Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Doanh nhân - người lính trên mặt trận không tiếng súng



Giám đốc Nguyên Vũ

"Chúng tôi phấn khởi khi xã hội có một ngày tôn vinh doanh nhân. Thương trường càng khốc liệt chúng tôi càng cần một hậu phương vững chắc để có thêm sức mạnh tiến lên", Giám đốc hãng cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ bộc bạch trước ngày 13/10 tới.


- Anh có thể phác họa vài nét về chân dung thế hệ doanh nhân trẻ thành đạt của VN hiện nay?


- Đó là những người trẻ một chút có độ tuổi trên 30, phần lớn khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng nhưng có một thời gian làm việc để tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng cho bản thân. Nhiệt huyết tràn trề nhưng bản lĩnh và kinh nghiệm thương trường còn non yếu.



Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971, vốn là cựu sinh viên y khoa Trường Đại học Tây Nguyên. Vũ bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh cà phê từ năm 1996, nhanh chóng đưa Trung Nguyên thành thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam.


Tại Lễ trao giải thưởng Nhà doanh nghiệp trẻ xuất sắc ASEAN 2004, các nước đều bất ngờ khi biết Trung Nguyên có thể cạnh tranh thành công với các “đại gia” cà phê thế giới như Nestle, Starbuck... Trong phần phát biểu dành cho các cá nhân đoạt giải thưởng, Vũ không nói nhiều về thành tích cá nhân, mà anh nói về mong muốn xây dựng thương hiệu cho nông sản để đem lại các giá trị mới cho hàng Việt Nam và ASEAN, những quốc gia đi lên từ nền văn minh lúa nước.



- Đâu là những vấn đề cốt lõi với doanh nhân thời nay?


- Văn hóa doanh nhân và đạo đức kinh doanh. Nếu không có nền tảng văn hóa doanh nghiệp không gắn kết được nhân lực, hiền tài, nếu không có đạo đức thành công sẽ không bền vững. Có 2 vấn đề doanh nghiệp mong muốn nhất là xã hội đánh giá đúng vai trò của doanh nhân, công nhận những công lao cống hiến của họ cho đất nước; còn nhà nước tạo môi trường tâm lý an toàn cho họ.


- Anh cho rằng nhìn nhận của xã hội với giới doanh nhân vẫn chưa đủ?


- Vị trí của chúng tôi không còn đứng chót trong bảng xếp hạng "sĩ, nông, công, thương" song doanh nhân vẫn chưa được công nhận đúng với vai trò của họ để có những hỗ trợ cần thiết. Trên thương trường nóng bỏng, chúng tôi có vũ khí là sức mạnh trí óc, lòng tự tin và can đảm. Trận chiến không tiếng súng nhưng rủi ro tan nát sự nghiệp lúc nào cũng cận kề nếu không có cái đầu tỉnh táo.


- Sắp tới, doanh nhân đón nhận thương trường WTO như thế nào?


- Gia nhập gia đình thương mại thế giới là con đường tất yếu của VN, doanh nghiệp sẽ tự tin bước vào các trận chiến mới khốc liệt nhưng chiến thắng sẽ rất vẻ vang. Chúng tôi sẽ phát huy những thế mạnh về con người, sản phẩm VN để xây dựng những thương hiệu mạnh có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Cái cần nhất là các chính sách phải minh bạch.


- Anh thấy sao khi vẫn còn một số doanh nghiệp làm giàu từ các khe hở của chính sách?


- Làm kinh doanh kiểu đó khác nào đưa mình vào chỗ chết vì ham muốn làm giàu là cái thùng không đáy khiến con người ta không thể dừng lại được. Sẽ rất nguy hiểm nếu cho là chính đáng khi dùng đồng tiền "bôi trơn" chính sách để làm lợi cho mình, đó là điều doanh nhân chân chính tối kỵ vì nó đi ngược lại đạo đức kinh doanh.


- Anh nói nguồn nhân lực là một thế mạnh của VN, vậy làm gì để thu hút được các doanh nhân tài năng làm việc cho đất nước?


- Vận động, khơi dậy tính dân tộc trong họ và đãi ngộ. Chẳng hạn, Nguyễn Trần Quang một chuyên gia hàng đầu về nhãn hiệu đã tu nghiệp ở Mỹ đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các công ty đa quốc gia đã đồng ý làm thương hiệu cho Trung Nguyên. Với những chuyên gia như vậy, chúng tôi sẵn sàng trả vài nghìn USD mỗi tháng và tạo điều kiện tốt cho họ phát huy khả năng.


Việt Phong thực hiện



Việt Báo (Theo_VnExpress.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét