Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Vương Quang Khải - Phó Tổng giám đốc VNG: Kinh doanh internet là chấp nhận cạnh tranh toàn cầu

Là một trong những cái tên có công đi đầu trong việc khai phá thị trường nội dung số tại Việt Nam với hàng loạt dự án, việc Vương Quang Khải đầu quân về VNG được xem như hổ chắp thêm cánh.
Hơn 5 năm, với “đôi cánh” ấy, Vương Quang Khải đã khiến Zing, một sản phẩm chủ lực của VNG, do anh sáng lập và điều hành, “bay” đến vị trí hàng đầu trên thị trường Internet Việt Nam với ba chỉ số ấn tượng: lượng người dùng đến nay đã hơn 15 triệu, tổng thời gian truy cập tương đương 2,5 tỷ phút và lượt xem là gần 1,4 tỷ.
* Chấp nhận đầu quân về VNG được xem là lựa chọn khôn ngoan của ông để có thể tận dụng lợi thế tài nguyên, cơ sở vật chất. Đến nay, sau 5 năm gắn bó, ông có thấy mình đã quyết định đúng đắn?
- Hơn 5 năm về với VNG là khoảng thời gian hạnh phúc của tôi. Chưa bao giờ tôi thấy hối hận về quyết định của mình. Tuy nhiên, không phải tài nguyên hay cơ sở vật chất đã hấp dẫn và giữ chân tôi lại, mà là lợi thế về con người. Trong lĩnh vực kinh doanh Internet, đây mới chính là điểm tạo nên thế mạnh của công ty.
Bên cạnh đó, tôi cũng tìm thấy sự đồng cảm và ủng hộ từ Ban giám đốc. Không như nhiều công ty khác, ở VNG, đội ngũ lãnh đạo đã định hướng kinh doanh Internet là con đường dài nên sẵn sàng đợi chứ không đòi hỏi thành quả trong một hay hai năm. Tinh thần chấp nhận khác biệt, chấp nhận làm khác này không phải tổ chức nào cũng có thể có được.

*Có điều gì khiến ông băn khoăn?
- Nếu mình yêu thích và để tâm vào công việc thì làm ở đâu cũng khiến mình cảm thấy lo cho công việc. VNG kinh doanh Internet nghĩa là chấp nhận cạnh tranh ở mức độ toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng nhân sự bản địa còn hạn chế, nên khá chật vật trong trận chiến toàn cầu này.
Tôi đã từng sang thăm trụ sở của Google và Facebook. Ở đó, họ có đội ngũ nhân sự là hàng chục ngàn kỹ sư đẳng cấp thế giới. VNG hay bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào đều không có được lợi thế ấy. Cạnh tranh với “vốn liếng” nhân lực như hiện giờ là điều khiến tôi băn khoăn nhất.

* Có một thực tế là nhân viên VNG thường ra đi từng nhóm lớn. Điều này tác động thế nào tới người làm quản lý như ông?

- Ở bất cứ công ty nào hiện tượng “nhảy việc” cũng xuất phát từ hai nguyên nhân: không thành công ở vị trí hiện tại hoặc nhận được lời đề nghị hấp dẫn hơn.

Tôi nghĩ, việc ra đi trong cả hai trường hợp đều đúng đắn. Bởi nhân viên không thành công ở môi trường này thì cần thay đổi môi trường khác thích hợp để có thể phát huy khả năng. Trong trường hợp họ nhận được đãi ngộ tốt hơn thì cũng nên chúc mừng, vì họ đã được hưởng những điều công ty cũ không thể mang lại cho họ.

Ngày trước, khi VNG khởi nghiệp, các thành viên chủ chốt cũng được tập hợp từ các công ty công nghệ khác sang, đó là quy luật tự nhiên. Hiện nay, nhân viên ở VNG sang công ty khác đều được thăng một đến hai cấp. Ban lãnh đạo VNG cũng tự hào vì đã đào tạo được những con người có năng lực. Với người trong ngành CNTT, FPT trước đây được xem nơi đào tạo nhân lực tốt và đã cung cấp được nguồn lực chất lượng cho ngành. Như vậy, dù người của VNG đi ra thì cũng là đóng góp của VNG cho ngành Internet Vietnam.

* Nói như vậy nghĩa là VNG không có chiến lược giữ người?
- Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho tất cả nhân viên. Tuy nhiên chúng tôi luôn có sự ưu ái cho những người thực sự tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi gọi đó là chiến lược tập trung nguồn lực.

* Chính sách đãi ngộ này vô hình trung sẽ tạo nên sự phân biệt đối xử, điều này không tốt cho công tác quản trị. Ông có nghĩ vậy?
- Cách làm của VNG tạo nên sự công bằng trong đóng góp. Nếu muốn được đãi ngộ tốt thì hãy đóng góp tốt. Tuy nhiên, không phải đã thuộc lực lượng chủ chốt của công ty thì không cần cố gắng nữa. Nếu ngừng sáng tạo, những thành viên ấy sẽ không giữ được vị trí của mình.

* Việc tuyển dụng ở VNG có khắt khe lắm không, thưa ông?
- Chúng tôi xét sáu giá trị cốt lõi để tuyển dụng. Trong đó, chúng tôi không đề cao sự sáng tạo, mà coi trọng tính năng động. Chúng tôi cho rằng năng động giúp mọi người làm tốt nhiệm vụ của mình trong điều kiện thực tế trong công ty hiện nay.

Về mặt bản chất, tôi nghĩ cuộc sống hiện nay rất khó có sự sáng tạo hoàn toàn, mà chủ yếu là không ngừng cải tiến, làm tốt hơn những cái đã có. Với ngành Internet, điều này càng rõ hơn. Ví dụ: Trước Google đã có nhiều công ty làm công cụ tìm kiếm, và Facebook cũng không phải là công ty đầu tiên làm mạng xã hội.

Chúng tôi tự tin VNG có chiến lược tốt nhất, biết rõ mình muốn làm gì. Định hướng rõ ràng là thế mạnh của chúng tôi.

* Niềm tin của ông dựa vào đâu?
- Lịch sử được khắc họa bởi niềm tin của một số cá nhân. Họ thuyết phục những người xung quanh cùng tập hợp và đi theo con đường chung. Niềm tin của chúng tôi tất nhiên là Internet. Internet đã tạo thành “sứ mệnh, tầm nhìn” của VNG: phát triển Internet để thay đổi đời sống con người.

*Trong những buổi họp mặt vẫn thấy ông hòa đồng hết mức với nhân viên, tác phong này có được duy trì trong công việc?

-
Tôi là người hướng nội, không tự tin trước đám đông và không có khả năng thuyết phục hùng hồn. Tôi chỉ có thể tự tin khi chia sẻ những gì bản thân mình tin tưởng. Tôi quản lý nhân viên theo tinh thần dân chủ nên thường để mọi người độc lập với công việc của mình, miễn là theo định hướng chung.
Người lãnh đạo không cần biết nhiều nhất, mà phải biết tạo điều kiện để những người làm việc với mình có thể phát huy năng lực bản thân. Tôi nghĩ, có nhiều cách để thành công và kết quả công việc tốt quan trọng hơn phương pháp tiến hành như thế nào. Tất nhiên, ở đâu cũng có những nguyên tắc chung. Đạt được kết quả mà phạm những nguyên tắc chung thì tôi không ủng hộ.

* Đây là quan niệm do ông ảnh hưởng từ gia đình?

- Ngoài sự tự tin, bố tôi dạy tôi nguyên tắc sống phải tôn trọng người khác. Mỗi người có cách làm của riêng mình và nên hỗ trợ để mọi người có thể phát huy được hết khả năng. Tất nhiên, tự do của việc tôn trọng cũng có giới hạn, đó cũng là nguyên tắc sống của tôi.

* Với đối tác của ông thì sao, thưa ông?
- Không có công ty nào làm được tất cả mọi việc. Đây là thời đại của “Open platform” (nền tảng mở). Chúng tôi đã và đang mở nền tảng Zing để các công ty khác có thể cùng hợp tác và chia sẻ doanh thu.

* Gây dựng Zing, điều ông tự hào nhất về Zing là gì?

-
Thành công lớn nhất của Zing là sự đón nhận của người dùng. Cứ 5 người Việt Nam thì có 1 người sử dụng sản phẩm của Zing. Tất nhiên, đó không phải là thành quả của một vài cá nhân, mà là thành công của một tập thể.
* Điều ông chưa làm được cho Zing?
- Một trong những điều tôi băn khoăn là làm sao mở rộng tập người dùng cho Zing. Mong muốn của tôi là một ngày nào đó, tất cả người dùng Internet Việt Nam đều sử dụng dịch vụ của Zing.

* Vậy chiến lược phát triển của Zing trong thời gian tới?
- Tất nhiên vẫn là số lượng người truy cập. Dù vậy, với xu hướng mobile Internet đang ồ ạt: 15% lượng truy cập Internet từ điện thoại, chúng tôi sẽ đầu tư mạnh cho lĩnh vực này trong thời gian sắp tới. Nếu như ngày trước Zing chỉ có một nhóm làm ứng dụng mobile thì nay tất cả các nhóm đều phải làm.

* Dành tổng lực cho công việc, một ngày của Vương Quang Khải có gì khác với người thường?
- Tôi cũng như người thường. Có việc làm, có gia đình, có phim, có nhạc, có sách. Tôi làm việc trên 10 tiếng/ngày. Có khi không đủ thời gian tôi cũng mang việc về nhà làm.

* Nghĩa là ông và vợ ôm laptop, còn con ôm iPad?

- Áp lực công việc đến từ nội tại bản thân chứ không phải từ môi trường xung quanh. Đây là vấn đề của các gia đình hiện đại. Tôi luôn nhắc mình phải điều hòa công việc và gia đình, khuyến khích nhân viên của mình về sớm.

* Công việc của ông không theo con đường của người bố - nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn, ông có muốn con ông cũng đi theo con đường giống mình?
- Điều tôi mong muốn nhất là con tôi có thể chia sẻ quan niệm sống với tôi. Còn con đường đi của các con, tôi muốn chúng đi theo tiếng gọi của chính trái tim.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Andy Ho - Giám đốc Điều hành Tập đoàn VinaCapital: Con người còn quan trọng hơn cả báo cáo tài chính

“Sống” trong giới đầu tư tài chính trong nước và quốc tế đã hơn 15 năm, việc ghi nhận từng dấu hiệu nhỏ nhặt, xâu chuỗi từng sự kiện xảy ra dù nhỏ nhất… đã trở thành “phản xạ vô điều kiện” của Andy Ho, Giám đốc Điều hành Tập đoàn VinaCapital. Chính điều này đã giúp ông có cái nhìn thấu đáo hơn về đối tác và đánh giá những thương vụ mua - bán.
Andy Ho - Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital - Ảnh: Quý Hòa
Đối với các nhà quản lý trong giới tài chính - chứng khoán, sở hữu được kỹ năng này là điều vô cùng quan trọng để đi đến những quyết định “không bao giờ phải hối tiếc”. Cũng vì lẽ đó, sau khi rời Prudential Việt Nam và gia nhập VinaCapital năm 2007, sự cộng hưởng của một trong những thương hiệu tập đoàn quản lý tài sản hàng đầu Việt Nam (với giá trị tài sản quản lý lên đến 1,7 tỷ USD) cùng với uy tín cá nhân đã làm cho “nhân hiệu Andy Ho” ngày càng nổi bật.
* Tại sao ông quyết định “đầu quân” về VinaCapital khi đang khá thành công trong vai trò quản lý danh mục và hoạch định chiến lược đầu tư cho Prudential?

- Thông thường, một cá nhân muốn làm trong lĩnh vực đầu tư có hai chọn lựa: hoặc là làm cho một công ty đầu tư và quản lý danh mục đầu tư của công ty đó, được đối xử như mọi nhân viên trong công ty, làm tốt công việc được giao sẽ có lương kèm thưởng, làm không tốt thì có nhiều khả năng sẽ bị sa thải; lựa chọn thứ hai là làm cho một công ty chỉ chuyên về quản lý quỹ.
Khi tôi làm cho Dell Computer Corporation, chuyên môn của Dell không phải là đầu tư, họ sản xuất máy vi tính và bán. Số tiền tích lũy được từ lợi nhuận bán hàng họ sẽ thuê một nhóm vào quản lý và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty công nghệ.
Nếu công ty có khó khăn, họ sẵn sàng lược bỏ bộ phận đầu tư để tập trung vào ngành nghề chính. Còn đối với quỹ đầu tư, đầu tư là cốt lõi và con người là tài sản quan trọng nhất của công ty. Vì vậy, thành công hay thất bại của quỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân và ngược lại.

Khi bước vào Dell, tôi thuộc nhóm quản lý một danh mục đầu tư 1 tỷ USD. Dell là một thương hiệu mạnh, đi đến đâu cũng được chào đón vì ai cũng muốn được Dell đầu tư.
Dell mang đến cho tôi nhiều cơ hội học hỏi, đầu tư và rút kinh nghiệm. Prudential cũng là một thương hiệu toàn cầu, cũng được nhiều người biết đến, vì thế, “đầu quân” về đây, khi đến nói chuyện về đầu tư với bất kỳ công ty nào tôi cũng đều được chào đón.

Sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm có được từ những tổ chức toàn cầu giúp tôi có cái nhìn khác hơn về rủi ro và lợi nhuận của mỗi khoản đầu tư, thế nên tôi đóng góp được nhiều hơn khi gia nhập VinaCapital.
Ý tôi là ở giai đoạn đầu mình nên làm việc với một công ty có thương hiệu để tích lũy kinh nghiệm, vì nếu mình đã từng làm cho những doanh nghiệp có tên tuổi thì đối tác sẽ dễ dàng biết mình là người tốt hay xấu, làm việc có hiệu quả hay không.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Dell hay Prudential và VinaCapital, dù công việc tương đối giống nhau, là khái niệm nhân viên và “partner”. Ở Dell hay Prudential tôi là một nhân viên cấp cao; còn ở VinaCapital tôi là một “partner”, sự thành công của công ty gắn liền với sự thành công của cá nhân và ngược lại.

* Ở Dell Ventures, với số tiền quản lý lên đến 1 tỷ USD, ông đã có những đóng góp gì để giúp Dell sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất?

- Lúc bấy giờ Dell tập trung vào hai tiêu chí: khai thác được lĩnh vực công nghệ và đạt hiệu quả về đầu tư. Để làm được điều này cần phải có chuyên môn.
Lúc đó tôi chuyên về công nghệ cứng. Một trong những thương vụ đầu tiên nhóm chúng tôi thực hiện là đầu tư vào VMware Corporation.
Khi đó công ty này chỉ có giá trị 100 triệu USD, còn bây giờ đã là hơn 20 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Mỹ (công nghệ của họ là gom và tách các phần cứng để phân phối công suất các server cho từng cá nhân trong tập thể sử dụng một cách độc lập, tránh trường hợp dư thừa, lãng phí).
Những công ty Dell chọn đầu tư chủ yếu là chưa có doanh thu, lợi nhuận vì môi trường ở Mỹ tạo điều kiện cho công nghệ phát triển. Còn ở Việt Nam, hiện cơ hội của Quỹ DFJ VinaCapital - chuyên về công nghệ cao, không nhiều, đầu tư chủ yếu vào những công ty đã có doanh thu. Do đó, chênh lệch về lợi nhuận/vốn đầu tư không cao.

* Khi ông về Prudential thì sao?


- Tôi tập trung rất nhiều vào lĩnh vực ngân hàng khi làm cho Prudential. May mắn là đầu tư vào ngành này nói chung cũng khó sai lắm, đầu tư ở mức giá từ 3.0-4.0 lên 10.0-13.0 là chuyện bình thường.
Thời điểm đó, phần lớn đầu tư tương đối dễ mang lại lợi nhuận, quan trọng là cao hay thấp thôi. Thời điểm này, các quỹ đầu tư chủ yếu tham gia đầu tư chứng khoán và trái phiếu.
Các thương vụ năm 2004 cũng tương đối nhỏ, lớn nhất là TPG đầu tư vào FPT, cũng chỉ 20-30 triệu USD. Lúc đó tôi đầu tư chủ yếu vào Kinh Đô, Vinamilk, REE, Nhà Thủ Đức và các ngân hàng lớn như: Techcombank, Sacombank, ACB, Eximbank, Đông Á, tất cả đều đem về lợi nhuận cao.

Hiện nay tôi vẫn là nhà đầu tư cá nhân tại PRUBF1.

- Năm 2004-2007: Giám đốc Đầu tư Công ty Prudential VN.

- Năm 2007-nay: Giám đốc Điều hành và Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital. Andy Ho phụ trách chính Quỹ VOF (quỹ đầu tư cổ phiếu lớn nhất Việt Nam, với NAV đạt 750 triệu USD - tính tại thời điểm tháng 6), đầu tư chủ yếu vào công ty tư nhân, trái phiếu và bất động sản.

- Trước khi về Prudential, Andy Ho từng làm việc trong nhóm đầu tư của Dell Ventures và Công ty Kiểm toán Ernst & Young tại Mỹ.

- Andy Ho tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ.

- Andy Ho hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM, kết hôn với bà Tina Nguyễn, Phó tổng giám đốc Chiến lược Prudential Việt Nam.
* Chuyển sang VinaCapital chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi, ít ra tóc ông cũng đã bạc hơn trước?

- (Cười) Tâm lý làm việc ở VinaCapital hoàn toàn khác. Công việc chính của tôi là đầu tư, huy động vốn và quản lý con người.
Khi làm việc cho một quỹ đầu tư thì thất bại nhiều hơn, rủi ro cũng cao hơn và hiệu quả đòi hỏi là kết nối gần hơn với đối tác. Nếu thị trường Việt Nam gặp khó khăn nhiều hơn nữa thì mình đâu thể di chuyển công việc sang Hồng Kông, Mỹ hay Anh như ở Prudential, vì thị trường của VinaCapital chủ yếu ở Việt Nam.
Tuy nhiên, rủi ro cao thường tỷ lệ thuận với lợi ích mang về. Những thương vụ mua vào đầu tiên khi tôi gia nhập VinaCapital cũng nhiều, tiêu biểu như PNJ, Eximbank..., song cũng phải từ chối một số thương vụ do điều kiện không phù hợp với chiến lược đầu tư của VinaCapital.
Quyết định tham gia vào một doanh nghiệp của quỹ đầu tư không chỉ đơn thuần là căn cứ vào vấn đề lợi nhuận, mà còn phải xem xét nhiều yếu tố như: có tham gia HĐQT hay không, quyền lợi và sự phù hợp về mặt chiến lược.

* Được biết, năm 2009 VinaCapital đã tham gia 19 kế hoạch IPO của doanh nghiệp Việt Nam, tất cả các thương vụ này đều thành công chứ, thưa ông?


- Cũng khó nói, nếu không thoái vốn kịp thì giá xuống nhưng nhìn chung phần lớn là thành công. Đương nhiên là cũng có thất bại.
Hiệu quả của đầu tư là mua giá thấp, bán giá cao. Khi đã mua giá thấp, người mua cũng phải chuẩn bị tâm lý là hàng hóa đó có vấn đề.
Cũng giống như khi đi mua một chiếc xe hơi, thay vì báo giá 80.000USD thì bên bán hạ xuống còn 20.000USD, nếu chấp nhận mua, mình phải đặt dấu chấm hỏi rằng xe đó có vấn đề, bắt nguồn từ máy của nó.
Tuy nhiên, mọi việc không chỉ dừng lại ở đó, quan trọng hơn hết là người mua phải trả lời câu hỏi: Liệu mình có sửa chữa được để làm tăng giá trị xe lên hay không, liệu có tìm được người tháo máy cũ ra để thay máy mới vừa vặn với khung xe đó không?...

* Nhưng chuyện mua - bán doanh nghiệp thì không đơn giản như đi mua chiếc xe, đôi khi đã trở thành cổ đông chiến lược nhưng cũng “lực bất tòng tâm” vì khó lắp ráp được “máy xe” mới?

- Thất bại này thường xuất phát từ kinh nghiệm, từ cách làm của mình. Do đó, trước các quyết định đầu tư, mình phải nhìn vào nhóm điều hành của bên bán, nhìn vào tổng thể lĩnh vực mà doanh nghiệp đó đang hoạt động.
Chúng tôi cũng từng rơi vào tình trạng đã vào doanh nghiệp rồi, được chào đón nồng nhiệt với nhiều lời cam kết thay đổi cái này, cái kia..., nhưng cuối cùng “mèo lại hoàn mèo”. Cho nên, ngay từ đầu tôi đã chia sẻ, việc đánh giá được người điều hành của doanh nghiệp là rất quan trọng trong các thương vụ mua - bán của quỹ.
Phải xem người đó có đáng tin cậy không, có làm việc được không... Điều quan trọng nhất là con người chứ báo cáo tài chính của doanh nghiệp chỉ phản ánh một phần thực tế của doanh nghiệp đó thôi.

* Vậy đâu là tiêu chí để ông đánh giá nhà điều hành đó?

- Mình đi nói chuyện với các đối tác của họ, tìm hiểu xem họ là người tốt hay xấu, có gia đình chưa, có... ngoại tình không, vì một khi đã không chung tình với vợ thì cũng dễ phụ tình đối tác.
Đánh golf bao nhiêu điểm? Nếu handicap càng ngày càng đi xuống là điều đáng chú ý... Nhiều yếu tố nhỏ cộng lại sẽ giúp mình có thể đưa ra những nhận định rất cơ bản về người này, rồi xem xét có quyết định đầu tư hay không vì con người này (nhà điều hành) chưa chắc đã làm việc hết sức lực.

* Nếu đã xem con người là yếu tố quan trọng, với vai trò vừa là Giám đốc Điều hành, vừa là Trưởng Bộ phận Đầu tư, ông đã tổ chức đội ngũ đầu tư của VinaCapital như thế nào?

- Những người chúng tôi tuyển dụng chắc chắn phải có năng lực và khả năng xử lý thông tin. VinaCapital được tổ chức theo tính hệ thống.
Ví dụ, gần đây chúng tôi bán cổ phần tại Bệnh viện Hoàn Mỹ cho Fortis (Ấn Độ), các thông tin từ mạng lưới VinaCapital ở nước ngoài chuyển về. Hằng ngày, chúng tôi nhận được nhiều thông tin mời gọi hợp tác theo đường truyền dạng này.
Cho nên, điều quan trọng là chúng tôi xử lý thông tin đó ra sao, phải chọn thương vụ khả thi nhất để tập trung phân tích. Đó là lý do VinaCapital phải tuyển người thông minh, nhanh nhạy và có kinh nghiệm ít nhất 3-4 năm làm việc cho doanh nghiệp; hiểu biết về con người, tài chính - kế toán...
Tuy nhiên, thông minh cũng phải đi kèm với “đói” thành công, nghĩa là hôm nay họ làm 10USD, ngày mai lại muốn có 20USD, làm bao nhiêu cũng không đủ. Thanh niên Việt Nam rất muốn thành công nhưng điều họ thiếu là kinh nghiệm đầu tư bài bản, cọ xát thực tế.

* Nghe nói VinaCapital đang tiến hành một số thương vụ?


- Thời điểm này còn nhiều cơ hội để mua bán và sáp nhập, tính thanh khoản có, quan trọng là giá bao nhiêu. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành thương lượng một số dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả mua và bán.
Chúng tôi cũng đang huy động thêm 200-300 triệu USD cho quỹ mới, chủ yếu tập trung đầu tư vào thị trường chứng khoán, đây là thời điểm tốt vì các công ty đang được định giá tương đối thấp với tiềm năng tăng trưởng tốt.
Nhiều người lo ngại thị trường đang thiếu tính thanh khoản, đầu ra hạn chế nhưng tình trạng này chủ yếu ở bất động sản, cụ thể là căn hộ; trong khi các công ty sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu vẫn ổn. Vấn đề là phải biết kiên nhẫn.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ông Ngô Văn Vị - Tổng giám đốc VTB: Cứ đi, sẽ có đường

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu ngay sau khi Tổng giám đốc Công ty CP Điện tử Tân Bình (VTB) Ngô Văn Vị vừa tiếp một đối tác quan trọng cho dự án chiến lược trong thời gian tới của Công ty. Gắn bó với Công ty qua nhiều bước thăng trầm, ông đúc kết: “Muốn tồn tại, phải thay đổi” và khẳng định: “Cứ đi, sẽ có đường”.   
Ông Ngô Văn Vị - Tổng giám đốc Công ty CP Điện tử Tân Bình (VTB)
Gần 30 năm trước, chiếc ti vi mang thương hiệu VTB không chỉ là niềm tự hào của những người sản xuất mà còn là sự hãnh diện của người dân Việt Nam.
Dạo ấy, người tiêu dùng muốn mua ti vi VTB phải đăng ký trước vì nhu cầu của thị trường thường xuyên vượt khả năng cung ứng của nhà máy.
Thế mà, ngày nay, người đang điều hành con tàu mang thương hiệu VTB đang phải trăn trở tìm hướng đi mới. Bởi, nhìn thẳng vấn đề mà nói, vì nhiều lý do, ngành điện tử Việt Nam đã không thể phát triển như mơ ước.
Nhưng, “Chẳng có gì phải lo ngại để bỏ tay chèo cả. Làm kinh doanh thì phải biết lường trước mọi vấn đề và phải can đảm nhìn thẳng vào khó khăn, để từ đó chủ động xoay chuyển tình hình. Còn làm chủ được tình hình thì kinh doanh còn được”, ông Vị khẳng định.
Hành trình lấy lại niềm tin

* Trong quá khứ, để tồn tại, VTB đã từng chuyển đổi ngành kinh doanh từ điện tử sang điện lạnh, và hiện nay hình như Công ty lại tiếp tục tái cấu trúc ngành hàng kinh doanh?

- Bạn thử nhìn lại thị trường và thử đếm xem, đến nay còn bao nhiêu doanh nghiệp trong nước hoạt động trong ngành điện tử còn tồn tại? Tôi dám chắc là chỉ tính trên đầu ngón tay!
Tái cấu trúc ngành hàng trong chiến lược kinh doanh của VTB chính là hướng đi đột phá để chúng tôi có thể tồn tại và phát triển. Bởi, chỉ có cách này mới giúp chúng tôi có thể lấy lại niềm tin của khách hàng và tái tạo niềm tin cho nội bộ của mình.

Mục tiêu đặt ra trong những lần tái cấu trúc ngành hàng của VTB là tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ngày càng tăng, để tạo ra thế chủ động trong kinh doanh.
Với ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch mà chúng tôi đang hướng tới trong lần tái cấu trúc này, mục tiêu đặt ra là một sự đầu tư bài bản trong quy trình sản xuất, từ những linh phụ kiện đầu tiên đến hệ thống dây chuyền lắp ráp khép kín.
Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo Công ty đang cân nhắc kỹ về tiềm lực, tính toán chi tiết đến lộ trình và sức chịu đựng về tài chính của VTB trước khi nhấn nút quyết định cho dự án mang tính đột phá này.

* Như vậy, bước đệm trước khi tái cơ cấu ngành hàng lần này của VTB là gì, thưa ông?

- Giai đoạn này, VTB vẫn sản xuất và kinh doanh những mặt hàng truyền thống với nhịp điệu chậm mà chắc. Dòng sản phẩm điện tử hay điện lạnh vẫn được sản xuất để cung cấp theo đơn đặt hàng từ các chi nhánh, đại lý.
Đối với thị trường trong nước, chúng tôi tập trung hướng tới các khách hàng có thu nhập trung bình và thấp ở các đô thị vừa và nhỏ. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi cũng đã xuất được nhiều lô hàng tủ lạnh theo đường chính ngạch sang Cuba. Thông tin phản hồi về chất lượng sản phẩm từ người tiêu dùng của thị trường này khá tốt.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung khai thác lĩnh vực dịch vụ thương mại, phân phối linh kiện. Đây là là lĩnh vực mà trước đây VTB bị các đơn vị tư nhân cạnh tranh khốc liệt về giá thành. Nhưng, đến nay, do thị trường suy thoái, các đơn vị tư nhận gặp khó khăn về tài chính thì chính các đối tác nước ngoài đã và đang chủ động quay trở lại với VTB nhiều hơn.

* Niềm tin của ông nói riêng và của lãnh đạo VTB nói chung trong lần tái cấu trúc ngành hàng lần này như thế nào?

- Các sản phẩm trong ngành năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu của tương lai, điều này không cần bàn cãi gì nữa. Mọi thành viên trong ban lãnh đạo VTB đều có niềm tin lớn vào lần tái cấu trúc này.
Tuy nhiên, chúng tôi không thể nóng vội, mà cần phải có thêm thời gian cân nhắc, tính toán chi li để đảm bảo bài toán về lợi nhuận hàng năm cho các cổ đông trong suốt thời gian đầu tư cho ngành năng lượng tái tạo. Kinh doanh thường đi đôi với mạo hiểm, nên rất cần lắng nghe sự phản biện từ nhiều hướng để có thể giảm tối đa những phát sinh, tổn thất.
Cá nhân tôi có niềm tin rằng: Đã đi thì sẽ có đường, mà đã có đường thì sẽ đến đích. Tất nhiên nói như vậy, không có nghĩa là trên đường đi chúng ta không bị lạc hướng. Nhưng, nếu không đi thì làm sao tới đích?

Tóm lại, làm kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay phải cân nhắc kỹ. Nhưng đôi khi, cẩn thận quá cũng có thể dẫn tới đánh mất cơ hội. Cái khó là ở chỗ đó!

Năng động trong “chiếc áo chật”


VTB là công ty cổ phần, trong đó nhà nước chiếm 51% số vốn, 20% vốn của cán bộ - công nhân viên, 29% vốn từ các cổ đông bên ngoài.

* Ngay từ năm 1993, VTB đã liên doanh với các đối tác nước ngoài trong ngành điện tử như JVC, Sony. Đây được xem là một trong những động thái chủ động của VTB trong việc tìm đối tác kinh doanh, hay chỉ đơn thuần là thực hiện nghĩa vụ, thưa ông?

- VTB là một đơn vị làm kinh tế, nên các mối quan hệ hợp tác đều được chúng tôi xem xét trên nền tảng của lợi ích kinh doanh. JVC và Sony là hai đối tác mà VTB chủ động tìm kiếm và hình thành nên các công ty liên doanh.

Gắn bó với Công ty từ những ngày đầu thành lập đến nay, điều mà tôi tự hào nhất ở VTB chính là tính chủ động của ban lãnh đạo, sự năng động của đội ngũ cán bộ, công nhân viên.
Cuối những năm 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế Đông Âu, dây chuyền sản xuất tụ xoay (mặt hàng chủ lực của VTB thời đó - PV) phải ngưng hoạt động.

Ngay lập tức, lãnh đạo Công ty đã nhanh chóng tìm kiếm đầu ra để giải quyết công ăn việc làm cho anh em. Vượt qua giai đoạn này, không lâu sau đó, VTB tiếp tục ký được những hợp đồng liên doanh với đối tác nước ngoài.
Chỉ vài năm sau đó, song hành với việc liên doanh, Công ty đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm điện tử mang thương hiệu VTB, tạo tiếng vang tốt trên thị trường.

* Phải thừa nhận, năm 2000 đã đánh dấu son trong chặng đường phát triển của VTB. Với cương vị Tổng giám đốc, ông đã và đang làm gì để có thể lấy lại “thời hoàng kim” cho VTB trong tương lai?

- Nhìn lại những gì đã đạt được trong quá khứ để mạnh dạn và có niềm tin bước tiếp là việc tôi đã và đang làm. VTB có đội ngũ cán bộ, công nhân viên năng động, nhiệt huyết, tay nghề chắc...
Những con người này đủ sức thích nghi với những thay đổi từ môi trường hay điều kiện mới trong kinh doanh. Tuy nhiên, với tỷ lệ vốn cổ phần nhà nước nắm giữ hơn 50%, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi sự đầu tư từ bên ngoài.
“Rào cản” này giờ đây như một chiếc áo khá chật khi VTB muốn “vươn vai”. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thụ động ngồi im chờ thời cơ, mà đang âm thầm chuẩn bị cho những thay đổi mang tính đột phá.

“Tâm - Tầm - Nhiệt” trong kinh doanh


Ông Nguyễn Văn Vị đã gắn bó gần 30 năm tại VTB. Năm 1986, ông nhận vị trí trưởng phòng kế hoạch vật tư. Năm 1994, ông được tín nhiệm giữ vị trí kế toán trưởng và sau đó là phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Sony.
Năm 2004, khi VTB bắt đầu cổ phần hóa, ông Vị có 9 tháng để xây dựng hệ thống quản trị trong vai trò phó tổng giám đốc. Từ năm 2005 đến nay, ông giữ vị trí tổng giám đốc VTB.

* Cùng với việc quyết đoán, công tâm, nhìn xa trông rộng…, cái “uy” của người lãnh đạo còn được thể hiện qua việc biết lắng nghe và chia sẻ với nhân viên. Vậy, ở VTB, ông đã lắng nghe và chia sẻ với các cộng sự của mình bằng cách nào?


- Tôi đi lên từ “lính thợ”, nên hiểu rõ những va chạm trong công việc giữa nhân sự phòng này với phòng kia là chuyện không tránh khỏi. Ở VTB, thường thì, mọi người tự giải quyết với nhau bằng cách trao đổi trực tiếp hay qua những trận banh giao hữu ngay tại sân bóng của Công ty sau giờ làm việc.
Lúc trước, hàng tháng tôi thường xuyên sắp xếp thời gian để ăn tối với anh em từng phòng ban để tạo không khí gần gũi, cởi mở. Thời gian gần đây thì ít hơn, nhưng cửa phòng tôi luôn mở sẵn.
Tôi có thói quen ở lại công ty sau giờ hành chính để đọc thêm một lượt nữa những báo cáo trong ngày của các bộ phận. Đây cũng là dịp để tôi được trực tiếp nói chuyện với các nhân viên cấp dưới. Tâm lý chung, hết giờ làm, ai cũng có thể chia sẻ thoải mái hơn, ngay cả với cấp trên trực tiếp.

* Tìm hiểu qua thông tin tại website của Công ty, tôi thấy một trong những điều tự hào của VTB là năng lực của đội ngũ nhân sự. Nhưng người tài thì thường khó giữ. Liệu đây có phải là một trong những “áp lực” mà ông ông đang gặp phải hiện nay?


- Đúng vậy. VTB tự hào vì đã và đang sở hữu một đội ngũ nhân viên có tay nghề cao. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cũng được đào tạo trong môi trường kinh tế thị trường nhiều năm, hoặc có kinh nghiệm thực tế tại các công ty đa quốc gia.
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo bài bản và liên tục được cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, với vai trò điều hành VTB, tôi cũng không ngăn cản nếu một ai đó muốn ra đi tìm cơ hội mới.
Thường thì, với những trường hợp như vậy, bao giờ tôi cũng mời người đó lên, nói chuyện thẳng thắn, phân tích thiệt hơn. Và sau cùng, tôi nói: “Anh/chị qua nơi mới, sau một thời gian, nếu thấy không phù hợp thì hãy mạnh dạn quay về với VTB”.

Để mất nhân viên không phải là không buồn, nhưng không vì thế mà tôi cắt đường đi của họ. Còn đối với nội bộ, dù ít nhiều cũng bị xáo trộn, nhưng rồi sẽ có người thay thế thôi. Không phải ông bà mình từng nói: “Con chị đi, con dì nó lớn”, hay sao?

* Trong kinh doanh và trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, VTB hướng đến ba chữ: Tâm-Tầm-Nhiệt. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Chữ Tâm ở đây có nghĩa là mọi người phải cùng nhìn về một hướng. Tầm là tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Còn Nhiệt là niềm tin, nhiệt huyết từ nội bộ lan tỏa đến khách hàng.

Muốn đạt được cả Tâm - Tầm - Nhiệt, điều kiện cần là sự minh bạch, gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo để có thể gây ảnh hưởng tích cực (một cách tự nhiên nhất) đến đội ngũ quản lý cấp trung và nhân viên. Còn điều kiện đủ là nói phải đi đôi với làm, đã nói là phải làm được.

Và thực tế đã chứng minh điều này: Những dòng sản phẩm của VTB luôn đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng và thị trường về chất lượng. Những dự án lớn của VTB đều xuất phát từ những bảng dự trù, phác thảo kế hoạch của các phòng, ban.
Là người lãnh đạo, chúng tôi luôn tạo điều kiện tối đa để anh em có thể mạnh dạn triển khai thử nghiệm những đề xuất của mình. Đây chính là nhiệm vụ tiếp lửa và giữ lửa cho nội bộ VTB của ban lãnh đạo Công ty.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ba lời khuyên cho người khởi nghiệp

Kevin Systrom là đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành Instagram – phần mềm chia sẻ ảnh vừa mới được mua với giá một tỷ đô la Mỹ.
Instagram là phần mềm chia sẻ ảnh miễn phí cho phép người dùng chụp ảnh trên điện thoại của mình, thêm các bộ lọc hình ảnh, và sau đó chia sẻ trên nhiều mạng xã hội khác nhau. Theo tính toán, Kevin Systrom thu được 400 triệu USD từ thương vụ trên.
Dưới đây là những câu chuyện của anh về việc sáng lập Instagram, những trở ngại và bài học dành cho những bạn trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp.* Cảm hứng sáng tạo ra Instagram và trở ngại lớn nhất khi anh bắt đầu tạo ra phần mềm này là gì?
- Mike Krieger (đồng sáng lập Instagram) và tôi đã tạo ra Instagram bởi vì chúng tôi muốn có một cách để giao tiếp trực quan. Instagram được tạo ra vì chúng tôi nhận thấy không có chỗ dành riêng cho hình ảnh di động của bạn và có thể giúp đưa những bức ảnh chụp bằng điện thoại đến với cuộc sống, cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Tất nhiên, một trong những khía cạnh phổ biến của Instagram là các bộ lọc giúp chuyển bức ảnh của bạn thành những kỷ niệm mang màu sắc nghệ thuật.
Trở ngại lớn nhất khi chúng tôi bắt đầu là việc làm thế nào để mở rộng ứng dụng. Chúng tôi không có ý tưởng rằng dự án được đặt tên Instagram sẽ trở thành một trong những ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Tôi nhớ rõ ràng ngày đầu tiên ra mắt và hệ thống đã sụp đổ dưới nhu cầu quá lớn. Chúng tôi chỉ có thể giữ các máy chủ của mình dưới mức cho phép, nhưng cuối cùng chúng tôi đã tìm ra hướng đi và mạnh dạn xây dựng ở quy mô rộng lớn hơn.
* Trong khi dành hết tâm huyết cho công ty của mình, anh làm thế nào để sắp xếp mọi việc trong cuộc sống thường nhật? Điều gì giúp cân bằng giữa công việc và cuộc sống của một doanh nhân?
Cổng giao tiếp Instagram
- Trong giai đoạn khởi đầu, tôi dành hầu hết thời gian cho công việc. Tôi đã bỏ lỡ ngày sinh nhật, các bữa ăn tối, những buổi tụ họp gia đình vào dịp cuối tuần. Thật sự, lúc đó, tôi không có nhiều lựa chọn giữa làm việc trên Instagram với việc nó sẽ sụp đổ hoặc không hoạt động. Trong một giai đoạn, chúng tôi phải làm việc liên tục, chạy đua với thời gian để phát triển ứng dụng một cách phù hợp.Cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tôi nghĩ rằng trong giai đoạn khởi đầu là một điều quá xa vời. Tôi thực sự nghĩ rằng những khoảnh khắc tốt nhất trong cuộc sống là khi tôi được gặp gỡ mọi người thông qua Instagram, được nhìn thấy những người rất thú vị mà tôi chưa từng gặp, được biết đến cuộc sống của những người quen cũ thông qua những bức ảnh của họ.
* Những cảm hứng và bài học từ các doanh nhân khác đối với anh là gì?
- Nghe có vẻ nhàm chán, nhưng tôi nghĩ rằng Steve Jobs đã có ảnh hưởng tới tất cả mọi thứ chúng tôi làm.
Tập trung là yếu tố quan trọng nhất. Tôi cho rằng, khả năng tạo ra các máy tính cá nhân tiên tiến nhất thế giới mà không có một nền tảng kỹ thuật là một cái gì đó có thể truyền cảm hứng cho mọi doanh nhân đơn lẻ, cho dù bạn có bằng cấp về khoa học máy tính hay không.
* Dự án tiếp theo mà anh đang thực hiện là gì?
- Instagram! Chúng tôi mới đang ở mức 1% của mục tiêu. Tôi đang rất hào hứng để tiếp tục phát triển nó.
* Anh có thể đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ mới khởi nghiệp?
- Có 3 điều tôi muốn nói với các bạn trẻ. Thứ nhất là về cách giải quyết các vấn đề thực tế. Mỗi khi khởi động một công việc nào đó, các bạn nên bắt đầu với nhu cầu thực tế và được chứng minh trên toàn thế giới. Nếu xây dựng một giải pháp cho vấn đề nhiều người gặp phải, bạn sẽ dễ dàng để bán sản phẩm hơn.
Thứ hai, các bạn phải tuyệt đối tập trung. Không nên làm quá nhiều thứ và hãy cắt bớt những thứ không quan trọng cho sự thành công của sản phẩm. Làm quá nhiều việc có thể tạo ra sự lộn xộn và cản trở khả năng giải quyết những vấn đề cần thiết.
Thứ ba, nếu được chọn người, hãy chọn những người thật tuyệt vời. Có thể ít người hơn nhưng khả năng giải quyết công việc lại cao hơn rất nhiều. Bạn sẽ thấy rằng một kỹ sư tuyệt vời có thể làm công việc của năm người bình thường, do đó hãy tập trung vào việc tìm kiếm những người tốt nhất, những người có chung niềm đam mê với những gì bạn đang làm.

Nguồn: Infornet

Hoa tay khởi nghiệp

Trong suốt quá trình từ khi đi học cho đến khi đi làm của Đỗ Hoàng Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Hoàng Quang, luôn có sự hiện diện của hai từ “mặc cảm”. Nhưng khi vượt qua được rào cản này rồi, Quang đã chinh phục thị trường bằng chính những sáng tạo mang dấu ấn của hoa tay.

Cuối tháng sáu vừa qua, Phòng triển lãm Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM nhộn nhịp với hàng ngàn lượt khách tham quan. Triển lãm các sản phẩm móc len sợi của giáo viên Đỗ Hoàng Quang và học viên khiến người xem bất ngờ.

Thông qua những đôi bàn tay khéo léo, len sợi không chỉ dùng trong lĩnh vực may mặc, mà còn có ứng dụng khác: này là thảm chùi chân; kia là bộ drap, gối, chăn; kia nữa là giỏ xách, những con thú bông..., đặc biệt hơn cả là hàng chục loại hoa khác nhau được làm bằng những sợi len đầy màu sắc.
 
Ngoại công, nội kích

“Khả năng ứng dụng của sản phẩm len móc đã phổ biến ở nước ngoài từ lâu. Với lợi thế nhân công, đây là một thị trường rộng mở cho doanh nghiệp Việt”, Hoàng Quang cho biết. Minh chứng cho nhận định này là khả năng xuất khẩu sản phẩm len sợi sang Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... của Công ty Hoàng Quang. Bởi, mỗi đơn hàng của một doanh nghiệp nước ngoài thường lên đến 2.000 sản phẩm và phải giao hàng trong vòng 1 - 2 tháng.

Câu chuyện “mang len đổi USD” của Quang cũng rất duyên. Ngày đó Quang đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Sư phạm Kỹ thuật, tình cờ thấy một cô bán quán ở Đà Lạt ngồi móc len, tạo nên các họa tiết rất đẹp. Ấn tượng trở thành động lực, Quang về lại thành phố, tìm mua các sách dạy đan, móc và mày mò tự thực hành.
Vốn khéo tay, các con thú, áo khoác... Quang làm ra nhanh chóng trở thành sản phẩm “hút hàng” vì các bạn sinh viên trong trường Quang học rất ưa thích. Phát hiện gần xóm nhà trọ của mình có các chị nhận móc gia công, Quang đem thiết kế của mình đặt hàng các chị. Điều bất ngờ là sau đợt hàng ấy Quang lại bị đặt hàng ngược lại, “Các chị hỏi tôi còn hàng làm để các chị cải thiện thu nhập nữa không”, Quang kể.

Từ đơn đặt hàng này, Quang mang sản phẩm đến các siêu thị Maximark, Co.opMart... chào bán và được đón nhận. Có đầu ra, có thiết kế, có nhân công..., Quang đưa sản phẩm tiến thẳng vào siêu thị. Quang nhớ lại: “Năm 2004, thời điểm xuất hiện trào lưu mặc áo khoác ngắn, sản phẩm đưa vào siêu thị bán chạy không ngờ...”.

Thắng lớn nhờ sản phẩm này, Quang mạnh dạn cho ra thêm nhiều sản phẩm khác nhưng đáng tiếc, khả năng tiêu thụ lại chẳng như ý. “Mọi người vẫn chưa hiểu được công sức đầu tư cho sản phẩm đan móc nên cho rằng giá bán quá cao”, Quang phân tích.
Khách hàng trong nước chẳng mặn mòi với sản phẩm của Quang nhưng với người nước ngoài thì khác.

Từ kênh siêu thị, Quang được các doanh nghiệp ngoại quốc tìm đến đặt hàng. Miếng rửa chén, găng tay, giỏ xách, phụ kiện cho trang phục, thảm chùi chân... là những mặt hàng Quang đưa ra thị trường thế giới. Quang cho biết, xuất khẩu hàng sang các nước không đơn giản chỉ là thỏa thuận giữa hai bên, mà phải chứng nhận đảm bảo chất lượng, phải đạt độ tinh xảo đúng với mẫu khách hàng đã đặt.

Đơn hàng đầu tiên, Quang khiến khách hàng bất ngờ về giá. “Đối tác hỏi đi hỏi lại rằng tôi đã nói đúng giá chưa”, Quang kể. Lúc đó Quang mới biết mình bị “hớ”. Tuy nhiên, anh vẫn chọn chiến lược này để chinh phục khách hàng. Để giữ lợi thế cạnh tranh, Quang duy trì hình thức lao động vệ tinh. Anh lên tận Đà Lạt, về Tiền Giang... để tổ chức nguồn thợ cho mình. Nhờ vậy, công việc chính của Quang chỉ còn là tìm đối tác, sáng tạo mẫu và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Quang và tác phẩm của mình
Vượt qua mặc cảm

Đưa hàng đi khắp thế giới nhưng ít ai biết, đeo đuổi suốt quá trình lập thân của Quang là nỗi mặc cảm rất... con trai. Ngày đó không đủ điểm đậu vào Đại học Y Dược TP.HCM, Quang “chữa cháy” bằng việc đăng ký học Đại học Sư phạm Kỹ thuật, khoa Nữ công để trở thành đầu bếp vì khả năng chế biến thức ăn cũng tạm được. “Cả lớp chỉ có hai nam, đi học mà cứ thấy xấu hổ thế nào ấy”, Quang chia sẻ. Vì nỗi mặc cảm này mà đã có lúc Quang bỏ học. May mà thầy cô đến tận nhà động viên, Quang mới có “dũng khí” đi tiếp con đường của mình.

Rồi khi ra trường và doanh nghiệp hoạt động đã khá ổn định, Quang lại mặc cảm vì sản phẩm của mình xuất đi các nước nhưng chả ai biết đó là hàng Việt vì phải “núp” dưới thương hiệu của đối tác. “Không thể đơn giản hài lòng với lợi nhuận, tôi muốn phải gây dựng được thương hiệu và bắt đầu từ thị trường trong nước”, Quang tiết lộ.

Để chuẩn bị cho bước tiến này, Quang đầu quân về Nhà văn hóa Phụ nữ với vai trò giáo viên giảng dạy bộ môn đan móc. Theo cách tính của Quang, 1 tháng Quang dạy nghề cho khoảng 200 người, rồi những người này truyền nghề lại cho người khác, chỉ khoảng 5 năm nữa là Việt Nam sẽ có thị trường cho sản phẩm len móc. “Rất vui vì được làm thầy giáo dạy nghề, nhưng lại mặc cảm khi làm việc trong môi trường cũng toàn là nữ”, Quang tâm sự. Nhưng sự đam mê một lần nữa lại giúp Quang vượt lên mặc cảm này.

Trong một đêm, sau khi đọc truyện ngắn viết về hoa vạn thọ của nhà văn Lý Lan, Quang nảy ra ý định dùng len làm thành hoa. Sản phẩm được làm suốt đêm hôm đó của Quang là một bông hoa vạn thọ bằng len, sống động và tinh xảo. Từ bước sáng tạo đầu tiên, Quang bắt đầu tập trung thiết kế hoa len.

Con số hơn 500 mẫu hoa Quang thiết kế khiến nhiều người bất ngờ nhưng với Quang, đó chỉ mới là điểm khởi đầu. “Đây là sản phẩm sáng tạo chỉ ở Việt Nam mới có, tôi sẽ phấn đấu để đưa sản phẩm này ra thế giới”, Quang tỏ ra lạc quan. Tuy nhiên, với Quang, đây là một quãng đường dài mà việc trước tiên cần làm là cho ra mắt tập sách kỹ thuật móc hoa len để đảm bảo chứng nhận sáng tạo của mình và lập một showroom để có nơi “khoe” sản phẩm với khách hàng trong nước.

Người đưa công trình khoa học thành công trong thực tiễn

Có người đã làm nên sự nghiệp kinh doanh trở nên vinh quang, ý nghĩa cho cộng đồng từ một món ăn thời niên thiếu. Lí giải cho điều đó, không có gì ngoài hai chữ “cơ duyên”. Người tôi đang muốn nói đến là doanh nhân Vũ Tân Cương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị Y tế Phú Hải. Ít ai biết rằng, anh là một doanh nhân đi lên từ môi trường quân ngũ và khởi nghiệp kinh doanh khi gần 40 tuổi. Đặc biệt hơn, sản phẩm kinh doanh tâm huyết của cuộc đời anh lại xuất phát từ một công trình khoa học về loài Kiến gai đen nhỏ bé.
Doanh nhân Vũ Tân Cương (cầm micro) giới thiệu tại Hội thảo "Sản phẩm công nghệ cao từ trứng kiến gai đen"

Món ăn nhớ đời thời niên thiếu

Anh Vũ Tân Cương sinh năm 1963. Quê anh ở tỉnh Vĩnh Phú (cũ), vùng quê bán sơn địa với địa hình đồng bằng xen kẽ rừng núi. Thời niên thiếu của anh gắn liền với một giai đoạn đất nước còn khó khăn “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, đến món đậu phụ cũng là một thứ xa xỉ.  

Dấu ấn đậm nét khi còn là một cậu thiếu niên với anh là món xôi trứng kiến của bà nội. Hồi đó, bà đi bộ vào rừng lấy củi, thì thấy người dân ở đây lấy trứng của loài kiến và chế biến ra các món ăn. Thấy vậy bà đã xin một ít trứng kiến về làm thử (thời đó không ai bán và mua trứng kiến). Lần đầu tiên trong đời được ăn món xôi trắng trộn với trứng kiến rang vừa ngon vừa thơm, cậu bé Cương đã thấy ngon miệng đến lạ lùng, một món ăn ấn tượng mãi cho đến tận bây giờ vẫn phảng phất mùi vị của nó.

Điều đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với anh đó là sau khi ăn trứng kiến thì chạy đi chơi suốt ngày mà không thấy mệt mặc dù trước đó, cậu bé Cương vốn gầy gò, nhỏ yếu vì cuộc sống còn nghèo, ăn uống rất đạm bạc. 

Từ bữa được thưởng thức món trứng kiến cộng với tính cách thích tìm hiểu những gì chưa biết khiến anh cứ suy nghĩ và tâm niệm trong đầu một câu hỏi: “Tại sao con kiến nó nhỏ thế mà lại đẻ ra được trứng kiến tốt thế, hơn nữa nó lại tha được quả trứng gần bằng nó?”. Vì chưa thể giải đáp được nên anh chỉ biết mơ ước: “Sau này, mình có thể bằng cách nào đó lấy được nhiều trứng kiến về sử dụng”.

Kỷ niệm đó mãi in dấu vào tâm trí của anh khi trưởng thành và lớn lên chính anh cũng không thể tưởng tượng được món ăn đó lại trở thành sự nghiệp cuộc đời mình nhiều năm sau.

Bước ngoặt cuộc đời khi ở tuổi tứ tuần

Lớn lên, anh thi đỗ trường quân sự và được phân công công tác trong quân đội. Thời gian tại ngũ, anh có một lời hứa với vị thủ trưởng đáng kính: “Thủ trưởng còn làm trong quân đội thì em sẽ đi theo” vì giữa hai người có một mối ân tình sâu nặng. 

“Vật đổi sao dời”, vị thủ trưởng không phục vụ trong quân đội nữa và với anh lúc đó giữ lời hứa còn quan trọng hơn những thứ khác, anh quyết định kết thúc sự nghiệp trong quân đội sau 8 năm gắn bó. Thời gian trong quân đội đã rèn cho anh tính kỷ luật rất cao, chuẩn và chỉnh đến nghiêm ngặt trong bất kể một việc nhỏ nào. 

Năm 1988, anh chuyển ngành sang làm bên đoàn xe của Bộ ngoại giao. Thời gian làm nhà nước sau công cuộc đổi mới cho anh nhiều trải nghiệm và những mối quan hệ thân tình. Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2000, khi ở tuổi gần 40 từng trải và chín chắn, cùng với bản tính hay suy tư, anh tự chiêm nghiệm và nhận thấy một mục đích cao đẹp hơn, ý nghĩa hơn cho bản thân: “Mình tiếp tục làm cái này thì không làm được gì cho bản thân, cho cuộc sống của mình, nếu có cơ duyên thì làm một cái gì đó cho xã hội, cộng đồng, dù ít cho xã hội cũng nên làm”. Sự suy tư đã thôi thúc anh vượt qua những ràng buộc của tuổi tác, công việc để bỏ nhà nước ra làm kinh doanh. 

Kinh nghiệm quân ngũ là bàn đạp cho thành công vững chắc

Vậy là ở cái tuổi gần tứ tuần, anh ra làm kinh doanh trong con mắt ngạc nhiên của rất nhiều người. Năm 2000, anh thành lập doanh nghiệp đầu tiên lấy tên là Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Thương mại Trường Thịnh, mở xưởng chuyên sản xuất đồ nhựa. Anh khởi nghiệp với số vốn trong tay là 75 triệu đồng. Sau khi xin giấy phép kinh doanh và trả chi phí thuê văn phòng, mua thiết bị máy tính, anh còn đúng 5 triệu đồng. Thiếu vốn nhưng anh được bạn bè tin cậy nên cứ đưa tiền giúp để duy trình công việc kinh doanh mà không cần giấy tờ cam kết.

Dần dà, bằng sự chắc chắn, chỉnh chu, đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu, doanh nghiệp Trường Thịnh đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Kết quả này đến từ sự quyết tâm và những thói quen tốt được rèn trong quân đội đã hỗ trợ anh nhiều trong phát triển doanh nghiệp.

Năm 2005, nhận thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sử dụng thực phẩm chức năng rất lớn vì điều kiện kinh tế của các tầng lớp nhân dân đã được nâng cao. Với tầm nhìn xa trông rộng, anh nhận thấy đây sẽ là xu thế của tương lai. Vì vậy anh cùng với những người cộng sự góp vốn thành lập Công ty Cổ phần thiết bị Y tế Phú Hải, chuyên nhập khẩu, phân phối thiết bị y tế, dược phẩm và thực phẩm chức năng. Nắm bắt được xu thế của thị trường, cùng sự kiểm định khắt khe nguồn hàng nhập, Phú Hải trở thành một trong những tên tuổi trong ngành phân phối các sản phẩm này ở Việt Nam. 

Sau khi chuyển sang lĩnh vực mới, bằng tư duy nhạy bén và hơn hết là chữ tâm, anh nhận thấy ngay là sản phẩm chăm sóc sức khỏe của nước ngoài tuy tốt nhưng lại rất đắt, trong khi đất nước mình cũng có nhiều tài nguyên để khai thác phục vụ sức khỏe mà “tại sao mình phải đi nhập”. Sự trăn trở và suy nghĩ đó cứ bám chặt lấy tâm trí nhưng anh cũng chưa hình dung được là mình sẽ phải làm cái gì.  

Hóa giải trăn trở nhờ một cơ duyên 

Như cơ duyên dẫn dắt, trong lúc đang trăn trở, anh đến chơi với một người bạn là Phó ban Khoa giáo của báo Nhân dân, quản lý mảng khoa học của báo. Trong cuộc trò chuyện tâm sự trên trời dưới bể của hai người, anh bạn đã nói về một đề tài “hay lắm” của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, nghiên cứu chiết xuất từ trứng kiến, uống vào giảm stress, hết mệt mỏi. 

Vừa nghe xong, dấu ấn của ký ức của mấy chục năm trước được gọi về, anh nói: “Ngày xưa em đã ăn trứng kiến rồi và em đã ước mình có thể có một cách nào đấy lấy được và chiết xuất được trứng kiến để sử dụng”. Thấy tâm tư của bạn, anh phó ban khoa giáo đã đưa anh đến gặp chủ đề tài nghiên cứu là  PGS. TS Dương Anh Tuấn. 

Anh Vũ Tân Cương và PGS.TS Dương Anh Tuấn (bìa trái) tại Hội thảo Công nghệ cao Láng Hòa Lạc nói về đề tài trứng kiến

Tiếp xúc với PGS.TS Dương Anh Tuấn, anh đã giải đáp được đầy đủ, có cơ sở khoa học chuyên sâu cho câu hỏi từ thời niên thiếu “Tại sao trứng kiến lại tốt thế?” (thời đó, trứng kiến được rang ăn với xôi đã bị mất chất, còn giữ lại rất ít mà đã tốt như vậy). Lí do là vì trong trứng kiến có hoạt chất Tryptophan – là một trong 8 hoạt chất cần cho con người nhưng con người lại không tự sản sinh ra được, giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường sức khỏe. Không những thế trong trứng kiến còn có hơn 30 chất vi lượng phục cơ thể, bảo vệ gan, thận, chống lão hóa… 


 Trong trứng kiến gai đen có hoạt chất Trytophan rất tốt cho sức khỏe con người

Sau cuộc gặp gỡ đó, anh như kết nối được với những điều bao lâu mình trăn trở nên quyết định đến ngay lập tức. Anh nói với anh PGS-TS Dương Anh Tuấn: “Anh cứ nghiên cứu tiếp, em sẽ cố gắng để cung cấp tài chính và anh em sẽ hợp tác với nhau để làm sản phẩm từ trứng kiến”.

Tiếp đó, anh lên ngay vùng Bắc Giang để khảo sát và thực tế việc thu hái nguyên liệu từ bà con nông dân. Lên đến nơi, anh thấy rằng “Có lẽ trời phật ủng hộ cho mình làm, để phát triển cái này thành sản phẩm cho cộng đồng”. Hơn nữa, trứng kiến thu hoạch thì không mất đi mà còn sản sinh ra nhiều hơn. Bằng nhãn quan thực tế, anh thấy tiềm năng đã rõ ràng nên càng quyết tâm mạnh mẽ. 

Công việc đưa nghiên cứu khoa học vào ứng dụng thực tế cũng gặp phải khó khăn nhất định. Vấn đề đầu tiên là nguồn vốn. Để có vốn đầu tư, anh đã huy động từ bạn bè, cộng sự, người thân. Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng tạo điều kiện cho anh mấy trăm mét vuông trong Trung tâm công nghệ cao của Viện để mở xưởng. Anh thành lập thêm Công ty CP Khoa học Công nghệ cao Việt Đức chuyên sản xuất sản phẩm chiết xuất từ trứng kiến. Anh cũng dành chi phí hỗ trợ cho nhà khoa học nghiên cứu và đầu tư cho bà con nông dân vùng nguyên liệu.

Do đặc thù, thu hoạch trứng kiến một năm chỉ có một vụ chính là tiết thanh minh sau Tết âm lịch, còn vụ cuối năm thì không đáng kể. Đặc biệt là trứng kiến sau khi thu hoạch phải có chế độ bảo ôn thì mới không bị hỏng và có thể chiết xuất được nguyên vẹn các hoạt chất. Do đó, anh đầu tư dây chuyền, trang thiết bị máy móc hiện đại để thực hiện. Không những thế, giai đoạn đầu, anh dành nhiều thời gian xuống vùng thu hoạch (Bắc Giang, Phú Thọ) để hướng dẫn cho bà con nông dân cách thu hái. Việc thu hái tuy đơn giản nhưng rất quan trọng để có nguồn nguyên liệu chuẩn cho việc chiết xuất. Đồng thời, anh cũng đầu tư phương tiện, tủ đông lạnh bảo quản trứng kiến (nhiệt độ bảo quản trứng kiến sau thu hoạch là - 20 độ C). 

Hình ảnh về nông trại thu hoạch trứng kiến tại Bắc Giang:



Trong quá trình đầu tư cho sản xuất, anh cũng có nhận được những lời tiêu cực: “Ông bị thần kinh à, ông kiếm tiền chỗ nào mà đổ vào đây mấy năm nay vẫn chưa thấy gì” nhưng không làm anh giảm bớt ý chí quyết tâm.

Nhờ sự nỗ lực, tận tâm, quyết liệt trong gần 5 năm trời, đến nay sản phẩm chiết xuất từ trứng kiến gai đen đã ra lò và bước đầu được cung cấp ra thị trường. Khi có sản phẩm, việc đầu tiên anh cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp,… dùng thử và mang sang Pháp, Đức, Mỹ để có đánh giá khách quan. 

Hiện tại, anh đang triển khai kế hoạch để đưa rộng rãi sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Sản phẩm này giúp cho những người hay căng thẳng, stress như học sinh ôn thi, người làm việc đầu óc… được minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt và không mệt mỏi, ai cũng thể dùng được.

Sau gần 5 năm đầu tư và phát triển, sản phẩm chiết xuất từ trứng kiến gai đen (TRYTOKC) đã được cung cấp đến tay người tiêu dùng với lọ 40 viên và 80 viên nang

Trong năm 2011 vừa qua, Công ty anh đã thu hoạch được 1 tấn trứng kiến tươi để đưa vào chiết xuất. Kế hoạch của anh là sẽ nhân rộng vùng thu hoạch trứng kiến để có nguồn nguyên liệu dồi dào hơn cho sản phẩm. Bởi vì ở Việt Nam, nhiều vùng rừng núi thổ nhưỡng đặc trưng là nơi kiến gai đen ở (kiến này không nuôi được). Đến nay, việc thu mua nguyên liệu đã đem lại lợi ích cho người dân vùng Bắc Giang, Phú Thọ giúp cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. 

Niềm tin và lời hứa là hai yếu tố chính dẫn đến thành công

Trong hơn chục năm làm kinh doanh của mình, anh Cương luôn tâm niệm “Giữ lời hứa và niềm tin là hai yếu tố chính dẫn đến thành công trong cuộc sống”. Anh bảo: “Vì có niềm tin người ta sẽ vượt qua mọi  khó khăn. Như sản phẩm tinh chất trứng kiến, anh tin chắc vào sự thành công vì nó rất tốt, hơn nữa lại là sản phẩm mà đất nước mình có. Anh đã đưa sang cả Pháp, Đức, Mỹ, mọi người dùng thử đều đánh giá rất tốt. Sản phẩm này ai cũng dùng được, người đau đầu hay mệt mỏi uống vào sẽ ngủ tốt”. 

Với anh, lời hứa phải thực hiện thì mới giúp người khác có lòng tin ở mình. Có lẽ vì thế mà bạn bè rất tin cậy anh, giúp anh tiền bạc mà chỉ dựa trên tình cảm “anh em chơi với nhau, quan trọng gì việc viết giấy”. 

Nhắc lại về lời hứa, khi lên khảo sát vùng nguyên liệu, trong thâm tâm anh đã thầm hứa với mình: “Bây giờ mình còn khó khăn, đến khi nào kinh doanh có lãi thì sẽ dành một phần lớn đi làm từ thiện và công đức cho những người nghèo”. Chính lời hứa đó đã thôi thúc anh đưa công trình nghiên cứu vào ứng dụng thực tế, tạo ra sản phẩm tốt cho cho cộng đồng. 

Chia sẻ về cơ duyên đến với trứng kiến gai đen, anh Cương cho rằng đó cũng là may mắn và cơ hội trong cuộc đời mình: “Nếu không có cái may mắn gặp anh bạn ở báo Nhân dân để nói chuyện về cái trứng kiến này thì anh đã không biết nhìn đến một cơ hội. Và cơ hội thường đến như một tiếng nói thầm và lướt qua rất nhanh. Nếu không nhận ra và nắm lấy thì nó tuột mất, thậm chí đó là cơ hội không lặp lại trong cuộc đời”. 

Hiện tại, Công ty Phú Hải của anh mới chuyển văn phòng mới trên đường Nguyễn Xiển. Tôi đã đến mục sở thị văn phòng khang trang và sử dụng sản phẩm chiết xuất từ trứng kiến gai đen. Điều đó khiến trong tôi có thật nhiều cảm xúc và tôi hiểu rằng: Con người có thể làm nên sự nghiệp từ những cơ duyên tình cờ, nếu biết khai thác và đầu tư thì sẽ tạo ra được những sản phẩm thực sự có giá trị cho cộng đồng.

Hoclamgiau.vn

Hành trình vượt khó của Tổng giám đốc… suýt phải bỏ học

Lao động tạo ra của cải, tiền bạc và những giá trị không thể cân đong, đo đếm. Để biến công sức lao động thành những giá trị ấy, con người phải vật lộn, lao tâm, nhọc nhằn và đổ mồ hôi, nước mắt. Đặc biệt, đối với những chủ doanh nghiệp xuất thân từ hoàn cảnh nghèo khó thì cuộc hành trình càng nhiều gian nan; nếu đem so sánh, thành công mà họ đạt được có sự khác biệt rất lớn so với khởi đầu. Anh Vũ Ngọc Toản - Tổng giám đốc Công ty CP kỹ thuật Môi Trường Việt là một doanh nhân như thế. Từ một cậu bé vùng quê nghèo khó, kiếm sống và đi học bằng bắt cua, đánh cá, anh đã vươn lên thành chủ một doanh nghiệp về môi trường với doanh thu xấp xỉ 20 tỷ đồng mỗi năm.
Doanh nhân Vũ Ngọc Toản - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật Môi Trường Việt

Nhà nghèo nhưng quyết không bỏ học

Anh Vũ Ngọc Toản (sinh năm 1979), là con thứ 2 trong một gia đình bần nông, đông con, nghèo khó (bố là bệnh binh, mẹ làm ruộng, nhà có 4 anh em). Tuổi thơ của anh thời gian đi làm nhiều hơn đi học vì cái nghèo, cái khổ, cái thiếu thốn tồn tại thường trực. Gia cảnh khó khăn đến mức, việc bố mẹ nuôi đồng thời hai con đi học cấp 3 ở quê là cả một vấn đề lớn chưa nói gì đến chuyện nuôi học Đại học. 

Chính cuộc sống khó khăn, nghèo khổ đã thúc bách anh phải bươn chải, kiếm tiền đỡ đần gia đình từ rất sớm. Ngay từ khi là một cậu học sinh cấp 1, khi ấy địa phương thỉnh thoảng có đoàn văn công về biểu diễn, anh đã nảy ra ý định kiếm tiền bằng cách mua các đồ ăn vặt (bưởi, ổi, bỏng, quế…) để bán ngay trước cổng khu biểu diễn kiếm chút lãi. Thế là một câu bé con với một cái mẹt kê trên một cái thúng và một cái bao đựng đồ đã biết kiếm những đồng tiền đầu tiên bằng việc bán hàng cho người đi xem văn nghệ. Các dịp Lễ hội, Trung thu, anh cũng làm như vậy để đỡ thêm cho bố mẹ. 
 
Lớn hơn một chút khi lên cấp 2, anh kiếm tiền bằng nghề đi bắt cua và đánh cá điện. Bắt cua thì chỉ cần cái giỏ, còn đánh cá điện thì phải có bộ đồ nghề và anh đã tích cóp tiền bắt cua để mua. Hàng ngày, không như phần đông bạn bè cùng trang lứa, anh dậy từ 4h30 sáng ra đồng bắt cua, đến 6h30 mang cua đi bán rồi mới về nhà ăn sáng và đi học. Buổi chiều anh đi đánh cá điện. Số tiền kiếm được từ nghề bắt cua, đánh cá cũng đủ chi phí học hành cho anh và còn hỗ trợ bố mẹ trang trải cuộc sống. 

Tuy phải đầu tắt mặt tối, lao động vất vả nhưng anh học không đến nỗi nào, các môn Toán - Lý - Hóa, anh tiếp thu và học rất nhanh. Biến cố xảy đến khi học hết cấp 2, thấy khả năng gia đình không thể nuôi được 2 con học cấp 3, bố định hướng cho anh làm nghề mổ lợn thay vì đi học. Đứng trước nguy cơ sẽ phải chấm dứt học hành, đó là điều anh không hề muốn nên anh đã tìm lối thoát cho mình bằng việc nhờ bạn nộp hồ sơ và bí mật đi thi. Ngày thi, anh vẫn ra đồng làm như bình thường rồi mới lẻn ra đầu làng, gửi đồ ở nhà bà ngoại, mượn xe đạp của cậu và đạp xe 11 cây số đi thi. 

Bất ngờ trước kết quả con trai thi đỗ trong khi nhiều người thi trượt, bố anh bảo: “Bố không nuôi được cả 2 anh em đi học nên con đi học thì phải cố gắng”. Và anh đã thực hiện lời hứa với bố bằng 3 năm vừa học vừa làm quần quật. Anh học hết cấp 3 là nhờ số tiền có được từ việc bắt cua, đánh cá điện và còn tự trang bị thêm cho mình một chiếc xe đạp (chiếc xe sau này dùng làm phương tiện cho những năm đầu học Đại học). 

Những năm tháng học cấp 3, chủ yếu lội ruộng, sông ngòi bắt cua, đánh cá, chân thường xuyên bị ngứa, anh đã ấp ủ mong muốn làm gì đó cho nước sạch, từ đó anh kết ngành môi trường từ lúc nào. 

Nỗ lực tự nuôi thân giữa Thủ đô

Học lớp 12, một lần nữa bố không muốn anh đi thi Đại học vì thực sự ông thấy gia cảnh không đủ khả năng nuôi đồng thời hai anh em (lúc này anh trai của anh đang học ĐH Tổng hợp mỗi năm tốn khoảng 7 triệu). Mong muốn đi học tiếp của anh trở thành áp lực lớn với gia đình. Đấu tranh giữa tình thương con và điều kiện kinh tế, bố đồng ý cho anh thi Đại học nhưng yêu cầu phải thi vào Đại học Sư phạm và Đại học An ninh vì hai trường này không phải đóng học phí. Thế nhưng anh lại tự động làm thêm một bộ hồ sơ thi vào trường Đại học Bách Khoa. 

Dịp thi Đại học, anh bỏ thi trường Sư phạm, đi thi trường Bách Khoa mà không cho gia đình biết. 

Ngược với niềm vui của nhiều nhà có con thi đỗ đại học, tin anh đỗ trường Bách Khoa là một “tai họa” với bố khiến ông bần thần mấy ngày vì không biết sẽ xoay xở như thế nào. Giấy gọi đại học của anh trở thành niềm vui xen lẫn mối lo của cả gia đình. Cuối cùng, ông đành bấm bụng, cắn răng cho anh đi nhập học rồi tính tiếp. Tháng đầu tiên ở Hà Nội, anh tiêu bằng tiền họ hàng mừng tân sinh viên và tự biết mức chi tiêu của mình nên tháng thứ 2 thì chỉ xin bố đúng 300.000 đồng/tháng, bằng nửa số tiền cung cấp cho anh trai. Với số tiền ít ỏi này, không họ hàng thân thích, anh buộc phải tằn tiện hết mức suốt 2 năm đầu học đại cương. 

Năm học thứ 3, sau khi học xong Đại cương, chuyển sang chuyên ngành, anh thấy mình có thể bắt đầu kiếm tiền được bằng nghề mình học. Vì thế, không khó khăn anh xin vào làm partime cho một Công ty xử lý nước sạch gia đình với mức lương 450.000đ/1 tháng. Ngày ngày, anh đạp xe đến công ty rồi cùng các anh/chị đi lắp thiết bị lọc nước cho các hộ gia đình (khách hàng của Công ty). Thiết bị lọc nước phần đa được lắp đặt trên tầng thượng hoặc mái nhà của các hộ, mỗi bộ có 6 bao cát - sỏi lọc, mỗi bao 30 cân. Để hoàn thành công việc, bắt buộc anh phải bê vác các bao cát - sỏi đi bộ lên cầu thang 2-5 tầng. Việc vận chuyển các bao cát nặng nhọc đến mức khát quá thì anh chỉ uống nước trực tiếp trong bể nhà khách hàng chứ không thể đi bộ xuống cầu thang xin nước uống. Cứ thế, anh miệt mài làm việc cật lực cả ngày thường lẫn ngày nghỉ, ngày thường anh lắp đặt từ 1-2 bộ, thứ 7 và Chủ nhật được nghỉ học anh lắp đặt được 2-3 bộ. Nhờ thế từ kỳ học thứ 2 của năm thứ 3, anh đã không phải xin tiền của gia đình nữa mà tự trang trải tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền học và cũng tích lũy được khá kinh nghiệm xử lý nước sạch sinh hoạt (nước cấp). 

Đến năm học cuối, nỗ lực lao động, học hỏi của anh đã được đền đáp, anh được đề bạt làm phó phòng kỹ thuật của công ty với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng và có thu nhập thêm từ 1-2 triệu đồng khi được giao làm chủ nhiệm một số công trình xử lý nước. Năm học cuối, anh tự lo tiền làm tốt nghiệp và mua được chiếc xe máy Dream (Trung Quốc) để đi. 

Học xong, với mong muốn thử sức ở công việc xử lý nước thải để lấy kinh nghiệm, anh xin dừng công việc tại công ty này. Tiếp đó, anh chỉ nghĩ là sẽ đi làm thuê ở công ty về xử lý nước thải với mức lương 2 triệu đồng thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm được một ít tiền. Trớ trêu là mong muốn đó không được thỏa mãn, anh chỉ được trả lương 1,5 triệu đồng/tháng làm full time. Không chấp nhận nổi mức lương thấp so với kinh nghiệm đã có, anh bỏ không làm và cũng không đi xin việc ở nơi khác nữa. Đây chính là lối rẽ đưa anh chuyển hướng sang kinh doanh. 

Cú “khuynh gia bại sản” vì… cả nể

Từ đây, anh có động lực thôi thúc bản thân và động não tìm cách kiếm tiền khác nên dành 2 tháng đi khảo sát thị trường xung quanh Hà Nội. Hành trang là chiếc xe máy, từ sáng đến tối, anh đi khảo sát khắp các khu vực ven Hà Nội, Hà Tây (cũ) để tìm hiểu, xem xét, đánh giá hiện trạng sử dụng nước và chất lượng nước giếng khoan ô nhiễm và sự bức thiết của người dân. Triền miên những ngày đi khảo sát thị trường là những ngày anh chỉ ăn mỳ tôm bánh và phóng xe trên đường mỗi ngày đổ 30.000 tiền xăng (xăng lúc đó chỉ 12.000/lít). Sau thời gian này, anh đã có thực tế và cơ sở dữ liệu đánh giá nhu cầu xử lý nước của các khu vực và quyết định đi kinh doanh. 

Qua khảo sát, anh thấy khu vực ven thị xã Hà Đông là khu vực có nền kinh tế khá mới lên, chưa có nước máy, toàn bộ người dân dùng nước giếng khoan, nhu cầu sử dụng bộ lọc nước rất lớn. Vì thế, với kinh nghiệm xử lý nước hộ gia đình đã tích lũy được, anh mở cửa hàng cung cấp thiết bị lọc nước giếng khoan lấy tên “Trung tâm nước sạch Bách Khoa” (vì học trường Bách Khoa) tại Ba La, Hà Đông. 

Mở cửa hàng, anh đã tự mày mò, thiết kế bộ lọc nước theo tiêu chuẩn của mình và đặt bên cơ khí làm thiết bị, đồng thời định ra mức giá rất hợp lý (một bộ lọc nước giá 2-5 triệu đồng tùy vào công suất). Anh cũng đánh giá được ngay là với thiết bị này, gia đình nào cũng cần và có khả năng mua về sử dụng là rất khả quan. 

Đáp ứng được nhu cầu dùng nước sạch của các hộ dân nên ngay trong 3 tháng đầu tiên mở cửa hàng, anh đã bán được hơn 100 bộ. Kỷ niệm đáng nhớ với anh là mỗi tối đi làm về thì cả 2 túi quần đầy chặt tiền giấy đủ các mệnh giá buộc bằng sợi rơm.

Dần dà, cửa hàng bán thiết bị lọc nước của anh ngày càng đắt hàng nhờ cung cấp cho một thị trường rộng lớn và khá ổn định. Công việc kiếm tiền từ cửa hàng tương đối thuận lợi. Đó là những năm hoàng kim của chàng trai mới ra trường. 

Công việc làm ăn tốt, kiếm được tiền cộng với tính cách hết mình với bạn bè, anh có nhiều mối quan hệ công việc mà không lường hết được hệ lụy từ nó. Vụ việc lớn anh gặp phải là quen biết với em trai của Tổng giám đốc một công ty lớn trong lĩnh vực kim khí tiêu dùng, được giao quản lý các dự án mới của Công ty. Anh đã kết hợp làm ăn với cậu này và nhận làm hệ thống xử lý nước cấp cho 3 nhà máy ở Hà Tây vì anh đã dày dặn kinh nghiệm xử lý nước cấp, cộng với chuyên môn vững. Tuy nhiên kinh nghiệm thương trường chưa có nên anh đã vô tư ký vào bản hợp đồng làm hệ thống nước cấp với công suất 15m3/giờ nhưng thực tế chỉ làm có 8m3/giờ để cắt bớt cho “cậu ấm” này một khoản dựa trên tình cảm anh em làm ăn với nhau. 

Hậu quả đến ngay sau đó khi nhà máy đi vào vận hành thì thiếu nước, vụ việc được phanh phui, anh bị công an triệu tập để làm rõ vấn đề. Giấy trắng, mực đen đã ký, anh phải đền bù thiệt hại bằng việc làm bổ sung 3 bộ xử lý nước cho đủ công suất 15m3/giờ. Tự mình bỏ tiền túi ra đền bù công trình, anh phá sản hoàn toàn, phải đóng cửa hàng cung cấp thiết bị lọc nước, cộng với khoản nợ khá lớn. Như vậy công sức suốt 3 năm mở cửa hàng kinh doanh trở thành con số không, anh đã phải trả giá đắt cho mối quan hệ xuất phát từ lòng tham và học được một bài học xương máu.

Gây dựng cơ nghiệp sau phá sản

Tay trắng nhưng lúc đó anh không lo, không sợ mà tiếp tục vượt khó bằng việc nghĩ cách khác để kiếm tiền trả nợ. Nhờ có mối quan hệ với các phòng thí nghiệm về hóa chất nên anh đã kết hợp với 2 người bạn thành lập công ty kinh doanh hóa chất. 

Đồng thời, anh đi làm thêm tại công Công ty Cổ phần nước quốc tế ở vị trí Trưởng phòng dự án. Mới vào công ty, anh đã ký thành công 2 hợp đồng với đối tác Nhật trị giá 1,2 và 1,7 tỉ đồng mà chỉ sau vài buổi làm việc. Bí kíp ở đây là giải pháp xử lý nước thải cho nhà máy của đối tác được anh đưa ra một cách khoa học, hợp lý, có tính linh hoạt cao nên đã thuyết phục được họ. Mặc dù khi trao đổi, anh không biết tiếng Nhật, mà chỉ bằng mô hình trên giấy. Lợi nhuận được hưởng sau 2 hợp đồng, anh hoàn trả được một phần khoản nợ trên. 

Minh họa mô hình hệ thống xử lý nước cấp dùng cho sinh hoạt

Sau khi góp vốn mở công ty hóa chất được 8 tháng, anh xin rút vì nhiều lí do và dự tính sẽ tách ra làm chủ nên không tiếp tục công tác tại Công ty Cổ phần nước quốc tế. 

Cuối năm 2006, anh thành lập Công ty CP kỹ thuật Môi Trường Việt. Cận thời điểm đó, đầu năm 2007, anh được mời về làm việc tại Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Tây. Vậy là “tay trong tay ngoài”, anh từng bước gây dựng lại sự nghiệp đã mất. Nhờ có kinh nghiệm, chuyên môn vững và thông qua các mối quan hệ tại các hội thảo, ngay khi mới mở công ty (chưa có hóa đơn), anh đã mang về cho công ty nhiều hợp đồng lớn nhỏ. 

Từ đó, công việc cứ phát triển theo nhịp và đi lên từng bước, anh tiếp cận được nhiều công trình xử lý nước ở các tỉnh. Nhờ làm thi công dày dặn, đội ngũ chuyên môn giỏi, công việc vào guồng và đào tạo bài bản, công việc kinh doanh của anh thuận lợi nhiều hơn là khó khăn. Liên tục trong trong 3 năm 2008 - 2009 - 2010, doanh thu công ty đạt xấp xỉ 20 tỷ đồng/năm, lãi khoảng 15-20% tổng doanh thu. Năm 2011, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, doanh thu chững lại và giảm xuống 11 tỷ. Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, không ngại khó, để có thêm thị trường ổn định mang tính bền vững, tháng 4/2011, anh đã mở văn phòng đại diện tại Nam Định. 

Anh Vũ Ngọc Toản (thứ 2, từ phải sang) tại lễ khởi công công trình xử lý nước ngầm

Một số công trình xử lý nước thải, khí thải Môi Trường Việt đã thực hiện:

Hệ thống xử lý nước thải giặt là Công ty TNHH Maxturn Apparel

Thi công xử lý nước thải sinh hoạt Công ty TNHH UNIVERSAL CANLE VN

Hệ thống xử lý nước cấp cho sinh hoạt và công nghiệp - Công ty TNHH Phú Thái

Trong kế hoạch năm 2012, anh mở thêm văn phòng đại diện tại Quảng Ninh,… để hưởng ứng phong trào phát triển ngành công nghiệp Xanh - Không khói. 

Dự định trong thời gian tới, Môi Trường Việt sẽ phát triển mảng xử lý khí thải vì theo anh Toản “Xử lý khí thải hiện tại chưa nhiều nhưng đây là ngành sẽ phát triển trong tương lai gần. Do đó, công nghệ xử lý khí thải đã được anh xây dựng. Đó là cẩm nang, là định hướng phát triển, là dữ liệu tương đối tốt với thiết kế, công nghệ, bài toán ứng dụng đã được chuẩn bị để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu”. 

Mong muốn của anh Toản là xây dựng để Môi Trường Việt trở thành một thương hiệu uy tín, hàng đầu trong lĩnh vực xử lý nước thải, khí thải tại Việt Nam. 


Một số giải thưởng Công nghệ Xanh của Môi trường Việt

Đam mê và chuyên tâm là yếu tố cốt lõi làm nên thành công 

Mặc dù thừa nhận kinh doanh ngành môi trường là một ngành vượng nhưng với anh điều cốt lõi làm nên thành công lại là sự đam mê với nghề mình làm. Khi anh đã ngồi vào bàn làm việc thì mọi thứ bên ngoài không thể tác động và không ai có thể chen vào. Anh tâm sự: “Khi đầu tư chuyên môn, anh thường làm việc vào ban đêm. Làm kỹ thuật tư duy mà không thông suốt, giải pháp kỹ thuật mà không kín kẽ thì hậu quả của nó vô cùng lớn. Ví dụ anh thi công một công trình nước thải, nếu so sánh trạm nước thải là cái cốc nước thì chỉ cần sai một ly thiết kế thôi sẽ không ra được cái cốc đấy, và như thế thì phải mang bom mìn ra mà nổ, tức là phá hủy toàn bộ, nếu có chỉ tận dụng được duy nhất máy móc thiết bị, còn hệ thống ngầm là phá hết. Vì vậy cần tập trung cao độ, khi nào làm chuyên môn thì duy nhất anh chỉ quan tâm đến chuyên môn thôi, không sẽ đổ vỡ ngay”.

Tôi có hỏi anh là niềm đam mê này xuất phát từ đâu, anh chia sẻ: “Đam mê này xuất phát từ ngày bé khi bắt cua, cá; cứ đến cuối mùa gặt là rất ngứa. Cái ngứa đó vì rơm rạ thối, nước ô nhiễm do chăn thả vịt, nước sinh hoạt thải ra, nên ra ruộng chân sầy sủi hết cả. Lúc đó, anh đã có mong muốn là làm cái gì cho sạch môi trường, sạch nguồn nước rồi. Nên năm học lớp 11, anh đã mê cái ngành này kinh khủng. Đó cũng là lí do anh tự nộp hồ sơ thi vào Bách Khoa chứ không vào Sư phạm như bố muốn”.  

Ngoài công việc kinh doanh, anh Toản cũng rất quan tâm và đóng góp cho các hoạt động phúc lợi xã hội ở quê hương. Hiện tại, anh đã xây dựng quỹ khuyến học mang tên Môi Trường Việt, hàng năm phát học bổng cho trường khối cấp 2, cấp 3 (của quê hương) để hỗ trợ, khuyến khích các em học sinh nghèo học giỏi và bỏ tiền riêng ra xin dự án nước sạch nông thôn cho địa phương - hiện nhân dân trong xã (100%) đã được sử dụng nước sạch từ dự án. Với anh, khi đã trưởng thành và thành công, người doanh nhân cần chia sẻ những điều mình làm được cho mọi người xung quanh. 

Đối với tôi, cuộc trò chuyện hơn 3 tiếng đồng hồ với anh Toản làm tôi rất khâm phục nghị lực vượt khó vươn lên của anh. Cảm xúc tôi có về cuộc hành trình đi lên của anh cũng giống như một cái cây mọc trên đá, phát triển và tỏa bóng mát trên chính nơi nó sống.
 
Hoclamgiau .vn

Trở thành doanh nhân vì tự nhiên thuộc về công việc ấy

Không thuộc tuýp người có sắc đẹp, không được học hành đến nơi đến chốn nhưng ấn tượng khi gặp chị là sự mộc mạc, dễ gần pha lẫn cảm giác chắc chắn, tin cậy rất dễ gây cảm tình với người đối diện. Chị tự nhận mình không phải là doanh nhân mà vì đơn giản thuộc về công việc ấy. Người phụ nữ tôi đang muốn nói đến là chị Đàm Thu Hà – Giám đốc Công ty TNHH Gia Hưng chuyên cung cấp các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ mây tre đan. Chị đã đi lên từ một công nhân nhà máy may để trở thành bà chủ của những đơn hàng xuất khẩu lên đến hàng triệu sản phẩm.
Chị Đàm Thu Hà – Giám đốc Công ty TNHH Gia Hưng

Những mùa hè học nghề và sự lận đận thi cử

Chị Đàm Thu Hà sinh ra tại Hà Nội. Bố mẹ chị đều là bộ đội nên cuộc sống chỉ tàm tạm đủ sống chứ không hề dư dật.

Với lối suy nghĩ đơn giản để lo cho con sau này có một cái nghề, ngay từ bé, mẹ đã cho chị đi học đủ thứ: thêu thùa, đan lát... Lên cấp 2, với tâm lý lo xa “không biết học hành thế nào, nhưng có cái nghề thì sống”, mẹ chị hướng cho con gái đi học may sau này có cái nghề kiếm sống. Do vậy, những mùa hè học cấp 2, mẹ cho chị về quê Hưng Yên học nghề may từ các bác (vốn dạy may từ thời Pháp). 

Rào cản tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của các bác cũng khiến cho công cuộc học may của chị nhiều trắc trở vì chỉ muốn truyền nghề cho con trai chứ không truyền nghề cho con gái. Vì thế, đi học nghề may mà chủ yếu chị được giao thùa khuyết. Có mùa hè chị thùa được 2000 cái khuyết áo đủ các kiểu: khuy tết, khuy bọc, khuy không đường may... Công việc thuần thục, tay nghề thùa khuyết của chị đẹp mỹ mãn đến tận bây giờ. Đối với chị, chỉ với 1 cái khuyết nếu đi tới cùng vẻ đẹp của nó cũng thể làm giàu được. Chị cũng không ngờ vốn học may, thêu thùa lúc nhỏ lại trở thành nghề và giúp chị không chỉ sống được mà còn làm giàu về sau.

Thời đi học, chị rất thích học ngoại ngữ. Học hết phổ thông, cũng như bao học sinh khác chị đặt hồ sơ thi vào trường Đại học Ngoại ngữ (ĐH Hà Nội bây giờ). Những tưởng thi đỗ vì nằm trong khả năng nhưng kết quả chị thi trượt. Không nản lòng, chị ôn tiếp năm thứ 2 và thi vẫn trượt. Quyết tâm thi lại lần 3 nhưng cánh cửa giảng đường Đại học vẫn đóng lại trước chị. Sự trớ trêu của “học tài thi phận” đã buộc chị phải đổi hướng theo con đường khác.

Vụ xử lý mất đồ hoàn hảo của sếp mới

Sau 3 lần thi rớt, bố xin cho chị vào làm tại nhà máy may xuất khẩu. Sau 6 tháng đào tạo, chị chính thức trở thành công nhân tại nhà máy. Đã sẵn biết nghề may từ những mùa hè còn là học sinh nên tay nghề của chị lên rất nhanh và sớm trở thành công nhân có tay nghề cứng. Con đường thăng tiến từ một công nhân quèn mở ra với chị, chị lần lượt được đề bạt lên làm tổ trưởng, phụ trách kỹ thuật rồi lên quản lý. 

Trẻ, tay nghề giỏi, chị lên làm quản lý trong sự ghen tị của nhiều đồng nghiệp hơn tuổi khác. Một kỷ niệm khó quên  năm 22 tuổi khi chị lần đầu bước vào nghề quản lý: Có một vụ mất mát (quần sooc) trong ngày đầu tiên chị nhận quản lý một tổ sản xuất 60 người:

Đứng trước tình huống mất đồ gay cấn này, chị đã rất bình tĩnh xử lý êm thấm vụ việc và thu hồi lại được 22 chiếc quần. Chị cho họp mọi người lại và thông báo “Mình đã họp với Ban quản lý, mất hàng thì phải bồi thường, trị giá quy đổi theo đơn giá của khách hàng. Mỗi người sẽ nộp 50 nghìn cho vụ mất mát này”. Hiểu chắc chắn rằng không ai chịu mất tiền nên tất cả không ai nhận lỗi, chị đề nghị bỏ phiếu kín để tìm lại công bằng cho mọi người. Kết quả tất cả số phiếu đều trắng vì đây chỉ là trò đùa với sếp mới. Chị đành: “Cảm ơn tất cả mọi người đã giúp tôi tìm ra số hàng đã mất, những ai đã làm việc này tự giác chiều nay mang quần trả lại vào phòng quản lý”. Câu nói này đã khiến cho mọi người tự phải đấu tranh tư tưởng và nghi ngờ xem ai là “kẻ phản bội”. Ngày thứ nhất không có ai nộp lại nhưng đến ngày thứ 2 họ đã tự đấu tranh với chính mình và chỉ thiếu duy nhất 1 chiếc. Chị nói “Còn một chiếc nữa, tôi không muốn nhắc tên bạn vì tôi đã biết bạn rồi, bạn nên mang đến vì tôi không muốn bạn phải xấu hổ trước mặt mọi người”. Ngày hôm sau thì cái quần cuối cùng cũng về vị trí và 22 cái quần mất thu hồi lại được hết trong khi đó thực tế chị không có một thông tin nào.

Vụ việc xử lý này đã giúp chị giải quyết xuất sắc bài toán mất mát nhờ biết đánh vào tâm lý người khác mà không làm tổn hại đến danh dự của họ và vẫn đảm bảo công việc công ty. Chị được mọi người chấp nhận và nể phục. Làm ở vị trí nào chị cũng thể hiện rõ vai trò thủ lĩnh, chị được cử tham gia cuộc thi thợ giỏi toàn quốc.

Bén duyên với ngành xuất khẩu từ nghề may

Vừa là một công nhân giỏi tại nhà máy may, cơ duyên đưa chị đến với ngành xuất khẩu một cách tình cờ. Có một Việt Kiều quê ở Ứng Hòa Hà Tây muốn đầu tư một nhà máy tại quê hương để tạo công ăn việc làm cho người dân. Anh ta tìm một thầy giáo để gửi gắm tâm nguyện này. Gia đình thấy giáo đông con, thu nhập không đủ sống nên rất muốn làm việc gì để tăng thu nhập. Thầy không biết nghề may nên qua giới thiệu đã tìm đến chị để tìm hiểu về quy trình may công nghiệp.

Nếu theo lẽ thông thường, chị sẽ mãi là công nhân may nhưng khi có cơ hội tới buộc chị phải tiếp cận và tư duy về nó. Chị tham khảo cuốn “công nghệ may” được treo ở dây chuyền sản xuất và bắt đầu đọc kỹ càng rồi cặm cụi mày mò, tính toán, kẻ vẽ để xây dựng công nghệ sản xuất quần len xuất khẩu gồm chi tiết kiểu dáng công nghiệp, mô tả dây chuyền, bóc tách giá, nguồn nguyên liệu... Sau khi hoàn thành, chị đưa cho anh thày giáo để trình cho ông Việt Kiều và họ đã quyết định đầu tư máy móc, trang thiết bị mở xưởng may. Năm đó chị 24 tuổi .

Chị và người thầy giáo đã kết hợp hoàn hảo để cho ra một dây chuyện khép kín từ khâu nguyên liệu đến việc hoàn thiện và xuất khẩu hàng đi Ba Lan. 

Khi làng nghề mở ra thì công việc được triển khai trên diện rộng, mỗi tháng chị làm được 30.000 sản phẩm quần len xuất khẩu. Chị đã đưa công nghệ vào sản xuất để giải quyết vấn đề năng xuất, chất lượng đang tồn đọng tại các làng nghề khác. Kết quả với 5 chiếc máy chuyên dùng chị làm ra 3000 sản phẩm/ngày/3 ca, mỗi ca 1000 sản phẩm, năng suất gấp 6 lần. 

Năm 1997, Đông Âu tan vỡ, công việc xuất khẩu quần len chậm lại và không được thuận như trước. Tuy nhiên chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm xuất khẩu và giải quyết các khâu khác nhau trong quá trình xuất hàng đi. 

Một cơ hội khác lại đến với chị: có một khách hàng Đài Loan nhập khẩu hàng mây tre đan, anh này muốn những sản phẩm được trang trí thêm vải và phụ kiện. Chị đã hình dung ngay ra những chiếc hộp xinh xắn với ren, vải, phụ kiện và đó là sở trường của chị “sáng tạo và thích tìm tòi cái mới”. Khi kết hợp với phụ kiện thì những sản phẩm mây tre đan không chỉ đơn thuần nữa mà có ren, có bèo rất thẩm mỹ.

Trở thành bà chủ của thương hiệu mây tre đan xuất khẩu

Năm 2007, sau những cái duyên với nghề may, chị đã định vị lại sản phẩm và ngành hàng mình làm nên chị quyết định mở doanh nghiệp để sản xuất trọn vẹn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan kết hợp với vải lót, ren lót. Chị kết nối với các làng nghề tại nhiều tỉnh thành trong cả nước để làm các chi tiết cho các mã hàng của mình. Thời gian đầu, tự mình thiết kế các sản phẩm, chị phải tự mày mò, tính toán diện tích, thể tích các hình, các khối. Sau khi đã lên được mẫu sản phẩm gồm những mảng miếng khác nhau, chị giao chi tiết đơn hàng về các địa phương để làm các công đoạn. 

Trong suốt quá trình kinh doanh điều chị nhấn mạnh nhất chính là vai trò của người “cầm cờ”. Các tình huống khó khăn, đầy mạo hiểm, đầy bất trắc mang tính đặc thù công việc  do khách quan mang lại cần người đứng đầu phải có cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Vào mùa chiến dịch chị lặn lội khắp các làng nghề, triển khai lắp ghép công việc để tạo thành một cỗ máy vận hành đúng đường ray. Và không ít những phen thừa sống thiếu chết, dở khóc dở cười với những sự khập khễnh trong quá trình làm việc.

Hình ảnh một số mã sản phẩm xuất khẩu:








Sản phẩm được đóng thùng trước khi xuất khẩu

Công việc vào guồng và chạy nhịp nhàng, thành công và tiền bạc đến với chị cũng rất thuận lợi. Hiện nay, công ty chị đã trở thành nhà thầu phụ của nhãn hàng IKEA. Ngoài các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm mới nhất của chị là “lót mũ bảo hiểm” đang là sản phẩm hot trên thị trường giúp cho người đi xe máy cảm thấy thoải mái, sạch sẽ, thoáng mát khi đội mũ bảo hiểm. 


Sản phẩm lót mũ bảo hiểm đan từ mây và viền vải

Hàng năm, từ tháng 6-9 là thời gian bận rộn nhất với chị vì là mùa xuất khẩu, chị tổ chức các chiến dịch mùa hè để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu. 

Làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, theo chị Hà cái khó nhất là ghép nối tốt để đảm bảo đủ số lượng cho lô hàng trước khi xuất đi. Vì để cho công ten nơ lên tàu đúng thời gian thì phải lường trước tất cả các tình huống có thể xảy ra: tăng cước, làm không đủ, dự phòng, thời tiết… Nếu làm thiếu số lượng thì số tiền rải trên chặng đường đó nhiều vô kể và bài toán kinh tế sẽ có vấn đề ngay. 

Thành công không nhất thiết là phải học đại học

Đối với chị Đàm Thu Hà, thành công có được ngày hôm nay đã giúp chị giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động ở các làng nghề địa phương. Chị thường làm việc vào ban đêm vì lệch múi giờ với khách hàng: “Công việc này chị không chia sẻ được với ai, không nói được với ai, chỉ có chị và 2 phương án “Được hoặc mất”. Lúc đó, linh giác tự nhiên xuất hiện trong tình huống chốt đơn hàng và tự mình phải quyết. Chị hiểu rằng khi quyết thì hàng nghìn người nông dân họ được hay mất phụ thuộc vào cái quyết của mình. Rồi khách hàng, nhà nhập khẩu…. Khi quyết một mình như vậy thì chị sẽ dám chịu. Mình dám chịu thì chả còn vấn đề gì nữa và mình chấp nhận cái xấu nhất xảy ra”. 

Ngoài việc chịu trách nhiệm với những quyết định, với chị Hà thì làm chủ doanh nghiệp phải học hỏi liên tục thì mới làm giàu được. Trong những lúc rảnh rỗi thay vì đi chơi, chị một mình với chiếc máy tính và chương trình tự học ngoại ngữ, đọc tin tức văn hóa, xã hội, giao lưu với các bạn trẻ thông qua mạng xã hội. Khi không biết cái gì thì mình phải tìm cách học bằng được: “Như chị ngày xưa không biết viết thư thương mại, lúc đầu cứ viết dài dòng kể lể sau  phải học cách viết mail cho đối tác cho ngắn gọn đủ ý và mạch lạc, dễ hiểu”. Chị Hà cho biết thêm: “Theo chị thì để thành công không nhất thiết phải qua  học Đại học vì đi học Đại học cũng chỉ  là một lựa chọn  để ra trường mình có một cái vốn rồi chọn một nghề để sống. Nói như thế không phải là chị không trân trọng những người học cao bởi vì họ thuộc về nơi đó, những giảng đường. Nhưng nếu bạn không thi đỗ Đại học không có nghĩa là bạn không thể làm giàu”. 

Tiếp xúc với chị Hà, tôi vỡ ra nhiều thứ từ công việc của chị. Cảm xúc của tôi về chị là cũng giống như khi người ta tự nhiên bị đặt trước một hoàn cảnh hóc búa, nhưng lại biết cách để giải quyết bài toán hóc búa đó bằng sự sáng tạo, tư duy liên tục. Phải chăng, đó cũng là một tố chất khác biệt của một người làm chủ với một người làm công. 

hoclamgiau.vn