Trang

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Chữ Dũng của doanh nhân

 Doanh nhân không chỉ là người giỏi chèo lái doanh nghiệp mà còn có lòng dũng cảm. Dũng cảm, vì thực chất họ đã hứng lấy trách nhiệm trước của biết bao nhiêu con người.

Bắt đầu vì mình nhưng kết thúc?

Câu chuyện bắt đầu từ một doanh nhân đang gặp khó khăn. Doanh nghiệp của anh đã có thâm niên gần chục năm. Trước cơn bão khủng hoảng tài chính vừa qua, anh đang phải lèo lái để con thuyền của mình không chìm. Trong những câu chuyện tâm tình, anh bảo, anh hoàn toàn có thể dừng lại. Dừng lại để không phải mệt mỏi nữa, không phải chịu áp lực nữa. Dừng lại, có thể lại quay trở về ở vạch xuất phát, nhưng nhẹ nhàng hơn, bình yên hơn. Song, một trong những nguyên nhân làm anh chưa thể quyết định dừng lại là, nếu anh dừng lại thì đội ngũ cộng sự đã sát cánh cùng anh mười mấy năm nay sẽ ra sao? Họ đã là những người làm công ăn lương tận tụy, giờ, giữa thời buổi khó khăn mà thất nghiệp, từng con thuyền nhỏ là gia đình họ sẽ về đâu? Với anh, tính toán cho riêng mình thì dễ, tính toán cho tất cả những người lao động trong công ty trong tình hình này mới thật là khó.

Trong tất cả các bài học về kinh doanh, có lẽ bài học về sự kết thúc một sựnghiệp là bài học ít được mọi người quan tâm nhất. Tuy nhiên tất cả các doanh nhân có lương tâm đều phải tính toán để lo cho người lao động nếu việc kinh doanh không thuận buồm xuôi gió. Một doanh nghiệp được khởi đầu có thể từ khao khát của bản thân chủ doanh nghiệp. Nhưng kết thúc của nó thì không đơn giản chỉ vì chủ doanh nghiệp ấy.

Một doanh nhân khác đã dằn vặt suốt 3 - 4 năm trời về việc có nên cho một nhân viên lâu năm nghỉ việc hay không. Vấn đề nảy sinh khi nhân viên này không thích nghi được với điều kiện kinh doanh mới. Nếp làm việc cũ của nhân viên này còn làm ảnh hưởng đến tác phong, cung cách làm việc của một số nhân viên liên quan đến anh ta. Nhưng cho anh ta nghỉ, nghĩa là một gia đình đứng trước hiểm nguy, vì nhân viên ấy đã vào cái tuổi khó có thể kiếm được việc làm. Trong khi đó cũng có những nhà quản lý sẵn sàng ép những nhân viên dưới quyền “về hưu khi họ không còn “được việc” như mong muốn. Chủ doanh nghiệp tuyển dụng người lao động vì người ấy đáp ứng yêu cầu của mình. Nhưng sẽ thật áy náy khi nói “good-bye”, đơn giản vì người ấy không đáp ứng yêu cần nữa.

Làm doanh nhân thì tự do, tự chủ. Nhưng trong sự tự do ấy, áp lực cũng không phải là ít. Áp lực do không thể chỉ vì mình. Áp lực do phải hành động vì nhiều người khác...

Vì sao doanh nhân trở thành doanh nhân?

Một doanh nhân khác cũng đã gây dựng sự nghiệp của mình từ con số không. Có thất bại để hôm nay thành công. Nhưng trong suốt quá trình ấy anh đã luôn nghĩ đến những người đồng hành cùng anh trên con đường nhiều gian khó. Anh lo đến từng bữa ăn cho họ, lo sự an toàn trong từng buổi đi làm của họ.

Cho đến khi doanh nghiệp của anh trở thành tổng công ty có hàng chục nhánh khắp cả nước, thì anh vẫn luôn bị trăn trở bởi việc chọn lựa giữa kiểu quản trị nhân sự phương Tây hay phương Đông. Và giữa những trăn trở ấy, thì hành xử trong thực tế vẫn nghiêng về sự sẻ chia với người lao động. “Kinh doanh và chia sẻ” là triết lý của anh.

Chắc nhiều người biết đến Murthy, nhà sáng lập Infosys Technologies, tập đoàn phần mềm lớn thứ hai Ấn Độ có 58 .000 nhân viên ở hơn 20 nước trên thế giới.

Ông tâm sự rằng: “Hệ thống các giá trị mà tôi theo đuổi khi thành lập công ty là của cha mẹ tôi trao lại. Cha tôi có những quan niệm rất rõ ràng về sự trung thực, khí khái và đạo đức công việc. Còn mẹ tôi dạy tôi hy sinh (thời gian và tiền lạc) cho mọi người”. Và ông cho rằng: “Nếu chúng ta không ta chia sẻ với các cổ đông, nhân viên, khách hàng và Chính phủ của mình, tất cả chúng ta sẽ không có tương lai”.

Trở thành tỷ phú, ông vẫn sống đơn giản và chia sẻ với nhân viên mình... Không chỉ các “công nhân có cổ cồn” mà cả những nhân viên kỹ thuật, điện tử, kể cả tài xế cũng có cổ phiếu của công ty đăng ký trên thị trường Nasdaq. Cho đến năm 2001, ít nhất mỗi tuần một lần ông đi xe buýt tới các cơ sở của tập đoàn, và như mọi nhân viên, vẫn xếp hàng chờ lấy thức ăn tại các nhà ăn công ty.

Vì sao doanh nhân trở thành doanh nhân? Vì họ dũng cảm. Dũng cảm, vì thực chất họ đã hứng lấy trách nhiệm trước cuộc sống của biết bao nhiêu con người.

Nguồn:  Doanh nhân và pháp luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét