Không
có trong tay một tấm bằng đại học nào nhưng bằng khả năng nhạy bén và
sự táo bạo của mình, Nguyễn Văn Lộc đã trở thành một trong những “ông
chủ 8x” tại Việt Nam.
Khởi nghiệp
Tốt nghiệp THPT, Lộc không chọn cho mình một trường ĐH nào như bao
bạn trẻ khác. Anh bắt đầu con đường lập nghiệp của mình từ năm 19 tuổi.
Hành trang của Lộc chỉ là những khóa học ngắn hạn về chuyên viên kinh tế
hay công nghệ thông tin. Năm năm của bước đầu khởi nghiệp, Lộc đã trải
qua nhiều công việc khác nhau như thiết kế website, marketing, chăm sóc
khách hàng, nhân viên kinh doanh…
Doanh nhân sinh năm 1984 Nguyễn Văn Lộc. (Ảnh Diệu Hiền.)
Chính nhờ những công việc này, Lộc đã tích lũy cho mình được những
kinh nghiệm quý giá và quyết định chuyển hướng vào năm 2008. Vay người
thân 150 triệu, Lộc bắt đầu với ý tưởng táo bạo của mình. Lúc này anh
chỉ mới 24 tuổi.
Công ty của Lộc hướng đến hình thức kinh doanh áo thun “customize”
(làm sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng). Hình thức này đã xuất hiện
nhiều nơi trên thế giới tuy nhiên ở Việt Nam nó còn khá mới mẻ và chưa
được nhiều người biết đến.
Lộc chia sẻ môt kỉ niệm vui, khi nhóm của anh lần đầu tiên mặc chiếc
áo với câu Slogan “Tôi yêu Bác Hồ” in bằng công nghệ kĩ thuật số ra công
viên 30/4 chơi, nhiều người rất thích thú với nó, trong đó có cả người
nước ngoài, và cả công viên hầu như náo động vì những chiếc áo này.
Từ đó anh quyết định nhập máy móc từ nước ngoài và đề ra chiến lược
kinh doanh cụ thể nhằm khai thác nhu cầu tự thể hiện phong cách, cá tính
của khách hàng thông qua chiếc áo thun. Ban đầu, công ty chi có 3 người
với vẻn vẹn diện tích 10m².
Trải nhiều khó khăn với nhiều lần chuyển địa điểm, từ diện tích 10m²
và 3 người đã trở thành hơn 1000m² với xưởng cắt, may, in, văn phòng và
con số nhân công đã lên đến 80 người.
Sau một thời gian phát triển tốt, Lộc quyết định nhập khẩu máy móc và
công nghệ in ấn từ châu Âu. Từ đó công việc kinh doanh càng đi vào ổn
định vì chất lượng hàng hóa được đảm bảo, xây dựng được thương hiệu uy
tín đối với nhiều khách hàng và đơn đặt hàng cứ thế tăng lên.
Kinh doanh vì hạnh phúc
Khi được hỏi về triết lí kinh doanh và bí quyết thành công của mình,
Lộc bảo rằng không hề có bí quyết hay một triết lí cụ thể nào cả. Nhưng
đối với anh, cái quan trọng nhất đó chính là sự chân thành. Nếu như mình
chân thành với khách hàng, với đối tác, với nhân viên thì mình cũng sẽ
nhận được sự chân thành từ họ.
Một người thầy đã dạy anh rằng: “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách
phụng sự xã hội”. Câu nói này anh luôn tâm đắc và lấy đó để làm mục tiêu
trong công việc của mình.
Lộc chia sẻ thương hiệu của anh khá đặc biệt vì nó không hướng đến
giá trị lợi nhuận mà đề cao, tôn trọng giá trị nhân bản của mỗi cá nhân.
Chính vì vậy mà công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp rất được chú
trọng. Những gì mà “ông chủ” này làm được cũng xuất phát từ quan niệm
“Thành công chẳng là gì nếu bạn đơn thương độc mã bước trên vạch đích”.
Mục đích kinh doanh của áo thun chỉ gói gọn trong hai từ “hạnh phúc”.
Quan điểm trong kinh doanh của anh cũng rất khác với nhiều người. Anh
cho rằng “Thà ăn một miếng bánh nhỏ trong cái bánh lớn còn hơn ăn một
miếng bánh lớn trong cái bánh nhỏ”. Chính vì vậy mà anh đã chủ động kêu
gọi đầu tư, chia sẻ cổ phần để giúp công ty của mình ngày càng lớn mạnh
hơn. Từ một công ty chỉ có giá trị vài trăm triệu bây giờ đã lên đến
hàng chục tỷ đồng.
Chia sẻ...
Lộc chia sẻ rằng kinh doanh được hay không còn phụ thuộc vào quan
điểm ý thức cá nhân, cách nhìn nhận đánh giá của mỗi người. Một người
muốn kinh doanh thì trước tiên phải xem xét đến ba yếu tố đó là cơ hội,
nguồn lực và năng lực con người.
Nhận thức được thời điểm thuận lợi, nguồn lực đủ mạnh, năng lực của
bản thân đủ để lãnh đạo và kế hoạch kinh doanh cụ thể thì chúng ta có
thể bắt đầu. Sự va vấp ban đầu là điều không tránh khỏi, tuy nhiên có
được những trải nghiệm càng sớm thì sẽ rất có ích cho sự phát triển sau
này.
Theo anh thì hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm, sẵn sàng đổ
tiền vào cho những ý tưởng kinh doanh độc đáo và khả thi của các bạn
trẻ. Đây là cơ hội cho các bạn muốn kinh doanh nhưng không có vốn. Tuy
nhiên anh cũng cho rằng một mô hình kinh doanh tốt thật sự khi tự nó
kiếm ra tiền chứ không chờ đợi các nhà đầu tư.
Một người kinh doanh trẻ cũng có rất nhiều thuận lợi - đó là động lực
làm việc, “độ máu”, “độ chiến” rất cao. Bên cạnh đó, người trẻ thì có
cơ hội thử sai, nắm bắt, tiếp cận được với xu hướng và công nghệ nhanh
chóng.
Bằng hình thức cộng đồng trẻ giúp nhau, hiện nay công ty anh luôn sẵn
sàng chào đón những bạn trẻ có ý tưởng mới và sẽ đưa ra cơ hội đầu tư
nếu ý tưởng đó khả thi. Không chỉ đợi các bạn đến công ty xin ý kiến,
Lộc còn tự mình tìm những ý tưởng hay rồi đến tận nơi tư vấn, giúp họ
biến đam mê thành hiện thực.
“Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội”- đó chính là bí quyết của sự thành công của Nguyễn Văn Lộc.
Diệu Hiền
Nguồn khoinghiep.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét