Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Lee’s Sandwich: Bánh mì Việt nhà họ Lê lừng danh xứ Mỹ

Thương hiệu Lee’s Sandwich của gia đình nhà họ Lê ở San Jose đã nổi tiếng từ lâu trong nhiều cộng đồng dân cư tại Mỹ, với 30 cửa hàng và hơn 500 xe bán hằng ngày.

Người sáng lập nay tận hưởng thành quả...
Theo tờ Asiaweek, gia đình nhà họ Lê là một ví dụ sống động về người Việt đã nhiều năm dài cần cù làm ăn để tìm thấy thành công trên đất Mỹ. Câu chuyện bắt đầu khi anh Lê Chiêu, một sinh viên luật năm thứ ba, cùng người vợ trẻ tên Yến của mình quyết định lập nghiệp tại bang New Mexico.

Khởi đầu khiêm tốn…

Họ được vinh danh bởi Trường cao đẳng cộng đồng Coastline do đã đóng góp 1 triệu USD vào quỹ xây dựng nhà trường.
Thoạt đầu, anh chỉ làm một anh hàng thịt với mức lương 8 USD/giờ. Anh phải làm việc cật lực khi đó để nuôi vợ và một con trai nhỏ.
Khi sang San Jose sống vào năm 1980, Chiêu đến trường trở lại. Ở đó, anh nhận thấy có một người Việt Nam hằng ngày vẫn đến giao thức ăn cho sinh viên bằng xe chở hàng và sống rất được. Sau khi tự hỏi: “Sao mình không tìm cách cạnh tranh với bánh Mỹ bằng chính bánh Việt?”, năm sau, dắt lưng một số vốn, anh đề nghị mua lại chiếc xe ấy. “Nhưng ông chủ xe đó không chịu vì ông ấy thấy tôi vẫn còn là một anh chàng nghèo”, ông Chiêu nhớ lại.
Nhưng hai vợ chồng trẻ vẫn quyết tâm. Mua chiếc xe khác, họ đã thuyết phục được một số công ty Mỹ cho phép họ mang xe bán thức ăn của mình đỗ vào trong sân khi nhân viên đến giờ nghỉ. Bà Yến bật cười: “Lúc đầu chúng tôi chả biết bán cái gì vì bánh Việt chưa thể làm được ngay, nên trước sau cũng chỉ 2 món burritos và tacos của người Mễ, món trứng tráng của người Hoa và cùng lắm là bánh mì kẹp thịt Việt Nam. Nhưng chúng tôi cũng tìm được mỗi ngày khoảng 10 công ty cho phép bán thức ăn cho nhân viên của họ, mỗi nơi chỉ đỗ xe lại có 10-15 phút”.
Cả nhà cùng nỗ lực…
Ông Lê Chiêu đã thành lập một tổ chức từ thiện mang tên Hội gia đình họ Lê, để tưởng nhớ người con trai tên Minh đã mất của ông.
Năm 1982, người em trai Henry Lê mua một xe bán thức ăn khác, và chẳng bao lâu sau, Công ty Dịch vụ thực phẩm anh em nhà Lee (Lee Bros. Foodservices, Inc.) ra đời. Gia đình họ chọn cái tên “Lee Bros” thay vì “Le Bros” bởi vì họ muốn nó sẽ dễ nhớ hơn trên đất Mỹ. Khởi đầu khiêm tốn này đã mở ra cả một ngành “công nghiệp giao hàng thực phẩm” lớn nhất miền Bắc California. Sau đó, họ còn giao hàng đến tận Sacramento, Fresno, Monterey và Napa.
Bà Yến hồi tưởng: “Tại đất Mỹ, chúng tôi đã nếm trải biết bao mùi vị cay đắng trong kiếm sống và khởi nghiệp, rồi quản lý doanh nghiệp lại càng khó khăn. Theo tôi, cái hay lớn nhất của một nhà doanh nghiệp là làm sao phải giúp cho các nhân viên của mình sống được và sau đó, còn phải nâng đỡ họ trở thành độc lập”.
Ngay cả cha ông Chiêu là ông Ba Lê cũng không chịu ngồi yên. Ngày thứ bảy hằng tuần, chính ông cũng “vác” xe hàng đến nhiều ngả phố của San Jose để bán bánh cho các sinh viên phải đi học 2 ngày cuối tuần. Ông thành công tới mức một số nhà hàng địa phương phải lên tiếng phàn nàn với giới chính quyền vì họ cho rằng, ông đã cạnh tranh quá trớn với họ.
Nhưng ông Ba Lê không chịu thua, Không cho ông bán dạo thì ông mua hẳn một nơi để bán hàng và đó là căn nhà số 6 phố Santa Clara - Cửa hàng Lee’s Sandwiches đầu tiên đã chào đời vào năm 1983 như thế. Năm năm sau, ông Ba Lê dời doanh nghiệp tới các khu phố King và Tully Road sầm uất hơn để thiết lập Cửa hàng Lee’s Sandwiches phục vụ tổng hợp đầu tiên với nhiều dạng dịch vụ khác nhau.
Nay ông Ba Lê đã hơn 80 tuổi và về hưu, tự hào nhìn lại các cửa hàng Lee’s Sandwiches do chính tay ông lập cùng con trai mình đã có mặt tại khắp bắc, nam California, Chandler, Ariz và Houston, Texas. Thực sự đó là thành công của nhiều thế hệ gia đình.
Ông Chiêu bùi ngùi nhớ lại người con trai trưởng tên Minh từng nảy ra ý tưởng sẽ lập một dạng cửa hàng sandwich mới - nó là tổng hợp giữa một quán cà phê giải trí và một bếp ăn với nhiều món Á Mỹ. Không may, Minh đã qua đời vào năm 2001 vì một tai nạn xe hơi nhưng ngày nay, dạng cửa hàng ăn ấy đã ra đời trong hệ thống Lee’s Sandwiches với nhiều màn hình treo nhấp nháy trên trần để giới thiệu đủ thứ bảng thực đơn, giá cả cũng như quà khuyến mãi khác nhau dành cho thực khách.
Lee's Sandwiches đã sản xuất hơn 3 triệu ổ bánh mì baguette trong riêng năm 2003, và tăng gấp ba trong năm 2011. Cửa hàng Lee’s Sandwiches lớn nhất nằm ở khu campus tổng hợp UC Irvine, rộng tới 8.300 feet vuông. Nay họ có 60 cửa hàng tại nhiều bang, với hơn 900 nhân viên và thực đơn có hơn 50 món bánh mì kẹp nhân khác nhau.
Phương châm kinh doanh hàng đầu của Lee’s Sandwiches là họ không chỉ phục vụ các loại bánh mì thịt truyền thống. Thức ăn của họ ngon đến mức có rất nhiều thực khách, thay vì dùng các bữa ăn có sẵn trên máy bay khi cần đi đâu đó, đã… mang theo bánh mì Lee lên tới 9 tầng trời. Họ phục vụ các loại bánh nhồi nhân trong các ổ baguette hay croissant, ngoài ra các loại kem Việt Nam, trà Thái, cà phê espresso và nước hoa quả cũng ngon đến nhớ đời.
Hơn nữa, nhập gia thì tùy tục, các cửa hàng Lee’s luôn biết cách chiều ý khách, ví dụ cửa hàng ở khu Starbucks phải mở cửa từ 4h vì khách ở đó có thói quen đi mua thức ăn từ 4h30, còn đêm hôm trước thì cửa hàng phục vụ tới hơn nửa đêm. Hay nhiều cửa hàng phải có cả hệ thống máy tính để khách trong khi ăn, có thể xem email và lướt internet.
Ở phía tây nước Mỹ, hệ thống cửa hàng Lee’s Sandwiches nằm trong số các doanh nghiệp phát triển nhanh nhất. Với hiệu quả phục vụ, họ đã giật giải Doanh nghiệp thành đạt tại địa phương (Regional Entrepreneurial Success Award) của Hội đồng Quản trị doanh nghiệp nhỏ San Jose (Small Business Administration-SBA). Năm 2003, ông Lê Chiêu cũng được nhìn nhận là Nhân vật kinh doanh trong năm tại quận Cam.
Ông chia sẻ chút kinh nghiệm với Asiaweek: “Chúng tôi đã phải khởi đầu từ tận cùng đáy và sau quá nhiều ngày tháng nỗ lực, chúng tôi đã gặp may để thành công. Chúng tôi muốn khuyên bạn, trước khi kinh doanh, hãy đến trường lớp học hành đàng hoàng để có một tấm bằng tử tế về một lĩnh vực làm ăn mà mình yêu thích. Nếu đó là dạng kinh doanh mà bạn muốn, hãy nhớ nó sẽ không bao giờ đi từ một khởi đầu quá dễ dàng suôn sẻ. Vì vậy khi có thể, hãy mua lại một thương hiệu sang nhượng từ một doanh nghiệp có kinh nghiệm nào đó để họ sẽ giúp đỡ bạn trong bước khởi đầu”.
Ngày nay hai ông bà Chiêu và Yến vẫn tiếp tục làm việc, với sự giúp đỡ của con trai thứ Jimmy, tốt nghiệp chuyên ngành quản lý hệ thống thông tin tại Trường đại học San Jose, và con trai út Jeffrey, tốt nghiệp Trường đại học Harker.
Theo Thế giới & Hội nhập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét