Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Kiếm bộn tiền từ tình yêu của người khác

Nắm bắt thị trường từ trào lưu hai người yêu nhau mặc quần áo giống nhau đang khiến nhiều chủ cửa hàng “hốt” bạc.
Hiện nay, dọc các con phố thời trang của Hà Nội đang rộ lên các shop thời trang đôi, gia đình... thu hút rất nhiều khách hàng. Các mẫu hàng hấp dẫn người mua nhưng sâu bên trong là một loạt chiêu bán hàng “tinh quái” rút hầu bao của khách.
Đồ đôi một thị yếu mới thu hút giới trẻ hiện nay.
Kết hợp đôi để bán hàng
Các con phố thời trang đồ đôi ở khu vực Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân vào buổi tối luôn tấp nập người đến mua sắm. Nhân viên của các cửa hàng này cũng khá đặc biệt. Chủ yếu là các bạn tuổi teen, sinh viên, học sinh. Nhiều cửa hàng thuê một đôi nam nữ để vừa bán hàng vừa kiêm luôn người mẫu cho shop.
Tạt vào một shop đồ đôi ở đường Trường Chinh (Hoàng Mai, Hà Nội), sau câu nói bâng quơ của tôi: “Cặp uyên ương bán hàng ăn ý quá” thì đôi bạn trẻ dè chừng thổ lộ “là chị em thôi”. Qua tìm hiểu được biết, người con trai là con chủ cửa hàng, kém Mai Hoa (cô sinh viên năm nhất Đại Học Văn Hóa 2 tuổi) là “cặp đôi hoàn hảo” trong từng ý tưởng bán hàng của chủ quán. Theo lời kể của Mai Hoa, để thu hút được khách hàng cô chủ “quán triệt” rất gắt gao chuyện ăn mặc đến cách chào mời và cách “diễn” đôi ăn ý để “câu” khách.
Hoa được thuê bán hàng từ 15 giờ chiều đến 22 giờ 30 phút đêm với thù lao là 3,5 triệu/ tháng. Với mức lương đó, Hoa thấy công việc “diễn” bán hàng của mình là khá ổn. Nhưng khó khăn nhất với Hoa là bài toán “kẻ tung, người hứng” với cậu con trai cô chủ để đủ đạt doanh thu yêu cầu. Hoa phải làm mọi chiêu trò để khách rời khỏi quán mà phải tay xách theo hàng.
Đến một shop đồ đôi khác nằm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) khách hàng bị hấp dẫn bởi sự đa dạng của các mốt đôi. Ở đây có những mẫu quần áo dựa theo phim chuyện tình nổi tiếng Hàn quốc, hay những biểu tượng tình yêu bất diệt, những câu khẩu ngữ ngẫu hứng về tình yêu của giới trẻ... Ở shop này không chỉ đa dạng về mặt hàng mà còn đa dạng trong nhãn hiệu hàng hóa. Điểm qua một dãy hàng đôi trong shop có tới gần chục nhãn hiệu khác nhau mặc dù cửa hàng quảng cáo “tất cả là hàng hiệu”. Và bằng cách làm “mát lòng” người mua với thẻ ưu đãi giảm giá từ 20% đến 40% thì nhiều cửa hàng dễ “câu, dụ” khách hàng có tâm lí ham rẻ mua số lượng lớn.
Hiện nay thời trang đôi không chỉ là quần áo mà còn phổ biến với các mặt hàng giầy dép, thời trang mũ, nón các loại. Thậm chí không chỉ độc, lạ với đồ đôi, các shop thời trang còn thu hút khách với một chuỗi đồ cho cả gia đình. Xu hướng thời trang gia đình này mặc dù mới du nhập từ nước ngoài về nhưng đã khiến nhiều người “điên đảo”.
Những mánh lới “móc túi” khách hàng
Khảo sát giá một số shop đôi “đắt khách” ở khu vực Thanh Xuân, Cầu Giấy ( Hà Nội) thì các bộ áo đôi thường có giá từ hơn 200 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/ bộ. Các cửa hiệu đồ đôi hầu hết mới ra đều quảng cáo là hàng Quảng Châu (Trung Quốc) để đánh vào tâm lí ham rẻ của sinh viên. Nhưng thực chất khi ứng với những mặt hàng cùng loại tại các chợ đêm sinh viên thì giá đã được đội lên gấp đôi. Và những cặp áo đôi đó là những cặp áo một mẫu nhưng khác size (kích cỡ). Như vậy, thay cho việc bán một chiếc áo thì họ sẽ bán được hai chiếc áo cùng loại với giá được đội lên gấp đôi thậm chí gấp ba, tùy ý của chủ cửa hàng.
Qua cuộc khảo sát, PV có những khám phá không ngờ từ shop đến chợ đêm. Cùng một loại áo phông cổ tròn trắng với họa tiết một đôi nam nữ đang ngồi ngắm trăng ở cửa hàng đồ đôi trên đường Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) nhãn feiel có giá 450 nghìn đồng/đôi nhưng đến chợ đêm sinh viên Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội) chiếc áo nam này được bán phổ biến ở tất cả các gian hàng với giá 85.000 đồng/ chiếc. Và như vậy với cách này thì chủ cửa hàng có thể thu một nguồn lợi rất khủng từ những bộ đồ đôi “rởm”.
Mặt khác thì theo hình thức online, các shop thời trang đôi có điều kiện trưng diện những mẫu hàng “hot” rên các trang mạng trên các trang rao vặt bán hàng. Thông qua hình thức này, khách sẽ tự gọi đến cửa hàng để đặt. Giá cả có thể đội lên tùy theo… hứng của chủ shop dựa vào cớ “phí vận chuyển”, hoặc “hàng khan hiếm” để chặt chém khách. Hay thông qua các trang mạng cá nhân, các cửa hàng có thể tưng bừng khai trương, khuyến mại giảm giá để bán chạy hàng. Cũng do bán hàng trên mạng nên người mua không biết được chất liệu thực của áo, quần. Vì thế khi sử dụng được một thời gian ngắn áo đã xù lông, nhăn nhúm. Vì thế, sau khi sử dụng đã có không ít comment phản hồi theo hướng tiêu cực. Email hanhhanhtanh@gmail.com bày tỏ bức xúc trên trang muasamla.net : “Hàng chất liệu quá bình thường, “chém” phí dịch vụ đắt mà không bằng hàng chợ”.
Để tìm hiểu nguồn gốc của những bộ thời trang “hot” này, phóng viên đã có cuộc khảo sát tại các chợ đầu mối chuyên bán buôn, bán lẻ quần áo “giá mềm nhất” ở Hà Nội. Tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) các mẫu đồ đôi “độc” hàng Quảng Châu ở các shop thời trang đôi trong nội thành được bày bán “nhan nhản”. Trong khi đó giá thành ở đây chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/3 giá đồ đôi cùng một mẫu tại các shop đôi trong nội thành khi mua với hóa đơn từ 5 bộ trở lên. Một bộ đôi, áo kẻ ngang của nam và áo váy nữ kẻ ngang mã TN 089 tại shop đôi Thanh Xuân có giá 400 nghìn đồng trong khi cũng bộ đồ đó ở chợ Ninh Hiệp chỉ có giá 130 nghìn đồng.
 
Theo NĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét