Trang

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Tỉ phú nhờ nuôi côn trùng


Chỉ với một khoản đầu tư không lớn, công sức bỏ ra không nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không hề nhỏ, nuôi côn trùng đang trở thành một xu hướng làm giàu mới.
Đối với những người ít vốn, thay vì phải làm ruộng hay công nhân, nuôi côn trùng không tốn nhiều vốn cũng như công chăm sóc mà vẫn mang lại mức thu nhập đảm bảo cho cuộc sống, ông Nguyễn Trọng Suôn, chủ Trại dế Hương Hiền, khu phố Long Bửu, P.Long Bình, Q.9, TP.HCM, cho biết.
Lợi nhuận cao.
Với vốn đầu tư chỉ vài chục triệu đồng, sau hơn 1 tháng, chủ Trại dế Thanh Xuân (Hà Nội) đã có thể thu hồi vốn. Bằng nghề nuôi côn trùng, thu nhập hàng tháng của Trại Thanh Xuân do bà Trần Thanh Xuân làm chủ đã lên tới 100 triệu đồng. Trừ 20% chi phí, trung bình 1 tháng, trang trại này thu về khoảng 80 triệu đồng. Cách đây 3 năm, bà Xuân chỉ nuôi khoảng 100 chậu dế với diện tích vài chục mét vuông, số lượng khoảng vài ngàn con. Sau khi thấy nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà bắt đầu mở rộng quy mô, tăng vốn đầu tư và chủng loại côn trùng.
Hiện nay, ngoài cơ sở chính ở Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội, bà còn mở thêm 1 cơ sở nữa tại Mỹ Lộc, Nam Định nuôi nhiều loại côn trùng như dế vàng, dế trắng, bọ cạp, rết, sâu superworm trên diện tích khoảng 100 m2.
Thời gian đầu, mỗi tháng Trại Thanh Xuân bán ra thị trường khoảng 1 tạ các loại côn trùng thương phẩm. Đến nay, nhu cầu tăng cao, trang trại cung cấp cho thị trường toàn quốc khoảng 4-5 tạ/tháng.
Ông Suôn, chủ Trại dế Hương Hiền cũng bắt đầu nuôi dế từ năm 2005. Đến nay, ông có trên 600 thùng dế và gần 10.000 con bọ cạp trên diện tích 300 m2. Một tháng ông bán khoảng 4-5 kg dế đông lạnh, 3.000 con bọ cạp, 2.000 con dế cơm. Trừ chi phí, 1 năm ông thu lời khoảng 120 triệu đồng từ nuôi dế, chưa kể từ nuôi bọ cạp.
Trong số những người nuôi côn trùng, người đi đầu phải kể đến là ông Lê Thanh Tùng, chủ Trại dế Thanh Tùng ở Củ Chi, TP.HCM. Ông Tùng bắt đầu mô hình nuôi dế cách đây 10 năm với chỉ vài chục con. Đến nay, trang trại của ông đã mở rộng khoảng 700 m2 với trên 700.000 con dế, trên 30.000 con bọ cạp và trên 3.000 con rết.
Trung bình 1 tháng, ông Tùng bán khoảng 300 kg dế, đạt doanh thu từ 60-90 triệu đồng. Trừ chi phí, 1 tháng ông thu lời khoảng 25-30 triệu đồng. Đó là chưa kể thu nhập từ tiền bán con giống, bọ cạp và rết. Như vậy, mỗi năm ông thu về hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân TP.HCM cho biết, mô hình nuôi côn trùng đang có xu hướng phát triển mạnh. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 32 cơ sở (năm 2005 chỉ có vài cơ sở), trong đó tập trung chủ yếu ở Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức và quận 9.
Vốn đầu tư ít, nhanh thu hoạch.
Theo ông Suôn là cách chọn giống sao cho việc nhân giống hiệu quả
Ban đầu, do áp dụng mô hình cũ nên số vốn đầu tư cho dụng cụ nuôi của Trang trại Thanh Xuân rất lớn, khoảng 50.000 đồng/1 bộ chậu nhựa và lồng bàn. Đó là chưa kể nuôi dế bằng xô chậu rất hôi, phải có khu riêng, bà Xuân phải làm lán trại và kệ gỗ rất tốn kém. Công sức bỏ ra nhiều mà hiệu quả không cao. Sau này, qua tìm tòi, bà đã áp dụng phương pháp mới. Thay vì sử dụng xô chậu, bà dùng thùng carton mua lại từ các cơ sở thu mua giấy vụn với giá từ 3.000-5.000 đồng/chiếc. Bà cho biết, loại thùng này giúp người nuôi giảm vốn đầu tư dụng cụ. Hơn nữa, số lượng côn trùng nuôi trong thùng giấy có thể nhiều gấp 5 lần so với chậu. Khác với trại Thanh Xuân, ông Suôn cho biết ban đầu ông phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng cho cơ sở vật chất. Do chưa có kinh nghiệm nên phải mất 1 năm ông mới thu hồi vốn. Nhưng thùng nhựa có thể sử dụng từ 3-5 năm nên không phải tái đầu tư thường xuyên.
Hầu hết các chủ trang trại đều cho rằng, nuôi côn trùng không khó. Điều quan trọng là phải hiểu được tập tính của chúng để đảm bảo thức ăn, nơi ở giống như môi trường tự nhiên.
Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Công Hiển, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, cho biết, ở nước ngoài việc nhân nuôi côn trùng thường theo mô hình nhân tạo. Nhưng ở Việt Nam nếu làm thế sẽ rất tốn kém, không phù hợp với khả năng kinh tế và trình độ kỹ thuật. Vì vậy, nên sử dụng biện pháp bán tự nhiên, nghĩa là nuôi trong môi trường tự nhiên có sự kiểm soát của con người.
Vấn đề khó nhất, theo ông Suôn là cách chọn giống sao cho việc nhân giống hiệu quả. Ngoài ra, phải vệ sinh thường xuyên để chuồng trại luôn khô thoáng. Đặc biệt trong mùa mưa, độ ẩm cao, nếu chuồng trại ẩm mốc sẽ sinh các loại mạt như mạt gà chích dế.
Khi mới bước vào mô hình kinh doanh này, hầu hết các chủ trại đều gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Tùng, Trại dế Thanh Tùng, từng phải xách dế đi khắp các nhà hàng, khách sạn trong thành phố để chào bán nhưng vẫn không ai mua. Còn ông Suôn, phải mất 1 năm mới tìm được nguồn tiêu thụ.
Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp tiếp thị như phát tờ rơi, giới thiệu qua internet, các trang trại này dần được biết đến. Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng, các nhà hàng đặt mua ngày càng nhiều. Ông Tùng cho biết, côn trùng của trại ông không đủ cung cấp cho thị trường. Hiện nay, không chỉ nhà hàng mà các hiệu thuốc cũng đặt mua. Trại Thanh Xuân đã ký hợp đồng bán côn trùng sấy khô cho Trung Quốc, dự định mỗi tháng bán khoảng 3 tạ bọ cạp, 1 tạ rết với giá 600.000-800.000 đồng/kg.
Theo ông Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, thuận lợi để nuôi côn trùng. Việc phát triển mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích như bảo tồn sự đa dạng sinh học, người dân có thêm nghề mới, xóa đói giảm nghèo ở những vùng đất đai cằn cỗi, cung cấp nguồn thực phẩm cũng như nguyên liệu làm thuốc cho xã hội. Tuy nhiên không nên nuôi ồ ạt, vì có những loại gây hại, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác.
Ông Suôn lại lo ngại về tính cạnh tranh khi mô hình này được nhân rộng. Hiện nay, nuôi dế khá phổ biến, không còn ai độc quyền nữa. Gọi là thị trường đã bão hòa thì không đúng nhưng đến thời điểm nào đó, giá cả sẽ giảm xuống để cạnh tranh, giành mối. Khi giá bán giảm, người nuôi sẽ bị thiệt.

Nguồn NCĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét