Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Nữ tỷ phú Take One: Sáng tạo không ngừng nghỉ




Sức sáng tạo không ngơi nghỉ là “nguồn tài nguyên” chủ đạo làm nên thành công của cô gái trẻ Trần Phương Huyền, Giám đốc Công ty THHH Take One – thương hiệu gối thủ công nức tiếng đất Hà thành.
Kích hoạt khả năng 'thiên bẩm' từ sớm
Sinh ra trong một gia đình công chức, mẹ có nghề tay trái - làm đồng phục cho các trường ở Hà Nội, Trần Phương Huyền sớm tiếp xúc với vải vóc, kim chỉ. Từ những miếng vải thừa của mẹ, cô học sinh lớp 2 đã làm quen với máy khâu, tỉ mẩn may váy áo cho búp bê hay những món quà như túi, ví tặng bạn bè. Quà tặng của Huyền vừa "độc", dễ thương, lại ý nghĩa nên được các bạn rất yêu thích.
Thích kinh doanh và say mê vải vóc, Huyền chọn Đại học Ngoại thương, Khoa Kinh tế để có thể phát triển cả hai lĩnh vực này. Môi trường học tập năng động thôi thúc cô sinh viên trẻ nghĩ đến một công việc giúp từng bước hoàn thiện bản thân. Huyền lựa chọn mặt hàng 'handmade' để kinh doanh, phát huy khả năng nổi trội của mình - sự sáng tạo.
"Bản thân em rất thích sáng tạo nhiều điều trong cuộc sống. Sáng tạo bắt mình phải suy nghĩ và giúp mình tiến bộ lên rất nhiều", Huyền chia sẻ. Những miếng vải vụn qua bàn tay khéo léo của cô gái trẻ trở nên sinh động, có hồn. Dần dà, Huyền từng bước tạo dựng thương hiệu Take One được khách hàng, nhất là lứa tuổi sinh viên, học sinh nhiệt tình đón nhận.
Tuy Take One đã có đội ngũ thiết kế, nhưng Huyền luôn là người chủ động đưa ra các ý tưởng để mọi người cùng triển khai. Với Take One, khách có thể đặt hàng theo ý mình như ghi tên, tuổi, ngày sinh trên sản phẩm bằng những dòng chữ dễ thương. Đó là một đặc điểm phân biệt so với thị trường quà tặng nói chung.
"May mắn là lúc khởi nghiệp những sản phẩm đặc biệt như Take One thật sự rất ít. Có lẽ vì thế mà Take One được đón nhận nhiều hơn", Huyền tươi cười nói.
Khơi nguồn những giấc mơ
Ghé các shop hoặc gian hàng Take One trên mạng, mọi người có cảm giác mình lạc vào thế giới của những giấc mơ. Những lời chúc thật ngọt ngào như: "Ngủ ngon em nhé", "Khò khò anh yêu ", "Mình đừng thức khuya" ,"Sweet dreams honey",... giúp nối liền những khoảng cách, ươm mầm cho những giấc mơ đẹp.
Thậm chí, những điều khó nói, những kỷ niệm khó quên, những lời tỏ bày hay một lời xin lỗi chân thành đều được thể hiện tự nhiên qua từng sản phẩm của Take One. Không chỉ đa dạng ở mẫu mã, mỗi sản phẩm còn thể hiện tình cảm cũng như cá tính của người sở hữu nó.
Sản phẩm Take One qua mỗi giai đoạn được cải tiến rất nhiều. Những chiếc gối đầu tiên đơn giản với hai màu sắc cơ bản, cách thức làm và mẫu mã đơn sơ. Sau từng giai đoạn, nhu cầu khách hàng đa dạng hơn buộc cô chủ Take One phải không ngừng nghĩ cách làm mới sản phẩm. Hiện nay sản phẩm Take One màu sắc rất đa dạng, kiểu dáng phong phú, còn mẫu mã thì thay đổi liên tục.
"Đủng đỉnh" tăng trưởng
Trong căn nhà số 38 Phó Đức Chính, nơi từng là "đại bản doanh" của Take One, cô sinh viên tuổi đôi mươi trẻ trung, năng động ngày nào giờ đã là mẹ của hai con nhỏ. Được hỏi về những dự tính lớn trong năm nay, Huyền đủng đỉnh tâm sự:"Take One phát triển dần dần theo sức của mình. Làm được đến đâu mình sẽ phát triển đến đó. Em không làm việc gì quá sức cả".
Sau 8 năm gắn bó với nghề, Huyền đã thu lượm nhiều kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm quản lý. Được sự hậu thuẫn của chồng, bà mẹ trẻ được san sẻ ở cả góc độ công việc và tinh thần dự định sẽ tham gia một số khóa học ngắn hạn để phát triển cho sự nghiệp của mình.
Trước đây làm ăn nhỏ lẻ Huyền thấy công việc kinh doanh khá suôn sẻ. Chỉ có một chút khó khăn là khi khối lượng công việc nhiều lên đáng kể, đội ngũ nhân công chưa thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng khiến thời gian sản phẩm ra đời dài hơn. Thế nhưng, trong quá trình phát triển, công ty ngày một mở rộng thì mọi thứ lại khác. Huyền phải lo học cách điều phối, quản lý một công ty. Trong đó, khó khăn lớn nhất mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt đó là vấn đề nhân lực. Bên cạnh đó, chi phí thuê địa điểm hiện nay cũng chiếm tỷ trọng khá lớn.
Huyền "bật mí", bí quyết kinh doanh của Huyền là giữ được sự tương tác với khách và marketing trực tiếp thông qua hệ thống các cửa hàng. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Riêng ở Hà Nội, cửa hàng của Take One đã có ở 8 quận. Take One cũng xuất khẩu một số đơn hàng chủ yếu là gối quà tặng ra nước ngoài. Tuy công ty đã có bộ phận chăm sóc khách hàng nhưng Huyền vẫn yêu cầu ghi số điện thoại cá nhân của mình trên mỗi sản phẩm. Huyền muốn là người trực tiếp nhận được những lời khen-chê, góp ý để rút kinh nghiệm. "Nhân viên nhiều khi thay đổi liên tục, mình không thể lúc nào cũng đi theo giám sát họ. Nhiều khi sản phẩm có vấn đề gì nhân viên không thông tin với mình nhưng khách hàng thì thẳng thắn góp ý", Huyền chia sẻ.
Công việc hiện tại ở Take One cũng không quá bận rộn so với thời điểm cuối năm do đặc thù sản phẩm bán chạy từ cuối tháng 8-12 và những dịp lễ như Valentines, Noel, 8/3, 20/10,... Huyền lại có thời gian vận động trí óc, lòng nhiệt huyết và sự tìm tòi thúc đẩy tính sáng tạo cao độ, mang đến những luồng gió mới cho thị trường quà tặng.
"Bản thân em nhận thấy trong cuộc sống luôn luôn cần sự mày mò, sáng tạo, cũng như sự chịu khó, không nản chí, phải làm hết sức, làm đến cùng. Nhiều khi có những cái rất nhỏ và từ những cái nhỏ đó mình mới phát triển lên thành những cái lớn. Khi mình thích làm, mình phải quyết tâm làm bằng được. Tất cả những điều nho nhỏ đó giúp mình tiến bộ và phát triển hơn nữa. Đặc biệt trong lĩnh vực quà tặng, sản phẩm đòi hỏi tính cá biệt. Khách hàng thích sở hữu sản phẩm mang tính cách riêng của họ", Huyền bộc bạch.
Theo TTVN

Chuyện về một phó Giám đốc xuống tóc đi tu


Trước khi xuống tóc vào chùa, Tạ Văn Hải có học vấn là thạc sĩ, là phó GĐ một công ty du lịch. Hành trình từ một chàng trai thành đạt trở thành một nhà sư khiến không ít người khâm phục.

Thích Chính Tâm: Tôi muốn làm một giảng sư.

Trước khi xuống tóc vào chùa, Hải có học vấn là thạc sĩ, là phó giám đốc một công ty du lịch. Hải vui vẻ để lại tài sản của mình tích lũy được cho bố mẹ như sự báo đáp công ơn sinh thành, để bắt đầu cuộc sống tu hành.

Anh Hải (ngoài cùng bên trái) đi du lịch bên Hồng Kông.
Thích Phật từ nhỏ

Tôi gặp anh Hải trong một lần tình cờ vào chùa Ngũ Xã. Khi tôi đặt vấn đề khắc họa chân dung anh lên báo, anh nhỏ nhẹ từ chối vì anh cũng mới vào chùa, chưa có công trạng gì đối với chùa. Phải khi thầy Trụ trì đồng ý, anh mới tiếp chúng tôi.

Anh bảo: Tôi vào chùa xuống tóc đi tu để mọi người thấy rằng không phải những người vào chùa là thất tình, trộm cắp, bất mãn mới cuộc đời như người ta vẫn nói mà những người thành đạt như tôi cũng sẵn sàng rũ bỏ tất cả để đến với Phật.

Anh Hải kể, từ năm 12 tuổi anh đã thích đi chùa. Trong gia đình có ông ngoại là thầy đồ, dạy chữ Hán, giỏi kinh sách. Nhờ thế mà từ nhỏ Hải đã tiếp xúc kinh sách, đã học chữ Hán.

Mỗi dịp được mẹ đưa ra chùa Hải rất thích cuộc sống tĩnh lặng, thanh bình ở đây. Khi thấy các sư mặc áo dài, chấm gót chân Hải đòi mẹ đến mượn áo của sư để thử mặc.

Từ nhỏ Hải đã thích làm sư thầy và tâm niệm sau này lớn lên sẽ vào chùa đi tu. Gia đình không nghĩ là Hải vẫn ấp ủ điều đó trong lòng lâu như vậy. Vì lớn lên Hải tập trung toàn bộ thời gian cho việc học hành.

Thời sinh viên hầu như học kỳ nào Hải cũng được học bổng. Khi tốt nghiệp ra trường Hải là một trong mười người cao điểm nhất trong Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hải thích tụng kinh niệm Phật. Chính vì thế, người khác có thể  phải mất nhiều thời gian học tụng kinh gõ mõ, nhưng Hải chỉ mất vài buổi có thể tụng kinh dõng dạc.

Anh Hải bảo: Tụng kinh phải có ngữ điệu, đọc phải có tính thẩm thấu giữa tiếng mõ và tiếng kinh. Chính vì tôi có duyên với Phật nên đọc sách kinh một cách đơn giản.

Anh Hải nói rằng, không phải anh bất mãn với cuộc sống ngoài đời, vào chùa để trốn tránh mà anh thấy cuộc sống ngoài đời ngột ngạt, mọi người chạy theo đồng tiền. Khi người ta có 500 triệu đồng, lại muốn có thêm 1 tỷ đồng. Họ cứ lao vào kiếm tiền như con thiêu thân, suy cho cùng cuộc sống cũng ngày 2 bữa ăn, làm nhiều cũng không để làm gì cả. Anh hiểu cuộc sống ngoài đời với những khắc nghiệt đó, anh thấy ngột ngạt và cần cuộc sống tĩnh lặng hơn.

Không phải kẻ bất tài mới đi tu

"Tôi muốn xuất gia từ trước, nhưng đến năm 2009, khi đó tôi 30 tuổi, mới đi tu được. Nhà tôi có 2 anh em trai, tôi là con út nên cũng nặng về gia đình lắm. Học xong đại học tôi đi làm một thời gian để có chút tiền đền đáp công ơn bố mẹ nuôi dạy. Mình đi tu mà không coi trọng bố mẹ thì còn ý nghĩa gì nữa", anh Hải tâm sự.

Nhưng khi đi làm, công việc đã lôi cuốn, Hải hăng say trong việc làm hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách trong nước và quốc tế. Hải bảo làm được một trăm triệu đồng, lại muốn có hai trăm triệu đồng... Ngẩng đầu lên thấy mình đã 27 tuổi.

Dù vẫn nghĩ sau này sẽ vào chùa ở, nhưng anh vẫn quyết định mua nhà. Mọi người trong nhà thấy thế mừng lắm cứ nghĩ rằng anh sắp lập gia đình, chứ không biết là anh xuống tóc đi tu.

Năm 2009, khi Hải thấy cuộc sống đạt được một mục tiêu nhất định, hội ngộ đủ nhân duyên, vì thế anh đã quyết định vào chùa xuống tóc. Khi đó anh đã mua sắm được nhà riêng, mua xe hơi và được lãnh đạo công ty tiến cử là phó giám đốc, một vị thế trong xã hội mà không ít người mong mỏi.

"Tôi muốn sau khi đi tu không bị mọi người dị nghị bảo mình là kẻ bất tài mới đi tu. Chính vì vậy mà tôi phải chờ đến tận khi đó là thời điểm thích hợp để tôi vào chùa", anh Hải tâm sự.

"Khi vào chùa anh Hải để lại tất cả tài sản đã tích lũy được cho gia đình. Anh chỉ mang theo chiếc xe máy làm phương tiện đi lại và ít tiền phòng thân. Chính vì thế nên khi Hải xuất gia mọi người thương anh hơn. "Mọi người thấy tôi đã hy sinh hết cho gia đình, không giữ lại gì cho mình. Giờ bước vào nhà chùa làm chú tiểu sợ sẽ rất kham khổ", anh Hải cho hay.

Phúc duyên của con là đi tu

Khi Hải đặt vấn đề với bố mẹ là sẽ đi tu, mọi người trong gia đình đều sốc và quyết liệt phản đối. Không hiểu sao anh lại quyết định đột ngột thế. Vì anh chỉ thông báo cho gia đình hai ngày trước khi vào chùa.

"Trước lúc tôi vào chùa, mọi người trong gia đình đã họp. Bố mẹ hỏi tôi có bức xúc gì gia đình, anh em có mâu thuẫn gì không. Tôi bảo không có chuyện gì cả mà đi tu là sở thích của con thôi. Bố mẹ sinh con ra mỗi người có sở thích riêng, người thích đá bóng, người thích làm nghề bác sĩ. Phúc duyên của con là đi tu. Con đường đi tu là hạnh phúc nhất với con, con xin bố mẹ cho con được vào nhà Phật.

Nếu bố mẹ giữ con ở nhà, tâm con xuất gia mà thân con ở ngoài đời như thế sẽ rất u uất. Bố mẹ hãy cho con được sống đúng là con người thật của con. Mọi người trong gia đình cũng nghĩ rằng tôi đã nghĩ rất kỹ, mới quyết định như thế. Nên mọi người đều rất tôn trọng ý kiến của tôi. Mặc dù vậy, cả tháng trời bố mẹ tôi buồn rầu", anh Hải kể lại.

Anh Hải bảo trước đây anh cũng có nhiều bạn gái, trên mức bạn bè cũng có nhưng cũng dừng lại ở mức nào đó. Vì anh đã xác định sẽ đi tu nên chuyện tình cảm anh luôn có giới hạn. Khi Hải đi tu, bạn gái nghĩ anh đi học ở xa đâu đó. Và lúc đó cô gái ấy cũng đang đi du học bên Nhật. Vì thế, Hải cũng không vướng bận chuyện tình cảm riêng.

Ước mơ của Hải bây giờ là sau này sẽ trở thành một giảng sư, người thuyết pháp, để giúp mọi người hiểu hơn về Phật pháp, lợi ích của người đi theo đạo Phật. Vì mọi người chưa hiểu rõ thế nào là chính pháp và tín ngưỡng dân gian.

“Trước khi vào chùa, Ngô Văn Hải là người có cương vị xã hội, có trình độ học vấn cao. Gia đình Hải rất gia giáo, nhưng Hải rũ bỏ tất cả để đến với Phật như thế rất đáng ca ngợi. Hải là tấm gương để mọi người noi theo, giúp cho đạo Phật quy tụ được nhiều trí thức".
Đại đức Thích Chính Tín (Trụ trì chùa Ngũ Xã)

"Điều tôi băn khoăn nhất trước khi quyết định đi tu là sợ miệng lưỡi thế gian. Sợ họ nói nhà tôi có hai anh em con trai, một đứa lập gia đình không có con, một đứa công thành danh toại lại đi tu. Khi đó người buồn nhất là bố mẹ tôi. Một lần đưa khách đi du lịch trên chùa Yên Tử, Quảng Ninh, tôi đã cầu: Nếu phải chăng cơ duyên con xuất gia thì con xin Phật phù hộ cho vợ chồng anh con sinh được em bé. Như có một phép màu nhiệm, cuối năm 2008 vợ chồng anh trai tôi đã sinh được cháu bé bụ bẫm. Mọi người trong gia đình vui sướng tột cùng. Xong tâm niệm này tôi quyết định xuất gia".
Thích Chính Tâm
Nguồn kienthuckinhte.com
Flag Counter