Đến cà phê tầng thượng của một khu nhà cổ ngay trung tâm
Sài Gòn, để gặp ông chủ của boutique đồng hồ đa nhãn hiệu và chuỗi cửa
hàng đồng hồ Cititime - một trong hiếm hoi các boutique đồng hồ cao cấp
do người Việt sáng lập và vận hành - nhiều người tưởng đó phải là một
người đàn ông chững chạc, già dặn và hơi khệnh khạng.
Lê Hoàng Chương |
Vì trước đây trong ngành kinh doanh đồng hồ cao cấp tại Việt Nam, thị
phần hoàn toàn thuộc về các nhà phân phối người Hoa trong khu vực châu Á
- Thái Bình Dương. Để làm nên tên tuổi như Cititime thì phải cần có rất
nhiều mối quan hệ và sự khéo léo, thứ chỉ đến cùng với tuổi tác và sự
lịch duyệt.
Tôi bất ngờ khi gặp anh Lê Hoàng Chương vì anh còn khá trẻ. Ở anh
toát lên một vẻ bặt thiệp, năng động của người hoạt động lâu trong ngành
hàng đòi hỏi sự tinh tế, biết nhiều hiểu rộng. Một chút quan niệm về
công việc, một chút đời tư, Lê Hoàng Chương cho thấy anh là người có cá
tính.
Và cũng như sản phẩm anh đang mang đến cho thị trường, doanh nhân này
luôn tôn vinh những giá trị bất biến theo thời gian: Sự đoàn kết, quan
niệm kinh doanh rõ ràng và trên hết, gia đình như một lực đẩy quyết
định.
* Hiện tại ở Việt Nam, người ta nói, nếu muốn tìm nữ hoàng
“tourbillon” ba cầu của nhà Girard Perregaux (xấp xỉ khoảng 4-8 tỷ đồng
Việt Nam trở lên/chiếc) chỉ có thể đến Cititime. Một số tên tuổi “độc
lập” khác như Titoni, Audemars-Piguet, Sarcar cũng do Cititime phân phối
chính. Có vẻ như sự lựa chọn thương hiệu để phân phối là một “sự lập dị
đáng yêu” của Cititime trong giới sành đồng hồ?
- (Cười) Chúng tôi đâu có “nghỉ chơi” Rolex, Omega… Trong danh mục
đầu tư của Cititime, ngoài một loạt những thương hiệu tầm trung như
Oris, Swatch, Gc, Guess, chúng tôi có thế mạnh độc quyền của một vài tên
tuổi “độc lập” của ngành đồng hồ cơ học trên thế giới.
“Độc lập” hiểu theo nghĩa đây là những hãng từ lúc thành lập đến nay
hoàn toàn được vận hành như một công ty tư nhân, hoặc trong gia đình
hoặc của những người tiếp nối, chứ không thuộc về các tập đoàn lớn đa
quốc gia. Nếu chơi đồng hồ cơ học xa xỉ, thì đây đúng là một cái thú,
cái thú đến từ giá trị sản xuất truyền thống của đồng hồ này.
Kể từ năm 1868, khi nhà Patek Phillipe sáng tạo nên chiếc đồng hồ đeo
tay đầu tiên, thì cái thung lũng làm đồng hồ nổi tiếng nhất Thụy Sĩ đã
trải qua nhiều biến cố lớn. Hầu hết các hiệu đồng hồ cao cấp mà người
bình thường biết đến cũng bởi vì họ đã được thương mại hóa, được các tập
đoàn lớn mua lại và vận hành, như Omega - đồng hồ đầu tiên được theo
chân người lên Mặt trăng, hiện tại thuộc Tập đoàn Swatchgroup.
Hoặc như Rolex - thương hiệu hàng đầu thế giới (về mặt nhận biết
thương hiệu), thì ngoại trừ một vài dòng thực sự cao cấp, còn lại đều
được làm bằng máy móc, không phải bằng tay.
Hiển nhiên những cái tên như Girard Perregaux, Sarcar, Patek
Phillipe, Audemars-Piguet, những tên tuổi này đặc biệt trước hết là do
tính “độc lập” của nó, vốn chính là bản chất của đồng hồ cơ học: những
giá trị truyền thống độc quyền và vĩnh cữu vì đó là nghề gia truyền, sản
xuất có giới hạn, có chữ ký riêng của thương hiệu trong giới săn đồng
hồ cơ học. Mà tôi làm việc với các nhãn hiệu độc lập như vậy, họ gắn bó
với tôi cả cuộc đời, vì họ luôn thấu hiểu và trân trọng những đối tác có
cùng đam mê như họ.
Ngoài niềm đam mê đồng hồ, tôi còn thích thú với thương hiệu S.T.
Dupont, và đây là thương hiệu - không-phải-đồng-hồ duy nhất mà hiện tại
Cititime phân phối tại Việt Nam. Với tôi, niềm yêu thích thương hiệu đến
từ Paris này, bên cạnh sức thuyết phục do chất lượng và kiểu dáng của
sản phẩm, thì cũng không nằm ngoài những triết lý kinh doanh của thương
hiệu - truyền thống độc đáo và sự độc lập trong chiến lược phát triển.
* Trở lại niềm đam mê đồng hồ cơ học của anh. Khởi nghiệp từ sau
ngày bãi bỏ lệnh cấm vận, anh đã có những kinh nghiệm quý báu gì để xây
dựng Cititime?
- Năm nay công ty của tôi kỷ niệm 20 năm trong ngành đồng hồ. Đó là
quãng đường không quá dài, nhưng những bước đi đầu tiên của công ty cũng
là những năm đầu sau cấm vận, đương nhiên là rất có ý nghĩa với tôi.
Nhưng tôi tâm niệm mình chỉ là một người kinh doanh thời gian khiêm
tốn thôi (cười). Tôi ghiền đồng hồ cơ học vì vẻ đẹp kim khí và sự phức
hợp của một cỗ máy nhỏ xíu được chính con người tạo nên.
Khách hàng của tôi nhiều khi đến boutique, hay tôi được mời đến nhà
họ chơi, chủ yếu là để hỏi về cái đồng hồ họ mới tìm hiểu hoặc nhìn thấy
đâu đó vừa mắt. Chia sẻ những chiếc đồng hồ tuyệt tác như thế này với
khách hàng mà cũng là thỏa mãn cái đam mê của cá nhân tôi, được nhìn
ngắm trao đổi tuyệt tác kim khí đó.
Chính ra kinh doanh hàng xa xỉ phẩm mà lại là đồng hồ xa xỉ thì không
quá khó, nhưng ở Việt Nam ít người làm. Thị phần này ngày xưa toàn
trong tay Hoa kiều làm ăn lớn trong khu vực.
Họ là nhân viên của các boutique đồng hồ ở Hongkong, Singapore, nên
có nhiều mối quan hệ với khách hàng lớn tại châu Á, lượng tiêu thụ vì
vậy cũng lớn và ổn định, từ đây việc lấy các thương hiệu tên tuổi về bán
hết sức dễ dàng. Thêm nữa, thuế suất tại các nước này cũng ưu đãi (chỉ
từ 5 - 7%) trong khi thuế suất của Việt Nam thời đó là 40%!
Họ
xách tay một ít về Việt Nam bán thì cũng là rất lời rồi. Tôi ngày xưa
cũng khởi nghiệp bằng cách bán giùm đồng hồ cho họ, vì trót si mê cái
nghiệp đồng hồ cơ rồi! Sau đó tôi tự làm riêng và mở Cititime.
Nếu mọi người đoàn kết lại với nhau, nói riêng trong lĩnh vực hàng
cao cấp thôi, thì người tiêu dùng được hưởng lợi mà doanh nghiệp cũng
phát triển. Vì các nhãn hiệu lớn đều đòi hỏi mặt bằng, rồi sức mua, đầu
tư mạnh hay yếu, khả năng quản lý thương hiệu ra sao…
Mặt bằng dành cho hàng xa xỉ ở Việt Nam thì chưa thể sánh với các
nước. Mới có khu Rex Arcade là sang trọng nhất hiện tại, hy vọng khi
Vincom A ra đời, cùng với Opera View Tower, sẽ tạo thành một khu vực
hàng hiệu nổi tiếng để đón chào nhiều thương hiệu quốc tế hơn nữa.
Những yếu tố đó, nếu các doanh nghiệp trong nước biết liên minh lại
với nhau, thì việc thực hiện không khó. Sớm muộn gì Việt Nam sẽ “đủ mặt
anh tài”, người giàu trong nước không cần phải ra nước ngoài mua sắm.
Thêm chính sách thuế suất ưu đãi nữa để chúng ta có thể cạnh tranh
với các nước chung quanh. Trong những năm qua cũng có nhiều thay đổi về
thuế rất thích hợp cho doanh nghiệp.
Tôi cũng chờ những cơ hội tốt để phát triển Cititime! Vài ba năm nữa,
nếu việc cổ phần hóa là có lợi, tôi cũng không bàn ra, vì lúc đó đòi
hỏi của thị trường sẽ cực kỳ lớn.
* Những đòi hỏi này sẽ như thế nào?
- Người Việt mình ngày càng tinh tế. Chơi đồng hồ không giống “đi
khoe của” đâu vì không mấy ai nhìn cái đồng hồ mà biết giá trị có khi
bằng ngôi biệt thự. Họ chơi vì cái đam mê những cỗ máy cơ học tinh tế,
có thể nói là kỳ quan của nhân loại về mặt cơ khí!
Tôi ngưỡng mộ những “tay chơi” sành điệu như vậy, toàn là những tay
sưu tập và rất am hiểu thế nào là high complications, tourbillon. Có
những bộ sưu tập đồng hồ trên 5 triệu USD đang hiện diện ngay tại Sài
Gòn!
Dĩ nhiên, những khách hàng đã “chơi” đồng hồ cao cấp lâu năm, thì sẽ
tìm những thương hiệu như Girard-Perregaux, Audemars Piguet, Sarcar,
Patek Phillipp, Vacheron Constantin, nhưng vẫn còn một thị phần rất lớn
dành cho thương hiệu tầm cao cấp - trung.
Vì vậy nếu bạn muốn làm hài lòng hết tất cả khách hàng, thì mức đầu
tư của bạn cũng phải trải rộng và bao quát. Nhưng cái may mắn cho tôi,
là khách hàng càng ngày càng sành điệu và lịch lãm, và đòi hỏi càng cao.
Người ta mua cái kỹ thuật của nghệ nhân, cái lịch sử thương hiệu, chứ
không chỉ mua cái đồng hồ đơn thuần.
Tôi chỉ mong ngày nào cũng được chạy vắt giò lên cổ chỉ để tìm cho
bằng được một cái đồng hồ quý cho khách hàng khi họ tìm đến mình chia sẻ
cái “ám ảnh cơ khí” mới nhất của họ. Đã là đam mê rồi thì khó bỏ lắm,
chứ còn kinh doanh thì chỉ để cho vợ con hưởng mà thôi!
* Nếu nói về gia đình, nhà anh là vượt chuẩn “quy hoạch” đấy nhé!
- Đối với tôi gia đình quan trọng lắm, con cái đầy nhà, tràn ắp niềm
vui, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi rồi. Xét cho cùng, khi mình làm ăn
kinh doanh thì cũng chỉ để cho vợ cho con, vì gia đình chính là đam mê
và niềm kiêu hãnh của mình.
Tôi tự hào vì mình mang đến cho con cái kiến thức, trình độ, vì đó
chính là gia sản lớn nhất để nó mang theo bên mình. Gia đình nào cũng có
lúc “lên”, lúc “xuống”, giống như kinh doanh vậy.
Rồi chưa kể không chỉ có mình với vợ, mà còn cả gia đình lớn của hai
bên. Giữa tôi với vợ, thật ra việc hay cãi nhau nhất vẫn là cách dạy con
thôi chứ không có gì lớn cả.
Tôi nghĩ lỡ gia đình tan rã, thú thật tôi chẳng còn động lực gì để
làm ăn nữa, đó là lý do tôi rất trân trọng những người thành đạt, và giữ
được gia đình của họ. Có nhiều người tôi biết, đang ở đỉnh cao của địa
vị, tiền bạc, mà không giữ được gia đình, tôi cho đó là thất bại.
Có thể suy nghĩ của tôi hơi phong kiến, nhưng đó là cái tôi cảm nhận
được từ cuộc sống chung quanh mình, khách hàng, bạn bè. Tuy nhiên có một
điều tôi thấy mình khá cấp tiến: đó là muốn vợ mình đi ra ngoài nhiều
hơn ở nhà, gặp gỡ, giao tiếp học hỏi để bắt nhịp được với cuộc sống,
thời đại.
Tôi thích người vợ thông minh hơn là một người vợ chỉ biết đến cái
đẹp hình thức, vì như thế, chắc chắn con cái sinh ra đã có mầm mống hư
rồi.
* Nhưng vợ anh, theo khách quan mà nói, lại rất duyên dáng, mà còn là người xông xáo luôn ở cạnh anh trong kinh doanh nữa?
- Ông bà ta nói đúng, phải có nội tướng trong nhà. Vợ tôi
một tay lo cho gia đình, lại còn giúp được chuyện kinh doanh ở công ty,
tôi cũng không biết sao mình may mắn vậy! Vợ tôi dạy con nhiều khi trái
ngược với tôi, không nuông chiều, nhưng chính vì vậy mà các con tôi đều
nên người cả, khiến tôi rất biết ơn!
Từ vợ mình tôi nghiệm thấy phụ nữ thời nào cũng có người giỏi giang,
tháo vát, thời nay càng được nhiều cơ hội hơn, thì cống hiến cho xã hội
còn đáng kể hơn nữa. Mà với những người phụ nữ như vậy, ở vai trò làm mẹ
thì những người đàn ông như tôi sẽ yên tâm về tương lai con cái mình.
Bởi vì, khi đi ra ngoài, tôi thấy vẫn còn nhiều thứ bất cập quá, như
thanh niên trai tráng lại đi làm những nghề dành cho người về hưu như
lái taxi, lại dễ sa vào chuyện ăn chơi, bài bạc! Xã hội mà không có
hướng nghiệp tốt, thì thấy tiếc cho sức trẻ bị lãng phí! Xin cảm ơn
những chia sẻ rất thật của anh, và chúc anh cùng gia đình luôn hạnh
phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét