Trang

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Bí quyết thành công theo cấp số nhân của chàng trai 25 tuổi


Mới 25 tuổi, Burton thực hiện được ước mơ của mình khi mua lại một cửa hàng Saladworks làm ăn kém hiệu quả ở ngoại ô New Jersey. Chỉ một năm sau đó, một chuỗi cửa hàng tương tự đã ra đời.
Josh Burton đã mua cửa hàng Saladworks đầu tiên ở tuổi 25
Có vẻ như giới teen ưa shopping ở Mỹ chỉ thích dừng chân ở chuỗi cửa hàng Cinnabon trong các khu mua sắm để chén những chiếc bánh mì quế béo ngậy, thơm phức mà ít quan tâm đến những thứ khác. Anh chàng mới lớn Josh Burton cũng vậy. 

Thế nhưng, vào một ngày tình cờ, anh đã đổi ý. Hôm đó, sau một hồi lượn lờ ở khu mua sắm Cherry Hill Mall gần nhà (New Jersey) anh không vào Cinnabon như mọi khi mà chuyển sang ăn thử ở Saladworks – một quầy salad mới mở thuộc khu ẩm thực. Chỉ một lần nếm duy nhất, Saladworks đã làm Burton mê mẩn, không chỉ bởi món rau tươi ngon mà còn vì phong cách riêng của công ty. 

"Ăn đồ nhiều chất béo ở khu mua sắm làm tôi cứ nặng nề, ấm ách. Thế như sau khi ăn ở Saladworks, tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng” – Burton nhớ lại. “Mới học cấp ba, tôi đã tìm đọc và nghiên cứu về kinh doanh. Khi lên đại học, kinh doanh trở thành môn chuyên ngành của tôi. Tôi luôn khao khát có một ngày mở được cửa hàng riêng. Và mô hình kinh doanh ở Saladworks lúc nào cũng như ám ảnh tâm trí tôi".

Sau khi tốt nghiệp, Burton làm việc cho công ty Pepsi và một thời gian sau thì chuyển sang bất động sản. Trong suốt thời gian này, anh tìm cách dành dụm đủ tiền để có thể mua Saladworks theo kiểu nhượng quyền. Năm 2007, ở cái tuổi 25, Burton thực hiện được ước mơ của mình khi mua lại một cửa hàng Saladworks làm ăn kém hiệu quả ở vùng ngoại ô New Jersey. Chỉ trong vòng 1 năm, anh đã khai trương thêm một địa điểm mới ở Bear, bang Delaware và một cái khác nữa ở Trumbull, bang Connecticut.   
 
"Sáu tháng đầu tiên quả là nhiều bài học nhưng từ sau đó trở đi, việc mở cửa hàng mới trở nên dễ dàng hơn” Josh Burton cho biết.


Có nhiều cửa hàng ở các bang khác nhau có làm anh gặp khó khăn gì không? 

Có chứ. Là người bình thường, bạn không thể cùng lúc ở hai chỗ được, dù hai chỗ đó chỉ cách nhau 20 cây số hay tới 200 cây số. Vì thế, bạn phải tin tưởng vào nhân viên và phải kiếm được những người quản lý tốt có thể thay bạn thực hiện những công việc chính. Nhưng vấn đề lớn nhất là trong trường hợp cần kíp, như sửa chữa hay thế chân người quản lý ốm, bạn sẽ rất vất vả để chạy đến cửa hàng ở cách chỗ bạn tới 200 cây số. Sẽ dễ hơn nếu cửa hàng đó chỉ cách có 5 cây. 

Anh mở cửa hàng Saladworks “3G” đầu tiên năm 2008. Việc thay đổi lại thiết kế cửa hàng có ý nghĩa gì không? 

Tôi phải chi thêm một ít tiền để thiết kế lại cửa hàng. Nhưng tôi nghĩ số tiền bỏ ra cũng xứng đáng vì cửa hàng trông rất đẹp và hiện đại với sàn gỗ, lối đi sạch sẽ, màu sắc sống động, bắt mắt và đặc biệt là lượng khách cũng nhiều hơn. Ở cửa hàng cũ, chỗ để súp đứng sau quầy thu ngân và vì thế bạn phải để ý khi thanh toán thì mới thấy. 

Còn khi thiết kế lại, chỗ để súp nằm ngay sau các khay salad và trước quầy thu ngân. Chỉ nhờ thế mà cửa hàng 3G của tôi thường bán được nhiều súp hơn các địa điểm khác. Chúng tôi khai trương 3G vào ngày Black Friday (ngày thứ 6 ngay sau lễ Tạ ơn – vốn được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất của Mỹ) năm 2008. Ngay ngày đầu tiên mở cửa, 3G đã có lãi rồi.

Sai lầm lớn nhất của anh khi khởi nghiệp?

Hồi đầu, tôi đưa vào nhiều người làm quá, khiến chi phí nhân công đội lên trên mức trung bình của một cửa hàng. Kinh nghiệm tôi đúc kết được là chỉ nên tăng người làm vào giờ cao điểm ăn trưa và ăn tối. Sáu tháng đầu tiên ấy quả là nhiều bài học, nhưng từ sau đó trở đi, việc mở cửa hàng mới ngày càng trở nên dễ dàng hơn. 

Anh có ý định mở địa điểm ở các bang khác nữa không? 

Tôi nghĩ sẽ mở ở gần nhà hơn. Ở đây, nhiều người đã biết đến thương hiệu của chúng tôi rồi. Thị trường bên ngoài có thể cũng có tiềm năng nhưng qua những gì tôi học được thì bạn phải mở ba bốn cửa hàng cùng lúc và sử dụng chúng để hướng sự chú ý của mọi người. Muốn marketing và xây dựng thương hiệu, bạn cần phải có sản phẩm tầm cỡ. Tôi bị thành công của cửa hàng ở Delaware làm lóa mắt nên mở thêm địa điểm ở Connecticut. Nhưng thực ra, ở Connecticut, Saladworks không nổi danh lắm và tôi phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền của để tạo dựng tiếng tăm. 

Triết lý kinh doanh mà anh truyền thụ cho nhân viên của mình là gì?

Chúng tôi luôn cố gắng cung cấp dịch vụ tốt nhất. Giống như mua một chiếc xe hạng sang, chúng tôi cung cấp sản phẩm cao cấp và tính giá cao hơn. Vì thế, khách hàng đặt yêu cầu khắt khe hơn về dịch vụ và đáp ứng yêu cầu này của khách hàng là điều quan trọng nhất với chúng tôi. 

Theo TTVN/Entrepreneur

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét