Có một thời, xà bông “Cô Ba” là món mỹ phẩm không thể thiếu của các bà, các cô từ miền Đông Nam bộ đến miền Tây Nam bộ.
Tỷ phú Trương Văn Bền
Có
một thời, xà bông “Cô Ba” đánh bật những thương hiệu xà bông nổi tiếng
nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, trở thành một “thương hiệu
Việt” có tiếng nhất thời bấy giờ.
Lớp thanh
niên bây giờ không biết, nhưng những người lớn tuổi ở miền Nam nói tới
xà bông “Cô Ba” với hình ảnh người phụ nữ Việt có gương mặt phúc hậu in
trên bao bì chắc chắn đều nhớ.
Ngày nay, trong các hệ thống
siêu thị Coo-p Mart vẫn thấy xuất hiện loại xà bông này. Người mua nó là
những người già, vẫn hoài cổ, thương nhớ một thương hiệu Việt từng một
thời lừng lẫy.
Tỷ phú người Việt gốc Hoa Trương Văn Bền – chỉ huy trưởng kỹ nghệ đầu tiên của Việt Nam
Người
Anh, Mỹ thường gọi những người đầu đàn trong kỹ nghệ là “captains of
industry” (dịch nghĩa là “chỉ huy trưởng kỹ nghệ”) thể hiện ý tưởng coi
những người khai phá, lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn có sức mạnh
trong công nghiệp, kinh tế, tài chính, như những chỉ huy trưởng các đơn
vị chủ lực trên mặt trận phát triển kinh tế xã hội.
Vì
thế, nếu xem xét lại toàn bộ những gì mà tỷ phú Trương Văn Bền đã từng
làm cho nền kỹ nghệ Việt Nam thời trước 1975, thì có thể gọi ông Trương
Văn Bền là người “chỉ huy trưởng kỹ nghệ” đầu tiên của Việt Nam ở đầu
thế kỷ 20 thiết nghĩ cũng không có gì quá quắt.
Trương
Văn Bền chính là ông chủ đã khai sinh ra thương hiệu xà bông “Cô Ba” –
là thương hiệu đầu tiên của người Việt cạnh tranh được với các thương
hiệu nước ngoài nổi tiếng. Câu chuyện về cách làm giàu và cách làm
thương hiệu của Trương Văn Bền thực khiến cho đời sau phải suy ngẫm.
Những
năm cuối đời, tỷ phú Sài Gòn Trương Văn Bền sống ở Pháp. Ông đã viết
một cuốn hồi ký kể về con đường xây dựng thương hiệu “Cô Ba” của mình –
một thương hiệu khiến cho nhiều người Âu đến Việt Nam phải nể phục.
Cuốn
hồi ký đấy được hậu duệ của tỷ phú Trương Văn Bền – hiện giờ đang sinh
sống ở Pháp lưu giữ. Ai có cơ hội đọc hồi ký của tỷ phú TRương Văn Bền
sẽ thấy tầm trí tuệ của một người có năng khiếu thương trường thiên bẩm.
Thế nên gọi Trương Văn Bền là “chỉ huy trưởng kỹ nghệ” đầu tiên của Việt Nam đầu thế kỷ 20, chắc chắn không phải là nói quá.
Theo
các tác giả, có thể bắt đầu từ Vương Hồng Sển hay Hứa Hoành, thì Trương
Văn Bền là người Minh Hương gốc Triều Châu, nhưng thật ra không đúng
vậy. Theo người cháu nội của ông, anh Phillipe Trương hiện nay sống ở
Pháp thì gốc ông ở Phước Châu, Phúc Kiến, ngay tại Ngũ Hổ Sơn.
Tổ
tiên của Trương Văn Bền là Trương Thuận Tri, một sĩ quan tùy tùng của
tướng nhà Minh Dương Ngạn Địch. Dương Ngạn Địch và người tướng khác nhà
Minh là Trần Thượng Xuyên dẫn đoàn quân gồm binh sĩ cùng gia đình của họ
từ Quảng Đông lánh nạn nhà Thanh đi trên đoàn tàu đến Việt Nam vào thế
kỷ 17.
Được phép của chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc
Tân, Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Dịch xuông vùng đất mới Gia Định
tìm chổ trú ẩn và lập nghiệp. Trần Thượng Xuyên đến Cù lao Phố (Biên
Hòa) định cư trong khi Dương Ngạn Địch đến vùng nay gọi là Mỹ Tho.
Trương
Thuận Chi ở Mỹ Tho một thời gian sau đó đến vùng Chợ Lớn ngày nay. Một
người cháu của Trương Thuận Chi là Trương Quốc Thái (sinh vào khoảng đầu
thập niên 1800) được nhà Nguyễn bổ chức Huyện Thừa ở Rạch Giá.
Sau
ngày Pháp chiếm sáu tỉnh miền Nam, Trương Quốc Thái dời vào Huế và được
vua Tự Đức phong làm chức Phủ doãn ở tỉnh Bình Thuận. Sau khi Trương
Quốc Thái mất, người con của ông là Trương Quang Thanh trở về miền Nam ở
tại Chợ Lớn.
Ông từ chối phục vụ trong chính
quyền Pháp và trở thành một người buôn bán bình thường. Trương Quang
Thanh cũng là một thi sĩ và họa sĩ. Ông mất vào năm 1905. Anh Philippe
Trương hiện nay vẫn còn giữ hai bức tranh do ông vẽ và nhiều bài thơ.
Trương
Quang Thanh có 8 người con trai và một gái. Người con gái là bà Trương
Thị Cưởng, sau này thành hôn với ký giả Nguyễn Văn Sâm. Trương Văn Bền
là một trong 8 người con trai. Ông Trương Văn Bền sanh ngày 10 tháng 10
năm Giáp thân thời vua Hàm Nghi, (tháng 12 - 1884).
Thưở
thiếu thời, như nhiều gia đình khá giả và học thức, lúc đầu Trương Văn
Bền học chữ Hán. Sau đó năm 1896, ông bắt đầu giáo dục Pháp, học ở các
trường Ecole Municipale de Cholon, Collège de My Tho, Lycée
Chasseloup-Laubat (Saigon).
Năm 1889, chính
quyền thuộc địa Pháp tổ chức lần đầu tiên kỳ thi Brevet élémentaire (cao
đẳng tiểu học). Thường xuyên được sang Pháp, lại được theo học ở những
ngôi trường Pháp danh tiếng, nhưng Trương Văn Bền chưa từng có bất cứ
bằng cấp nào.
Dù vậy ông vẫn được bổ nhiệm chức
vụ Ký lục thượng thư. Năm 1901, ông rời bỏ không làm cho chính quyền
Pháp nữa và trở lại nghề buôn bán của cha ông.
Gia đình Trương Văn Bền
Từ
bé, Trương Văn Bền đã quen với khung cảnh giao thương mua bán tấp nập,
và máu kinh doanh cũng thấm vào người ông như lẽ tự nhiên. Năm 31 tuổi,
ông lập một đồn điền cao su cỡ nhỏ ở Thủ Đức, sau đó mấy năm, ông mở
rộng kinh doanh bằng cách lập công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười.
Ông
cũng hợp tác với Viện nghiên cứu Nông nghiệp Đông Dương trong việc
chích nhựa thông và phục hồi các khu rừng quanh Đà Lạt, sản xuất mỗi năm
khoảng 30 tấn dầu thông và hàng trăm tấn tùng hương.
Dù
rất thành công với những lĩnh vực trên, nhưng khi nhắc đến Trương Văn
Bền, người ta lại thường nhắc đến một lĩnh vực khác: kinh doanh xà bông.
Khi
mới bỏ nghiệp công chức ra làm kinh doanh, lúc đầu Trương Văn Bền bán
đậu phọng, đậu xanh, đường, trong một cửa tiệm nhỏ tọa lạc ở số 40 rue
du Cambodge (Chợ Lớn). Sau đó ông khuếch trương mua các loại hàng sỉ từ
các thương gia người Hoa rồi bán lại cho các tiệm bán lẻ ở Chợ Lớn.
Năm
1905, ông mở một xưởng sản xuất và tinh luyện dầu ở Thủ Đức. Ông dùng
máy ép bằng hơi làm ở Mỹ, mua từ Pháp. Một năm sau, ông mở một nhà máy
xay gạo ở Chợ Lớn và một ở Rạch Các. Ông cũng có một khách sạn và một
tiệm mỹ phẩm ở Chợ Lớn.
Tuy vậy các cơ sở này
không thành công bằng cơ sở sản xuất dầu của ông ở Thủ Đức. Từng được
xang Pháp nhiều lần, Trương Văn Bền có cơ hội tiếp xúc với kỹ nghệ sản
xuất xà bông của người Pháp. Khi về Việt Nam, ông thấy xà bông Việt Nam
thua xa xà bông Pháp.
Thuở đó, chỉ có các lò
nấu nhỏ ở Chợ Lớn sản xuất xà phòng, giá không đắt nhưng chất lượng kém.
Người Sài Gòn ưa chuộng các sản phẩm nhập khẩu từ Pháp - loại sản phẩm
mà họ vẫn thường gọi là xà bông Marseille.
Ở
Việt Nam cũng có hai nhà máy làm xà bông của Pháp do ông Mazet và ông
Boris làm chủ cũng được ưa chuộng. Tuy nhiên những hãng xà bông này giá
rất mắc, chỉ giới thượng lưu mới dám dùng. Người bình dân chỉ biết đứng
từ xa khao khát.
Không chạnh lòng buồn như
nhiều người khi thấy dân chúng chỉ sính dùng hàng ngoại, ông Trương Văn
Bền, với sự nhạy bén sẵn có của một doanh nhân, đã ngay lập tức nhận ra
một cơ hội ngàn vàng. Một mặt, Trương Văn Bền lân la đến hai nhà máy
này, tìm cách học bí quyết sản xuất xà bông.
Mặt
khác, ông gởi một kỹ sư giỏi qua Paris để tìm hiểu kỹ thuật làm xà bông
với một kỹ sư người Pháp ở nhà máy làm xà bông Mazet. Khi kỹ sư về Việt
Nam, ông bắt tay vào sản xuất mặt hàng xà bông của riêng mình, với mục
tiêu hướng tới người bình dân trước tiên và sau đó là cả tầng lớp thượng
lưu.
Là người nhạy cảm trong việc thương mại,
nhìn xa thấy rộng, ông Bền biết rõ một tiềm năng kinh tế Việt Nam còn bị
lãng quên: cây dừa. Từ năm 1918, ông đã lập xưởng ép dầu dừa. Xưởng này
sản xuất đủ loại dầu từ dấu nấu ăn, dầu salat (salad oil) đến dầu dừa,
dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ.
Mỗi
tháng sản xuất 1.500 tấn. Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được
thành lập tại đường Quai de Cambodge (trước chợ Kim Biên bây giờ), ban
đầu sản xuất 600 tấn xà bông giặt mỗi tháng.
Từ
khi Xà bông Cô Ba tức xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam ra đời, Cô Ba
đã đánh bạt xà bông thơm của Pháp, nhập cảng từ Marseille, nhờ phẩm chất
tốt, giá thành thấp.
Ông Trương Văn Bền sản
xuất xà bông “Cô Ba” từ cây dừa Bến Tre. Theo ông Hồ Vĩnh Sang – Chủ
tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre thì dân Bến Tre đã làm dầu dừa bán cho Hoa
kiều từ những năm đầu thế kỷ 20, bán cả cho ông Trương Văn Bền theo hai
dạng: cơm dừa và dầu dừa thô.
Rồi chủ hãng mới
chế thành dầu ăn, xà bông… Lúc đầu có xà bông đá giặt còn nghe mùi dầu
dừa. Sau ra loại xà bông thơm Cô Ba thì ai cũng chịu bởi nó thơm lâu.
Dân miền Nam hồi đó toàn xài xà bông Cô Ba chớ đâu có hàng ngoại nhập gì
vô được.
Công thức sản xuất xà bông của ông
Bền khi đó chỉ là “dầu dừa, xút kết hợp vài phụ gia khác ” với 72% dầu
dừa. Tới giờ, vẫn chưa ai biết ông Bền có bí quyết nào chế ra được loại
xà bông có mùi thơm vừa chân chất, gần gũi lại vừa kiêu sa, đài các mang
tên “Cô Ba” ấy.
Bánh xà bông nhỏ mịn màng ấy
chẳng những đánh bật được những loại xà bông ngoại lúc bấy giờ mà còn
được xuất ra nước ngoài rất nhiều.
Cách làm thương hiệu “không tiền khoáng hậu” của tỷ phú Trương Văn Bền đầu thế kỷ 20
Trong
ký sự “Một tháng ở Nam Kỳ” (1918), ông Phạm Quỳnh có nhắc đến ông
Trương Văn Bền như sau: “Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở
Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón
các phái viên Bắc Kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông ở Chợ
Lớn.
Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã
to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho
đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to
trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về
đường công nghệ thương nghiệp….”.
Những việc
Trương Văn Bền làm được, là những việc nằm ngoài sức tưởng tượng của
nhiều nhà tư sản Việt và cả những người Pháp ở Đông Dương. Công ty
Trương Văn Bền và các con ra đời với mục tiêu chính là trở thành nhà máy
nấu xà phòng lớn nhất Đông Dương.
Tận dụng
nguyên liệu có sẵn, ứng dụng kỹ thuật mới, Công ty Trương Văn Bền và các
con đã đưa ra những sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả
phải chăng. Thêm vào đó, ông lại rất chú trọng đến việc quảng cáo và
khuếch trương thương hiệu.
Trên hộp xà bông của
hãng là hình một trong những mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ - cô
Ba. Xà bông cô Ba xuất hiện trên khắp các báo chí với lời kêu gọi:
“Dùng xà bông xấu, mục quần áo” và “Người Việt Nam nên xài xà bông của
Việt Nam”.
Đặc biệt trong các cuộc triển lãm,
gian hàng của công ty luôn tạo ấn tượng cho khách bởi mô hình cục xà
bông khổng lồ và giá cả sản phẩm rẻ hơn bình thường đến 25%.
Hơn
thế, ông Bền còn tìm cách đưa hình ảnh sản phẩm vào khắp các loại hình
nghệ thuật được người Việt ưa thích lúc bấy giờ như ca vọng cổ, thơ lục
bát…Thành công đến không ngoài dự tính.
Xà bông
cô Ba đánh bại xà bông Marseille, nhanh chóng được biết tới trên toàn
Đông Dương, thậm chí còn xuất sang Hương Cảng, qua châu Phi và Tân Đảo.
Cái tên Xà bông cô Ba đã trở thành gắn bó với người Việt Nam vì chất
lượng tốt và giá cả phải chăng.
Công ty của
Trương Văn Bền và các con trở thành công ty sản xuất trong lĩnh vực dầu
dừa không thể thay thể và quan trọng bậc nhất toàn cõi Đông Dương. Cho
đến tận bây giờ, nhiều người Sài Gòn vẫn còn nhắc lại cái tên ấy với nỗi
hoài niệm khôn nguôi về một Sài Gòn đầu thế kỷ.
Ngày
nay ở Sài Gòn vẫn còn hãng xà bông Trương Văn Bền, vẫn sản xuất thương
hiệu xà bông Cô Ba, coi đây như một biểu tượng của một thương hiệu Việt.
Một
trong những điều làm nên thành công của thương hiệu xà bông Cô Ba chính
là cái tên rất Việt Nam mà tỷ phú Trương Văn Bền đã nghĩ ra cho sản
phẩm của công ty mình, cũng như biểu tượng ngườ phụ nữ Nam bộ trên bao
bì.
Trong hồi ký của ông, ông viết về sự chọn
lựa tên sản phẩm xà bông của ông như sau: “Tôi đang tìm kiếm tên nào
kêu, dễ gọi, dễ nhớ để đặt tên cho Xà-bông mà chưa kiếm ra.
Ngoài
Bắc, phong trào cách mạng Việt Nam quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học cầm
đầu nổi lên nhiều chỗ và đã bị thất bại đau đớn, đến lúc Tây xử tử họ ở
Yên Bái thì mười người như một, trước khi đút đầu vô máy chém đều bình
tĩnh hô to:
“Việt Nam vạn tuế” gây một luồng dư
luận sôi nổi ở trong nước và thế giới.Tôi không bỏ lỡ vội chụp lấy vụ
này, tôi muốn lấy tên Việt Nam đặt cho xà bông do người Việt Nam sản
xuất để nêu lòng ái quốc đang bồng bột ở trong xứ, xà bông Việt Nam là
của người Việt làm cho người Việt, người Việt yêu nước phải dùng đồ Việt
Nam”.
Về sự chọn lựa biểu tượng của xà bông
Việt Nam, ông đã dùng hình ảnh của một người con gái đẹp Việt nam rất
đậm dân gian Nam bộ là “Cô Ba”. Không biết trong trường hợp nào ông đã
dùng hình ảnh của một người phụ nữ “cô Ba” – người phụ nữ có gương mặt
phúc hậu, thuần Việt, tóc búi với nét đẹp có duyên Nam bộ.
Biểu
tượng này của vùng đất miền Nam đánh trúng tâm lý dễ dàng nhận diện
vàquen thuộc của con người trong vùng đã là một yếu tố quan trọng để sản
phẩm của ông được tiếp nhận rộng rãi.
Một
trong những tin đồn huyền thoại dân gian kể lại thì “Cô Ba “chính là con
gái Thầy Thông Chánh ở Trà Vinh, người đàn bà đẹp nhứt Nam Kỳ hồi đầu
thế kỷ 20. Cô Ba có thể coi là người phụ nữ Việt đầu tiên là người mẫu
cho một thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Có nhiều
giai thoại về “Cô Ba”, nhưng các giai thoại và tin đồn về “Cô Ba” có
nhiều tin không đúng. Thật ra người phụ nữ ấy chính là người vợ của ông
Trương Văn Bền. Ta có thể thấy hình ảnh trên nhãn hiệu và ảnh của phu
nhân ông Trương Văn Bền trong bức ảnh chụp chung cả gia đình là một.
Vả
lại, trước kia trong phòng làm việc của ông tại công ty Xà Bông Việt
Nam có tượng bằng đồng đen hình vợ ông mà ông dùng làm mẫu cho hình trên
hộp xà bông. Rất yêu người vợ xinh đẹp này, ông Trương Văn Bền đã lấy
chân dung vợ làm biểu tượng cho thương hiệu xà bông của mình, biến nó
thành một thương hiệu sống cho đến tận giờ.
Thời
bây giờ nhắc đến chuyện PR, làm thương hiệu, chẳng ai xa lạ. Nhưng từ
thời xưa, Trương Văn Bền đã rất giỏi quảng bá thương hiệu của mình.
Trong
sự tiếp thị sản phẩm trên thị trường cạnh tranh lúc đầu và sau này cho
đến khi ông mất để khuếch trương thương hiệu, Trương Văn Bền đã khôn
khéo sáng tạo không kém những doanh nhân nổi tiếng trên thế giới hiện
nay.
Trên báo chí ở Việt Nam từ khi xà bông
Việt nam được sản xuất vào năm 1932, trong mục quảng cáo thường đăng
“Dùng xà bông xấu, mục quần áo” hoặc “Người Việt Nam nên xài xà bông
Việt Nam” của Hãng Xà bông Trương Văn Bền, vừa quảng cáo, vừa “khích”
người Việt nên dùng thương hiệu Việt, khích lệ lòng tự hào Việt.
Trong
hồi ký, ông Trương Văn Bền kể: “Tôi phải làm quảng cáo dữ lắm cho
thương hiệu xà bông Cô Ba. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua
xà-bông Việt Nam về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú, chúng
xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán,
chỉ trừ khi nào món đồ ấy đã được thông dụng đem cho chúng một mối lợi
hàng ngày thì chúng mới chịu mua.
Tôi bèn huy
độngmột tốp người cứ lần lượt hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có
xà bông Cô Ba bán không ? Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi
chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu:
“Sao
không buôn xà bông Việt Nam về bán ? Thứ đó tốt hơn xà bông khác
nhiều”. Hết người này tới người khác rồi chủ tiệm cũng phải để ý lấy làm
lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, cho người mua thử về bán.
Tôi
còn tổ chức những tốp quảng bá thương hiệu. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ
tán dương tính chất của xà bông của hãng mình, tốp thì đi đánh võ rao
hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu thương hiệu xà bông của hãng.
Nói tóm lại tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, nên xà
bông Việt Nam bán chạy lắm”.
Nhờ sức mạnh quảng
cáo nên xà bông Cô Ba của Trương Văn Bền bán rất chạy, tiến phát rất
mau, chỗ nào cũng buôn xà bông Cô Ba, ai nấy chỉ dùng xà bông Cô Ba
thôi.
Thấy mối lợi như vậy nhiều người chóa mắt
cũng làm xà bông để tranh dành, như Bà Đốc phủ Mầu ra xà bông “Con
Cọp”, Balet ra xà bông “Nam-Kỳ” cũng có biểu tượng người đàn bà Việt Nam
như xà bông Cô Ba, Nguyễn Phú Hữu ra xà-bông “3 sao” ở Cần Thơ...
Nhưng tranh đua không lại với xà bông Cô Ba nên đều bị thất bại, bỏ cả.
Theo Thạch Vinh
Phụ nữ Today
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét