Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Tư duy của người giàu có


Nhiều người cho rằng thành công, giàu có, sung túc, hạnh phúc… là “đặc quyền” của một số ít người nhưng một số khác nghĩ ngược lại: đó là quyền của tất cả mọi người. Vậy gốc rễ vấn đề này nằm ở đâu? Điều gì khiến một người trở nên thành công vượt bậc? Đâu là sự khác biệt giữa người giàu có và người nghèo khó?

Nhiều người cho rằng thành công, giàu có, sung túc, hạnh phúc… là “đặc quyền” của một số ít người nhưng một số khác nghĩ ngược lại: đó là quyền của tất cả mọi người. Vậy gốc rễ vấn đề này nằm ở đâu? Điều gì khiến một người trở nên thành công vượt bậc? Đâu là sự khác biệt giữa người giàu có và người nghèo khó?

Những câu hỏi trên được T. Havr Eker – Chuyên gia về thành công và làm giàu – lý giải trong cuốn sách “Bí quyết tư duy của những người giàu có” (Secret of the Millionaire Mind). Sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, First News chuyển ngữ.

Những người thành công biết rằng, để đạt được mục tiêu của mình, họ cần “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nghĩa là huy động tối đa các nguồn lực cần thiết cả bên trong lẫn bên ngoài để có thể hoàn thành xuất sắc nhất mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, trước khi bắt tay làm việc này, họ cần lập sẵn cho mình một kế hoạch được Havr Eker gọi là Kế hoạch tài chính trong tâm thức.

Kế hoạch tài chính trong tâm thức

Phần lớn những người trúng xổ số hay giàu lên nhờ bán đất dự án, cá độ đá banh… sẽ nhanh chóng quay về điểm xuất phát ban đầu của mình. Thế nhưng với tỉ phú Donald Trump, ông có thể bị phá sản và trắng tay nhưng sau đó ít lâu, ông lại trở nên giàu có hơn cả trước đó. Sự khác biệt này, theo Havr Eker, thực chất thuộc về khả năng tư duy của mỗi người. Những người nghèo khó hay thất bại chỉ nhìn thấy hoa trái trên cây để mừng vui hay than phiền trong khi những người giàu có biết rằng, cách duy nhất thu hoạch những hoa trái như mình mong muốn là lựa chọn những hạt giống thật tốt để đem gieo. Và để thành công trong kinh doanh, bạn cần lập cho mình kế hoạch tài chính trong tâm thức.

Kế hoạch tài chính trong tâm thức là sự kết hợp các suy nghĩ, cảm giác và hành động trong lĩnh vực tài chính. Kế hoạch tài chính trong tâm thức chính là yếu tố quyết định thành công của một người. Kế hoạch này được định hình từ sơ đồ: Thế giới quan trong quá khứ --> Suy nghĩ --> Cảm giác --> Hành động --> Kết quả. Nếu ngay từ bé, một đứa trẻ được cha mẹ dạy rằng tiền bạc là thứ cần tránh vì nó sẽ làm hư hỏng con người thì khi lớn lên, đứa trẻ ấy sẽ có những suy nghĩ rất tiêu cực về tiền bạc. Kết quả mỗi người gặt hái được bắt nguồn từ suy nghĩ. Một khi suy nghĩ là tiêu cực thì kết quả gặt hái không thể là tích cực được. Với tài chính cũng thế.

Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến việc hình thành thế giới quan của một người, đó là thông qua lời nói, thông qua việc bắt chước theo khuôn mẫu và thông qua những trải nghiệm cụ thể. Để có thể hình thành một kế hoạch tài chính trong tâm thức một cách hoàn chỉnh, điều bạn cần làm là điều chỉnh “kho dữ liệu” này, đừng để những yếu tố tiêu cực tác động đến bạn mà hãy tách bạch nó khỏi mình. Chỉ khi quá trình lọc dữ liệu hoàn tất, bạn mới có thể tạo dựng cho mình một kế hoạch tài chính trong tâm thức hoàn hảo nhất.

Khi một người tự giới hạn khả năng thu nhập của mình ở một mức nào đó, họ khó lòng vượt qua con số đã được lập ra. Và mọi thứ họ hút vào cuộc sống của mình cũng chỉ dừng lại ở mức đã được giới hạn, không hơn không kém. Nói như vậy để thấy rằng kế hoạch tài chính có một vai trò rất lớn trong cuộc sống mỗi người. Chỉ khi nhận thức đúng điều này, bạn mới có thể xây dựng một kế hoạch tài chính hoàn hảo vì nhận thức giúp bạn biết mình nên lưu trữ thông tin gì, bỏ đi thông tin gì, điều chỉnh chúng ra sao. Người có kế hoạch tài chính trong tâm thức là 1 tỉ sẽ khó lòng thắng được bản hợp đồng trị giá 100 tỉ. Harv Eker khuyên bạn rằng kế hoạch tài chính là cái giúp bạn đạt tới tiềm lực tài chính cao nhất của mình chứ không phải để tạo lập cho mình một giới hạn nào đó.

Để giàu có không khó, nếu bạn biết suy nghĩ và hành động giống như những người giàu có! Vậy sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động ở người giàu có và người chưa giàu có là gì?

Sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động giữa người giàu có và phần còn lại

Sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động của hai nhóm đối tượng này đều xuất phát từ sơ đồ sau: Suy nghĩ --> Cảm giác --> Hành động --> Kết quả.

Mọi kết quả gặt hái đều xuất phát từ suy nghĩ chứ không phải từ hành động của mỗi người. Và cách duy nhất để thay đổi kết quả là thay đổi suy nghĩ, nhận thức của họ. Chính những suy nghĩ khác nhau đã tạo ra người giàu có và người nghèo.

1. Người giàu luôn tin rằng “Tôi tạo ra cuộc sống của tôi”. Người nghèo tin rằng “Cuộc sống toàn là những sự việc bất ngờ xảy đến với tôi”. Bạn chứ không ai khác – là người có quyền quyết định cuộc đời mình sẽ như thế nào. Người giàu chịu trách nhiệm với chính mình về những việc xảy đến với họ trong khi người nghèo khó lại cho rằng mình là nạn nhân. Cách họ phản ứng với vấn đề tài chính là:

- Đổ lỗi cho thị trường, quy trách nhiệm cho chính phủ và nền kinh tế thay vì nhận trách nhiệm với chính mình.

- Biện minh cho sự bất lực của mình trong việc kiếm tiền bằng cách viện dẫn những phép so sánh khập khiễng thay vì hiểu đúng tầm quan trọng và bản chất của tiền.

- Than thân trách phận, chú tâm vào những rắc rối thay vì tìm cách giải quyết nó.

- Mỗi khi đổ lỗi, biện minh hay oán trách người khác là bạn đang tự đặt thêm những tấm rào chắn trên con đường tài chính vốn đã chật hẹp của mình.

2. Người giàu tham gia “cuộc chơi kiếm tiền” để giành chiến thắng. Người nghèo tham gia chỉ để không bị thua. Mục đích kiếm tiền của người giàu và người nghèo khác nhau hoàn toàn: người giàu tích lũy một khối lượng lớn của cải để tạo ra sự giàu có; người nghèo chỉ cần kiếm đủ tiền để thanh toán các hóa đơn mỗi tháng mà thôi. Havr Eker khuyên bạn rằng nếu bạn muốn giàu lên thì mục đích của bạn phải là làm giàu, không đơn thuẩn chỉ để trang trải sinh hoạt phí và cảm thấy thoải mái mà giàu có nghĩa là phải thật sự sung túc.

3. Người giàu quyết tâm làm giàu. Người nghèo muốn trở nên giàu có. Lý do khiến phần lớn mọi người không có những thứ như họ mong muốn vì họ không biết mình thực sự muốn gì. Người giàu biết rõ cái họ muốn là sự giàu có; họ luôn kiên định với mong muốn của mình. Người nghèo, ngược lại, thường xuyên lúng túng và mâu thuẫn với chính mình, lúc mong muốn giàu có, lúc lại e ngại điều đó. Nếu bạn không thật sự quyết tâm làm giàu thì không bao giờ bạn giàu lên được.

4. Người giàu suy nghĩ khoáng đạt. Người nghèo suy nghĩ hạn hẹp. Định luật về thu nhập được phát biểu rằng “Những giá trị mà bạn nhận được luôn tỉ lệ với giá trị mà bạn bỏ ra (đã tính đến tình trạng thị trường)”. Trong cuốn sách “Trở lại với tình yêu”, tác giả Marianne Williamson cũng nói rằng “Nếu bạn sống hẹp hòi, bạn sẽ không thể phục vụ mọi người. Mọi người sẽ cảm thấy bất an về bạn. Khi chúng ta để cho mình tỏa sáng thì trong vô thức chúng ta đã kêu gọi người khác làm điều tương tự”. Nếu muốn trở nên giàu có, bạn cần bỏ đi lối suy nghĩ hạn hẹp của mình. Lối tư duy hạn hẹp, kiểu hành động nhỏ nhen chỉ dẫn đến sự túng thiếu và không toại nguyện. Suy nghĩ khoáng đạt và hành động cao thượng sẽ mang lại cho bạn cả tiền tài lẫn ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống. Bạn có quyền lựa chọn cách sống cho mình!

5. Người giàu luôn chú trọng đến cơ hội. Người nghèo chỉ quan tâm đến trở ngại. Người giàu chịu trách nhiệm về những kết quả mình nhận được, họ đón đợi thành công vì họ tin vào khả năng và sức sáng tạo của mình. Họ luôn nhìn thấy cơ hội dành cho mình chính vì thế họ không ngần ngại chấp nhận rủi ro. Ngược lại, người nghèo luôn nghĩ đến thất bại, họ thiếu tự tin vào bản thân cũng như năng lực của mình. Họ luôn thấy trở ngại nên họ không sẵn sàng mạo hiểm. Người giàu luôn chú trọng vào những điều họ muốn trong khi người nghèo lại tập trung suy nghĩ của họ vào những điều họ không muốn. Người giàu thấy cơ hội lập tức nắm bắt lấy nó và trở nên giàu có trong khi người nghèo vẫn “đang chuẩn bị”!

6. Người giàu ngưỡng mộ những người giàu có và thành công khác. Người nghèo bực tức với những ai thành công và giàu có. Con người luôn có những thói quen cũng như định kiến của riêng mình. Ghen tức với người khác cũng là điều khó tránh ở con người. Harv Eker khuyên rằng thay vì bực bội với người giàu, bạn nên tập ngưỡng mộ, tôn trọng, nể phục, chúc phúc cũng như học cách yêu thương họ. Ngạn ngữ Huna có câu “Hãy chúc phúc cho những thứ mà bạn muốn có”. Đây là cách mà những người giàu thường làm.

7. Người giàu kết giao với những người thành công và có suy nghĩ tích cực. Người nghèo giao du với những người thất bại và luôn suy nghĩ tiêu cực. Người thành công luôn biết nhìn vào những người thành công hơn mình để học hỏi. Ngược lại, người nghèo hay hồ nghi, phán xét, chỉ trích những thành quả mà người khác có được. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bạn nên học cách chọn người để kết giao, đặc biệt là kết giao với những người lạc quan, thành đạt đồng thời tách mình ra khỏi những người có hành vi, tư tưởng tiêu cực.

8. Người giàu sẵn sàng tôn vinh bản thân và những giá trị của họ. Người nghèo suy nghĩ một cách tiêu cực về việc bán hàng và quảng bá. Đa số người giàu có là những người có tài quảng bá, sẵn sàng quảng bá cho bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào của mình với lòng đam mê và niềm hăng hái kỳ lạ! Đồng thời họ cũng biết giới thiệu các giá trị của bản thân một cách khéo léo và thu hút. Điểm mấu chốt ở đây là bạn có thích làm việc này hay không mà quan trọng hơn, bạn có tin vào những gì mình đang nói hay không. Nếu bạn tin vào các giá trị bản thân mình, bạn hoàn toàn tự tin quảng bá điều đó.

9. Người giàu muốn chinh phục những khó khăn trước mắt. Người nghèo luôn lo nghĩ về những khó khăn phía trước. Người thành đạt và giàu có luôn bình thản đón nhận và xử lý mọi vấn đề của họ, trong khi người thất bại và nghèo khó tỏ ra lúng túng trước vấn đề của mình. Bí quyết thành công, theo Havr Eker không phải là cố tránh hay chùn bước trước khó khăn mà là phải nâng bản thân mình lên để có thể đứng cao hơn bất kỳ khó khăn nào. Người nghèo luôn giữ thói quen trách móc, than phiền về những khó khăn trước mắt trong khi người giàu không lùi bước trước khó khăn, đặc biệt chẳng bao giờ họ than phiền về những khó khăn mà họ gặp phải. Tất cả quay về một điều cơ bản: bạn cần rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề của mình và như thế, tất cả với bạn sẽ là không gì cả!

10. Người giàu là người luôn biết đón nhận. Người nghèo là những người không biết tận dụng cơ hội. Nếu bạn nói bạn xứng đáng để đón nhận một điều gì đó, có nghĩa là bạn sẽ xứng đáng. Nếu bạn nói bạn không xứng đáng, có nghĩa là bạn không xứng đáng. Dù bạn chọn cách nào thì bạn cũng sẽ sống với câu chuyện cuộc đời mình. Tâm hồn rộng mở và thái độ sẵn sàng đón nhận là những yếu tố vô cùng quan trọng một khi bạn muốn tạo ra của cải cho bản thân cũng như cất giữ số của cái đó. Và đừng quên nói “Cảm ơn” với những điều bạn được đón nhận trong cuộc đời này.

11. Người giàu hướng đến suy nghĩ “cả hai”. Người nghèo chỉ nghĩ đến “một trong hai”. Nếu bạn thật sự mong muốn có cuộc sống mà không tồn tại các giới hạn thì dù ở hoàn cảnh nào đi nữa bạn cũng nên xóa bỏ lối suy nghĩ “chỉ một trong hai” và quyết tâm để có “cả hai”.

12. Người giàu chú trọng vào tài sản của họ. Người nghèo chú trọng vào thu nhập từ công việc của họ. Thước đo sự giàu có là tài sản chứ không phải thu nhập từ công việc. Tài sản là thước đo cuối cùng và chính xác nhất sự giàu có của một người. Bốn yếu tố tạo nên tài sản là: a. Thu nhập b. Tiền tiết kiệm c. Các khoản đầu tư d. Sự “đơn giản hóa” nghĩa là để dành từ các khoản bạn chi tiêu không cần thiết.

13. Havr Eker cũng khuyên bạn nên tìm và hợp tác với một nhà hoạch định tài chính giỏi để họ giúp bạn trong việc theo dõi việc tích lũy tài sản, hỗ trợ tổ chức và quản lý vốn, làm quen với các hình thức tiết kiệm và đầu tư nhằm gia tăng tài sản của mình.

14. Người giàu quản lý tiền của mình rất giỏi. Người nghèo không biết cách quản lý tiền. Sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo không phải ở chỗ ai khôn ngoan hơn ai mà ở chỗ người giàu có thói quen đối với tiền khác biệt so với người nghèo và có tác dụng tích cực hơn. Chỉ cần bạn dành 10% thu nhập mỗi tháng của mình gửi vào một tào khoản tiết kiệm, sau 20 năm, số tiền đó sinh sôi thành một con số khổng lồ! Một công thức Havr Eker đưa ra giúp bạn kiểm soát tiền bạc của mình là:

a. Dành 10% cho các khoản tiết kiệm dài hạn dành để chi tiêu

b. 10% cho tài khoản giáo dục

c. 50% cho tài khoản nhu yếu phẩm

d. 10% cho tài khoản phụ.

15. Hoặc là bạn kiểm soát tiền, hai là tiền kiểm soát bạn!

16. Người giàu bắt tiền phục vụ mình. Người nghèo làm việc vất vả để kiếm tiền. Với người giàu, mỗi đô-la đều là một hạt giống có thể trồng để tạo ra hơn 100 đô-la, rồi hạt giống ấy có thể trồng lại nhiều lần để tạo ra nhiều hơn thế.

17. Người giàu vươn lên trên sự sợ hãi để hành động. Người nghèo thường để cho nỗi sợ hãi ngăn cản hành động của mình. Hành động là “chiếc cầu nối” giữa thế giới bên trong và bên ngoài. Nhưng hành động được bắt nguồn từ suy nghĩ. Không nhất thiết phải vượt qua các nỗi sợ hãi bạn mới có được thành công. Nếu bạn chỉ sẵn sàng làm những việc đơn giản thì lập tức cuộc sống của bạn sẽ đầy rẫy những khó khăn nhưng nếu bạn sẵn sàng làm những việc khó khăn thì dường như cuộc sống lúc nào cũng đơn giản và nhẹ nhàng trước mắt bạn.

18. Người giàu luôn học hỏi và tự nâng cao kiến thức. Người nghèo nghĩ rằng họ đã biết tất cả. Theo Havr Eker, mục đích của việc làm giàu không phải là để kiếm thật nhiều tiền mà để giúp bản thân phát triển thành con người tốt nhất trong khả năng có thể của mình. Những người giàu thường là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó trong khi người nghèo lo mơ về tất cả các lĩnh vực, ngay cả lĩnh vực của họ. Một người còn khả năng phát triển khi họ còn khả năng học hỏi. Đó là điều bạn không nên quên trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là khi bạn muốn mình trở thành một người giàu có!

Theo Khát vọng tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét