Trang

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Ước mơ của một trí nông

Xuất thân nông dân nên những gì Giám đốc Công ty VIDAN (Vì Dân) Nguyễn Văn Phong đang làm đều hướng tới mục tiêu: làm sao để những người nông dân giàu lên từ mồ hôi công sức của mình.

Ông Nguyễn Văn Phong
sinh ở Quảng Nam. Năm 1994 thi đậu 5 trường Đại học: Đại học Nông - Lâm TP.HCM, Đại học Tổng hợp TP.HCM, Đại học Tổng hợp Đà Lạt, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Y Dược TP.HCM. Ông chọn trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM.
Năm 1998, trong danh sách những học trò giỏi, hiếu thảo được nhận giải thưởng "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 99 của báo Tuổi Trẻ, có một cậu học trò của vùng quê nghèo miền Trung - Nguyễn Văn Phong - khi ấy là sinh viên trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM. 13 năm sau, cậu học trò ấy trở thành Giám đốc Công ty VIDAN.
Sinh ra ở vùng quê nghèo Trường Giang (Bình Đào, Thăng Bình, Quảng Nam), Phong lớn lên qua những trưa hè lăn lóc bên những bờ ruộng, con đê… cùng những củ khoai, củ sắn. Thế mà năm 1994, anh thi đậu 5 trường đại học: Đại học Nông- Lâm TP.HCM, Đại học Tổng hợp TP.HCM, Đại học Tổng hợp Đà Lạt, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Y Dược TP.HCM… Rút cục Phong chọn học trường Đại học Nông Lâm TP.HCM vì... học phí thấp nhất!
4 bài học từ thương trường
Khi tốt nghiệp, Phong vừa đi dạy vừa nghiên cứu khoa học. Bao nhiêu tiền từ giảng dạy, Phong đổ vào hết các dự án. Cho đến một ngày, Phong chợt "ngộ" ra: làm khoa học mà không có tiền thì không thể đưa nghiên cứu vào thực tiễn! Trằn trọc nhiều đêm, Phong làm đơn xin nghỉ việc để điều hành những dự án của riêng mình.
Dự án đầu tiên mà Phong triển khai là phát triển trồng lan cắt cành trên diện rộng. Anh cùng bạn bè hùn vốn đầu tư trồng lan trên diện tích hơn một héc-ta tại An Phú Đông (quận 12, TP.HCM). Phong mong muốn tạo ra một vùng sản phẩm mang giá trị cao, tổ chức sản xuất tập trung khép kín: trồng - thu mua - xuất khẩu. Năm đầu tiên, nhờ ứng dụng tốt kỹ thuật hoa lan được mùa. Nhưng nhà vườn phá vỡ thỏa thuận, tranh mua tranh bán khiến hoa lan rớt giá… Cầm cự gần hai năm, sau khi dự án lấy lại được vốn, Phong đành phải dẹp luôn dự án hoa lan. Anh nhận được bài học đầu tiên về thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kế hoạch của các nhà vườn trong vùng.
Không nản chí, Phong xoay qua kết hợp với Trung tâm Khuyến nông TP.HCM phát triển cây dứa cayenne nhập từ Đài Loan theo chương trình "Hai cây, hai con" của Thành phố phát động. Lúc ấy, một cây dứa giống cayenne trồng sau 18 tháng thu hoạch được khoảng 3.500 đồng (một quả dứa giá 3.000 đồng và một cây dứa giống con giá 500 đồng). Phong nghiên cứu tìm tòi trồng dứa không lấy trái mà lấy chồi con để bán giống. Sau 3 tháng trồng, cho hủy đỉnh sinh trưởng rồi dùng chất NAA chế vào nõn cây, sau 15 ngày nữa, mỗi cây dứa mẹ nảy ra khoảng 12 chồi con, thu hoạch được tới 6.000 đồng.
Thừa thắng, Phong triển khai dự án trồng 480.000 cây dứa giống trên diện tích 8 ha. Thế nhưng, đến ngày thu hoạch, cây giống do Phong sản xuất bị cạnh tranh quyết liệt, giá bán chỉ còn một nửa, một phần vì công nghệ nhân giống của Phong bị tiết lộ ra bên ngoài. Thêm một dự án của Phong lần nữa bị khép lại. Thương trường thực sự là chiến trường!
Dự án thứ ba của Phong là trồng cây Osaca, một loại cây cho hoa đẹp để trang trí cho những khu đô thị mới. Đầu tiên, Phong đem 30 cây giống về trồng thử nghiệm, sau hai năm không cần phải phân bón, chăm sóc Phong bán được 300.000 đồng/cây, thu về được 9 triệu đồng. Sau đó, Phong thuê luôn 6 ha trồng 9.500 cây, nếu mọi việc suôn sẻ anh sẽ thu hoạch được 2,1 tỷ đồng. Thế nhưng, năm đó vùng đất trồng Osaca bị triều cường dâng cao, ngập úng lớn. 9.500 cây Osaca chết uổng, 300 triệu đồng của anh cũng mất theo. Vậy là người tính không bằng trời tính!
Có phần nản với cây, Phong quay sang… mở quán cà phê. Song vẫn thất bại, vì quán của Phong không chấp nhận cho khách chích hút, khách ăn mặc không phù hợp với với văn hóa… Anh lại tự nhủ mình: kinh doanh không đúng sở trường khó mà thành công được.
Trở về với đất
Sau hàng loạt những thất bại cay đắng, Phong tạm dừng các dự án, quay trở lại những chuyên đề nghiên cứu gắn với ngành học của mình: Phân bón-Thổ nhưỡng. Phong tung ra sản phẩm ngậm nước Biowater (nước sinh học), có khả năng trữ nước từ 20 - 40 ngày để chống hạn hán, duy trì nước cho cây trồng.
Trước khi chính thức thành lập Công ty TNHH VIDAN, Phong cũng bắt tay nghiên cứu đề tài ứng dụng: "Thủy phân các phụ, phế phẩm có chứa Keratin tại các lò mổ gia súc, gia cầm để tạo ra nguyên liệu sản xuất phân bón". "Probio-sản phẩm sinh học chiết xuất từ Keratin" của VIDAN ra đời đã nhanh chóng được thị trường đón nhận. Mỗi năm, Công ty bán ra khoảng 200.000 lít nguyên liệu thô để sản xuất phân bón.
Qua từng bước đi chắc chắn, gắn bó nghiên cứu với thực tiễn, đến nay VIDAN đã sản xuất nhiều dòng phân bón với 28 sản phẩm phục vụ đa dạng cây trồng: rau màu, lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp…
Vị Giám đốc của Công ty chia sẻ ước mơ rất lãng mạn: "Tôi mong muốn thay đổi hình ảnh của người nông dân Việt Nam. Người nông dân Việt Nam sẽ không còn sản xuất theo kiểu chân lấm tay bùn mà phải hướng tới chuyển đổi thành người nông dân hiện đại. Đến 2020 cùng với xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, người nông dân Việt Nam sẽ đội nón kết, mặc áo blouse, đi xe hơi".
Sống và làm việc trong một đô thị hiện đại, Thạc sĩ Nguyễn Văn Phong còn trăn trở, ôm ấp đề tài xây dựng phương thức nông nghiệp đô thị. Theo anh, đây là một xu thế của tương lai: làm sao để làm gia tăng cây xanh, những vườn rau trong nhà phố như: cây kiểng cao cấp, cá kiểng, nấm, rau sạch… Hiện nay, Phong đang là chủ nhiệm của nhiều đề tài nghiên cứu như: trồng nấm dinh dưỡng, cây thủy sinh, cây kiểng trong nội thất, rau hoang dã ở Việt Nam…
Không ngừng đổi mới và sáng tạo
Thành lập năm 2007, trong suốt 4 năm qua, VIDAN phát triển khá bền vững trong các lĩnh vực: nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, kinh doanh. 40 nhân viên của công ty đều tốt nghiệp các trường Đại học Bách khoa, Kinh tế, Nông - Lâm làm việc khép kín từ sản xuất, kinh doanh cho đến công tác chăm sóc khách hàng... và thường xuyên được cử tham gia nhiều khóa đào tạo kinh doanh ngắn hạn. Công ty của Phong trân trọng và kịp thời ghi nhận, biểu dương những nhân viên làm việc tốt, đặt lợi ích của nhân viên cùng chung với lợi ích của Công ty.
Năm nay 38 tuổi, Phong đang triển khai hàng loạt dự án: xây dựng nhà xưởng khoảng 14 tỷ đồng để đẩy mạnh sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh mảng thương mại xuất nhập khẩu hóa chất trên nền tảng sản xuất phân bón; xúc tiến thành lập trung tâm sản xuất cá giống có kiểm soát, theo quy trình theo dõi, siêu âm, chẩn đoán bệnh, sinh sản, dự đoán sản lượng cá giống… Anh cũng không quên việc gửi nhân viên ra nước ngoài để học hỏi công nghệ mới, kỹ thuật mới; xây dựng nhà ở, nhà giữ trẻ phục vụ nhân viên... Phong nói: "Không phải mình tham công tiếc việc mà cứ thấy việc nào có lợi cho công ty, cho cộng đồng, cho bản thân và cho anh em thì mình luôn sẵn lòng hợp tác. Mình nghĩ, những gì xuất phát từ tấm lòng, ắt sẽ được đền đáp bằng tấm lòng".

Việt Hà
DDDN.COM.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét