Trang

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Ai cũng có nuối tiếc trong đời”

Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng bộc bạch những nuối tiếc trong cuộc đời mình: “Tôi nghĩ nếu một con người biết tự trọng, mình luôn luôn phải biết tự phê bình. Tôi cũng có nhiều nuối tiếc trong đời"
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong buổi giới thiệu sách. Ảnh: Hoàng Thư
“Tôi muốn thay mặt cho bao nhiêu người đã không còn nữa và kể cả người còn sống nói lên những suy nghĩ, suy tư, cảm xúc mạnh mẽ và sâu sắc của thanh niên thế hệ tôi trong giai đoạn đấu tranh cách mạng gian khổ nhưng quang vinh.”

Không có chính khách nào được mời đến buổi giới thiệu cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, tổ chức ngày 12-6 tại Hà Nội. Người phụ nữ từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong lịch sử cho biết bà muốn dành trọn chương trình cho gia đình, bạn bè thân thiết, những độc giả.

Viết vì trách nhiệm với thế hệ sau

Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước hoàn thành cơ bản từ năm 2009, sách hơn 300 trang này thuật lại cuộc đời bà từ khi sinh ra tại Đồng Tháp (năm 1927) đến nay. Các góc cạnh của cuộc đời được bà kể lại một cách tổng quát mà khó đi vào chi tiết, bởi “khi bắt tay viết hồi ký, tôi không có bất cứ ghi chép nào từ các thời kỳ trước và trí nhớ cũng đã có nhiều hạn chế”.

Ở cuốn hồi ký này, người đọc được tiếp cận với một Nguyễn Thị Bình như một cô gái miền Tây Nam Bộ, với ông ngoại là nhà văn hóa Phan Châu Trinh và ông nội vốn là một nghĩa binh phong trào Cần Vương. Gia đình, bạn bè và đất nước cũng không thiếu nét lãng mạn với những chi tiết về mối tình đầu của bà, người bà đã không một lần gặp lại kể từ năm 16 tuổi cho đến chín năm sau, khi hai người đi đến hôn nhân. Ở đó cũng có một Nguyễn Thị Bình trải qua những gian lao trong kháng chiến, những cuộc đàm phán căng thẳng ở Paris, những thăng trầm chính trị trong vai trò là bộ trưởng Giáo dục và phó chủ tịch nước.

“Mục đích của tôi khi viết hồi ký là để lại cho con cháu, bạn bè những trải nghiệm sống, kỷ niệm đẹp của mình. Tôi muốn thay mặt cho bao nhiêu người đã không còn nữa và kể cả người còn sống nói lên những suy nghĩ, suy tư, cảm xúc mạnh mẽ và sâu sắc của thanh niên thế hệ tôi trong giai đoạn đấu tranh cách mạng gian khổ nhưng quang vinh. Chúng tôi đều thống nhất với nhau rằng đó là thời kỳ đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình, với ý nghĩa là đã sống có mục đích và có lý tưởng” - bà nói.

“Khuyết điểm của nền giáo dục có từ thời tôi làm bộ trưởng”

Cuốn hồi ký được chờ đợi sẽ cung cấp những thông tin chưa từng được biết đến phía sau cuộc đàm phán Paris - cuộc hội đàm dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới mà bà Bình trực tiếp trải nghiệm với tư cách là một trong những nhân vật chính. Tuy nhiên, phát biểu tại lễ giới thiệu sách, nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Là người làm việc với bà trong thời gian viết hồi ký, thậm chí còn là người đầu tiên được bà cho đọc bản thảo, tôi có thể nói rằng nếu chúng ta chờ đợi những chi tiết ly kỳ ở hội đàm Paris thì chúng ta sẽ không được thỏa mãn hoàn toàn”.

Khi được hỏi về tựa đề của cuốn hồi ký, bà Nguyễn Thị Bình đáp: “Ai cũng có gia đình, bạn bè, đất nước. Cả ba yếu tố đều quan trọng cả và khó có thể nói yếu tố nào quan trọng hơn. Nếu không có gia đình thì làm sao có bản thân và có thể phục vụ đất nước. Trong cuộc sống, gia đình cũng không đủ mà còn phải có bạn bè, hiểu theo nghĩa rộng còn có cả bạn bè của dân tộc. Không phải lúc nào chúng ta cũng xử lý ba nhiệm vụ đó giống nhau, cần phải thấy lúc nào mình cần tập trung vào nhiệm vụ nào”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng bộc bạch những nuối tiếc trong cuộc đời mình: “Tôi nghĩ nếu một con người biết tự trọng, mình luôn luôn phải biết tự phê bình. Tôi cũng có nhiều nuối tiếc trong đời. Trong thời kỳ tôi đi đàm phán Paris, khả năng tiếng Pháp của tôi còn tương đối nhưng tiếng Anh thì biết rất ít. Giá mình giỏi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh thì với vị trí lúc bấy giờ, tôi đã có thể làm tốt hơn”.

Một phần trong những nuối tiếc đó xoay quanh thời gian bà giữ cương vị bộ trưởng Giáo dục. “Tôi cũng có 10 năm làm bộ trưởng Giáo dục. Nhìn lại, tôi cho rằng một số khuyết điểm ngày hôm nay của nền giáo dục đã có từ thời kỳ của tôi và tôi đã không làm tốt. Không phải vì tôi không muốn làm tốt mà vì trình độ của tôi có hạn và sự chỉ đạo lúc bấy giờ cũng không được đầy đủ”.

Hướng về những dự định tương lai, bà lại nhắc về giáo dục: “Tôi đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Đó là yếu tố hết sức quan trọng trong tình hình này để phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước. Nói thật là giáo dục của chúng ta đang chuyển biến quá chậm. Tôi đang cùng với Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này”.

Có thể nói mà không sợ quá rằng có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau. Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh; và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin... Bà gọi công việc đó là: ngoại giao nhân dân, nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim. Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Theo Pháp luật TP HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét