khai những mặt hàng kinh doanh khác biệt với các đối thủ, ngay cả trên thị trường cung vượt quá cầu, nhằm loại bỏ sự cạnh tranh không cần thiết. Ngoài ra, ông còn đặt câu hỏi cho ý tưởng “gia tăng việc phân loại sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng” và quả quyết rằng việc thu hẹp sản phẩm liên quan đến giá trị là rất quan trọng. Quan điểm của ông là:
Trong tình hình cung vượt quá cầu, cần phải điều hành bộ máy kinh doanh trên quan điểm của người tiêu dùng.
Cần phải sâu sát, hiểu rõ người tiêu dùng và cảm nhận được những gì họ cần để có thể đáp ứng được nhu cầu đó.
Sự đa dạng hóa quá mức sẽ dẫn đến việc tạo ra những sản phẩm định kiến bởi sự tưởng tượng ích kỷ của nhà sản xuất và người bán.
Trong trường hợp đa dạng hóa, cần thu hẹp trong giới hạn những sản phẩm có thể bán được tốt nhất.
Xu hướng tiêu dùng đang có khuynh hướng thiên về chất lượng của sản phẩm hơn là giá cả của sản phẩm.
Nếu không có chất lượng, khó đạt được kết quả về số lượng như mong muốn.
Theo Nhượng quyền Việt Nam
Flag Counter