Hởi
xướng việc tái cấu trúc Ngân hàng Quốc tế (VIB) theo chiều dọc và đưa
nhà băng này lên top 5 ngân hàng cổ phần hàng đầu, ông Trịnh Văn Tuấn
sang Ngân hàng Phương Đông ở vị trí CEO với những thử thách mới.
Ông Trịnh Văn Tuấn - Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB). Ảnh: NVCC |
-
Là người đầu tiên đưa ra mô hình tái cấu trúc nhà băng theo chiều dọc
khi đang làm lãnh đạo tại VIB. Ngân hàng Nhà nước hiện cũng tiến hành
tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Theo ông, hai mô hình sắp xếp này khác
nhau ra sao?
-
Việc một số ngân hàng thương mại thực hiện tái cấu trúc là nhằm đảm bảo
thực hiện chiến lược phát triển, quản lý rủi ro và các mục tiêu kinh
doanh đặt ra. Tái cấu trúc theo mô hình mới không có gì đặc biệt. Đó là
việc áp dụng một trong những mô hình hiện đại theo thông lệ trên thị
trường quốc tế để quản trị tốt rủi ro và tạo thuận lợi cho phát triển
kinh doanh của ngân hàng.
Hiện
nay, Ngân hàng Nhà nước tiến hành tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống
ngân hàng, trong đó có cả hệ thống ngân hàng thương mại nhằm thực hiện
các mục tiêu: lành mạnh hệ thống ngân hàng; quản trị rủi ro được tốt
hơn, đảm bảo cả hệ thống hoạt động an toàn, gia tăng sức cạnh tranh
trong nước và quốc tế. Đồng thời, nhằm bảo đảm cấp tín dụng và cung ứng
dịch vụ cho nền kinh tế đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.
-
Năm 2011, các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tín dụng, siết tăng
trưởng, nợ xấu cao, huy động sụt giảm... Ông đã thực hiện những biện
pháp gì giúp nhà băng vượt khó khăn?
-
Hệ lụy của cơn bão tài chính đối với xã hội cũng như ngành ngân hàng là
không thể tránh khỏi. OCB cũng như các tổ chức tài chính khác phải đối
mặt với những thách thức trong công tác quản trị rủi ro về tín dụng.
Chúng
tôi đã và đang nỗ lực trong việc cải tổ, hoạch định chiến lược phát
triển để nhà băng có những bước tiến lớn. Cụ thể, năm 2011, Ngân hàng
Phương Đông đã triển khai thành công hàng loạt dự án như: tái cấu trúc
bộ máy hoạt động, nhân sự, công nghệ, thương hiệu, phát triển các dòng
sản phẩm dịch vụ hiện đại (OCB online, OCB mobile, ATM, …) đặc biệt là
hệ thống quản trị rủi ro để ổn định, phát triển.
Bên
cạnh đó, ngay trong năm tình hình tài chính khó khăn 2011, Ngân hàng
Phương Đông đã xúc tiến thành công việc nâng tỷ lệ vốn góp của BNP
Paribas lên 20% vốn điều lệ OCB. Có thể nói 2011 là năm bản lề, OCB đã
trang bị bộ công cụ cần thiết để sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển
mới, thực hiện chiến lược 5 năm giai đoạn 2011- 2015.
Sau
15 năm hoạt động và phát triển, Ngân hàng Phương Đông hiện có nguồn vốn
chủ sở hữu trên 3.700 tỷ đồng, mạng lưới 94 điểm giao dịch phủ khắp các
tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước và đội ngũ trên 2.000 cán bộ
nhân viên. Tôi tin tưởng những điểm mạnh của cá nhân kết hợp các nguồn
lực của ngân hàng và sức mạnh đoàn kết tập thể, OCB sẽ vững vàng trên lộ
trình hội nhập và phát triển.
- Kinh tế 2012 có thể sẽ còn diễn biến phức tạp, ông nhận định gì về tình hình tài chính, ngân hàng trong năm mới?
-
Theo tôi, tình hình hoạt động cũng như sự phát triển của ngành tài
chính - ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Ngân hàng Nhà
nước. Vì là năm đầu thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái
cấu trúc ngành ngân hàng cho nên tôi đánh giá 2012 vẫn là một năm khó
khăn.
Tôi
rất mong nền kinh tế sớm được bình ổn, tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp nói chung cũng như các ngân hàng hay OCB nói riêng hoạt động
thuận lợi. Ổn định thì mới có thể phát triển; còn khi bất ổn, các tổ
chức đều phải tập trung vào việc đảm bảo thanh khoản, duy trì hoạt động
được an toàn. Như thế khó có thể đặt kỳ vọng cao vào “cỗ máy sinh lời
hiệu quả”.
-
Nhân lực giỏi quyết định sự sống còn của các ngân hàng và hiện nay,
cuộc chạy đua giành người tài trong ngành đang rất khốc liệt. Quan điểm
của ông về việc săn người tài và giữ họ lâu dài?
-
Trước tiên tôi cho là cái “tầm” và sức thuyết phục của nhà tuyển dụng;
người giỏi phải được nhìn nhận và đánh giá đúng khả năng của họ.
Trong
quá trình cơ cấu nhân sự, tái cấu trúc bộ máy 2011 vừa qua, OCB đã đạt
được những thành công nhất định trong việc tuyển dụng, kiến tạo một bộ
máy quy tụ được những cán bộ quản lý có trình độ và sự trải nghiệm mang
tính quốc tế, đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng trong giai đoạn đổi mới
và phát triển.
Sau
bước tuyển dụng, chúng tôi chú trọng việc thiết lập chiến lược nhân sự
với một cơ chế, chính sách bình đẳng và rõ ràng; tạo một môi trường, văn
hóa làm việc lành mạnh; mọi người đều có cơ hội phát huy cao nhất khả
năng của bản thân. Tôi cho đó là điều thiết yếu để cán bộ nhân viên tận
tâm làm việc tại OCB.
- Cách ông vượt qua những lúc căng thẳng?
-
Phải nói rằng tôi hầu như không bị stress. Khi có nguy cơ bị quá tải
hoặc gặp khó khăn, tôi bình tĩnh xử lý vấn đề hoặc chia sẻ với những
người xung quanh để tìm ra giải pháp. Tôi nghiệm ra một điều, tình thân
và sức mạnh của sự đoàn kết sẽ giúp mình chiến thắng và vượt qua nguy cơ
stress.
Bên
cạnh đó, tôi thiết lập cho bản thân một chế độ ăn uống, sinh hoạt, thể
dục cân bằng, điều độ để tinh thần luôn được thoải mái và thể trạng khỏe
mạnh. Bởi nếu vùi đầu vào làm việc để rồi ngã lăn ra ốm thì cũng như
không.
- Lời khuyên của ông dành cho các bạn trẻ đang muốn lập nghiệp?
-
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Điện tử Viễn thông Đại học Bách khoa
Hà Nội và được chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại nước ngoài, tôi có điều
kiện thuận lợi, làm về kinh doanh và thấy mình cũng có khiếu trong lĩnh
vực này.
Tôi
quyết định chuyển theo nghiệp kinh doanh với tâm niệm làm điều gì thành
công cũng mang lại ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội. Tôi nghĩ
đó cũng là số phận.
Theo
tôi, học đại học cho ta cái nhìn nhân sinh quan và thế giới quan; ngành
kỹ thuật cho tôi khả năng tư duy logic. Để thành công, ngoài 2 yếu tố
năng lực và sự quyết tâm thì cần có cơ hội và sự may mắn. Tôi may mắn
luôn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của những người xung quanh.
Việt
Nam là thị trường mới nổi, rất thuận lợi cho những người mới lập
nghiệp. Những khó khăn tạm thời qua đi, về dài hạn sẽ là cơ hội lớn. Do
đó, các bạn trẻ hãy mơ ước và nỗ lực hết sức.
Để trở thành một CEO giỏi phải là người có tầm nhìn, có khả năng quản
lý điều hành và nhiệt huyết; tập hợp được những nguồn lực tạo nên sức
mạnh tổng hợp cho tổ chức.
Theo: cafef
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét