Trang

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Tố chất kiên cường tạo nên thành công người đàn bà làm muối

Con ong đất với đôi cánh ngắn và thân thể nặng nề nếu theo các quy luật của môn khí động học, nó không thể bay được. Nhưng chú ta không hề biết về điều đó, với khát vọng bay cháy bỏng, chú đã kiếm cách để nâng thân thể của mình lên và cuối cùng ước mơ đã thành hiện thực. Câu chuyện về chú ong đất có phần nào giúp tôi khắc họa được tính cách nổi bật nhất của chị Chu Ngọc Trinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Hải Hà – một người phụ nữ kiên cường, miệt mài giải quyết những vấn đề vấp phải trên chặng đường kinh doanh để đạt được những thành tựu xứng đáng của ngày hôm nay.
Chị Chu Ngọc Trinh như chú ong đất miệt mài, cần mẫn với công việc

Tuổi trẻ nhọc nhằn của một người con vùng quê muối
Chị Trinh là con gái cả trong một gia đình đông con lại đẻ dày gồm năm chị em tại vùng quê Hải Hậu, Nam Định, miền quê có nghề làm muối truyền thống. Cả nhà chị sống bằng đồng lương công nhân “ba cọc ba đồng” của bố và nghề làm nông nghiệp của mẹ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả.
 
Từ bé khi theo bà ra ruộng muối, chị đã thấm thía nỗi vất vả của những người dân ở làng.  Để làm ra gói muối là cả một sự nhọc nhằn trăm bề: dẫn nước, phơi muối, cào muối dưới trời nắng gắt gần 40 độ mà tiền kiếm được chẳng là bao. Tính ra một gia đình 5 người làm cật lực mỗi ngày chỉ được 100 cân muối, bán thành tiền là 80.000 đồng, trung bình mỗi người chưa được 17.000 đồng/ngày.

Nhiều người đã bỏ muối để làm nghề khác, ruộng muối bị thu hẹp dần, chỉ có những người lớn tuổi trong làng mới bám riết với nghề. Muối làm ra được bán cho các thương lái với giá rất rẻ. Hơn nữa, làm muối chỉ có thời vụ 3-4 tháng mỗi năm chứ không làm quanh năm như trồng lúa nên không nhiều người làng còn tha thiết với đồng muối. Mặc dù, nhu cầu là rất lớn, sản phẩm muối biển khác với muối mỏ rất tơi xốp, có vị ngọt, ít sạn, có thể ăn vã được, lại tốt cho sức khỏe nhưng nghề không phát triển được. Xót xa với hạt muối làm ra của người dân, từ trong thâm tâm, chị tiếc cho nghề truyền thống của quê hương mà chưa làm gì được.

Ấn tượng của chị ngày bé là khi theo người thân ra ruộng muối, trời nắng gắt phải bùm khăn kín mặt, nên chỉ có gương mặt là trắng, còn đôi chân thì to và đen do đi nhiều, vác nặng trên ruộng muối. Thương cảm cho nỗi vất vả đó, chị đã hình thành nên suy nghĩ, lớn lên sẽ làm ra một sản phẩm nào đấy tiêu thụ được nhiều muối…

Lúc đó, do điều kiện kinh tế khó khăn nên tỉ lệ thôi học của học sinh rất cao, phải đến 30%, nhà ai có điều kiện hơn một chút mới cho con đi học cấp 3. Bố mẹ chị cũng cố gắng cho chị đi học cấp 3 ở trường Hà Nam Ninh và chị nghĩ chỉ có đi học mới thoát nghèo, trong tâm tưởng chị nghĩ sau này sẽ không làm công chức như bố và không làm nông nghiệp khổ như mẹ.

Tốt nghiệp cấp 3, chị thi đỗ vào Học viện Tài chính với suy nghĩ học trường liên quan đến kinh tế sau này sẽ có thể  làm được nhiều tiền, hơn nữa con gái học nghề này cũng rất phù hợp và ra trường dễ xin việc. Có lẽ, suy nghĩ đó là cơ sở và hướng đi cho con đường kinh doanh của chị sau này.

Thời sinh viên, chị không chỉ lo học mà còn tự làm thêm kiếm tiền. Công việc làm thêm mỗi tháng cũng kiếm được 200.000 đồng. Nhờ thế, tiền đóng học phí mỗi tháng 90.000 đồng, chị đã có thể tự trang trải được. Ngoài ra, chị còn dư một chút để hỗ trợ các em tiền mua sách vở, học hành.

Tốt nghiệp ra trường năm 2001, chị đi làm kế toán thống kê cho một công ty của Đài Loan chuyên nhập khẩu và phân phối máy thêu vi tính với mức lương 500.000/tháng. Bản tính ham học hỏi và muốn tăng thêm thu nhập, trong thời gian làm ở đây, chị đã học thêm cách thiết kế mẫu thêu trên máy tính. Nhờ nghề tay trái này mà chị có thêm thu nhập bằng việc thiết kế các mẫu thêu cho máy thêu công nghiệp. Thu nhập “tay trái” cao hơn “tay phải”, có tháng chị kiếm thêm được 2 triệu VNĐ.

Công việc kinh doanh ở công ty chị làm có chiều hướng đi xuống do chịu ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới, một nhóm người trong công ty trong đó có chị bàn nhau xin nghỉ và góp tiền mua máy thêu công nghiệp cũ để nhận các đơn thêu gia công. Chị không có tiền góp vốn nên nhận thiết kế mẫu thêu và đào tạo nhân viên. Công việc thiết kế khá đắt khách, đem lại thu nhập tốt, nhưng với chị - một người khao khát làm giàu và được vươn lên trong cuộc sống - là chưa đủ.

“Chú ong đất” đi lên từ một cơ sở in

Quyết tâm mở một doanh nghiệp riêng cho bản thân, cuối năm 2002, chị nung nấu ý định mở một cơ sở sản xuất nhỏ chuyên in các họa tiết trên các sản phẩm may mặc. Với công việc kinh doanh này, chị có thể tận dụng các mối quan hệ gây dựng được ở công ty cũ - những đơn vị có nhu cầu thêu cũng thường xuyên có nhu cầu in trên các sản phẩm của họ.

Thời gian đó, rất tình cờ, đúng trên chuyến xe từ quê ra Hà Nội với quyết tâm mở ra công việc kinh doanh riêng, duyên số cho chị gặp một người khách hàng cũ từ lúc còn làm ở công ty của Đài Loan. Người khách mà chị thường xuyên giao tiếp qua điện thoại nhưng chưa từng gặp mặt. Qua câu chuyện, họ nhận ra nhau và không những nên duyên vợ chồng mà anh còn là người đồng hành và góp vai trò quan trọng trong sự nghiệp kinh doanh xưởng in của vợ.

Với số vốn khởi nghiệp là 30 triệu đồng và suy nghĩ đơn giản cứ làm là… biết, “chú ong đất” hăm hở bắt tay vào việc, trong khi kiến thức về in họa tiết trên vải gần như bằng… không. Trước khi làm, chị sang Cổ Nhuế học kỹ thuật in đúng hai ngày. Đây là mô hình in thủ công, không năng suất, người in xếp cả một chồng vải dưới đất và lần lượt quệt hình in lên trên từng miếng vải. Hết miếng này, nhấc lên, quệt tiếp lên miếng dưới. Do vậy, các họa tiết thường không có độ nét cao và rất dễ bị bẩn, nhòe… Khi quan sát, cách làm này, trong đầu chị đã nghĩ phải làm khác, chính xác và hiện đại hơn, nhưng làm như thế nào thì thực sự chị cũng chưa biết.

Chị thuê nhà xưởng trong 3 tháng hết 9 triệu. Để tránh làm bẩn vải và tiện thao tác, chị tự thiết kế và cho lắp một dàn bàn in mặt kính chân sắt hết hơn 10 triệu, máy vi tính để nhập dữ liệu và thiết kế mẫu thì đi mượn. Ngoài ra, chị thuê một thợ in rất có kinh nghiệm in trên… giấy với mức lương 3 triệu/1 tháng về làm việc cùng với mình.

Với suy nghĩ đơn giản, chị tưởng rằng khâu chuẩn bị đã ổn nên liền bắt tay vào việc đi tìm kiếm khách hàng. Dựa vào sự quen biết, chị Trinh có được đơn đặt hàng đầu tiên là lô in hình trên 33.000 áo trẻ em. Hàng được chuyển về chất đầy cả cơ sở sản xuất nhỏ bé của chị. Chuyên gia in giấy lập tức bắt tay vào việc. Nhưng hỡi ôi, khi chiếc áo đầu tiên được in, thì cả chủ lẫn nhân viên đều tá hỏa, mực vừa chạm vào vải lập tức nhòe ra xung quanh. Hóa ra, kỹ thuật in trên vải phải có những “bí kíp” riêng khác với in trên giấy.

“Chủ, tớ” ngồi đoán mò nguyên nhân. Có lẽ mực pha loãng quá chăng? Độ đậm đặc của mực tăng dần. “Chuyên gia” liên tục thử, “giám đốc” với chậu nước ngồi túc trực sẵn sàng bên cạnh. Sản phẩm in hỏng lập tức được thả thẳng vào chậu nước giặt ngay cho sạch. Dây phơi căng đầy trên đầu, trắng xóa những chiếc áo trẻ con, nhiều như nhà có trẻ sơ sinh phơi tã lót. Chị Trinh hoa cả mắt không vì phải đứng lên ngồi xuống liên tục mà vì quá lo lắng.

May mắn, người yêu của chị (người trở thành chồng chị sau này) vốn là dân kỹ thuật điện, sau khi quan sát công việc của “xưởng in” đã phát hiện ra vấn đề không phải là mực in pha loãng, mà nằm ở chỗ phải pha thêm một chất hóa học nào đó có tác dụng làm đông mực nhanh mới có thể giải quyết triệt để được việc này. Sau khi tìm hiểu, anh đã mua được chất đông cứng mực in. Hú vía, nhờ vào sự tinh ý của anh, chị Trinh đã hoàn thành đơn hàng chất lượng và đúng thời hạn với doanh thu 33 triệu đồng. Chi trả các khoản, chị còn lại lãi phân nửa.

Xác định là cơ sở in nhỏ, chưa có tên tuổi nên chị chọn cách cạnh tranh bằng giá và chất lượng. Chị giải thích: “Cùng một sản phẩm, chất lượng in như nhau nhưng giá rẻ hơn, thì khách hàng sẽ chọn cơ sở của mình”. Chiến lược đã rõ, cần phải hành động ngay. Với tính cách của một chú ong đất, chị Trinh đã không ngại ngần xộc thẳng vào các nhà may để tìm đơn đặt hàng. Địa chỉ của họ thì chị tìm được dễ dàng trong cuốn “Niên giám điện thoại những trang vàng”. Thông thường sau khi nhận được mẫu in thử và bản báo giá, thời hạn giao hàng của chị, khách hàng khó có thể từ chối.

Cơ sở in của chị làm việc đêm ngày, cứ có việc là làm ngay để đảm bảo tiến độ công việc. Uy tín tăng dần trong mắt khách hàng, xưởng in ngày càng có lãi. Rút kinh nghiệm từ  lô hàng đầu tiên, chị rất quan tâm đến kỹ thuật in, sấy. Đây cũng là lúc chị được sự hỗ trợ rất lớn từ chồng. Chồng chị đã tự nguyện nghỉ việc để về làm giúp vợ, khi chị đang mang bầu đứa con đầu lòng. Nhờ phần kỹ thuật được cải tiến, cơ sở bắt đầu có thêm các đơn đặt hàng phức tạp hơn.

Khi tôi hỏi ban đầu kinh doanh, chị có cảm thấy sợ không, “chú ong đất” hồn nhiên tâm sự: “Ban đầu cũng thấy sợ nhưng em lại nghĩ: Ở quê người ta kiếm tiền nghìn họ còn cố gắng, mình có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn thì phải cố gắng hơn, có sức thì cứ làm, trước mắt khó khăn nhưng sau này sẽ khác đi”.
 
Năm 2004, cơ sở in hoạt động ổn định hơn, chị đã chuyển xưởng về địa điểm rộng rãi hơn ở Văn Điển. Đây cũng là thời gian vất vả nhất đối với một người mẹ, ròng rã 5 tháng trời sau khi sinh, chị gửi con về nhà ngoại và hàng ngày đi về như con thoi trên quãng được Nam Định – Hà Nội. Năm giờ sáng chị đi ô tô từ Nam Định lên Hà Nội và tối từ Hà Nội về Nam Định với con, lúc đó mới được 2 tháng tuổi. Chia sẻ về quãng thời gian vất vả này, không khỏi rưng rưng, chị nói: “Làm in, hóa chất ngấm vào người, em cho con bú mà không lớn được”.

Những hy sinh của người mẹ trẻ đã được bù đắp, năm 2005, chị đã có những đơn hàng lên đến 200-300 triệu đồng. Công việc phát triển, sau 4 hoạt động, năm 2006 chị thành lập công ty in. Chồng chị phụ trách toàn bộ mảng kỹ thuật, còn chị làm quản lý, kế toán, marketing và đi gặp gỡ khách hàng. Công ty chị đã có những đơn hàng lớn từ các công ty của Trung Quốc, nhà may Hồ Gươm, Chiến Thắng, Đức Giang, Đáp Cầu…

Hai vợ chồng chị đã có nhà riêng, vài miếng đất và ô tô. Kinh doanh in đi vào hoạt động ổn định, năng lượng dồi dào của “chú ong đất” không được sử dụng hết lại một lần nữa thôi thúc chị tìm thêm cho mình một hướng đi mới. Chị quyết định chuyển toàn bộ công ty in cho chồng quản lý. Và ý nghĩ đến kinh doanh một thứ khác đã định hình trong đầu người phụ nữ tháo vát này.


Công ty in chị đã giao toàn bộ cho chồng quản lý

Trở về với khát khao thuở nhỏ và cú vấp tưởng chừng không gượng dậy được
Sau khi bàn giao công ty in cho chồng quản lý, với mong muốn tìm ra một hướng đi có thể phát triển bền vững, chị Trinh đặt mục tiêu: sản phẩm kinh doanh ít chịu ảnh hưởng từ các biến động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước; người dân có nhu cầu liên tục; không theo mốt. Từ các tiêu chí đó, chị nghĩ ngay đến khát khao thủa nhỏ của mình, đến những cánh đồng muối trắng  và những người thân lam lũ gắn bó nhiều đời với muối – một thứ nhu yếu phẩm quan trọng của con người. Ơrêka, phải sản xuất bột canh! Ý tưởng như vỡ òa trong chị.

Với bản tính của một chú ong đất, không cần nghĩ quá lâu, chị Trinh lập tức bắt tay vào việc với quyết tâm năm đầu bù lỗ nhiều, năm thứ hai bù lỗ ít và năm thứ ba bắt đầu ra lãi. Kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp đã có sẵn, vấn đề còn lại chỉ là nghiên cứu sản phẩm và phân tích thị trường. Chị Trinh dành nửa năm để tìm hiểu về cách sản xuất bột canh, xây dựng hình ảnh mẫu mã, tìm hiểu đối thủ cạnh tranh, khảo sát thị trường…

Sau nhiều ngày nghiên cứu và tự pha chế sản phẩm với cái cân tiểu ly, từ muối Hải Hậu, cộng với các gia vị phụ khác chị đã có một công thức bột canh Hải Hà hoàn hảo, ngon  và thỏa mãn yêu cầu về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Cũng giống như khi làm in, chị Trinh giữ phương châm là cạnh tranh về chất lượng với các sản phẩm tốt nhất, cạnh tranh về giá so với các sản phẩm kém nhất cùng loại khác trên thị trường.

Khi đã chuẩn bị chu đáo, quyết định cho ra lò mẻ muối 10 tấn đầu tiên đã thôi thúc chị nỗ lực không ngừng. Nhằm chuẩn bị đầu ra cho đợt sản xuất này, chị đã thuê đội ngũ gồm 40 nhân viên thị trường đi làm việc với các nhà phân phối tại các tỉnh thành, mỗi tỉnh có 1 giám sát và 2 nhân viên. Các nhà phân phối ở địa phương sẽ là kho hàng và đầu mối cung cấp bột canh tại tỉnh đó. Công tác thị trường đã sẵn sàng.

Do muối từ các cơ sở sản xuất tại Hải Hậu chưa được tinh chế đủ, muốn sử dụng phải qua một quá trình xử lý tốn kém, nên chị Trinh quyết định mua muối từ một công ty nhập khẩu để sản xuất lô hàng đầu tiên của mình. Mọi việc từ khâu sản xuất đến phân phối diễn ra theo đúng dự tính. Sản phẩm được pha chế chính xác theo công thức chị Trinh đã đưa ra, nhưng khi chuẩn bị đóng bao, chị Trinh phát hiện ra vị của gia vị quá mặn!

Mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, chị đành tặc lưỡi đóng gói và chuyển đến các đại lý với hy vọng mặn một chút cũng không sao! Và chị đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng, khi muốn đến tay người tiêu dùng, thì gặp phải sự phản ứng dữ dội từ các thượng đế.

Hóa ra, mặc dù đã thử nghiệm đi thử nghiệm lại để đưa ra được một công thức chuẩn, nhưng chị đã bỏ qua một khâu quan trọng là nghiên cứu các sản phẩm đầu vào, vì cứ nghĩ một cách đơn giản là: nếu đã là muối thì phải giống… muối! Vì suy nghĩ đó, chị đã không tìm hiểu và bỏ qua một thông tin quan trọng, trên thị trường có hai loại muối: muối biển và muối mỏ. Muối mỏ có độ mặn cao hơn muối biển rất nhiều. Có thể so sánh như thế này, nếu là muối biển, theo lời chị Trinh, thì bạn có thể ăn… vã mà vẫn thấy ngon, ngọt, trong khi muối mỏ thì mặn tới mức không nuốt được. Và lô muối mà chị nhập về để sản xuất chính là muối mỏ, trong khi chị lại nghiên cứu trên muối biển! Chị đã phải trả giá cho thất bại này mất gần 3 tỉ đồng.

Thương hiệu chưa định hình đã có nguy cơ chết vĩnh viễn. Làm thế nào để sản xuất được tiếp và giữ được uy tín thương hiệu là bài toán nan giải của chị Trinh vào lúc đó. Để tìm ra giải pháp, chị lo lắng mất ăn mất ngủ, hai, ba giờ sáng vẫn còn đi lại lang thang trong nhà. Có những hôm, chồng chị về muộn, mở cửa vào nhà nhìn thấy vợ rũ rượi lo nghĩ, phải thốt lên: “Em có đi ngủ không, trông em không còn giống người nữa mà như một con ma!”. Ở thời điểm này, thậm chí, chị còn hút thuốc lá như một cách để tỉnh táo để có thể tập trung suy nghĩ.

Chị chia sẻ thêm: “Có thời điểm, em còn đến với thế giới tâm linh qua việc cúng bái như một giải pháp cho mình nhưng nghiệm lại mọi việc phải xuất phát từ nội lực của bản thân nên em không thể đổ tiền vào những cái bên ngoài, thiếu thực tế như vậy. Âm sao Dương vậy, vong linh của ông bà đã khuất, nếu có thể làm gì được, chắc sẽ chỉ làm những điều tốt đẹp cho con cháu, chứ không thể có chuyện ngược lại”. Xuất phát từ suy nghĩ đó, chị Trinh đã trấn tĩnh lại và đối mặt với thực tế để giải quyết.

Chị quyết định thu hồi gấp sản phẩm đã tung ra. Bước tiếp theo, chị quay về  Hải Hậu và làm việc với một nhà cung cấp muối biển - chuyên cung cấp cho các nhà máy - đặt vấn đề phối hợp đầu tư nhà kho, máy nghiền, rửa,… để cơ sở đó có thể đưa ra sản phẩm đạt yêu cầu. Theo tính toán với công xuất tối thiểu của cơ sở sản xuất đó, nếu Công ty Hải Hà không thể sử dụng hết, thì chị Trinh còn cam kết sẽ tìm đầu ra cho phần còn lại. Vậy là khó khăn về nguồn muối được tháo gỡ.

Cần ba tháng để xây dựng cơ sở sản xuất muối chuẩn, trong thời gian này, chị tập trung vào làm thị trường. Để cứu vãn hình ảnh thương hiệu, chị mua muối biển Hải Hậu về sơ chế thủ công tại xưởng, pha chế và đóng gói thành gói gia vị Hải Hà và đi phát miễn phí tại cửa ra vào của các tụ điểm thương mại ở các thị trường tỉnh, nơi chị định tấn công trước tiên.

Lần này, theo đúng dự kiến, sản phẩm xuất xưởng lần thứ hai, có chất lượng đảm bảo được tung ra hơn 20 tỉnh thành ở miền Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Bình, Ninh Bình… và một số quận vùng ven Hà Nội. Giá rẻ, chất lượng cao, khách hàng hài lòng, nên chỉ sau một thời gian ngắn công ty của chị đều đặn sản xuất gần 400 tấn muối bột canh/tháng. Tới nay, ước tính sản phẩm muối bột canh Hải Hà chiếm khoảng 20% thị phần miền Bắc.

Sản phẩm bột canh Hải Hà đã có mặt tại hơn 20 tỉnh thành miền Bắc

Cầm trên tay gói muối bột canh Hải Hà với bao bì gồm 2 màu vàng và tím, chị tự hào giải thích: “Màu vàng là màu của lúa, màu tím là gửi gắm mong muốn thủy chung với sản phẩm của nông nghiệp”. Người nữ doanh nhân, hào hứng chia sẻ thêm: “Khi sản phẩm bột canh ổn định, em sẽ làm thêm sản phẩm mới dành cho trẻ em và người già, cũng từ sản phẩm nông nghiệp”.

Bột canh Hải Hà có bao bì màu sắc thể hiện sự thủy chung với nông nghiệp
Bài học thành công trong kinh doanh sau gần 10 năm vật lộn trên thương trường của chị rất cô đọng: Chất lượng của sản phẩm phải ngang bằng với sản phẩm tốt nhất, giá cả ngang bằng với sản phẩm kém nhất cùng loại! Với phương châm này, việc marketing và bán hàng rất dễ dàng, hữu xạ tự nhiên hương, không cần nỗ lực mà sản phẩm vẫn cứ xuất xưởng đều đều. 

31 tuổi, tự nhận mình không còn nông nổi, người đàn bà mạnh mẽ, đã thêm nét đằm theo thời gian trong ánh mắt, bày tỏ mong muốn, xây dựng một thương hiệu để đời, có thể trường tồn cùng với thời gian. Sự tự tin từ con người chị lan tỏa sang tôi. Và tôi tin “chú ong đất” sẽ đạt được ước nguyện của mình như “chú” đã từng đạt được trong những công việc trước đây!


Nguồn: Hoclamgiau.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét