Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Doanh nhân trước vận hội và thử thách mới


Sức mạnh của doanh nhân trẻ là khối óc và sự tự tin.
Gần 200.000 doanh nghiệp trên 81 triệu dân là con số khiêm tốn đối với một nền kinh tế thị trường. Song chưa bao giờ doanh nhân VN lại có đất dụng võ như hiện nay với thị trường trong nước đang mở rộng, đường vào WTO lại rất gần.

Kết quả từ một cuộc điều tra xã hội học tiến hành với 186 giám đốc và phó giám đốc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức mới đây cho thấy, đại đa số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân ở TP HCM bước vào con đường kinh doanh mới chỉ khoảng 15 năm trở lại đây. Với độ tuổi trung bình 42, bề dày kinh doanh còn ngắn ngủi các doanh nhân phải tự bươn trải khởi sự trên thương trường khắc nghiệt khi chỉ có gần 10% trong số họ có cha hoặc mẹ là chủ doanh nghiệp. Trước khi trở thành giám đốc, họ đều trải qua ít nhất một nghề, có người từng thất nghiệp ngồi nhà, có người từng đi khoan giếng...

Đáng chú ý là phần lớn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều có học vấn cao, 79% có trình độ đại học và cao đẳng. Doanh nhân ngày nay theo nhận xét của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp của Thủ tướng, được đào tạo tốt hơn nhiều so với trước đây. "Giàu nghị lực, thông minh, sáng tạo biết ứng phó trong những tình huống khó khăn là đức tính nổi bật của đội ngũ doanh nhân Việt còn rất trẻ về tuổi đời và tuổi nghề", ông Doanh đánh giá.

Sự bừng nở của một thế hệ doanh nhân mới là minh chứng rõ rệt nhất cho thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Song sẽ không đầy đủ nếu không đề cập đến thách thức to lớn mà đội ngũ doanh nhân đang ngày đêm đối mặt. Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng doanh nghiệp không ngại những đối thủ nặng ký và thủ đoạn trên thương trường quốc tế mà sợ nhất những cản trở bắt nguồn từ môi trường kinh doanh do thiếu minh bạch trong chính sách. Đây chính là khe hở làm nảy sinh tiêu cực đối với cả nhà quản lý và doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ thể chế kinh tế ở nước ta hiện nay được doanh nhân đánh giá là “Thể chế 6 không”: không minh bạch, không nhất quán, không đồng bộ, không ổn định, không khả thi, không tiên liệu được. Thể chế nào, doanh nhân ấy, không có thể chế tốt sẽ không có doanh nhân giỏi.

Nguy hiểm hơn, thay vì tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh bằng khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực không ít doanh nhân đã làm giàu tắt bằng cách dùng đồng tiền bôi trơn chính sách để tạo thuận lợi cho mình. "Thành công ngắn hạn đó dễ che khuất những yếu kém cơ bản nhưng chắn chắn sẽ bộc lộ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt khi hội nhập", ông Lê Đăng Doanh khẳng định.

Cải thiện nhìn nhận của xã hội đối với doanh nhân chưa đủ, quan trọng hơn là xây dựng chính sách đồng bộ, có biện pháp thúc đẩy sự xuất hiện và phát triển nhân tài. Trong lễ công bố báo cáo phát triển thế giới 2004, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã kết luận, một bộ máy yếu kém tư lợi tham nhũng không thể tạo ra một nền kinh tế hùng mạnh tăng trưởng bền vững và có đội ngũ doanh nhân ngang tầm quốc tế.

Theo_VnExpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét