Trang

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Vén màn bí ẩn đại gia đầu bạc


Ngoài số cổ phiếu tại Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên - người mới bị bắt giữ chiều 20/8) - còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác là Kiên Long, Đại Á (được cho là cổ đông lớn nhất). Bên cạnh đó, có tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phần của VietBank, Eximbank và Sacombank.
Cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội với cả tá ngôi sao, “đánh” VFF tơi bời, lập ra VPF, đấu tay đôi với AVG về bản quyền truyền hình, bầu Kiên trở thành tâm điểm của bóng đá Việt Nam trong năm qua. Nhưng về cơ bản, ông Kiên vẫn là một người kín tiếng trong kinh doanh và đời tư.
Khởi nghiệp kinh doanh thuận lợi
Đại gia tuổi rồng có mái tóc bạc trắng rất dễ nhận diện
Ông Nguyễn Đức Kiên sinh năm 1964, năm nay mới 48 tuổi nhưng sự nổi tiếng của ông chắc không mấy người trong số các “đại gia” tại Việt Nam có thể địch nổi. Với mái đầu bạc trắng, sự nhận diện của ông đã khác biệt hẳn so với đại đa số những người khác. Tuy nhiên, đó không phải là cái làm ông nổi bật.

Điều mà nhiều người biết đến ông nhiều nhất có lẽ là những phát ngôn cực sốc và đầy quyền lực trong lĩnh vực bóng đá và những quan hệ kinh doanh, đầu tư của ông liên quan đến các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.
Với sự thành công trong lĩnh vực ngân hàng ở độ tuổi vẫn còn khá trẻ như vậy, nhiều người nghĩ rằng ông được sinh ra và lớn lên trong một gia đình cực kỳ giàu có trong chính lĩnh vực này. Nhưng thực tế hoàn toàn khác, ông xuất thân từ gia đình khá bình thường. Thời trẻ, bầu Kiên học tại Đại học Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng (từ 1980-1981) và sau đó học tại Trường Kỹ thuật quân sự Zalkamatê, Hunggary (1981-1985). Sau đó, trong khoảng thời gian gần một thập kỷ, ông là cán bộ của Tổng công ty Dệt - May.
Tới năm 1994, ông Kiên cùng với các ông Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang... sáng lập ra Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Ông Kiên nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT từ 1994 - 2008 và có 1 thời gian giữ chức vụ tổng giám đốc của ngân hàng này.
Năm 2008, ông Kiên cùng một số sáng lập viên khác của ACB rút ra khỏi các vị trí trong HĐQT và hình thành nên “Hội đồng sáng lập” gồm 6 thành viên. Ông Trần Mộng Hùng là Chủ tịch và ông Kiên là Phó chủ tịch. Mặc dù không trực tiếp đứng trong HĐQT nhưng Hội đồng sáng lập vẫn có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của ACB. Ngoài ra, ông Kiên còn giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng Á châu.
Cướp diễn đàn, đánh tơi tả VFF
Là doanh nhân đầu tiên nhảy vào làm bóng đá, nhưng tên tuổi của bầu Kiên khá “chìm” so với bầu Thắng hay bầu Đức. Sở dĩ có điều trên là bởi ông trùm ngân hàng này có đặc tính không thích lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng và làm bóng đá một cách khá căn cơ chứ không vung tiền quảng bá thương hiệu rầm rộ.
Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi kẻ từ sau buổi hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của VFF. Trong buổi hội nghị ấy, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ quyết định “cấm cửa” giới truyền thông, thế nhưng bất ngờ bầu Kiên thông qua chánh văn phòng VFF Lê Hoài Anh đã gửi cho ông Hỷ một mẩu giấy với nội dung bằng mọi giá phải cho giới truyền thông vào tác nghiệp.
Khi giới truyền thông được tham dự hội nghị, bầu Kiên bất ngờ “cướp diễn đàn”, nói sa sả về những điều tồi tệ của bộ máy VFF, của BTC V-League, của đội ngũ trọng tài. Vụ “tung bom” trên đã giúp ông chủ của CLB Hà Nội ACB nổi danh như cồn, trở thành tâm điểm của các trang báo thể thao.
Sau cú ra đòn bất ngờ trên, bầu Kiên tiếp tục tấn công dồn dập, đẩy VFF rơi vào cảnh thất thế. Bầu Kiên đòi phải thành lập một công ty cổ phần bóng đá để thay VFF điều hành các giải đấu trong nước. Nói là làm, bầu Kiên bắt tay cùng các đối tác hùng mạnh khác như bầu Thắng, bầu Đức, bầu Trường…, buộc VFF phải xuống nước, cho ra đời công ty VPF.
Sự ra đời của VFP thực sự đã mở ra một bước ngoặt mới cho bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, trong công ty này bầu Thắng là người giữ ghế CT HĐQT nhưng thực tế quyền lực của bầu Kiên mới là nhất. Kể từ ngày thành lập cho tới nay, đa phần các phát ngôn hay công văn của VPF đều xuất phát từ ông bầu tóc bạc này.
VPF được thành lập chưa lâu, bầu Kiên tiếp tục gây xôn xao dư luận khi lao vào cuộc chiến bản quyền truyền hình. PCT HĐQT VPF bất ngờ bỏ qua AVG – đơn vị đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm với VFF – để bắt tay hợp tác với VTV và VTC. "Ác liệt" hơn, ông còn làm công văn gửi lên các Bộ và thủ tướng, đề nghị xem xét lại tính hợp pháp của bản hợp đồng mà VFF và AVG đã ký.
Cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội, nuôi mộng vô địch
Chiếc xe mà bầu Kiên thường dùng để tới sân Hàng Đẫy
Bầu Kiên thuộc hàng đại gia giàu nứt đố đổ vách, nhưng khi bước chân vào làm bóng đá, ông khá căn cơ. Không thiếu tiền nhưng ông bầu tóc bạc này không đổ tiền thực hiện những hợp đồng bom tấn gây xôn xao dư luận, không tung tiền thưởng hàng tỷ đồng cho mỗi trận thắng như bầu Đức, bầu Hiển hay bầu Trường. Thế mới có chuyện Hà Nội ACB cứ lẹt đẹt, luôn lo trụ hạng chứ chẳng mơ gì tới ngôi vô địch.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã rẽ sang một trang khác khi Hà Nội ACB phải xuống hạng vào cuối mùa giải 2011. Bầu Kiên bất ngờ mua lại Hòa Phát Hà Nội, sát nhập hai đội lại để cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội. Tiếp theo, ông trùm ngân hàng gây chấn động dư luận khi chiêu mộ thành công ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam - Công Vinh. Bầu Kiên luôn miệng khẳng định ông không phá giá, nhưng ai cũng hiểu, không phải ngẫu nhiên mà Công Vinh lật kèo Hà Nội T&T để về đầu quân cho CLB bóng đá Hà Nội.
Với những cầu thủ chất lượng như Công Vinh, Thành Lương, Timothy… CLB Hà Nội sở hữu lực lượng hùng hậu thuộc hàng số một Việt Nam. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên đội bóng mà bầu Kiên nắm được liệt vào danh sách ứng cử viên sáng giá cho ngôi vô địch.
Đầu tư gì và đang nắm giữ gì?
Không chỉ nổi danh với vụ “đả” VFF và “chiến” với AVG, bầu Kiên còn được giới đầu tư bàn tán xôn xao trong vụ thâu tóm ngân hàng Sacombank. Thực tế đằng sau vụ việc này là gì thì chưa rõ bởi các cơ quan chức năng mới vào cuộc gần đây, nhưng nó cũng cho thấy rằng sự nổi tiếng của ông bầu này ở mức độ như thế nào.
Thực sự, tới thời điểm hiện tại thì bầu Kiên không còn giữ “ghế” nào tại các ngân hàng nhưng đến trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, bầu Kiên và những người có liên quan nắm giữ gần 10% cổ phần của ngân hàng này. Trong đó, ông Kiên nắm giữ 3,75% và bà Đặng Ngọc Lan, vợ ông Kiên nắm giữ 4,11%.
Giả sử tỷ lệ này vẫn giữ nguyên đến hiện tại thì số cổ phiếu ACB mà vợ chồng ông Kiên nắm giữ có trị giá khoảng gần 2.500 tỷ đồng và mỗi người đều đứng trong tốp 20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài số cổ phiếu tại ngân hàng ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác là Kiên Long, Đại Á (được cho là cổ đông lớn nhất). Bên cạnh đó, có tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phần của VietBank, Eximbank và Sacombank.
Cũng tại buổi tổng kết của VFF, chính bầu Kiên đã nhấn mạnh tầm ảnh hưởng đến ngân hàng Eximbank: “Với tư cách là cổ đông chính của Eximbank, tôi đề nghị Eximbank yêu cầu Liên đoán bóng đá Việt Nam xem xét, chấn chỉnh giải bóng đá vô địch quốc gia... ”.
Còn khi Kiên Long Bank Kiên Giang lên chơi ở giải vô địch quốc gia, bầu Kiên đã tuyên bố bán sẽ bán cổ phần tại Ngân hàng Kiên Long (nhà tài trợ chính cho đội bóng này) để tuân thủ quy chế một ông bầu chỉ có một đội bóng tại một giải đấu.
Bên cạnh 2 lĩnh vực chủ chốt là ngân hàng và bóng đá, bầu Kiên còn đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc... Trước đây, ông Kiên đã từng là Chủ tịch của Liên doanh dầu nhờn Caltex, Phó Chủ tịch của Liên doanh KFC Việt Nam, có “ghế” trong HĐQT của CTCP Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn và CTCP Du lịch Thiên Minh (doanh nghiệp từng chi 45 triệu USD mua lại chuỗi khách sạn Victoria).
Thích cổ phần hơn ghế lãnh đạo
Khác với bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), hay bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T), bầu Kiên không làm chủ tịch một tập đoàn nào.
Việc điều hành các doanh nghiệp tư nhân trong nước và liên doanh không phải là mục tiêu của bầu Kiên. Xu hướng đầu tư của ông cho thấy ông thích nắm cổ phần lớn trong ngân hàng và doanh nghiệp hơn là ngồi ghế lãnh đạo.
Nói chính xác, bầu Kiên là dạng nhà đầu tư thầm lặng phục vụ bản thân và một số cổ đông lớn có tiềm lực tài chính, có thể can thiệp vào các doanh nghiệp khi cần thiết để doanh nghiệp đó làm ăn tốt hơn. Tại các thị trường phát triển trên thế giới, đó là một nghề. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi nhà đầu tư phải hội đủ nhiều yếu tố như tầm vóc và tầm nhìn, năng lực tài chính, kiến thức và uy tín.
Từng học Đại học Kỹ thuật Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, sau đó sang Hungary học Trường Kỹ thuật Quân sự Zalkamate (từ năm 1981-1985), ông Kiên tham gia sáng lập ACB vào năm 1994 cùng với các cổ đông khác. Từ năm 1994-2008, ông Kiên đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB. Theo thông tin của giới ngân hàng, cho tới trước khi từ bỏ chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị ACB vào năm 2008, ông Kiên và vợ là bà Đặng Ngọc Lan đã cùng các thành viên gia đình nắm giữ khoảng 10% cổ phần của ACB. Trong đó, riêng ông được cho là sở hữu 3,75% cổ phần.
Giá trị tài sản tính theo số cổ phiếu ACB ông Kiên nắm giữ năm 2011 vào khoảng 759,6 tỉ đồng (đứng thứ 14 trong top 100 nhà đầu tư giàu nhất trên sàn chứng khoán), trong khi năm 2010 là gần 805,9 tỉ đồng.
Ngoài số cổ phiếu đang nắm giữ tại Ngân hàng ACB, ông Kiên còn nắm giữ cổ phiếu của một số ngân hàng khác. Nhà đầu tư này được cho là cổ đông lớn nhất, chi phối 2 ngân hàng Kiên Long và Đại Á. Việc ông Kiên sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng nhỏ này có thể cấu trúc qua Ngân hàng ACB hoặc một số cá nhân, tổ chức được ủy thác. Ngoài Kiên Long, Đại Á, có tin cho biết bầu Kiên còn sở hữu cổ phần của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Trong lễ tổng kết của VFF, ông cho biết mình là “cổ đông chính của Eximbank”. Ông cũng tuân thủ quy định, theo đó mỗi ông bầu chỉ được phép sở hữu một đội bóng tại một giải đấu, thông qua một phát ngôn khác: sẽ bán cổ phần tại Ngân hàng Kiên Long bởi câu lạc bộ bóng đá Kiên Long Bank Kiên Giang được lên chơi ở giải vô địch quốc gia, còn Ngân hàng Kiên Long lại là nhà tài trợ chính cho đội bóng. Thậm chí, lại xuất hiện tin đồn trong giới đầu tư rằng bầu Kiên là nhân vật chính đã đứng ra dàn xếp việc một số cổ đông nước ngoài lẫn trong nước mua được hơn 45% cổ phần của Ngân hàng Sacombank.
Về khả năng lãnh đạo, thông tin về công việc điều hành của doanh nhân này càng mù mờ hơn. Mặc dù ông Kiên có cổ phần trong các ngân hàng, từng tham gia Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh dầu nhờn Caltex (Mỹ), Công ty Liên doanh KFC Việt Nam, rồi có chân trong Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn và Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh, chưa có thông tin nào cho thấy ông là nhà quản trị doanh nghiệp trực tiếp. Thậm chí, với thương vụ đình đám đầu năm 2011 khi Thiên Minh bỏ ra 45 triệu USD, trong đó Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) rót khoảng 12 triệu USD, để mua lại chuỗi resort Victoria, thì cũng không ai nhắc đến vai trò lãnh đạo của ông.
Một chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp (giấu tên) cũng lắc đầu trước đặt câu hỏi này. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, bất chấp khả năng lãnh đạo vẫn là dấu hỏi lớn, rõ ràng kỹ năng đánh giá cơ hội và khả năng thay đổi (kể cả một hệ thống lớn và rất phức tạp như VFF) của bầu Kiên cho thấy ông là một doanh nhân có nhiều phẩm chất và xảo thuật.
Đằng sau doanh nhân này còn nhiều câu hỏi khác, như cách hành xử ở ông hay khả năng điều hành doanh nghiệp, nhưng không thể phủ nhận thuật lãnh đạo của nhà đầu tư thầm lặng này được biểu hiện khá rõ thông qua sự nể trọng và e dè của các nhà lãnh đạo khác dành cho ông.

P.V (tổng hợp từ VEF và NCĐT)

Decibel: Ngôi nhà ý tưởng



Jessica Gonzales, Cheron Aymeric và Cheron Christopher là những người Pháp còn rất trẻ, học chuyên ngành khác nhau song họ có sở thích chung là đi du lịch, say mê nghệ thuật, ẩm thực và có nhiều ý tưởng sáng tạo. 

Yêu đất nước Việt Nam, họ đã chọn nơi này để bắt đầu cho sự nghiệp kinh doanh với quán DeciBel restaurant café lounge - nơi gặp gỡ của những người yêu thích văn hóa và nghệ thuật.


Một cây làm chẳng nên non

Jessica Gonzales là người Pháp gốc Tây Ban Nha, theo học chuyên ngành thiết kế nội thất tại Pháp nhưng lại có duyên trong lĩnh vực nhà hàng, ẩm thực. Vì thế, cô gái trẻ này đã bắt đầu cuộc phiêu lưu trong các nhà hàng ở Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Ý... học hỏi những tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực phương Tây và ứng dụng những gì mình đã học ở nhà trường để lên những ý tưởng thiết kế nội thất cho các nhà hàng, quán ăn.


Cheron Aymeric cũng sinh ra và lớn lên ở Pháp, chàng trai sinh năm 1982 này mang hai dòng máu Pháp - Việt, học công nghệ thông tin nhưng lại trở thành bartender chuyên nghiệp. Có cơ hội đi nhiều nước trên thế giới, Cheron Aymeric chỉ có thú vui là thích lang thang trong các quán bar, nhà hàng để thưởng thức các loại cocktail rồi tìm tòi, sáng tạo ra các công thức pha chế mới cho loại nước uống có pha cồn này. 

Còn Cheron Christopher, tên thường gọi là Cheron Tuấn, là thành viên duy nhất trong nhóm nói tiếng Việt rất rành vì đã từng theo mẹ về sống ở Việt Nam. Cheron Tuấn rất thích đi du lịch một mình. Dù tuổi đời chỉ mới tròn 26 song các quốc gia mà Tuấn đã đi qua có danh sách khá dài: Pháp, Anh, Ý, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Singapre, Hàn Quốc, Hồng Kông... 

Mỗi chuyến đi thường kéo dài hơn 1 tháng, Tuấn kết bạn và tìm hiểu về văn hóa nơi mảnh đất mình đặt chân đến, đặc biệt là khám phá các món ăn từng vùng miền. Cách đây 3 năm, khi Cheron Tuấn đang theo học ngành quản trị kinh doanh, ở Đại học Curtin, Úc, anh ruột là Cheron Aymeric và Jessica Gonzales cũng đang làm việc tại đây nên họ có cơ hội gặp nhau nhiều. 

Ngoài việc thích khám phá và sáng tạo ẩm thực, họ còn say mê nghệ thuật đương đại và âm nhạc. Họ sưu tập nhạc, phim kinh điển, phim tâm lý hoặc những tài liệu ít ai biết của các nước như Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản,... Sau đó, họ đã quyết định dừng cuộc phiêu lưu và chọn Việt Nam làm nơi bắt đầu việc kinh doanh. 

Ba cây chụm lại nên... DeciBel

“Vài năm không quay lại Việt Nam, tôi thật sự ngỡ ngàng vì sự thay đổi ở đây. Nền kinh tế đang khó khăn nhưng Sài Gòn lại có quá nhiều nhà hàng, quán xá mọc lên vì thế khó mà cạnh tranh. Đầu tư nhiều vốn nên mình phải làm cái gì đó thật khác lạ và có chất riêng. Chúng tôi đã mất gần 2 năm để lên ý tưởng và tìm địa điểm”, Tuấn chia sẻ.


DeciBel là “tác phẩm” đầu tay nên các bạn trẻ rất tâm huyết. Quán nằm trên đường Phan Kế Bính, Q.1 yên tĩnh, thật ấn tượng với màu sắc và cách thiết kế mang vẻ đẹp của châu Âu cổ điển. Chịu trách nhiệm thiết kế không gian quán là Jessica Gonzalez. Từ không gian quán, cách bài trí đến những chiếc bàn hay ghế sofa cổ điển, êm ái đều được chăm chút tỉ mỉ. 

Vừa làm chủ, họ vừa trực tiếp tham gia vào tất cả công việc của quán. Jessica Gonzales quản lý bếp, nhân viên và sắp xếp thực đơn; Cheron Aymeric làm bartender lo phần pha chế thức uống còn Cheron Tuấn phụ trách điều hành và marketing. 

Ít ai biết rằng, DeciBel chỉ là một phần của Công ty DeciBel Design của nhóm hợp tác cùng một người bạn Pháp khác, chuyên về thiết kế website, bao bì quảng cáo và thiết kế các resort cao cấp. Với DeciBel, họ muốn dành không gian này cho sự giao lưu văn hóa và nghệ thuật. 

Ở DeciBel, bạn sẽ thấy sự pha trộn của nhiều loại hình nghệ thuật. Trên tường là những bức ảnh thật ấn tượng, tả thực về cuộc sống, hay những khoảnh khắc rất đời thường của các ca sĩ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng thế giới ở nhiều thập kỷ trước, được chụp bởi những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trong và ngoài nước. 

Vào các tối thứ Tư, DeciBel còn phục vụ khách yêu điện ảnh những bộ phim hài, tài liệu hoặc tâm lý hiếm hoi của các nước được sưu tầm trong những chuyến đi du lịch trước đây của nhóm, sau đó khách có thể trao đổi và bàn luận về bộ phim vừa được xem. 

Ngoài ra, các họa sĩ trẻ vừa cho ra đời một tác phẩm tâm huyết hoặc ai đó vừa hoàn thành một cuốn sách hay thước phim tư liệu, những ý tưởng quảng cáo... cũng có thể đến đây để giao lưu và giới thiệu, chia sẻ cho mọi người. Ở DeciBel, những bản nhạc cũng được chọn lọc rất kỹ và kén người nghe.

Dù khai trương chưa đầy một năm, nhưng DeciBel đã trở thành địa điểm lý tưởng thu hút khá đông khách, nhất là người nước ngoài. Thành viên trẻ nhất trong nhóm chia sẻ: “Tất cả mọi thứ đều mới mẻ nên bọn mình phải phải nỗ lực đến 200% về chất xám, con người và vốn. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là DeciBel vẫn chưa tiếp cận được với nhiều khách hàng Việt. Trong khi đó, bọn mình rất muốn mang đến những điều mới mẻ cho người Việt Nam”.

NGUYỄN HẲNG

Ngày cắt 6 mái tóc, tháng lương hơn 50 triệu đồng


Gia đình từng là “dân nghèo giữa thủ đô” nên Thanh Monaco, ông chủ hiệu cắt tóc trên phố Lạc Trung - Hà Nội đã khởi nghiệp “cầm kéo” từ những sợi dây ni lông xé nhỏ.

Tập cắt từ sợi dây ni lông

Từ khi học lớp 10, Phạm Ngọc Thanh đã quyết định không thi đại học mà sẽ học nghề cắt tóc. Không phải vì anh học kém mà chỉ đơn giản, được cắt tóc là đam mê, là ước mơ của anh.

Ngày đó, ước mơ này bị gia đình, nhất là bố anh phản đối kịch liệt vì trong mắt ông, thợ cắt tóc là những kẻ “a-ma-tơ”, học hành chẳng ra gì, không đỗ ĐH và có “máu” chơi bời, ăn diện mới đi làm nghề cắt tóc.

Thế nhưng tôi là đứa bướng bỉnh số một, thế nên ông cụ không thể “đánh cắp” được ước mơ của tôi” - Thanh Monaco cười nói.

“Lúc đó tôi nghĩ, nếu mình học ĐH, sau này ra trường cầm mảnh bằng đi xin việc, lương tháng 5 triệu. Nếu không thích lại “nhảy” chỗ khác, lại mang mảnh bằng 4 năm của mình ra mặc cả. Tôi thấy cái giá như vậy rẻ quá. Tôi không muốn sống như vậy".


Tiệm cắt tóc của Phạm Ngọc Thanh
Hà Nội những năm 2000, gia đình Thanh vẫn nghèo đến mức không thể sắm cho anh cây kéo tốt, cái đầu ma-nơ-canh. Đồ nghề khởi nghiệp của Thanh là cái cột trụ lan can trong nhà.

“Tóc” được anh chàng này “thiết kế” từ những sợi dây ni lông xé nhỏ. Cứ thế, anh chàng ham tóc, ham cắt này ngày ngày xé dây ni lông, bện bện, cắt cắt, tạo kiểu. Thậm chí, anh chàng này từng tập cắt cả trên… lông gà, lông vịt!
“Rồi hồi đó, tôi cũng có cái sĩ diện của thằng con trai chứ. Có ai lại đi ca ngợi, thần tượng một thằng cắt tóc! Thế nên khi tôi treo cái biển ở vỉa hè, bon bạn tôi cười nghiêng ngả. Nhiều đứa còn chọc ghẹo. Mà gặp con gái thì xấu hổ lắm!” (lại cười).
Pha một chút tự kiêu, chàng trai sinh năm 1986 này kể lại chuyện cái biển: “Hồi đó cứ tan học là tôi lại treo cái biển ở góc phố. Thực ra nó là một mảnh gỗ chỉ đủ viết hai chữ “cắt tóc” theo chiều dọc, còn hai chữ “nghệ thuật” viết tắt là “NT”. Cũng oai như cóc!” (cười nghiêng ngả).
Cái hồi đó mà Phạm Ngọc Thanh kể mới cách đây 7, 8 năm. Anh chàng được mệnh danh kiêu căng này kể lại, người thầy đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này là một người bạn dạy anh cách cắt kiểu tóc lá. Từ người thầy đầu tiên này, anh nhận ra là chỉ có tự học mới giỏi!
Thế nên Phạm Ngọc Thanh có kiểu học cắt tóc không giống ai. Anh không học từ bất kỳ người nào vì cho rằng, nếu làm theo họ, anh sẽ lặp lại cách cắt của họ- những cách cắt phổ biến không mang lại cho khách hàng một mái tóc tự nhiên, ít cần phải chăm sóc mà vẫn đẹp. Vì thế, anh tự mày mò để tìm ra cách làm riêng.
Cho đến bây giờ, tiếng Anh vẫn là thứ Phạm Ngọc Thanh phải đầu tư học nhưng từ trước tới nay, anh chàng này đã dùng Internet để tìm kiếm trên các trang web nước ngoài cách dạy cắt tóc. Tự tra từ điển, dịch từng từ, từng câu rồi ghi chép lại, rồi thực hành, rồi rút ra kinh nghiệm….
Suốt mấy năm ròng, Thanh Monaco say sưa với cây kéo, những lọn tóc giả, những bó dây ni lông hơn bất cứ thứ gì. Về sau, khi biết các kiểu cắt, những mái tóc của các bạn trai, bạn gái đều được Thanh “chém” nhiệt tình.
Theo Phạm Ngọc Thanh, không phải nghề “học” mới cần sự học hành bài bản, học từ gốc mà nghề tóc của anh cũng phải như vậy. Nếu chỉ học theo lối bắt chước, không am hiểu tận gốc về tóc, về màu sắc, kiểu mẫu tóc … thì người thợ không thể sáng tạo.
Thay vì chỉ học lấy vài kiểu cắt, vài cách pha màu, uốn nhuộm rồi mở cửa hàng, Phạm Ngọc Thanh đã tự viết cho mình những cuốn “giáo trình” bài bản về từng chi tiết nhỏ trong nghề.

Không cắt quá 6 mái tóc một ngày

Giờ Thanh đã là ông chủ của một salon tóc. Những ai từng cười chê và phản đối con đường đi của anh đều phải công nhận anh đã lựa chọn đúng. “Lương” bình quân của ông chủ 26 tuổi, mỗi ngày cắt 6 mái tóc, có 3 đệ tử này là 50 triệu/tháng.


Phạm Ngọc Thanh (ngoài cùng bên trái) và 3 đệ tử
Lý giải cho cái thói “chảnh” không cắt quá 6 đầu/ngày này, Phạm Ngọc Thanh cho biết: “Cắt tóc cần sự sáng tạo. Mà sáng tạo thì phải có thời gian. Đó là thái độ làm việc nghiêm túc trong nghề nghiệp".

Ẩn đằng sau quy định 6 mái tóc/ngày này là dự định về một Monaco Academy, một nơi ứng dụng phong cách làm việc hoàn toàn mới và đầy vẻ mạo hiểm của anh. Anh thu tiền dựa trên mức độ hài lòng của khách.
Nếu khách hoàn toàn hài lòng, anh sẽ thu theo giá quy định và khách được quyền “miễn trả công” nếu họ không hài lòng với chất lượng dịch vụ của cửa hàng.
“Nghe có vẻ mạo hiểm nhưng tôi tin rằng khi người ta được phục vụ tốt, hoàn toàn hài lòng thì họ rất khó không chi trả tiền công cho mình. Nếu có người như vậy thì tôi cũng … không chấp! (Cười to)… Tôi chưa thấy có gì không suôn sẻ vì từ khi áp dụng cách này, chưa có vấn đề gì xảy ra cả. Như thế, các tay kéo ở cửa hàng tôi chỉ có một cách là làm cho khách hoàn toàn hài lòng!”.
Thanh cho rằng, đã qua rồi cái thời một số ít người giỏi nghề nên muốn phục vụ khách hàng thế nào cũng được. Dần dần, mặt bằng tay nghề sẽ ngang nhau, nơi nào phục vụ tốt, nơi đó sẽ làm ăn tốt.
Ông chủ cửa hàng tóc bây giờ vẫn giữ thói quen lên mạng tự học mỗi ngày. Và cái lý do quan trọng nhất “đè bẹp” cái kiêu cho rằng mình giỏi, không phải thay đổi là vì anh đã “nhìn ra thế giới”.
Phong cách làm việc chuyên nghiệp của những thợ cắt tóc phương Tây khiến anh quyết định sẽ có một chuyến du học. Du học không chỉ để học nghề, mà còn để học lề lối làm việc, văn hóa phục vụ của những người thợ cắt tóc chuyên nghiệp hàng đầu thế giới để có thể định hình phong cách cho sự nghiệp cắt tóc và salon tóc của mình - đó là lối đi riêng của Thanh Monaco.

Nguồn: Vietnamnet

Chủ tịch HĐQT VTC Online Phan Sào Nam: "Giỏi mà nghèo thì không thể sống khỏe!"


Gặp Phan Sào Nam ngoài đời, tôi chắc 100% không ai nghĩ anh là CEO của một công ty công nghệ có giá trị hàng ngàn tỉ đồng với hơn 500 nhân viên. Nhìn anh có vẻ lãng tử như một… nghệ sĩ Hàn Quốc và phong cách rất "casual": cả tuần mặc jeans và áo phông (áo đồng phục công ty).
Có dạo, anh còn để tóc dài bồng bềnh. Hai thương hiệu mà Nam yêu thích và biết duy nhất là Jeep và National Geography bởi chúng gần giống với phong cách của anh: ưa mạo hiểm, bụi bặm, phóng khoáng nhưng lịch lãm và quyến rũ.

Chủ tịch VTC Online, Phan Sào Nam say sưa nói về làn sóng Internet lần 2
Với sự hấp dẫn từ "cái nhìn đầu tiên", anh được các nhân viên trong Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, đặc biệt là các nhân viên nữ gọi đùa là "hot boy". Anh còn được đặt biệt danh "hoàng tử bóng đêm" với những cuộc họp thâu đêm hay những email được gửi vào khoảng 2 - 3 giờ sáng.

"Tôi giỏi nhất là… sinh con"
Anh đã nói đùa như vậy trong đêm Gala Dinner toàn công ty đi nghỉ mát tại Đà Nẵng hè vừa qua khi được hỏi về những việc anh thường làm ở gia đình. Câu đùa đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!
Nghĩa đen: anh đã có 2 cậu nhóc tì đẹp trai như bố. Còn theo nghĩa bóng, anh có rất nhiều "con" bởi vừa là sáng lập viên VTC Intecom, sáng lập viên VTC Online, đồng thời là cha đẻ của cuộc thi Miss Teen đình đám, chuyên gia ý tưởng của Mạng Việt Nam go.vn…
* Chọn Hàn Quốc là đất nước nổi tiếng về công nghệ số để du học, trở về Việt Nam đúng vào thời điểm khởi đầu cho một giai đoạn bùng nổ của thị trường internet, lại có lợi thế về… ngoại hình, chắc hẳn anh được nhiều công ty săn đón, chào mời lắm nhỉ?
- Internet là lĩnh vực tôi yêu thích và nghiên cứu suốt từ thời sinh viên. Tôi luôn mong muốn được làm công việc mình đam mê. Ở Việt Nam thời điểm đó chưa có nhiều công ty về internet nên tôi nộp hồ sơ vào những công ty lớn ở cả Hà Nội và TP.HCM.
Lúc đó, anh Trương Đình Anh (Tổng Giám đốc FPT) đã đồng ý nhận tôi về làm Phó Giám đốc cho trung tâm Internet FPT TP.HCM, tiền thân của FPT Telecom bây giờ.
Tuy nhiên, thời điểm đó FPT đang tái cấu trúc nên việc tuyển dụng chưa thể tiến hành ngay. Vì muốn sớm được trải nghiệm, tôi đã bay ra Hà Nội đầu quân cho VASC và chấp nhận làm 2 tháng không lương. Năm 2006, khi lãnh đạo VTC quyết định đầu tư vào nội dung số, nhóm anh em ở VASC đã cùng chuyển về và tôi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc VTC Intecom.
Gọi là Phó giám đốc cho oai còn thực tế, tôi cũng trực tiếp làm mọi việc cùng anh em, làm ngày làm đêm. Khi đó công ty mới khởi nghiệp, dịch vụ công nghệ nội dung số còn rất sơ khai, chúng tôi lại làm chương trình truyền hình "đêm trắng" nên thức đêm là chuyện hết sức bình thường.
"Thức đêm" được 2 năm, chúng tôi lập ra VTC Online, ban đầu tôi là Giám đốc còn bây giờ là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chuyển động không ngừng nghỉ, nhỉ (cười)?
* Mới học xong đã được mời làm Phó Giám đốc, có vẻ như anh sinh ra chỉ để làm sếp?
- Tôi nghĩ là tôi may mắn! May mắn đầu tiên là chọn Hàn Quốc để du học trong khi bạn bè toàn đi Anh, Mỹ… Hàn Quốc có nền công nghệ phát triển không quá xa Việt Nam, có văn hóa gần Việt Nam và đặc biệt là có những "huyền thoại" thần kỳ về sự vươn mình trỗi dậy. Điều đó thực sự kích thích những thanh niên trẻ giàu đam mê.
Thứ hai là chọn đúng ngành học. Tôi học về IT Business Management, một ngành rất mới khi đó, kết hợp được cả 2 lĩnh vực tôi yêu thích: quản trị và công nghệ thông tin. Nhưng may mắn lớn nhất là tôi gặp được đúng "thầy" và đúng môi trường.
Anh Nguyễn Xuân Cường (Tổng giám đốc VTC), người "thầy" đầu tiên trong trường đời của tôi là người rất giỏi và đầy nhiệt huyết. Anh đã truyền cho tôi những khát vọng và đam mê.
Tập đoàn truyền thông đa phương tiện VTC cũng là một môi trường thuận lợi, hội tụ đủ những điều kiện cần cho những đam mê công nghệ thăng hoa. Với những may mắn đó, tôi sớm được bổ nhiệm làm quản lý và đạt được những thành tựu nhất định trong sự nghiệp.
* Chưa từng trải qua vị trí nhân viên, anh có lo ngại về việc khó tìm được tiếng nói chung với cán bộ nhân viên của mình?
- Vợ tôi là một nhân viên điển hình. Những câu chuyện của cô ấy giúp tôi hiểu hơn nhân viên của mình. Một ngày đi làm của vợ tôi có thể là một chuỗi những kiểu ăn uống khác nhau: cà phê, sữa chua, hoa quả… Chưa kể thỉnh thoảng còn… trốn đi shopping.
Nhưng khi việc đến thời hạn thì làm kinh lắm, nhất là những chương trình media cô ấy yêu thích. Cô ấy có thể thức cả đêm, trăn trở với từng ý tưởng, từng chi tiết nhỏ của kịch bản…
Điều đó khiến tôi hiểu rằng, nếu được bố trí công việc phù hợp, được làm những thứ mà mình đam mê một cách chủ động thì năng lượng của con người là khủng khiếp.
* Nhưng đâu phải lúc nào người quản lý cũng có thể bố trí công việc phù hợp với nhân viên! Bao giờ cũng sẽ có những việc không ai muốn làm!
- Thì khi đó phải thuyết phục. Tôi vẫn luôn tâm niệm câu của các cụ: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tôi có được vị trí ngày hôm nay phần nhiều là do "thiên thời". Nhưng để điều hành được công ty tốt thì "nhân hòa" chiếm vị trí hàng đầu. Nếu người đứng đầu đưa ra đường lối, giải pháp được nhiều người đồng thuận thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Tất nhiên, không phải bất cứ cái gì mình đưa ra cũng được mọi người đồng tình ngay từ đầu. Để có được điều đó, mình phải thuyết phục được mọi người, và trong quá trình thuyết phục, bản thân tôi cũng nhận được nhiều ý kiến phản biện giúp cho ý tưởng của mình được hoàn thiện hơn.
* Vâng, điều hành công ty thì nhân hòa là quan trọng nhất, nhưng riêng với sự nghiệp kinh doanh của anh thì thiên thời, địa lợi hay nhân hòa chiếm vị trí hàng đầu?
- Tôi nghĩ không nên tách biệt 3 yếu tố này mà coi nó là những nhân tố bổ sung, tác động cho nhau để tạo nên thành công. Càng ngày tôi càng nhận thấy không phải ngẫu nhiên mà các yếu tố lại được sắp xếp theo trình tự thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Thiên thời là tiền đề quan trọng tạo nên thời cơ và nó thường không đến lần thứ 2. Nếu một CEO mà không nhìn ra được cơ hội, không kịp thời chớp lấy nó thì có thể sẽ phải đi chậm hơn nếu không muốn nói là thất bại.
Trong ngành internet, yếu tố "thiên thời" lại càng quan trọng, cơ hội không dài, đặc biệt là trong giai đoạn này nó chỉ kéo dài khoảng 3 tháng. Nếu chúng ta chần chừ không quyết thì chỉ 3 tháng sau thôi, cơ hội đó sẽ không còn nữa. Sau khi nắm bắt được thiên thời, địa lợi thì nhiệm vụ của người lãnh đạo là làm sao để có được nhân hòa.
"Không có chiến lược đúng, ngai vàng nào rồi cũng sụp"
* Anh thường nhắc đến "thời điểm vàng" cho internet Việt Nam, có thể cụ thể hơn?
- Hiện thị trường internet Việt Nam có khoảng 34 triệu người dùng và con số này sẽ tăng lên 50 triệu trong vòng 3 năm tới. Vào năm 2015, khi đạt con số 50 triệu người dùng thì thị trường internet Việt Nam được tạm coi là bão hòa.
Do đó đây chính là thời điểm vàng để các công ty công nghệ tăng tốc. Cơ hội vàng này sẽ không lặp lại lần 2. Ngai vàng nào cũng sẽ sụp đổ nếu người đứng đầu không có chiến lược, chiến thuật đúng đắn để dẫn dắt đội quân của mình.
* Trong cuộc đua ấy, anh đặt công ty của mình ở vị trí nào sau 3-5 năm tới? 
- Dù xét dưới bất kỳ quy mô hay góc độ nào thì VTC vẫn ở Top 3 công ty công nghệ mạnh nhất Việt Nam hiện nay và sau này. Tôi tin là như thế. Và thực sự trong ngành internet là phải ở trong Top 3 thì công ty mới có thể tồn tại và phát triển.
* Anh sẽ làm gì để đạt được mục tiêu? 
- Xu hướng của làn sóng mới là hội tụ công nghệ. Chúng tôi sẽ phát huy thế mạnh truyền thông đa phương tiện của VTC để phát triển những sản phẩm mới với tiêu chí "Một nội dung, đa kênh dùng" trên tất cả các hạ tầng truyền thông số.
Để có tiềm lực phát triển, chúng tôi cần thêm tài chính. Tôi vẫn thường nói vui, các công ty dotcom của Việt Nam trước đây giống như những chàng "sinh viên nghèo học giỏi", đang cố gắng tự đi lên bằng nội lực của mình.
Nhưng cuộc đua bây giờ không còn giới hạn ở phạm vi trong nước. Chúng ta phải cạnh tranh với những tên tuổi lớn trên thế giới như Google, Facebook, Yahoo… Nếu chúng ta chỉ giỏi mà nghèo thì không thể sống khỏe được. Thà chia sẻ sở hữu để có đà đi lên còn hơn.
Đó là lý do mà tôi đã nỗ lực để có được những khoản đầu tư từ các quỹ. Vào lúc 4 giờ 10 phút ngày 4/7/2012, 10 triệu USD của Công ty quản lý quỹ Duxton đã được chuyển hết một lần vào tài khoản của VTC Online sau hơn nửa năm đàm phán!
* Quy luật cuộc đời là nhận cái này thì lại phải cho đi cái khác. Có được khoản đầu tư này, anh có lo ngại "ngai vàng" sẽ bị mất vào tay nhà đầu tư ngoại giống như trường hợp của một công ty công nghệ gần đây?
- Không, tôi hoàn toàn không lo ngại điều đó. Một khi Duxton đầu tư vào có nghĩa là họ đã tin tưởng chúng tôi, ngồi chung xuồng và là "chúng ta" chứ không phải "bên anh bên tôi". Việc Duxton có thêm 1 người trong ban kiểm soát và 1 người trong Hội đồng quản trị VTC Online không phải là mối lo ngại của chúng tôi mà chỉ làm cho chúng tôi trở nên mạnh hơn.
Kỳ vọng của nhà đầu tư vào VTC Online là trong vòng 3 năm tới đạt lợi nhuận 500 tỷ đồng. Tất cả chúng tôi sẽ chung tay để có được kết quả kinh doanh tốt nhất.
* Nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, duy trì công ty đã rất khó, con số lãi lớn như vậy thì hẳn khó khăn sẽ lớn hơn gấp bội?
- Khó không có nghĩa là không làm được. Bằng chứng thực tế nhất là lợi nhuận 6 tháng đầu năm của chúng tôi đã tăng gấp 1,5 lần cả năm 2011. "Vẻ đẹp" của internet ở chỗ nó là một ngành có tốc độ phát triển rất nhanh, chi phí đầu tư ít hơn so với các ngành sản xuất truyền thống khác nên mức độ tác động của suy giảm kinh tế là có, nhưng không lớn.
Tôi chủ trương tái cấu trúc lại VTC Online để có được nguồn lợi nhuận tốt nhất, dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần trong năm 2012. Một số lĩnh vực như thanh toán điện tử, mặc dù doanh số cao, nhưng lợi nhuận rất mỏng thì sẽ không chú trọng phát triển nữa.
* Và để có thể thích ứng được với thời cuộc, tôi nghĩ anh cũng đã có kế hoạch tái cấu trúc cho riêng bản thân mình?
- Trong vòng mấy năm trở lại đây, đi đâu, ở thời điểm nào tôi cũng được nghe người ta nhắc đến tái cấu trúc. Tôi vẫn là tôi như vốn có, nhưng có một thứ mà tôi thấy mình đã trưởng thành tương đối nhiều, đó là TƯ DUY. Bất kỳ chủ doanh nghiệp nào cũng vậy, khi môi trường thay đổi quá nhanh thì phải tìm cách để thích nghi và sinh tồn.
VTC Online đang có hơn 500 con người và vì lẽ đó tôi không được phép dễ dãi với mọi quyết định của mình. Trước đây, tôi có thể quyết rất nhanh mà không nghĩ quá xa đến việc triển khai. Còn bây giờ, tôi vẫn quyết nhanh, nhưng phải nghĩ xa thêm nhiều chặng nữa. Tôi vẫn "liều", nhưng bây giờ là "liều một cách tinh tế" để có thể kiểm soát rủi ro tốt nhất.

Nguồn: DĐDN

Cô gái gốc Việt khiếm thị trở thành Vua đầu bếp Mỹ


Vượt qua hàng trăm đầu bếp của Mỹ và đối thủ nặng ký Jost Marks, cô gái khiếm thị Christine Hà đã khiến hàng triệu trái tim vỡ òa khi chiến thắng thuyết phục với món salad papaya Thái, cơm tấm và thịt om.

   
Christine Hà
Chiến thắng đến với Christine Hà có phần bất ngờ và quá đỗi ngọt ngào. Cô gái bé nhỏ vừa khóc vừa nói: "Tôi không thể tin rằng tôi đã là MasterChef. Đây quả thực là trải nghiệm tuyệt vời nhất tôi có. Sau những trở ngại, tôi đã vượt qua và chiến thắng. Tôi đang sống với những giấc mơ trở thành sự thật...".


Trong vòng thi chung kết, cả hai thí sinh được yêu cầu phải hoàn tất 3 món ăn trong vòng hai giờ. Josh Marks đã trổ tài chế biến món tôm hùm rim bơ với ngô ngọt, thịt cừu tẩm gia vị cà ri chiên ăn kèm với một số loại rau quả mùa xuân; và món bánh nướng làm từ quả cây hồ đào peecan và thịt xông khói. Các giám khảo đã khen ngợi anh về độ khó của món ăn, tuy nhiên họ cảm thấy thất vọng về món tôm hùm vì tôm còn hơi sống.

Trong khi đó, Christine Hà thực hiện món salad papaya Thái với cua và trộn rau, thịt om với cơm tấm, cải xoăn giòn và nấm với một quả trứng chim cút và món kem lạnh với dừa và gừng.

Các món ăn của Christine Hà tuy đơn giản và không được trình bày cầu kỳ nhưng lại được đánh giá cao về sự cân bằng trong bữa ăn và các bước thực hiện hoàn hảo, không chê vào đâu được.
Điều tuyệt vời nhất đối với những người hâm mộ Việt Nam có lẽ là, dù đã xa quê hương từ rất nhỏ nhưng Christine chưa bao giờ quên nguồn cội. Cô thường xuyên làm các món Việt và các món châu Á hết sức gần gũi, thân thuộc.
Trước đó, Christina Hà đã làm lay động người xem bằng câu chuyện đặc biệt của cuộc đời mình. Christine Hà, 32 tuổi là người Mỹ gốc Việt. Hà có một tuổi thơ yên bình tại Lakewood trước khi gia đình cô chuyển tới Houston, Texas.
19 tuổi, khi đang học đại học Houston, thế giới dường như đã hoàn toàn sụp đổ trước mắt Hà khi cô bị mất gần như hết thị lực. Hà được chẩn đoán mắc một chứng bệnh lạ - chứng bệnh đã cướp đi thị lực của cô.
Trong suốt cuộc thi Masterchef, Hà đã mê hoặc các khán giả xem truyền hình bằng khả năng giữ và thái đồ ăn. Ba vị giám khảo khó tính là đầu bếp Gordon Ramsey, đầu bếp Graham Elliot và nhà phê bình ẩm thực Joe Bastianich đã hết lời ca ngợi Hà vì cô đã biến khiếm khuyết thành sức mạnh hơn người.
Hiện nay, Hà đang hoàn tất bằng Master Fine Art của trường đại học Houston - một trong những chương trình hàng đầu đào tạo viết văn của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hà muốn phát hành một cuốn hồi ký. Cô cũng muốn thực hiện được ước mơ mở một cửa hàng kem và một nhà hàng ăn cao cấp nơi sử dụng những nguyên liệu thức ăn của quê hương Việt Nam.

Nguồn: Vietnam+

Thành công với ý tưởng mà người khác đã từng thất bại


 Nắm bắt được tâm lý của những người có thú nuôi, Alex Zhardanovsky và Joe Speiser đã mở ra dịch vụ bán trực tuyến đồ ăn cho thú nuôi và thu được 1 triệu đô la doanh thu một tháng.

Alex Zhardanovsky và Joe Speiser đã cùng nhau thành lập một công ty chuyên  nhận đặt hàng và vận chuyển thức ăn cho vật nuôi. Người dân New York có thể đặt hàng online qua trang web của công ty là PetFlow.com. Tuy chỉ mới thành lập được 18 tháng nhưng doanh thu của công ty đã đạt mức 1 triệu đô la/tháng.

Công ty được thành  lập vào tháng 3/2010 và nhận được đơn đặt hàng đầu tiên vào tháng 7/2010. Từ đó đến nay, công ty đã đạt được hai cột mốc đáng nhớ trong sự phát triển của  mình. Một là vào tháng 11/2010, khi doanh số bán hàng của công ty đạt mức 250.000 đô la/ tháng. Cột mốc thứ hai là vào tháng năm vừa qua, khi doanh thu bán lẻ tăng lên đến 1triệu đô la chỉ trong vòng một tháng.

Nhưng dấu mốc 1 triệu đô la mới chỉ là bước khởi đầu của Zhardanovsky.

“Mốc 1 triệu đô la không phải là mốc mà chúng tôi  hướng đến. Chúng tôi cảm thấy rằng mình vẫn còn rất nhiều việc phải làm", Zhardanovsky cho hay.  Từ tháng 5, doanh thu bán hàng từ trang web PetFlow.com đã tăng thêm 30% nữa.

Đây không phải là lần đầu tiên Zhardanovsky có được một triệu đô la. Ngay từ năm 2000, anh và Speiser đã thành lập một công ty quảng cáo trực tuyến. Chỉ trong vòng 5  năm hoạt động, công ty này đã đạt doanh thu trên 100 triệu đô la. Năm 2005, những người đồng sáng lập đã bán 40% cổ phần của họ trong EpicAdvertising.com (sau này đổi tên thành AzoogleAds) cho TA Associates và Stripes Group, một công ty cổ phần tư nhân.  Zhardanovsky và Speiser đã sử dụng một lượng vốn trong số 48 triệu đô la bán cổ phần này để thành lập PetFlow.com.

Phương thức hoạt động của PetFlow.com

PetFlow.com là một cửa hàng trực tuyến chuyên bán thực phẩm cho vật nuôi. Trang web này cung cấp hệ thống “tự động bổ sung", cho phép khách hàng tính lượng thức ăn hợp lý cho chó mèo,và đặt hàng trực tuyến trên trang web. Khi đó, khách hàng chỉ cần đặt hàng một lần, và công ty sẽ tự động tính toán thời điểm giao hàng và giao hàng tận nhà cho khách hàng. Chi phí vận chuyển là 4,95 đô la cho các đơn đặt hàng có giá trị dưới 59 đô la và miễn phí cho các đơn đặt hàng có giá trị lớn hơn. Khoảng 9/10 khách hàng của công ty là phụ nữ - họ không thích mua những túi thức ăn có khối lượng quá lớn cho vật nuôi cùng một lúc. Hiện tại, Zhardanovsky và Speiser đang có kế hoạch tăng thêm chủng loại sản phẩm cho nhiều loài vật nuôi khác nữa.

Trish McAndrews sống ở Manhattan với chú chó dòng mastiff của mình. Chú chó nặng hơn 90 kg này có tên là Quincy Jones. Lần đầu tiên cô đã đặt thức ăn cho Quincy Jones trên PetFlow.com là do sự giới thiệu của một người bạn làm việc ở công ty này. Giờ đây, cô ấy đã thực sự bị thuyết phục bởi phong cách bán hàng và các sản phẩm của công ty. Để nuôi “người bạn nhiều lông” của mình, cứ ba tuần một lân, cô đặt mua một túi thịt cừu Holistic Select nặng 13.5 kg.

"Quincy Jones ngốn rất nhiều thức ăn. Vì vậy, dịch vụ giao tận nhà những túi thực phẩm khối lượng lớn rất thuận tiện cho tôi", McAndrews chia sẻ.

Từ 50% đến 60% khách hàng của PetFlow.com đăng ký sử dụng dịch vụ tự động bổ sung, do đó, doanh thu từ mỗi khách hàng của công ty là khá lớn. Tính trung bình, chi phí để có được một khách hàng là 50 đô la", Zhardanovsky cho hay. Có được một khách hàng đã khó, nhưng giữ chân được khách hàng đó còn khó hơn. Nó đòi hỏi mọi thành viên trong công ty phải cố gắng hết sức, phục vụ với thái độ nhiệt tình và lựa chọn cung cấp những sản phẩm tốt. Theo lời nhận xét của McAndrews  thì "thái độ phục vụ của họ khá chuyên nghiệp và thân thiện. Đó là một dịch vụ thấu hiểu tâm lý khách hàng trong một thị trấn nhỏ như thế này”.

Thâm nhập thị trường

Khi Zhardanovsky và Speiser bắt đầu công việc kinh doanh của mình, họ đã gặp các nhà cung cấp thức ăn cho vật nuôi để thương lượng hợp đồng bán buôn với số lượng lớn. Tuy nhiên, họ không thể nhận được mức giá ưu đãi.

Ấn tượng về sự thất bại của Pets.com, một công ty chuyên cung cấp thực phẩm vật nuôi trực tuyến tương tự đã làm cho nhiều người trong ngành công nghiệp này không muốn giao dịch với các công ty mới thành lập.

"Phản ứng ban đầu của họ là nhún vai và nói: 'Ý tưởng bạn vừa trình bày chẳng khác gì những ý tưởng mà chúng tôi đã từng biết", Zhardanovsky nhớ lại.

Ngay cả với các nhà bán lẻ lớn như PETCO và PetSmart cũng rơi vào tình cảnh tương tự.  Trong bối cảnh đó, Zhardanovsky nhìn thấy cơ hội to lớn cho một công ty cung cấp thực phẩm trực tuyến cho thú nuôi. Anh cũng đang nuôi một chú chó, bởi vậy, anh hiểu được sự bất tiện khi phải thường xuyên ra cửa hàng mua thức ăn cho người bạn này.

Zhardanovsky và Speiser đã bỏ ra 5 triệu đô la cho phi vụ kinh doanh này, với niềm tin rằng với chiến lược quảng cáo đúng đắn, trang web của họ sẽ phát triển và trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với những người nuôi chó, mèo.



Theo kinh nghiệm của  Zhardanovsky thì "Khi bạn nghĩ về việc bắt đầu một doanh nghiệp mới, chắc chắn rằng  bạn sẽ suy nghĩ về tất cả mọi thứ. Nhưng chưa chắc bạn sẽ thực sự làm được tất cả những điều mà bạn đặt ra".

Phân tích cơ hội thành công của PetFlow.com

Ngành công nghiệp thực phẩm cho vật nuôi đã phát triển được hơn một thập kỷ. Năm 1994, tổng giá trị của ngành này đạt 17 tỷ đô la. Con số này đã tăng lên đến 51 tỷ đô la trong năm nay. Đặc biệt hơn, theo ông Bob Vetere, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thực phẩm cho vật nuôi Mỹ (một tổ chức thương mại với tên viết tắt là APPA) thì đây là một trong số những ngành hiếm hoi không chịu ảnh hưởng bởi những biến động của nền kinh tế. Ngay cả trong thời điểm suy thoái kinh tế hay những thời điểm khó khăn, người ta thấy rằng chăm sóc vật nuôi luôn là thú vui làm cân bằng cuộc sống của họ".  “Một vài xu hướng mới của giới trẻ cũng góp phần làm phát triển ngành công nghiệp thực phẩm cho thú nuôi”, Vetere cho biết. Những bậc cha mẹ có con em đã sống riêng có xu hướng gắn bó với vật nuôi của họ. Điều này cũng tương tự đối với những người trẻ tuổi không muốn kết hôn hoặc có con. Những đối tượng này dành rất nhiều thời gian chăm sóc và chuyện trò cùng vật nuôi của họ.

“Những chủ vật nuôi lớn tuổi ít sử dụng máy tính không quen sử dụng dịch vụ mua thực phẩm trực tuyến cho vật nuôi. Chính vì vậy, mô hình kinh doanh của PetFlow.com  có khả năng thành công cao hơn với đối tượng khách hàng trẻ tuổi và những người am hiểu công nghệ”, ông Vetere phân tích.

Còn K'La Albertini, đến từ Champaign, Illinois cho hay cô biết đến trang web PetFlow.com thông qua trang cá nhân twitter của nam diễn viên Jason Mewes. Bốn chú mèo của cô được miêu tả là "có một chế độ ăn uống khá tốn kém". Cứ 5 tuần cô phải chi đến 300 đô la cho sáu gói Nature's Variety Instinct cho những chú mèo của mình.

Là một y tá phải trực đêm, Albertini không có thời gian để mua thực phẩm cho vật nuôi bởi các cửa hàng chỉ mở vào ban ngày – thời điểm mà cô phải ngủ. "Dịch vụ bán hàng trực tuyến trên trang web PetFlow.com thực sự hữu ích với cô”.

Theo Money CNN

Coi “thất bại” chỉ là bước sẩy chân


  “Thất bại” thường gợi cho con người nỗi sợ hãi, chán nản. Những đứa trẻ không biết đến khái niệm này nên chúng thoải mái, tự do học hỏi, khám phá cuộc sống. Khi với thử một vật hấp dẫn ở trên cao mà không được, chúng không cho đó là thất bại, chúng không chán nản mà sẽ bắc ghế cho mình cao hơn để có thể với được đồ vật đó.

Nếu sút bóng lệch khỏi khung thành, chúng lại tiếp tục đuổi theo quả bóng và sút lại cho tới khi mệt nhoài mới thôi. Không chán nản vì thất bại, đứa trẻ sẽ biết được cảm giác hạnh phúc, sung sướng khi thành công.

Trái lại, người lớn thường bị ảnh thưởng rất lớn bởi “thất bại”. Mỗi khi vấp ngã, họ tự dằn vặt mình: mình là đồ vô dụng, không thể làm được việc gì. Con người thường nhớ đến những đau khổ, bất hạnh, khó khăn mình đã trải qua hơn là niềm vui, những may mắn, hạnh phúc mình có được. Vì vậy khi một chiến lược kinh doanh không thành, họ chỉ nghĩ vốn và những khoản lợi nhuận đã mất chứ không thấy được những cái họ đã đạt được như mối quan hệ và uy tín với khách hàng… Và nhiều người e ngại thất bại, sợ tới mức không dám đầu tư vào những kế hoạch làm ăn mà họ chưa nắm chắc phần thắng, nhưng như vậy cũng có nghĩa là họ sẽ bỏ qua mất cơ hội làm giàu. Khi yên vị trong cái vòng tròn an toàn do chính họ đặt ra, họ sẽ tránh được tổn thương và không còn lo phải xấu hổ, mất mặt vì thất bại, nhưng họ cũng tự làm mất đi nhiều cơ hội học hỏi, phát triển và hoàn thiện bản thân.

Bất kì một người nào, dù có cẩn thận và hiểu biết sâu rộng đến đâu cũng không thể tránh khỏi những sai lầm và thất bại, bởi đó không phải là thứ con người có thể kiểm soát được. Dù không ai muốn thất bại, nhưng những người không chấp nhận thất bại thì cũng không thể đến được với thành công, bởi vậy mới có câu: “Thất bại là mẹ thành công”.

Khi bước vào con đường kinh doanh, chúng ta phải học cách chung sống với thất bại:

Mỗi lần ngã là một lần bớt dại

Ai nên khôn chẳng dại một đôi lần.

Hãy coi “thất bại” chỉ là một bước sẩy chân trên con đường đời. Chúng ta sẽ không vì một bước xảy chân mà dừng lại giữa đường không đi tiếp, nên cũng không thể vì sợ một vài lần thất bại mà không dám làm tiếp. Hãy đối mặt với hậu quả của thất bại ở cả hai mặt bên ngoài (Những gì xảy ra trong thế giới xung quanh) và bên trong (Những gì bạn nghĩ về bản thân bạn và những điều bạn cho là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của bạn). Hậu quả bên ngoài thật ra còn không tai hại bằng hậu quả bên trong: nói khiến bạn lo lắng, nặng nề, lo sợ không dám làm việc, phấn đấu nữa. Không làm gì, bạn sẽ không thất bại, nhưng cũng có nghĩa là bạn không hề có cơ hội thành công và đạt được những ước mơ của mình.

Bạn hãy thay đổi cách suy nghĩ, kiểm soát những hậu quả bên trong của thất bại. Cần nhìn mọi việc một cách khách quan hơn, tự tin vào bản thân. Vụ đầu tư vừa rồi bạn bị lỗ, nhưng có thể nó đã gây dựng được các hệ thống phân phối hàng, gây dựng được lòng tin với khách hàng. Khách hàng đã biết đến sản phẩm của bạn, và bạn sẽ tiếp tục đầu tư, dần dần sản phẩm của bạn đã chinh phục được thị trường, và bạn đã thành công. Bạn sẽ không thể có được điều này nếu vì sợ lỗ mà bạn dừng lại ngay từ phi vụ đầu tư thất bại đầu tiên.

Nỗi sợ hãi mắc sai lầm sẽ làm người ta không dám mạo hiểm, không dám áp dụng những ý tưởng mới, khả năng sáng tạo sẽ bị giết chết và con người không thể tiến lên. Nếu dẹp bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực, nhìn mọi thứ một cách khách quan hơn và tập trung vào những kết quả thực tế đã đạt được, chúng ta sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi, rèn luyện được kĩ năng và xây dựng được môi trường tích cực để phát triển. Hãy nói “Tôi sẽ cố gắng hết mình, tôi sẽ làm được” chứ đừng tâm niệm: “Tôi là kẻ vô dụng, tôi luôn luôn thất bại, chắc chắn tôi sẽ không làm được”. Chắc chắn hiệu quả, năng suất làm việc của bạn sẽ tăng lên rất nhiều và thành công sẽ nằm trong tầm tay. Thành công sẽ càng khiến bạn tự tin hơn, và tích cực làm việc hơn. Những thất bại sẽ không thể vĩnh viễn không còn, nhưng bạn sẽ không e ngại nó, mà nó lại đem lại cho bạn những bài học, kinh nghiệm để bạn bước tới thành công khác.

Thất bại là cơ hội để học tập. Bạn sẽ rút ra được vì sao bạn thất bại và lần sau bạn sẽ không mắc sai lầm như vậy nữa. Nếu không dám đối mặt, cố quên đi những sai lầm của mình, có thể sau này bạn sẽ lại mắc phải sai lầm tương tự. Những người chưa từng vấp ngã, chưa từng thất bại thì cũng chưa từng được rèn luyện và họ sẽ dễ dàng ngã khụy khi gặp khó khăn. Hầu hết các thương gia trở nên thành đạt sau những sai lầm lớn. “Thất bại” đối với họ chỉ là bước sẩy chân trên con đường đi đến thành công.

Thành công cũng là cơ hội để học hỏi. Bạn hãy xem xét kĩ lại những thành công của mình, của đồng nghiệp, của đối tác… để rút ra những điều làm nên thành công đó và học hỏi, rút kinh nghiệm.

Hãy lạc quan, tin tưởng vào bản thân rằng mình sẽ vượt qua tất cả, những gì mình đã làm dù thất bại thì cũng là bài học kinh nghiệm giúp bạn học hỏi và phát triển. Hãy tự thưởng cho mình sau mỗi chặng đường thực hiện mục tiêu, chia sẻ thành quả mình đã làm được với người khác và gây dựng sự tự tin, tự hào về bản thân. Nỗi sợ hãi sự thất bại sẽ không bao giờ có thể đánh gục được bạn, và sự lạc quan của bạn cũng sẽ tác động tốt đến nhân viên, khách hàng của bạn. Sau mỗi bước “sẩy chân”, bạn càng đến gần thành công hơn.

Theo Vietchinabusiness

Học cách kiếm tiền của các triệu phú


 Bạn có muốn biết 1% người giàu nhất thế giới kiếm tiền như thế nào không?
Đừng bỏ qua những cơ hội mua sắm tiết kiệm. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Không ngại mạo hiểm

Theo công ty nghiên cứu Spectrem, 6 trên 10 nhà tài phiệt khi được hỏi đã chia sẻ rằng một chút liều lĩnh là chất xúc tác quan trọng trên chặng đường làm giàu của họ.

Một khoản đầu tư có rủi ro cao nhưng khả năng thu lời lớn, theo nhà hoạch định Chris Cordaro, chính là các thị trường mới nổi như Vietnam, Sri Lanka và Kazakhstan. “Những thị trường này sở hữu đầy đủ tiềm năng từng thấy ở những quốc gia phát triển ngày nay.”

Không bỏ qua những cơ hội tiết kiệm

“Hầu hết các triệu phú đều là những người sành sỏi trong việc tiêu dùng bằng coupon (thẻ giảm giá)” – Thomas Stanley, đồng tác giả cuốn “Người Hàng Xóm Triệu Phú” (The Millionaire Next Door) cho biết. Họ cũng hết sức thận trọng khi đi mua sắm và thường xuyên lên một danh sách những thứ cần mua để tiết kiệm thời gian và tiền bạc. “Bạn càng dành nhiều thời gian loanh quanh trong các cửa tiệm, bạn sẽ càng có xu hướng mua nhiều hơn dự kiến.”

72% những đại gia có tài sản từ 5 triệu đến 25 triệu đô la khẳng định rằng tiết kiệm là một trong 5 lý do họ cho là quan trọng nhất dẫn tới thành công của họ ngày hôm nay.

Học tập Warren Buffett

Warren Buffet. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Một độc giả của CNNMoney chia sẻ: “Tôi học theo lời khuyên của tỉ phú Warren Buffett: Mua khi mọi người bán và bán khi mọi người mua. Đó là một lời nhắc nhở rằng những ngày thị trường đi xuống cũng là cơ hội để mua vào, và chẳng có gì là đi lên mãi mãi.”

Rèn luyện tính kiên nhẫn

Các triệu phú thường gắn bó với ngôi nhà của họ trong thời gian rất dài (khoảng 50% sống trong một căn nhà trên 20 năm), giữ “chặt” cổ phiếu và chung sống với bạn đời thậm chí còn lâu hơn thế (chỉ 4% triệu phú từng ly hôn hoặc ly thân).

Vậy đức tính kiên trì mang lại cho bạn điều gì? Bạn sẽ không phải tồn tiền cho những giao dịch chuyển đổi. Hơn thế, nó giúp bạn trụ vững qua thời điểm khó khăn để chờ tới lúc những khoản đầu tư của mình sinh lợi.

Sống trong một ngôi nhà giản dị

Ngôi nhà giản dị của Warren Buffet.


Số triệu phú trong những căn nhà có giá dưới 300.000 USD nhiều gấp 3 lần số người sở hữu những biệt thự trên 1 triệu đô la. Và họ có lý do của riêng họ.

Lịch sử đã cho thấy, lợi suất của chứng khoán cao hơn hẳn bất động sản, và, đặc biệt là thời gian gần đây, những ngôi nhà nhỏ giữ giá tốt hơn biệt thự có diện tích lớn.

Làm ông chủ của chính mình

Những gia đình giàu có thường có người trụ cột là một doanh nhân, theo Tổ chức Lãnh đạo doanh nghiệp Kauffman.

  Theo NDHMoney/CNNMoney

Chữ Dũng của doanh nhân

 Doanh nhân không chỉ là người giỏi chèo lái doanh nghiệp mà còn có lòng dũng cảm. Dũng cảm, vì thực chất họ đã hứng lấy trách nhiệm trước của biết bao nhiêu con người.

Bắt đầu vì mình nhưng kết thúc?

Câu chuyện bắt đầu từ một doanh nhân đang gặp khó khăn. Doanh nghiệp của anh đã có thâm niên gần chục năm. Trước cơn bão khủng hoảng tài chính vừa qua, anh đang phải lèo lái để con thuyền của mình không chìm. Trong những câu chuyện tâm tình, anh bảo, anh hoàn toàn có thể dừng lại. Dừng lại để không phải mệt mỏi nữa, không phải chịu áp lực nữa. Dừng lại, có thể lại quay trở về ở vạch xuất phát, nhưng nhẹ nhàng hơn, bình yên hơn. Song, một trong những nguyên nhân làm anh chưa thể quyết định dừng lại là, nếu anh dừng lại thì đội ngũ cộng sự đã sát cánh cùng anh mười mấy năm nay sẽ ra sao? Họ đã là những người làm công ăn lương tận tụy, giờ, giữa thời buổi khó khăn mà thất nghiệp, từng con thuyền nhỏ là gia đình họ sẽ về đâu? Với anh, tính toán cho riêng mình thì dễ, tính toán cho tất cả những người lao động trong công ty trong tình hình này mới thật là khó.

Trong tất cả các bài học về kinh doanh, có lẽ bài học về sự kết thúc một sựnghiệp là bài học ít được mọi người quan tâm nhất. Tuy nhiên tất cả các doanh nhân có lương tâm đều phải tính toán để lo cho người lao động nếu việc kinh doanh không thuận buồm xuôi gió. Một doanh nghiệp được khởi đầu có thể từ khao khát của bản thân chủ doanh nghiệp. Nhưng kết thúc của nó thì không đơn giản chỉ vì chủ doanh nghiệp ấy.

Một doanh nhân khác đã dằn vặt suốt 3 - 4 năm trời về việc có nên cho một nhân viên lâu năm nghỉ việc hay không. Vấn đề nảy sinh khi nhân viên này không thích nghi được với điều kiện kinh doanh mới. Nếp làm việc cũ của nhân viên này còn làm ảnh hưởng đến tác phong, cung cách làm việc của một số nhân viên liên quan đến anh ta. Nhưng cho anh ta nghỉ, nghĩa là một gia đình đứng trước hiểm nguy, vì nhân viên ấy đã vào cái tuổi khó có thể kiếm được việc làm. Trong khi đó cũng có những nhà quản lý sẵn sàng ép những nhân viên dưới quyền “về hưu khi họ không còn “được việc” như mong muốn. Chủ doanh nghiệp tuyển dụng người lao động vì người ấy đáp ứng yêu cầu của mình. Nhưng sẽ thật áy náy khi nói “good-bye”, đơn giản vì người ấy không đáp ứng yêu cần nữa.

Làm doanh nhân thì tự do, tự chủ. Nhưng trong sự tự do ấy, áp lực cũng không phải là ít. Áp lực do không thể chỉ vì mình. Áp lực do phải hành động vì nhiều người khác...

Vì sao doanh nhân trở thành doanh nhân?

Một doanh nhân khác cũng đã gây dựng sự nghiệp của mình từ con số không. Có thất bại để hôm nay thành công. Nhưng trong suốt quá trình ấy anh đã luôn nghĩ đến những người đồng hành cùng anh trên con đường nhiều gian khó. Anh lo đến từng bữa ăn cho họ, lo sự an toàn trong từng buổi đi làm của họ.

Cho đến khi doanh nghiệp của anh trở thành tổng công ty có hàng chục nhánh khắp cả nước, thì anh vẫn luôn bị trăn trở bởi việc chọn lựa giữa kiểu quản trị nhân sự phương Tây hay phương Đông. Và giữa những trăn trở ấy, thì hành xử trong thực tế vẫn nghiêng về sự sẻ chia với người lao động. “Kinh doanh và chia sẻ” là triết lý của anh.

Chắc nhiều người biết đến Murthy, nhà sáng lập Infosys Technologies, tập đoàn phần mềm lớn thứ hai Ấn Độ có 58 .000 nhân viên ở hơn 20 nước trên thế giới.

Ông tâm sự rằng: “Hệ thống các giá trị mà tôi theo đuổi khi thành lập công ty là của cha mẹ tôi trao lại. Cha tôi có những quan niệm rất rõ ràng về sự trung thực, khí khái và đạo đức công việc. Còn mẹ tôi dạy tôi hy sinh (thời gian và tiền lạc) cho mọi người”. Và ông cho rằng: “Nếu chúng ta không ta chia sẻ với các cổ đông, nhân viên, khách hàng và Chính phủ của mình, tất cả chúng ta sẽ không có tương lai”.

Trở thành tỷ phú, ông vẫn sống đơn giản và chia sẻ với nhân viên mình... Không chỉ các “công nhân có cổ cồn” mà cả những nhân viên kỹ thuật, điện tử, kể cả tài xế cũng có cổ phiếu của công ty đăng ký trên thị trường Nasdaq. Cho đến năm 2001, ít nhất mỗi tuần một lần ông đi xe buýt tới các cơ sở của tập đoàn, và như mọi nhân viên, vẫn xếp hàng chờ lấy thức ăn tại các nhà ăn công ty.

Vì sao doanh nhân trở thành doanh nhân? Vì họ dũng cảm. Dũng cảm, vì thực chất họ đã hứng lấy trách nhiệm trước cuộc sống của biết bao nhiêu con người.

Nguồn:  Doanh nhân và pháp luật

Ngôn ngữ giúp bán hàng thành công


 Bán hàng vốn đã không dễ dàng, càng trở nên khó hơn trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Vậy phải dùng từ ngữ nào để thuyết phục khách hàng chịu bỏ tiền mua hàng?

Chủ đề tưởng chừng như rất cơ bản này trong kinh doanh lại được diễn giả Dan Seidman, một trong 12 chuyên gia huấn luyện bán hàng hàng đầu ở Mỹ, quan tâm chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bí quyết ngôn ngữ tạo sự ảnh hưởng rất lớn đến việc bán hàng, nhất là những người sử dụng điện thoại để giao tiếp với khách hàng. Người bán hàng thành công phải biết cần nói gì và nói như thế nào. Nhờ ngôn ngữ, họ có thể truyền đạt và giải mã những thông điệp ẩn mà những người bán hàng kém thành công hơn thường bỏ qua.

Vì vậy, người bán hàng cần có kỹ năng phân tích cách nói chuyện của khách hàng để nắm bắt tâm lý, vận dụng những từ ngữ có sức ảnh hưởng cao, xác định và tránh dùng những từ quen thuộc nhưng dễ làm giảm sức ảnh hưởng và khiến khách hàng từ chối.

Thông thường, người ta thường mua hàng vì một trong hai lý do: Để giải quyết một vấn đề đang gặp phải, hoặc để hưởng thụ những tiện ích của sản phẩm. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên để bán hàng thành công là phải xác định được hai nhóm khách hàng này.

Ví dụ, khi một người mua xe hơi, phải biết anh ta mua vì tiện ích sang trọng, tăng tốc nhanh, bảo hành tốt; hay mua để giải quyết các vấn đề: không dám chở đối tác đi vì ngại xe cũ, không an toàn khi đi đường cao tốc, thường xuyên hư hỏng.

Vậy, hãy đặt câu hỏi và lắng nghe tốt để ứng biến kịch bản bán hàng phù hợp với từng động cơ mua hàng cụ thể.

Một nguyên tắc nữa quan trọng không kém là đừng làm giảm tầm quan trọng của những gì bạn định nói. Nhiều nhân viên bán hàng thường có thói quen mở đầu cuộc giao tiếp bằng câu: “Tôi chỉ muốn nói với anh, chị về... Tôi chỉ muốn xin vài phút của anh, chị...”, vì cho rằng đó là cách nói khiêm tốn, dễ có thiện cảm với người đối diện.

Song, khi nói “chỉ muốn...” thì họ đã làm những gì mình muốn nói trở nên kém quan trọng và ít giá trị. Thay vì vậy, hãy mở đầu bằng một phát biểu gây ấn tượng để khách hàng chú ý, quan trọng là phải đưa vào thông điệp ấy một lợi ích vượt trội của sản phẩm.

Thực tế, nhiều ngươi bán hàng sau khi thay đổi thói quen này đã mang lại doanh số bán hàng rất cao.

Trong bán hàng, có không ít nhân viên bán hàng thường năn nỉ khách hàng mua sản phẩm, hoặc do văn hóa khiêm tốn của người phương Đông nên nhiều người bán hàng hay sử dụng câu nói: “Xin vui lòng cho tôi trình bày sản phẩm”. Nhưng một nhân viên bán hàng chuyên nghiệp thì phải tránh xa những câu nói này.

Phải giao dịch với khách hàng bình đẳng, cho khách hàng hiểu rằng: bạn là người hiểu sản phẩm nên chắc chắn giỏi hơn khách hàng, bạn phải là người tư vấn, giúp cho khách hàng có những thông tin hữu ích và là chuyên gia tư vấn sản phẩm cho khách hàng. 

Khi gặp khách hàng khó tính, một ứng xử thông thường nhất là bỏ khách hàng đó để tập trung vào khách hàng khác. Tuy nhiên, nếu cố gắng thuyết phục khéo léo, bạn vẫn có thể thành công.

Trong trường hợp người mua từ chối, không quan tâm sản phẩm, cách xử lý tốt nhất là nên yêu cầu khách hàng giải thích thêm khi họ từ chối mua.

Nếu một khách hàng nói rằng: “Chúng tôi thấy tình hình hiện nay khá ổn, chúng tôi chưa cần mua sản phẩm của anh” để từ chối, người bán hàng cần biết cách đặt câu hỏi để xem khách hàng có ý gì khi dùng đại từ “chúng tôi”? Liệu họ có thể phát biểu cho cả một tập thể?

“Khá ổn” có phải là “tốt” không? Và liệu về lâu về dài, tình trạng “khá ổn” đó có phải là điều tốt nhất cho họ? Nếu họ thấy hiện nay chưa cần, thì liệu trong tương lai có chào hàng với họ được không? 

Cũng có nhiều nhân viên bán hàng khi bị khách hàng từ chối thường hỏi: “Tại sao anh, chị lại mua gói dịch vụ của công ty ấy?”, “Vì sao quý vị lại đầu tư khoản này?”. Cách hỏi này sẽ dễ làm người nghe cảm thấy như đang bị phê bình.

Đặt câu hỏi “tại sao” nghe như người hỏi đang mỉa mai chỉ số IQ của người nghe. Khách hàng mà cảm thấy vậy thì cơ hội bán hàng của bạn đi đứt.

Vì vậy, tinh tế hơn, hãy hỏi “Như thế nào?”. Ví dụ: “Ông đã đưa ra quyết định mua sản phẩm cũ như thế nào?”, hoặc “Những lý do nào khiến anh, chị lựa chọn sản phẩm đang dùng?”.

Một nguyên tắc không thể thiếu của người bán hàng là phải dự đoán được tình huống khách hàng từ chối, phản hồi để không bị bất ngờ và có phương án xử lý. Không thể nói: “Để tôi về công ty xem lại thông tin rồi sẽ trả lời”.

Khi bị từ chối, người bán hàng nên lưu ý các nguyên tắc sau: Không cố gắng bán, không phản hồi từ chối bằng cách nhấn mạnh tính ưu việt của sản phẩm, kể lể về sản phẩm của mình. Không tỏ ra quá nhiệt tình vì càng khiến khách hàng thấy chúng ta không chuyên nghiệp, thay vào đó là giữ thái độ bình tĩnh.

Một bí quyết ngôn ngữ trong bán hàng là không nên dùng câu “nếu” mà nên nói “khi”. Bởi khi dùng chữ “nếu” sẽ khiến khách hàng không chắc chắn về sản phẩm của bạn.

Câu nói này cực kỳ tối kỵ trong ngành bảo hiểm và tài chính. Chẳng hạn, khi bạn nói: “Khi khách hàng dùng sản phẩm của chúng tôi, một trong những tiện ích anh sẽ có được là...”, thì cảm giác của người nghe sẽ khác hẳn, họ không chỉ hình dung được rõ hơn sản phẩm so với câu “Nếu khách hàng dùng sản phẩm của chúng tôi...”.

Câu “khi” còn trở thành vũ khí quan trọng làm khách hàng tin tưởng vào người bán hàng và cho rằng, việc sử dụng sản phẩm của bạn là điều hiển nhiên.

Giải pháp nhân sự cho doanh nghiệp nhỏ


 Một thực tế là người lao động có mong muốn được làm việc tại các doanh nghiệp uy tín và có quy mô bởi những mời chào lợi ích hấp dẫn bên cạnh cơ hội để phát triển cá nhân. Điều này càng đúng hơn với những ứng viên tài năng, có kinh nghiệm, như vậy có nghĩa là những doanh nghiệp nhỏ sẽ không có cơ hội nào để thu hút những nhân lực chất lượng cao?

Nếu trả lời "Đúng" cho câu hỏi trên thì có nghĩa là bạn vẫn đã và đang giữ suy nghĩ có phần "cổ lỗ" về quản trị nhân sự rồi. Trong những năm gần đây, các mô hình doanh nghiệp B2B (công ty cung cấp sản phẩm dịch vụ cho doanh nghiệp khác) nở rộ tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nhỏ. Những gợi ý sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn, làm thế nào để một doanh nghiệp nhỏ thu hút và giữ chân người tài:

Xóa bỏ tâm lý bất ổn từ bên trong doanh nghiệp

Trên thực tế, làm việc tại nhiều công ty lớn chưa chắc đã ổn định, nếu người ta không biết rõ tình hình tài chính của công ty đó như thế nào. Là người quản trị của doanh nghiệp nhỏ, bạn phải nhận biết điểm bất lợi mà công ty mình đang có, cố gắng can thiệp và thay đổi nó trong phạm vi có thể. Nếu chính bạn giữ suy nghĩ "nhỏ là yếu" thì chẳng bao giờ bạn có được một lực lượng nhân sự đủ mạnh đâu.

Yếu tố lợi ích được ưu tiên

Ngân quỹ có hạn và không dồi dào của doanh nghiệp nhỏ sẽ làm hạn chế đáng kể những cơ hội cung cấp lợi ích cho nhân viên. Hãy hiểu là, những ưu đãi đại trà sẽ gây tốn kém và lãng phí đến sức khỏe doanh nghiệp nhỏ, nhưng đối với những cá nhân có năng lực thì những lợi ích bổ sung lại chẳng là gì so với kết quả họ đem lại. Nhiều CEO lo sợ rằng mức lương thấp sẽ làm giảm thích thú của nhân viên, nhưng đừng vì thế mà nhân nhượng trong thương lượng lương với nhân viên, hãy làm họ hiểu rằng năng lực của họ mới là thước đo chính xác cho những gì họ nhận được.

Tạo cơ hội tự phát triển và thực hiện hoài bão

Những nhân lực trẻ chính là đối tượng mà các doanh nghiệp nhỏ nên hướng tới. Họ có thể còn non kinh nghiệm nhưng bù lại sự năng động, tinh thần ham học hỏi và nhiệt tình trong công việc là thứ đáng quý hơn cả.

Quả thật, một công ty lớn có thể đưa ra cơ hội thăng tiến và cạnh tranh cao nhưng lại không sẵn sàng cho những người trẻ tự chủ mà gò ép họ rơi vào khuôn phép, vì thế bạn có thể tạo ra những giấc mơ thật sự, thu hút sự chú ý của các ứng viên bằng học hỏi và tự chủ trong công việc. Điều quan trọng nhất là bạn cần có một vài kinh nghiệm công việc sẵn sàng dẫn dắt và làm "thầy". Trong trường hợp, bạn có ý định xây dựng doanh nghiệp của toàn người trẻ thì hãy tập xác định tâm lý bởi sự ràng buộc và học hỏi gần như là không có và những nhân tài sẵn sàng "vỗ cánh bay đi" khi có thể.

Đề xuất quy trình tuyển dụng tinh gọn

Cơ chế tuyển dụng gắt gao, nhiều vòng thi rườm rà của các công ty lớn đang bộc lộ những yếu điểm đáng kể. Do đó, lời khuyên đối với các doanh nghiệp nhỏ là nên xây dựng quy trình tuyển dụng gọn nhẹ nhưng chuyên sâu để tôn trọng ứng viên, họ sẽ trân trọng và cảm thấy được đề cao. Chính những CEO của các công ty nhỏ sẽ là người theo sát quá trình tuyển dụng, tìm được những ứng viên phù hợp, tài năng một cách nhanh chóng đồng thời đem lại ấn tượng tích cực.

Môi trường làm việc khác biệt

Một công ty nhỏ hoàn toàn có thể xây dựng môi trường làm việc thú vị bằng nhiều cách thức khác nhau, chẳng hạn làm cho môi trường làm việc được thoải mái, giờ giấc làm việc linh động, giao tiếp từ xa, các hoạt động xã hội, những chuyến nghỉ mát, tăng thời gian dành cho cá nhân hay bất kể chính sách thân thiện và khuyến khích nào khác mà các công ty lớn khó có thể đưa ra.

Nếu công ty nhỏ của bạn vẫn có thể hoạt động bình thường với một vài nhân viên làm việc tại nhà, hay ít nhất là bán thời gian, bạn nên thử ngay. Những điều quan trọng hơn cả đối với một nhân viên là họ có thể thử nghiệm các ý tưởng mới, chủ động triển khai kế hoạch kinh doanh và làm việc một cách độc lập trong một môi trường thoải mái và dễ chịu.

Bên cạnh những gợi ý tạo dựng tâm lý an toàn và tích cực đến các ứng viên, những doanh nghiệp nhỏ cũng cần chú ý đến cơ sở vật chất (không phô trương nhưng tinh tế và ấn tượng), sự gắn kết công sở (thái độ thân thiện, gần gũi giữa các thành viên trong công ty)… Cuối cùng, một mức lương cạnh tranh phù hợp với năng lực đóng góp vào mục tiêu chung sẽ là cơ sở bền vững để các tài năng quan tâm đến công ty bạn.

  (Theo Thời báo kinh doanh)


Lời khuyên cho những ai muốn khởi sự kinh doanh tại Trung Đông


 Trung Đông là vùng đất của các truyền thuyết và thần thoại. Hiểu rõ được văn hóa kinh doanh, giao tiếp kinh doanh, nghi thức gặp gỡ và những kỹ năng đàm phán là điều thực sự cần thiết trước khi tiến hành kinh doanh ở Trung Đông.
 


Thậm chí ngay cả việc thiếu tìm hiểu về các truyền thuyết cũng có thể phá vỡ hoặc trở thành rào cản trong việc giao thiệp. Điều sáng suốt khi tiến hành kinh doanh ở Trung Đông là tìm hiểu rõ tập tục của vùng đất này. Bất kể như thế nào thì việc chung một tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa cũng khiến cho những nét tiêu biểu và đặc sắc chung của vùng đất giá trị này trở nên nổi bật.

Văn hóa và giao tiếp kinh doanh khi tiến hành kinh doanh ở Trung Đông sẽ được trình bày trong bản hướng dẫn ngắn gọn này. Tất nhiên những điều đó không có nghĩa rằng đây là một bản tổng kết hoàn chỉnh về những thủ thuật kinh doanh tại Trung Đông, nhưng nó cũng là một trong những số những lĩnh vực chính có thể phải xem xét khi định thực hiện kinh doanh tại đây.

 Đạo Hồi

Một trong những nét văn hóa chính ở Trung Đông không thể không nhắc đến đó chính là Đạo Hồi. Đạo Hồi thấm sâu vào mọi tầng lớp xã hội ở đây. Nó quy định sự chỉ đạo, các giá trị và cả những đạo luật đối với cuộc sống con người, những mối quan hệ cộng đồng cũng như những cách thức kinh doanh.

Trong phạm vi của bài giới thiệu ngắn này, chúng ta không đánh giá tính công bằng dù cho điều đó là đúng. Vì thế mà để thực hiện được kinh doanh tại Trung Đông, chúng ta nên tìm hiểu về Đạo Hồi trước khi tiến hành.

Tuy nhiên, chúng ta có thể xem xét một vài ví dụ về ảnh hưởng của Đạo Hồi và cách mà những ảnh hưởng đó có thể tác động tới hành trình kinh doanh của bạn.

Một ngày các tín đồ Hồi giáo phải cầu kinh năm lần. Những lần cầu kinh này được các nhà thờ Hồi giáo loan báo bằng cách gọi cầu kinh (azan). Không phải tất cả các tín đồ Hồi giáo đều đến nhà thờ. Một số cầu kinh tại nhà hoặc ở văn phòng. Những công việc hàng ngày, việc sắp xếp công việc và gặp gỡ phải được bố trí phù hợp giữa khoảng thời gian cầu kinh. Thứ sáu là ngày dành cho buổi cầu kinh lớn và nó là buổi cầu kinh cho tất cả những người đàn ông.

Hãy cố gắng tránh bàn chuyện kinh doanh trong tháng Ramadan tại Trung Đông. Các tín đồ Hồi giáo dậy từ rất sớm và bắt đầu cầu kinh từ lúc mặt trời mới ló cho đến khi tắt bóng, và trong thời gian này họ nhịn ăn, nhịn uống và nhịn cả hút thuốc. Còn trong kinh doanh, nghi lễ này được thực hiện đầy đủ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất công việc của công ty hay tổ chức đó.

Có hai lễ hội chính cần lưu ý, đó là Eid al-Fitr ngay sau tháng Ramadan và Eid al-Adha ngay sau cuộc hành hương hàng năm. Những ngày lễ này thường kéo dài khoảng ba ngày cho dù chính phủ không muốn kéo dài thêm thời gian. Vì vậy tốt nhất là hãy tránh tiến hành kinh doanh vào đúng hoặc gần dịp hai Edi này.

Tiến hành kinh doanh – Gặp gỡ và chào hỏi

Bạn sẽ nghe thấy những người theo đạo Hồi truyền thống chào nhau là 'Asalamu alaykum' (Cầu chúc bạn an bình) và họ cũng sẽ đáp lại lời chào đó là 'wa alaykum salam' (cũng có nghĩa là Cầu chúc bạn an bình), tuy nhiên, nếu không phải là người Hồi giáo thì bạn sẽ không nhận được lời chào như vậy.

Khi tiến hành kinh doanh ở Trung Đông, việc bắt tay và giữ một lúc lâu vẫn thường được áp dụng. Nghi thức của đạo Hồi dạy rằng tay phải luôn được dùng để bắt tay và một người chỉ được rút tay ra khỏi tay người kia khi người đó đã rút tay trước. Thế nên bạn đừng ngạc nhiên nếu tay còn bị giữ trong khi vẫn được dẫn đi đâu đó. Việc nắm tay giữa những người đàn ông ở đây hết sức bình thường và nó không mang nhiều ý nghĩa giống như ở phương Tây.

Người Ả-rập xưng danh hết sức thân mật trong giao tiếp kinh doanh và thông thường họ vẫn gọi tên nhau. Ví dụ như John Smith thì sẽ được gọi là Ông/Ngài John. Danh xưng của người Ả-rập gồm có: Sheikh (được dùng đối với người già,  học giả, người lãnh đạo), Sayyid (chỉ con cháu của nhà tiên tri Muhammad) and Hajji (dành cho một người hành hương).

Tiến hành kinh doanh – Tìm hiểu đặc điểm giới tính

Trong văn hóa Ả-rập, vai trò giữa phụ nữ và đàn ông hết sức khác nhau. Thế nên vẫn không hề có sự bình đẳng giới tại khu vực này. Tuy nhiên thi thoảng vẫn có phụ nữ trong những lúc tiến hành kinh doanh.

Nếu bạn được giới thiệu với một người phụ nữ có vai trò như một người đàn ông thì hãy chờ xem liệu có bàn tay nào đưa ra cho bạn bắt hay không. Nếu không thì cũng đừng cố bắt tay làm gì. Và cũng tránh làm quen với những người phụ nữ bằng cử chỉ hoặc ánh mắt.

Tiến hành kinh doanh – Kinh doanh là riêng tư

Nhiều người phương Tây đã từng sống hoặc làm việc ở Trung Đông có thể sử dụng những ngôn từ lộn xộn không có trật tự và dễ gây nổi cáu khi tranh cãi về công việc kinh doanh ở đây. Mặc dù đây chỉ là vấn đề về nhận thức, nhưng nó thực sự cho thấy việc kinh doanh ở đây được tiến hành thực hiện theo nhiều cách rất khác nhau so với ở phương Tây.

Người Ả-rập không phân biệt giữa công việc và cuộc sống riêng. Việc thực hiện kinh doanh luôn xoay quanh rất nhiều các mối quan hệ cá nhân, những ràng buộc gia đình, niềm tin và danh dự. Tuy vậy, xu hướng ưu tiên các vấn đề cá nhân luôn được xem xét trước tiên so với những chuyện khác. Thế nên nó hết sức quan trọng khi các mối quan hệ trong kinh doanh luôn được xây dựng trên tình bạn và sự tin tưởng lẫn nhau.

Kết quả của tính tâm lý này đó chính là hệ thống nổi tiếng 'wasta' nghĩa là: nếu bạn có những người bạn hoặc những đầu mối liên lạc ở những nơi cần thiết, thì các điều luật có thể được thực hiện hoặc mọi việc có thể được giải quyết nhanh hơn. Hệ thống 'wasta' này hoạt động dựa trên nền tảng trao đổi những đặc ân và không bao giờ coi nhẹ tình cảm. Mặc dù điều này dường như có thể là thành kiến, nhưng đó lại là điều nên được tìm hiểu kỹ khi tiến hành kinh doanh tại Trung Đông.

Tiến hành kinh doanh – Chỉ bằng lời nói

Nền văn hóa Trung Đông đánh giá giá trị khi dựa vào lời nói của một ai đó cao hơn là dựa vào những thỏa thuận bằng văn bản. Lời nói của một người đều liên quan tới danh dự của người đó. Các hợp đồng được coi như những thư báo của việc hiểu biết lẫn nhau hơn là những thỏa thuận có sự ràng buộc chắc chắn. Hãy chỉ hứa chắc chắn những điều mà bạn có thể làm bởi nếu không bạn sẽ coi như bị mất danh dự.

Tiến hành kinh doanh – Gặp gỡ và đàm phán

Không nên thực hiện việc gặp gỡ quá sớm vì những thay đổi về hoàn cảnh cá nhân có thể tác động tới công việc của bạn. Một khi công việc vừa được thực hiện thì hãy xác nhận lại bằng lời với nhân vật mà bạn đã gặp một vài ngày trước đó.

Những cuộc gặp gỡ ban đầu thường là để xây dựng các mối quan hệ. Xây dựng niềm tin và thiết lập sự tương trợ lẫn nhau là những điều kiện cần thiết hết sức quan trọng đối với việc tiến hành kinh doanh tại Trung Đông. Một điều nên lưu ý trong buổi nói chuyện đó là phải cố gắng biết được “nhân vật” mà bạn định tiến hành kinh doanh cùng là ai.

Việc gặp gỡ có thể lộn xộn vì vậy luôn luôn phải chuẩn bị rèn luyện tính kiên nhẫn. Các cuộc gọi điện thoại luôn xảy ra trong suốt buổi gặp và mọi người có thể xuất hiện bất ngờ tại phòng họp và bắt đầu tham gia tranh luận những vấn đề của riêng mình. 

Những cuộc gặp gỡ thường xoay vòng. Chúng không theo một khuôn mẫu nhất định nào và không có nội dung cụ thể nào về các vấn đề hay những mục đích. Mọi vấn đề phát sinh đều được đưa ra thảo luận. 

Những người nước ngoài thường phải đúng giờ. Mặc dù người Ả-rập đặt ra một yêu cầu rất cao trong việc đúng giờ nhưng chính họ hiếm khi làm được điều đó. Thực tế, nếu người Ả-rập muốn nhấn mạnh vào thời gian hẹn phải được tôn trọng thì họ sẽ sử dụng cụm từ 'mow'id inglizee'  - theo nghĩa đen có nghĩa là “gặp gỡ” như trong tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu bạn lỡ có đến muộn thì cũng đừng hoảng hốt mà chỉ cần xin lỗi một cách lịch thiệp là được. 

Nếu để đàm phán thì hãy nhớ rằng những người Ả– rập là những con người của buôn bán và họ là những nhà đám phán xuất sắc. Việc mặc cả diễn ra khắp nơi từ cửa hàng cho tới tận boong tàu. Các quyết định được đưa ra một cách chắc chắn. Các thủ tục rườm rà chỉ để làm tăng thêm thời gian suy nghĩ. Vì vậy đừng sử dụng cách gây áp lực bởi điều đó chỉ làm phản tác dụng mà thôi.

Ngôn ngữ, màu sắc và biểu tượng

Hãy nhớ rằng cả người Ả–rập và người Do thái đều viết từ phải sang trái. Trong các tài liệu quảng cáo hay tiếp thị, hãy đặt các hình vẽ theo thứ tự đúng: nghĩa là hãy đặt các bức tranh “trước” sang bên phải còn các bức tranh “sau” vào bên trái.

Màu xanh lá cây được sử dụng trong đạo Hồi. Những sự kết hợp cụ thể giữa các mẫu với màu sắc có thể được một bộ tộc nào đó sử dụng. Hãy xem xét lá cờ của Saudi Arabia một cách hết sức cẩn thận bạn sẽ thấy: trên đó có tên của thánh Allah! Đừng bao giờ đặt cờ ở nơi quảng cáo bởi như vậy là bạn đang xúc phạm đến thánh Allah. 

Những hành động khiếm nhã nên tránh

- Không được ăn hoặc uống trước các nhà thời Hồi giáo trong tháng Ramadan. Bởi họ đang nhịn ăn.

- Đừng sử dụng tay trái – đặc biệt là trong khi ăn. Nó được xem như là thức ăn không được sạch ở Trung Đông.

- Đừng bao giờ bắt chéo chân và chĩa đế giầy về phía một ai đó.

- Những người Hồi giáo chính thống không ăn thịt lợn, không uống rượu, và không bàn luận gì đến những người phụ nữ trong gia đình họ.

- Thứ sáu là ngày thánh của đạo Hồi; tuần làm việc có thể từ thứ bảy tuần này cho tới thứ tư tuần sau.

- Không bao giờ được ngắt lời cầu kinh của người theo đạo Hồi, họ thực hiện nghi lễ tín ngưỡng này năm lần trong một ngày.
Theo bwportal