Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Doanh nghiệp “cha truyền con nối”: không đơn giản

Cha mẹ ở đâu cũng vậy, muốn để lại sự nghiệp cho con, nhưng thực tế đôi khi không hề suôn sẻ. Theo ông Trần Sỹ Chương, Phó chủ tịch công ty Le & Associates chuyên cung ứng các giải pháp nguồn nhân lực tại Tp.HCM, có thể là do quan niệm xã hội, kinh doanh của cha mẹ khác con cái, nhưng phần lớn là vì thực tế có nhiều phức tạp trong việc thực hiện ý nguyện của các bậc làm cha mẹ.

"Ở Việt Nam, khi kinh tế đang phát triển, không ngạc nhiên khi nhiều công ty được quản trị bằng mô hình gia đình", các diễn giả tham dự hội thảo chiến lược nhân sự hôm 10/8 cho biết.
 
Doanh nghiệp gia đình là một hình thức công ty, trong đó một số người thân thuộc có liên hệ gia đình nắm quyền chủ động trong các hoạt động của doanh nghiệp. Hình thức này phổ biến với nhiều lý do dễ hiểu: chủ doanh nghiệp muốn có quyền kiểm soát cao, có bí quyết trong sản xuất, kinh doanh, không tin người ngoài, muốn tổ chức quản lý hệ thống kinh doanh ở quy mô và mức độ tự kiểm soát được.
 


Doanh nghiệp gia đình thường phổ biến ở những nơi mà môi trường kinh doanh chưa được chuẩn hóa, còn nhiều rủi ro, chủ doanh nghiệp nghĩ rằng họ cần có sự kiểm soát tuyệt đối và tính uyển chuyển cao để đối phó với rủi ro kinh doanh. Khi doanh nghiệp đã trưởng thành, một số chủ doanh nghiệp vẫn chủ trương hoạt động theo tính cách gia đình để rồi “cha truyền con nối”.


Bất cứ doanh nhân nào tự tạo được doanh nghiệp của mình, sau khi thành đạt đều nghĩ đến chuyện giao tài sản, sự nghiệp lại cho ai, với mục đích gì. Câu trả lời tự nhiên nhất là để lại cho con cháu hoặc người thân để bảo đảm cho họ một con đường làm ăn và cuộc sống sung túc.
 


Sự chuyển nhượng tài sản, sự nghiệp là chuyển nhượng cái “quyền” (tất nhiên với cả trách nhiệm đi kèm) và cái “lợi”, được thực hiện theo các hình thức sau:


(1) Chuyển cả “lợi” và “quyền” chủ động tuyệt đối bằng cách trực tiếp quản lý hoạt động của công ty.


(2) Chuyển “lợi” và một số “quyền” tương đối qua sự đại diện trong ban quản trị.


(3) Chuyển “lợi” nhưng không chuyển “quyền”, vì vậy người được chuyển nhượng hoàn toàn không có trách nhiệm gì trực tiếp trong việc điều hành công ty.
 


Công ty Hyundai của Hàn Quốc là thí dụ cụ thể của trường hợp (1), người sáng lập là ông Y.J. Chung chuyển giao cả “quyền” lẫn “lợi” cho các người con và họ đang trực tiếp điều hành công ty. Ông Li-Ka Shing ở Hồng Kông, một trong 5 người giàu nhất châu Á cũng vậy. Hai người con trai của ông đã được đào tạo để nắm giữ các trách nhiệm quản trị, điều hành công ty. Ở Mỹ, hình thức thứ nhất ít phổ biến hơn và đa số theo hai hình thức sau.
 


Nghe tên Wal-Mart, người ta thường nghĩ rằng gia đình họ Walton còn làm chủ. Nhưng trên thực tế, họ chỉ có khoảng trên dưới 40% cổ phần trong công ty. Sau khi người cha mất, cả gia đình mấy anh em chỉ định một người đại diện làm chủ tịch hội đồng quản trị và tất cả công việc điều hành đều được giao cho các chuyên gia quản lý.Gia đình Rockefeller một thời giàu nhất nước Mỹ hiện nay chỉ nắm khoảng 2% cổ phần trong các công ty của họ và họ hoàn toàn không có trách nhiệm điều hành nào cả. Ông Rupert Murdoch - chủ các công ty truyền thông lớn nhất thế giới như Fox News, Star TV... cũng muốn cho hai người con trai và con gái nắm quyền quản lý tập đoàn thương mại của ông theo hình thức đầu nhưng có vẻ không thành. Bởi lẽ hai người con của ông mới tuyên bố muốn tự lập, không muốn dính líu đến công việc của cha.
 


Cha mẹ ở đâu cũng vậy, ai cũng thương con, muốn để lại sự nghiệp cho con, nhưng muốn là một chuyện, thực hiện được ước vọng của mình lại là một chuyện khác. Có thể một phần là quan niệm về xã hội, về kinh doanh của cha mẹ và con cái khác nhau (người Âu, Mỹ muốn con cái mình tự lập cao hơn), nhưng phần lớn là vì thực tế có nhiều phức tạp trong việc thực hiện ý nguyện của các bậc làm cha mẹ.
 


Mục đích chung của việc “cha truyền, con nối” là để tạo đủ điều kiện cho con cái được sung túc, thỏa mãn với cuộc sống. Nhưng việc đòi hỏi người con nối nghiệp chưa chắc đã đem lại sự thỏa mãn đối với người con. Tục ngữ có câu: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, phần lớn con cái của doanh nhân khá giả có cái nhìn về cuộc sống, về công việc khác với cha mẹ.Vì không phải vất vả và lo việc sinh kế, người con có những lý tưởng và mục tiêu cuộc sống khác, có khi hoàn toàn khác so với suy nghĩ của cha mẹ. Ép con nối nghiệp có thể làm khổ cho con mà chưa chắc đã đảm bảo được sự sung túc lâu dài.
 


Doanh nghiệp ở mỗi thời kỳ có những nhu cầu phát triển khác nhau, kể cả khi đã trưởng thành vẫn cần sự năng động để phát triển. Người con chưa chắc có đủ khả năng và tâm huyết duy trì sự sống còn của doanh nghiệp. Trường hợp người con vừa thích, vừa có đủ khả năng quản lý cơ ngơi của cha mẹ để lại là rất hiếm.Gia đình Hyundai may mắn có các người con vừa tận tụy với công việc của cha, vừa chịu khó họ hỏi. Ông Li-Ka Shing cũng cố gắng, nhưng hai người con trai có vẻ không đạt tiêu chuẩn, làm ăn thua lỗ. Báo Wall Street Journal có một bài viết đặc biệt về những công ty cha mẹ và con cái làm chung, nêu ra rằng phần lớn dạng doanh nghiệp này đều có vấn đề phức tạp. Có những công ty cha hoặc mẹ làm chủ tịch hội đồng quản trị, con làm giám đốc, nhưng hai người lại bất đồng ý kiến nghiêm trọng, không muốn gặp nhau, chỉ liên lạc qua email và người thư ký.
 


Bill Gates là điển hình cho một trường phái khác biệt với đại đa số. Mấy năm trước đây có người phỏng vấn ông khi ông có cô con gái đầu lòng. Khi được hỏi rằng cô con gái này có sẽ trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới không, Bill Gates lập tức trả lời dứt khoát: “Không!”. Sau đó, ông tuyên bố là sẽ để lại cho mỗi người con 6 triệu USD mà thôi (tức là khoảng 1/10.000 tài sản của ông), và trong quãng đời còn lại, ông sẽ tập trung hết tài sản của mình vào các mục đích từ thiện, xã hội.
 


Được biết Bill Gates đã bỏ 29 tỉ USD (từ tổng số 50 tỉ USD tài sản) vào quỹ từ thiện mang tên vợ chồng ông. Cũng cần biết rằng Bill Gates không phải là trường hợp duy nhất mà còn có nhiều đại gia khác ở Mỹ thậm chí không để lại cho con đồng nào. Họ lý luận rằng, để lại cho con cái một số tiền lớn là đem một cái họa ngầm cho con, làm cho con hư, mà con không hư thì cháu cũng hư. Và như thế thì tài sản sẽ “đội nón ra đi” mà không để gì lại được cho đời ngoài tiếng xấu.
 


Họ khuyến khích con cái tự lập và hỗ trợ cho các hoạt động riêng của con. Ông Henry Huang là một người Hoa di cư qua Mỹ, thành lập ngân hàng Far East ở Los Angeles (cách đây mấy năm đã bán cho ngân hàng Sino Pac của Đài Loan, có văn phòng ở Việt Nam), lúc đầu muốn theo truyền thống Á châu, để người con trai tiếp tục sự nghiệp và rất chống đối việc anh này theo đuổi ngành viết văn, viết kịch bản.
 


Đến khi người con nổi tiếng với những vở kịch như Madame Butterfly thì ông mới mềm lòng tài trợ cho con tiếp tục sự nghiệp mà anh ta đã lựa chọn. Ông Huang mới qua đời, để lại tài sản cho một số phân khoa mang tên ông ở các trường đại học và một số chương trình xã hội.
Theo vnr500.vietnamnet.vn

10 triệu phú trẻ trong thế giới mạng

Internet đã được chứng minh là một nơi tốt cho các nhà doanh nghiệp đầu tư. Một số doanh nhân trẻ đã giành được thành công lớn trong các dự án của họ và đã trở thành triệu phú trẻ tuổi.

10. Greg Tseng
                  

Greg Tseng đồng sáng lập công ty Tagged Inc. Năm nay, anh 28 tuổi và có 45 triệu USD. Mạng xã hội Tagged chính thức được ra mắt năm 2004. Trụ sở chính của công ty tại thành phố San Francisco, bang California, Mỹ.

9. Jake Nickell                  


Threadless là một cộng đồng tập trung tâm các cửa hàng may mặc trực tuyến do skinnyCorp Chicago, thành lập từ năm 2000. Anh và hai người bạn đồng sáng lập công ty bắt đầu với số vốn 1.000 USD sau khi tham gia cuộc thi thiết kế áo phông trên Internet.

Các thành viên của cộng đồng threadless gửi mẫu thiết kế áo phông trực tuyến; các mẫu thiết kế này sau đó được bình chọn. Một tỷ lệ lớn các mẫu thiết kế trình được chọn để in ấn và được bán thông qua một cửa hàng trực tuyến. Tác giả của những thiết kế giành được giải thưởng tiền mặt và tiền mua hàng trực tuyến. Số tài sản của Jake Nickell khoảng 50 triệu USD.
 


8. Alexander Levin

                 

Alexander Levin sáng lập và điều hành công ty ImageShack Co, với website nổi tiếng ImageShack, có số tài sản 56 triệu USD. ImageShack là websie lưu trữ ảnh khổng lồ trên mạng, doanh thu lớn từ những quảng cáo liên quan tới hình ảnh. Theo đánh giá của Nielsen//NetRatings, ImageShack là một thương hiệu có sự phát triển mạnh.
 


7. John Vechey
                 
 




  

John Vechey, 28 tuổi có số tài sản 60 triệu USD. Anh là nhà lập trình và phát hành game với thương hiệu nổi tiếng PopCap. Trò chơi đầu tiên của hãng Bejeweled (Kim cương) được bán hơn 25 triệu bản. PopCap games hiện có trên Web, PC và Mac, Xbox, Xbox 360, PlayStation 3, cell-phones, PDAs, iPod Classic, iPhone/Touch và các thiết bị mobile khác.
 


6. Angelo Sotira
 

                 

Sáng lập viên của trang DeviantArt . DeviantART, Inc có trụ sở chính tại Hollywood Los Angeles, California, Hoa Kỳ. DeviantART là một kho tư liệu toàn diện, bao gồm cả nhiếp ảnh nghệ thuật, kỹ thuật số, nghệ thuật truyền thống, văn học, Flash làm phim, đa ứng dụng và nguồn tài nguyên phong phú.

Tính đến tháng 5 năm 2009, trang web có hơn 10 triệu thành viên, hơn 81.000.000 bản thiết kế, và nhận được khoảng 105.000 thiết kế trình mỗi ngày. Website này thu hút ít nhất 36 triệu khách mỗi năm.
 


5. Andrew Michael
 

                
 

Sáng lập website Fast Hosts, Andrew Michael, 29 tuổi có 110 triệu USD. Fasthosts là công ty lưu trữ web cung cấp đầy đủ các dịch vụ internet: web hosting, đăng ký tên miền, email.
 


4. Blake Ross
 

                
 




  

Blake Ross, 22 tuổi, có tổng số tài sản trị giá 120 triệu USD, với sự thành công nhờ chương trình Firefox. Kể từ khi được tung ra cuối năm ngoái, Firefox đã nhận được sự đánh giá cao nhờ tốc độ nhanh và dễ sử dụng. Tới nay đã có tới hàng chục triệu lượt người download phần mềm này. Các nhà phân tích cho rằng trình duyệt Firefox do Ross tạo ra có tốc độ nhanh hơn, đa năng hơn và bảo vệ người dùng tốt hơn trước virus và phần mềm gián điệp so với Internet Explorer.
 


3. Chad Hurley

                
 

Chad Hurley, 33 tuổi, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Youtube. Trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube với 1 tỷ lượt xem mỗi ngày. Chad Hurley giành giải Nhân vật của năm (Giải Webby Award) năm 2007. Năm 2006, Chad Hurley đã bán Youtube cho Google với giá 1.65 tỷ USD.
 


2. Andrew Gower
             
 

Andrew Christopher Gower, sinh ngày 2/12/1978, người Anh, là một nhà thiết kế trò chơi điện tử và là người đồng sáng lập Jagex Ltd., công ty mà anh đã thành lập cùng với Paul Gower và Constant Tedder. Andrew Gower nổi tiếng nhờ việc viết MMORPG RuneScape với sự giúp đỡ của anh trai Paul Gower. Tổng số tài sản của Andrew Christopher Gower trị giá 650 triệu USD. Tạp chí CEO bình chọn là một trong 10 nhà kinh doanh vĩ đại nhất và trẻ nhất.
 


1. Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook
                
 
Mark Zuckerberg 23 tuổi và đang sở hữu tài sản trị giá 700 triệu USD. Mark Elliot Zuckerberg sinh năm 1984, là một lập trình viên máy tính và là một chủ doanh nghiệp người Mỹ.Lúc đang là một sinh viên của Đại học Harvard, anh đã thành lập website mạng xã hội Facebook với sự trợ giúp của các bạn học tại Harvard Andrew McCollum, cũng như của những người bạn ở chung phòng ở ký túc xá Dustin Moskovitz và Chris Hughes. Hiện nay anh là tổng giám đốc điều hành của Facebook.Năm 2008, Zuckerberg xếp thứ 785 trong bảng xếp hạng doanh nhân giàu có của tạp chí Forbes. Tạp chí Time cũng bình chọn Zuckerberg là một trong những người có ảnh hưởng nhất thế giới
                     
                                                                             Theo TechAd
Flag Counter