Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Sinh viên RMIT VN tiết lộ “bí mật thành công” tại cuộc thi kinh doanh quốc tế


Khi một nhóm sinh viên Việt Nam vượt qua nhiều đối thủ nặng ký đến từ nhiều trường đại học trên khắp thế giới tại cuộc thi Giải quyết Tình huống Kinh doanh Quốc tế (KICC) nhiều người đã tự hỏi họ đã làm điều đó như thế nào ngay tại một sân chơi khốc liệt trong lần đầu tiên tham dự?
 
Cuộc thi do Công ty kiểm toán quốc tế KPMG tổ chức tại Hồng Kông vào tháng trước và các sinh viên đến từ Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam đã lọt vào top 4 đội xuất sắc nhất bằng việc đánh bại các đội đến từ các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Canada và Nhật.
 
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham dự cuộc thi uy tín này. KICC là sự kiện quốc tế được tổ chức thường niên thu hút hơn 6000 sinh viên từ hơn 300 trường đại học tại hơn 20 quốc gia tham gia tranh tài.
 
Vậy bằng cách nào mà một đội đến từ một nước vẫn được coi là “đang phát triển” như Việt Nam cộng với việc chưa từng có kinh nghiệm tham gia trước đó lại có thể vượt qua các đại diện ưu tú nhất của nhiều nước như vậy? Phía sau thành công của nhóm sinh viên tại KICC là gì? Hãy cùng lắng nghe nhóm sinh viên đến từ RMIT Việt Nam chia sẻ các "bí mật" của mình.
Trịnh Hồng Đức, Nguyễn Như Ái, Quách Kim Thiên Trang và Hoàng Bảo Châu đã là bạn cùng lớp được hơn hai năm. Khi được biết đến KICC 2012 chỉ một vài tháng trước khi họ tốt nghiệp từ RMIT, họ nhận thấy đây là một cơ hội tốt để kiểm chứng những gì mà mình đã được học tại đấu trường quốc tế.
Bảo Châu cho biết: "Lý do đầu tiên khiến chúng tôi quyết định đăng ký tham dự KICC 2012 là vì đây là cơ hội tốt để cả bốn người cùng làm một điều gì đó để kỷ niệm quãng thời gian sinh viên. Thứ hai, một cuộc thi quốc tế như thế này chắc chắn sẽ mang lại cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm, cơ hội nghề nghiệp và tương tác với bè bạn khắp nơi trên thế giới. Cuối cùng, chúng tôi đơn giản chỉ muốn chứng minh rằng chúng tôi nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung có đủ khả năng vượt xa những gì được giảng dạy trên lớp”.
 
Theo Châu thì họ rất tự hào khi đại diện Việt Nam tại vòng thi quốc tế tổ chức tại Hồng Kông sau khi giành chiến thắng tại vòng đấu quốc gia diễn ra vào tháng 3 – vượt qua chín đội đến từ các  đại học trong nước khác.
Trong suốt  cuộc thi, tất cả các đội đều được yêu cầu giải quyết nhiều tình huống kinh doanh thực tế hóc búa và trình bày giải pháp của họ trước một ban giam khảo bao gồm các lãnh đạo cấp cao và đối tác của KPMG.
“Áp lực về thời gian là rất lớn và cuộc thi càng về sau càng khó khăn hơn”, Hồng Đức chia sẻ.
“Trong quá trình thi đấu, chúng tôi luôn luôn áp dụng ‘vũ khí bí mật’ của mình. Chúng tôi tiếp cận tất cả các tình huống bằng cách trước hết xác định các vấn đề cốt lõi, sau đó cố gắng tìm ra các nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề đó. Chúng tôi thường sử dụng biểu đồ xương cá Ishikawa (Ishikawa ‘fish bones’ model) để làm điều này. Cuối cùng, chúng tôi đề xuất các giải pháp dành riêng cho từng vấn đề riêng biệt trong khi vẫn chú ý đến các rủi ro có thể phát sinh”.
Chính chiến thuật này đã giúp đội Việt Nam lọt vào top 4 đội xuất sắc nhất cùng với Tây Ban Nha, Thụy Điển và Hồng Kông. Tuy đội Hồng Kông là đội giành chiến thắng chung cuộc nhưng ban giám khảo cũng đánh giá rất cao đội RMIT Việt Nam bởi phương pháp tiếp cận và phân tích vấn đề rất riêng, sự chuyên nghiệp và lòng đam mê mà họ đã thể hiện trong suốt cuộc thi.
Theo Như  Ái, quản lý xung đột là một trong những thách thức lớn nhất mà cả đội gặp phải tại cuộc thi. "Có rất nhiều lần chúng tôi tranh luận như thể là đang cãi nhau. May mắn thay, hai năm làm việc và học tập với nhau đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả các xung đột. Trong những trường hợp như thế, bạn phải biết kiểm soát cảm xúc và lắng nghe để hiểu quan điểm của người khác trước khi đưa ra ý kiến của riêng mình.”
"Đội Việt Nam đã làm việc rất chăm chỉ và thực sự gây ấn tượng mạnh đối với ban giám khảo về khả năng phân tích và các chiến lược mà họ đưa ra. Tuy đội Hồng Kông là người chiến thắng của cuộc thi, đội Việt Nam thực sự đã cho thấy tiềm năng và sự gắn kết giữa các em để đạt được kết quả tốt nhất. Tôi vô cùng vinh dự khi có cơ hội cố vấn cho bốn sinh viên ưu tú này," cô Arlene Tuang, giảng viên RMIT Việt Nam và cũng là giáo viên hướng dẫn của đội, cho biết.  
Có thể  nói thành công của đội Việt Nam tại KICC 2012 không phải là do may mắn mang lại. Thay vào đó, bốn thành viên trong đội cho rằng đó là do một quá trình tích lũy kiến thức và nâng cao các kỹ năng chuyên nghiệp liên quan đến phân tích, suy nghĩ độc lập, làm việc theo nhóm, giao tiếp, v.v. - ở một mức độ nào đó, thành tích này thực sự phản ánh triết lý giáo dục của RMIT Việt Nam, được xây dựng xung quanh phương châm "lấy sinh viên làm trọng tâm".
"Sinh viên tại RMIT Việt Nam được khuyến khích có trách nhiệm cho việc thiết lập và hoàn thành các mục tiêu học tập của mình. Chúng tôi luôn cố gắng cung cấp cho sinh viên của mình một môi trường học tập đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm cho phép họ phát huy hết tiềm năng. Chúng tôi vô cùng tự hào khi thấy sinh viên của mình thành công tại các cuộc thi quốc tế mà theo tôi là sẽ giúp họ mở rộng tầm nhìn của mình không chỉ là về mặt kiến thức mà còn về cả phương diện trao đổi văn hóa", Giáo sư Merilyn Liddell, Hiệu trưởng RMIT Việt Nam chia sẻ.
Phân viện trưởng, Phân viện Thương mại và Quản trị của RMIT Việt nam, Giáo sư Julian Teicher nhấn mạnh lại ý này: "Khó có thể quy đổi ra tiền mặt những gì mà sinh viên thu nhặt được từ việc giao lưu văn hóa và tranh tài với bạn bè đến từ nhiều nước khác. Tôi nghĩ việc này mang đến nhiều lợi ích cho các em, cho RMIT, và tất nhiên là cho cả Việt Nam.”
Theo lời của Hồng Đức: "Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc thi mà chúng tôi chắc sẽ không bao giờ quên là bữa tiệc bế mạc. Hôm đó, mọi người đều mặc trang phục truyền thống của nước mình và có thời gian tìm hiểu về văn hóa của nhau thông qua các cuộc đối thoại và hoạt động nhóm. Đội Nhật Bản đặc biệt gây ấn tượng mạnh đối với tôi bằng sự đam mê và năng lượng của họ. Họ luôn khuyến khích mọi người xung quanh tham gia vào các điệu nhảy vui nhộn của mình để tận hưởng những khoảnh khắc bên nhau một cách trọn vẹn nhất. Chúng tôi đã học được rất nhiều từ cách thể hiện cảm xúc và sự tự tin của họ.”
 
(DĐDN) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét