Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Bầu Đức muốn thành tỷ phú thế giới


20 năm liền, Bầu Đức làm việc miệt mài, không có ngày nghỉ. Ông say mê kiếm tiền đến quên cả bản thân như để trả món nợ cuộc đời, trả nợ cho tuổi thơ nghèo khó làm thợ kéo cày tại quê nhà.

Lâu nay bầu Đức không chỉ nổi tiếng với những thương vụ đình đám trong làng bóng đá như mua cầu thủ nổi tiếng Kiatisuk, sở hữu phi cơ... người ta còn biết đến ông với danh hiệu người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008.

Thế nhưng có một bầu Đức khác mà ít ai biết, đó là cậu bé nghèo khổ của mấy chục năm trước, với những trải nghiệm đắng cay đã trở thành ký ức hằn sâu trong con người ông cho đến tận bây giờ.

Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng, thả ước mơ vào bãi ngô xanh và cánh diều no gió. Lúc bấy giờ Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học và một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, cái nắng cái gió làm cháy tóc sạm da càng khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo.

Lớp 12, năm 1982, cậu khăn gói quả mướp vào TP HCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những tham vọng từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, con đường học vấn không mở ra trước mắt. Năm ấy, Đức trượt đại học… Không nản lòng, cậu lại vùi đầu vào sách vở. Sáng dắt trâu ra đồng, chiều về tranh thủ học bài. Nhưng dù cố gắng đến mấy, Đức vẫn không thể vào được cổng trường đại học. Như một định mệnh, cả 4 lần đi thi Đức đều không đạt kết quả như ý muốn.

Những năm 80, học vấn được coi là thước đo giá trị con người. Nếu không vào đại học cũng đồng nghĩa ước mơ thoát nghèo của cậu bé Đoàn Nguyên Đức chấm dứt và sẽ phải chấp nhận chôn vùi tuổi trẻ tại quê nhà, với con trâu cái cày, nương rẫy và đại ngàn.

“Sau những cú sốc, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó", Đức nhớ lại. Khi ấy, ông nhớ đến hình ảnh của mẹ, người phụ nữ miền sơn cước tần tảo nuôi 9 anh em Đức ăn học. Và ông chợt nhận ra rằng có nhiều con đường để dẫn đến thành công. "Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, bầu Đức nói.

Thế rồi, cậu thanh niên 22 tuổi khăn gói quả mướp lên đường mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ và khát vọng làm giàu. Không tiền, không học vấn, con đường đầy mịt mù mở ra trước mắt. Lúc bấy giờ, ông không biết sẽ bắt đầu từ đâu và bằng công việc gì. Ông chỉ nhớ rằng mình đã làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, để tích góp kinh nghiệm và cố sáng tạo để tìm lối đi riêng. Và cũng chính vì không đạt được ước nguyện bằng con đường học vấn nên Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời.

Sau một thời gian làm thuê, Đức tích góp được một khoản tiền đủ để ông mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Ấy là vào năm 1990, ông tự tay cưa, bào đục đẽo để làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác để hình thành nên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày hôm nay.

Bầu Đức thừa nhận có một nhân vật tỷ phú đã tác động khá mạnh tới tính cách, lối sống, và cách nghĩ suy của ông bây giờ. Đó chính là Bill Gates - tỷ phú người Mỹ khởi nghiệp bằng một chiếc máy tính nhỏ với con đường học vấn dở dang. Ông đã đọc say sưa cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, trong đó có nói về tỷ phú thế giới Bill Gates - người giàu thế giới suốt mấy năm liền. Ông có cảm giác như mình có duyên nợ và nét gì đó rất tương đồng với Bill Gates - tỷ phú thành công không bằng con đường học vấn. “Và tôi hiểu rằng trường đại học của tôi chính là đường đời. Đôi khi tôi tự hỏi, nếu không có tuổi thơ cơ cực, và thất bại trong con đường học vấn, chắc gì, tôi đã có ngày hôm nay”, ông Đức nói.

Miền quê Gia Lai của Bầu Đức giờ đã đổi thay nhiều. Đời sống người dân cũng đã nâng lên, căn nhà gỗ gắn bó với tuổi thơ của ông cũng đã được sửa sang, cơi nới. Và cậu thanh niên Đoàn Nguyên Đức từng suốt 10 năm dắt trâu ra đồng kéo cày đẽo đất khi xưa giờ đã là tỷ phú và là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt năm 2008. Thế nhưng bầu Đức vẫn kiên quyết giữ lại mảnh đất cũ - nơi ông đã từng nếm trải đắng cay, cơ cực. Ông tâm sự: “Ba mẹ tôi vẫn ở quê cách thành phố 20 km. Anh em chúng tôi lớn lên mỗi đứa lập nghiệp một nơi song vẫn quây quần bên ba mẹ những ngày lễ Tết. Quê nghèo nhắc cho tôi rằng phải phấn đấu không ngừng nghỉ. Tôi cảm ơn mảnh đất này”.

Vẫn là hình ảnh cây cau cây dừa, nhưng mỗi lần về thăm quê Bầu Đức lại thấy cảm giác khó tả và cay cay nơi sống mũi. Những kỷ niệm buồn vui xa xưa lại ùa về. “Lúc ấy, tôi lại thấy mình ngày xưa, đang dắt trâu ra đồng chuẩn bị cày trên thửa ruộng sắp vào mùa”, bầu Đức nói.

40 năm qua đi, giờ ông Đức đã có trong tay tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với giá trị ròng lên tới vài chục nghìn tỷ đồng, một câu lạc bộ bóng đá lừng danh với những chân sút nổi tiếng được mua về. Thế nhưng bầu Đức vẫn không cho phép mình được dừng lại. Ông vẫn làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ. Làm việc như thể để trả nợ cuộc đời và một điều lớn lao hơn - ông muốn thực hiện khát vọng của một doanh nhân Việt. Ông muốn làm điều mà nhiều doanh nhân thế giới đang làm.

Và khát vọng cuối cùng của bầu Đức là có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là người giàu VN. “Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này. Đây không còn là danh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc”, bầu Đức nói.

Ở cái tuổi ngoại tứ tuần, sự nghiệp đã đạt độ chín, tiền bạc cũng không còn là vấn đề bận tâm, bầu Đức đang dành nhiều thời gian hơn để thực hiện khát vọng của mình. Năm 2008, lần đầu tiên, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai được niêm yết trên sàn chứng khoán. Với trên 55% số cổ phiếu sở hữu, bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2008 do VnExpress.net bình chọn.

Bất chấp khủng hoảng, suy thoái, dưới bàn tay chèo lái của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn đạt kết quả khá ấn tượng với lợi nhuận 1.700 tỷ đồng năm 2009. Bầu Đức chia sẻ, năm 2008 khi nhìn thấy bức tranh ảm đạm và âm u của nền kinh tế, Hoàng Anh Gia Lai chỉ dám đặt ra mục tiêu lợi nhuận cho năm 2009 ở con số khiêm tốn 1.150 tỷ đồng. Thế nhưng khi lao vào cuộc chiến, ông nhận thấy có rất nhiều cơ hội và có nhiều ngách nhỏ để ông len vào và đạt thành công. “Kết quả thật ấn tượng, chúng tôi đã làm được và đạt tới con số 1.700 tỷ đồng lợi nhuận”, ông Đức chia sẻ.

Ông cho hay trong cuộc đời kinh doanh của mình chưa khi nào đối mặt với khó khăn như năm 2008 và 2009. Thị trường tiền tệ 2008 quá tồi tệ, năm 2009 chưa thoát khỏi khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nhìn đâu cũng thấy khó. Bức tranh ảm đạm bao trùm kinh tế của cả thế giới. Bầu Đức rơi vào trạng thái bi quan thực sự, và có lúc ông tính chuyện buông xuôi. Ấy là vào tháng 7/2008, khi chứng kiến cảnh hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn của thế giới tuyên bố phá sản. Cứ mỗi sáng mở mắt, đã thấy có 2 doanh nghiệp của Mỹ tuyên bố phá sản hoặc có đơn xin bảo hộ, ông lại thấy hoang mang và cảm giác, khủng hoảng như đang đến sát mình.

Tại VN, doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh điêu đứng hàng loạt. Thị trường chứng khoán tụt dốc, chỉ số VN-index dò dẫm tìm đáy, bất động sản đóng băng…, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh càng kinh doanh càng lỗ. Bầu Đức hiểu rằng, trong bối cảnh như vậy, người tài giỏi lắm cũng không tránh khỏi trạng thái hoang mang và ông đặt Hoàng Anh Gia Lai vào tình trạng khẩn cấp với nhiều kịch bản được đưa ra. Các kế hoạch kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận liên tục được điều chỉnh. Và nhờ những quyết sách đúng, kịp thời nên Hoàng Anh Gia Lai là một trong số những doanh nghiệp sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và giữ vững được hoạt động kinh doanh của mình.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2010, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến đạt mức tổng lợi nhuận trước thuế từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng. Công ty đang đẩy nhanh triển khai nhiều dự án, chẳng hạn Dự án Khu chung cư An Tiến (Nhà Bè, TP HCM), Riverview, Phú Hoàng Anh, đường Nguyễn Hữu Thọ, TP HCM và nhiều dự án khác ở Đà Nẵng, Đăk Lăk và Gia Lai…



Những sự kiện đáng nhớ và gây sốc của bầu Đức:

1. Mua tiền đạo người Thái Kiatisuk

Năm 2002, Hoàng Anh Gia Lai quyết định đưa tiền đạo số một Đông Nam Á - Kiatisuk về Gia Lai với mức lương khiến giới chuyên môn, người hâm mộ sửng sốt. Thậm chí, đến cả CLB của Thái Lan cũng không tin nổi điều này. Khi bầu Đức sang Thái để đàm phán hợp đồng mua Kiatiasuk, CLB chủ quản của anh còn không thèm tiếp. Bầu Đức phải ở lại Bangkok ròng rã trong hai tháng để tìm mọi cách tiếp xúc và tiến tới ký kết hợp đồng. Bầu Đức nhớ lại chính chân sút người Thái cũng chất vấn rằng "lấy tiền đâu ra mà trả lương". Khi đó, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai lập tức điện về và ra lệnh chuyển số tiền tương đương hai năm lương vào tài khoản của Kiatisuk.

2. Hợp tác với Arsenal và khai trương Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG

Sự nổi tiếng của CLB nước Anh lan tỏa ở Việt Nam và khắp thế giới nhờ những trận đấu ở giải Ngoại hạng. Học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng trên phố núi với quy trình đầu tư bài bản cho các tài năng bóng đá trẻ. Những mầm non này sẽ tương lai của bóng đá Việt Nam. Hàng tuần, người yêu bóng đá cả nước được thấy dòng chữ Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam chạy trên những banner quảng cáo khắp sân Emirates của Arsenal tại London (Anh).

3. Sở hữu máy bay riêng

Ngày 1/10/2008, chiếc Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD chở bầu Đức lần đầu tiên cất cánh trên bầu trời theo đường bay từ Tân Sơn Nhất tới Gia Lai và quay trở lại. Phí hoạt động của chiếc máy bay cá nhân đầu tiên ở Việt Nam có thể lên tới hàng chục nghìn USD mỗi tháng với phí thuê người lái, xăng dầu, phụ phí sân bãi và bảo dưỡng. Chi phí mua máy bay đều do tự bầu Đức chi trả nhưng để phục vụ công việc cá nhân và cả công ty. Tháng 12/2008, Bầu Đức từng dùng Beechcraft King Air 350 để tới Phuket (Thái Lan) xem một trận đấu của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008.

4. Lên sàn và trở thành người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán

Tháng 12/2008, 190 triệu cổ phiếu (tương đương 1.900 tỷ đồng) của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai niêm yết trên sàn TP HCM. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức nắm giữ 55% cổ phần, tương đương khoảng 104 triệu cổ phiếu.

Với 55% cổ phần trong tập đoàn, ông Đức đã dẫn đầu danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2008 với 6.160 tỷ đồng cổ phiếu HAG. Ngoài ra, tổng tài sản mà Bầu Đức đang có vào khoảng 11.000 tỷ đồng, chưa bao gồm cổ phiếu. Tài sản của Hoàng Anh Gia Lai bao gồm các lĩnh vực như cao su, thủy điện, khai thác mỏ, sản xuất, kinh doanh khách sạn...


Nguồn: Hồng Anh-vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét