Trang

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Hành trình từ người mót lúa rơi thành “Vua khoai lang”


Nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá, lòng ham học hỏi luôn nung nấu thôi thúc đã biến người nông dân Đỗ Quý Hạo từ một cậu bé chỉ học hết lớp 7, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, đi làm thuê và mót lúa rơi kiếm sống trở thành ông chủ trang trại Khoai lang Ba Hạo nổi tiếng ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Với "Vua khoai lang" Ba Hạo thì chân lý rất đơn giản: “Làm gì cũng phải học!”
 Cùng gần 1.500 gương mặt xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, ông về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII và vừa có buổi giao lưu, chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm lẫn niềm vui của người thành đạt với nhiều ĐB khác dự Đại hội trong chiều 26.12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Từ nông dân kinh doanh giỏi nhờ ham học hỏi…
Xuất thân từ một gia đình nông dân, hết lớp 7, ông nhập ngũ. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, đi làm thuê và đi mót lúa rơi kiếm sống, sau khi tích lũy được ít vốn, mua ruộng trồng khoai lang. “Lúc đầu tôi cũng như bao bà con nông dân khác, chân lấm tay bùn, cần cù, tiết kiệm, một nắng hai sương trên đồng ruộng, mà vẫn thiếu trước, hụt sau. Sản xuất thì mùa trúng, mùa thất, hàng hoá làm ra nhiều khi không bán được. Thương vợ, thương con, thương bản thân mình và bà con lối xóm, nhiều đêm trăn trở suy nghĩ. Cuối cùng tôi đã hiểu rằng đó là do: Mình thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh”, ông bộc bạch.
Từ suy nghĩ đó, ông rút ra chân lý: “Làm gì cũng phải học!”. Từ sự “giác ngộ” đó, người nông dân Ba Hạo quyết định đi tìm kiến thức. Do trình độ văn hóa chưa hết phổ thông nên ông đã tìm sách các môn Toán, Hóa, Sinh từ lớp 8 đến lớp 12 về tự học. Rồi tiếp tục nghiên cứu giáo trình, giáo án của các trường cao đẳng, đại học.
Trong 15 năm, ông đã vừa làm, vừa xin vào học dự thính tại 3 trường đại học, với những môn học thật cần thiết cho việc làm nông nghiệp của mình, đem theo những kiến thức học được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, lãnh vực cơ khí và khoa học công nghệ.
Để có được thành công trong kinh doanh như ngày hôm nay, ông phải vượt qua rất nhiều khó khăn từ sự thất thường của thời tiết. Ông cho biết “những năm qua thuận lợi thì nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít. Có khi thời tiết El Nino nắng liên tục không mưa, khi thì thời tiết La Nina mưa hàng tuần đất ướt không thể cày để trồng khoai được; rồi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến sức mua giảm, hàng hạ giá. Lúc đó tôi luôn tự nhắc mình phải thích nghi được với môi trường kinh doanh khắc nghiệt mới là nhà quản lý giỏi”.
Sau hàng loạt khóa học về chuyên ngành kinh doanh, chiến lược marketing, kỹ năng đàm phán..., ông càng khẳng định mình chọn cây khoai lang là phù hợp, vì đã tích lũy được nhiều kiến thức về nghề trồng khoai lang. Hơn nữa, cây khoai Lang rất hợp với vùng đất ông đang canh tác, lại có thể sản xuất quy mô lớn, theo kiểu công nghiệp và thị trường tiêu thụ khoai Lang ngày càng lớn. Từ suy nghĩ, nhận định đó, ông càng say mê với nghề trồng khoai Lang và quyết tâm xây dựng thương hiệu cho cây khoai Lang gắn liền với tên của mình. Không những thế, người nông dân rắn rỏi này còn tự thiết lập website: khoailangbahao.com.vn để quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Từ trang web này, ông đã tiếp xúc được nhiều khách hàng và qua đó có được nhiều khách hàng hợp tác hơn. “Điều đáng mừng là ở nhiều nơi trên cả nước người tiêu dùng đã bắt đầu tìm mua khoai lang Ba Hạo”, ông “khoe”.
Đặc biệt, vì muốn tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về cây khoai lang, người nông dân này đã thành lập một thư viện có đến hàng ngàn đầu sách. Không những bổ trợ kiến thức về sản xuất kinh doanh mà còn giúp ông nắm được những con số thống kê về khoai lang rất thú vị.
“Không phụ lòng người, khoai Lang đã cho tôi một căn nhà tại quận 2, TP- HCM, đã dìu dắt 2 đứa con tôi đã vững bước vào giảng đường đại học, khoai Lang đã cho tôi cả một cánh đồng mênh mông, xanh ngát. Với đầy đủ các phương tiện sản xuất như : 4 máy cày, chục máy bơm, nhà xưởng, cùng nhiều thiêt bị khác...”, ông nói.
Hiện trang trại của ông đang sản xuất 52ha, một năm 2 vụ khoai lang xuất khẩu với sản lượng 2.500 tấn/năm.
Trên tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn, hàng năm trang trại của ông Ba Hạo tạo việc làm cho bà con nông dân khoảng 20.000 ngày công lao động; thường xuyên đóng góp xây dựng địa phương như cầu, đường, trường học, trực tiếp giúp đỡ người nghèo bằng tiền, gạo, sửa chữa nhà cửa… Trang trại Ba Hạo còn là nơi thực tập và làm đề tài tốt nghiệp, của nhiều em sinh viên từ nhiều trường đại học.
Năm 2007, được sự đồng tình và giúp đỡ của UBND xã và tổ Kinh Tế Kỹ Thuật xã Mỹ Hiệp Sơn, ông đã thành lập “CLB Khuyến Nông” để chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp của mình cho bà con địa phương.
… Đến nhà khoa học “chân đất”
Từ những bức xúc trong thực tế sản xuất, ruộng thì rộng, nhân công lại khan hiếm, ông Ba Hạo nảy sinh ý tưởng thành lập xưởng cơ khí để chế tạo các thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất.
Lúc đầu chế tạo thành công máy lên luống tự động bón phân, ông vui mừng đặt tên cho loại máy này là BH1 (Ba Hạo 1). Loại máy này có công 7ha/ngày (8 giờ) tương đương 200 người làm thủ công; tiếp đến là máy thu hoạch BH2 (một ngày giảm khoảng 40 người nhân công và giảm hao hụt nông sản), máy phun thuốc bảo vệ thực vật BH3, máy làm cỏ kết hợp bón phân, máy đào mương… các thiết bị tự chế này được sử dụng nhờ vào đầu máy kéo có công xuất 65 mã lực.
Ông cho biết, hiện những chiếc máy này đã được một số bà con nông dân đến tham quan học hỏi, tự “nhân bản” rồi đưa vào sử dụng tại cánh đồng Khoai lang của Hòn Đất và Hà Tiên. “Hiện nay tôi đang trình lên Sở KH & CN và UBND tỉnh Kiên Giang đề án Nghiên cứu Chế tạo Máy trồng khoai lang. Tôi tin rằng một ngày không xa những chiếc máy mang nhãn hiệu BH này, sẽ có mặt trên những cánh đồng của nhiều vùng miền trong cả nước”, ông lạc quan chia sẻ.
Từ những thành thành tích đáng nể đó, ông đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý như Điển hình sáng tạo Việt Nam; giải thưởng Sao Thần nông; giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Kiên Giang; đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi toàn quốc nhiều năm liền.
Không dừng lại ở đó, ông đặt mục tiêu thời gian tới sẽ nghiên cứu nâng cấp, chế tạo thêm một số thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất khoai lang. “Khi hoàn thiện, tôi sẽ tăng diện tích, mở rộng thị trường và dành thời gian nghiên cứu chế biến tinh bột khoai lang để phục vụ xuất khẩu”, người nông dân chất phác này chia sẻ.
Ông đồng thời bày tỏ mong muốn: các trường đại học, cao đẳng hãy dành cho những người nông dân có ý muốn học hành, được tham gia học dự thính tại trường một cách dễ dàng hơn, bởi theo ông, “sự có mặt của chúng tôi sẽ đem đến cho trường những kinh nghiệm thực tế từ sản xuất và cũng nhờ trường mà chúng tôi có điều kiện học thầy, học bạn những kiến thức khoa học cơ bản để về áp dụng trên đồng ruộng của mình”.

Theo: cafef

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét