Trang

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Mở tiệm cắt uốn tóc

Cắt uốn tóc là một trong những nghề làm đẹp xuất hiện từ khá lâu và có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy cửa hàng cắt uốn, chăm sóc tóc ở bất cứ nơi đâu, ở các tuyến phố lớn sầm uất hay nằm khuất nẻo trong các ngõ phố nhỏ, thậm chí tọa lạc tít trên tầng cao của các tòa chung cư,… Nhưng để mở và điều hành một tiệm cắt uốn tóc liệu có thực sự dễ dàng, bài viết sau đây sẽ giải đáp cho bạn điều đó.

Nhiều người coi việc tới các beauty salon hay tiệm uốn tóc là một cách để thư giãn, “chiều chuộng” bản thân sau những lo toan bộn bề của cuộc sống hiện đại. Nhu cầu lớn kéo theo sự phát triển ồ ạt như nấm sau mưa của các tiệm cắt uốn tóc, từ các salon tóc cao cấp cho đến các cửa tiệm cắt tóc, gội đầu bình dân. 

Nói vậy để bạn thấy được tiềm năng của ngành này. Tuy nhiên đây không phải là nghề dễ dàng đưa bạn lên hàng triệu phú, trừ khi bạn đạt được đẳng cấp như Toni & Guy hay Nicky Clarke. Bù lại, nghề này đem lại cho bạn rất nhiều niềm vui và nguồn thu nhập khá ổn định nếu bạn có tay nghề tốt và tạo được một lượng khách quen. Ở khía cạnh này, bạn cũng giống như “người của công chúng” vậy.

Bí quyết thành công trong nghề tóc phụ thuộc vào khả năng duy trì chất lượng dịch vụ ổn định và mức độ làm hài lòng khách hàng. Bởi khách hàng sử dụng các dịch vụ làm đẹp luôn sẵn sàng trả mức giá cao hơn nếu nhu cầu cải thiện vẻ đẹp bên ngoài và thư giãn tinh thần của họ được thỏa mãn và đáp ứng một cách tốt nhất.  


Trước khi bước chân vào nghề, hãy tự giải đáp cho mình câu hỏi: "Vì sao mình lại chọn nghề tóc?". Nếu không có tình yêu và niềm đam mê với nghề, bạn sẽ không thể có đủ động lực để vượt qua những khó khăn ban đầu cũng như yêu cầu khắc nghiệt của nghề là phải luôn tự hoàn thiện, nâng cao tay nghề cho dù bạn đã có danh tiếng và chỗ đứng nhất định đi chăng nữa. 

Vì vậy, bạn nên mau chóng gạt ra khỏi danh sách những lý do “bề nổi” như: đây là một nghề không quá vất vả, không bị gò bó về mặt thời gian lại có thu nhập tương đối cao hay đơn giản vì đây là nghề thời thượng, nghề hot, nghề dễ tạo ra danh tiếng,… Hãy tự phân tích lý do thực sự khiến bạn chọn ngành tóc, nó sẽ giúp thúc đẩy tình yêu nghề của bạn một cách mạnh mẽ. Đây là điều quan trọng và cần thiết nhất để bạn sớm tạo dựng được chỗ đứng trong nghề.

Sau đây là một số hướng dẫn chi tiết để bạn có thể mở một salon tóc của riêng mình:

1. Trang bị kiến thức, kỹ năng nghề làm tóc

Làm tóc được đánh giá là một nghề “nhanh thợ chóng thầy”. Để học nghề này thì bạn không cần trình độ học vấn cao, chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo cộng với sự chịu khó, tỉ mỉ. Thông thường, tùy theo khả năng học nghề của mỗi người mà thời gian học có thể kéo dài từ 2 tháng đến 1 năm. 

Tại các trung tâm dạy nghề, học viên sẽ được đào tạo một cách bài bản hơn với các môn học lý thuyết và thực hành kết hợp, còn tại các tiệm tư nhân, học viên sẽ học trong chính quá trình làm thợ phụ. Thời gian học ra nghề tùy thuộc vào thầy. 

Chị Hải Anh, chủ salon Hải Anh Spa & Hair (Phòng 1708 tòa nhà 17T9 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) đang tạo kiểu tóc cho khách

So sánh giữa hai kiểu học, học tại trung tâm dạy nghề và học tại các tiệm, chị Hải Anh, chủ salon Hải Anh Spa & Hair (Phòng 1708 tòa nhà 17T9 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ quan điểm của mình: “Trung tâm thì dạy theo hình thức rất cơ bản, cũng tương đối nhưng về chuyên sâu thì không có mấy. Nhưng theo một người thợ thì có rất nhiều nhược điểm ở chỗ là người ta rất ít dạy, chỉ cứ đứng mà trông, mà coi. Tự người học viên phải tự chọn và phân tích cho mình, ví dụ người nào chỉ định mở tiệm bình dân làm cơ bản thông thường thôi và không phải dạng người có năng khiếu thì nên chọn trung tâm. Những người có năng khiếu thì không nên học ở trung tâm, mà học ở anh tài - những người không dạy, nhưng mình học bằng mắt, bằng quan sát vì nghề này đòi hỏi năng khiếu rất nhiều. Người nào nhanh tay nhanh mắt liếc qua là biết, người ta học thợ rất nhanh chỉ nhìn qua là biết còn hơn cả người đang làm”.  

Đối với cắt tóc nam thì thời gian để học và ra nghề thường không dài lắm, khoảng 3-5 tháng, vì các kiểu tóc nam thường đơn giản hơn. Riêng đối với cắt tóc nữ, ngoài các môn tạo mẫu tóc, cắt nhuộm, uốn tóc, bới tóc theo chủ đề, học viên còn học kèm thêm uốn lông mi, sơn cắt móng, trang điểm,... Để ra được nghề, học viên tốn khoảng từ 1,8 - 7 triệu đồng/tháng tùy từng nơi dạy. 





2. Lập kế hoạch kinh doanh

Cũng giống như bất kỳ một ngành nghề kinh doanh nào, khi khởi nghiệp, bạn cần lập ra bản kế hoạch kinh doanh, càng cụ thể, chi tiết và rõ ràng càng tốt. Bạn cũng cần nghiên cứu độ tuổi, nhu cầu của đối tượng khách hàng mà bạn nhắm đến. Đặc biệt, nếu có nhiều người cùng tham gia đầu tư hay quản lý tiệm, bạn nên vạch ra một hợp đồng ghi rõ trách nhiệm của mỗi người và phân chia công việc rõ ràng, tránh chồng chéo, dẫm chân lên nhau.

3. Huy động số vốn cần thiết

Theo chị Thanh Hà, chủ quán cắt tóc Tóc Đẹp, khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa Hà Nội thì để mở một quán cắt tóc gội đầu thông thường có kèm theo dịch vụ sơn sửa móng tay đơn giản thì bạn chỉ cần số vốn tối thiểu là 30 triệu đồng. 

Còn theo chị Hải Anh, chủ salon Hải Anh Spa & Hair (Phòng 1708 tòa nhà 17T9 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) thì để mở một salon tóc với các trang thiết bị hiện đại và có cải tạo nội thất như dịch chuyển tường ngăn, lắp đặt hệ thống điện nước, ván sàn gỗ sẽ cần ít nhất là 300 triệu đồng. 

4. Lựa chọn địa điểm

Nhiều người cho rằng đặt cửa hàng ở trung tâm thành phố thì sẽ rất có lãi, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Một địa điểm ở vị trí như vậy sẽ tốn mất nửa số vốn của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đặt địa điểm tại vùng xa trung tâm thành phố một chút thì chi phí sẽ ít hơn nhiều mà vẫn giữ được lượng khách ổn định nếu địa điểm đó dễ tìm. Do vậy lựa chọn địa điểm thông minh là rất quan trọng.

Tọa lạc trên tầng cao nhất của tòa nhà 17 T9 Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, thanh Xuân, Hà Nội vẫn không phải là yếu tố cản trở khách hàng đến với Hải Anh Hair& Spa 

Bạn nên nhớ, chất lượng dịch vụ vẫn là yếu tố hàng đầu, một khi bạn đã có được tiếng tăm trong nghề, khách hàng sẽ không quản đường xá xa xôi để ghé qua salon của bạn.

5. Thiết kế không gian tiệm

Không gian salon tóc nên được thiết kế theo phong cách càng đơn giản càng tốt, tiêu chí tiện nghi, sang trọng, gọn gàng và thuận tiện cho thợ thao tác nên được đặt lên hàng đầu. 

Một góc không gian Hải Anh Spa & Hair ( 1708 tòa nhà 17T9 khu độ thị Trung Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội)

Diện tích của salon sẽ tùy thuộc vào khả năng triển khai dịch vụ của bạn. Bạn không nên bố trí quá nhiều ghế cắt tóc vì như vậy có nghĩa là bạn đã chi quá tay cho trang thiết bị và địa điểm. Song bạn cũng không nên bố trí quá ít ghế cắt tóc dẫn đến việc mất khách hàng do phải chờ đợi quá lâu hoặc đã kín lịch hẹn. 

Hãy nhớ rằng bạn không thể kiểm soát được mật độ khách hàng, thỉnh thoảng khách hàng sẽ phải đợi và thỉnh thoảng cửa hàng của bạn sẽ rơi vào tình trạng thưa vắng khách. Vì vậy, thiết kế không gian hiệu quả chính là bước đầu tiên giúp bạn kiểm soát tốt tình hình tài chính của salon mình. 

6. Mua sắm trang thiết bị cho salon

Tùy thuộc vào các loại dịch vụ trong salon mà bạn mua sắm các trang thiết bị. Một số trang thiết bị cơ bản mà bạn cần mua là chậu rửa, ghế tạo kiểu tóc, các loại máy sấy tóc, giá đẩy tay có bánh xe để dụng cụ làm tóc, bộ cắt giũa móng tay và áo choàng cắt tóc. Các loại trang thiết bị khác bao gồm máy phun dầu gội, gường nằm mát-xa mặt, máy hấp tóc và các trang thiết bị chăm sóc da mặt, chăm sóc da toàn thân. Nếu bạn định bán các sản phẩm làm đẹp, bạn cũng cần phải đầu tư nhập hàng.

Hãy liên hệ với các nhà cung cấp các trang thiết bị dành cho salon để chọn cho mình những trang thiết bị phù hợp nhất và giá cả phải chăng nhất. Bạn cũng có thể tìm các nguồn cung thay thế khác như eBay nơi luôn có sẵn các sản phẩm giá rẻ.


Bạn nên cân nhắc thật kỹ các chi phí mua sắm trang thiết bị, ban đầu chỉ cần mua những thứ thật sự cần thiết, khi bắt đầu có lợi nhuận hãy mua sắm thêm. Bạn nhớ để dành ra một khoản để chi trả tiền thuê địa điểm mở cửa hàng và tiền thuế nữa.

Theo kinh  nghiệm của chị Hải Anh , chủ salon Hải Anh Spa & Hair (Phòng 1708 tòa nhà 17T9 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) thì : “Giới làm nghề thường truyền tai nhau các địa chỉ mua, thường người bán các trang thiết bị ngành tóc cũng không có cửa hàng cụ thể, không có cửa hàng mặt đường. Trong giới thường hay truyền miệng nhau là loại này loại kia tốt, nhiều khi chị cũng phải đi vào ngõ ngách, họ không trưng bày hàng. Chẳng hạn mình muốn đặt một bộ giống salon lớn chẳng hạn như Tóc Việt, Minh Phương chẳng hạn, mình search trên mạng kiểu này kiểu kia thì họ sẽ lấy hàng cho mình. Đồ của chị thường phải đặt của những người như thế và họ phải đặt hàng bên Trung Quốc chứ không phải dễ dàng ra các cửa hàng thông thường là có ngay”.

7. Nhập các sản phẩm chăm sóc tóc

Hãy sớm lựa chọn các sản phẩm bạn muốn sử dụng trong salon của mình để xây dựng mối quan hệ với các nhà phân phối sản phẩm. Lý tưởng nhất là bạn có thể bán các sản phẩm mà thợ tạo mẫu tóc của bạn sử dụng để cắt giảm phí cung ứng và tạo thêm doanh thu cho salon. Bạn nên bàn bạc với các thợ tạo mẫu tóc giỏi nhất của mình để lựa chọn những sản phẩm này bởi những người này sẽ chính là những người chào hàng và bán những sản phẩm mà họ tin tưởng cho khách hàng. 

Salon của bạn cũng có thể hút khách hơn nếu khách được chính các chuyên gia tư vấn sử dụng sản phẩm thay vì phải tự mình lựa chọn giữa một rừng sản phẩm trên thị trường. Được tư vấn, khách hàng sẽ dễ lựa chọn những sản phẩm phù hợp với chất tóc cũng như túi tiền của mình. 





8. Tuyển chọn và đào tạo nhân viên

Bạn nên tuyển những kỹ thuật viên, thợ tạo mẫu tóc có tay nghề tốt, được đào tạo bài bản. Chị Hải Anh - chủ salon Hải Anh Spa & Hair (Phòng 1708 tòa nhà 17T9 Khu đo thị Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Thật ra thạo nghề cũng là cái tốt nhưng sẽ có hai mặt vì mình đào tạo từ đầu họ sẽ theo concept của mình, còn nếu họ đã thạo nghề, theo form nào đó rồi thì học lại cũng được thôi nhưng khó hơn, nhiều khi làm vẫn bị lỗi. Tuyển nhân viên với chị đó là cái duyên, không nhất thiết phải là thợ lành nghề hay không, quan trọng nhất là đạo đức người thợ còn dần dần theo thời gian chị có thể uốn nắn họ cả về kỹ năng nghề và phong cách sống, giao tiếp với khách”.


Chị Hải Anh nhấn mạnh: “Là thợ làm tóc thì phải có năng khiếu, có khiếu thẩm mỹ, biết nhận định đâu là đẹp, đâu là xấu. Làm tóc không nên chỉ để ý mỗi khuôn mặt mà cả phong cách, dáng người của khách hàng. Khuôn mặt chỉ là một phần thôi chứ cổ, bờ vai, dáng người cũng rất quan trọng. Dáng đi, phong cách ăn mặc cũng ảnh hưởng nhất định đến mái tóc. Khiếu thẩm mỹ của từng người thợ sẽ giúp họ có thể tư vấn, thiết kế, tạo kiểu tóc đẹp và phù hợp nhất cho khách hàng”.

Bạn cần ý thức được các trách nhiệm pháp lý mà bạn và salon của bạn phải chịu nếu chẳng may gây tổn hại cho khách hàng. Hãy liên hệ với công ty bảo hiểm để tìm hiểu các chính sách bảo hộ giúp bạn và doanh nghiệp tránh được các vụ kiện tụng liên quan đến việc khách hàng phàn nàn về dịch vụ.

Nhân sự trong salon tóc là một hạng mục tốn khá nhiều chi phí. Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể sắp xếp để các nhân sự hưởng lương theo chế độ hoa hồng dựa trên doanh thu họ mang về cho salon. Thêm nữa, bạn nên tuyển những người có ý định gắn bó lâu dài với công việc này, những người sinh sống ổn định gần nơi bạn đặt salon vì dễ dàng giữ chân họ hơn, tiết kiệm chi phí cho việc đào tạo. 

9.  Thiết kế dịch vụ

Một gói dịch vụ trọn gói tại một salon tóc hay beauty salon sẽ bao gồm những dịch vụ sau:
• Tóc: cắt tóc, tỉa và tạo kiểu; uốn giả xoăn; chữa trị tóc và da đầu bị hư tổn; relaxers, uốn xoăn; nhuộm màu; gội và xả tóc; 
• Chăm sóc móng: cắt sửa móng chân, móng tay, đánh bóng, vẽ móng, sửa chữa móng tay và dưỡng da tay.   
• Chăm sóc da: da mặt, body waxing, massage. 
• Bán các sản phẩm chăm sóc làm đẹp tóc chuyên nghiệp: Nhiều salon cũng cung cấp nhiều sản phẩm làm đẹp và các sản phẩm chăm sóc tóc để đáp ứng mọi thứ khách hàng cần. Bạn có thể bán các sản phẩm làm đẹp như dầu gội, dầu xả chữa trị chuyên sâu và hằng ngày, các sản phẩm tạo kiểu tóc như mousse, gel, sáp bôi tóc, và các sản phẩm chăm sóc tóc đặc biệt khác. Bán lẻ các sản phẩm chăm sóc tóc chuyên nghiệp là một chiến lược quan trọng để giữ khách hàng và tăng thêm lợi nhuận.

Một số salon tóc và beauty salon còn cung cấp dịch vụ spa, một xu hướng ngày càng thịnh hành trong các salon. Các Day spa chuyên cung cấp các dịch vụ như xông nóng toàn thân, làm trắng da, đắp thảo dược, mát-xa/ xoa bóp,  tẩy da chết, chữa rạn da và các vùng da xấu, chống lão hóa da, điều trị da mặt, trang điểm, chăm sóc da, waxing, đánh bóng và chống mụn. 

10. Định vị thương hiệu 

Định vị thương hiệu bản thân rất quan trọng với doanh nghiệp của bạn, tuy nhiên bạn không nên đầu tư quá nhiều tiền vào việc này. Hãy tìm một nhà thiết kế trẻ, mới vào nghề có khả năng vẽ được một logo đẹp cho salon tóc của bạn với thù lao không quá nhiều. 

Một mẫu bảng giá dịch vụ 

Đây là lúc bạn nên quyết định thị trường mục tiêu của mình. Dựa trên đó, bạn sẽ thiết kế salon. Một phong cách đơn giản, sạch sẽ là lý tưởng nhất để giúp khách hàng được thư giãn tối đa. Hãy lập ra một bảng giá đơn giản nhưng dễ hiểu cho các loại dịch vụ của bạn. Nếu bạn không có các tác phẩm nghệ thuật để trưng bày thì cũng không cần phải chi quá nhiều tiền vào việc sắm mới. Đơn giản nhất là bạn tìm những tác phẩm nghệ thuật miễn phí có sẵn trên mạng, vấn đề là bạn phải tìm đúng địa chỉ.

11. Tiếp thị cho salon tóc 

Sau khi đã định vị được thương hiệu, bạn nên đẩy mạnh công việc tiếp thị, quảng bá cho salon. Nếu đã tuyển được nhân sự, bạn hãy yêu cầu họ đi phát tờ rơi, bảng giá cho tất cả các hộ dân trong vùng. Tiếp theo, bạn nên đăng ký thương hiệu mình trên các công cụ tìm kiếm về ngành nghề của bạn. Đây là một công cụ tiếp thị đặc biệt hiệu quả. 

Bạn cũng có thể áp dụng chính sách giảm giá, cắt tóc miễn phí cho các khách hàng giới thiệu được nhiều khách hàng khác cho cửa hàng bạn. Việc này sẽ giúp cơ sở dữ liệu khách hàng của bạn tăng theo cấp số nhân. 

Chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc chăm sóc, giữ chân khách hàng, chị Hải Anh - chủ salon Hải Anh Spa & Hair (Phòng 1708 tòa nhà 17T9 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Chất lượng dịch vụ của mình phải xứng đáng với đồng tiền của khách bỏ ra. Mình lấy giá cao nhưng chất lượng không đạt được như vậy thì không được, trái với đạo đức nghề nghiệp. Thứ hai là thái độ phục vụ khách hàng, phải luôn cởi mở, đối xử bình đẳng với mọi khách hàng cả về thái độ cũng như cung cách phục vụ. Thứ ba, vào các dịp ngày lễ lớn như Noel, tết Tây, 20/10, 8/3, salon của chị sẽ có chương trình giảm giá đặc biệt cho khách hàng, nhất là khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ. Tiếp đến là chị có những món quà nhỏ tặng khách nhân ngày sinh  nhật. Đấy là những việc chị làm để giữ khách hàng”.

Trên đây là những bước đi cơ bản cũng như là những lời khuyên hết sức thiết thực của những người đã làm nghề để giúp bạn khởi đầu với nghề cắt uốn tóc. Chúc bạn sớm thành công với lựa chọn nghề nghiệp của mình!


Nguồn: Hoclamgiau.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét