Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Tỷ phú nuôi heo giữa thủ phủ hồ tiêu


 Chư Sê (Gia Lai) được xem là thủ phủ hồ tiêu của cả nước. Trong khi nhà nhà ở Chư Sê đổ xô trồng tiêu, Nguyễn Thị Trúc, SN 1983, làm điều ngược lại: phá tiêu để nuôi heo.
Nguyễn Thị Trúc
Nguyễn Thị Trúc . Ảnh: L.K
Ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, chị Nguyễn Thị Trúc nổi tiếng xinh đẹp, nhạy bén trong kinh doanh. Tuy nhiên, ít ai biết Trúc vốn là cô gái tay lấm chân bùn, từ tay trắng từng bước vươn lên thành Giám đốc Cty TNHH Trúc Khanh chuyên về chăn nuôi và trồng trọt.
Tuổi thơ của Trúc nhiều nhọc nhằn, 1 buổi đến trường, buổi còn lại ở nhà chăm heo, làm việc nhà giúp cha mẹ. Cũng vì cảnh nhà khó khăn nên giấc mơ vào đại học đành gác lại. Sau đó, Trúc lập gia đình và những tưởng sơn nữ Chư Sê sẽ yên phận thủ thường. Thực ra, Trúc vẫn luôn trăn trở với khát vọng làm giàu.
Từng nung nấu mơ ước mở trang trại, lại được chồng động viên nên Trúc đăng ký học lớp Chăm sóc chăn nuôi tại tỉnh Bình Dương. Thấy chưa yên tâm, nên ngoài việc tự học hỏi qua sách, Trúc còn lặn lội học thêm các mô hình kinh doanh lớn ở Đăk Lăk, Đà Lạt, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội... để bổ sung kiến thức làm giàu.
Trúc mạnh dạn vào Đồng Nai nhờ các chuyên gia tư vấn thiết kế trang trại, mua giống và thiết bị kỹ thuật phục vụ chăn nuôi. Người dân cả thị trấn Chư Sê ngạc nhiên khi Trúc đột nhiên cho chặt trụ tiêu để nuôi lợn. “Nhiều người khuyên can không nên làm vì có thể mất trắng, nhưng mình đã quyết tâm làm thì phải mạo hiểm và không phải mình đổ vốn một lần, làm đến đâu phải chắc chắn đến đó”, Trúc cho biết.

Nuôi heo bằng... nhạc giao hưởng
Hành trình khởi nghiệp chăn nuôi của Trúc bắt đầu với mô hình nhỏ lẻ dăm ba con heo thử nghiệm năm 2004. Đến nay, trang trại nuôi heo theo hướng công nghiệp hiện đại của Trúc có lúc cao điểm tổng đàn lên đến hơn 4.000 con. Ngoài chăn nuôi, hai vợ chồng Trúc còn chăm sóc hơn 4.000 cây cà phê, khoảng 2.500 trụ tiêu, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Trang trại lợn của Trúc
Trang trại lợn của Trúc . Ảnh: L.K
Trang trại chăn nuôi heo của Trúc được xây dựng tại thôn Bầu Jút với diện tích hơn 3ha và được chia thành nhiều phân trại nhỏ theo mô hình khép kín. Trang trại có cả hệ thống thông gió, báo nhiệt, giữ nhiệt; hệ thống tưới nước trên mái vào mùa nóng và che gió vào mùa lạnh...
Trang trại còn có hệ thống ủ phân ở hầm biogas, nước thải được tận dụng tưới cho cây tiêu, cà phê. Đặc biệt, trang trại còn được lắp hệ thống âm thanh để mở nhạc nhẹ, nhạc giao hưởng cho heo nghe.
Trang trại của Trúc cung cấp nguồn thịt lợn cho thị trường tỉnh Gia Lai, Đà Nẵng, TPHCM và xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia..., thu về nhiều tỷ đồng mỗi năm. Trang trại giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 2,5 - 4 triệu đồng/tháng.
Mô hình trang trại chăn nuôi của Trúc trở thành điểm tham quan của nhiều người dân xa gần và được chính quyền địa phương quan tâm, dự định chọn là mô hình tiêu điểm ở địa phương. 

Báo Tiền Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét