Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Chủ tịch Trung Nguyên và khát vọng làm giàu





Tự sự của Chủ tịch HĐQT Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ về cuộc đời, sự nghiệp và khát khao cháy bỏng đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế.

Bắt đầu khởi nghiệp

Phòng trọ của tôi có ba đứa, rất thân, đều là những đứa có thể nói chuyện và hiểu nhau, không nghi ngờ là thằng này, thằng kia không bình thường. Tôi có lẽ là đứa nghèo nhất trong đám đó nên tôi cũng là người sùng sục trước chuyện làm ăn nhất.

Tôi nghĩ: Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới, có quốc gia không trồng được cà phê vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ có thể xuất thô mà không chế biến để xuất khẩu?... Bốn thằng chúng tôi cùng chia sẻ suy nghĩ này và hùn tiền, mua một lò rang cà phê.

Thuận lợi của chúng tôi lúc đó là trong trường có nhiều sinh viên tứ xứ đổ về học nên biết được nhiều nơi có cà phê ngon để tìm đến học hỏi thêm. Tôi còn nhớ, ở Tuy Hòa có một quán cà phê rất ngon nên ngày nghỉ, chúng tôi đi xe xuống tận quán để hỏi thăm bí quyết của cô chủ quán. Đến nơi vào buổi trưa thì cô chủ quán đã đi nghỉ, chúng tôi đành phải ngồi chờ đến 2, 3 giờ chiều mà trong lòng sốt ruột vì sáng mai đã phải đi học. Khi cô chủ quán thức dậy, chúng tôi trình bày lý do và nguyện vọng của mình. Đêm đó, chúng tôi trở về lại Buôn Ma Thuột trong chuyến xe khuya với tấm lòng của cô chủ quán đã chỉ cho chúng tôi bí quyết chế biến rang xay cà phê ngon.

Ngày khai trương lò rang cà phê, chúng tôi cũng tổ chức cúng vái đầy đủ nghi lễ để lấy hên nhưng khi vừa cúng xong thì người bà con của ông chủ nhà về thấy vậy đã hất đổ tung tóe mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện không cho chúng tôi làm lò rang cà phê.

Vì vậy mà chúng tôi chuyển lò rang cà phê đi nơi khác. Lò rang quay bằng tay, đốt bằng củi. Hôm nào rang cà phê bên dưới là mấy thằng ngồi học bài trên cái gác gỗ cũng như bị nướng cả người, như ngồi trong lò bát quái. Hàng xóm thấy cách làm ăn của tụi tôi phiêu lưu quá, có ngày phát hỏa thiêu rụi cả xóm như chơi cho nên đi báo công an. Và lò rang của chúng tôi cũng phải dẹp đi nhưng lúc đó trong suy nghĩ của tôi thì vẫn cứ thôi thúc phải tiếp tục làm.

Chúng tôi góp hết tiền để mua cái lò rang nên không còn tiền để mua cà phê về rang. Không còn cách nào để vay mượn thêm bởi chỗ có thể vay thì đã khai thác rồi. Cuối cùng, tôi đánh liều cọc cạch đạp xe đi… mượn cà phê nhân. Những cái lắc đầu nguầy nguậy không khiến chúng tôi nản lòng, kể cả những câu vu vơ ném theo mà người nói vô tình còn người nghe như xát muối: “Mấy thằng sinh viên khùng khùng này…”.

Nhưng cũng có những người giang tay với chúng tôi, chúng tôi mượn mỗi lần vài ba ký, rang, xay, đóng gói và chia nhau đi bỏ mối ở quán cà phê. Sau đó thu tiền lại, trả cho người ta và mượn tiếp vài ký khác. Cứ thế… những đồng tiền chúng tôi kiếm được như con kiến tha lâu đầy tổ. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên lúc này chỉ là một mũi tên chỉ thẳng lên trời. Chỉ hình ảnh đơn giản ấy thôi đã chứa đựng trong đó biết bao khát vọng của chúng tôi.

Thương hiệu cà phê Trung Nguyên của nhóm “mấy thằng sinh viên khùng khùng” chúng tôi bắt đầu được chú ý và ưa chuộng. Tôi là dân trồng cà phê nên biết lựa loại hạt ngon để cho ra những phin cà phê đậm đà và thơm lừng. Năm 1996, chúng tôi quyết định bung ra làm ăn.

Nói cho oai vậy thôi chứ khi chúng tôi bung ra và khai trương “Hãng cà phê Trung Nguyên” ở km3 (Thành phố Buôn Ma Thuột) với chiều rộng 2,8 m thì ai cũng cười ngặt nghẽo: "Hãng gì mà ọp ẹp phát khiếp"! Nhưng lúc đó, tôi đã có tư tưởng là nhất định một ngày nào đấy chúng tôi sẽ trở thành một hãng cà phê nổi tiếng và đàng hoàng hơn. Toàn bộ ảnh hiệu của “hãng” đều do chúng tôi tự vẽ, tự sơn phết với chi chít chữ, chỉ có logo “Hãng cà phê Trung Nguyên” hình mũi tên là nổi bật nhất. Chúng tôi hì hục sơn vẽ, đục đến 3 giờ sáng để treo tấm bảng hiệu cho kịp sáng mai khai trương. Mà khách hàng khai trương của chúng tôi cũng chính là những người bạn sinh viên học cùng trường, cùng lớp đến uống cà phê cho vui với chúng tôi. Có thể hãng của chúng tôi nhỏ và ọp ẹp không giống ai, nhưng với chúng tôi, đó là một sự kiện trọng đại trong đời và trọng đại trong lịch sử phát triển của Trung Nguyên. Nghĩ lại từ cái “hãng” này để giờ đây được tới Nhật Bản, Singapore… tôi nghĩ rằng chỉ có tư tưởng vớii ước mơ mạnh mẽ thì chắc chắn mới làm được nhiều thứ. Lúc đó tôi làm được là do khí chất của con người tôi: đã làm cái gì là làm hết mình.

Ngồi trong cái hãng nhỏ bé đáng tự hào của mình ở tít tận phố núi cao nguyên, tôi căng mắt nhìn về hướng Sài Gòn và cảm thấy chưa đủ sức. Và tôi chọn đồng bằng Sông Cửu Long với điểm đến là An Giang với ý nghĩ lấy từ cảm hứng chiến tranh “Lấy nông thôn bao vây thành thị”.

Trưởng thành

Làm ăn thời buổi bấy giờ không ai ngồi đợi hữu xạ tự nhiên hương. Phải năng động chạy đôn chạy đáo tiếp thị cho người ta biết mình, tin mình và làm ăn với mình. Khi còn đi vay cà phê để rang, chúng tôi đã dám bỏ tiền ra đăng ký tham gia một hội chợ ở thành phố Nha Trang. Tôi nghĩ không đâu có thể biết nhanh và lan tỏa thông tin tốt hơn cái chợ, dù dưới hình thức nào. Bao nhiêu tiền lời chúng tôi làm ăn được đều đập hết cho cú tiếp thị hoành tráng đầu đời này. Sau đó lại tiếp tục đi vay mượn cà phê. Tài sản đáng giá nhất của hãng là cái xe đạp cuốc mà hàng ngày chúng tôi thay phiên nhau đạp xe đi bỏ mối xà phê. Đã có những thời điểm mà chúng tôi bế tắc về suy nghĩ, về phương thức kinh doanh vì không bán được cà phê.

Không chỉ tham gia các đợt hội hè như vậy, hễ có cơ hội là chúng tôi tìm cách giới thiệu cà phê của mình. Năm 1995, nghe phong thanh Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc với tỉnh Đak Lak, tôi bật ngay ra ý nghĩ: phải giới thiệu cho được cà phê Trung Nguyên của mình với Thủ tướng. Nhưng tiếp cận với Thủ tướng để tặng bịch cà phê là không tưởng. Tôi chuẩn bị “quà tặng” của mình rất kỹ nhưng lần nào mon men tiếp cận cũng bị bật ra bởi hàng rào cảnh vệ. Không bỏ cuộc, tôi chuyển sang… tặng những gói quà cà phê này cho các anh cảnh vệ, với lời nhắn “quà của nhóm sinh viên Đại học Tây Nguyên gửi tặng Thủ tướng”. Sau này có dịp ngồi tiếp chuyện với bác Sáu Dân (nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt), tôi nhắc lại kỷ niệm đó và hỏi là bác có nhận được quà không, ông chỉ cười. Tôi không biết món quà đó có tới tay Thủ tướng không nhưng tôi biết mình đã làm được một việc chấn động đối với chính cá nhân mình lúc đó: dám nghĩ, dám làm, tự đè bẹp được cái nhút nhát thông thường và không dè dặt trước cơ hội.

Chúng tôi đã tìm được một đối tác ở Long Xuyên và đã thuyết phục họ cùng hợp tác với chúng tôi mở lò rang xay chế biến cà phê, phân phối cà phê tại miền Tây. Nhưng chỉ sau một vài tháng, chúng tôi thất bại hoàn toàn, mối liên kết và đồng thuận về tư tường hành động với đối tác bị phá vỡ. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác thất bại ê chề của đoàn quân chúng tôi khi lục tục cuốn gói với đồ dùng và lò quay cà phê tay cũ kỹ, là ly tách, là phin muỗng cà phê, là mấy bịch cà phê đi về Sài Gòn mà trong lòng ai cũng nặng trĩu không một tiếng nói, mỗi người một ý nghĩ khác nhau, mông lung và hoang mang. Cảm giác còn mang nặng sự giằng co về tư tưởng giữa sự dứt khoát và không dứt khoát với đối tác.

Riêng tôi lúc đó thì suy nghĩ rất rõ ràng: thà dứt khoát còn hơn vẫn cứ tiếp tục hợp tác trong sự khó khăn, toan tính đối phó với nội bộ thì đâu còn sức lực để bươn chải, để chiến đấu ngoài thị trường. Sự thất bại trong việc hợp tác đầu tiên này làm tôi rút ra được một kinh nghiệm: Khi hợp tác thì phải đồng thuận về tư tưởng, phải chia sẻ được những suy nghĩ, phương thức kinh doanh và điều quan trọng nhất là phải chọn đúng đối tác.

Chuyến đi thu gom đồ dùng vật dụng từ Long Xuyên về Sài Gòn do một người bạn của chúng tôi làm. Sau khi dọn hết đồ ở Long Xuyên người bạn này chạy chiếc Honda Dame đón tôi và người bạn nữa. Chiếc xe thì nhỏ mà chở ba người nên chạy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì bị công an thổi còi, phải chạy lạng lách lòng vòng và tôi còn nhớ khi chạy đến Công viên Bách Tùng Diệp bây giờ (Ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM) thì chiếc xe không chịu nổi nên gãy làm đôi.

Tối hôm đó, ba chúng tôi ngồi nghỉ dưới gốc cây đa to ở công viên với chiếc xe gãy làm đôi và sự thất bại ê chề ở Long Xuyên nhưng lúc đó, chúng tôi lại nói chuyện về những ước mơ của mỗi người, về những mong ước của cái hãng cà phê bé nhỏ của chúng tôi.

Thất bại ở Long Xuyên làm chúng tôi cạn kiệt hoàn tàn về vốn liếng, công việc kinh doanh cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng gặp nhiều bế tắc, chúng tôi không bán được cà phê, công việc kinh doanh chỉ cầm cự tính được từng ngày. Câu hỏi đặt ra thôi thúc chúng tôi là vốn liếng đâu để tiếp tục duy trì.

Lúc đó, chúng tôi có một người bạn đi làm đã được ba năm và dành dụm được trong suốt thời gian đó để mua một chiếc xe Dream trị gia khoảng gần 30 triệu. Tại thời điểm đó thì chiếc xe là cả một tài sản rất lớn của bản thân và gia đình. Chúng tôi suy nghĩ và quyết định ngỏ ý muốn mượn chiếc xe mang đi bán làm vốn kinh doanh. Chúng tôi đặt vấn đề với người bạn một cách chân phương: Nếu đã cho mượn thì coi như đã mất và nếu thành công thì chúng tôi trả lại. Người bạn đã về suy nghĩ và quyết định cho chúng tôi mượn xe đem đi bán.

Bây giờ tôi có đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quí giá bằng chiếc xe máy tình bạn của chúng tôi ngày đó cộng với sự phiêu lưu của tuổi trẻ. Giá trị vô giá của tình bạn là ở những thời điểm khó khăn nhất có những người bạn đã chia sẻ, sát cánh cùng chúng tôi bắt đầu việc tiếp tục gây dựng Hãng cà phê Trung Nguyên.

Bước phát triển

Sài Gòn là một thị trường đầy tiềm năng nhưng rất khó khăn. Tại thời điểm mà chúng tôi mới bắt đầu về thăm dò tại Sài Gòn thì mỗi hãng cà phê đều tài trợ cho mỗi quán bán cà phê của hãng là khoảng 5 triệu đồng. Chúng tôi ngồi nhẩm tính với 100 quán thì lên đến con số quá sức tưởng tượng với vốn liếng là nửa chiếc xe gắn máy đi mượn của người bạn. chúng tôi đi tìm những điểm bán cà phê nổi tiếng để học hỏi, tìm hiểu bí quyết rang xay cà phê ngon và họ tuyên bố rất đơn giản: chỉ có 10 chữ và bán giá với 10 triệu đồng. Nhưng đó là những gì tinh túy, chắt lọc nhất của bí quyết chế biến cà phê.

Vào năm 1996, người làm ăn thuộc thành phần tư nhân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ nhà nước. Nhóm chúng tôi lại như những lần nào, mỗi một lần muốn đầu tư là một lần phải góp vốn. những đồng tiền cóp nhặt bằng mồ hôi của chúng tôi luôn luôn có ý nghĩa trong những lần “Đại hội cổ đông” như thế này. Chúng tôi dần dần mua được máy rang nhập khẩu từ Mỹ và Đài Loan. Trước đây trong đám chúng tôi có người than: mình có làm được 20 năm nữa cũng không bằng người ta. Tôi tỏ rõ quyết tâm rằng: 20 năm nữa của người ta chúng ta chỉ làm trong 6 tháng! Mà đúng vậy. Chúng tôi chỉ mất 6 tháng để có tiếng tăm và một thị trường rộng lớn khắp Tây Nguyên. Tiếp đó, chúng tôi vươn tay về Sài Gòn.

Ngày 20-8-1998 đi vào lịch sử Hãng cà phê Trung Nguyên khi chúng tôi khai trương quán cà phê đầu tiên tại số 587 Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, TP HCM hình thức phục vụ uống cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Và đó cũng là quán cà phê đột phá đi vào lịch sử của giới uống cà phê Sài Gòn khi lần đầu tiên có một quán cà phê phục vụ uống cà phê miễn phí.

Chúng tôi đã định hình quán cà phê của Trung Nguyên là quán cà phê mà khách hàng có thể mua hàng, uống cà phê đối chứng. chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ các quán cà phê ở Sài Gòn để quyết định đưa rất nhiều loại cà phê để khách hàng chọn lựa và hướng dẫn cách thưởng thức cà phê đúng nghĩa theo kiểu cà phê Trung Nguyên. Và điều khác biệt nhất đối với tất cả các quán cà phê tại thời điểm đó là chúng tôi chỉ ra cho khách hàng thấy bàn chất của cà phê, sự khác biệt đặc trưng giữa cà phê Robusta và Arabica, giữa Culi và Robusta và cà phê Sẻ, cà phê Chồn…

Đến bây giờ, quán cà phê này vẫn duy trì hoạt động ở địa điểm cũ nhưng ít ai biết rằng đây là quán cà phê đầu tiên của chúng tôi tại Sài Gòn để từ đây chúng tôi phát triển lên đến con số 500 quán cà phê tại Việt Nam như hiện nay và tiếp tục mở những quán cà phê khác tại nước ngoài.

Cũng trong năm 1998, trên đường Điện Biên Phủ - Pasteur, Quận 3, TP HCM xuất hiện một quán cà phê thứ 2 mang thương hiệu Trung Nguyên. Ngay từ khi xuất hiện, Trung Nguyên đã đem lại một không khí cà phê rất khác biệt cho người dân thành phố có thói quen uống cà phê từ thời Pháp thuộc này.

Trăn trở và hành động vì vị thế Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa

Năm 2000, khi lần đầu tiên tôi đi ra nước ngoài là đến Singapore, tôi thật sự bị sốc và ấn tượng mạnh với một quốc đảo nhỏ bé, rất trẻ với sự phát triển mạnh mẽ và dường như cả một thế giới khác hoàn toàn mở ra trước mắt tôi. Tại thời điểm đó, thông tin về Việt Nam rất ít được bạn bè thế giới biết đến hoặc biết đến những thông tin tiêu cực, không chính xác. Trong suy nghĩ của nhiều người dân ở các nước tôi đến là hình ảnh một Việt Nam trong chiến tranh, một Việt Nam nghèo nàn lạc hậu, họ không được biết nhiều về Việt Nam với nhiều hình ảnh khác, với những giá trị văn hóa, dân tộc truyền thống, với những khung cảnh tươi đẹp thanh bình hay những thay đổi của nền kinh tế đang tăng tốc phát triển.

Điều này đã làm cho tôi rất tự ái, cảm thấy mình mang một mỗi nhục của sự tụt hậu, sự thua kém về nhiều thứ trước nhiều cơ hội và thách thức mở ra của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, hội nhập. Tôi cảm thấy mình phải có một phần trách nhiệm chuyển tải được những giá trị văn hóa Việt, chuyển tải những hình ảnh tích cực hơn về Việt Nam, về một quốc gia không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn mạnh mẽ, kiên cường từng bước vươn lên bằng nội lực của cả một dân tộc để nhanh chóng bắt kịp và hội nhập vào nền kinh tế khu vực.

Dân tộc Việt Nam có một bề dày lịch sử, về tinh thần quật khởi và không cam chịu lùi bước trước nhiều kẻ thù mạnh hơn, đông hơn, hiện đại hơn và nhiều thủ đoạn hơn. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, dân tộc Việt Nam đều lập nên những chiến tích vang dội, vậy khi đất nước chuyển qua thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước bằng nội lực, bằng kinh tế thì chúng ta sẽ ghi dấu bằng kỳ tích gì đây. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như nước Nhật, Hàn Quốc đã từng đứng lên trong tro tàn đổ nát của chiến tranh, trong sự nghèo khó của cả một dân tộc. Và họ đã chứng minh cho cả thế giới thấy sự diệu kỳ của nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc của ngày hôm nay bằng hình ảnh của những biểu tượng tập đoàn kinh tế, bằng những thương hiệu nổi tiếng khắp toàn cầu.

Thời chiến tranh, những người lính đã không ngần ngại hy sinh cả sinh mệnh, cả tuổi thanh xuân và nhiều thứ khác hơn nữa để mong có một Việt Nam hùng mạnh thì ngày nay chúng ta phải cạnh tranh bình đẳng công bằng, càng phải chiến đấu với một tinh thần cao hơn để xứng đáng vơi cống hiến của cha ông ta. Chỉ cần bây giờ chúng ta có một nửa hào khí của dân tộc năm xưa trong chiến trận thì tôi tin chúng ta sẽ làm nên được những điều kỳ diệu cho đất nước trong thời bình.

Tôi không phải là người bán cà phê đơn thuần: chúng tôi có mục tiêu xây dựng một hình ảnh quốc gia thông qua thương hiệu Việt. Trong mỗi sản phẩm Trung Nguyên, chúng tôi gửi đi một thông điệp: hãy dùng hàng Việt Nam. Tất nhiên, nếu chất lượng hàng đó xứng đáng.
Thương hiệu là hình ảnh quốc gia. Thấy Toyota, Sony, Hitachi, JVC người ta biết đó là Nhật. Thấy Mescedes là nghĩ ngay tới Đức. Thương hiệu trở thành một đại sứ, hình ảnh đối thoại của một quốc gia, một dân tộc.

Tôi luôn trăn trở về hình ảnh đối thoại của quốc gia mình. Ai biết đến ta? Nếu không thì mình cứ mãi làm ăn chụp giật, "ăn xổi ở thì". Chúng ta có thể có những doanh nghiệp gia công có hàng ngàn công nhân, tạo ra giá trị hàng triệu đôla nhưng cũng chỉ thuần túy gia công mà thôi. Điều đó cũng tốt nhưng chưa tự chủ, chưa bền vững.

Khi quốc gia có những thương hiệu mạnh thì chính những thương hiệu này sẽ có tình dẫn dắt, là nguồn cảm hứng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhiều thương hiệu, nhiều doanh nghiệp mang cùng khát vọng vươn ra thế giới và trở thành niềm tự hào của nhiều quốc gia.

Lâu nay, chúng ta có cách nhìn và suy nghĩ sai lầm khi cho rằng những lợi thế so sánh lâu nay vốn là điểm mạnh của chúng ta như nhân công trẻ, thuận lợi về địa lý… Trong xu thế toàn cầu hóa thì những lợi thế so sánh nêu trên sẽ dần được thay thế bằng những lợi thế cạnh tranh mới là chuỗi giá trị gia tăng cộng thêm cho thương hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả quốc gia. Quốc gia nào thiết lập được một cách chặt chẽ mối liên kết ngành thì sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của chính quốc gia đó trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hội nhập và phát triển.

Nếu chúng tôi là những chiến sĩ thời hòa bình ra trận với hành trang của lòng tự tôn dân tộc, là sự nhạy bén xoay sỏ trên thương trường thì phía sau chúng tôi còn là một hậu phương vững chắc rộng lớn của hàng triệu người tiêu dùng Việt đã ủng hộ, tin tưởng cho những thương hiệu Việt, sản phẩm Việt. Sự hậu thuẫn mạnh mẽ trở nên có ý nghĩa hơn khi chính các doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần chiến đấu vì một thương hiệu Việt. Sẽ có những mất mát, những hy sinh, những tổn thất rất lớn về tài lực trong một cuộc chiến không cân sức ngay trên chính đất nước của chúng ta, nhưng không thể vì thế mà các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt không sẵn sàng xả thân chiến đấu. Trong cuộc chiến không cân sức thì sự liên kết hợp lực giữa các thương hiệu Việt, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt sẽ là sức mạnh cốt lõi vì một hình ảnh thương hiệu quốc gia.

Điều trăn trở của tôi còn là sự day dứt của nhiều bạn trẻ đang mặc cảm của sự nghèo khó, của lòng tự ti, nhưng tiền bạc không phải là vốn mà điều quan trọng là phải có những ước mơ lớn lao. Hiện nay, có nhiều bạn trẻ đang mang trong lòng những ước mơ rất hạn hẹp về những giá trị vật chất mà thiếu đi “chất lửa” của tuổi trẻ khát khao được cống hiến, được chia sẻ và tâ, huyết với những thay đổi lớn lao của dân tộc, của đất nước – đó cũng là một phần lỗi không nhỏ ảnh hưởng của nên giáo dục hiện nay đang làm bảo mòn đi tính sáng tạo trong suy nghĩ của họ.

Cuộc hành trình của tôi, những con người tâm huyết Trung Nguyên, dù dưới hình thức nào cũng đều nhằm mục tiêu gửi đi thông điệp: hãy xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, người Việt ùng hộ hàng Việt. Và luôn trăn trở để làm thế nào cùng chung sức xây dựng thương hiệu hình ảnh quốc gia, xác lập niềm tự hào dân tộc bằng những thương hiệu Việt vươn tầm Quốc tế"...

Khát vọng làm giàu(chungta.vn Trích từ cuốn sách "Tài năng và đắc dụng")

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét