Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Ông tổ Nestle khởi nghiệp từ nghề dược sĩ

Henri Nestlé trở thành huyền thoại của ngành thực phẩm dinh dưỡng không chỉ bởi những phát minh mà còn là quá trình tự vươn lên của một dược sĩ để khẳng định thương hiệu trên thương trường.
Henri Nestlé.
Từ nhỏ đến lúc ở đỉnh cao sự nghiệp, Henri Nestlé chưa từng qua một khóa học kinh doanh nào. Tất cả những gì ông có là kiến thức y khoa cùng sự nhạy bén thời cuộc. Từng bước chậm rãi, ông tổ Nestle tiến gần hơn với ước mơ bằng cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức đã có, nắm bắt cơ hội và tạo dựng thương hiệu. Tên của ông và tên sản phẩm gắn liền, gây ấn tượng sâu sắc đến nỗi những người kế tục quyết định giữ nguyên tên “Farine Lactée Nestlé” sau khi ông bán đi công ty.
Sinh ra trong một gia đình tư sản tại Francfort-sur-le-Main, Frankfurt Đức, Henri Nestlé, tên thật là Heinrich Nestlé chịu những xáo trộn đầu tiên của cuộc đời khi cha mất vào năm 1838 và mẹ qua đời sau đó một năm. Những mất mát này ảnh hưởng lớn đến cậu thanh niên 19 tuổi nhưng bằng lý chí, Henri Nestlé lấy lại tinh thần, tiếp tục con đường học vấn ở Lausanne, Thụy Sĩ. Cùng năm này, ông được cấp bằng dược sĩ và hành nghề tại đây.
Những thành công trong sự nghiệp y khoa và kinh doanh sau này của ông tổ Nestle không thể thiếu vai trò của dược sĩ Marc Nicollier. Nhận thấy khả năng kinh doanh nhạy bén và ý chí vươn lên của cậu nhân viên, Marc Nicollier luôn tạo cơ hội để Nestlé tiếp cận và học hỏi những người có chuyên môn giỏi như dược sĩ nổi tiếng người Đức, Justus von Liebig. Nhờ các tài liệu giảng dạy của Liebig, Nestlé đã học được các phương pháp thí nghiệm hóa học hiện đại và dần được giới chuyên môn tại đây chấp nhận.
May mắn bắt đầu gõ cửa sự nghiệp của Henri Nestlé khi Marc Nicollier môi giới cho ông mua một cơ sở kinh doanh ở Vevey mang tên “En Rouvenaz”. Từ đây, cuộc phiêu lưu vào lĩnh vực kinh doanh của Nestlé được bắt đầu. Trước khi gây dựng thành công nhà máy Nestle, Henri đã trải qua nhiều công việc khác nhau như sản xuất thực phẩm, rượu, nước khoáng, nước giải khát, khí lỏng để thắp sáng… Những thành công, thất bại trong quãng thời gian này mang lại kinh nghiệm và các bài học quý giá cho ông tổ Nestle.
Đỉnh cao sự nghiệp của Nestlé chỉ đến khi ông nhận ra kinh doanh phải biết phối hợp với kiến thức dược khoa mình đã được học. Những phát minh nghiên cứu về sản phẩm dinh dưỡng được Henri nhen nhóm từ những năm 1860. Tuy nhiên, để sản phẩm đến với số đông người tiêu dùng, ông đã phải lao động không mệt mỏi. Từ khi phát triển ý tưởng đến lúc nghiên cứu sản xuất và cho ra đời sản phẩm, ông tổ hãng Nestlé đã mất một thời gian dài.
Những năm 60 thế kỷ 19, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong rất cao. Nguyên nhân chính do thiếu nguồn thực phẩm phù hợp, nhiều trẻ sơ sinh không được bú mẹ đầy đủ. Nắm bắt được thực trạng này, ban đầu Henri nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm sữa đặc dành cho trẻ sơ sinh. Ngay sau đó, ông nhận ra nó chưa thích hợp và càng không thể trở thành thức uống hằng ngày của đối tượng này vì các chất cấu thành lên sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cao của trẻ sơ sinh.
Coi đây là thất bại bước đầu, ông kiên trì nghiên cứu sản phẩm mới chứa đầy đủ hơn các chất dinh dưỡng cần thiết và thành phần thích hợp. Khi các kết quả nghiên cứu đã chín muồi, Henri bắt đầu sản xuất sản phẩm này theo công thức khoa học và các tố chất dinh dưỡng hiện đại nhất thời bấy giờ để đảm bảo trẻ sơ sinh dễ tiêu hóa.
Năm 1867, bạn Henri đến nhà ông và bế theo một em bé sinh non. Em bé này không thể ăn bất cứ thứ gì, nôn liên tục, sức sống rất mong manh. Vị dược sĩ cho đứa trẻ bú thử loại bột ngũ cốc pha sẵn của mình. Thật kỳ diệu, đứa bé hồi phục rất nhanh chỉ sau vài ngày. Tiếng lành đồn xa, nhiều bà mẹ săn đón sản phẩm bột ngũ cốc của Nestlé. Sự khác nhau giữa công việc kinh doanh hiệu quả và kinh doanh tầm thường chính là việc nhà kinh doanh chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Nestlé cũng vậy, ông đã gây dựng được chữ tín bằng chính chất lượng sản phẩm bán ra thị trường.

Tại thời điểm ấy, các chuyên gia về dinh dưỡng đánh giá phát minh của Nestlé không phải là khám phá mới mà là sự kết hợp chính xác những chất dinh dưỡng được biết đến lâu nay là tốt cho trẻ. Tuy nhiên, họ phải thừa nhận sáng kiến của ông thành công ở chỗ đã biến ý tưởng này thành hiện thực.
Tiếp bước khởi nghiệp thành công ngoài mong đợi này, cuối năm 1867, Henri Nestlé mạo hiểm thế chấp nhà cửa, vay vốn để thành lập công ty, sản xuất hàng loạt sản phẩm “Farine Lactée Nestlé”.
Cuối cùng, những nỗ lực không mệt mỏi đã giúp Nestlé chạm tay vào được giấc mơ của mình, công ty Societé Farine Lactée Henri Nestlé ra đời. Ông sử dụng tên của mình để xây dựng logo. Nestlé trong tiếng Đức có nghĩa là “Tổ chim nhỏ” và cũng là huy hiệu của gia đình ông - hình ảnh tổ chim với chim mẹ đang cho chim con ăn mồi. Biểu tượng này, thể hiện giá trị gia đình, tiếp tục được công ty sử dụng rộng rãi nhằm khơi gợi tình cảm yêu thương, an lành và sự quan tâm, chăm sóc.
Từ hệ thống phân phối nội địa, ban đầu, Henri Nestlé phát triển thành hệ thống phân phối đi các nước thông qua các đại lý và nhà phân phối. Sản phẩm “Farine Lactée Nestlé” đầu tiên được tung ra tại Thụy Sĩ, sau đó nhanh chóng xuất khẩu sang các nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan…
Ba đặc điểm đầu tiên của sản phẩm mà Henri Nestlé nhắm đến là cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ dàng pha chế và công thức dựa trên việc áp dụng các nghiên cứu khoa học. Chúng cũng là cơ sở để ông tiếp thị, phân phối và quảng cáo sản phẩm.
Chất lượng sản phẩm cùng tài tiếp thị bẩm sinh giúp sản phẩm bột ngũ cốc của Nestlé bán được hơn một triệu hộp tại 18 nước trên 5 châu lục, nhiều nhất là Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Nga, Áo trong vòng 8 năm (1867-1875).
Khi công việc kinh doanh bắt đầu ổn định, Nestlé dùng vốn đầu tư thêm vào nhà xưởng. Doanh số bán ra tăng vọt nhờ vào việc mở rộng thị trường tại Mexico, Argentina, Scandinavia và Indonesia. Tên Nestlé xuất hiện trong tất cả quảng cáo, bao bì bột ngũ cốc. 
Cuối năm 1874, do không thể một mình cáng đáng hết việc, Nestlé vạch kế hoạch giảm một phần công việc hoặc bán hết toàn bộ công ty. Sau đó, ông đã quyết định bán công ty với giá một triệu Franc, đồng thời ký kết nhượng lại thương hiệu “Farine Lactée Nestlé” và chữ ký Henri Nestlé cho người chủ sở hữu mới.
Sau khi được chuyển nhượng, Công ty cổ phần “Farine Lactée Henri Nestlé” được thành lập gồm 3 cổ đông chính: Pierre-Samuel Roussy, Jules Monnerat và Gustave Marquis. Các ông chủ mới này đã nghĩ ngay đến việc mở rộng sản xuất và quy mô hoạt động của công ty.
Nestlé hiện trở thành tập đoàn thực phẩm dinh dưỡng lớn nhất thế giới với doanh số đạt 84 tỷ Franc Thụy Sỹ, tương đương 94 tỷ USD vào năm 2011. Tập đoàn điều hành gần 500 nhà máy tại 86 nước trên toàn thế giới với 30.000 sản phẩm.
Những mốc phát triển của Công ty Nestlé:

- Năm 1867, công ty Nestlé được Henri Nestlé thành lập
- Năm 1874, Henri Nestlé bán công ty với giá một triệu Franc. Công ty mới được thành lập với 3 cổ đông: Pierre-Samuel Roussy, Jules Monnerat và Gustave Marquis
- Năm 1905, công ty Nestlé và Anglo-Swiss Condensed Milk sát nhập thành công 
- Năm 1920, công ty lần đầu tiên mở rộng đến những sản phẩm mới như chocolate. 
- Trong đại chiến thế giới lần II, sản phẩm mới của công ty, Nescafé trở thành thức uống chủ yếu của quân đội Mỹ. 
- Công ty bắt đầu đa dạng hóa sản phẩm vào năm 1974. 
- Từ năm 1977, Nestlé tiến hành một loại các cuộc sáp nhật như mua lại Alcon Laboratories Inc, Carnation (1984); công ty bánh kẹo Rowntree (1988), Chef America, Inc (2002); Delta Ice Cream (2005); Tập đoàn Technocom (2010) …

Tại khu vực Đông Nam Á, Nestlé hoạt động từ những năm đầu thế kỷ 20 với văn phòng kinh doanh đầu tiên được đặt tại TP HCM vào năm 1912. Đến nay, Nestlé đã có mặt tại Việt Nam tròn 100 năm.

Theo Phương Thảo
Vnexpress

Người Việt ở Đan Mạch mặc cảm vì bị gọi là dân “mắt xéo, da vàng” khiến ông chẳng đủ tự tin để bước ra thị trường.

Người Việt ở Đan Mạch mặc cảm vì bị gọi là dân “mắt xéo, da vàng” khiến ông chẳng đủ tự tin để bước ra thị trường.
Dù sống trên đất mẹ hay làm việc ở xứ người, khó khăn luôn là đòn bẩy để ông Trầm Phước An, Chủ tịch Công ty CP Nữ trang Đan Việt, có thể đến được với những mục tiêu cao hơn cuộc sống đặt ra cho mình.
Có rất nhiều người thành công khi biết theo đuổi ước mơ. Tôi đã được quen với một doanh nhân người Việt và chứng kiến ước mơ của ông ấy thành hiện thực”, lời giới thiệu của ngài John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch, trong chương trình giới thiệu các mẫu thiết kế nữ trang Đan Mạch tại thị trường Việt Nam khiến nhiều người tò mò. Theo ngài đại sứ, bên cạnh sự nỗ lực, tính kiên trì, điều mang đến thành công cho người bạn của ông, Trầm Phước An, chính là biết nghĩ đến cộng đồng. 
Mặc cảm tạo nên sức mạnh
Chuyện bắt đầu từ năm 1990, khi Trầm Phước An, ông chủ AABYBRO, thương hiệu nữ trang khá nổi tiếng ở Đan Mạch, sang đây đoàn tụ gia đình. “Trước đó, cùng với khó khăn chung của đất nước, tôi đã có thời niên thiếu gắn liền với khoai mì, bo bo… và những ngày bỏ bữa. Tôi đã từng sống trong cảnh nghèo và sợ cái nghèo kinh khủng”, ông kể.
Lớn lên trong khó khăn, dù được thong thả hơn về vật chất ở xứ người nhưng quá khứ đã trở thành lời nhắc nhớ rất cụ thể để ông phải nỗ lực hết mình. 
Tốt nghiệp loại xuất sắc Trường Đại học Kỹ thuật Copenhagen, ngành kim hoàn, ông là một trong ba sinh viên xuất sắc nhất Đan Mạch năm 1996, được Nữ hoàng Đan Mạch trao huy chương đồng, giải thưởng cao quý của quốc gia dành cho sinh viên các trường đại học trên cả nước. Năm đó, chuyện một sinh viên người Việt đạt được giải thưởng của Nữ hoàng đã khiến ông được chú ý nhưng quan trọng hơn, thành tích đó giúp ông được nhận vào Georg Jensen, tập đoàn nữ trang lớn nhất Đan Mạch. 
Trầm Phước An cho biết, sở dĩ ông chọn cách đầu quân vào tập đoàn thay vì khởi dựng sự nghiệp riêng là vì muốn trau dồi kinh nghiệm thực tiễn. Hơn nữa, sự bão hòa của thị trường ở các nước phương Tây đòi hỏi một doanh nghiệp mới phải đầu tư rất nhiều mới có thể có chỗ đứng trên thị trường. “Nếu so sánh sẽ thấy yếu tố đang phát triển ở Việt Nam khiến các bạn trẻ khởi nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều so với các nước”, ông chia sẻ.
Sáu năm vừa làm việc, vừa học hỏi, khi Georg Jensen có xu hướng chuyển dịch về thị trường Thái Lan cũng là lúc Trầm Phước An thấy mình phải có con đường riêng. Vốn thận trọng, ông bắt đầu thử nghiệm bằng việc mở một xưởng chế tác kim hoàn nhỏ. 
Công việc chính của xưởng là gia công, sửa chữa các sản phẩm trang sức. Tay nghề cao, đơn đặt hàng nhiều, doanh thu của xưởng được đảm bảo nhưng ông vẫn cảm thấy chưa hài lòng. “Nhìn sản phẩm của mình xuất hiện trên thị trường dưới thương hiệu của người khác, tôi ray rứt không yên”, ông tâm sự.
Thế nhưng, người Việt ở Đan Mạch không nhiều, mặc cảm vì bị gọi là dân “mắt xéo, da vàng” khiến ông chẳng đủ tự tin để bước ra thị trường. Ông cho biết: “Trị giá các sản phẩm kim hoàn rất lớn, một viên kim cương cũng cả ngàn USD, cần có đủ uy tín khách hàng mới dám đặt niềm tin nơi thương hiệu”. 
Phải nói chuyện với rất nhiều người bạn Đan Mạch ông mới có được chút tự tin. Trầm Phước An tiết lộ, khi nghe ông chia sẻ về nỗi mặc cảm dân tộc, những người bản địa đã động viên hết mình và giải thích cho ông hiểu những tiếng lóng không thân thiện kia chỉ ám chỉ một số rất ít người. Thế là mặc cảm đã trở thành sức mạnh. “Tôi muốn chứng minh cho người phương Tây biết khả năng lẫn bản chất của những người mà họ gọi là “mắt xéo”, ông nói. Hơn 10 năm trên thương trường, AABYBRO đã đưa sản phẩm ra các nước châu Âu, đạt giá trị xuất khẩu lên đến hơn 3 triệu USD/năm. 


Ước mơ thành hiện thực
Bốn năm sau ngày nhận giải thưởng của Nữ hoàng, Trầm Phước An mới có dịp dùng đến số tiền thưởng đã được ông tự quy định là chỉ phục vụ cho việc du lịch, học hỏi ở các nước khác. Chọn Việt Nam để thăm lại quê cha đất tổ, chứng kiến đất nước chuyển mình, ông vui ít mà ray rứt nhiều: “Thấy đời sống vẫn khó khăn, nhiều người không có nghề nghiệp, chỉ biết lao động chân tay kiếm sống”. Lúc đó, ước mơ của ông chỉ đơn giản là mở được một lớp dạy nghề kim hoàn để có thể truyền nghề cho thanh niên trong nước.
May mắn có dịp trao đổi với ông John Nielsen về những trăn trở của mình, Trầm Phước An mới biết Đại sứ quán Đan Mạch đang triển khai chương trình B2B Hỗ trợ doanh nghiệp hai quốc gia Việt Nam - Đan Mạch liên kết với nhau. 
Vậy là, tận dụng những hỗ trợ của chương trình, Trầm Phước An kết nối với một công ty trong nước là Như Lam để cho ra đời Đan Việt, một liên doanh trong ngành kim hoàn với chức năng gia công, chế tác và xuất khẩu. Ông tiết lộ: “Ban đầu chúng tôi tập trung xuất khẩu sang thị trường châu Âu, sau đó sẽ là thị trường trong nước”.
Ở một khía cạnh nào đó, Đan Việt cũng là việc AABYBRO mở rộng quy mô, đồng nghĩa với cơ hội kiếm doanh thu của ông cũng nhiều hơn trước. Tuy nhiên, Trầm Phước An xác định, dạy nghề là một trong những nhiệm vụ chính của Công ty. Đây cũng là tiêu chí của chương trình B2B. 
Ngày đón chân những người thợ kim hoàn Việt sang Đan Mạch để được huấn luyện, ông vui như đón những người thân của mình. Từ thế hệ thợ đầu tiên này, kỹ thuật chế tác kim hoàn tiên tiến ở châu Âu sẽ được truyền lại cho những người thợ trong nước. Và, từ những đôi tay tài hoa của người Việt, sản phẩm kim hoàn Việt Nam sẽ được đưa đi khắp thế giới. Đó mới chính là ước mơ của ông, một ước mơ đậm tính tự hào dân tộc

Doanh nhân Sài Gòn
Flag Counter