Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Những bài học nhớ đời của 'tỷ phú 25 xu' Vikrom Kromadit



Tới Việt Nam trong hành trình caravan xuyên 6 nước châu Á hồi đầu tháng 4, Vikrom Kromadit, tỷ phú người Thái Lan đã có buổi nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, thuộc ĐHQG Hà Nội.
Nói chuyện với sinh viên bên ngoài chiếc xe xuyên Á

Câu chuyện tay không gây dựng cơ đồ của từ 25 xu của người đàn ông giàu có và độc thân với những bài học rút ra từ trải nghiệm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu thực sự ý nghĩa với những người trẻ đang khởi nghiệp.
Học không bao giờ là đủ
Nỗi ám ảnh lớn nhất của Vikrom là những xung đột gia đình triền miên và người cha tàn nhẫn. Với bản tính trăng hoa, cha ông từng lấy rất nhiều vợ, và có hơn 20 đứa con nhưng không dành tình thương cho bất kỳ đứa con nào. Vikrom cũng bị cha cưỡng bức lao động từ nhỏ, làm rất nhiều công việc nặng nhọc, quá sức với một đứa trẻ đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Cha cũng chính là rào cản học hành của Vikrom. Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi khi kết thúc một cấp học, ông lại tha thiết van xin bố cho phép học tiếp, đổi lại ông phải làm việc “tối mắt tối mũi” để phụ giúp gia đình từ đi chợ nấu cơm, trông em, đến làm vườn.
Vikrom quan niệm: “ Học không bao giờ là đủ, hãy cứ chăm chỉ học hành, làm việc và tích lũy, ngày thành công sẽ không xa”. Bởi vậy, trong những lúc điều kiện khó khăn nhất, ông vẫn tìm mọi cách để gắng gượng và giành được tấm bằng cử nhân ĐH tại Đài Loan.
Ông xác định cho mình một tư tưởng đúng đắn ngay từ những ngày đầu lập nghiệp: “Để đạt được mục tiêu, trước tiên là phải học hành đến nơi đến chốn”. Nấc thang đầu tiên đưa ông đến với thế giới rộng lớn chính là việc học hành, càng học cao, như có bằng thạc sỹ tại các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, học tập trong môi trường có nhiều người giỏi sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi bước vào đời.
Ngay khi tốt nghiệp ĐH, Vikrom khát khao được học tiếp ngành kỹ thuật hàng không tại ĐH Toronto, Canada nhưng vì không đủ tiền trả học phí nên đành gác lại đến khi tiết kiệm đủ tiền sẽ đi học tiếp.
Tỷ phú không ngại học tiếng Anh
Khi đã trở thành một doanh nhân trẻ với những hợp đồng làm ăn, dự án đầu tư đầu tiên, nhận thấy vốn tiếng Anh quá khiêm tốn của mình sẽ bất lợi cho công việc, có những khi trao đổi với đối tác, Vikrom chỉ hiểu một cách mơ hồ và chật vật mới nói được vài câu. Ông đã không ngừng rèn luyện, học hỏi và sau ba tháng đã tự liên hệ, xin giấy phép nhập khẩu FCE của Cục Thực phẩm & dược phẩm Mỹ. Và bây giờ, Vikrom có thể nói trôi chảy, tự tin hoàn toàn về khả năng tiếng Anh của mình.
Với suy nghĩ, gieo trồng vào giáo dục sẽ đem lại thu hoạch cả đời, khi có kiến thức mỗi người sẽ tự lo được cuộc sống của bản thân, không còn là gánh nặng của gia đình và chỉ có học mới có thể tiến xa được, nên ông luôn khuyến khích chính mình, cũng như những người thân cần học hành đến nơi đến chốn dù ở bất cứ lứa tuổi nào.
Muốn thành tỷ phú, phải tiết kiệm
Vikrom cho rằng ngoài chuyện làm việc chăm chỉ, kiên trì cần phải biết cách “quy hoạch” cuộc sống của mình: Sắp xếp mọi thứ theo một trật tự khoa học, chi tiêu hợp lý.
Doanh nhân 59 tuổi tiết lộ: “Tôi là người lý trí và biết sống tiết kiệm từ nhỏ do học được từ mẹ, một người không bao giờ chi tiêu hoang phí. Nhờ tiết kiệm mà bà đủ sức nuôi nấng cả gia đình. Đó là nền tảng mà tôi duy trì từ nhỏ đến bây giờ. Từ nhỏ tôi đã tiết kiệm được 1 vạn bạt nhưng không phung phí. Nó giúp tôi luôn có một cuộc sống ổn định, vững vàng”.
Khi có chút vốn liếng trong tay và thành công trong một số dự án, Vikrom cho biết, càng kiếm được nhiều tiền, ông càng biết quý trọng từng đồng vì đó là mồ hôi, công sức, tâm huyết của mình.
Vikrom Kromadit là con một người trồng mía nhưng không nối nghiệp cha, từ tỉnh lẻ Vikrom Kromadit quyết chí lập thân ngay giữa thủ đô Bangkok ở tuổi 22 và gần như khởi nghiệp từ con số không.
Ông cũng không phải vất vả khi phải quản lý số tiền lớn do vay được để phát triển kinh doanh và luôn nhắc nhở mình không bao giờ “vung tay quá trán” để phải trở thành con nợ vô lý.
Kể cả khi đi công tác, ông thường lập kế hoạch kỹ càng và ước tính các khoản chi của chuyến đi. Dù sự nghiệp đang bắt đầu “cất cánh” nhưng Vikrom vẫn hết sức tiết kiệm. Một lần sang Mỹ, ông chỉ mang theo hơn 2.000 USD và dùng tiền rất chừng mực vì nếu hết tiền giữa chừng thì rất gay go khi không thể vay mượn ai nơi “đất khách quê người”.
Thậm chí, Vikrom còn tự nhận mình là “hà tiện”, không thích dùng hàng hiệu vì nó quá đắt mà thường tìm đồ bình dân ở các chợ trời Sanam Luông hay Chatuchak.
Các vật dụng cần thiết trong nhà như tủ lạnh, ti vi, máy điều hòa… thường được “ông chủ” cân nhắc kỹ sự phù hợp giữa giá cả với tính năng sử dụng và độ bền. Vikrom cho biết: “Biết chi tiêu một cách hợp lý giúp chúng ta tự do, không bị lệ thuộc vào người khác”.
Tuy vậy, với sức khỏe thì "yêu cầu khoa học" đặt lên hàng đầu.  Ông luôn yêu cầu người nấu bếp phải mua thực phẩm tươi ngon,có lợi cho sức khỏe và hợp khẩu vị; nhất là chất lượng và các vitamin trong đồ ăn.
Lời nói là 'ông chủ' của bản thân
Dù cũng đã bao phen mất trắng, bao lần bị trở mặt nhưng Vikrom Kromadit vẫn luôn đề cao lòng trung thực, chính trực trong nghiệp kinh doanh.
Chân ướt chân ráo vào nghề, chưa kịp mừng rỡ về những “phần thưởng” ngọt ngào có được từ nỗ lực của bản thân, ông biết đâu có biết bao cạm bẫy luôn rình rập những “con mồi” ngây thơ, yếu ớt như mình. Chính vì thế, tưởng rằng việc hợp tác với hai người “khổng lồ” Bill Perez và Paul giúp đưa sản phẩm của mình thâm nhập thị trường Mỹ sẽ diễn ra suôn sẻ với viễn cảnh đẹp như mơ, Vikrom đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của mình để mong có được một hợp đồng ký kết.
Để rồi cuối cùng, giấc mơ vụt tắt khi hai “người bạn lớn” này quay ra trở mặt với ông và tiến hành kinh doanh độc lập. Kế hoạch thất bại đầu tiên ấy đã gây cho Vikrom một cú sốc lớn. Ông đã mất khá lâu mới có thể cân bằng lại cuộc sống và “chiến đấu” tiếp. Đây cũng là bài học kinh nghiệm mà ông “khắc cốt ghi tâm” để nhắc nhở bản thân mỗi khi làm việc.
Vikrom đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí mạnh mẽ, một tầm nhìn rộng lớn và trở thành nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Thái Lan, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn AMATA  lừng danh Đông Nam Á ngày nay. Tại Việt Nam, ông đã phát triển Amata tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).
Trên con đường sự nghiệp đầy chông gai, thử thách và hiểm nguy ấy, ông đã từng trải qua, và gặp rất nhiều những mánh lới, thủ đoạn lọc lõi để “lật” nhau của các đối tác. Có nhiều cách để “dạy” cho họ nhớ về những gì họ đã gây ra. Tuy nhiên, Vikrom không làm điều đó. Ông luôn đề cao lòng trung thực, chính trực trong cái thế giới hỗn loạn ấy.
Theo Vikrom, sống có tình nghĩa, đền đáp công ơn những người đã giúp đỡ mình là đức tính không thể thiếu của mỗi doanh nhân. Cho dù làm bất cứ việc gì cũng phải dựa vào lẽ phải, sự công bằng và rộng lượng. Điều gì đã hứa phải cố gắng thực hiện bằng được vì lời nói chính là “ông chủ” của mình, nên suy nghĩ kỹ trước khi nói, đã nói thì phải làm.
Trọng các mối quan hệ
“Tỷ phú 25 xu” có phương châm sống rất giống với quan niệm của người Việt Nam, “giàu vì bạn”.
Ông từng chia sẻ quan điểm này của mình trong cuốn tự truyện “Tay không xây dựng cơ đồ”: “Chim không cánh không thể bay cao, người không bạn không thể tiến xa, cần phải có những người quen biết, cùng hội cùng thuyền để nương tựa, giúp đỡ nhau. Tuy nhiên, tôi chỉ kết bạn với người tốt, trung thực và công bằng. Có lưu ý nữa là cách chọn lọc những người đáng để làm quen.
Thích nghi là nghệ thuật sống
Vikrom cho rằng, thay đổi bản thân thích nghi với hoàn cảnh sẽ giúp bản thân tự tin và hòa đồng hơn.
Nghệ thuật sống mà “tỷ phú 25 xu” luôn vận dụng là tự điều chỉnh bản thân linh hoạt với hoàn cảnh và môi trường sống luôn thay đổi. Nhờ đó, trong thời gian 10 năm hoạt động, các vấn đề công ty gặp phải đã lần lượt được giải quyết ổn thỏa. Ông đã trang trải sòng phẳng khoản nợ 8 triệu bạt do thua lỗ trong hai vụ buôn bán bột sắn 300 tấn và 2 container cá ngừ hộp bị trả lại.
Không bỏ qua hai chữ "kiên trì"
Đây là đức tính thường thấy của những người thành đạt. Ở Vikrom cũng vậy, để có được thành công với số tài sản trăm triệu đô la, sở hữu 900 nhà máy, cơ sở sản xuất với doanh thu bằng 10% GDP của Thái Lan hàng năm với số vốn khởi nghiệp chỉ vỏn vẹn 25 xu là cả một quá trình lao động miệt mài, cần mẫn, bền bỉ.
Đứng trước những “cơn bão tố” ập đến, có những lúc như “nuốt trọn” cơ đồ bao năm gây dựng, chắt chiu, ông đã chống chọi kiên cường. Ông luôn tìm cho mình lối thoát trong những tình thế bế tắc ấy bằng chính sự kiên trì.
Nguồn  kienthuckinhte.com

Xây nhà dễ hơn giữ tổ ấm


Dù gặp nhiều lận đận trong kinh doanh nhưng ông Nhỏ vẫn thành danh trong lĩnh vực nhiều lợi nhuận là bất động sản, có tên tuổi gắn liền với những dự án lớn xây dựng khu công nghiệp. Ông có vẻ miễn cưỡng khi nhận cuộc hẹn vào thời điểm thị trường địa ốc đang đóng băng, kinh tế khó khăn. Thế nhưng, khi câu chuyện được khơi gợi và “chạm” vào đúng vấn đề đang quan tâm, ông trở nên thân mật, hào hứng hơn và tiết lộ mình đang có rất nhiều việc phải làm.
Ông nói: “Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, trăn trở của tôi là làm thế nào để giải quyết bài toán tồn tại cho công ty, đảm bảo thu nhập, đời sống cho nhân viên. Và việc phải làm của tôi trong lúc này là đưa ra chính sách, chiến lược phù hợp.
Khi thị trường địa ốc trầm lắng, nhiều người cho rằng những công ty kinh doanh bất động sản như chúng tôi sẽ “nhàn rỗi”, nhưng không phải vậy, đây lại là thời điểm chúng tôi bận rộn hơn lúc nào hết, phải nỗ lực nhiều hơn và tính toán cẩn trọng hơn.
Trước đây, khi thị trường còn sôi động, mình có thể đầu tư rộng, đón đầu tương lai. Bây giờ phải tính toán lại, dự án nào đã thực hiện đến 80-90% thì tiếp tục, ưu tiên những dự án có tính thanh khoản nhanh nhất, nhu cầu thị trường thiết thực nhất và đầu tư chi phí thấp nhất.
Chẳng hạn, chúng tôi đang chuyển hướng vào những dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình thấp ở ngoại thành, tỉnh lân cận vì giá đất hợp lý, thủ tục cũng dễ dàng hơn.
Đồng thời, để tăng nội lực cho công ty, chúng tôi đang sắp xếp, cải tổ lại doanh nghiệp. Cụ thể là hợp nhất các công ty con, liên kết các đối tác để cùng nhau hợp sức, tăng nguồn tài chính, hỗ trợ và phát huy thế mạnh, khả năng của nhau".

* Đầu tư vào dự án nhà ở xã hội không phải là chọn lựa mang tính khác biệt, bởi hiện nay, có không ít công ty cũng đang chuyển hướng đầu tư vào các dự án này. Vậy liệu Hưng Thuận có phải đối mặt với khó khăn mới khi có nhiều cạnh tranh ở phân khúc này không, thưa ông?

- Trước đây, căn hộ, nhà ở cao cấp chỉ là một thị trường nhỏ nhưng các doanh nghiệp vẫn đầu tư, không ngại cạnh tranh vì cho rằng nhu cầu còn rất lớn. Bây giờ nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp được đánh giá chiếm tới 95%, nhưng nguồn cung cũng chưa vượt cầu.
Tuy nhiên, khi thực hiện các dự án căn hộ có diện tích nhỏ sẽ gặp không ít khó khăn vì kéo theo một số hệ lụy như luật, quy định của Nhà nước về hệ số dân, quy định số mét vuông nhà ở cho mỗi đầu người...
Chẳng hạn, nếu giảm diện tích căn hộ xuống cho phù hợp với khả năng mua nhà của nhiều người thì số lượng căn hộ xây dựng sẽ được gấp đôi, nhưng đồng thời hệ số dân cũng tăng lên theo, như vậy Nhà nước có chấp thuận không?
Hoặc xây dựng căn hộ nhỏ mà phải theo quy định có chỗ để xe thì giá thành cũng sẽ đội lên, khó giải quyết bài toán bán nhà giá thấp... Vì vậy, sự tính toán của doanh nghiệp phải phù hợp với chính sách của Nhà nước thì mới hiệu quả.

* Với chính sách thắt chặt tín dụng, chủ trương của Nhà nước là không ưu tiên vốn vay ngân hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, dẫn đến không ít dự án phải ngưng tiến độ vì thiếu tiền. Vậy Hưng Thuận xoay xở thế nào để thực hiện các dự án vào thời điểm này?

- Theo tôi, Nhà nước xếp lĩnh vực kinh doanh bất động sản là phi sản xuất để rồi không cho vay vốn ngân hàng thì hơi oan. Thực ra, lĩnh vực kinh doanh nào cũng có đóng góp cho xã hội, mà bất động sản lại là thị trường nền, cũng đóng góp cho xã hội rất nhiều vì nhà ở cho người dân còn thiếu.
Hơn nữa, lĩnh vực này phát triển cũng sẽ kéo theo nhiều ngành khác phát triển, như: gạch, gỗ, xi măng, sắt, thép..., đồng thời mang đến khá nhiều việc làm cho người lao động. Vậy nên, Nhà nước cần có chính sách phù hợp, đóng vai trò điều hòa tài chính để giúp doanh nghiệp hoạt động, giống như máu trong cơ thể, bơm nhiều quá cũng chết, mà ít quá cũng chết.

Như đã nói, để tồn tại và tự cứu mình trong tình hình khó khăn, chúng tôi đã thực hiện chiến lược sắp xếp, thúc đẩy các công ty con và đối tác hợp lực với nhau. Với 12 công ty thành viên và 30 công ty liên kết, việc hợp sức này đủ tạo cho Hưng Thuận nguồn tài chính cũng như nội lực để “vượt bão” và tiếp tục thực hiện các dự án có tính khả thi.

* Vậy ông đã tính toán thế nào với các dự án không được đánh giá là khả thi trong lúc này, như khu công nghiệp vốn là thế mạnh của Hưng Thuận?


- Đầu tư xây dựng khu công nghiệp là một công trình lớn, dài hạn, đòi hỏi nhiều vốn nhưng tôi lại không dám vay ngân hàng, bởi hôm nay vay 10 đồng, năm sau đã thành 20 đồng.
Vì vậy, trong thời điểm hiện nay, chúng tôi không làm đại trà, chỉ xây những trục hạ tầng chính, những cơ sở hạ tầng cơ bản, khi nào có nhu cầu cụ thể, nghĩa là đồng vốn có thể xoay chuyển được thì mới làm tiếp.

* Ông nghĩ thế nào khi hiện nay có rất nhiều khu công nghiệp được quy hoạch xây dựng nhưng tỷ lệ lấp đầy không cao. Trong số các khu công nghiệp Hưng Thuận đầu tư cũng có khu chưa thu hút được các doanh nghiệp và nhà đầu tư?

- Làm khu công nghiệp phải có quy hoạch tốt, cơ sở hạ tầng phải đảm bảo, tiếp theo là phải có nhiều mối quan hệ, biết tiếp thị, quảng bá để thuyết phục doanh nghiệp vào khu công nghiệp của mình. T
hực tế hiện nay đúng là có rất nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nguyên nhân là do một số chủ đầu tư có tiền mà không có khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng vì không có chuyên môn, kinh nghiệm, khi thực hiện không biết làm cái nào trước, cái nào sau nên chỉ là sự chắp vá, thiếu tính đồng bộ.
Đã có nhiều doanh nghiệp vào khu công nghiệp hoạt động gần 10 năm nhưng đến nay cơ sở hạ tầng vẫn chưa làm xong, chưa có hệ thống xử lý nước thải...

Riêng các khu công nghiệp Hưng Thuận đã đầu tư, chúng tôi thực hiện theo phương châm: “Mình làm tốt thì sẽ có khách hàng và chính họ sẽ là người quảng bá cho khu công nghiệp của mình, là người dẫn đường đưa nhiều khách hàng khác đến với mình”.
Tuy nhiên, trong số các dự án cũng có nhiều khu chủ đầu tư cũ làm không hiệu quả, chúng tôi tiếp nhận và phải điều chỉnh lại quy hoạch và định hướng lại kinh doanh; rồi có khu Hưng Thuận đầu tư xây dựng tốt, nhưng khi chúng tôi rút lui thì hoạt động không còn tốt nữa.
Cũng qua chuyện góp vốn, tôi nhận thấy cổ phần có cái tốt vì tập hợp được sức mạnh tài chính của nhiều người, nhưng cũng có cái không tốt vì có người nghĩ rằng mình đóng góp nhiều tiền nên có quyền đưa ra nhiều ý kiến và muốn mọi việc phải theo ý mình trong khi không biết gì về chuyên môn, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Vì vậy, khi làm những khu công nghiệp mới, tôi thường liên doanh với các tập đoàn có kinh nghiệm về xây dựng khu công nghiệp, chấp nhận chia sẻ lợi ích với họ để học hỏi kinh nghiệm, tạo ra những dự án tốt, chất lượng.

* Có doanh nhân nói rằng: “Cái nghiệp của doanh nhân đa phần cay đắng”, hơn 30 năm nếm trải thương trường, ông có đồng tình với câu nói này?


- Tôi bước vào con đường kinh doanh khi mới 21 tuổi, bắt đầu từ việc thành lập hợp tác xã chế biến hàng nông sản xuất khẩu, sau đó mới chuyển sang lĩnh vực xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị mới và các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, bến cảng.
Từ khi bước vào thương trường, tôi đã nếm trải không biết bao nhiêu thử thách, thăng trầm, thành công có, thất bại có, thậm chí có lúc tưởng “tiêu” rồi nhưng điều tự hào là 30 năm qua, dù khó khăn, sóng gió, tôi vẫn đủ nghị lực để đứng dậy, tiếp tục đi trên con đường của mình, và đã rèn luyện được một bản lĩnh thép để vượt qua những “cơn sóng nhồi”.
Tôi cũng tự hào là một trong số ít các doanh nhân có thâm niên hoạt động từ thời kinh tế bao cấp nhưng vẫn còn “đủ sức khỏe” để tiếp tục cuộc hành trình.

Kinh doanh qua hai thời kỳ kinh tế bao cấp và mở cửa, tôi thấy thời nào cũng có cái khó riêng, chẳng hạn thời bao cấp do cơ chế chưa rõ ràng nên làm kinh tế cũng phập phồng, ranh giới giữa sai và đúng rất mong manh, rất dễ nhầm lẫn giữa sai phạm dân sự và hình sự.
Bây giờ kinh doanh rõ ràng hơn, minh bạch hơn nhưng lại đau đầu “kinh niên” vì cạnh tranh không lành mạnh. Kinh nghiệm của tôi là phải nuôi được ý chí vững vàng và phải biết cách hòa nhập thì mới tồn tại được.

* Ông dựa vào điều gì để có đủ nghị lực đứng dậy và bước tiếp?

- Đó chính là tình cảm, lòng tin của các đối tác, nhân viên dành cho tôi và niềm tin của tôi vào chính bản thân mình. Tôi thật sự xúc động và hạnh phúc vì có rất nhiều nhân viên đã gắn bó với tôi ngay cả trong lúc khó khăn và đến nay vẫn còn làm việc ở công ty.
Ai đã từng trải qua hoạn nạn trong đời mới hiểu tình cảm đó đáng quý thế nào. Họ nói rằng do tôi sống tình nghĩa và chân thành nên lúc khó khăn họ vẫn theo tôi. Còn với tôi, chính sự gắn bó, thủy chung của mọi người đã động viên tinh thần và là động lực giúp tôi có thêm sức mạnh đứng lên và nhủ lòng phải tiếp tục làm tốt hơn.
Cũng nhờ đã trải qua hoạn nạn nên tôi mới hiểu chữ tín quan trọng như thế nào, bởi có lúc tôi chẳng còn gì ngoài cái mạng của mình (cười) nhưng các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn tin tưởng những gì tôi cam kết và sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để tôi tiếp tục kinh doanh.

* Kinh doanh hẳn phải có rủi ro, vậy ông chọn cách ứng xử với rủi ro như thế nào?

- Rủi ro trong kinh doanh thì nhiều, chẳng hạn như khi bán sản phẩm cho khách hàng, bị họ chiếm dụng vốn là rủi ro, hoặc những yếu tố khách quan khác như thị trường, giá cả biến động cũng là rủi ro.
Tôi rút ra kinh nghiệm là phải thận trọng khi vay vốn ngân hàng, chỉ khi nào có kế hoạch tốt, dự án tốt mới xem xét kế hoạch vay vốn, và quan trọng là đồng vốn đó phải tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng thì sẽ giảm thiểu rủi ro.

* Nhiều người cho rằng người lãnh đạo là đầu tàu kéo cả đoàn tàu doanh nghiệp đi, ông thích là người đứng sau để đẩy hay đứng đầu để kéo?

- Người lãnh đạo phải là đầu tàu, vạch ra hướng đi và kéo đoàn tàu đi theo đúng quỹ đạo. Song, nếu đưa ra phương án mà không thúc đẩy, giám sát thì chắc chắn sẽ không đạt kết quả mỹ mãn. Vì vậy, tôi vừa là người kéo, vừa là người đẩy.

* Ông cho rằng, một trong những tố chất cần có của người lãnh đạo là tính quyết đoán, liệu điều này có mâu thuẫn với văn hóa “lắng nghe” của Hưng Thuận do ông đặt ra?


- Một người lãnh đạo dẫu tài giỏi đến đâu cũng không thể luôn làm tốt công việc của mình cũng như không thể sáng suốt khi giải quyết mọi vấn đề nếu chỉ có một mình.
Vì vậy, phải biết lắng nghe người khác nhưng sau đó phải tổng hợp, phân tích những gì nghe được rồi quyết định theo suy nghĩ, nhận định riêng của mình.

* Nghe nói ông đang ấp ủ một dự án mới: xây dựng tổng kho tồn trữ lương thực và xuất khẩu, theo ông, đây là chiến lược kinh doanh dài hạn hay chỉ là giải pháp tình thế vào thời điểm khó khăn?


- Gốc của chúng tôi là nghề chế biến nông sản xuất khẩu. Trong quá trình kinh doanh, tôi luôn đổi mới và định hướng đầu tư vào những lĩnh vực mang tính lâu dài.
Tôi nghĩ, khi con người còn sống là còn cần tổ ấm nên tổ ấm là nhu cầu phải đáp ứng mãi. Vì vậy, tôi chọn bất động sản.
Cũng có người hỏi tôi, thị trường căn hộ đang khó, lại nhiều cạnh tranh, liệu tôi có tính chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực khác không? Tôi khẳng định: không bao giờ, vì tôi thích là người xây tổ ấm cho mọi người. Nhìn những đôi bạn trẻ, những gia đình hân hoan, hài lòng khi bước vào căn hộ mới của họ tôi cũng thấy vui lây và cảm giác hạnh phúc rất khó tả.

Dự án xây dựng tổng kho lương thực cũng là một dự án kinh doanh dài hạn, bởi con người ngoài nhu cầu ở còn phải ăn, toàn nhân loại đều cần lương thực và lương thực chính là vấn đề an sinh xã hội.
Hơn nữa, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, đứng thứ hai về xuất khẩu gạo, vậy mà nông dân lại nghèo hoài, không được hưởng lợi nhiều do thị trường không ổn định, cứ vào vụ thu hoạch thì lúa gạo bị thu mua giá thấp, rồi nông dân phải bán đổ bán tháo vì không có chỗ chứa, không có vốn xoay xở.
Vì vậy, tôi nảy sinh ý tưởng xây dựng tổng kho để thu mua, tồn trữ lương thực cho Việt Nam và xuất khẩu, đầu tư nhà máy xay xát, cung cấp vật tư nông nghiệp cho nông dân, khi vào vụ sẽ có kế hoạch thu mua để nông dân yên tâm sản xuất, giúp bình ổn giá cho thị trường.
Xa hơn nữa là lập sàn giao dịch mua bán các loại nông sản khác. Hiện tôi đang lập đề án và đang tiếp xúc với các quỹ đầu tư để được họ hỗ trợ, hợp tác.

* Ông mới nói về tổ ấm, vậy ông có thể tiết lộ một chút về tổ ấm của mình?

- Điều quan trọng nhất trong cuộc sống của con người là hạnh phúc, nhưng cuộc sống thường không đủ đầy, trọn vẹn, có nhiều tiền cũng chưa hẳn là hạnh phúc. Chỉ khi được sống trong ngôi nhà của mình, vợ chồng yêu thương nhau chân thành, con cái được giáo dục tốt mới là hạnh phúc thật sự.
Tổ ấm của tôi hiện nay tuy hơi đơn chiếc vì các con tôi đi học ở nước ngoài, bà xã phải đi đi về về, vừa chăm chồng, vừa thăm con nhưng tôi cảm thấy mãn nguyện vì các thành viên trong tổ ấm của chúng tôi biết sống vì nhau, hy sinh và lo lắng cho nhau.
Vợ tôi là diễn viên Bích Liên, từ khi lấy chồng đã tự nguyện bỏ nghề để toàn tâm chăm sóc gia đình và là người giữ lửa cho tổ ấm của chúng tôi. Đó là sự hy sinh rất lớn để cha con tôi sau một ngày làm việc mệt mỏi có một chốn đi về ấm áp, tinh tươm và ngập tràn tình yêu thương, hạnh phúc.

* Xin chúc mừng ông về tổ ấm luôn hạnh phúc và cám ơn ông về buổi trò chuyện này.
Lữ Ý Nhi

Nguồn kienthuckinhte.com
Flag Counter