Trang

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Kinh nghiệm quản lý của Tổng giám đốc Kim Eng Việt Nam – ông Lê Minh Tâm


“Điểm giống nhau là cả doanh nhân và người làm công việc điều hành, quản lý đều phải tạo được doanh thu, đảm bảo đồng tiền bỏ ra kinh doanh có lãi, nhưng công việc của người quản lý nặng nề hơn rất nhiều vì họ vừa chịu áp lực kinh doanh, vừa phải làm tròn trách nhiệm của một người được cấp trên tin tưởng. Ra quyết định trên tiền của người khác khó khăn hơn nhiều so với quyết định tiền của mình.” – trích lời của  Tổng giám đốc Kim Eng Việt Nam -ông Lê Minh Tâm.
Kiến thức kinh doanh - Kinh nghiệm quản lý của Tổng giám đốc Kim Eng Việt Nam - ông Lê Minh Tâm
Nhận chức Tổng giám đốc đúng vào thời kỳ thị trường chứng khoán đóng băng, lại phải cạnh tranh khốc liệt với hơn 100 công ty đang hoạt động, nhưng chỉ sau một năm, bằng sự lèo lái linh hoạt và nhạy bén, ông Lê Minh Tâm đã đưa Kim Eng Việt Nam kinh doanh có lãi. Năm thứ hai tiếp tục tăng trưởng với mức doanh thu tăng gấp 20 lần so với kế hoạch đề ra.
Thế nhưng, vừa bắt đầu buổi trò chuyện, ông đã giao ước ngay: “Tôi không phải doanh nhân, chỉ là người làm thuê, nói đúng hơn là người được thuê để làm công việc điều hành, quản lý. Vì vậy, chúng ta chỉ nói về vấn đề quản lý thôi nhé!”.
Thích được sống và hành xử như một doanh nhân
* Theo ông, công việc của một doanh nhân khó hơn hay của một người quản lý khó hơn?
- Doanh nhân phải bỏ tiền của mình ra kinh doanh, còn người điều hành, quản lý trực tiếp thực hiện những chiến lược để kinh doanh hiệu quả.
Điểm giống nhau là cả doanh nhân và người làm công việc điều hành, quản lý đều phải tạo được doanh thu, đảm bảo đồng tiền bỏ ra kinh doanh có lãi, nhưng công việc của người quản lý nặng nề hơn rất nhiều vì họ vừa chịu áp lực kinh doanh, vừa phải làm tròn trách nhiệm của một người được cấp trên tin tưởng. Ra quyết định trên tiền của người khác khó khăn hơn nhiều so với quyết định tiền của mình.
* Cùng là làm thuê, nhưng tại sao đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) với mức lương rất cao, ông lại đồng ý đầu quân về Kim Eng, một công ty mới ra đời?
- Giai đoạn từ 2005 thị trường chứng khoán Việt Nam sau một thời gian hoạt động cầm chừng đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc. Sau khi học từ nước ngoài về, tôi được mời trở lại Ngân hàng ACB ở cương vị Phó tổng giám đốc kiêm Tổng giám đốc ACBS. Kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn quốc tế trước đó đã cho tôi thấy lỗ hổng trong việc điều hành, quản lý tại ACBS.
Ngay lập tức tôi bắt tay vào việc cải tổ quá trình làm việc, đề xuất thực hiện cải tổ cơ cấu tổ chức, chấn chỉnh tác phong làm việc, tăng cường năng lực quản lý của khối cán bộ cấp trung, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ và chấn chỉnh thái độ phục vụ của nhân viên.
Sau đúng một năm, khối lượng giao dịch của khách hàng tại ACBS đã tăng trung bình từ 10 tỷ đồng/ngày lên đến hơn 200 tỷ đồng/ngày (tăng gấp 20 lần). Với mức lợi nhuận đặt ra ban đầu là 24 tỷ đồng cho năm 2006, đến cuối năm, kết quả thu được hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, ngay khi ACBS đang có những biến chuyển đáng kể, một lần nữa tôi nhận thấy sự trói buộc về cơ chế và những hạn chế trong công tác điều hành do bộ máy tổ chức ngân hàng cồng kềnh, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; cơ chế quản lý, giám sát không nhất quán sẽ là rào cản ngăn chặn sự đột phá, trong khi tiềm năng và cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn.
Vì vậy, tôi đã rời vị trí Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB để hợp tác với Kim Eng Holdings Limited (Kim Eng), tập đoàn tài chính đa ngành hàng đầu của Singapore, thành lập Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS). Tôi cùng hai người bạn đứng ra làm đối tác trong nước và chiếm giữ 51% sở hữu của Công ty với tổng vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng.
* Nhưng hình như đó chỉ là yếu tố cộng thêm để ông đưa ra quyết định?
- Đúng là thu nhập của tôi ở Ngân hàng ACB và ACBS tại thời điểm đó cao hơn so với ở Kim Eng, nhưng trong công việc, đồng lương chưa đủ, tôi còn muốn có được sự thoải mái, được làm chủ trong công việc và kinh doanh theo ý tưởng của mình.
Tôi không phải đi học tập, tự đào tạo và tích lũy hàng chục năm kinh nghiệm qua các công việc chỉ cuối cùng là răm rắp làm theo những gì người khác bảo. Đa phần các ông chủ của các công ty trong nước rất giỏi về kinh doanh, tìm kiếm, nắm bắt cơ hội nhưng lại kém hiểu biết về quản trị, phương pháp lãnh đạo nhưng lại rất thích can thiệp vào công tác quản trị và ra quyết định.
Thông thường thì các quyết định đã được đưa ra trước và những người quản lý chỉ có việc xây dựng quy trình công việc và thực hiện theo quyết định đó.
Ở Kim Eng, tuy chỉ là người được giao nhiệm vụ quản lý, nhưng tôi hoàn toàn tự chủ trong công việc, sau khi thống nhất với cấp trên về chiến lược, tôi có toàn quyền tổ chức kinh doanh, quyết định mọi việc, chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản của Công ty như một người chủ doanh nghiệp và được sống cuộc đời của một doanh nhân, hành xử như một doanh nhân. Cảm giác này tôi không tìm thấy ở những công ty khác.
* Và đây cũng là dịp để ông rút bài học kinh nghiệm lãnh đạo cho mình?
- Còn nhớ, khi giao việc cho tôi, vị Chủ tịch Kim Eng nói: “Tôi không thể đến Việt Nam để quản lý, điều hành nên tôi chọn anh giao công việc. Anh có toàn quyền quyết định con đường để chúng ta đi tới đích. Tất cả quyền hạn và trách nhiệm của anh chúng ta đã thống nhất rồi. Tiền lương của anh sẽ phụ thuộc vào việc anh đang đi tới đâu trên con đường đó”.
Nói vậy để thấy rằng, ngoài tạo ra môi trường làm việc thoải mái, cho nhân viên làm chủ công việc của mình, thì mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra tinh thần làm việc, sự cống hiến cũng như nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân cho nhân viên.
Sai lầm của nhiều ông chủ là thường quan niệm, hễ trả lương cao hoặc thưởng tiền hậu hỹ là giữ được nhân viên, nhưng tôi cho đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để nhân viên cấp dưới làm tốt vai trò của một doanh nhân.
Thực tế, quan hệ giữa tôi với vị Chủ tịch Công ty là quan hệ đối tác, quan hệ giữa những doanh nhân với nhau chứ không phải giữa chủ và người làm thuê. Chính điều đó đã khơi nguồn tinh thần doanh nhân nơi tôi.
Muốn đi xa phải đi chậm
* Nhưng nghe đâu cũng có lúc ông rất bực bội vì kế hoạch kinh doanh của mình không được Tập đoàn chấp thuận, lúc đó ông có tự ái vì nghĩ do mình là người làm thuê?
- Năm 2009, tất cả các công ty chứng khoán đều cho khách hàng vay cao, nhưng tôi không thể thuyết phục vị Chủ tịch làm theo cách này, nên chúng tôi mất khá nhiều khách hàng. Lúc đó, quả thật là tôi rất bực bội vì cho rằng vị Chủ tịch này không hiểu thị trường Việt Nam, mà có hiểu cũng không làm vì ông ta sợ tỷ lệ rủi ro cao.
Ông nói với tôi: “Muốn đi xa thì phải đi chậm”. Tôi thấy buồn cười và thầm nghĩ ông nói sai, vì muốn đi xa thì phải đi nhanh chứ sao lại đi chậm. Tuy nhiên, một thời gian sau, các công ty chứng khoán cho vay cao bị thua lỗ, khách hàng trở về với Kim Eng ngày một nhiều.
Lúc đó tôi mới ngộ ra, câu nói của ông là triết lý của những người có kinh nghiệm và nó được đúc kết thành chiến lược rất rõ ràng. Sự thật thì vận động viên ma-ra-tông thì có chạy nhanh bao giờ.
* Khi nhận chức vụ Tổng giám đốc Kim Eng Việt Nam, ông nghĩ đến điều gì đầu tiên?
- Đó là niềm tin và sự tin tưởng. Tuy nhiên, sự tin tưởng không thể đến từ giây phút đầu tiên, mà phải xây dựng trong suốt một thời gian dài cũng như phải tăng lên theo thời gian.
Thực tế, thời gian trước đó tôi đã trải qua rất nhiều vai trò ở các ngân hàng, công ty chứng khoán và luôn làm tốt công việc của mình, như đảm nhiệm vị trí Trưởng Phòng Quan hệ và Thanh toán Quốc tế ở Ngân hàng ACB, rồi Phó tổng giám đốc, Tài trợ Thương mại và Dịch vụ rủi ro Deutsche Bank, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB, Tổng giám đốc ACBS…
Tôi cũng tham gia các diễn đàn quốc tế và đã có một số bài báo liên quan đến các vấn đề về thanh toán quốc tế được đăng trên tạp chí của International Chamber of Commerce (ICC). Quá trình đó đã cho tôi bề dày kiến thức, kinh nghiệm và đó cũng là nền tảng để vị Chủ tịch Tập đoàn Kim Eng tin tưởng giao phó công việc cho tôi.
Sở dĩ tôi đề cao sự tin tưởng vì rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã nói với tôi: “Ông là người thành công”. Tôi hỏi lại: “Người thành công là người thế nào?”, họ trả lời: “Là người có chức vụ cao. Khi người ta đi xe máy, mình đi xe hơi; người ta có một căn nhà, mình có tới hai, ba căn…
Nói chung, cái gì mình cũng có nhiều hơn người khác là mình thành công”. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi không có nhiều tiền, cũng không có nhiều nhà, xe cũng của Công ty. Vì vậy, theo tôi, thành công không phải là giàu vật chất, mà là tạo được niềm tin, nhận được sự tin tưởng của nhiều người.
Một người có nhiều tiền mà không có được sự tin tưởng của người khác thì không phải là người thành công. Tôi luôn có sự tin tưởng của đồng nghiệp, bạn bè, cấp trên cũng như cấp dưới của mình. Và hơn nữa tôi điều hành Kim Eng mà công ty có được sự tin tưởng của khách hàng và cơ quan quản lý.

Đường đến thành công không bằng phẳng

* Trò chuyện với một số nhân viên của Kim Eng, tôi thấy họ rất nể phục ông về tinh thần ham học, và chính nhờ ham mê tích lũy kiến thức mà ông đã thành công. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình?
- Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, đông con tại Long An. Giống như hầu hết những đứa trẻ thôn quê thời đó, tôi lớn lên trong nghèo khó nhưng mộc mạc.
Tuổi thơ của tôi ngày ấy vẫn đầy ắp những giấc mơ đẹp, tôi thường ước ao cuộc sống sau này của mình sẽ không lam lũ, cực nhọc như cha tôi. Lúc đó chẳng ai nhắc nhở, động viên, nhưng tôi luôn tự nhủ phải học thật giỏi.
Tôi rất mê đọc sách, nhưng không có tiền mua sách nên thường ngồi lỳ ở hiệu sách cũ để đọc ké. Sách đã giúp tôi mở mang tầm nhìn và vun đắp ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Ngày nhận giấy báo đậu vào đại học là bước ngoặt lớn đầu tiên trong đời tôi, nhưng những gì học ở trường lại không giúp được nhiều cho công việc đầu tiên của tôi ở ngân hàng.
Thế nên tôi phải tìm đọc các loại sách về kinh doanh, quản trị, luật và các quy định thanh toán quốc tế, và cũng nhờ đó mà tôi nhìn ra cơ hội “quốc tế” của lĩnh vực tài chính, ngân hàng nên tiếp tục học ngoại ngữ và tham gia các khóa đào tạo quốc tế…
Hầu như đa số người Việt Nam có tinh thần hiếu học, nhưng đáng tiếc phần lớn chỉ học để rút ra kết luận và nhận xét chứ chưa biến nhận xét thành hành động, chưa áp dụng kiến thức để giải quyết công việc thực tiễn.
Theo tôi, học mà không hành, không làm được gì với kiến thức đã học thì việc học cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tôi vẫn thường nói với anh em cấp trưởng phòng đang theo học các khóa MBA: “Quản lý là một quá trình và cách học hay nhất là bắt đầu thực hiện quá trình đó ngay bây giờ chứ không phải là chờ học xong, được trang bị kiến thức mới bắt đầu làm”.
* Đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc KEVS khi đang có gần 100 công ty chứng khoán hoạt động khá tốt và hầu hết lại được các ngân hàng đỡ đầu, còn Kim Eng thì mới xuất phát từ vị trí số 0 và có khoảng cách khá xa với các công ty khác, lúc đó ông có thấy lo ngại và bị căng thẳng vì áp lực đè nặng?
- Thời điểm Kim Eng ra đời là thời điểm khó khăn của thị trường chứng khoán nên chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, bản thân tôi cũng cảm thấy áp lực và thách thức rất nhiều.
Mặt khác, so với hoạt động của ngân hàng, công ty chứng khoán đòi hỏi phải có sự tương tác thông tin nhanh và năng động với thị trường nên mặc dù công ty của tôi nhỏ hơn ngân hàng, nhưng những người như tôi lại chịu áp lực nhiều hơn các tổng giám đốc ngân hàng vì phải quyết định nhanh, đáp ứng thị trường trong chốc lát, trong khi ở ngân hàng, khi kế hoạch lên đến tổng giám đốc thì đã thông qua kiểm tra, khảo sát, đề xuất của 6, 7 lớp cấp dưới nên có thể yên tâm hơn.
Tuy nhiên, khi nhìn vào kinh nghiệm gần bốn thập kỷ môi giới chứng khoán với những dịch vụ tư vấn chuyên biệt của Tập đoàn Kim Eng Singapore, tôi cũng thấy vững tin. Chỉ sau đúng một năm hoạt động, Kim Eng Việt Nam đã kinh doanh có lãi. Năm thứ hai doanh thu tăng 20 lần. Hiện KEVS đứng thứ 6 trên thị trường về thị phần và đang sẵn sàng cho kế hoạch tăng vốn lên 500 tỷ đồng.
* Làm thế nào để Kim Eng đạt được kết quả này và có thể hiểu đây là thành quả của sự lèo lái của Tổng giám đốc Lê Minh Tâm không, thưa ông?
- Tôi thấy mình may mắn vì có được một đội ngũ tốt. Nhiều năm làm lãnh đạo, tôi nhận ra, người giỏi thì nhiều, nhưng người đam mê công việc lại không bao nhiêu. Vì vậy, khi lãnh đạo Kim Eng tôi đã xây dựng một mục tiêu rất rõ ràng: phải tìm được những nhân viên có tâm huyết, đam mê nghề và trên hết, mình phải truyền cho nhân viên niềm cảm hứng, sự yêu thích công việc.
Còn về thành công của KEVS, tôi nghĩ mình chỉ là một mắt xích và đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt được mục tiêu của chiến lược hoạt động do Tập đoàn đặt ra.
Dĩ nhiên, con đường đi đến thành công không bằng phẳng chút nào và đôi lúc tôi cũng mất ngủ, phải căng đầu, cân nhắc, suy tính từng “đường đi nước bước” để cạnh tranh trên thị trường và tìm lối đi riêng.
Song, nền tảng cơ bản nhất vẫn là tầm nhìn đúng đắn của Tập đoàn. Còn nhớ, khi Kim Eng khai trương, vị Chủ tịch Tập đoàn tuyên bố: “Kim Eng không làm tự doanh”.
Lúc đó, tôi và tất cả nhân viên đều cho rằng vị Chủ tịch này chẳng hiểu gì về thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi thực tế tại Việt Nam lúc đó, hầu hết các công ty chứng khoán đều phát triển tự doanh vì hình thức này có khả năng đem đến nguồn lợi rất lớn.
Tuy nhiên, sau một thời gian tôi đã ngộ ra, với tầm nhìn chiến lược hướng tới sự phát triển lâu dài, nói “không” với tự doanh là một chủ trương đúng đắn.
Vì bên cạnh đạo đức kinh doanh, việc không tham gia vào tự doanh còn làm giảm tối đa xung đột lợi ích với khách hàng. Đó cũng là vấn đề của rủi ro. Chính nhờ làm vậy nên khi thị trường rơi vào khủng hoảng, KEVS đã không bị tổn thất như rất nhiều công ty khác và vẫn giữ được mức tăng trưởng cao.
Song song đó, năm 2008, trong lúc thị trường chứng khoán đóng băng, nhiều công ty chứng khoán thua lỗ, quyết định cắt giảm nhân sự, thì với tầm nhìn và chiến lược hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững, chúng tôi đã lên kế hoạch “biến khủng hoảng thành cơ hội”.
Kế hoạch được thực hiện thông qua chiến lược tập trung xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực, tiên phong trong việc trả lương theo doanh số thay vì cắt giảm lương như các công ty khác, xây dựng thương hiệu bằng cách tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia hàng đầu từ Tập đoàn đến chia sẻ kinh nghiệm vượt khủng hoảng, liên tục đưa ra nhận định giúp nhà đầu tư yên tâm và sáng suốt nhìn ra cơ hội.
Ấn tượng nhất là sự kiện tôi mời ông Wan Chai, một doanh nhân Thái Lan từng thất bại trong chứng khoán, đến nói chuyện với các nhà đầu tư. Ông đã kể lại câu chuyện thua lỗ của mình và chia sẻ kinh nghiệm bằng cách nào ông lấy lại được tất cả.
Buổi nói chuyện của ông Wan Chai cùng với các buổi trò chuyện của chuyên gia Kim Eng không chỉ tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào thị trường, mà còn tạo được hiệu ứng tốt cho thương hiệu Kim Eng, giúp nhiều người biết đến Kim Eng trong thời gian ngắn nhất.
* Ba năm làm việc ở Kim Eng, ông thấy mình được những gì?
- Được nhiều lắm. Cái được nhất như đã nói là tôi được làm việc trong môi trường của doanh nhân và như có thêm một tấm bằng đại học về quản lý kinh doanh chứng khoán. Mặc dù đã có 15 năm làm việc ở ngành tài chính, nhưng ở Kim Eng tôi học được rất nhiều, nhất là kinh nghiệm quản lý kinh doanh chứng khoán.
* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét