Đúng ngày này gần 60 năm về trước,
13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lời hiệu triệu giới công thương
ra sức xây dựng nền tài chính nước nhà thịnh vượng. Thương nghiệp Việt
Nam, vốn ra đời và tồn tại từ lâu, đã được đặt vào một hoàn cảnh thuận
lợi để phát triển và đóng góp cho nước nhà.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm
khoa Lịch sử, Đại học Khoc học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, thương nghiệp
Việt Nam phải gắn liền với truyền thống thương mại Việt Nam và là một
thuộc tính tất yếu của đời sống xã hội. Với lợi thế về giao thông cả về
đường thuỷ lẫn đường bộ, cũng như nhu cầu tự thân của đời sống, các hoạt
động thương mại xuất hiện rất sớm trong văn hóa Việt Nam. Các dấu vết
khảo cổ tại di chỉ văn hóa Đông Sơn, Óc Eo, đều phát hiện những sản phẩm
mang dấu tích nước ngoài. Và ngược lại, các nhà khoa học cũng đã phát
hiện nhiều sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy
nhiên, các nhà nước phong kiến Việt Nam, vì nguồn gốc kinh tế chính trị
xã hội của mình đã phải ức thương, coi trọng nông nghiệp để duy trì sự
ổn định. Các thế hệ người Việt Nam ý thức rất rõ "Phi
thương bất phú, phi công bất hoạt, phi trí bất hưng và phi nông bất ổn"
(tức là không buôn bán thì không giàu có được, không làm nghề thủ công
công nghiệp thì xã hội không năng động, không có kiến thức thì không
hưng thịnh, không có nông nghiệp thì không ổn định). Song vì muốn duy
trì sự ổn định, nên nhà nước phong kiến chỉ cho phép một thứ phát triển,
đó là nông nghiệp, nhằm phục vụ cho quyền lực chính trị của mình. Trên
thực tế, bản thân nền sản xuất nông nghiệp tiểu nông vẫn có nhu cầu trao
đổi, buôn bán. Nhiều ngôi chợ đã được mọc lên nhằm giải quyết nhu cầu
ấy. Buôn bán ngoại thương thời kỳ đó cũng dần phát triển.
Ông Kế cho biết, đến thế kỷ 16, sau
phát kiến địa lý trên thế giới, thế giới chứng kiến một thời kỳ mới: đại
thương mại. Các nước tư bản lớn ở châu Âu sớm tìm ra con đường đi tới
biển Đông, các công ty lớn như Đông Ấn của Hà Lan và Đông Ấn của Anh
phát triển mạnh và hướng vào khu vực này. Đây là yếu tố kích thích nội
thương Việt Nam phát triển. Thương mại Việt Nam có điều kiện phát triển
mạnh với sự ra đời của nhiều đô thị thương mại lớn như Vân Đồn, Phố
Hiến, Thanh Hà, Hội An, Gia Định, trong đó đáng chú ý nhất là Phố Hiến.
Tất nhiên, trên nền tảng kinh tế tiểu
nông, đặc biệt là sự kìm hãm có ý thức của chính quyền phong kiến trung
ương thì thương mại không thể phát triển mạnh. Sự may rủi trong buôn bán
vốn đã lớn, thì trong chế độ phong kiến tập quyền lại càng lớn hơn. Một
loạt hệ thống hạch sách, ngăn sông cấm chợ, hệ thống tuần ti mọc lên
khắp triền sông. Người kinh doanh luôn đối mặt với nguy cơ mất cả vốn
lẫn lãi. Chính quyền phong kiến, mỗi lần muốn chứng tỏ sự quan tâm phát
triển kinh tế, lại cắt giảm tuần ti. Và đến khi cần tiền lại tăng cường
lực lượng hạch sách này.
Đến cuối thế kỷ 19 đầu 20, khi thực dân Pháp hoàn thành xâm chiếm và bắt đầu khai thác, xã hội Việt Nam bị phân hoá mạnh mẽ.
Giai cấp tư sản ra đời, họ đầu tư vào kinh doanh, buôn bán. Hàng loạt
cuộc vận động cải cách, canh tân đất nước thời đó đều đề cao thương mại.
Nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ đã đề xuất những việc cần làm ngay trong
đó có ý tưởng dùng thương mại, trao đổi buôn bán bên ngoài như một biện
pháp quan trọng nhằm tích góp cho đất nước. Cũng trong thời kỳ này, nhân
vật nổi tiếng như Đặng Huy Chứ, được lệnh của triều đình đã tự đi buôn ở
nước ngoài và lập ra công ty Bình Chuẩn nhằm đưa ra giá trị chung để
điều tiết hoạt động thương mại của cả nước.
Như vậy, vào đầu
thế kỷ 20, thương mại Việt Nam được đặt trong hoàn cảnh phát triển mới,
có sự tác động của tư bản phương tây, với điều kiện kinh doanh rộng rãi
hơn song cũng cạnh tranh gay gắt hơn. Nét đáng chú ý là hoạt
động thương mại của Việt Nam thời ấy còn gắn liền với tinh thần dân tộc,
yêu nước. Họ kinh doanh để tạo vốn ra nước ngoài hoạt động. Điển hình
như ông vua đường thủy Bạch Thái Bưởi, với một đội thuyền vận tải hùng
hậu, luôn đề cao tinh thần dân tộc, kêu gọi sự ủng hộ của dân chúng để
cạnh tranh lại với giới tư sản phương tây vốn có quá nhiều lợi thế. Hàng
loạt nhà thương nghiệp khác, dù sớm hay muộn, đều gắn liền hoạt động
kinh doanh của mình với vận mệnh dân tộc. Và trong bối cảnh cạnh tranh
bất bình đẳng như vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Hải Kế, sự thành công ban đầu
của các doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20 là đáng ghi nhận và tôn vinh.
Thương mại Việt Nam thực sự lóe sáng và được tạo điều kiện phát triển khi cách mạng thành công.
Lúc đó, đất nước phải đối mặt với 3 thứ giặc: giặc ngoại xâm, giặc đói
và giặc dốt. Hơn ai hết, Bác Hồ là người hiểu sức mạnh của giới doanh
nhân trong việc chấn hưng đất nước. Ngày 8/9/1945, Bác tiếp giới công
thương và hơn một tháng sau, 13/10, Bác gửi bức thư kêu gọi sự đóng góp
của các doanh nhân Việt Nam để xây dựng nước nhà. Bức thư có đoạn:
"Trong lúc các giới khác ra sức hoạt động giành nền độc lập của nước
nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế tài
chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm
giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này".
Gần 60 năm sau, 13/10 năm nay đã được
chọn là ngày doanh nhân Việt Nam, như một sự tôn vinh chính thức của nhà
nước đối với ngành nghề này. Đóng góp của doanh nhân Việt Nam đã được
ghi nhận trong xã hội giống như bao ngành nghề cao quý khác.
"Để kể
ra thành tích của doanh nghiệp là vô cùng. Nhưng bài học của ngày hôm
qua vẫn còn đó, phải coi thương nghiệp là một thuộc tính của đời sống và
phải coi đó như một thứ tạo vốn cách tân cho đất nước",
tiến sĩ Kế nói. Dưới con mắt của một nhà sử học, ông cho rằng, nếu
không tránh những bài học trong quá khứ, nếu còn quá nhiều rào cản, khó
khăn thì sẽ nảy sinh những lệch lạc trong kinh doanh. Coi thương nghiệp
là thương trường và doanh nhân là người lính trên mặt trận không tiếng
súng đó, ông Kế cho rằng, phải có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện
thuận lợi để thương nghiệp phát triển. "Thời xa xưa, sự chèn ép quá
đáng đã làm nảy sinh những hình thức buôn bán lệch lạc như buôn thần bán
thánh, buôn quan bán chức, rồi kinh doanh chữ. Những hình thức kinh
doanh đó không tạo ra giá trị thực. Bài học đó không phải là vô ích với
ngày hôm nay. Vì vậy, phải tạo ra một cơ chế lành mạnh, thông thoáng vì
lợi ích chung", ông Kế nói.
Một khía cạnh cần bàn đến đó là cách thức tôn vinh doanh nhân.
Theo ông Kế, đất nước sẽ không phát triển lành mạnh nếu không biết tôn
vinh những nhà doanh nghiệp chân chính. Bởi họ là người dám mạo hiểm đầu
tư công sức, trí tụê và của cải để làm giàu cho bản thân và cho đất
nước. Nhưng tôn vinh họ không chỉ bằng cách ghi tên vào bảng đồng, bảng
vàng mà quan trọng nhất là phải tạo điều kiện cho họ được sử dụng vốn,
tài năng và tri thức vào hoạt động thực tiễn. "Với tư cách doanh nghiệp,
họ muốn các giá trị mà họ làm ra phải được xã hội thừa nhận và sử dụng.
Chính sách của nhà nước phải tạo điều kiện để cho sản phẩm mà doanh
nghiệp làm ra có một thị phần rộng rãi. Nhà nước với tư cách một quyền
lực, một định hướng chính sách, không phải đứng ra bao cấp về danh hiệu
và uy tín mà tạo điều kiện cho sản phẩm vượt qua những trở ngại về mặt
hành chính và sống tốt trên thị trường", ông nhấn mạnh.
Theo ông Kế, giá trị lớn nhất của mỗi
doanh nghiệp là thương hiệu. Thương hiệu được thừa nhận trên thực tiễn
là sự tôn vinh lớn nhất. Tạo điều kiện cho sản phẩm cạnh tranh bình đẳng
và bảo vệ sự cạnh tranh đó cũng là cách nhà nước tôn vinh doanh nhân.
Mặt khác, theo ông Kế, sự thông thoáng
và nhất quán về cơ chế, chính sách cũng là yếu tố quan trọng tạo điều
kiện cho doanh nhân làm ăn và phát triển. "Lịch sử dân tộc đã dạy, khi
mà tất cả các con đường kinh doanh ra sản phẩm đều bị ngăn cấm thì sẽ
nảy sinh sự lệch lạc. Bản thân kinh doanh, do phải bỏ vốn ra để quay
vòng sản xuất thì phải đối mặt với sự rủi ro rất lớn. Nếu sự may rủi
không phải do thương trường mà do chính sách thì sẽ làm họ nản lòng",
ông nói.
Song Linh
vietbao.vn
|
Trang
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét