Trang

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Tôi đã lựa chọn đúng

Gặp bà trong giờ nghỉ trưa, khuôn mặt có vẻ thoáng mệt vì công việc nhưng chuyện bà kể với tôi không vì thế mà mất đi sự cuốn hút. Bằng chất giọng miền Nam ngọt và ấm, bà tạo cho người tiếp chuyện cảm giác gần gũi như nói chuyện với người thân.

Trong gian phòng, văng vẳng bài hát với những câu hát “Cho tôi như khúc ca, bay đi xa rất xa. Cho tôi được cám ơn cuộc đời, cám ơn mọi người...”. Đó cũng là tâm niệm của người phụ nữ nhỏ bé này trong cuộc sống và kinh doanh.

* Nhiều người mong muốn được chen chân vào thế giới tài chính, vậy tại sao một người thành công như bà lại tìm cách thoát ra?
- Nhớ lại, trước đây khi mới ra trường, chân ướt chân ráo, tôi xin vào làm cho Sacombank, khi đó tôi chỉ là một nhân viên tín dụng. Sau nhiều nỗ lực và cố gắng, tôi trở thành phó tổng giám đốc kinh doanh của Sacombank.
Nếu hỏi vì sao tôi lại rời bỏ vị trí đó để bắt đầu lại từ đầu ở một môi trường mới thì quả thực có quá nhiều lý do. Gần 13 năm làm việc tại ngân hàng thời gian đủ dài để tôi trải nghiệm và có được nhiều kinh nghiệm.
Có thể trước đây tôi từng là người làm ở khâu tuyển dụng nhân sự nên cảm thấy trăn trở về những người trẻ bây giờ. Tuy họ được đào tạo chính quy song vẫn còn rất nhiều lỗ hổng. Những nhân viên trẻ khi được ngân hàng nơi tôi làm nhận vào đa số đều được đào tạo lại từ kiến thức chuyên môn đến cách ứng xử...
Hoặc là tôi cũng cảm thấy rằng mình quá may mắn, được nhiều người giúp đỡ trong sự nghiệp nên nghĩ đã đến lúc phải trả lại điều đó cho những người cần giúp. Có lẽ bởi thế mà tôi coi kinh doanh giáo dục là con đường. Từ đó, tôi quyết định tìm hiểu, nghiên cứu về giáo dục và chú tâm bước sang lĩnh vực “trồng người”.
Theo DoanhnhanSaigon

* Ở tuổi 37, từ bỏ tất cả những thành công hiện hữu để bắt đầu lại từ đầu, cảm xúc của bà lúc bấy giờ ra sao?
- Có thể khi tôi còn trẻ, thành công là phải đạt một vị trí cao nhất trong công việc mình đang làm. Nhưng rồi định nghĩa về thành công của tôi đã thay đổi, tôi muốn một sự bình an trong tâm hồn, tôi muốn giúp đỡ những con người còn rất trẻ như chính những đứa con của tôi vậy. Và với định nghĩa đó tôi đã bắt đầu một công việc mới với một niềm tin mạnh mẽ, một niềm đam mê mãnh liệt, và một sức chiến đấu bền bỉ.

* Như vậy, bà đã thỏa mãn với cuộc sống hiện tại của mình chưa?
- Theo tôi, không có một chuẩn mực nào làm thước đo thỏa mãn, chỉ biết rằng mỗi người phải biết như thế nào là thỏa mãn cho riêng mình. Tôi có một gia đình hạnh phúc, những việc tôi đang làm hiện nay có một giá trị sống của nó đối với tôi, và tôi hiểu được triết lý “sống hạnh phúc để thành công”.
Tất cả những điều ấy đối với tôi như thế là quá đủ để tôi cảm nhận cuộc sống thật kỳ diệu. Vì thế mà tôi luôn tâm đắc câu hát “Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời. Làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh”.

* Vậy tiền không phải là mục đích sống của bà?
- Nếu ai đó trên cõi đời này có mục đích sống là tiền thì quả thật cuộc đời người đó rất là đau khổ, không bao giờ tìm thấy hạnh phúc. Bởi vì, tiền không bao giờ là đủ cả nếu nó là mục đích sống. Trước đây tôi làm việc tại ngân hàng, chồng làm việc cho một công ty chứng khoán, nên tài chính có thể nói là khá ổn.
Có thời điểm, tôi thấy mình có “quá nhiều tiền” đến mức ngạc nhiên. Rồi cũng thời gian đó, tôi cảm thấy mệt mỏi với công việc và quyết định mở trường học với số tiền đó. Tôi suy nghĩ rằng, tiền mình có được như thế là đủ nên tiếp tục bán nhà, bán mọi thứ có giá để dồn tâm huyết vào ngôi trường này.
Theo tôi tiền chỉ là một trong số rất nhiều công cụ, phương tiện, nguồn lực giúp cho chúng ta đạt được mục đích sống mà thôi. Chẳng hạn, nếu tôi muốn giúp đỡ nhiều trẻ em khó khăn được cắp sách đến trường thì tôi phải nổ lực hết sức cho dự án Vstar School thành công. Tôi không thể nói suông khi trong túi tôi không có tiền.

* Như bà nói, bà làm vì niềm đam mê nhưng lại lập một ngôi trường chỉ dành cho “con nhà giàu”, liệu suy nghĩ và hành động ấy có quá mâu thuẫn?
- Tôi là người kinh doanh. Một khi đã kinh doanh thì phải tính toán làm sao để đảm bảo được lợi nhuận. Trong một dự án, phân khúc thị trường là quan trọng nhất, và tôi đang chọn phân khúc bậc trung. Hiện nay, đa phần các em lớn lên trong một hoàn cảnh rất đầy đủ về vật chất nhưng hơi thiếu thốn về mặt tình cảm.
Trẻ nhỏ cũng giống như chồi non mới nhú, rất cần sự quan tâm chăm sóc đúng cách, đủ liều lượng thì cây mới phát triển tốt được. Và Vstar School ra đời để giúp các em hoàn thiện nhân cách thông qua những hành vi yêu thương, niềm tin mãnh liệt vào các em.
Kết quả là chúng tôi có thể giúp các em có niềm tin trong cuộc sống, chúng cảm nhận mình được yêu thương, được quan tâm, được chia sẻ. Và chúng cũng sẽ đáp trả lại cuộc đời bằng những hành vi tương tự.

* Được biết, bà có tuổi thơ không hạnh phúc, có phải chính điều đó đã khiến quyết tâm của bà được nhân lên bội phần?
- Tôi không muốn nói nhiều đến tuổi thơ của mình, nhưng với riêng mình, tôi chỉ mong muốn có một cuộc sống bình yên, để có thể yên tâm cống hiến hết mình, dẫn dắt ngôi trường phát triển hơn nữa, thành công hơn nữa trong nền giáo dục Việt Nam.
Tôi luôn khao khát được đóng góp sức mình cho sự phát triển chung của xã hội, để qua đó, có thể giúp các em nhỏ học được kỹ năng sống trước khi vào đời. Tôi muốn những đứa trẻ sau này lớn lên không phải trải qua những gian nan thử thách như tôi đã phải trải qua. Tôi chỉ biết rằng, nếu còn có thể làm được ngày nào tôi vẫn sẽ cống hiến hết mình.

* Dồn hết tâm trí vào công việc, thời gian nào bà dành cho gia đình?
- Là một người đam mê công việc, trước đây tôi chưa tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ. Mười ba năm làm việc tại ngân hàng, công việc kéo tôi vào vòng xoáy không thể tách ra. Dù được chồng, bố mẹ chồng ủng hộ, giúp đỡ nhưng tôi vẫn biết rằng các con của tôi thiếu sự chăm sóc của mẹ.
Tôi không hối tiếc về việc mình đã làm, nhưng lâu lâu nhìn con tôi lại thấy mình có lỗi. Tôi chọn việc kinh doanh trường học một phần cũng vì tôi tin vào luật nhân quả. Tôi tin rằng khi tôi giúp đỡ những đứa trẻ không phải con mình thì một lúc nào đó, con cái của tôi cũng sẽ được người khác đối xử tốt như vậy.

* Doanh nhân hiện nay trở thành một giá trị “thời thượng” đối với nhiều người. Theo bà, làm doanh nhân có khó không?
- Theo quan niệm của riêng tôi, làm doanh nhân không dễ. Vì khi đã là doanh nhân thì tâm phải sáng, đức phải tốt. Nếu chạy theo đồng tiền mà làm tất cả thì sẽ mất đi ý nghĩa của hai chữ doanh nhân. Đó cũng là lý do vì sao sau những nỗ lực, tôi vẫn đọc đi đọc lại quyển sách “Đắc nhân tâm” để biết mình nên làm thế nào và phải cư xử ra sao.

* Còn giáo dục lại là một chuyện khác. Nếu giá trị và chất lượng giáo dục đi xuống thì “kinh doanh giáo dục” có phải là lĩnh vực rủi ro?
- Không phải chỉ bản thân tôi mà bất cứ ai cũng nhận thấy rằng, nền giáo dục của nước ta đang có nhiều vấn đề. Những vấn đề này được biểu hiện ra bên ngoài qua các hiện tượng như giáo viên mở lớp dạy thêm, chất lượng giáo dục thấp, kỹ năng làm việc của sinh viên kém, rồi chuyện tham nhũng khi giáo viên được thăng chức hay chuyển đổi nơi dạy...
Đó là bề nổi, còn vấn đề quan trọng hơn là hiện nay ai cũng thấy rằng hệ thống giáo dục đang cản trở phát triển tư duy của học sinh. Theo cách nhìn của riêng tôi, nếu không loại bỏ được cách giáo dục cũ thì Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn để trở thành nền kinh tế tri thức.
Đầu tư vào giáo dục là đầu tư lâu dài và có chiều sâu cho một sản phẩm đặc biệt là con người. Nó chỉ thực sự rủi ro khi bạn không hiểu về nó, không có tâm huyết để giữ đúng chất lượng cam kết.

* Bận rộn với công việc, bà có dành nhiều thời gian cho riêng mình?
- Nhiều chứ. Tôi quan niệm rằng, trong cuộc sống, bạn phải tham gia hết mình vào tất cả các hoạt động, có như thế bạn mới không lạc hậu và sẽ có được cộng đồng của riêng mình.

* Sau ba năm vất vả, bà nhìn nhận khởi đầu của mình là quả ngọt hay trái đắng?
- Cho đến thời điểm này, tôi cho rằng mình đã nhận được quả ngọt ngay từ khi bắt đầu. Ngôi trường được xây dựng với sự góp sức của rất nhiều bạn bè, người thân. Những bạn bè này không chỉ cùng góp vốn mà còn cùng điều hành doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều người làm việc sẽ đem lại sự sáng tạo trong kinh doanh. Cho dù sau này chúng tôi có mở hay không mở rộng doanh nghiệp nhưng tôi luôn có suy nghĩ là tôi đã lựa chọn đúng công việc trong đời.

* Xin cảm ơn bà về những chia sẻ thú vị này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét