Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

HÃY THÍCH NGHI VÀ TỰ THÁCH THỨC MÌNH



Cuối năm 2009, Huỳnh Bửu Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC VN kiêm Giám đốc Khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp bất ngờ được bổ nhiệm làm Giám đốc Thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng của HSBC toàn cầu, phụ trách 9 thị trường lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Anh là nhân sự VN đầu tiên rời văn phòng quốc gia để ngồi vào vị trí quản lý cấp cao ở Tập đoàn tài chính HSBC.

So với các đồng nghiệp người nước ngoài, tôi cam đoan là các bạn trẻ VN không hề thua kém, mà còn vượt hơn vì sự cần cù và ham học hỏi của mình

Tuy nhiên, thay vì đến hội sở Hồng Kông, Huỳnh Bửu Quang đến văn phòng Singapore để điều hành công việc. Kể về nhiệm vụ hiện tại, Quang cho biết, anh phụ trách chiến lược, kinh doanh, phát triển sản phẩm và trực tiếp làm việc với HSBC ở các thị trường khu vực để hướng dẫn họ làm sao phát triển được mảng dịch vụ mà mình phụ trách một cách tốt nhất. Đó là các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines, Brunei, New Zealand…

Văn hóa trọng tài và đức…

Đi ra từ một thị trường tài chính tương đối nhỏ và phát triển sau các nước trong khu vực, Quang phải đối mặt với nhiều câu hỏi tò mò từ đồng nghiệp nước ngoài, và cả khách hàng ở những thị trường lớn hơn. Họ nghi ngờ năng lực của một người Việt như Quang. “Họ gặp tôi và luôn luôn hỏi anh từ đâu tới, học ở đâu. Tôi trả lời: 100% made in Vietnam. Tôi thấy vui khi trả lời như vậy. Mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì tôi học ở VN, làm việc phần lớn ở VN nhưng giờ thì đảm nhiệm vai trò giám đốc khu vực”, Quang kể. Anh đang phụ trách những người là giám đốc khối ở các nước. “Lúc gặp, ban đầu họ cũng hơi ngỡ ngàng vì thấy mình là người VN và nhìn mặt cũng còn khá trẻ. Sau đó, qua công việc thì mọi người thấy mình có thể hướng dẫn họ, hỗ trợ cho họ thì họ tin tưởng hơn và đôi khi rất cảm kích”, Quang chia sẻ.

Huỳnh Bửu Quang – Ảnh: T.Q

Nhận định về các bạn trẻ đồng nghiệp sau mình, anh khẳng định, họ năng động hơn, chịu khó thích ứng với cái mới. “So với các đồng nghiệp người nước ngoài, tôi cam đoan là các bạn trẻ VN không hề thua kém, mà còn vượt hơn vì sự cần cù và ham học hỏi của mình. Cái mà tôi muốn khuyên các bạn là hãy thích nghi, tự thách thức mình và tự tăng năng suất lao động của mình tới mức so sánh được và cạnh tranh được với các đồng nghiệp nước ngoài”, anh nói thêm.

“Các doanh nghiệp trong nước đang thiếu những yếu tố nào để thu hút được những cá nhân tài giỏi đang làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài?”, tôi đặt câu hỏi. Quang cho rằng, do các tổ chức quốc tế có bề dày kinh nghiệm hoạt động, có trình độ chuyên môn và quản trị rất cao; có cơ cấu tổ chức tốt, có năng lực tài chính mạnh. Nhưng đây cũng là những yếu tố mà các doanh nghiệp trong nước còn thiếu và vì thế, họ gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài. Nhân tài chỉ đến những nơi mà họ có đất để thể hiện khả năng. Để thu hút và giữ chân nhân tài, các doanh nghiệp cần có tư tưởng cởi mở, chấp nhận thay đổi, xây dựng cơ chế, văn hóa trọng tài và đức, văn hóa công khai, minh bạch, tạo môi trường lành mạnh để mọi người có thể tham gia đóng góp và được đánh giá một cách công bằng bất kể gốc gác, giới tính, quốc tịch hay ngoại hình của họ.

“Mức độ đóng góp cho đất nước tùy thuộc vào quy mô hoạt động của tổ chức mà bạn tham gia và vai trò mà bạn đảm nhiệm, chứ không phụ thuộc vào việc tổ chức đó là trong nước hay nước ngoài”, Quang nói về việc mình đã chọn con đường đi ở một doanh nghiệp nước ngoài.

Uy tín đặt lên hàng đầu

Phụ trách một khu vực tài chính đặc biệt, khi có những thị trường tăng trưởng tốt, một số thị trường tăng trưởng chậm, nhưng cũng có thị trường bất ổn về chính trị. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, Quang thừa nhận tất cả vấn đề vĩ mô luôn tác động lên kết quả kinh doanh vi mô là hoạt động của HSBC ở từng nước. Mặc dù vậy, tiềm năng phát triển ở các thị trường này rất lớn, trừ Nhật Bản do nước này có các ngân hàng địa phương rất mạnh. Văn hóa Nhật cũng luôn ưu tiên cho hàng Nhật, ngân hàng Nhật, nên khó làm. Vì thế ở những thị trường như vậy, người điều hành phải có hướng đi khác, xác định đâu là lợi thế cạnh tranh để tập trung phát triển.

“Các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ Nhật Bản luôn đặt người tiêu dùng Nhật lên hàng đầu. Khi bạn là người Nhật, được đối xử như thượng khách bởi nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ Nhật thì không có lý do gì bạn không ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ Nhật”, anh nhìn nhận.

Anh cho rằng, người tiêu dùng VN sẽ sẵn sàng ưu tiên sử dụng hàng hóa dịch vụ VN nếu như họ được đối xử như thượng khách. Thực tế là vẫn có những sản phẩm, dịch vụ cung cấp bởi các doanh nghiệp trong nước được người tiêu dùng VN ưa chuộng, do họ hài lòng về chất lượng, giá cả của các sản phẩm, dịch vụ đó. Như vậy, để “Người VN dùng hàng VN” trở thành hiện thực, thành văn hóa đặc trưng của người VN, thì các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ VN phải đặt uy tín lên hàng đầu, phải đối xử với người tiêu dùng trong nước như thượng khách.

N.Trần Tâm
Chuyên mục Sáng tạo vì khát vọng Việt trên báo Thanh Niên

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Ông Thái Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm bánh pía - lạp xưởng Tân Huê Viên: Phận làm thuê của "vua bánh pía"

Cuối tháng 8/2007, tại Khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng) diễn ra lễ khai trương nhà máy của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm bánh pía - lạp xưởng Tân Huê Viên. Sự kiện thu hút sự chú ý của nhiều người, bởi mặc dù Sóc Trăng được coi là "thủ phủ” bánh pía của Việt Nam, nhưng đa phần các xưởng, công ty sản xuất vẫn chủ yếu làm thủ công, và đây là nhà máy sản xuất bánh pía - lạp xưởng lớn nhất của tỉnh từ trước tới nay. Thêm vào đó, chủ nhân của Tân Huê Viên là một người còn khá trẻ, xuất thân từ "phận làm thuê” nhưng chỉ sau hơn 10 năm đã trở thành "vua bánh pía" của một vùng đất miền Tây.



Con dao, tấm nhôm và giấc mơ đổi đời

9g30 sáng, bước vào phòng khách trụ sở Công ty Tân Huê Viên, nhìn qua màn hình tivi gắn camera kết nối với toàn bộ các phân xưởng sản xuất và kho xếp hàng, phải một lúc sau mới thấy Thái Tuấn, Giám đốc Công ty Tân Huê Viên, đang tất bật hướng dẫn nhân viên chuyển hàng lên xe container đang xếp một hàng dài trước nhà kho.
Quả là hình ảnh ấn tượng, bởi bánh pía lâu nay vốn chỉ được xem như một loại sản phẩm địa phương thông thường, nhưng nay nó đã được một doanh nghiệp nâng tầm, đưa mức tiêu thụ lên vài trăm tấn mỗi năm, được vận chuyển đi khắp cả nước, kể cả xuất khẩu.
Ấn tượng hơn, đây không phải lần đầu Giám đốc trực tiếp xuống làm cùng công nhân, mà đã gần 20 năm nay, hầu như mỗi ngày Thái Tuấn đều làm việc dưới xưởng tới gần 1 giờ sáng.
Thái Tuấn sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo ở thành phố Sóc Trăng. Năm 12 tuổi, Tuấn đã phải nghỉ học, lăn lộn vào đời kiếm tiền phụ giúp gia đình bằng nghề sửa xe.
Hết sửa xe, Tuấn xin vào làm không công cho một cơ sở sản xuất bánh pía ở Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng), cách nhà vài chục cây số. Làm ở đây, Tuấn chỉ được chủ nuôi cơm hằng ngày chứ không được trả lương như những người thợ khác vì lúc đó Tuấn chỉ mới 14 tuổi.
Miệt mài làm việc nhưng Tuấn không nguôi trăn trở: "Mình phải làm gì để có thể đổi đời?". Để tìm ra câu trả lời, Tuấn chăm chỉ vừa làm vừa học.
Một năm sau, anh được chủ giao cho việc trộn nhân bánh. Công việc vất vả, phải làm quần quật suốt ngày đêm, lương lại không cao nhưng Tuấn không nản chí.
Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ: "Người ta làm được thì mình cũng làm được, phải thử mới biết...". Và Tuấn âm thầm thực hiện giấc mơ đổi đời bằng việc làm hết sức táo bạo: Mua một tấm nhôm, một con dao để... mở lò sản xuất bánh.
Ước mơ đã có, nghị lực cũng thừa nhưng lại thiếu vốn. Khi người anh trai lập gia đình, Tuấn "đánh liều" hỏi mượn anh toàn bộ số tiền mừng đám cưới làm vốn mua: bột, đường, đậu... để sản xuất bánh. Thương em, người anh đồng ý để Tuấn thực hiện ước mơ của mình.
Có nguyên liệu sản xuất rồi nhưng một khó khăn khác lại đến với Tuấn, đó là chưa có khuôn để làm bánh. Lúc bấy giờ, các chủ lò bánh phải tốn rất nhiều tiền để đặt làm khuôn. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", "trong cái khó ló cái khôn", Tuấn có cách riêng của mình: tự làm khuôn bánh.
Chính những người biết Tuấn từ thời đó đã kể, cách Tuấn làm khuôn bánh cũng chẳng giống ai: chỉ một khúc gỗ cùng con dao phay, Tuấn hì hục đẽo gọt, gọt đẽo suốt mấy hôm liền. Không biết bao nhiêu giọt mồ hôi của Tuấn đã nhỏ xuống cái khuôn bánh... khác người ấy.
Cuối cùng Tuấn cũng làm ra được những chiếc khuôn như ý, đẹp không thua gì thợ "xịn" làm. Vậy là ông Trời cũng không đến nỗi bất công khi phú cho Tuấn đôi bàn tay tài hoa cùng óc sáng tạo và đức tính cần cù để bù lại sự thiếu may mắn ngay từ tuổi ấu thơ. Đến nay, khuôn bánh của nhà máy vẫn do Giám đốc Thái Tuấn tự tay làm.
Hôm chúng tôi đến thăm nhà máy, thấy Tuấn đã có sẵn một thùng đồ nghề giống như đồ nghề của mấy bác thợ mộc để tạo khuôn bánh. Tuấn nhanh nhẹn tay cầm dùi, tay cầm đục, đưa nhanh những nét uốn lượn thật khéo léo, trong chốc lát đã hoàn thành một khuôn bánh đẹp với đường nét rất tinh xảo.
Tuấn nói: "Bên cạnh chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, phong phú cũng góp phần làm nên thành công của sản phẩm, vì thế tôi không ngừng tìm tòi để tạo ra những mẫu khuôn mới".
"Vua bánh pía"
Chưa bao giờ Tuấn nói là bánh mình làm ngon nhất, sản lượng lớn nhất, nhưng tìm hiểu trong giới làm bánh ở địa phương, hầu như tất cả đều công nhận Tân Huê Viên đang là doanh nghiệp sản xuất bánh pía số 1 ở Sóc Trăng, chiếm trên 50% thị phần. Để nhanh chóng đạt được vị thế này, hẳn nhiên Thái Tuấn phải có cách làm rất khác biệt so với cách làm truyền thống.
Từ chỗ chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ trong phạm vi gia đình, bản thân Thái Tuấn vừa làm chủ, vừa làm thợ chính kiêm luôn người tiếp thị, giao hàng, đến năm 1996, Tuấn đã mở rộng sản xuất, thuê thêm 20 nhân công để tăng sản lượng. Năm 2000, số công nhân đã lên đến 60 người, và hiện nay là ngót nghét 300 người, chưa kể những người làm theo thời vụ.

* Khi mới lập nghiệp, ông có hình dung mình sẽ thành công như ngày nay?
- Những ngày đầu khởi nghiệp rất khó khăn. Bánh làm ra rồi nhưng không biết làm sao tiêu thụ được vì việc buôn bán lúc bấy giờ không mấy dễ dàng, cực chẳng đã, tôi phải mang bánh ra chợ ngồi bán. Bánh của tôi, ai ngửi cũng khen thơm, ai nếm cũng khen ngon, nhưng lại bị chê là... đắt nên ít người mua.
Nhiều bữa, nhìn sản phẩm "mang đến lại mang về”, tôi cảm thấy lo thật sự, cứ đà này chẳng mấy chốc sẽ đổ nợ. Nhiều lúc bế tắc quá, tôi tính hay là cứ làm loại bánh không cần chất lượng, bán giá rẻ để kiếm sống đã, mọi sự tính sau.
Biết ý định của tôi và vốn là người rất trọng chữ tín nên cha tôi đã ngăn cản, khuyên tôi không nên nóng vội, phải kiên trì, chấp nhận lỗ lã thời gian đầu, tiếp tục làm bánh có chất lượng cao phục vụ khách hàng, làm gì cũng không thể "ăn xổi ở thì”.
Như được tiếp thêm sức mạnh, tôi lại tiếp tục công việc của mình ở lò bánh. Và công sức của tôi đã được đền đáp xứng đáng khi thương hiệu bánh Tân Huê Viên được nhiều người từ Nam ra Bắc biết đến, thậm chí còn vượt biên giới sang cả Mỹ, Canada, Úc, Thụy Điển...
* Nhưng để gặt hái thành công đáng kể trong ngành nghề nặng tính thủ công này, ông phải có tư duy hoàn toàn mới?
- Đúng là sau khi cơ sở hoạt động ổn định rồi, trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ: Đã đến lúc mình phải bơi ra biển lớn chứ không thể chỉ quẩn quanh trong thị trường nhỏ bé ở địa phương nữa. Nghĩ là làm, năm 1992, cơ sở của tôi đã làm giới chủ lò bánh ở Sóc Trăng "sốc" khi chuyển từ mô hình sản xuất theo mùa sang sản xuất liên tục trong năm.
Trước đó, các cơ sở làm bánh ở đây sản xuất chủ yếu theo mùa, nhiều nhất là vào tháng Tám âm lịch vì là dịp Trung thu, người mua tăng lên nhiều. Nhưng khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống người dân khá hơn, chắc chắn lượng bánh tiêu thụ cũng tăng, nên tôi mạnh dạn chuyển sang làm quanh năm.
Ban đầu cũng thấy lo, nhưng rồi mọi chuyện đều ổn, thành công như ý muốn. Vào cuối năm 2006, tôi cho ra lò bánh pía nhân thịt nạc sấy và được nhiều người ưa chuộng.
Sự kiện gây thích thú cho nhiều người là trong ngày khánh thành nhà máy, tôi cùng các cộng sự làm ra chiếc bánh pía khổng lồ nặng trên 300kg. Hiện mỗi năm, chúng tôi cung cấp cho thị trường trên 300 tấn sản phẩm gồm bánh pía, bánh Trung thu, bánh in, lạp xưởng...
* Nhưng đỉnh điểm bứt phá của Tân Huê Viên chính là khi ông đầu tư máy móc để sản xuất?
- Năm 2010, tôi quyết định đầu tư trên 22 tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng thêm 10.000m2, trang bị nhiều máy móc, công nghệ hiện đại như máy nhồi và cán da bánh pía, máy làm bánh Long Châu, hệ thống tự động làm nguội bánh...
Đồng thời tôi cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng điểm dừng chân trên diện tích 1.200m2 gồm 4 tầng có bố trí khu ăn uống giải khát, khu trưng bày sản phẩm, khu tham quan mô hình sản xuất bánh pía thu nhỏ để du khách có thể tìm hiểu, thể nghiệm và thưởng thức sản phẩm.
Thực ra, làm bánh pía đòi hỏi rất nhiều sáng tạo. Bánh pía Sóc Trăng trước đây gói bằng giấy, thời hạn sử dụng chỉ trong bảy ngày, có khi bảo quản không khéo chỉ năm ngày đã hỏng. Tính đến nay tôi đã ba lần thay đổi bao bì.
Ngay trong mùa này, sản phẩm của Tân Huê Viên có một thay đổi lớn: Thay vì tất cả bánh để trong một hộp, khi đã xé ra là phải dùng hết một lúc, thì nay tôi làm bao bì cho từng chiếc bánh để có thể ăn dần. Tôi nghiên cứu hình thức này từ năm ngoái, nhưng chỉ mới áp dụng cho sản phẩm cách đây hai tuần, vì nếu ra sớm sẽ bị "nhái".
* Người sành ăn luôn so sánh giữa bánh làm theo kiểu truyền thống với bánh làm theo kiểu công nghiệp, ông có e ngại điều này?
- Tôi có thể khẳng định, bánh pía làm theo kiểu công nghiệp ngon hơn bánh làm theo kiểu truyền thống. Nếu nói về chất lượng nhân bánh, tôi đã có rất nhiều cải tiến so với làm thủ công trước đây. Còn về năng suất, 100 chiếc bánh làm bằng máy có chất lượng hoàn toàn giống nhau, trong khi làm thủ công thì không kiểm soát được độ đồng đều.
Tôi đã chuyển sang làm bánh pía bằng máy tự động từ hai năm nay, nhưng thực ra cũng không dễ. Thích nghiên cứu nên tôi đã từng bỏ ra 3 tỷ đồng để mua một chiếc máy của Nhật về nghiên cứu, ứng dụng trong hai năm, nhưng rồi cũng phải nhập một chiếc máy khác thích hợp hơn.
Trên thế giới làm gì có nơi nào sản xuất máy làm bánh pía, mà chỉ có máy làm bánh mì, nên khi nhập máy về, tôi phải cải biến cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình.
* Một thành công khác của Tân Huê Viên là mới đây ông đã được Saigon Co.op ký hợp tác làm nhãn hàng riêng?
- Đó là lạp xưởng. Chuyện này cũng hết sức tình cờ: Khi tôi đi xúc tiến thương mại ở TP.HCM, một lãnh đạo của Sở Công Thương có dùng thử lạp xưởng của Tân Huê Viên, thấy ngon nên giới thiệu cho Co.opmart.
Rất nhanh chóng, phía Saigon Co.op lập tức cử đại diện xuống tận nơi tìm hiểu và quyết định hợp tác ngay. Giống như bánh pía, tôi cũng là người đầu tiên làm lạp xưởng bằng máy ở Sóc Trăng. Sắp tới tôi sẽ nhập thêm máy cho dây chuyền sản xuất lạp xưởng.
* Khởi nghiệp gần 20 năm rồi nhưng tần suất làm việc của ông vẫn không đổi?
- Nói thực, đêm nào tôi cũng làm việc tới 1 giờ sáng. Tôi lo mọi chuyện từ khâu làm khuôn bánh, nghiên cứu sản phẩm mới, kỹ thuật vận hành dây chuyền sản xuất, và thời gian gần đây là việc phát triển thị trường.
Một tháng, tính ra tôi đi ra ngoài làm thị trường 20 ngày. Tôi nghĩ, làm nhiều việc thì mình mới có tầm nhìn bao quát, mới quyết định mọi việc được nhanh chóng, công việc mới trôi chảy.
Ví dụ, tôi có hợp tác với một công ty ở miền Bắc 5, 6 năm nay nhưng kết quả chưa được như ý, vì trước đây tôi giao cho họ phân phối theo kiểu mua đứt bán đoạn. Khi giao cho họ tự làm, họ lúng túng và làm không hiệu quả vì cách làm quá bài bản, có lớp có lang, đánh một vòng rồi mới quay về với người tiêu dùng.
Còn cách làm của tôi là đi thẳng tới người tiêu dùng, không phải đứt đoạn một khúc lợi nhuận. Chỉ sau hai tháng thay đổi cách làm, thị phần phía Bắc đã tốt hơn rất nhiều.
* Là chủ mà ôm đồm quá nhiều việc như vậy cũng không tốt, ông có thấy thế không?
- Thực ra ở nhà sướng hơn, đi ra ngoài rất cực. Bây giờ tôi cũng bắt đầu ngán nghe điện thoại. Có ngày, một buổi sáng tôi phải nghe mấy chục cuộc điện thoại. Tôi cũng hiểu, khi sếp ở nhà, công ty bán 10, đến lúc sếp ra ngoài mà nhân viên bán được 15 thì mới là tốt.
Tôi đang tập dần cho nhân viên, nhưng vẫn khó khăn, cần có thời gian. Trước mắt tôi đã xác định, bây giờ làm việc phải thoải mái tôi mới làm, chứ không làm theo kiểu "bán thân bán mạng" như trước đây nữa. Điều làm tôi hài lòng nhất là tinh thần làm việc của công nhân.
Tại Tân Huê Viên, cả năm nhân viên chỉ nghỉ đúng một ngày mùng 1 Tết. Thuyết phục được công nhân vui vẻ làm việc hết công suất như vậy là nhờ tôi từng trải qua cuộc sống của một người làm thuê, nên giờ đây tôi rất hiểu công nhân, hiểu họ nghĩ gì, mong muốn gì.
* Xin cảm ơn ông!

LÂM THAO thực hiện

Đường xa không thể độc hành

Là nhà sáng lập Giấy Sài gòn, ông Cao Tiến Vị không khỏi bồi hồi trước những thay đổi lớn trong công ty. Nhưng ông xác định chỉ có M&A mới có thể giúp Giấy Sài Gòn phát triển.

Vừa muốn có tiền vừa làm chủ là chuyện không thể. Vì thế, ông Vị đã phát hành cổ phần cho đối tác Daio để có vốn phát triển Công ty.

Chúng tôi hẹn gặp ông Cao Tiến Vị, người sáng lập và phát triển Công ty Giấy Sài Gòn, tại văn phòng Công ty ở lầu 1, tòa nhà Etown (quận Tân Bình, TP.HCM) vào một ngày đầu tháng 9.

Ông Vị được nhắc nhiều trong giới doanh nhân là một người lạc quan và cởi mở. Và đến nay, ông vẫn là con người như thế dẫu trải qua bao biến cố thời cuộc.
Hồi tháng 8/2013, đối tác Daio Paper Corporation, một nhà sản xuất giấy lớn của Nhật, đã chuyển giao toàn bộ phần đầu tư vào Giấy Sài Gòn sau hơn 2 năm đồng hành. Ông Vị cùng nhóm nhà đầu tư đã bỏ tiền ra mua lại một phần để sở hữu 57,7%.
Còn ông Mai Hữu Tín, một nhà đầu tư trong nước khác, nắm đến 42,3%. Ông Vị và ông Tín cùng thống nhất phân chia lại công việc. Ông Tín giữ chức Chủ tịch, còn ông Vị làm Tổng Giám đốc điều hành.
Từ một nhà sáng lập và phát triển Giấy Sài Gòn trong 16 năm qua, nay chuyển giao quyền tối cao, ông Vị có thoáng chút cảm xúc. Tuy nhiên, với cái nhìn xa hơn, ông cho rằng nếu được chọn lại, ông vẫn chọn con đường mua bán - sáp nhập (M&A) để đưa Giấy Sài Gòn phát triển.
“Chỉ có M&A mới giúp doanh nghiệp Việt tăng tốc nhanh được”, ông nói.
Những bước đi chung

Tài sản và doanh thu của Giấy Sài Gòn tăng qua từng năm
Nhớ lại những ngày đầu khi mời Daio làm đối tác chiến lược, ông Vị vui mừng khôn xiết. Nhưng bên cạnh niềm vui của một ông chủ doanh nghiệp, cũng đã có không ít điều tiếng.
Trước khi Daio vào, Giấy Sài Gòn đã có 2 nhà đầu tư tài chính, một nắm 10% cổ phần Công ty và một nắm 5%. Việc có nhiều đối tác chưa cùng một mục tiêu chung, ít nhất là về dài hạn, khiến không ít người cho rằng ông Vị “tham đối tác” khi chưa xác định mình muốn gì.
Tuy nhiên, có nhìn thấu tâm huyết với ngành giấy của ông Vị mới hiểu được lời ông phân trần: “Tùy từng thời điểm, chúng tôi cần đối tác khác nhau. Bên cạnh nguồn vốn để phát triển các nhà máy, chúng tôi cũng cần đối tác có tầm nhìn xa giúp chúng tôi trở thành nhà công nghiệp giấy, vốn còn hiếm hoi ở Việt Nam”.
Để thực hiện tâm huyết này, ông Vị đã phải hao tâm tổn sức. Năm 1997, khi Việt Nam còn xa lạ với ngành công nghiệp sản xuất giấy, ông Vị đã lập cơ sở sản xuất đầu tiên ở Gò Vấp.
Đất ở khu này được định hình là đất khu công nghiệp và dân cư. Đây là điều kiện tốt để ông phát triển nghiệp riêng.
Nhưng 3 năm sau đó, đất nơi đây lại chuyển thành đất khu dân cư. Nhà xưởng của ông không phát triển được nữa, nên ông đành chấp nhận mất mát và tìm khu đất mới, tính chuyện gây dựng lại từ đầu.

Khâu xử lý giấy tái chế tại nhà máy Mỹ Xuân I của Giấy Sài Gòn - Ảnh: Trường Nikon
Và ông chọn được khu đất khác để tiếp tục tâm huyết của mình. Đó là Khu Công nghiệp Mỹ Xuân ở Bà Rịa - Vũng Tàu và an cư cho đến nay.
Thời gian này, cả nước chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy trước sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn nước ngoài. Trong khi đó, tổng lượng sản xuất chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu trong nước, còn lại phải nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, ông Vị quyết tâm dồn hết nguồn lực xây nhà máy sản xuất. Thế là nhà máy Mỹ Xuân I ra đời và sản lượng của Công ty đã tăng lên đáng kể, đưa Giấy Sài Gòn trở thành một trong những nhà sản xuất giấy lớn nhất nước.
Khi nhu cầu đối với các sản phẩm giấy không ngừng gia tăng, Giấy Sài Gòn lại xây thêm nhà máy Mỹ Xuân II. Theo tính toán của Hiệp hội Giấy Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành giấy trong giai đoạn 2003-2007 đạt gần 30%, tăng gấp rưỡi so với thời điểm trước đó.
Từ số vốn khởi nghiệp chưa đầy 1 tỉ đồng, nay ông Vị đã đưa Giấy Sài Gòn tiến đến quy mô hàng ngàn tỉ đồng. Đó là một thành công lớn.
Tuy nhiên, để phát triển dài hạn trên quy mô công nghiệp, ông Vị không thể bước đi một mình mà phải cần nhiều đến sự hỗ trợ của đối tác. Lúc ấy, ngoài 2 nhà đầu tư tài chính lớn, đối tác chiến lược Daio đã bước vào.
Tìm được một đối tác thích hợp cũng không phải là chuyện đơn giản. Với Daio, ông Vị và đồng sự đã phải gặp gỡ và tìm hiểu không ít đối tác trong nước và nước ngoài, mới đi đến quyết định chọn đối tác Nhật này.

Giấy tiêu dùng là một sản phẩm chính của Giấy Sài Gòn.
Vì các nhà máy giấy trong nước chủ yếu sản xuất từ nguyên liệu bột giấy mà bột giấy phải lấy từ gỗ, nghĩa là sẽ tàn phá môi trường về lâu dài, nên Giấy Sài Gòn đã chọn con đường khác: lấy nguyên liệu đầu vào là giấy tái chế.
Cách làm này giúp Công ty tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu cho 2 dòng sản phẩm chính là giấy tiêu dùng và giấy công nghiệp, không hao phí bất cứ nguyên liệu gì. Đó chính là lý do Daio được chọn vì có cùng công nghệ sử dụng giấy tái chế với Giấy Sài Gòn ngoài kinh nghiệm phát triển lâu đời (từ năm 1943) tại Nhật của đối tác này.
Khi tính chuyện phát hành cổ phần cho Daio, ông Vị đã xác định rõ mình cần gì. “Vừa muốn có tiền vừa làm chủ là chuyện không thể”, ông nói.
Do đó, ông chấp nhận phát hành cổ phần để có vốn phát triển Công ty, đồng thời chia sẻ quyền lực với đối tác và lui về hậu trường chứ không điều hành.
Kế hoạch phát hành cổ phần đã được chuẩn bị trước đó đến 2 năm và khi hợp đồng được ký vào tháng 4/2011 cũng là lúc bản kế hoạch phát triển doanh nghiệp cho 5 năm sau được hoàn tất. Đây là điều hiếm thấy trong việc hoạch định chiến lược ở các doanh nghiệp Việt.
Thế nhưng, rắc rối nội bộ tại Daio từ tháng 9/2011 đã ảnh hưởng đến nhà đầu tư này. Sau đó, tháng 6/2012, Daio bị đối thủ Hokuetsu Kishu Paper mua lại 20% cổ phần, dẫn đến những thay đổi bất ngờ với những người nắm quyền lực cao nhất tại đây.

Lượng tiêu dùng giấy bình quân đầu người tại Việt Nam
Rắc rối này đã khiến mọi kế hoạch của ông Vị đi chệch hướng. “Mọi kế hoạch bị trì hoãn trong 2 năm qua”, ông xác nhận.
Trước diễn biến bất ngờ từ phía đối tác Daio, ông Vị cố tìm giải pháp ổn thỏa cho cả hai bên. “Nhờ các điều khoản hợp đồng đã được thỏa thuận chi tiết, nên vấn đề còn lại chỉ là giải pháp”, ông Vị cho biết.
Sau khi ngồi lại, Daio quyết định rút vốn qua 2 giai đoạn: ngừng các khoản đầu tư và thoái vốn. Theo ông Vị, Daio là một tổ chức chuyên nghiệp nên họ yêu cầu đối tác cũng phải giữ uy tín chứ không thể bán cho ai thì bán. Đây cũng là lý do khiến quá trình thoái vốn mất nhiều thời gian.
Cuối cùng, ông Mai Hữu Tín là người được chọn. Là nhà đầu tư tài chính đa ngành, ông Tín chưa được giới đầu tư biết nhiều về sự đóng góp chuyên môn.
Nhưng rõ ràng, lúc này Giấy Sài Gòn đang cần vốn để tiếp tục vận hành nên việc chọn ông Tín là hợp lý. Bởi như ông Vị nói, không giải quyết được vấn đề tài chính thì không giải quyết được các vấn đề khác.

NGỌC DƯƠNG/NCĐT

Chàng trai gốc Việt làm giàu nhờ các bản thuyết trình

Kenny Nguyen cùng Murillo lập hẳn công ty chuyên cung cấp các bản thuyết trình, và đạt doanh thu 225.000 USD trong năm thứ hai hoạt động.
Kenny Nguyen và Gus Murillo từng học tại Đại học Louisiana State. Nghe tin có một nhà quản lý cấp cao của một công ty nằm trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ (Fortune 500) đang diễn thuyết tại trường, cả hai chàng trai vội vã đến tham dự. Nhưng thay vì tỏ ra háo hức, họ lại vô cùng thất vọng.

Kenny Nguyen, Giám đốc điều hành kiêm sáng lập viên của công ty Big Fish Presentations. Ảnh: IdeaMensch
Nguyen nhớ lại: “Đó là 200 trang trình bày chỉ toàn chữ, ông ấy đọc không sót trang nào. Tôi không thể tin rằng chủ tịch một trong những công ty lớn nhất thế giới lại trình bày như thế. Từ câu chuyện này, chúng tôi nghĩ rằng có thể tạo ra những bài thuyết trình còn tốt hơn thế”.
Thế rồi Nguyen và Murillo quyết định thành lập Công ty Big Fish Presentations, trụ sở Baton Rouge, Louisiana vào năm 2011, chuyên cung cấp những bài thuyết trình. Hai chàng trai chủ trương đưa câu chuyện và hình ảnh trực quan trong bài trình bày để tạo cảm hứng và lôi cuốn người xem.
Nguyen và Murillo cho rằng cách này giúp quảng bá sản phẩm, dịch vụ hiệu quả hơn, thay thế những trang trình bày chỉ đơn giản là số liệu, chữ số hoặc một vài dấu chấm đầu hàng để làm nổi bật nội dung. Giá cho một gói trình bày dạng cơ bản khoảng 2.500 USD. Bên cạnh việc tạo nội dung hấp dẫn, cả hai nhà sáng lập cũng làm việc với giám đốc điều hành và nhóm bán hàng, tiếp thị để giúp đội ngũ này có thể chuyển tải được thông điệp tốt hơn.
Ban đầu, nhiều công ty tỏ ra nghi ngờ về mô hình hoạt động của Big Fish Presentations, vì công ty này phần lớn thuê sinh viên không có kinh nghiệm. Số khác còn ngần ngại về mức giá các gói sản phẩm. Tuy nhiên, Big Fish nêu rõ quan điểm và đưa ra thông điệp cho khách hàng tiềm năng rằng nếu bài thuyết trình thành công thì đây sẽ là tấm vé để giúp doanh nghiệp giành được hợp đồng lớn, bù đắp lại chi phí dịch vụ của họ.
Từ những ngày đầu khởi nghiệp, Nguyen và Murillo chỉ sử dụng máy tính cá nhân để tạo ra những bài thuyết trình, và khi khách hàng thanh toán tiền, họ mới tiến hành nâng cấp phần mềm. Chẳng bao lâu sau đó, hai chàng trai này có cơ hội xuất hiện trong chương trình Shark Tank của kênh truyền hình ABC. Đây là chương trình được hàng triệu người trên khắp nước Mỹ yêu thích và nhiều doanh nhân cũng như chủ các doanh nghiệp quan tâm.
Murillo chia sẻ: "Lúc đó chúng tôi thật sự cần tiền để trang bị thêm máy móc, chẳng hạn mua một máy ảnh với giá 20.000 USD".
Shark Tank sau đó ngỏ ý đầu tư cho Nguyen và Murillo, nhưng cả hai quyết định có thể tự kinh doanh thành công mà không nhờ vào các nhà đầu tư bên ngoài. Song song đó, họ tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới. Với nỗ lực làm việc không ngừng, Big Fish Presentations mở rộng đối tượng gồm doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao và dịch vụ cung cấp thức ăn từ quy mô nhỏ cho đến lớn như Mutual of Omaha và Oracle. Doanh thu công ty tăng từ 58.000 USD vào năm 2011 lên đến 225.000 USD vào năm 2012. Quy mô hoạt động cũng mở rộng hơn, cụ thể, ngoài việc trình làng các bài thuyết trình hấp dẫn, Big Fish còn có đội ngũ 10 thành viên chuyên tư vấn, thiết kế, viết kịch bản và thực hiện sản xuất phim, video.
Murillo, đang theo học ngành khoa học chuyên về sinh học, cũng là sáng lập viên của Big Fish Presentations. Còn Nguyen đã rời trường đại học vào tháng 9 năm ngoái và anh quyết tâm dành tất cả thời gian của mình cho công ty với chức danh giám đốc điều hành. Nguyen cho hay, công ty và đội ngũ của mình cam kết với khách hàng rằng chỉ có công ty Big Fish Presentations chứ không phải một công ty nào khác sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt qua những bài thuyết trình hấp dẫn và hoàn hảo.

Chàng trai gốc Việt Kenny Nguyen năm nay 22 tuổi, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Big Fish Presentations. Kenny Nguyen và đội ngũ của mình làm việc hằng ngày với những khách hàng nằm trong danh sách Fortune 100. 
Kenny Nguyen đã được trao tặng danh hiệu CEO Student Entrepreneur của năm 2012, được tổ chức bởi Collegiate Entrepreneur. Gần đây, Big Fish Presentations có tên trong danh sách 50 công ty hàng đầu thế giới được khởi nghiệp từ sinh viên do Hiệp hội Kairos tổ chức.


Nguồn: VNEXPRESS

Những tướng lĩnh quân đội nổi danh trên thương trường

Hiện tại, Bộ quốc phòng đang quản lý hơn 110 doanh nghiệp. Trong đó có một tập đoàn (Viettel), cùng nhiều tổng công ty lớn đang hoạt động trong các lĩnh vực then chốt và quan trọng của nền kinh tế. Trong số những doanh nhân mặc áo lính đang lãnh đạo doanh nghiệp quân đội lớn, không ít vị đã mang quân hàm cấp cao nhất - Hàm tướng.



Tập đoàn Viettel - Tập đoàn kinh tế duy nhất của Quân đội - là doanh nghiệp Quân đội duy nhất có TGĐ giữ Quân hàm Trung tướng, đó là Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc Viettel.

Tại các Tổng công ty Quân đội (tương đương các Quân đoàn/Binh chủng), chức vụ Tổng giám đốc (Tư lệnh) và Bí thư Đảng ủy (Chính ủy), cấp bậc quân hàm cao nhất được trao là Thiếu tướng.
Một số vị trí chủ tịch công ty được các thứ trưởng đảm nhiệm như Thượng tướng Lê Hữu Đức là Chủ tịch Ngân hàng Quân đội hay Đô đốc (Thượng tướng) Nguyễn Văn Hiến hiện giữ chức vụ Chủ tịch Tân Cảng Sài Gòn.
Thượng tướng Lê Hữu Đức - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Chủ tịch MB
Thượng tướng Lê Hữu Đức (58 tuổi) là 1 trong 7 thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Quốc Phòng.
Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí thứ trưởng, ông Đức có một thời gian dài làm việc tại Quân chủng phòng không không quân.
Từ tháng 4/2011, ông Đức được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội (MB). Nhiều thành viên HĐQT khác của MB cũng là những tướng lĩnh lãnh đạo các doanh nghiệp quân đội.
Dưới sự lãnh đạo của ông Đức, MB hiện đã vươn lên thành một trong những ngân hàng có tổng tài sản và lợi nhuận lớn nhất trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần.
Trung tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc (Tư lệnh) - Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel

Viettel được thành lập từ năm 1989, lúc ban đầu chỉ là một doanh nghiệp nhỏ thuộc Bộ Quốc Phòng.
Dưới sự lãnh đạo của ông Hoàng Anh Xuân, Viettel hiện là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước.
Ông Xuân được cho là con người có tư tưởng cứng rắn điều hành Viettel với "bàn tay thép", "cố hữu với cái nhìn lừ lừ và thường xồn xồn những khó khăn" (theo Xuân Ba - Báo Tiền Phong).
Ông Xuân (62 tuổi) hiện là Tổng giám đốc duy nhất của một doanh nghiệp quân đội mang quân hàm Trung tướng, thụ phong năm 2011.
Ông tốt nghiệp Kỹ sư Thiết kế chế tạo máy vô tuyến điện - Đại học Bách khoa Ôđecxa - Nga và Cử nhân Quản trị Kinh doanh - Đại học Kinh tế Quốc dân.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc (Phó tư lệnh) Viettel

Một vị tướng nữa của Viettel không thể không nhắc đến là Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, người nổi tiếng với những dự định táo bạo, đang đảm đương vị trí Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn. Ông Hùng được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2012.
Tốt nghiệp Thạc sĩ điện tử Viễn Thông, Quản trị Kinh doanh, ông Hùng có nhiều năm kinh nghiệm công tác, quản lý trong lĩnh vực Điện tử Viễn Thông. Trong công tác đối ngoại, ông Hùng thường được mọi người nhắc đến là vị phó tư lệnh hoạt ngôn và "sắc sảo" của Tập đoàn Viettel.
Ông Hùng (năm nay 51 tuổi) cùng ông Hoàng Anh Xuân đại diện vốn của Viettel tham gia vào Ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp khác như Công ty tài chính Vinaconex-Viettel, Ngân hàng Quân đội, Viettel Global, Tổng Công ty Vinaconex...
Thiếu tướng Dương Văn Tính - Chính uỷ kiêm Phó TGĐ Viettel

Trái ngược với "cái nhìn lừ lừ" của Tư lệnh Hoàng Anh Xuân, Thiếu tướng Dương Văn Tính - Chính ủy của Tập đoàn Viettel lại mang lại ấn tượng ở "nụ cười cởi mở".
Người ta nói ông là người tạo ra chất kết dính nội bộ, kiểu nói khác đi của hạt nhân đoàn kết. (Theo Xuân Ba - Báo Tiền Phong)
Ông Tính được thụ phong Thiếu tướng năm 2008.
Về quan điểm kinh doanh, ông Tính cũng thể hiện chiến lược kinh doanh mềm mỏng: "Tôi đã từng là người lính tham gia trên chiến trường và ở đó “địch” và “ta” được phân biệt rất rõ ràng. Nhưng trên thương trường thì chỉ có khái niệm đối thủ và đối tác".
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn

Chuẩn Đô đốc (Thiếu tướng) Nguyễn Đăng Nghiêm tốt nghiệp Cử nhân kinh tế vận tải biển và đã trải qua nhiều vị trí quan trọng trong Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP).
Ông Nghiêm hiện tham gia vào ban lãnh đạo nhiều công ty thành viên của SNP đồng thời là thành viên HĐQT Ngân hàng Quân đội.
SNP hiện là nhà khai thác cảng lớn nhất Việt Nam với với 85% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, gần 50% thị phần cả nước.
Doanh thu năm 2012 của SNP đạt 6.400 tỷ đồng.
Thiếu tướng Đào Văn Tân - Chính ủy kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12)

Thiếu tướng Đào Văn Tân từng chiến đấu ở nước bạn Lào, vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam, Tây Nguyên.
Hòa bình lập lại, ông nhận công tác ở khắp trong Nam ngoài Bắc, từng làm Thư ký Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong 4 năm (2002-2006) trước khi về làm lãnh đạo ở Binh đoàn 12.
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) tiền thân là Đoàn 559, chuyên về hoạt động xây dựng hạ tầng.
Ông Tân được thụ phong Thiếu tướng năm 2010.
Thiếu tướng Hà Tiến Dũng - Tổng giám đốc (Tư lệnh) kiêm Phó Chính ủy - Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18)

Thiếu tướng Hà Tiến Dũng từng tốt nghiệp trường Sỹ quan Không quân lái máy bay, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Gagarin (Liên Xô cũ).
Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) là doanh nghiệp hàng không chuyên về bay dịch vụ trực thăng với đội ngũ phi công trên 120 người và đội máy bay 25 chiếc.
VNH cung cấp các dịch vụ bay thăm dò và khai thác dầu khí, bay phục vụ chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA), bay du lịch, cấp cứu y tế…
Ngoài chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, ông còn là Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội và Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc MB (MBLand).
Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển - Tổng giám đốc (Tư lệnh) Tổng Công ty Đông Bắc

Ông Phạm Ngọc Tuyển được phong hàm thiếu tướng năm 2010.
Tổng Công ty Đông Bắc (NECO) là một doanh nghiệp khai thác than lớn trực thuộc Bộ Quốc Phòng, đặt trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh.
Đội ngũ nhân viên của NECO lên đến hơn 12.000 người với doanh thu năm 2012 đạt trên 9.800 tỷ đồng.
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng và Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ - Tổng Công ty 15 (Binh đoàn 15)

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ (trái) và Đặng Anh Dũng
Binh đoàn 15 (Tổng công ty 15) được thành lập từ năm 1985, hiện trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp trên khu vực Tây Nguyên.
Hoạt động chính của Tổng Công ty 15 là trồng và khai thác cao su, cà phê...
Năm 2011, doanh thu của tổng công ty đạt 3.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.100 tỷ đồng. Năm 2012, doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng.
Cả 2 lãnh đạo cao nhất của Tổng Công ty 15 đều mang hàm Thiếu tướng.
Chính ủy Nguyễn Duy Ngọ được thụ phong năm 2008 còn Tổng giám đốc (tư lệnh) Đặng Anh Dũng được thụ phong năm 2012.
Thiếu tướng Lê Đức Thọ và Võ Quyết Chiến - Binh đoàn 16 (công ty TNHH MTV 16)

Binh đoàn 16 được thành lập ngày 8/12/1998, Binh đoàn đứng chân trên địa bàn 20 xã thuộc 9 huyện thị của 3 tỉnh là Bình Phước, Đak Nông và Đak Lak.
Đến năm 2012, Binh đoàn 16 đã quản lý 39.000 ha đất lâm nghiệp, trồng 11.300 cây cao su, điều, cà phê… Khoanh nuôi, bảo vệ 10.500 ha rừng.
Chính ủy của Binh đoàn 16 là Thiếu Tướng Võ Quyết Chiến (bên phải) còn Giám đốc (Tư lệnh) là Thiếu tướng Lê Đức Thọ (bên trái). Năm thụ phong lần lượt là 2011 và 2012.

KỲ ANH/TRÍ THỨC TRẺ

Từ hầu bàn trở thành nữ chủ tịch công ty tỉ đô

Kat Cole, 35 tuổi, nữ chủ tịch trẻ trung xinh đẹp của Cinnabon - chuỗi cửa hàng bánh nướng cuộn của Mỹ, từng bắt đầu sự nghiệp với công việc của một nữ phục vụ Hooters, khi mới 16 tuổi.

Luôn tin tưởng vào những điều tích cực, không bỏ qua cơ hội và nhanh nhạy trong quản lý điều hành, Cole đã từng bước trở thành phó chủ tịch khi mới 26 tuổi,mặc dù cô còn chưa từng lấy bằng đại học.
Cô trở thành nữ chủ tịch ở tuổi 32 của một công ty với 1.100 cửa hàng và doanh thu 1 tỷ đô/năm, sau 15 năm làm việc tại Jacksonville, bang Florida.
Kat Cole, nữ chủ tịch trẻ trung xinh đẹp của Cinnabon, chuỗi cửa hàng bánh cuộn trứ danh với doanh thu tỷ đô, từng bắt đầu công việc với nghề phục vụ bàn ở Hooters.
Bươn chải khi mới 16 tuổi với nghề phục vụ bàn
Cole lớn lên ở Jacksonville,bang Florida,vàsống cùng mẹ sau khi cha mẹ cô ly dị. Suốt một thời gian dài, mẹ Cole đã một nách nuôi 3 con dại chỉ với 10 USD mỗi tuần, nhờ thực phẩm đóng hộp và đồ đông lạnh.
16 tuổi, Cole bắt đầu làm công việc part-time đầu tiên là phục vụ bàn ở Hooters, với áo tank top và quần màu cam bó sát nóng bỏng. Sau đó, cô gái trẻ nhanh chóng bao thầu quản lý toàn bộ nhà bếp, phòng ăn và quầy bar tại đây.
19 tuổi, Cole được Hooters đề nghị đến Úc cùng với đội ngũ nhượng quyền thương mại, để mở cửa hàng mới. Tuy nhiên, một vướng mắc nảy sinh, mà sau này cô kể lại thì ngay cả vị quản lý thuê cô khi ấy cũng không biết, là cô không có hộ chiếu.

Cole không bao giờ cho phép bản thân nói "KHÔNG" với cơ hội. Cô đã xin phép suy nghĩ 1 ngày để quyết định và về bàn bạc với mẹ. Hai mẹ con tìm ra giải pháp bằng cách bay đến Miama xếp hàng chờ đợi để có hộ chiếu và bay trở về Jacksonville. Ngày hôm sau, cô gọi đến văn phòng công ty Hooters và nói với họ rằng "Câu trả lời là có, tôi có thể đi".
"Họ không bao giờ biết tôi đã bay đến Miami. Họ không bao giờ biết tôi không có hộ chiếu. Một vài ngày sau đó, tôi đã bay tới Úc", Cole kể lại.
Sau khi đến Sydney, Cole bắt tay vào mở cửa hàng trong 40 ngày, gồm tuyển dụng và đào tạo nhân viên phục vụ dựa trên nền tảng niềm tin. Bằng cách tập trung vào những điều tốt đẹp trong một tình huống hoặc ở một người, Cole cho biết cô nhìn thấy khả năng mà 99% mọi người thì không.
Thời gian đó cô hướng đến mục tiêu lấy bằng kỹ sư ở trường Đại học North Florida và lên kế hoạch cho các trường luật.Trong vòng 1 tháng, Hooters cử cô đến Mexico mở cửa hàng đầu tiên ở Trung Mỹ, sau đó là Argentina và 2 tiểu bang của Mỹ.
Cole đã mở tổng cộng 5 cửa hàng."Tôi trở lại trường học và thất bại vì tôi không học hành gì ở đó hết", cô nói.
Năm 1999, sau khi đã dành 1 năm rưỡi để mở nhiều cửa hàng mới, phó chủ tịch Hooters đã yêu cầu cô nộp đơn xin vào vị trí quản lý đào tạo nhân viên tại trụ sở chính ở Atlanta. Cole khi đó mới 20 tuổi, lần đầu tiên mặc âu phục đến buổi phỏng vấn, tại văn phòng công ty mà cô từng là phục vụ bàn.
Năm 2004, Hooters đã phải bán chính mình sau khi chủ sở hữu của Hooters mất đột ngột do chứng phình động mạch não ở tuổi 69, tài sản của vị này bị đem đi thanh lý. Cole rất tích cực phỏng vấn cho vị trí điều hành công ty và cô đã quyết định ở lại Hooters.
Cole trở thành phó chủ tịch khi mới 26 tuổi, là nhân vật quan trọng hỗ trợ giới phân tích và chủ ngân hàng qua các số liệu từ doanh số của chuỗi cho đến các khoản vốn góp tư nhân. Ngay cả lúc này, cô vẫn chưa có bằng đại học.
Để khắc phục điều này, Cole ghi danh vào chương trình đào tạo thạc sĩ MBA của Đại học Georgia State. Năm 2011, Cole trở thành chủ tịch công ty khi mới 32 tuổi, tức là sau khi làm việc ở Hooters suốt 15 năm.
Chủ tịch chuỗi cửa hàng bánh cuộn tỷ đô

Từ những cửa hàng thực phẩm nhỏ đầu tiên, bằng các thỏa thuận cấp phép, Cole đã đưa tất cả mọi thứ từ những chiếc bánh cookie cho đến bánh cuộn Cinnabon lên các kệ hàng siêu thị và vào các nhà hàng thức ăn nhanh như bánh Delights Cinnabon ở Taco Bell (YUM), Minibons tại các cửa hàng Burger Kings và kem Delight quốc tế.
Hiện tại Cinnabon sở hữu chuỗi hơn 1.100 cửa hàng, bán ra mỗi năm hơn 100 triệu chiếc bánh cuộn,doanh số bán lẻ toàn cầu của công ty sẽ cán mốc1 tỷ USDtrong năm nay.
Cinnabon được nhắc đến cứ mỗi 10 giây một lần trên các phương tiện truyền thông xã hội. Bánh cuộn ở đây ngon đến mức, khách hàng không hề lo lắng gì về lượng calo khi ăn bánh của hãng, mặc dù loại bánh cuộn cổ điển này chứa hơn 330 Kcal, nhiều hơn cả một chiếc Big Mac. Điều mà người ta lo ngại là có ai đó phía trước có thể nhận được một chiếc bánh tươi ngon trước mình.
Cửa hàng Cinnabon đầu tiên được mở ra vào năm 1985 nhờ cha con Rich và Grey Komen ở SeaTac Mall, Seatle. Cinnabon cứ thế lớn lên cùng vòng eo của người Mỹ, và cửa hàng bánh ngọt thứ 500 đã ra đời vào năm 2001.
Năm 2004, Roark Capital Group, một doanh nghiệp tư nhân ở Alanta đã mua lại Cinnabon. Grey vẫn là chủ sở hữu nhượng quyền thương mại.
Cinnabon trở thành một công ty con của Focus Brands, (Focus Brands là công ty mẹ sở hữu các thương hiệu Auntie Anne"s, Carvel, Cinnabon, Moe"s Southwest Grill, Schlotzsky"s và Seattle’s Best International Coffee).
Tuy các số liệu tài chính kinh doanh của công ty được giữ kín nhưng Cole cho biết, doanh thu đã đạt kỷ lục trong 3 năm qua. Trong đó, doanh thu từ các cửa hàng cấp phép nhượng quyền hiện chiếm đến hơn một nửa doanh thu của chuỗi.
Số cửa hàng trong chuỗi Cinnabon đã tăng gần gấp đôi trong 3 năm qua, xuất hiện ở 54 quốc gia, kể cả Syria. Người ta có thể tìm thấy khoảng 72 sản phẩm Cinnabon trong các cửa hàng tạp hóa.
Mặc dù tờ Wall Street Journal từng đưa tin công ty đang xem xét khả năng chào bán ra công chúng, nhưng Cole nói "Chẳng có gì ngon lành ở đây đâu. Chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân. Họ chỉ mới sở hữu chúng tôi được 10 năm. Tôi chắc chắn là họ sẽ vẫn luôn đánh giá cẩn thận các bước đi kế tiếp".
Chặng đường từ một cô gái Hooters đến chủ tịch của một công ty đa quốc gia trong vòng chưa đầy hai thập kỷ chắc hẳn là câu chuyện ấn tượng đối với cánh mày râu ở các bữa tiệc cocktail.
Thế nhưng, trái ngược với chức danh cao cấp đặt trước tên mình, Cole hiện đang sống cùng người bạn trai lâu năm của mình trong ngôi nhà giản dị xây từ năm 1969 trên khu đất 3.000 m2 ở Atlanta.
Nơi đây đâu đâu cũng có tranh cô vẽ và có riêng một căn phòng chứa toàn cung săn và súng trường của bạn trai cô. Cole vẫn lái một chiếc xe Mercedes suốt 9 năm nay và sử dụng một chiếc iPhone có màn hình đã vỡ.


Nguồn: TTVN

Doanh nhân học gì từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương vô hạn của cả dân tộc ta và bạn bè trên thế giới. Sự nghiệp, tư tưởng của Đại tướng sẽ sống mãi cùng với chúng ta, trong hành động và suy nghĩ của từng người Việt Nam, trong đó có doanh nhân.
Cách tưởng nhớ Đại tướng là học tập, vận dụng những tư tưởng quân sự của Đại tướng vào kinh doanh. Sau đây, thử gợi ý một số nội dung, mong được các doanh nhân trao đổi thêm:
1. Xác định quyết tâm chiến đấu trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình cụ thể, làm rõ thế mạnh, thế yếu của đối thủ. Khi bắt đầu cuộc kháng chiến năm 1946, lực lượng chúng ta hầu như chưa có gì trong khi quân địch rất mạnh. Quân ta, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, vừa tích cực xây dựng lực lượng, vừa chiến đấu, lợi dụng những sơ hở và mặt yếu của địch, kéo địch ra khỏi thành phố, đồng bằng, bắt địch phải chiến đấu trên địa bàn rừng núi hiểm trở. Điện Biên Phủ là điển hình cho việc đưa địch vào một thung lũng chỉ có thể tiếp tế bằng đường không trong khi quân ta có thể bao vây chúng.
Các doanh nhân cần học cách phân tích, điều tra kỹ tình hình kinh tế, thị trường, đối thủ cạnh tranh, xác định rõ cơ hội, thách thức, tìm ra mặt mạnh, mặt yếu của đối thủ để xác định chiến lược kinh doanh của mình. Doanh nhân cần phát huy lợi thế của mình về thị trường địa phương, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng trong kinh doanh.
Đại tướng cũng nêu tấm gương kiên cường, chịu đựng gian khổ, tìm mọi cách vượt qua khó khó khăn.

2. Sáng tạo, dũng cảm, vận dụng phương châm “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, tận dụng cơ hội và tạo ra cơ hội để chiến đấu. Đại tướng đã thể hiện sự sáng suốt trong khi ra lệnh “kéo pháo vào lại kéo pháo ra”, biết lúc cần phải rút lui để chuẩn bị chiến đấu có hiệu quả hơn.
Các doanh nhân của chúng ta chưa chú ý đến phân tích và đối phó với rủi ro, thường chỉ có phương án phát triển, ít khi chuẩn bị phương án tạm thời rút lui khi tình thế không thuận lợi.

3. Đánh giá đúng lực lượng, thay vì “đánh nhanh - thắng nhanh” chuyển sang “đánh nhỏ - thắng nhỏ, đánh chắc - thắng chắc” nhưng khi có thời cơ thì cũng sẵn sàng “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, thể hiện tinh thần rất linh hoạt, không giáo điều, công thức.
Trong khi thực lực doanh nghiệp còn yếu nên áp dụng chiến thuật “đánh chắc - thắng chắc, đánh nhỏ - thắng nhỏ”, đồng thời vẫn luôn hướng tới mục tiêu đạt được quy mô và trình độ cao hơn.
4. Đại tướng nêu tấm gương lớn về tự học. Đại tướng đã trở thành danh tướng được thế giới thừa nhận và khâm phục mà không qua trường học quân sự nào. Đại tướng luôn luôn học hỏi từ thực tiễn, thường xuyên rút kinh nghiệm qua từng trận đánh để trưởng thành.
Bên cạnh số ít doanh nhân trẻ đã được đào tạo bài bản, nhiều doanh nhân đã tự học trong kinh doanh. Chính Đại tướng đã nêu tấm gương sáng về tinh thần tự học, sáng tạo ra học thuyết quân sự Việt Nam.
5. Bài học lớn mà Đại tướng để lại là yêu thương chiến sỹ, chan hòa, thông cảm với chiến sỹ, là “Đại tướng của nhân dân”. Chính nhân cách lớn này của Đại tướng đã đem lại sức mạnh tinh thần to lớn cho quân đội ta. Khi gặp khó khăn, Đại tướng thể hiện chữ “nhẫn”, vì đại nghĩa mà nín nhịn với tinh thần “dĩ công vi thượng” của Bác Hồ.
Đại tướng đã đánh thắng những kẻ địch mạnh hơn rất nhiều lần. Biết ơn, tưởng nhở Đại tướng, doanh nhân hãy học tập Đại tướng để chiến thắng trên mặt trận kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh như Đại tướng hằng mong ước.
Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi doanh nhân (ngày 7/5/2004)
Trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đội ngũ doanh nhân Việt Nam tuy còn nhỏ bé nhưng giàu lòng yêu nước, đã tích cực tham gia đóng góp tiền của và công sức cho sự nghiệp chung. Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam hoan nghênh giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, đem vốn làm ích nước lợi dân.
Người chỉ rõ: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này".
Ngày nay, doanh nhân Việt Nam là đội ngũ xung kích của toàn dân, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, góp phần xứng đáng làm nên những "Điện Biên Phủ” lớn, nhỏ trong sự nghiệp đổi mới.
Doanh nhân - người đứng đầu và là "nhạc trưởng" doanh nghiệp phải có ý chí vươn lên theo tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn, tiếp cận những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến.
Doanh nhân Việt Nam phải thực hiện kinh doanh không những có khoa học và nghệ thuật, mà còn phải có văn hóa, hợp pháp luật, đồng thời chống tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, nêu cao ý thức tiết kiệm, tích tụ vốn liếng, tài sản, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế, nói tóm lại phải nâng cao trình độ quản lý để doanh nghiệp không ngừng phát triển trở thành những doanh nghiệp có quy mô, tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong thời đại Hồ Chí Minh, xứng danh với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Để phát huy truyền thống doanh nhân Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, tự cường, thông minh, sáng tạo, tinh thần nhân ái, thương dân, nên có "Ngày Doanh nhân Việt Nam" và "Giải thưởng doanh nhân Việt Nam" làm ngày truyền thống hàng năm, trao cho những doanh nhân tiêu biểu không chỉ giỏi sản xuất kinh doanh, làm giàu mà còn đóng góp tích cực vào cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với tinh thần Điện Biên Phủ, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hãy phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần thực tiễn và sáng tạo, mang tâm huyết cùng toàn dân xây dựng xã hội mới "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Chúc đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp chấn hưng đất nước.
Chào thân ái!. 

TS. LÊ ĐĂNG DOANH

10 nữ doanh nhân quyền lực nhất nước Mỹ

Theo đánh giá của tạp chí Fortune, Ginni Rometty - Chủ tịch kiêm CEO hãng máy tính IBM là nữ doanh nhân quyền lực nhất cả nước, theo sau là đại diện từ PepsiCo, Dupont và Lockheed Martin.
1. Ginni Rometty
Chủ tịch kiêm CEO - IBM
Tuổi: 56
Trong năm thứ hai làm CEO, Rometry đã tập trung nguồn lực của IBM vào thương mại hóa siêu máy tính Watson. Watson là cỗ máy không chỉ biết tính toán, mà còn có thể học hỏi.
Bà tin rằng đây sẽ là cơ hội kinh doanh mới cho IBM. Rometry cũng đưa IBM thâm nhập sâu các thị trường như châu Phi và tiếp cận nguồn khách hàng mới, để giữ đế chế công nghệ 102 tuổi luôn dẫn đầu cuộc đua.
2. Indra Nooyi
Chủ tịch kiêm CEO PepsiCo
Tuổi: 57
Cổ phiếu hãng thực phẩm và đồ uống lớn nhất Mỹ đã lập kỷ lục trong năm nay. Nooyi đã mở rộng các lĩnh vực kinh doanh của PepsiCo sang sữa chua và hummus (một món ăn Trung Đông). Các thương hiệu của Pepsi hiện được định giá 22 tỷ USD.
3. Ellen Kullman
Chủ tịch kiêm CEO - DuPont
Tuổi: 57
Công cuộc cải tổ của Kullman tại tập đoàn hóa chất Mỹ đã có kết quả tốt. Cổ phiếu hãng này đã tăng hơn gấp đôi trong nhiệm kỳ của bà. Trong khi cùng thời gian đó, chỉ số S&P 500 chỉ tăng 86%.
4. Marillyn Hewson
Chủ tịch kiêm CEO - Lockheed Martin
Tuổi: 59
Hewson tiếp nhận chức vụ cao nhất tại hãng sản xuất vũ khí số một thế giới hồi tháng 1 năm nay. Kể từ đó, bà đã chứng tỏ mình là người rất phù hợp với vị trí này.
Dưới sự lãnh đạo của Hewson, lợi nhuận và giá trị vốn hóa của Lockheed đều tăng, bất chấp ngân sách liên bang co hẹp từ đầu năm.
5. Sheryl Sandberg
Giám đốc tác nghiệp (COO) - Facebook
Tuổi: 44
Năm nay, nữ COO xinh đẹp của Facebook tung ra Lean In – cuốn sách về vai trò của phụ nữ trong xã hội, và đã bán rất chạy. Lean In đã biến Sandberg thành người nổi tiếng trên toàn cầu.
Cô cũng giúp Facebook thành công trong mảng di động, với đóng góp 40% vào doanh thu tổng hồi quý II, so với 0% năm 2012.
6. Irene Rosenfeld
Chủ tịch kiêm CEO - Mondelez International
Tuổi: 60
Rosenfeld đã tách hãng bánh kẹo Kraft làm hai. Bà quản lý công ty nhỏ hơn có tên Mondelez International.
Lợi nhuận quý trước của Mondelez International đã vượt dự đoán của giới phân tích. Tuy nhiên, cả doanh thu và lợi nhuận năm ngoái đều giảm so với năm trước đó.
7. Patricia Woertz
Chủ tịch kiêm CEO - Archer Daniels Midland (ADM)
Tuổi: 60
Bất chấp tình trạng hạn hán kỷ lục tại Mỹ, cổ phiếu đại gia chế biến thức ăn chăn nuôi ADM vẫn tăng tới 45% cuối tháng 7, so với cùng kỳ năm ngoái. CEO này đã giúp công ty có thêm 2 tỷ USD tiền mặt nhờ giảm hàng tồn kho và bán tài sản ngoài ngành.
Woertz cũng đang chuẩn bị thâu tóm GrainCorp của Australia với 3,2 tỷ USD.
8. Marissa Mayer
Chủ tịch kiêm CEO - Yahoo
Tuổi: 38
Yahoo đã mua Tumblr với giá 1 tỷ USD và thay cả logo trong năm nay. Những hành động này đã được nhà đầu tư hưởng ứng khi cổ phiếu Yahoo tăng 11% trong 12 tháng qua, khiến tài sản của Mayer cũng tăng vọt.
Tổng thu nhập năm 2012 của cô, tính cả quyền chọn cổ phiếu, là 36,6 triệu USD.
9. Meg Whitman
CEO - HP
Tuổi: 57
Hãng máy tính HP vẫn rất lộn xộn kể từ khi Whitman mới làm CEO. Cạnh tranh tại mảng PC đang thoái trào hiện rất căng thẳng. Tuy vậy, cổ phiếu của HP vẫn tăng 47% năm nay khi Whitman sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo.
10. Abigail Johnson
Chủ tịch - FMR (Fidelity Investments)
Tuổi: 51
Johnson hiện quản lý mọi hoạt động kinh doanh của quỹ đầu tư khổng lồ Fidelity, dù cha bà - Edward C. Johnson III mới là CEO. Số tài sản quỹ này quản lý hiện lên tới 4.300 tỷ USD.

Khởi nghiệp: Nên thử bao nhiêu lần?

Cách duy nhất để không thất bại là đừng bao giờ thử. Vì thế nếu bạn muốn trở thành doanh nhân hãy “thắt dây an toàn” cho một hành trình gian nan.
Ngoại trừ việc thừa kế một tài sản lớn khi vừa được sinh ra, tất cả các doanh nhân đều phải trải qua những thử thách mang tên “thất bại” trước khi đạt đến thành công về tài chính. Đại tá Sandlers, người sáng lập chuỗi cửa hàng gà rán nổi tiếng thế giới KFC đã bị từ chối đến 1.009 lần khi cố gắng bán thực đơn gà rán của mình trong thời gian đầu.
Bạn sẽ giống ai trong số những người thành đạt sau đây, hay sẽ ghi tên mình vào danh sách chung với họ?

Giọt đắng mang tên cơ hội

Từ cà phê "kho", cà phê "bít tất" đến cà phê phin, rồi sau này là cà phê pha máy..., người Việt đã dung hòa và chấp nhận tất cả các thể loại cà phê. Và việc ra quán thưởng thức cà phê đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt, khiến việc mở quán cà phê trở thành sự lựa chọn và là mảnh đất kinh doanh màu mỡ của nhiều bạn trẻ khi bắt tay vào khởi nghiệp.


Dám dấn thân và biết chấp nhận thất bại

Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ, kinh doanh quán cà phê rất "dễ ăn" nhưng thật ra không phải vậy. Theo ông Trương Đức Long, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thi Lâm, đơn vị sở hữu chuỗi cà phê Chuông gió và Bazar, dù hiện nay "ra ngõ là gặp quán cà phê” nhưng kinh doanh quán cà phê vẫn chưa bão hòa nên người khởi nghiệp vẫn có thể lựa chọn loại hình kinh doanh này.
"Tuy nhiên, vấn đề chính là doanh thu và lợi nhuận nên đã lựa chọn khởi nghiệp trong ngành này thì phải biết chấp nhận thất bại, phải dám dấn thân", ông Long khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vũ Đức Thuận, chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, xây dựng mô hình các quán cà phê, cũng nhắc nhở, điểm mấu chốt trong kinh doanh quán cà phê là không nên mở quán theo kiểu "thấy người ta làm được mình bắt chước làm theo", mà phải có sự sáng tạo của riêng mình.
"Điều cần nhất là phải có ý tưởng và số vốn dự trữ", ông Thuận nhấn mạnh, thế nên, với những người trẻ, chưa có vốn nhiều thì rất cần tìm được người hợp tác phù hợp. Ông tư vấn: "Điều tối kỵ là tìm đối tác giống mình về mọi mặt, tốt nhất là nên có nhiều điểm khác nhau để có thể bổ sung cho nhau".
Theo vị chuyên gia này, điểm cốt lõi không thể bỏ qua là chia rõ trách nhiệm và quyền lợi, làm thì được hưởng lương, không làm chỉ được hưởng lợi với tư cách cổ đông. Đồng thời phải có báo cáo hằng tuần và những mục tiêu, chiến lược đi kèm với thời gian cụ thể, tính toán khi nào hoàn vốn...
Từng thất bại trong lần hùn hạp khởi nghiệp trước đây, bài học kinh nghiệm ông Trương Đức Long rút ra là cần tìm hai hoặc ba người bạn thực sự đam mê kinh doanh quán cà phê, có cái nhìn khác mình để có thể bổ sung cho mình, chia sẻ công việc.
Những cam kết và ràng buộc về hợp đồng là thiết yếu để đảm bảo mọi việc ở trong tầm kiểm soát. Ông Long khuyên: "Cần thẳng thắn nhìn nhận ưu và nhược điểm của mình, tránh tìm đối tác có cùng điểm mạnh như mình vì sẽ gây lãng phí”.
Tham khảo câu chuyện của Cà phê Cashflow do một nhóm 20 bạn trẻ có cùng đam mê mở ra, cùng đóng góp để có được số vốn 1 tỷ đồng, sẽ thấy họ thành công là nhờ đồng lòng, có chung tầm nhìn và hướng đi.
Hiểu cà phê tận gan ruột
Bước qua điểm khởi đầu, dấn thân vào kinh doanh cà phê là một tổng hòa rất nhiều yếu tố. Đến từ Trường Kinh doanh Tài Danh, chị Nguyễn Trúc Chi cho biết, một chủ quán cà phê không đơn thuần chỉ biết cách pha chế cà phê mà phải hiểu cà phê tận gan ruột và phải học mọi thứ, từ quản lý, marketing đến trang trí nội thất...
Bởi ngành hàng cà phê hết sức đặc thù và có thể nói, một ngày của người Việt không thể thiếu cà phê. Khách thưởng thức cà phê bằng ngũ quan, bằng sự cảm nhận chứ không đơn thuần là một sự uống cơ học.
"Đó là lý do việc kinh doanh dịch vụ giao cà phê tận nơi có nguy cơ "chết yểu", vì đa số khách thích tận hưởng không gian quán sá”, chị Chi chia sẻ.
Nhận định của chị Chi cũng là ý kiến của rất nhiều chuyên gia trong ngành. Theo ông Trương Đức Long, người điều hành quán cà phê phải thực sự hiểu khách quen đến với quán vì điều gì. "Marketing có thể kéo khách đến, nhưng giữ được khách ở lại, trở thành "khách hàng thân thiết" của quán mới là điều quan trọng.
Phải nắm bắt được cảm xúc của khách hàng", ông tư vấn. Tuy nhiên, mỗi đối tượng khách hàng lại có cảm nhận riêng nên người kinh doanh quán cà phê cũng đừng nên tham vọng xây dựng quán phù hợp với mọi đối tượng khách.
Thay vào đó, cần tập trung xây dựng gu riêng của quán, nhắm đến khách hàng tiềm năng và phục vụ thật tốt, tích cực phát huy thế mạnh sẽ tốt hơn cho việc kinh doanh của mình.
Một ý tưởng đáng để những người đang muốn gia nhập "làng kinh doanh cà phê” tham khảo là mở quán ở ngoại thành, tránh xa vùng trung tâm đô thị để tránh cạnh tranh khốc liệt, đồng thời dễ tạo được sự khác biệt.
Không chỉ khai sinh quán mới, theo chị Trúc Chi, thử sức với một quán cà phê được sang nhượng lại và bắt tay làm mới lại theo ý mình cũng là ý tưởng không tệ. Bởi mọi thứ căn bản đã có sẵn, đã đi vào quỹ đạo, người chủ mới cũng đỡ mất công gầy dựng.
Có không ít trường hợp người chủ cũ phải sang quán do thiếu vốn để tiếp tục kinh doanh, chứ không hẳn là kinh doanh thất bại, và giá sang quán thường rất hời.
"Người mới có thể sở hữu cơ ngơi cả tỷ đồng với giá vài trăm triệu đồng là chuyện không hiếm gặp. Với cái nhìn sáng suốt của người ngoài cuộc, người mới sẽ nhận ra nút thắt để tháo gỡ và có thể xây dựng quán theo phiên bản của riêng mình", chị Chi tiết lộ.


HOÀNG - KHÁNH
Flag Counter