Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Cô chủ nhỏ và chuỗi cửa hàng lớn



  








Khởi nghiệp cách đây 4 năm, với vốn liếng ban đầu là vải vụn, chỉ thừa của mẹ, Trần Phương Huyền dần xây dựng được một hệ thống cửa hàng rộng khắp cả nước với sản phẩm gối handmade độc đáo. Cô chủ nhỏ này đang là sinh viên năm cuối.
"Béo ơi", "Yêu mẹ nhất", "Khì khì khò khò"... là những dòng chữ ngộ nghĩnh, chứa đầy yêu thương mà khách hàng có thể bắt gặp trên sản phẩm gối Takeone của Phương Huyền. Trên chất liệu nỉ Hàn Quốc, Huyền cùng các nhân viên trong xưởng tha hồ sáng tạo phối hợp màu sắc, kiểu dáng, cho ra những sản phẩm "không đụng hàng".
Gặp cô chủ của những món quà xinh xắn này, người ta có ấn tượng bởi khuôn mặt nhỏ nhắn nhưng chững chạc hơn so với độ tuổi 22. Con đường đưa Huyền đến với nghề kinh doanh rất tự nhiên và đơn giản. Từ nhỏ Huyền đã quen với vải vóc, may vá do mẹ mở tiệm may tại nhà. Vốn được học qua mỹ thuật, từ bé Huyền đã và có thể may được những bộ quần áo búp bê.

Đến lúc đang học năm thứ nhất Đại học Ngoại thương, Huyền làm những chiếc gối xinh xắn đem tặng bạn bè và những người bạn của cô hưởng ứng nhiệt tình. Ý tưởng kinh doanh đã nhen nhóm trong suy nghĩ của Huyền từ đó.
Vốn liếng ban đầu của Huyền hoàn toàn chỉ là chỗ vải vụn, vải thừa cùng với kim chỉ của mẹ. Cho đến nay, Huyền đã có trong tay 11 cửa hàng và đại lý, 3 cửa hàng tại Hà Nội, 2 tại TP HCM, các đại lý tại Lào Cai, Buôn Mê Thuột và nhiều tỉnh khác.
                                                      Một cửa hàng của Huyền. Ảnh: Takeone

Vì là hàng thủ công nên gối của Huyền giá cao hơn so với một số thương hiệu trên thị trường. Tuy vậy, tình hình kinh tế khó khăn cùng sự suy giảm sức mua trong thời gian gần đây không ảnh hưởng mấy đến công việc kinh doanh của cô. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của chuỗi cửa hàng Takeone đã tăng gấp 3 lần.
Huyền cho biết: "Bí quyết kinh doanh của mình đơn giản là luôn giữ sự tương tác qua lại với khách hàng. Những lời nhận xét khen, chê của người mua phản ánh trực tiếp hay trên các diễn đàn giúp mình cảm thấy tự tin hơn để tiếp tục phát huy hoặc có sự điều chỉnh trong kinh doanh". Thêm vào đó, đây là công việc cô thật sự thích thú và mang lại niềm vui cho nhiều người, nên Huyền luôn làm việc một cách hết mình bằng tất cả niềm say mê. Cô chủ nhỏ cho rằng đây là điều hết sức quan trọng khi làm bất cứ công việc gì.
Từ những ngày khởi nghiệp cho đến nay, gối vẫn luôn là sản phẩm chủ đạo trong cửa hàng Takeone. Ngoài ra cô còn sản xuất các mặt hàng khác như ga trải giường, khăn và nhiều đồ lưu niệm theo yêu cầu khách hàng.
Mỗi sản phẩm làm ra đều 100% thủ công trong tất cả các khâu. Mặc dù hiện nay số lượng đơn hàng từ các đại lý tại Hà Nội, TP HCM ngày càng nhiều, nhưng Huyền vẫn không có ý định "cơ giới hóa" công việc sản xuất. Cô tâm sự: "Mình không muốn thay đổi thương hiệu gối handmade. Mỗi chiếc gối phải là một sản phẩm gửi gắm tâm huyết của người làm ra nó".
Đối tượng khách hàng chủ yếu mà Huyền nhắm tới là học sinh, sinh viên nên các sản phẩm đậm chất "teen", nhiều màu sắc, kiểu dáng cho teen lựa chọn. Hầu hết các bạn trẻ đến đây đều đã "thủ sẵn" một bản thiết kế với những dòng nhắn nhủ rất riêng để làm quà tặng độc đáo cho người yêu, bạn bè hay cho bố mẹ.

Nhiều sinh viên xem Phương Huyền là thần tượng vì đang ngồi trên giảng đường mà Huyền đã xây dựng được một "cơ nghiệp" kha khá. Để cân đối giữa học và làm, Huyền chỉ tập trung học những môn có ích cho công việc kinh doanh. Tuy nhiên, Huyền cho biết sẽ học thêm một bằng về quản lý. Cô cho rằng mình vẫn còn thiếu phong cách quản lý chuyên nghiệp. Hệ thống cửa hàng ngày càng mở rộng, chỉ điều hành hoạt động dựa vào kinh nghiệm cá nhân và lời khuyên của bố mẹ thì không đủ.
Huyền vẫn chưa hoàn toàn tự hào về bản thân mà khiêm tốn cho rằng xung quanh cô vẫn còn rất nhiều người giỏi hơn. Cô cho biết môi trường năng động của trường Đại học Ngoại thương đã tạo ra rất nhiều nhiều bạn trẻ có tiềm năng là những doanh nhân thành công tương lai.
Theo: dddn.vn

"Kỳ tích" của nữ doanh nhân 14 tuổi học đại học














 “14 tuổi học đại học, 18 tuổi làm giảng viên đại học. Năm 22 tuổi, một mình mang 20.000 đô la Mỹ đầu tư vào thị trường phố Wall tại Mỹ, và nhanh chóng kiếm được 1 triệu đô la Mỹ trong một thời gian ngắn. Năm 27 tuổi quay trở về quê hương và thành lập Tập đoàn giáo dục trực tuyến đầu tiên tại Trung Quốc. Năm 30 tuổi đã đứng đầu một công ty lớn với tài sản lên tới 60 triệu đô la Mỹ”.
Bản CV ngắn gọn trên là của một người phụ nữ với phong thái điềm đạm, lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ đoan trang nhưng lại rất nổi tiếng tại Trung Quốc. Đó chính là: Hi Tuệ Lâm, tổng giám đốc tập đoàn đầu tư giáo dục quốc tế Trung Quốc, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn giáo dục trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc.
Cô bé thiên tài

Sinh ra trong một gia đình trí thức cao cấp tại thành phố Tây An thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, cô bé Hi Tuệ Lâm đã sớm được tiếp nhận cuộc sống tự lập, đơn giản là bởi vì bố mẹ cô bé rất bận bịu với những chuyến công tác dài ngày. “Khi tôi bốn tuổi, mẹ sinh em trai, bố lại phải đi công tác, lúc đó hầu như mọi việc lặt vặt trong nhà tôi đều phải làm, trên cổ lúc nào cũng treo rất nhiều các loại chìa khóa của cả gia đình.” Cô vui vẻ kể lại.
Ngay từ hồi nhỏ, cô bé Hi Tuệ Lâm đã xác định mục tiêu của cuộc đời sau này của mình. Cô luôn có hoài bão là sẽ trưởng thành sớm hơn mọi người, đi làm sớm hơn mọi người và đạt được thành công cũng sớm hơn mọi người. Do vậy, ngay từ khi 4 tuổi, Tuệ Lâm đã được bố mẹ cho đi học lớp một. Với thành tích học tập xuất sắc, nửa năm sau cô được đặc cách lên học lớp 3.
Không chỉ có thành tích xuất sắc trong học tập, trong các lĩnh vực ngoại khóa khác, cô bé đáng yêu này cũng  làm những người xung quanh mình phải ngạc nhiên và thán phục. Hồi học tiểu học, cô được là học sinh cầm cờ trong đội lễ nhạc của nhà trường( tại Trung Quốc, học sinh thực sự xuất sắc mới được có vinh dự này). Học trung học, cô là chỉ huy dàn hợp xướng của nhà trường. Đồng thời cô bé còn tham gia rất nhiều các hoạt động thể chất khác như: thể dục nhịp điệu, khiêu vũ…  “ Chính vì được tham gia những hoạt động mang tính chất tập thể này mà tôi đã quen dần với cách thức hoạt động theo nhóm” Hi Tuệ Lâm nói.
Năm 14 tuổi, Hi Tuệ Lâm thi đỗ vào đại học sư phạm Bắc Kinh và trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của nhà trường. Tuy nhiên không vì nhỏ tuổi mà cô bị các sinh viên khác coi thường. Trong lễ đón tân sinh viên của trường sư phạm Bắc Kinh năm đó, Hi Tuệ Lâm, 14 tuổi đã nổi bật lên nhờ thành tích học tập xuất sắc, khuôn mặt xinh đẹp và vóc dáng như một người mẫu. Cô có nói rằng: "Con người phải biết thể hiện bản thân mình, biết tận dụng những cơ hội để được chứng tỏ năng lực của bản thân”. Đối với bản thân Tuệ Lâm mà nói, cuộc sống có rất nhiều cơ hội, điều quan trọng là nắm bắt cơ hội đó như thế nào mà thôi.
Giảng viên đại học tuổi 18
Cả 4 năm học đại học, thời gian chủ yếu của Hi Tuệ Lâm là trong thư viện. Năm 18 tuổi, khi tốt nghiệp đại học cô đã có trong tay hai tấm bằng khác: một tấm bằng đại học về văn học nước ngoài và một bằng về thương mại quốc tế, đồng thời trong năm này cô cũng đã có được một tấm bằng lái xe khi vừa đủ tuổi. Những thành tích của Tuệ Lâm luôn làm bố mẹ cô tự hào và mãn nguyện.
Sau khi tốt nghiệp, theo đúng nguyện vọng của mình, Tuệ Lâm trở thành giảng viên của khoa kinh tế đối ngoại thuộc Học viện dầu khí Bắc Kinh. Thời gian rỗi, cô dịch sách cho các nhà xuất bản và làm hướng dẫn viên du lịch của một tập đoàn du lịch của nước ngoài.
Trong thời điểm khi các công ty nước ngoài dồn vào đầu tư tại thị trường Trung Quốc, Hi Tuệ Lâm đã nhận được rất nhiều lời mời về làm tại các công ty này với những mức lương rất hấp dẫn. Ngay từ khi vừa mới tốt nghiệp, cô đã nhận được lời mời làm giám đốc đại diện cho một số công ty nước ngoài tại Trung Quốc.
“Được làm cho công ty nước ngoài tại Trung Quốc thì cũng là một điều tốt, nhưng một con người luôn muốn khám phá, tìm tòi như tôi thì nếu chỉ ở Trung Quốc thì không thể thỏa sức tang bồng của mình”. Chính vì nguyên nhân này, mà năm 22 tuổi, Hi Tuệ Lâm đã một mình mang theo 20.000 đô la đến Mỹ xâm nhập và đầu tư vào thị trường phố Wall. Và bắt đầu từ đây, một huyền thoại được ra đời.
Chinh phục nước Mỹ
Mùa hè năm 1993, khi bước xuống sân bay Chicagô- Mỹ, nhìn mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm, nhưng Hi Tuệ Lâm đã quyết tâm rằng: “Phải chinh phục được nước Mỹ, đây sẽ trở thành thiên đường cho công việc của mình.”
“Cơ hội và cơ may sẽ luôn đến với những ai đã chuẩn bị mọi thứ để đón nhận nó” Hi Tuệ Lâm trả lời như vậy khi được hỏi về vận may mà cô đã có khi vừa đặt chân tới Mỹ. Năm đó, cô đã thành lập công ty liên hợp “First Chicago Bank’s First Option” tại hai thành phố lớn là New York và Chicago, công ty này chuyên cung cấp vốn cho các công ty tư nhân đa quốc gia và các công ty nhà nước của Trung Quốc. Trong thời điểm đó, khi ở Mỹ một ngày có hàng trăm ngàn công ty được thành lập nhưng không bao lâu sau lại phá sản là một chuyện xảy ra “như cơm bữa” thì việc ra đời công ty “First Chicago Bank’s First Option” của Hi Tuệ Lâm cũng nhận được nhiều ánh mắt nghi ngại. Tuy nhiên, đối với Hi Tuệ Lâm mà nói, việc ra đời công ty là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của cô, cũng bắt đầu từ đây, cô thường xuyên phải làm việc với cường độ cao và cũng thường xuyên bị mất ngủ do công việc quá căng thẳng.

Từ đó về sau, công ty làm ăn phát đạt, xác định mục tiêu chính là ở Hồng Kông,  Hi Tuệ Lâm mở thêm công ty đầu tư  “Gardism”,  phụ trách quản lý đầu tư giữa các công ty, nhà máy, xí nghiệp của Hồng Kông có liên doanh với Trung Quốc đại lục. Đúng như nguyện vọng của mình, hai năm sau khi “Gardism” chính thức đi vào hoạt động, cổ phiếu của công ty bắt đầu được bán ra. Cũng giống như nhiều nhà kinh doanh thành công khác, cổ phiếu của công ty “Gardism” đã làm khuấy động thị trường, và trở thành cổ phiếu được chào đón nồng nhiệt nhất tại thời điểm đó.
Năm 1997, khi vừa tròn 27 tuổi, Hi Tuệ Lâm đã có trong tay lượng tài sản lên tới 10 triệu đô la Mỹ. Lúc này, cô lại bắt đầu từ một điểm xuất phát mới, và về nước là lựa chọn tiếp theo của cô. Năm 1998, khi internet bắt đầu nở rộ tại Trung Quốc, Hi Tuệ Lâm quyết định thành lập tập đoàn giáo dục dạy học trực tuyến đầu tiên tại Trung Quốc.
Dồn sức cho sự nghiệp giáo dục
“Nguyện vọng của tôi là làm thế nào để kết hợp được một cách hài hòa giữa sự nghiệp giáo dục mà tôi được đào tạo bài bản với nghề kinh doanh mà tôi yêu thích, chính vì thế hình thức giáo dục trực tuyến sẽ giúp tôi thực hiện được ước mơ của mình” Hi Tuệ Lâm tâm sự.
Hiện nay, tập đoàn giáo dục trực tuyến của Hi Tuệ Lâm đã ký kết hợp đồng làm đại lý độc quyền với tập đoàn giáo dục lớn nhất thế giới Pearson tại Trung Quốc. Hiện tại hình thức giáo dục của công ty chính là dạy tiếng Anh trực tuyến. Trong vòng 10 năm hoạt động, lợi nhuận của công ty đã lên tới 50 triệu đô la.
Để quảng bá và mở rộng đối tượng tiếp thu hình thức đào tạo mới của mình, Hi Tuệ Lâm đã đi rất nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc, đi thăm và làm việc với hơn 1000 trường học trong cả nước từ đại học, trung học cho tới các trường tiểu học. Ngoài quảng bá hình ảnh cho tập đoàn của mình, cô đã mang tặng các thiết bị học tập và tiền mặt cho những ngôi trường thuộc các vùng khó khăn ở các tỉnh nghèo tại Trung Quốc. Hi Tuệ Lâm cho biết: “Muốn cải thiện xã hội thì phải bắt đầu từ cải thiện từ giáo dục, muốn cải thiện giáo dục thì phải bắt đầu từ con trẻ, mà tạo môi trường học tập tốt cho trẻ chính là điều kiện cơ bản nhất để chúng có thể học tập tốt”.
Mặc dù rất thành công trong công việc hiện tại nhưng Hi Tuệ Lâm vẫn có ước mơ là sẽ có ngày quay trở lại làm giảng viên. “Với tôi, giáo viên là nghề cao quý nhất, được làm giảng viên tôi có thể giúp đỡ những sinh viên nghèo không những về mặt kinh tế mà còn về cả nhận thức nữa” Hi Tuệ Lâm nói.
Một cô bé trưởng thành sớm với những ước mơ cũng sớm trở thành hiện thực đã trở thành tấm gương phấn đấu cho thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện đại. “Cuộc sống có rất nhiều cơ hội, cái chính là bạn có nắm bắt được cơ hội đó hay không mà thôi”. Đây là lời khuyên tổng giám đốc tập đoàn đầu tư giáo dục quốc tế Trung Quốc, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn giáo dục trực tuyến Trung Quốc: Hi Tuệ Lâm với những thanh niên đã đang và sẽ chuẩn bị bước vào con đường lập nghiệp của mình.
Theo: doanhnhan.net
Flag Counter