Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Gặp chàng Phó Tổng giám đốc tuổi 24



  







 Tốt nghiệp loại giỏi hai bằng cử nhân trường đại học danh tiếng của Mỹ chỉ trong ba năm, cậu thanh niên 20 tuổi tự tin quay về Việt Nam...Giờ Huy đã là Phó Tổng GĐ Tập đoàn BIM-một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề như thuỷ sản, du lịch, bất động sản, hàng không...
Xách cặp cho bố
Đoàn Quốc Huy giờ đây đã có gần 5 năm kinh nghiệm làm việc cho Tập đoàn BIM group. Khó ai hình dung gương mặt non trẻ đó, giờ đã là Phó Tổng GĐ Tập đoàn BIM-một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề như thuỷ sản, du lịch, bất động sản, hàng không... có gần 200 nhân viên (trong hàng nghìn nhân viên) thuộc 15 quốc gia khác nhau.
Nhiều người vẫn nghĩ, tập đoàn này do bố mẹ Huy làm chủ nên cậu ta được cất nhắc lên làm Phó Tổng GĐ cũng không khó hiểu. Tuy nhiên, đường quan lộ của Huy không dễ như hình dung.
Được bố mẹ đưa sang Ba Lan sinh sống từ năm 4 tuổi, Huy luôn thuộc tốp đầu trong các năm học. Tiếp tục sang Mỹ học trung học phổ thông, để được vào Trường Đại học Nam California, bắt buộc những người như Huy phải nằm trong tốp được điểm cao (5%) của trường trung học phổ thông.
Chương trình học trong 5 năm, nhưng Huy hoàn thành chỉ trong 3 năm với 2 bằng đại học chuyên về doanh nghiệp và tài chính bất động sản.
"Mới ra trường, tốt nghiệp loại giỏi, lại được các doanh nghiệp đánh giá tốt luận văn nên tôi rất tự tin sẽ giải quyết được công việc ngay. Sau khi về làm trợ lý cho bố, nhìn thấy trực tiếp mọi việc mới biết là mình chẳng biết gì", Huy nói.
Bố mẹ Huy là những đại gia nhưng đều làm tiến sỹ tại Ba Lan nên cách dạy con cũng rất khoa học. "Không bao giờ bố mẹ tôi giục chị em tôi làm cái này cái kia mà luôn đặt ra những chỉ tiêu để chúng tôi hoàn thành".
Từ một trợ lý xách cặp cho bố đi từ vuông tôm này đến đồng muối kia, Huy được cất nhắc lên làm Trưởng phòng Kinh doanh bất động sản và Thuỷ sản. Trong quá trình triển khai công việc, Huy có nhiều đóng góp hiệu quả cho tập đoàn như giúp quản lý tốt toà nhà cao cấp cho thuê Fraser Suites (3 năm liền được khách hàng bình chọn là khu căn hộ tốt nhất Việt Nam) ở quận Tây Hồ (Hà Nội).
Dần dần, nhân viên Huy được cất nhắc lên làm Phó GĐ một công ty thuỷ sản thuộc Tập đoàn BIM và hiện là Phó Tổng GĐ tập đoàn. Huy kể: "Bố tôi khắt khe với con cái hơn cả nhân viên khác. Có những việc tầm quy mô nhỏ do tôi khăng khăng cho là đúng, bố cứ để làm đến khi nhận ra sai để rút kinh nghiệm".

"Tôi cần 20 hoặc 30 năm học hỏi"
Gặp Huy, khó có thể hình dung đây là một cậu ấm con một đại gia cỡ lớn, lại càng khó nghĩ đây là một chàng trai sống ở nước ngoài từ bé. Huy có vẻ ngoài của con cái nhà gia giáo. Dù bận rộn để điều hành một tập đoàn mang tầm vóc quốc tế, nhưng gia đình Huy vẫn dành các bữa sáng, bữa tối để quây quần bên nhau. Mỗi năm cùng nhau đi nghỉ.
Huy hiện cũng là thành viên HĐQT tham gia điều hành Hãng hàng không sếu đầu đỏ AirMekong (AM). Thành viên trong HĐQT ấy chủ yếu là những người lớn tuổi, giàu kinh nghiệm và nổi tiếng.
"Hồi mới về nước, tôi vẫn bị đánh giá là trẻ con chưa biết gì. Giờ đây, tuy đã được ghi nhận, nhưng tôi nghĩ mình cần 20 hoặc 30 năm nữa để học hỏi thêm. Do đó, tôi lập kế hoạch 2 năm tới đây sẽ học tiếp để lấy bằng thạc sỹ", Huy chia sẻ.
AM là hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam hiện nay hoạt động. Sau 3 tháng cất cánh, tỷ lệ đúng giờ đạt 92%, một con số mơ ước của nhiều hãng hàng không. Số ghế được sử dụng trung bình trên 70%, vào những ngày cao điểm còn đạt 100%. Huy nói vui: "Hãng AM chủ yếu bay đi Tây Nguyên và vùng hải đảo (Phú Quốc-PV). Toàn vùng sâu, vùng xa".
Ít người biết, hơn 30 phi công Mỹ của AM có người là con của tỷ phú Mỹ, nhưng làm việc một cách chuyên nghiệp. Họ cũng xấp xỉ tuổi Huy, cách nghĩ, cách làm việc cũng như Huy. Chỉ khác một điều, Huy sang Mỹ học để về làm chủ, những phi công đó là người Mỹ và sang Việt Nam đi làm thuê. Thực ra đó chỉ là một cách nói, trên thực tế đó là biểu hiện toàn cầu hoá, xoá nhoà khoảng cách không chỉ về không gian mà ngay cả trong tư duy.
Cũng không nhiều người biết, chàng trai 24 tuổi này góp phần đưa Tập đoàn BIM hoạt động bài bản hơn, có tầm quốc tế. Năm qua, cũng chính chàng trai này chủ động tái cơ cấu mô hình tài chính (đầu tư đa lĩnh vực và phát triển bền vững). Tập đoàn BIM chính là một đơn vị xuất khẩu thuỷ sản từ Việt Nam sang Mỹ mà không bao giờ sợ rào cản bởi luật chống bán phá giá vì giá bán còn cao hơn nước sở tại, và cung không đủ cầu.
Tiến sỹ Đoàn Quốc Việt-Chủ tịch Tập đoàn BIM, bố của Đoàn Quốc Huy, cho biết chưa bao giờ chiều các con mà luôn dạy cách sống độc lập. Ông Việt cũng đánh giá Huy là người trẻ có năng lực và mềm mỏng. Gia đình tiến sỹ Việt là một kiểu mẫu doanh nhân coi trọng tri thức nên chú trọng học hành và làm ăn chiến lược. Các con của ông Việt tuy sinh sống từ nhỏ ở nước ngoài nhưng ai cũng nền nã và nói tiếng Việt như người sinh trưởng trong nước.
Theo:dddn.com.vn

Từ thất học thành giám đốc ngân hàng



 












 Báo chí Trung Quốc gần đây thường nhắc tới cô bé thất học ngày nào nay trở thành một lãnh đạo ngân hàng xuất sắc tại tỉnh An Huy. “Cô bé mắt to”- biệt danh của Tô Minh Quyên, luôn là hình ảnh đẹp cho thế hệ thanh niên hiện đại và trẻ em nghèo Trung Quốc hướng tới.
Chuyện của 20 năm về trước
Hình ảnh Tô Minh Quyên sẽ không được ai chú ý, nếu không có ngày cô bé gặp được nhà nhiếp ảnh Giải Hải Long. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1991, khi còn là một nhiếp ảnh nghiệp dư, Giải Hải Long muốn đi đến khắp các vùng miền trên đất nước Trung Quốc để ghi vào ống kính cuộc sống người dân. Lý tưởng như vậy, nhưng thực hiện nó không phải là việc dễ dàng. 

“Thực ra, nghĩ đơn giản nhưng đến khi bắt tay vào làm thì tôi không hình dung được là mình nên chụp những gì? Tôi chưa xác định được phương hướng cho con đường phía trước, cho đến ngày tình cờ đi vào một thôn nhỏ thuộc tỉnh Hà Bắc. Có thể nói, con người nơi đó đã làm thay đổi cả vận mệnh của tôi”. Giải Hải Long kể lại. Nhà nhiếp ảnh nghiệp dư này đã đọc được một khẩu hiệu trên bức tường gạch trong thôn: “Có nghèo nhưng cũng không được nghèo giáo dục, có khổ cũng không để trẻ em phải khổ”. Dòng chữ này đã gây ấn tượng mạnh với Hải Long, vì ông biết để viết được ra nó, người dân ở đây cũng phải cố gắng đến mức nào.
“Cuối cùng, tôi cũng đã quyết định mình sẽ phải làm những gì? Mặc dù là nghệ sỹ nghiệp dư, nhưng công việc chính của tôi là một cán bộ văn hóa ở Bắc Kinh. Vì thế tôi quyết định chụp ảnh trẻ nghèo ở mọi vùng đất để gây quỹ khuyến học cho các em. Mọi người sẽ biết tới các em nhiều hơn và sẽ có nhiều người ủng hộ tôi trong công việc nhân đạo này” - Nhiếp ảnh gia Hải Long bồi hồi nhớ lại.
Những ngày sau đó, Giải Hải Long đi đến nhiều trường học của trẻ em nghèo 2 tỉnh Hà Bắc và An Huy. Ông luôn muốn tìm cho mình một gương mặt, một hình ảnh thể hiện tinh thần khao khát học tập dù cuộc sống còn vô vàn khó khăn của những đứa trẻ ở vùng đất đã đi qua. Một ngày, khi bước chân vào trường tiểu học Kim Đào thuộc tỉnh Anh Huy, Hải Long chú ý ngay đến một cô bé đang cặm cụi viết chữ. Hỏi cô giáo thì được biết bé là Tô Minh Quyên, đã phải nghỉ học một năm do gia đình quá nghèo, nay mới có điều kiện trở lại lớp. Định đi qua hỏi chuyện, bất chợt Minh Quyên ngẩng mặt lên nhìn khách. Một cảm giác kỳ lạ, một sức hút lớn từ ánh mắt của cô bé khiến Hải Long lập tức giơ máy ảnh lên; và bức ảnh “Em muốn được đi học” ra đời.

Hình ảnh cô bé Tô Minh Quyên trong bức ảnh tạo cảm giác cực kỳ mạnh mẽ đối với những ai từng chiêm ngưỡng nó. Một em bé nông thôn tay cầm bút, ánh mắt to, trong veo với nỗi khát khao được học văn hóa đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho khát vọng vươn lên của trẻ em nghèo An Huy. Không dừng lại ở đó, sau khi đoàn thanh niên Trung Quốc chính thức thành lập quỹ “Công trình hy vọng”, nhằm quyên góp tiền cho trẻ em thất học của đất nước hơn 1 tỷ dân này, thì bức ảnh “Em muốn được đi học” chính thức được chọn làm biểu tượng chính của quỹ; và Tô Minh Quyên cũng trở thành sứ giả của những trẻ em nghèo thất học, cần sự giúp đỡ. Ánh mắt đầy nghị lực và khát vọng đến trường của cô bé nghèo Minh Quyên đã trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của Trung Quốc từ năm 1991 đến nay.
Bức ảnh “Em muốn được đi học” đã làm thay đổi cuộc đời cô bé nghèo đến từ tỉnh An Huy.  Đồng thời nó cũng giúp vô số trẻ em nghèo khác được trở lại trường học. “Nhìn bức ảnh đó, tôi đã thấy trẻ em nghèo của đất nước mình khao khát được học hành như thế nào. Vì thế, thông qua Minh Quyên, mọi người sẽ biết thương yêu hơn đồng bào của mình”. Một nhà hảo tâm đã nói như vậy khi bỏ ra số tiền rất lớn ủng hộ quỹ “Công trình hy vọng” dành cho trẻ em thất học của Trung Quốc.
Sau khi nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm để có thể tiếp tục đi học, năm 2005 Tô Minh Quyên tốt nghiệp khoa tài chính ngân hàng thuộc trường đại học kỹ thuật An Huy. Sau đó, cô đã xuất sắc vượt qua nhiều ứng cử viên khác để vào làm tại chi nhánh ngân hàng công thương Trung Quốc đặt tại tỉnh này. Năng lực và tính tích cực của một cô bé lớn lên trong sự giúp đỡ của người khác đã khiến lãnh đạo và đồng nghiệp tại ngân hàng này phải kính nể. Trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, Tô Minh Quyên đã chính thức được đề bạt làm giám đốc chi nhánh ngân hàng công thương Trung Quốc tại tỉnh An Huy khi mới tròn 27 tuổi.
Để có được vị trí như ngày hôm nay, Minh Quyên không bao giờ quên nghĩa cử của những người đã giúp đỡ mình và những trẻ em thất học khác đang cần sự giúp đỡ của xã hội. Vì thế, là hình ảnh đại diện cho quỹ “Công trình hy vọng, “cô bé mắt to” Minh Quyên ngày nào rất hăng hái và nỗ lực tham gia các hoạt động của quỹ này. Giờ đây, hình ảnh một thanh niên năng động, thành công trong công việc và đi đầu trong các hoạt động xã hội - Minh Quyên, đang trở thành tấm gương sáng cho thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện đại noi theo.
Vượt qua phạm vi của một tấm ảnh, “Em muốn được đi học” đã trở thành biểu tượng cho khát vọng đến trường của trẻ em nghèo Trung Quốc. Và hình ảnh “cô bé mắt to” Tô Minh Quyên sẽ còn được thế hệ thanh niên Trung Quốc nhắc tới nhiều, vì ý chí học tập và tinh thần vươn lên của cô
Theo tamnhin
Flag Counter