Trang

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Ba tố chất doanh nhân Việt thời khủng hoảng

Một trong những tố chất quan trọng nhất của doanh nhân là dám chấp nhận rủi ro. Không biết được điều đó thì không có một doanh nghiệp lớn mạnh - GiS Đinh Xuân Bá, Chủ tịch danh dự CTCP Vật liệu xây dựng Secoin.
Chỉ những doanh nghiệp và doanh nhân dám chấp nhận thách thức của biển cả mới xứng đáng thu nhận về mình tinh hoa của đại dương.

Dám chấp nhận rủi ro là 1 trong 3 đặc điểm của lớp doanh nhân Việt trong thời khủng hoảng, cùng với sự đổi mới và tính tiên phong trong hoạt động kinh doanh.

Dám chấp nhận rủi ro

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận không nhỏ doanh nhân Việt không dám chấp nhận rủi ro. Họ thiếu sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ dám làm và thiếu tính tiên phong. Điều này thể hiện rõ nhất ở tâm lý bầy đàn trong hoạt động doanh nghiệp thời gian qua. Tâm lý bầy đàn trong chứng khoán, bất động sản, trong mô hình tập đoàn đa ngành, đa nghề đã đẩy không biết bao doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Ở một góc nhìn khác, việc đối mặt với rủi ro trong quyết định của một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn mang tính liều lĩnh. Một số người đã không đề ra được những quy tắc khôn ngoan trong việc chấp nhận rủi ro hoặc thiếu kỷ luật trong việc tuân thủ các nguyên tắc này. Số khác thì chưa đo lường để lượng hóa được những rủi ro.

Mỗi cơ hội đầu tư luôn tiềm ẩn những rủi ro. Trong một số thương vụ đầu tư có thể có cùng lúc nhiều loại rủi ro. Hiểu đầy đủ về những loại rủi ro chính yếu là cần thiết để mạo hiểm có tính toán và đưa ra những quyết định đầu tư nhanh nhạy.

Có một số rủi ro thường gặp trong hoạt động doanh nghiệp là rủi ro vỡ nợ; rủi ro kinh doanh; rủi ro thiếu tiền mặt; rủi ro sức mua hay rủi ro lạm phát; rủi ro lãi suất; rủi ro công nghệ; rủi ro chính trị và rủi ro thị trường.

Có một câu nói rất hay: “Không rủi ro có nghĩa là không lợi nhuận. Rủi ro cao thì cũng kỳ vọng lợi nhuận cao”. Vấn đề là quản lý rủi ro đó như thế nào. Không phải 8 loại rủi ro nói trên đều có thể đồng thời xảy ra tại một thời điểm và trong cùng một vụ đầu tư. Mặt khác, các loại rủi ro khác nhau đều có mối liên hệ với nhau. Điều quan trọng là phải đánh giá cẩn trọng sự tồn tại của mỗi loại rủi ro và mức độ của nó trong mỗi cơ hội đầu tư.

Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp Việt hay dùng cụm từ “ra biển lớn”. Ra biển lớn chính là chấp nhận rủi ro. Biển lớn chứa đựng cả những cơ hội tôm cá đầy khoang, cũng như rủi ro của những cơn bão lớn nhấn chìm con tàu. Chỉ những doanh nhân dám chấp nhận thách thức của biển cả mới xứng đáng thu nhận về mình tinh hoa của đại dương.

Đổi mới sáng tạo

Có một thực tế phải nhìn nhận là sự đổi mới và sáng tạo trong một bộ phận không nhỏ doanh nhân Việt chưa cao. Chúng ta hay nhận xét rằng người Việt thông minh, sáng tạo, nhưng nhiều khi các sáng tạo đó lại manh mún, mang tính đối phó, thiếu tư duy dài hạn, chủ động.

Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đạo Khổng và đạo Phật. 2 luồng tư tưởng này đều không khuyến khích con người sáng tạo, đổi mới để vượt lên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn thử thách gay go. Khả năng dự báo, sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và khả năng tư duy khác với chuẩn mực là những nhân tố mang tính sáng tạo cao. Khả năng đó có thể giúp doanh nhân đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ở đây tôi muốn đi sâu vào phân tích tố chất mang tính đổi mới của doanh nhân, đó là khả năng tư duy khác với chuẩn mực. Những lý thuyết kinh tế, tài chính, những chuẩn mực kinh doanh tưởng chừng bền vững nhất, tiên tiến nhất nay đã bị lung lay và gây ra sự hoài nghi cho các nhà kinh tế lẫn giới kinh doanh.

Cùng lúc đó, các doanh nghiệp dám thực thi công việc ngược lại với các chuẩn mực có thể đem lại những thành công bất ngờ. Cuối năm 2008, khi thị trường tài chính Mỹ lung lay, theo logic chuẩn mực thì đồng USD nhất thiết phải mất giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều kỳ lạ là đồng tiền này lại lên giá mạnh và bền vững hơn các đồng tiền khác. Nếu doanh nghiệp hành xử theo một kiểu không chuẩn mực thì đây lại là cơ hội lớn với họ.

Tỉ phú chứng khoán Mỹ Warren Buffett cùng nguyên tắc thành công trên thị trường chứng khoán “hãy đầu tư khi thị trường run sợ...” cũng là một minh chứng.

Tuy vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, giảng viên cao học về marketing, khả năng tư duy không chuẩn mực chỉ xuất hiện ở những nhà lãnh đạo rất am hiểu và nắm vững chuẩn mực.

Tính tiên phong

Khi nói về sứ mệnh doanh nghiệp, chúng ta thường nhấn mạnh đến vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu xã hội... Nói một cách sâu xa thì hoạt động của doanh nhân cần mang tính tiên phong, mở đường cho những ý tưởng mới, nhận thức mới và ở mức độ nào đó, tác động tích cực đến tầm nhìn trong xã hội.

Tính tiên phong cũng là nhân tố quan trọng bậc nhất trong chiến lược cạnh tranh. Tại một số công ty, tạo ra sự mới lạ là tiêu chí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Có công ty mỗi năm đều cho ra 1 mẫu sản phẩm mới, nhằm đẩy các đối thủ cạnh tranh ở thế người đi sau. Nếu đối thủ tính chuyện sao chép sản phẩm nào đó thì cũng là lúc công ty kịp tung ra mẫu mới và bán với giá cao; còn mẫu cũ thì hạ giá để cạnh tranh với đối thủ. Với chiến lược này, một số công ty đã phần nào tạo được vị thế tiên phong trên thị trường. 

Theo Đinh Hồng Kỳ 
Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Secoin
NCĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét