Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Từ bác sĩ khoa nhi đến doanh nhân thành đạt

   Có lẽ ít ai biết ông Nguyễn Trí Kiên - "cha đẻ" của sản phẩm cặp siêu nhẹ Miti đã từng là bác sĩ nhi khoa nhiều năm trước khi chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh.

Tháng Sáu là mùa cao điểm của ngành sản xuất cặp học sinh nên ông Kiên túi bụi với những đơn hàng, tuy vậy ông vẫn dành cho tôi một cuộc hẹn. Trong quán cà phê vào một chiều cuối tuần, người “khai sinh” ra chiếc cặp siêu nhẹ cho học sinh và cũng là người đầu tiên góp phần vào việc đẩy lui cặp Trung Quốc trên thị trường, đã chia sẻ chân tình về những thăng trầm đã trải qua.
Ngã rẽ
* Nghe nói ông học ngành y và đã làm bác sĩ nhi khoa nhiều năm, duyên cớ nào đưa ông đến với nghề kinh doanh túi xách này?
Nhà tôi sống bằng nghề may túi xách, cặp học sinh rồi bỏ mối ở các chợ. Chỉ là cơ sở nhỏ nên ba mẹ tôi đã phải quần quật suốt ngày để tôi chuyên tâm học hành, trở thành bác sĩ như mong ước của mọi người trong gia đình. Ra trường, tôi vừa làm việc ở bệnh viện, vừa tiếp tục học chương trình sau đại học để nâng cao kiến thức. Công việc của một bác sĩ nhi khoa tuy không nuôi nổi gia đình, nhưng cũng khá tốt đối với tôi.
Sở dĩ tôi nghỉ việc ở bệnh viện, về phụ giúp ba mẹ vì là con trai duy nhất trong gia đình, tôi muốn gánh vác bớt những khó khăn, cực nhọc cho ba mẹ và các em. Lúc ấy, tôi nghĩ mình chỉ tạm ngưng nghề bác sĩ một vài năm, khi nào việc kinh doanh của gia đình khá lên một chút thì tôi có thể yên tâm trở lại công việc mình yêu thích. Nhưng không ngờ tôi lại thích và theo luôn nghề này cho đến hôm nay.
* Từ ngành y chuyển qua kinh doanh chắc ông cũng gặp những khó khăn nhất định?
Có chứ. Lúc ấy tôi rất bỡ ngỡ vì mọi thứ đối với tôi đều rất xa lạ, tôi chẳng có chút kiến thức gì về quản lý sản xuất, kinh doanh... Gác sách vở về ngành y qua một bên, tôi chuyển qua đọc sách về kinh doanh. Làm ở dạng cơ sở nhỏ thì với kinh nghiệm của ba mẹ đã đủ, nhưng tôi không muốn dừng lại ở đó. Tôi muốn có một thương hiệu về túi xách, cặp táp lớn hơn nhiều.
Thời gian đầu, nguồn nhân lực thiếu cùng với chi phí hạn hẹp, nên tôi phải tự làm nhiều công việc khác nhau. Khổ cực và áp lực rất nhiều nhưng tôi không nản. Tôi quyết chí xây dựng thương hiệu với một hệ thống phân phối hiện đại hơn.
* Vậy ông bắt đầu như thế nào?
Điều đầu tiên tôi làm là đặt tên cho thương hiệu. Những năm thập niên 90, chuyện thương hiệu còn mơ hồ lắm, nhất là trong ngành này. Người ta chỉ biết sản xuất rồi mang ra chợ bán, chứ không nghĩ phải tạo ra một cái tên để người tiêu dùng nhớ đến sản phẩm của mình.
Thời điểm đó chưa có những đơn vị tư vấn về thương hiệu như bây giờ, nên mọi thứ tôi đều phải tự làm. Lúc đó, tôi luôn trăn trở làm sao để có được một cái tên dễ đọc, dễ nhớ và câu slogan truyền tải được triết lý kinh doanh của mình đến với khách hàng và thị trường.
Đi đâu, làm gì tôi cũng nghĩ đến việc đặt tên cho thương hiệu. Đã có nhiều cái tên được viết ra và đến giờ tôi vẫn còn giữ cuốn sổ ghi những cái tên ấy. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy cái tên đáp ứng được tiêu chí dễ gọi, dễ nhớ, đó là Miti (chữ viết tắt của Minh Tiến).
Kế đó là slogan “Always beside you - Luôn luôn bên bạn” được đánh giá là ngắn gọn, hay và ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng, một sản phẩm, một thương hiệu thành công đầu tiên là nhờ cái tên và tôi đã làm được điều đó.
May mắn
* Tôi còn nhớ, vào thời điểm đó cặp Trung Quốc tràn ngập thị trường và hàng ngoại cao cấp cũng xuất hiện khá nhiều. Vậy làm cách nào để Miti bật lên, thưa ông?
Thực tế là tôi may mắn. Sau khi nhận công việc của gia đình, tôi đã gặp một người Đài Loan rất đặc biệt. Đó là một thương gia không chỉ giỏi kinh doanh, mà còn có kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu. Hai năm làm ăn với ông, tôi đã học được nhiều thứ và vận dụng vào việc xây dựng, phát triển thương hiệu của mình.
Điều may mắn khác nữa là trong quá trình “tìm chỗ đứng”, tôi đã phát hiện ra một loại nguyên liệu sản xuất mà chính nhờ nó những chiếc cặp Miti đã tạo nên “hiện tượng” trên thị trường.
Thời đó, để thiết kế sản phẩm vừa đẹp lại vừa đạt chất lượng là điều không tưởng vì nguồn nguyên liệu không thể đáp ứng được. Tất cả các cơ sở sản xuất trong nước đều dùng nhựa tái sinh nên những chiếc cặp học sinh thời đó vừa hôi, vừa nặng, lại dễ gãy.
Tình cờ tôi gặp được một nhà sản xuất (cũng là người Đài Loan) chuyên cung cấp nhựa nguyên sinh (không độc hại, không mùi và bền) và với loại nguyên liệu mới này, tôi “khai sinh” ra chiếc cặp siêu nhẹ, trọng lượng chỉ hơn 1/3 so với trước.
Năm 2000, Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp, khuyến khích mọi người mở công ty. Tôi đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để nâng tầm cho thương hiệu của mình.
Cùng lúc đó, tôi mở các cửa hàng, đại lý, kênh phân phối, đồng thời đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông, tham gia các hội chợ... Và hơn một năm sau khi đẩy mạnh đầu tư về mọi mặt, Miti đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
* Nhiều doanh nhân trong ngành công nhận tên Miti gắn liền với chiếc cặp siêu nhẹ. Từ đâu ông có ý tưởng sản xuất loại cặp này?
Là bác sĩ, tôi nhìn thấy tác hại của những chiếc cặp thông thường đối với trẻ em. Vào năm 2000, theo thống kê, có đến 40% học sinh bị vẹo, lệch cột sống do mang những chiếc cặp quá nặng so với sức của các em. Chỉ cần cặp lệch một tí thôi là sẽ ảnh hưởng đến hệ xương của các em.
Vốn là bác sĩ nhi khoa, tôi nghĩ mình phải làm gì đó để cải thiện tình hình. Với nguyên liệu nhựa nguyên sinh vừa phát hiện, tôi bắt tay thiết kế để làm sao sản phẩm vừa nhẹ, bền, vừa đảm bảo độ cân đối. Hai năm đầu, tôi chú ý đến yếu tố nhẹ. Sau đó, tôi tiếp tục cải tiến về yếu tố cân đối, tiện dụng, chất lượng.
Nghĩ thì rất đơn giản, nhưng thiết kế sao cho hài hòa và có tính thẩm mỹ lại là cả một quá trình. Sau hai năm liên tục cải tiến quai đeo, đầu khóa, dây kéo, ngăn phụ và yếu tố cân đối, chiếc cặp siêu nhẹ chỉ còn nặng 600gr (cặp trước kia nặng đến 1,6 - 1,7kg) và có nhiều ngăn hơn so với cặp bình thường.
* Và chính chiếc cặp siêu nhẹ này đã đẩy lùi hàng Trung Quốc?
Đúng thế. Một năm sau khi chúng tôi đưa cặp siêu nhẹ ra thị trường, các đơn vị khác cũng bắt tay vào sản xuất loại cặp này. Trước đó, cặp Trung Quốc tràn lan trên thị trường, nhưng chỉ sau ba năm chiếc cặp siêu nhẹ xuất hiện và cặp Trung Quốc không còn làm mưa làm gió tại Việt Nam.
Bài học thực tế
* Nhưng được biết, ông đã từng mở nhà máy ở miền Bắc và cũng đã phải đóng cửa vì không đủ lực?
Cách đây bốn năm tôi thành lập nhà máy ở miền Bắc và cũng đã đóng cửa sau hơn một năm hoạt động do những khó khăn khách quan lẫn chủ quan. Trong đó có khó khăn về con người, nguồn nguyên liệu và vận chuyển. Hơn nữa, nhà máy ở xa nên việc quản lý cũng khó khăn.
Hồi trước, công nhân của nhà máy chủ yếu là người miền Bắc, mỗi lần họ về quê nghỉ Tết là một lần mất công nhân. Vì thế, tôi nghĩ mở nhà máy ngoài đó một mặt là để phục vụ thị trường khu vực này, mặt khác cũng là để thu hút nguồn nhân công lành nghề cũ.
Nhưng do thị trường miền Nam còn rộng, chưa khai thác hết mà cùng lúc phát triển hai nơi thì sẽ quá sức mình. Vì vậy, tôi quyết định đóng cửa nhà máy ở miền Bắc để tập trung phát triển ở miền Nam. Đấy cũng là bài học để tôi nhìn lại: Phát triển quá vội, vượt quá tầm quản lý của mình sẽ không thành công.
Rút kinh nghiệm từ nhà máy ở miền Bắc, mới đây, tôi mở thêm một nhà máy ở TP.HCM cho dễ quản lý. Nhà máy được trang bị các loại máy móc chuyên dụng để sản xuất vali cần kéo với mức đầu tư trên 5 tỷ đồng.
* Ngoài những sản phẩm bình thường, hình như ông còn đầu tư cho dòng sản phẩm cao cấp?
Song song với Miti chúng tôi còn triển khai dòng sản phẩm cao cấp hơn mang thương hiệu Bavio. Sản phẩm của dòng thương hiệu này gồm ba lô, túi xách công sở. Hiện tại, sản phẩm đã có trên thị trường nhưng chưa nhiều. Chúng tôi không thể đưa con người Miti và hệ thống Miti hiện tại để kinh doanh Bavio. Phải xây dựng mọi thứ thật tốt, thật hoàn chỉnh rồi mới “bung” ra.
Cơ hội mới
* Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn còn, nay lại thêm những khó khăn mới từ nền kinh tế, Miti đối phó như thế nào?
Tôi nghĩ, khó khăn luôn thường trực và tồn tại ở các doanh nghiệp. Khó khăn chung của xã hội ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp nhưng như người ta thường nói, trong khó khăn ắt có cơ hội. Vấn đề là phải tìm ra cơ hội đó. Cơ hội của tôi là tăng tốc phát triển mạng lưới bán lẻ.
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp co cụm lại, thu hẹp sản xuất, kinh doanh, nhưng đây là cơ hội tốt để mình chọn lựa mặt bằng mở cửa hàng. Hiện nay, chúng tôi xây dựng hệ thống phân phối với hơn 75 cửa hàng và hơn 200 đại lý trong cả nước. Không dừng lại ở con số này, chúng tôi đang tìm những vị trí đẹp để tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối.
* Nhiều doanh nhân vẫn thường nói, muốn thành công phải dám đánh đổi. Với Miti thì sao?
Trong cuộc sống có nhiều thứ phải đánh đổi. Với tôi, đó là sự thay đổi chiến lược kinh doanh. Những năm trước, tình hình xuất khẩu hàng hóa của Miti tiến triển khá tốt, nhưng tôi quyết định ngưng và dốc toàn tâm, toàn lực cho thị trường nội địa.
Thời gian đầu, tôi mất rất nhiều lợi nhuận vì cắt nguồn xuất khẩu nhưng tôi lại nghĩ, xuất khẩu có thể tốt trong hiện tại, còn về lâu dài thì không thể bằng thị trường nội địa.
Đó còn là sự dấn thân. Nếu bằng lòng với những gì đang có, chọn cách thức dễ dàng cho bản thân thì có thể giao hết cho hệ thống phân phối. Nhưng như vậy thì sản phẩm của mình sẽ phải qua nhiều tầng nấc trung gian và hệ thống nhận diện thương hiệu của công ty không tốt.
Chính vì vậy, tôi chấp nhận tự làm dù có mệt hơn, tốn nhiều chi phí hơn, nhưng bù lại hệ thống nhận diện thương hiệu của mình tốt hơn. Và đương nhiên ngoài tiền bạc, bản thân mình cũng phải bỏ công sức, thời gian, tuổi trẻ và tâm huyết cho công việc này. Tôi chấp nhận hy sinh mọi thứ, vì ngay từ khi đặt tên Công ty tôi đã xác định phải đi lên bằng con đường trí tuệ.
* Đến thời điểm này ông có tự tin sản phẩm của mình có thể cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài?
Theo tôi, nếu doanh nghiệp có nền tảng tốt thì sẽ hoàn toàn có thể tự tin. Ra khơi xa phải cần tàu lớn, phải chú trọng đầu tư vào nền tảng. Tôi nghĩ, đến thời điểm này các doanh nghiệp Việt Nam đã đủ sức để phát triển, để cạnh tranh. Hiện tại, chúng tôi đã xây dựng khá bài bản, quy củ về nhà xưởng sản xuất, tay nghề công nhân, thương hiệu, hệ thống phân phối...
Tại TP.HCM, hiện sản phẩm của Miti chiếm khoảng 30 - 40% thị trường và sẽ tăng thêm trong thời gian tới. Chúng tôi có hai nhà máy với công suất 500.000 sản phẩm/năm, sản xuất tám nhóm sản phẩm, gồm: cặp học sinh, vali, ba lô, ví da, thắt lưng, cặp công sở và túi du lịch.
* Nhiều doanh nhân cũng là bạn bè của ông cho rằng, ông có nhiều thói quen rất dễ thương?
Tôi có thói quen ghi lại những ý tưởng, những suy nghĩ, trăn trở... ngay từ thời còn học đại học. Có đến 20 cuốn sổ như thế được tôi lưu giữ đến ngày nay. Bây giờ đọc lại tôi vẫn tự hỏi lúc đó sao mình lại nghĩ được như vậy... và học được nhiều thứ từ “dĩ vãng”.
Tôi còn có sở thích đọc sách. Trước kia, khi còn làm trong ngành y, tôi đọc nhiều sách về y khoa, còn bây giờ là sách về marketing, kế toán, sản xuất, phân phối... Ngoài đam mê sách về kinh doanh, tôi còn thích đọc sách viết về bí quyết giữ cho tinh thần luôn lạc quan.
* Và là một người lãng mạn?
Tôi thích hội họp bạn bè để cùng trò chuyện, cùng đàn hát. Tôi cũng thích ngắm những cô gái đẹp và ngồi nhâm nhi cà phê cùng bạn bè vào những chiều mưa. Còn gì vui thú hơn khi được thả hồn theo tiếng nhạc du dương, để lại sau lưng những lo toan, tính toán của công việc, của đời thường...
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!
Theo: Doanhnhansaigon

Ông vua của gạch nung


   Mọi người vẫn gọi Đinh Hồng Kỳ- Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Secoin như thế vì những thành công có tính đột phá trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm gạch không nung của anh cho ngành vật liệu xây dựng ở Việt Nam.
40 tuổi đời và 17 tuổi nghề, anh đã gắn bó với công ty của mình ngay từ những ngày đầu được thành lập. Cho đến tận bây giờ anh vẫn nhớ về thời gian khó khăn đó để ngẫm nghĩ rằng: "Nó đã cho tôi biết thế nào là trưởng thành"... Những ngày đầu gian khó...
Ra đời trong xu thế đổi mới của đất nước, Secoin chính thức được thành lập từ ngày 22/3/1989 do ông Đinh Xuân Bá (Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Tin học trường Đại học Bách khoa Hà Nội) làm Tổng Giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực tin học chỉ với nguồn vốn vô hình lớn nhất là chất xám và quan hệ khoa học.
Thời điểm này, chàng thanh niên Đinh Hồng Kỳ mới tốt nghiệp Khoa Điều khiển tự động- Đại học Bách khoa Hà Nội được một năm và có biết bao dự tính cho con đường lập nghiệp của mình. Hơn nữa Secoin lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu từ hai bàn tay trắng.
Nhưng cũng như những thành viên khác trong gia đình, Đinh Hồng Kỳ đã lao vào con đường đầy gập ghềnh và nhọc nhằn ấy với một niềm say mê vô tận nhằm quyết tâm "đeo đuổi và làm sống dậy một sản phẩm tinh thần đã chứa biết bao tâm huyết của người cha".
Chính ý nghĩ sẽ phải nỗ lực hết mình để biến tâm huyết của cha mình trở thành hiện thực, để công ty Secoin không những đứng vững mà ngày càng trưởng thành và phát triển nhiều hơn đã khiến Đinh Hồng Kỳ không cho phép mình dừng lại, ngay cả khi chính anh cũng đã không còn nhiều hy vọng.
Trụ sở đầu tiên của công ty: số 9 Dã Tượng- Hà Nội đã có lúc phải trở thành một trong những điểm đầu tiên tại Hà Nội giới thiệu và bán sản phẩm linh kiện điện tử, thiết bị văn phòng, hàng điện tử dân dụng, thậm chí kiêm luôn cả nhiệm vụ cho thuê băng hình, bán vô tuyến để "lấy ngắn nuôi dài".
Càng khó khăn hơn nữa khi thời điểm này thị trường trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa có sự sôi động của nền kinh tế thị trường. Các đối tác kinh doanh trong nước của Secoin cũng không đủ sức để giúp công ty này lấy lại "thăng bằng" sau biết bao thăng trầm, sóng gió. Secoin buộc phải chuyến hướng ra hoạt động tại nước ngoài với phương châm "Vươn ra nước ngoài để khai thác tiềm năng trong nước" nhằm hướng tới thị trường quốc tế.
Nhưng tại Hungari, Đức, Nga...công ty Secoin với lĩnh vực tin học của mình vẫn không thể hoạt động hiệu quả. Lúc này, tại Việt Nam, Đinh Hồng Kỳ không chỉ phải đối diện với những khó khăn chồng chất của cả công ty mà anh còn phải đứng giữa một sự chọn lựa mang dấu ấn bước ngoặt cho chính sự nghiệp của mình.
Đó là: sang Nga để bảo vệ bằng Phó Tiến sĩ hoặc đại diện cho công ty đi sang Ba Lan để tự lập và tự học hỏi kinh nghiệm kinh doanh. Việc lựa chọn dường như khá dễ dàng khi với việc sang Nga, anh sẽ có rất nhiều cơ hội để anh tích luỹ kiến thức khoa học và không phải đối diện với những lo toan, chật vật của thương trường. Nhưng, dường như đã có một sức mạnh vô hình níu chân anh ở lại với Secoin.
Nếu chỉ có lòng quyết tâm e chưa đủ. Có lẽ còn phải kế đến sự say mê, ngọn lửa nhiệt huyết và bản lĩnh của chàng thanh niên chưa đầy 30 tuổi. Anh gọi đơn giản đó là "tuổi trẻ". Sức mạnh của tuổi trẻ đã giúp anh không gục ngã trước vô vàn khó khăn, giúp anh không đầu hàng trước nhiều cám dỗ và hơn tất cả giúp anh có đủ nghị lực để tiếp tục gắn bó với công ty của cả gia đình mình- nơi mà những người thân của anh đã phải dốc bao tâm huyết và trí lực.
Kể cho tôi nghe về sự lựa chọn khi đó của mình, dường như trong giọng nói của anh đến giờ vẫn còn biết bao băn khoăn, trăn trở nhưng vẫn tràn đầy niềm tự hào : "Nếu sang Nga, có lẽ bây giờ tôi đã là một tiến sĩ. Và tôi cũng không phải trải qua biết bao gian khó như thời gian ở Ba Lan.
Nhưng nếu như thế, công ty mà gia đình tôi đã nỗ lực bao nhiêu để thành lập sẽ không thể đứng vững. Mà ở đó cũng có cả tâm huyết và niềm say mê của tôi. Vì thế, tôi vẫn cho rằng đó là một sự lựa chọn đúng đắn. Và điều tôi tự hào nhất bây giờ trong thời gian ở Ba Lan là dù gặp không ít khó khăn nhưng tôi vẫn duy trì được mô hình của Secoin tại Ba Lan".
Ba Lan đã trở thành miền nhớ trong ký ức của Đinh Hồng Kỳ mỗi khi anh hồi tưởng lại những ngày đầu lập nghiệp. 5 năm tại đất nước xa xôi này (1990- 1995), Đinh Hồng Kỳ đã gắn bó với biết bao dấu ấn mang thương hiệu Secoin, thành công có mà thất bại cũng có. Nhưng có lẽ sâu đậm nhất đó là ấn tượng về những khó khăn khi anh phải một mình lập nghiệp xa nhà, xa người thân và bạn bè, trong một môi trường kinh doanh đầy mới lạ và thách thức.
Không có sự động viên, giúp đỡ của người thân; một mình phải xoay sở với biết bao lo toan và dự tính và quan trọng hơn cả là một mình anh phải tự quyết định từng "đường đi nước bước" có gắn liền với sự phát triển của cả công ty. "Tất cả đã buộc tôi phải trưởng thành để có được những quyết định chính xác nhất".
Đột phá và thành công...
Công ty Sekopol tại Ba Lan (viết tắt của Secoin in Poland) được thành lập (tháng 8/1991) đã trở thành quyết định chính xác đầu tiên của Đinh Hồng Kỳ trong quá trình lập nghiệp tại đây. Với chức vụ Giám đốc điều hành, anh đã từng bước biến Sekopol trở thành cơ quan đầu não và lãnh đạo toàn bộ hoạt động kinh doanh của Secoin tại Châu Âu.
Riêng với công ty Secoin trong nước, Sekopol đã phối hợp thực hiện hơn 60 đợt hàng xuất khẩu hàng Việt Nam gồm hàng may mặc, thủ công, mỹ nghệ... sang Đông Âu và Nga. Với sự khởi đầu đầy ấn tượng này, Secoin đã có thêm tin tưởng để mở rộng các hoạt động của công ty tại Ba Lan.
Liên doanh Ba Lan- Việt Nam với tên gọi "NiB" đã được thành lập và Đinh Hồng Kỳ tiếp tục giữ trọng trách "đầu tàu" với cương vị Chủ tịch HĐQT. Thành công đáng tự hào nhất mang tính đột phá của Đinh Hồng Kỳ với công ty Sekopol của mình trong thời gian này đó là lần đầu tiên Sekopol được tín nhiệm tham gia vào các dự án cấp Nhà nước vào năm 1993. Đây là thời điểm chính phủ của hai nước Ba Lan và Việt Nam đang thực hiện chương trình trả nợ của Việt Nam cho Ba Lan bằng hàng hoá.
Bộ Hợp tác kinh tế với nước ngoài của Ba Lan đã nhận số tiền trả nợ của Việt Nam bằng lô hàng cao su tự nhiên thông qua Tổng công ty Cao su Việt Nam. Sekopol với uy tín của mình đã được lựa chọn để thay mặt chính phủ Ba Lan nhận lô hàng này. Sau đó, Đinh Hồng Kỳ đã có một ý tưởng táo bạo là tái xuất số hàng này sang Singapore. Hợp đồng kinh doanh lớn đầu tiên thành công, anh đã không chỉ vui vì mang lại lợi nhuận cho công ty của mình mà còn vui vì "thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều về nghiệp vụ, tri thức, tầm tư duy và cả bản lĩnh".
Nhưng có lẽ phải đến khi trở về Việt Nam (năm 1995), Đinh Hồng Kỳ mới thực sự xây dựng được một thương hiệu Secoin vững vàng như anh hằng mong ước. Trở về quê hương, Đinh Hồng Kỳ đã không chỉ có một tư thế mới mà quan trọng hơn cả đó là anh đã trang bị cho mình một hành trang khá đầy đủ để chuẩn bị cho một "cuộc chiến" mới là: bản lĩnh và niềm tin. Và đây cũng là những yếu tố quan trọng nhất giúp cho Đinh Hồng Kỳ bạo dạn biến "ý tưởng khoa học của bố trở thành những dịch vụ thương mại".
Đó là ý tưởng hướng đến những sản phẩm vật liệu xây dựng không nung. Năm 1995, Secoin đã thực hiện việc cung cấp thiết bị, lắp đặt và chuyển giao công nghệ nhà máy gạch blốc đầu tiên của miền Bắc cho Ban Quản trị Tài chính Nam Hà, đặt tại Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Đây là bước khởi đầu của quá trình chuyển giao công nghệ cho rất nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung (gạch block, terrazzo, terastone) trong cả nước.
Tính đến nay, Secoin đã cung cấp thiết bị , lắp đặt và chuyển giao công nghệ cho gần 45 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung trên khắp cả nước. Với những thành tích trên, Secoin của Đinh Hồng Kỳ đã được Bộ Xây dựng và Hội Vật liệu Xây Dựng Việt Nam đánh giá là " Người tạo ra nền công nghệ vật liệu xây dựng không nung tại Việt Nam".
Năm 1996, sau khi ký hợp đồng đại lý độc quyền với hãng Rometasa (Tây Ban Nha) về công nghệ và dây chuyền sản xuất gạch block, Secoin đã chính thức khánh thành dây chuyền sản làm gạch blốc tại Văn Điển (Hà Nội). Dây chuyền này đã cung cấp gạch blốc cho 7 công trình xây dựng lớn của Hà Nội như: Khách sạn 5 sao Horison, Trung tâm hội nghị quốc tế Hùng Vương, Nhà máy Toyota…Và Secoin trở thành đơn vị đầu tiên sản xuất và cung cấp gạch block tại thị trường Hà Nội , đánh dấu một bước chuyển mới trong lĩnh vực hoạt động của Secoin đó là sản xuất.
Đây là lần đầu tiên Secoin tự đầu tư và điều hành sản xuất một dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng. Tiếp sau gạch blốc, Secoin đã tiến hành chuyển giao công nghệ và thiết bị toàn bộ sản xuất gạch lát terrazo cho các nhà máy sản xuất sản phẩm này tại Việt Nam.
Nhà máy gạch lát terrazzo (Seterra) với dây chuyền thiết bị, công nghệ của Italia chính thức được thành lập (năm 1998) đã góp phần mở ra một bước ngoặt mới cho Secoin. Với những lô gạch lát ngoài trời mang nhãn hiệu Seterra, Đinh Hồng Kỳ đã vinh dự cùng Secoin đón nhận Huy chương vàng tại Hội chợ Quốc tế hàng công nghiệp tháng 10/1999 và tại Hôi chợ Thương mại quốc tế Expo 2000.
Từ đó đến nay, Secoin đã vinh dự tiếp tục đón nhận rất nhiều bằng khen, giải thưởng, thành tích đáng tự hào: Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bằng khen của Bộ Xây Dựng về thành tích xuất khẩu, Bằng khen của Bộ Tài chính, Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt liên tục 2 năm 2003-2004, Danh hiệu "Doanh nghiệp Việt Nam uy tín- chất lượng 2006"...
Đinh Hồng Kỳ cũng đã được công nhận là một trong mười cá nhân đạt danh hiệu Doanh nhân trẻ Thăng Long. Một dấu ấn khó phai và đầy tự hào đối với Đinh Hồng Kỳ về sản phẩm gạch lát Seterra đó là tìm được chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường Nhật Bản- một trong những thị trường được coi là khó tính và khắt khe nhất thế giới.
Sau khi đã đáp ứng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất do thị trường Nhật Bản đề ra, cho đến nay đã 7 năm liên tiếp Secoin được phép xuất khẩu sản phẩm gạch lát Seterra sang Nhật Bản (trung bình mỗi năm hàng chục container.
Tại Nhật Bản, việc sử dụng gạch terrazzo rất phổ biến, hơn nữa tại đất nước này cũng có rất nhiều nhà máy sản xuất quy mô lớn hơn Secoin. Nhưng với uy tín và những nỗ lực không ngừng, Secoin đã chiếm trọn niềm tin của thị trường Nhật Bản và trở thành đối tác đáng tin cậy của thị trường này. Gạch lát Seterra còn gắn liền với Thủ đô Hà Nội, nơi Đinh Hồng Kỳ đã sinh ra và lớn lên vì đã có thời điểm nhắc đến những viên gạch Seterra của Secoin, người ta vẫn thường gọi là "Gạch Hồ Gươm".
Chính bởi vì sản phẩm này đã được sử dụng cho hệ thống đường dạo xung quanh Hồ Gươm nhân dịp cả nước chuẩn bị cho lễ kỷ niệm trọng đại 990 năm Thăng Long- Hà Nội. Đây cũng là ý kiến đầy tâm huyết của Đinh Hồng Kỳ khi anh quyết tâm dù có lỗ cũng phải dùng gạch Seterra để làm đẹp quang cảnh Hồ Gươm- một trong những địa danh thiêng liêng và đầy ý nghĩa đối với tuổi thơ của Đinh Hồng Kỳ.
Chính vì thế, đến tận bây giờ "mỗi lần nhìn thấy gạch của mình được lát tại Hồ Gươm, tôi lại có cảm giác bồi hồi và sung sướng. Đó chính là thành quả của biết bao ngày gian khó của Secoin".Không chỉ dừng lại ở gạch không nung, sản xuất đá mài theo công nghệ của Italia cũng là một lĩnh vực rất quan trọng và đang gặt hái được rất nhiều thành tích cho Secoin.
Tháng 6/2003, Secoin đã ký với EDM Abrasives (Italia) hợp đồng cung cấp thiết bị, chuyển giao công nghệ và mua lại thương hiệu đá mài EDM. Và nhà sản xuất đá mài Secoin-EDM tại Văn Lâm- Hưng Yên của Secoin đã được xây dựng và đi vào hoạt động.
EDM chuyên dùng để xử lý các loại đá tự nhiên, nhân tạo và là sản phẩm đá mài đầu tiên tại Việt Nam. EDM của Secoin được tung ra thị trường Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất gạch granite nhân tạo, đá tự nhiên và nhân tạo. Nhưng không chỉ phục vụ thị trường trong nước, sản phẩm đá mài của Secoin mang thương hiệu EDM còn được xuất sang thị truờng nhiều nước khác như: Bỉ, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Iran và đặc biệt là Italia, nơi được coi là nơi hội tụ của rất nhiều thương hiệu đá mài nổi tiếng.
Bây giờ, Secoin đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng và đầy uy tín với quy mô rộng lớn hơn rất nhiều. Và Đinh Hồng Kỳ cũng đã là một doanh nhân đáng được khâm phục. Với phương châm" luôn tạo ra sự mới lạ", Đinh Hồng Kỳ đang hướng Secoin tới mục tiêu: "chỉ làm những gì người khác chưa làm hoặc chưa làm tốt".
Chính vì thế, Secoin liên tiếp là người đi đầu trong việc sản xuất ra những sản phẩm VLXD mới có chất lượng cao như: ngói màu, gạch nghệ thuật…Cho đến nay, biết bao công trình quan trọng của cả trong và ngoài nước đã sử dụng sản phẩm của Secoin. Nhưng dường như doanh nhân Đinh Hồng Kỳ- người được coi là "Ông vua của gạch không nung" vẫn chưa bằng lòng với những thành công đó.
Anh vẫn đang đeo đuổi những dự định mới mà theo như anh gọi thì đó là hành trình "làm mới mình và làm cho chính mình trưởng thành hơn". Đó vì thế sẽ còn là cả một chặng đường dài với cái đích đã được biết trước là thành công, vinh quang và những đột phá…
Theo Doanh nhân toàn cầu

Flag Counter