Trang

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Quản trị nhân tài : Nền tảng phát triển bền vững

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội năm 2010, trong số 20,1 triệu lao động đã qua đào tạo trên tổng số 48,8 triệu lao động đang làm việc thì chỉ có 8,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước cấp. Nhân lực đào tạo các bậc hàng năm vẫn tăng, nhưng đội ngũ nhân lực chất lượng cao vẫn rất thiếu so với nhu cầu xã hội.
Nhiều ngành nghề, lĩnh vực có tình trạng thừa, thiếu nhân lực. Những lĩnh vực hiện đang thiếu lao động như: kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo… Bên cạnh đó, còn có vấn đề biến động lao động do di chuyển từ Cty, tổ chức này sang Cty, tổ chức khác bởi sức hút và sự khác nhau của các chế độ ưu đãi lao động, môi trường làm việc, trình độ lãnh đạo và văn hóa tổ chức.

Trong một báo cáo gần đây về việc chức năng tài chính tại các DN hiện đang chịu nhiều áp lực trong tối đa hóa nguồn nhân lực, Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) khẳng định vấn đề sử dụng đúng nhân tài luôn là một trong những thách thức lớn nhất mà các giám đốc tài chính phải đương đầu. Thực tế cho thấy đào tạo, phát triển và sở hữu chức năng tài chính lại là điều quan trọng quyết định đến thành công của một DN, đặc biệt là trong môi trường kinh tế hiện nay. Ông Dean Westcott – Chủ tịch ACCA toàn cầu cho biết: Năm ngoái, chúng tôi nhận thấy chỉ có 20% các DN và tổ chức có một chiến lược phát triển nhân tài cho bộ phận  tài chính của mình và hầu hết các chiến lược này lại không hề có tính chiến lược, chúng không chính thức, đôi khi tách biệt với các bộ phận  khác và không phải là một phần kế hoạch hợp nhất toàn Cty. Điều này không thể tiếp diễn mãi. Tuy nhiên, trở ngại đối với các giám đốc tài chính là đối mặt với ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế hiện nay. Điều này gây kiệt quệ cho không ít những nỗ lực quản lý nhân tài. Và hiện nay là thời điểm tăng sự chú trọng vào quản lý đội ngũ nhân tài và khích lệ họ làm việc với hiệu suất cao, tạo sự trung thành của họ đối với Cty. Một giám đốc tài chính sắc xảo sẽ nhận ra được tầm quan trọng của việc sử dụng nhân tài kiệt suất để duy trì kế hoạch và tạo ra những giá trị lâu dài cho tổ chức.

Quản trị tài năng rộng hơn là quản trị nhân lực. Đây chính là quản lý khát vọng và tạo ra đội ngũ tài năng đa dạng, cùng với tổ chức tạo ra những lợi ích trong kinh doanh.

Ông Dean Wescott chia sẻ thêm “Phải xem nguồn nhân lực chất lượng cao là tài sản quốc gia, là nguồn lực chủ yếu để thực hiện thành công quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề đặc biệt quan trọng của quốc gia, là nền tảng của sự phát triển bền vững.”

Chính vì vậy mà ACCA đã đưa ra 8 đề nghị quan trọng cho các giám đốc tài chính đang phải đối mặt với những thách thức giải quyết vấn đề này trong bản báo cáo mới đây.


- Định dạng nhân tài – các DN và tổ chức cần xác định những dạng tài năng mà tổ chức cần có - Ví dụ như ngoài yếu tố kiến thức chuyên môn thì những chuyên gia tài chính cần có kỹ năng và kinh nghiệm  trong việc định hướng  chiến lược phát triển một cách đúng đắn cho DN.

- Xác định nhu cầu tuyển dụng nhân tài – các DN và tổ chức nên xác định cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn cho việc tuyển dụng nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính thì ưu tiên các cá nhân có kiến thức và hiểu biết về thương mại và kinh doanh.
- Xác định năng lực cần thiết – bước tiếp theo là cân nhắc những yếu tố như năng lực chuyên môn, sự hiểu biết trong lĩnh vực kinh doanh và các kỹ năng ứng xử cần thiết khác.
- Phát triển mục tiêu – trong bộ phận tài chính thì một số vai trò chủ chốt sẽ quan trọng hơn đối với tổ chức so với các vai trò khác. Tuy nhiên, đôi khi những vai trò tưởng chừng như kém quan trọng cũng có thể có những đóng góp rất đáng kể.
- Đề xuất và thiết kế những khóa huấn luyện toàn diện – các DN hàng đầu thường có những chương trình huấn luyện hoặc các hoạt động phát triển toàn diện để các nhân viên có thể chọn lọc chương trình phù hợp cho mình. Các DN và tổ chức đang có xu hướng phối hợp cùng với các tổ chức giáo dục tài chính hoặc các viện Tài chính nhằm cung cấp các lớp đào tạo bài bản và thường xuyên.
- Định hướng phát triển sự nghiệp – Các DN phải xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp dành cho các nhân viên tài chính đủ hấp dẫn để có thể khiến họ phấn đấu và nỗ lực hết sức mình để đạt được.
- Chính sách khen thưởng dựa trên thành tích -  Chính sách này phải nằm trong tổng chiến lược phát triển của DN. Việc khen thưởng phải gắn liền với thành tích của cá nhân và tập thể.
- Định kỳ kiểm tra - Toàn bộ đội ngũ nhân sự tài năng cần được đánh giá thường xuyên và liên tục nhằm đảm bảo rằng đội ngũ này đáp ứng được yêu cầu của một tổ chức ngày càng phát triển.

Phương Lan

(DĐDN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét