Trang
▼
Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012
Chung tay khởi nghiệp
Khác với nếp nghĩ của khá nhiều người, những người trẻ hiện nay vẫn chọn cách liên minh để khởi nghiệp, bởi đó là giải pháp tốt nhất trong môi trường kinh doanh không còn “thoáng đãng” như hiện nay. Sự khéo léo trong ứng xử lẫn điều hành chính là chìa khóa giúp họ không phải đối mặt với nguy cơ mất đi những cộng sự đắc lực cũng như tình bạn giữa họ..
Câu chuyện ở trường đời
Trong một chương trình giao lưu với những bạn trẻ đam mê làm giàu tại TP.HCM, Huỳnh Hữu Trung, cựu sinh viên Trường RMIT, khiến khá nhiều người bất ngờ khi kể lại câu chuyện của mình.
Theo đuổi chuyên ngành thương mại nhưng quan tâm sâu sắc đến công nghệ, năm 2009, bước vào giai đoạn sắp tốt nghiệp, Trung quyết định cùng bạn bè khởi nghiệp để có thể “đi làm sớm”. Chọn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, Trung biết điểm yếu của mình là không có kỹ thuật nên quyết định liên kết với người có kỹ thuật để khởi nghiệp và gia nhập “trường đời”.
Đáng tiếc, sau hơn một năm khởi nghiệp, Trung cùng bạn bè đã không thể đi hết con đường đã chọn. “Bắt tay vào khởi nghiệp tôi học được nhiều điều, được va chạm với thực tế và nhất là không tự lừa dối mình”, Trung chia sẻ.
Và đó cũng chính là lý do Trung quyết định làm lại, đi lại con đường từ đầu nhưng không tránh khỏi phân vân trong vấn đề liên kết.
Khác với Trung, câu chuyện khởi nghiệp của anh Nguyễn Thành Dương, Giám đốc Điều hành của VietMac, lại rất suôn sẻ. Dương kể, anh theo học chuyên ngành marketing, ra trường, đi làm được khoảng 4 năm thì gặp một “đàn anh”.
Phát hiện có hoài bão tương đồng là muốn sau 15 năm nữa sẽ có gì để lại cho con cháu, hai người bạn tâm giao này đã mời thêm một người bạn rồi cùng nhau khởi nghiệp. “Xuất phát từ sở thích khoái ăn vặt nên tôi muốn kinh doanh trong ngành ẩm thực”, anh cho biết.
Sau một năm rưỡi, ý tưởng của ba người bạn đã hình thành nên một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh rất đặc trưng: cơm kẹp (rice burger). Nhờ sự hợp tác tốt giữa hai thành viên sáng lập, chuỗi cửa hàng cơm kẹp của VietMac không chỉ gói gọn ở Hà Nội mà còn “Nam tiến”, thâm nhập thị trường TP.HCM sôi động.
Theo anh Dương, giai đoạn đầu khởi nghiệp bao giờ cũng là giai đoạn khó khăn nhất. Cụ thể, phải nghĩ ra được sản phẩm độc đáo mà thị trường cần.
Có được sản phẩm rồi thì phải vừa làm vừa đưa ra thêm ý tưởng để có thể trụ vững. “Quan trọng hơn cả vẫn là vấn đề con người, bởi đây không phải là doanh nghiệp của riêng mình”, anh Dương tiết lộ.
“Cạm bẫy” của thành công
Điều anh Phạm Hải, Chủ nhiệm Tổ chức Tư vấn khởi nghiệp tại TP.HCM, nhận thấy khi tham vấn cho nhiều doanh nghiệp ở giai đoạn khởi nghiệp là, trong một liên kết hợp tác làm ăn, việc phát triển doanh nghiệp chung đòi hỏi yếu tố quan trọng nhất là tính đồng đội.
“Khi đứa con chung bước đến thành công cũng là lúc “cạm bẫy” xuất hiện”, anh cảnh báo. “Cái tôi” đã hình thành sau “cái chúng ta” và tạo nên sự phân cực. Anh Hải tư vấn: “Ai cũng có quan điểm riêng, điều quan trọng là phải làm sao dung hòa. Tính đồng đội và liên kết phải được đặt lên hàng đầu trong doanh nghiệp chung”.
Đồng quan điểm trên, anh Phạm Hợp Phố, Giám đốc Điều hành của Muaban.net, cho biết, người Việt có thói quen xấu là thường không nghĩ tốt cho cộng sự. Để một liên minh có thể bền vững, người làm chủ buộc phải dung hòa mối quan hệ giữa đối tác với nhau.
Cụ thể, với Muaban.net, bản thân nhóm báo mạng của Phố cũng đã có mâu thuẫn với nhóm báo in. Đề cao mục đích cuối cùng là sự phát triển chung, nhóm của Phố đã không ngần ngại chủ động “làm huề” để duy trì sự hợp tác.
Nhờ vậy mà đến nay cả hai mảng của liên minh này vẫn kề vai sát cánh cùng nhau. “Nếu không khéo léo xử lý mâu thuẫn nhỏ ấy, rất có thể Muaban.net sẽ rẽ sang một con đường khác. Tôi luôn dặn mình phải suy nghĩ kỹ trong mọi hành xử, dù là đối với đối tác liên minh trong doanh nghiệp mình, có cùng mục đích kinh doanh và lợi ích”, anh Phố cho biết.
Trân trọng quan hệ hợp tác như thế nhưng với những giám đốc điều hành trẻ, đây không phải là công thức để thành công. “Dù ở vị trí nào, nếu đã là thành viên sáng lập thì phải đặt mình vào vị trí quả tim của dự án để dung hòa các xích mích. Tuy nhiên, nếu xét thấy đồng đội đã không còn muốn đồng hành với mình thì nên chia tay để có thể giữ quan hệ tốt đẹp”, anh Nguyễn Thành Dương chia sẻ.
Khéo léo dung hòa nhưng vẫn tỉnh táo để giữ được “cái tôi” trong kinh doanh, những người trẻ này đã chạm đến thành công mà không phải trả giá bằng việc mất đi tình bạn. Tuy nhiên, như lời anh Phạm Hợp Phố, những “đứa con chung” của họ mới chỉ viết nên một nửa trang sách, chưa biết phần sau sẽ như thế nào, nên họ vẫn đang cố gắng hết mình...
Nguồn: doanhnhansaigon.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét