Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Phía sau phụ nữ thành đạt có người 'vọng thê'

Suốt 20 năm miệt mài nghiên cứu khoa học, đi công tác nay đây mai đó, chị vẫn nhận được sự ủng hộ của người bạn đời mà chị âu yếm gọi là "hòn vọng thê".

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà không nói quá nhiều về việc nghiên cứu, mà tâm sự về những ngày thơ bé - quãng thời gian hình thành nên tính cách "cái gì cũng phải làm đến cùng"; và những lời biết ơn chân thành dành cho người đàn ông của mình.
Theo chị, đấy là hai cơ sở quan trọng làm nên những gì chị có được hôm nay. Thu Hà hiện là Phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu. Chị là cán bộ khoa học đầu tiên và duy nhất của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đi sâu vào nghiên cứu các công nghệ xúc tác dị thể ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thu Hà vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia dành tặng nhà khoa học nữ xuất sắc cuối tuần qua.
Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà. Ảnh: H.T.
"Thu Hà có trong mình ngọn lửa đam mê nghiên cứu", bà Hoàng Thị Ái Nhiên, phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận xét. "Ngọn lửa ấy lan tỏa đến nhiều học trò và đồng nghiệp của chị".
Sinh ra ở Thái Bình, từ nhỏ chị đã mơ ước lớn lên trở thành kỹ sư, được làm việc trong phòng thí nghiệm – công việc mà theo nhiều người phù hợp với nam giới hơn. Sau khi tốt nghiệp khoa Hóa, trường đại học Bách Khoa Hà Nội, chị về làm việc tại Viện Hóa học công nghiệp và đã chủ trì nhiều đề tài khoa học Nhà nước, cấp Bộ và cấp Tập đoàn thuộc các lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học và vật liệu thân thiện với môi trường.
Là em út trong gia đình có hai chị em gái, ngay từ nhỏ, chị đã luôn chứng tỏ “bản thân là chỗ dựa của gia đình”. Hồi đó, bố đi bộ đội, trong nhà có ba mẹ con, chị thường tự làm những công việc của đàn ông như lắp đặt đường dây điện trong nhà, sửa xe, sửa ắc qui.
Khi mới 9 tuổi, chị đã phải sống xa nhà, trọ học ở một miền nông thôn – nơi có trường chuyên toán của huyện, nơi nước sinh hoạt đều là nước múc dưới ao lên.
“Khó mà quên những năm tháng đó, tôi và các bạn trong lớp bị ghẻ lở, đến nỗi đồng nghiệp của mẹ tôi thường đùa là tôi đi học ở trường “chuyên gãi” chứ không phải trường "chuyên toán", chị Hà nhớ lại.
Ám ảnh suốt 8 năm học chuyên toán xa nhà là nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Đó là thời kỳ chị thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ và những bữa cơm không khi nào no. Những bữa cơm có mẹ thật ít ỏi. Thu Hà kể buồn nhất là chiều chủ nhật, khi phải chia tay mẹ để quay lại trường. Không muốn mẹ quay về, có lần chị ôm bụng giả vờ đau bụng làm cho mẹ, vì lo lắng quá, đã phải ở lại thêm với Hà một đêm. “Khi đó tôi rất vui vì có thêm thời gian được gần mẹ. Đó cũng là lần duy nhất, tôi nói dối mẹ", chị Hà nói.
Khoảng thời gian học xa nhà đã giúp chị rèn luyện được tính tự lập, nhanh chóng vượt qua nỗi chán nản mỗi khi gặp thất bại để tiến lên cùng bài học rút ra sau mỗi mỗi chặng đường.
Thu Hà tự nhận, từ thuở nhỏ, chị “mắc tật” thường tập trung cao độ vào những việc mình làm, những điều đang suy nghĩ, đặc biệt là những việc khó, chưa làm được. Sau này học đại học, “cái tật” ấy vẫn “đeo bám” chị khiến bạn bè thường gọi chị với cái tên thân mật là “Hà thộn”.
"Khi suy nghĩ mặt tôi thộn ra, trông rất đặc trưng", chị chia sẻ. Và cả bây giờ khi làm việc cùng đồng nghiệp tại Viện Hóa học, vẫn có những khoảng “thộn” như thế.
Dành hầu hết thời gian cho việc tìm tòi phát hiện cái mới, chị đã phải gác sở thích thông thường của người phụ nữ như mua sắm, đi du lịch. Ngoài công việc, mối quan tâm của chị chủ yếu là gia đình. Mái tóc của Thu Hà cũng để ngắn gọn, bởi chị "thích những gì đơn giản".
Theo chị, không có sự phân biệt nam nữ trong nghiên cứu khoa học, sự khác biệt chủ yếu ở đây là với phụ nữ, thời gian dành cho nghiên cứu khoa học sẽ bị hạn chế vì phải chia sẻ thời gian chăm sóc chồng con. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp một cách khoa học quỹ thời gian sẽ làm tốt ở cả hai cương vị mà không phải đánh đổi cái này cho cái kia.
Chị kể, hồi sinh em bé thứ hai, chị chỉ nghỉ đúng 5 ngày trong bệnh viện rồi lại lao vào công việc "vì guồng máy nghiên cứu khoa học ở phòng thí nghiệm không thể dừng".
Hồi công tác ở Pháp, có lần con mới chưa đầy một tháng tuổi, chị đã phải cho bé vào trong chiếc giỏ xách đi những nơi mà chị đến để thuyết trình về các đề xuất nghiên cứu khoa học và các kết quả nghiên cứu.
Dù bản thân nỗ lực như thế, nhưng Thu Hà cũng khó có thể thành công nếu thiếu một hậu phương vững chắc, chị thừa nhận. Những khi Thu Hà về muộn, chồng chị tự giác nấu bữa tối rồi chờ chị về cùng ăn. Con trai chị nhiều khi phải chờ mẹ đến đón muộn nhưng cũng không trách móc mẹ bao giờ, "vì cháu cũng phần nào hiểu mẹ", chị nói.
"Nếu không có sự đồng cảm của chồng chắc chắn tôi khó có kết quả như bây giờ”, Thu Hà tâm sự.
Chị tiết lộ, không chỉ trong khoa học mà ngay cả chuyện yêu đương, chị cũng luôn là người hết mình. "Năm thứ hai đại học, tôi bắt đầu yêu, tình yêu đó là ông xã tôi bây giờ. Hồi đó tôi bị gia đình và bạn bè can ngăn đấy, nhưng tôi vẫn quyết tâm chọn anh".
"Anh ấy là hòn vọng thê thời nay", giọng nhà khoa học nữ như mềm lại, ánh mắt long lanh. "Mùng 8/3 này chắc chắn tôi vẫn phải về muộn vì công việc còn bù đầu. Anh ấy sẽ lại căn giờ, để dành cho mẹ con tôi những món ăn nóng hổi trên bàn”.
Hương Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét