Trang

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Chân dung những nữ doanh nhân quyền lực nhất Á châu



Tạp chí Forbes vừa lần đầu tiên công bố top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất ở khu vực châu Á, trong đó các đại diện từ Trung Quốc chiếm đa số với 21 người, kế đến là Ấn Độ với 8 người. Việt Nam có đại diện duy nhất là bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam.
Forbes cho biết, từ năm nay trở đi, họ sẽ soạn thảo danh sách thường niên này nhằm tôn vinh các nữ doanh nhân của khu vực châu Á ở mọi lĩnh vực. “Nếu như thành công trong kinh doanh là sự kết hợp giữa năng lực tài chính, ý tưởng, nhiệt huyết và khả năng lãnh đạo, thì 50 người phụ nữ trong danh sách chính là hiện thân của sự kết hợp đó”, Forbes viết.
Tiêu chí "quyền lực" của tạp chí Forbes đối với danh sách này là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như ý tưởng, năng lực, khả năng lãnh đạo. Nhiều người trong danh sách tự mình sáng lập doanh nghiệp, trong khi số khác dần vươn lên các vị trí chủ chốt sau một thời gian khẳng định bản thân.
Định nghĩa “quyền lực” của Forbes là khả năng định hình một phần quan trọng của môi trường kinh doanh. Cũng theo tạp chí này, hầu hết các gương mặt trong danh sách đều lãnh đạo doanh nghiệp có doanh thu từ 100 triệu USD trở lên. Họ là những phụ nữ đã vượt qua những rào cản lớn, trong đó bao gồm cả những định kiến về giới, để có được vị trí ngày hôm nay
Ngoài ra, các nữ doanh nhân này đều đang điều hành doanh nghiệp làm ăn có lãi, với doanh thu hàng năm tối thiểu 100 triệu USD. Theo Forbes, vai trò của phụ nữ trong kinh tế châu Á đang được khẳng định, nhưng nhiều người cũng phải vượt qua nhiều rào cản để có thành tựu ngày nay.
Dưới đây là chân dung các nữ "cường nhân" nổi tiếng nhất trong giới kinh doanh tại khu vực châu Á.
1. Bà Mai Kiều Liên (Việt Nam)
Năm sinh: 1953
Công ty: Vinamilk
Chức vụ: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc
Theo đánh giá của Forbes, bà Mai Kiều Liên là “con át chủ bài” trong ngành sữa của Việt Nam, có công đưa Vinamilk trở thành công ty vào hàng blue-chip ở đây.
Sinh ra tại Pháp và được đào tạo ở Nga, bà Mai Kiều Liên về Việt Nam vào năm 1976 và vào làm việc tại công ty tiền thân của Vinamilk ngày nay. Dưới sự lãnh đạo của bà Mai Kiều Liên, Vinamilk đã trở thành không chỉ một trong những thương hiệu có khả năng sinh lời cao nhất ở Việt Nam mà còn là một thương hiệu uy tín trên toàn châu Á.
Trong số 50 nữ doanh nhân góp mặt trong danh sách, Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc đại lục và các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông và Macao) có 21 đại diện; Ấn Độ đóng góp 8 gương mặt, Singapore có 5 người, Nhật Bản 3 nhân vật; Úc 2 người. Hàn Quốc và Indonesia mỗi nước có 4 người. Còn lại, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, mỗi nước có một nữ doanh nhân được Forbes tôn vinh.
2. Bà Laura Cha (Hồng Kông)
Năm sinh: 1949
Công ty: Ngân hàng HSBC châu Á - Thái Bình Dương
Chức vụ: Phó chủ tịch không điều hành
Sau khi cả hai người con vào tiểu học, bà Laura Cha mới bắt đầu sự nghiệp.
Trở thành nhà điều tiết chứng khoán của Ủy ban chứng khoán Hồng Kông những năm 1990, bà Laura Cha đã mở đường cho hàng loạt công ty nhà nước Trung Quốc đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán địa phương.
Khi đảm trách nhiệm vụ trong Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc từ năm 2001 đến 2004, bà Cha là người ngoài đại lục đầu tiên làm việc cho Chính phủ T.Ư Trung Quốc ở cấp ngang thứ trưởng.
Khi trở thành người của ngân hàng HSBC, bà Cha còn là thành viên không chính thức của Hội đồng điều hành Hồng Kông từ năm 2004, chuyên cố vấn cho lãnh đạo Hội đồng.
3. Bà Vinita Bali (Ấn Độ)
Năm sinh: 1955
Công ty: Britannia Industries
Chức vụ: Giám đốc điều hành
Ngôi sao điều hành Vinita Bali trở về quê hương Ấn Độ vào năm 2005 cùng với bố mẹ sau một sự nghiệp lừng lẫy ở nước ngoài, đặc biệt là với công ty Cadbury và Coca-Cola tại Atlanta (Mỹ).
Năm đó, bà đảm nhận vai trò quản lý công ty thực phẩm Britannia Industries vốn đang trong giai đoạn khó khăn.
Sau 7 năm, giá trị vốn hóa thị trường của công ty dưới sự quản lý của Vinita đã tăng hơn gấp đôi, đạt mức 1,1 tỉ USD và doanh thu tăng gần gấp ba lần, đạt 841 triệu USD.
Bà Vinita đã cho sản xuất những loại bánh bích quy có lợi cho sức khỏe hơn bằng cách loại bỏ tất cả chất béo và tăng cường thêm chất sắt, vitamin và khoáng chất.
Để góp phần hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng trong trẻ em, bà Vinita đã lập ra Quỹ dinh dưỡng Britannia. Công ty bà Vinita cung cấp bánh bích quy với giá vốn cho 800 trường công lập ở miền nam Ấn Độ.
Năm 2008, tỉ phú Mỹ Bill Gates đánh giá nữ doanh nhân Britannia như là 1 trong 8 nhân vật điển hình của chủ nghĩa tư bản sáng tạo.
4. Bà Chua Sock Koong (Singapore)
Năm sinh: 1956
Công ty: Singapore Telecom
Chức vụ: CEO
Năm ngoái, tờ Wall Street Journal công bố danh sách 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, gồm những người nổi tiếng, kinh doanh đa ngành, có ảnh hưởng nhất định tới kinh tế khu vực. Bà Chuo Sock Koong, Giám đốc điều hành tập đoàn Singapore Telecom của Singapore là gương mặt nữ duy nhất trong bảng xếp hạng này.
5. Bà Cheung Yan (Trung Quốc đại lục)
Năm sinh: 1957
Công ty: Nine Dragons Paper
Chức vụ: Đồng sáng lập kiêm chủ tịch
Nổi tiếng ở Trung Quốc với danh hiệu "nữ hoàng rác thải", Cheung Yan là đồng sáng lập hãng Nine Dragons Paper. Công ty này chuyên sản xuất vật liệu đóng gói bằng giấy tái chế nhập khẩu từ Mỹ. Nine Dragons Paper hiện niêm yết cổ phiểu trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
6. Bà Shobhana Bhartia (Ấn Độ)
Năm sinh: 1957
Công ty: HT Media
Chức vụ: Chủ tịch và chủ nhiệm biên tập
Bà Shobhana Bhartia bắt đầu bước vào đế chế truyền thông của gia đình từ năm 1985 ở tuổi 28, và đã viết nên trang sử mới cho đế chế này.
"Từ một công ty sở hữu các tờ báo tẻ nhạt, HT Media trở thành một thế lực truyền thông phát triển như vũ bão ở Ấn Độ nhờ tài quản lý của bà Shobhana", tạp chí Forbes nhận định.
Hindustan Times, tờ báo tiếng Anh lớn thứ hai của Ấn Độ, thuộc sở hữu của HT Media, hiện có đến 3,7 triệu độc giả.
Các tờ khác cũng thuộc sở hữu của HT Media gồm Hindi daily Hindustan; Business daily Mint (hợp tác cùng báo Wall Street Journal của Mỹ).
7. Bà Karen Agustiawan (Indonesia)
Năm sinh: 1958
Công ty: Pertamina
Chức vụ: Chủ tịch điều hành
Khởi nghiệp từ ngành công nghiệp dầu khí năm 1984 tại Công ty Mobil Oil và Halliburton Indonesia. Năm 2006, bà Karen làm việc cho công ty dầu khí nhà nước Pertamina với vai trò tham mưu cho giám đốc.
Năm 2009, bà trở thành Chủ tịch điều hành Pertamina và là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí cao nhất tại công ty này.
Bà Karen thể hiện nhiều tham vọng trong kinh doanh với các dự án lớn về khai thác dầu khí trong và ngoài nước; phát triển các dự án khai thác khí mê tan từ vỉa than để làm năng lượng thay thế, cũng như cùng công ty điện lực nhà nước Indonesia thành lập công ty vận tải khí thiên nhiên hóa lỏng…
Trong cuộc cải tổ nội các Indonesia năm 2011, có không ít lời đồn đoán rằng nhiều khả năng bà Karen là người kế vị chức Bộ trưởng Tài nguyên khoáng sản và năng lượng của nước này.
8. Bà Solina Chau (Hồng Kông)
Năm sinh: 1960
Công ty: Horizons Ventures
Chức vụ: Nhà sáng lập
"Là bạn tâm giao của tỉ phú Hồng Kông Li Ka-shing, bà Chau nổi tiếng với kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ và về Trung Quốc", tạp chí Forbes viết.
Bà Chau đã cùng tỉ phú Hồng Kông Li Ka-shing thành lập công ty truyền thông trực tuyến Bắc Kinh vào những năm 1990, có tên miền Tom.com
Công ty Horizons Ventures là “cỗ máy in tiền” của Quỹ Li Ka-shing trị giá 8,2 tỉ USD, do bà Chau làm giám đốc.
Horizons Ventures đầu tư vào nhiều công ty, trong đó có Skype, Facebook, Spotify, Siri và NBA China...
9. Bà Eva Chen (Nhật Bản)
Năm sinh: 1960
Công ty: Trend Micro
Chức vụ: Đồng sáng lập kiêm CEO
Chen là CEO của hãng Trend Micro, một trong những công ty chuyên cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu thế giới. Trend Micro do Chen cùng với chị gái và anh rể sáng lập ở Los Angeles vào năm 1988. Đến năm 1992, công ty này đã chuyển trụ sở tới Tokyo, Nhật Bản.
10. Bà Chew Gek Khim (Singapore)
Năm sinh: 1962
Công ty: Straits Trading
Chức vụ: Chủ tịch điều hành
Bà Chew là người đã tái định hình công ty Straits Trading 124 năm tuổi thành một trong những công ty đầu tư hàng đầu ở châu Á. Chew được bổ nhiệm làm Chủ tịch điều hành của Straits Trading từ năm 2009. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty này là 786 triệu USD.
Doanhnhancuoituan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét