"Soi mình" hay "phản
quang tự kỷ” là một trong những năng lực quan trọng của bất kỳ nhà quản
trị hay nhà lãnh đạo nào trên thế giới. Trong mắt thế hệ đi trước như
chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, TS. Vũ Minh Khương, nhạc sĩ Dương
Thụ..., hình ảnh của người trẻ nói chung và thế hệ doanh nhân tương lai
nói riêng vừa "tròn" lại vừa "méo".
Nỗi sợ không thành công
Theo
nhạc sĩ Dương Thụ, thế hệ trẻ hiện nay rất nhanh nhạy, năng động và có
những điều kiện mà thế hệ trước không có được. Thế nhưng, điểm yếu lại
là không biết sử dụng sự nhanh nhạy, năng động này vào những việc gì,
hay nói cách khác là mất phương hướng trong hành động.
Giới trẻ
hiện nay rất khát khao thể hiện bản thân, nhưng lại thiếu tư duy độc
lập, thế nên thường a dua, bắt chước. Họ không hề sợ thất bại, trái lại
còn đủ bản lĩnh để đón nhận thất bại, vậy nhưng, cái mà họ sợ nhất là
"không thành công", đặc biệt là không thành công như những bạn bè cùng
trang lứa.
"Cũng chính vì tâm lý này mà đa phần giới trẻ hiện nay
chưa thể làm được những điều to lớn. Thực sự, đi phượt, ca hát, nhảy
múa... không phải là sức sống, mà sức sống thật sự phải là những gì cháy
bỏng tự bên trong mỗi người để tạo nên giá trị cho xã hội", nhạc sĩ
nhận xét.
Gay gắt hơn, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung nhận
xét giới trẻ bằng hai tính từ ngắn gọn: "nhạt nhẽo và dữ dội". Dữ dội là
thái độ dám dấn thân, là quyết tâm tạo nên những điều to lớn, còn nhạt
nhẽo là do thiếu một lý tưởng, một định hướng cho cuộc sống của mỗi
người. Ngày nay, không ít bạn trẻ dám dấn thân nhưng chưa thật sự tìm ra
một lý tưởng, một định hướng cho mình, và chưa thể thuyết phục cộng
đồng cùng đi theo lý tưởng ấy.
"Thế hệ của chúng tôi cũng không
thể gọi là dữ dội, bởi nếu dữ dội thì dân tộc Việt Nam chúng ta đã có
thể sánh vai với các dân tộc như Singapore hay Hàn Quốc rồi", ông Trung
nói.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Minh Khương, giáo sư giảng dạy tại
Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Viện Đại học Quốc gia
Singapore (NUS), chia sẻ, những khác biệt giữa thế hệ trưởng thành và
thế hệ trẻ thể hiện ở ba yếu tố: xúc cảm, tư duy và năng lực hành động.
"Soi"
vào giới trẻ hiện nay, TS. Khương cho biết, các bạn đang thua thế hệ
già về mặt xúc cảm, hơn về năng lực tư duy và tương đồng về năng lực
hành động, tức tư duy chiến lược còn yếu, thừa thực dụng nhưng thiếu
thực tế và hợp tác kém.
Khoảng cách hai thế hệ
Chuyên
gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho biết, thế hệ những người đi trước như ông
không có tuổi trẻ, bởi ai cũng già trước tuổi. Trong khi đó, thế hệ
hiện nay sẽ không có tuổi già bởi các bạn cứ trẻ mãi mà không chịu lớn.
Theo
ông, một người trẻ cần hội đủ hai yếu tố: cái đầu dám suy nghĩ độc lập,
tin và theo đuổi chân lý đến cùng; và trái tim dám ước mơ, sống cống
hiến, dám theo đuổi và biến ước mơ thành hiện thực.
Nhìn lại giới
trẻ hiện nay, đa phần các bạn thích chọn con đường dễ dàng, thích làm
giàu nhanh chóng, thích có bằng cấp mà không chịu khó "thực học", thiếu
tinh thần sánh vai và chưa tìm thấy hệ giá trị thực nâng đỡ cho mọi hành
động.
Cất lên tiếng nói của thế hệ trẻ, chị Ngô Thùy Ngọc Tú, cựu
sinh viên Đại học Stanford, hiện là Giám đốc Chiến lược của Viện Yola,
và nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi cũng thừa nhận những điểm còn hạn chế của thế
hệ mình như lời chia sẻ của những người đi trước.
Quả thật, thế
hệ trẻ hiện nay thừa thông minh, giỏi giang, nhưng vẫn còn thiếu một
tiếng nói chung, lý tưởng chung để ra sức phấn đấu, cống hiến.
Tuy
nhiên, theo nhạc sĩ Dương Thụ, dù có những điểm vượt trội nhưng thế hệ
đi trước cũng có những sai lầm, chẳng hạn như cách ứng xử với tài nguyên
thiên nhiên, điều mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang đấu tranh để khắc
phục.
Như vậy, khoảng cách thế hệ thật sự hiện hữu, nhưng làm thế
nào để lấp đầy khoảng cách này, để các thế hệ hiểu được nhau thì mới có
sự giao thoa về tri thức giữa các thế hệ, để cùng nhau tạo nên những giá
trị mới cho cuộc sống mới là chuyện quan trọng nhất.
Mượn hình
ảnh trẻ trung của nhà văn Nguyên Ngọc, chuyên gia Giản Tư Trung cho
biết, nhà văn hiện đã ngoài 80 tuổi nhưng hằng ngày vẫn lướt web, sử
dụng iPad thành thạo và có thể nói chuyện "tâm đầu ý hợp" với một sinh
viên 20 tuổi bằng chính "ngôn ngữ hiện đại" của họ.
"Vậy vấn đề ở
đây không phải là tuổi tác, mà là liệu chúng ta có sẵn sàng để hiểu
những người thuộc thế hệ khác với mình hay không?", ông Trung nhấn mạnh.
Rõ
ràng, "sống đậm" hay "sống nhạt" thực ra không phải là bản chất, thuộc
tính của giới trẻ, mà chỉ là những biểu hiện tại thời điểm hiện nay. Và,
điều quan trọng là người trẻ có quyền lựa chọn lối sống cho chính mình
và thế hệ của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét