Trang

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Tôi chọn triết lý win win


Theo ông Lê Tấn Phước, Tổng Giám đốc Searefico, chỉ có tinh thần cải tiến mới giúp doanh nghiệp thích ứng với sự vận động của nền kinh tế và biến động thị trường. 
Toàn bộ thiết bị điện lạnh trị giá khoảng 20 tỉ đồng đã được chở đến công trình theo hợp đồng. Đùng một cái, khách hàng tuyên bố không có tiền trả. Tất nhiên, bên cung cấp hàng có cơ sở hợp lý để khởi kiện đối tác ra tòa. Tuy nhiên, đơn vị cung cấp đã ngồi lại với khách hàng cùng tìm giải pháp. Cuối cùng, họ mua lại một phần lô hàng với giá thấp hơn, đồng thời cho phép khách hàng trả nợ thành nhiều đợt. Đó là một trong những giải pháp cùng thắng (win-win) mà Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ lạnh, ông Lê Tấn Phước, đã áp dụng.
Không mạo hiểm
Ông Lê Tấn Phước, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ nghệ lạnh (Searefico).
Giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Kỹ nghệ lạnh (Searefico) từ năm 2005, khi chiến lược tái cấu trúc bắt đầu, ông Phước được đánh giá là một nhà lãnh đạo trẻ có tư duy đột phá. Không chỉ làm điện lạnh công trình, Searefico tập trung đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm lạnh công nghiệp, rộng hơn 2,5 ha tại Khu Công nghiệp Tân Tạo, đã khánh thành năm 2010. Searefico có 2 công ty trực thuộc là Cơ điện lạnh Đà Nẵng, kinh doanh cơ điện lạnh công trình và Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico), sản xuất thiết bị lạnh cho ngành chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm...Doanh thu mảng cơ điện công trình chiếm khoảng 2/3 tổng doanh thu Searefico. Theo phân tích của các công ty chứng khoán Rồng Việt, Tân Việt, nếu Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) là nhà thầu cơ điện lớn nhất Việt Nam, nắm hơn 20% thị trường thì Searefico là nhà thầu chính về cơ điện công trình với 60% công trình lớn tại TP.HCM và một số tỉnh miền Trung. “Phân khúc thị trường của chúng tôi là những dự án quy mô lớn, thiết kế thi công theo tiêu chuẩn quốc tế” ”, ông Phước cho biết. Trong quý I/2011, Searefico đã trúng thầu trở thành nhà thầu chính một số dự án như Đảo Kim Cương trị giá 6,6 triệu USD (TP.HCM), Banyan Tree Resort ở Lăng Cô (Huế) 14,6 triệu USD và khu căn hộ cao cấp Azura (Đà Nẵng) 4,4 triệu USD.
Năm 2011, khối cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp được dự báo là thừa cung do thiếu người mua. Đây lại là phân khúc chính của Searefico nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Trong bản công bố thông tin về lợi nhuận trước thuế của quý I/2011 giảm so với cùng kỳ năm trước, Searefico đã giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rằng một trong những nguyên nhân là lãi vay tăng cao, các chủ đầu tư tìm cách dãn tiến độ công trình. “Không thể phủ nhận khó khăn bởi phân khúc bất động sản cao cấp đang chựng lại”, ông Phước nói.
Trước tình hình đó, một số công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và cơ điện lạnh đã chọn kênh đầu tư khác. Không chọn đầu tư tài chính và cho thuê văn phòng với 60% lợi nhuận trong tổng kết quả kinh doanh như REE (theo Rồng Việt), Searefico đầu tư sản xuất, tập trung vào hoạt động cốt lõi là cơ điện công trình và lạnh công nghiệp.
Theo ông Phước, gần 300 nhà máy chế biến thủy hải sản trong số 400 nhà máy chế biến trên toàn quốc là khách hàng chính của công ty con Arico. Đây là mảng kinh doanh triển vọng bởi theo ông Phước: “Thủy sản vẫn là 1 trong 5 ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam và xu hướng dùng thực phẩm đông lạnh, chế biến sẵn tại các thành phố lớn đang ngày càng tăng”.
Thực tế trong quá khứ, Searefico đã từng đầu tư tài chính và không thành công.Doanh nghiệp từng mua vào nhiều cổ phiếu tốt, song đến nay, theo các báo cáo tài chính thì Searefico đã mất hơn một nửa số tiền đầu tư ban đầu. “Nếu cổ phiếu lên lại thì không mất. Chúng tôi để mảng đó sang một bên và xác định đầu tư tài chính không phải là sở trường của mình”, ông chia sẻ. Nhưng giả sử có nhiều tiền mặt lúc này, ông Phước cho biết “sẽ gửi ngân hàng để hưởng lãi suất gần 20%. Đó chỉ là giải pháp tình thế nhưng an toàn, ít ra là trong lúc này”.
Duy tân để khác biệt
Không thích mạo hiểm nhưng ông Phước tự nhận mình là nhà quản trị hướng đến tư duy đột phá, khác biệt. “Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu kịp đổi mới để thích ứng với sự vận động của nền kinh tế và biến động thị trường”, ông chia sẻ.
Ông cho biết, ngoài các sản phẩm truyền thống đang phát triển tốt, Searefico cũng tích cực tìm kiếm các đối tác nước ngoài có ưu thế về công nghệ và thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp đặc biệt chú ý đến các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời. “Tôi thích tinh thần doanh nhân khởi nghiệp”, ông nói. Và ông phân tích thêm, tinh thần doanh nhân khởi nghiệp là tinh thần đổi mới, bắt đầu bằng một tư duy mới, một ý tưởng mới gắn với sự nghiệp kinh doanh hoặc công việc đang làm.
Hiện nay, nhà máy mới khánh thành tại Khu Công nghiệp Tân Tạo chỉ mới được sử dụng một nửa công suất, nửa còn lại Searefico đang kêu gọi đầu tư, hợp tác liên doanh để đa dạng hóa sản phẩm. Hơn 1 năm qua, cùng với các cộng sự, ông Phước đã thực hiện nhiều chuyến đi nước ngoài gặp gỡ đối tác. “Thay vì phải làm mọi thứ từ đầu, chúng tôi có thể mua bằng phát minh sáng chế (license) hoặc sản xuất gia công để rút ngắn công đoạn nghiên cứu và phát triển, từ đó nhanh chóng hội nhập thị trường xuất khẩu”, ông nói.
Có một tập đoàn của Mỹ muốn liên doanh sản xuất thang máy. Tuy nhiên, sau nhiều lần thương thảo, Searefico nhận ra rằng, nhà đầu tư nước ngoài muốn chọn một đối tác trong nước không am hiểu lắm về ngành này và phụ thuộc họ để dễ điều khiển. “Điều đó không đúng với tinh thần win-win. Họ không muốn có đối tác khôn quá nên cuộc chơi này buộc phải dừng lại”, ông nói.
Tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của Công ty Arico hiện là 50%. Theo ông Phước, nếu phát triển trong nước mà không tận dụng được nguồn lực trí tuệ, kỹ thuật và nguyên liệu của mình, cái gì cũng nhập khẩu thì khó tính đến chuyện bền vững. Và Searefico đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại của nước ngoài để sản xuất bằng nguồn vật tư nguyên liệu có sẵn trong nước. “Cái khó của doanh nghiệp Việt Nam là ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu và thị trường nội địa quá nhỏ”, ông nói.
Định hướng của Searefico là trở thành công ty mẹ, hoạt động đa ngành dựa trên nền tảng cơ điện lạnh và khoa học công nghệ, tương lai sẽ phát triển các công ty con có trên 50% vốn của công ty mẹ và công ty liên kết khác, thông qua hoạt động tái cấu trúc, mua bán sáp nhập hoặc đầu tư liên doanh.
Muốn làm được điều đó, ông cho rằng tài chính tốt, cơ sở vật chất sẵn có, nhiều năm kinh nghiệm và quyết tâm là chưa đủ. Một chiến lược, một phương pháp tốt là yếu tố không nên bỏ qua. “Tôi thích câu nói người thành công không làm những điều khác biệt. Họ làm mọi điều một cách khác biệt”, ông Phước bộc bạch với chúng tôi trước khi chia tay.

Nguồn NCĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét