Hiện nay cách sinh viên kiếm tiền mà chính họ là “ông chủ bà chủ” đang dần phổ biến.
Những
năm tháng trọ học xa nhà, không ít sinh viên đã bôn ba kiếm tiền để vơi
bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền cho ba mẹ. Gia sư, phục vụ, phát tờ rơi,
nghiên cứu thị trường… là công việc sinh viên thường chọn. Nhưng đó là
phận làm thuê. Hiện nay cách sinh viên kiếm tiền mà chính họ là “ông chủ
bà chủ” đang dần phổ biến.
Sinh viên bán cho sinh viên
Không hiếm gặp những quán cà phê, nhà sách, tiệm
photocopy, shop quần áo… mà chủ nhân là những bạn trẻ còn miệt mài đèn
sách trên giảng đường.
Nhà sách Sinh viên Kinh tế (đối diện ĐH KHTN, Dĩ An, Bình Dương) là
một ví dụ điển hình. Đây là nơi được nhiều sinh viên biết đến như điểm
bán sách uy tín, chất lượng. “Ông chủ” là ba chàng sinh viên có máu kinh
doanh dù ngành học không liên quan gì đến kinh tế: Nguyễn Xuân Thủy (ĐH
Sư phạm kỹ thuật), Nguyễn Duy Khánh và Nguyễn Thành Chung (cùng học ĐH
Giao thông vận tải).
Ngày mới chân ướt chân ráo từ Đắc Lắc lên TP.HCM
trọ học, cả nhóm kiếm tiền bằng việc làm thêm thông thường như bao sinh
viên khác. Thủy phục vụ nhà hàng, Khánh phụ hồ, bốc vác … Đến năm hai
đại học, nhóm được chủ nhà sách Sinh viên Kinh tế sang lại quán.
Không chỉ có giáo trình, sách tham khảo liên quan
đến ngành luật, kinh tế lấy gốc từ nhà xuất bản, nhóm còn kinh doanh
dụng cụ học tập, vé xe buýt, sim-card điện thoại, bánh mì ngọt… Khách
hàng là sinh viên nên quán thường giảm giá từ 7%-20% với sách và giáo
trình. Giờ tan tầm, sinh viên thường ghé quán mua sách khiến nhiều bữa
nhóm không kịp ăn cơm phải lo bán. Lắm lúc, chạy đôn chạy đáo cả ba
người mà bán vẫn không kịp.Thu nhập đủ trang trải nhưng không phải lúc
nào quán cũng làm ăn thuận lợi. Có tháng bị thua lỗ, phải vay mượn bạn
bè chi trả tạm các khoản.
Chợ đêm làng đại học là nơi cho các bạn trẻ thử
tài kinh doanh. Khoảng 5 giờ chiều, Hằng và Nam (sinh viên năm 2, ĐH
KHXH&NV) chở hàng ra trước cổng trường ĐH KHTN, bắt đầu một buổi bán
hàng đến 9 giờ đêm. Hàng hóa chủ yếu là dụng cụ học tập, túi đựng bút,
móc trang trí điện thoại… trẻ trung, ngộ nghĩnh. Là sinh viên với nhau
nên nhóm Hằng lấy giá “rất sinh viên”.
Những dịp lễ như Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3,
Valentine 14-2, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11... khắp mọi nẻo đường tràn
ngập sắc hoa từ gian hàng của các bạn sinh viên. Thiệp “make-hand” (làm
bằng tay), tranh thư pháp, sản phẩm từ nghệ thuật xếp lá dừa nước… là
món hàng thú vị chính sinh viên tự làm.
“Kinh doanh đâu phải chuyện dễ”
Khi hỏi về khó khăn, Xuân Thủy chia sẻ: “Bọn mình
rất cần vốn để đầu tư. Ba mẹ ở quê nghèo nên đành vay mượn bạn bè nhưng
không phải ai cũng sẵn sàng cho vay. Sự cạnh tranh khốc liệt của các
tiệm bán sách photo cũng làm bọn mình đau đầu. Giá rẻ gấp hai ba lần
sách gốc nên sinh viên chuộng sách photo hơn. Giờ mới biết kinh doanh
đâu phải chuyện dễ”. Ngày đầu bán hàng, nhiều tình huống dở khóc dở cười
xảy ra bởi cả nhóm đều không phải dân kinh tế. Chẳng hạn: do không am
hiểu các thuật ngữ chuyên ngành nên khi sinh viên thắc mắc một số chỗ
trong sách thì nhóm đành chịu. Thậm chí nhóm không thuộc một số tên
sách, nếu có người hỏi mua chỉ biết gãi đầu nói đại “sách em hỏi hết
rồi” cho đỡ quê. Ai yêu cầu “ông chủ” giới thiệu sách thì “ông chủ” cũng
bó tay vì mù tịt.
Khác với nhóm Xuân Thủy, Hữu Chiến là sinh viên
ĐH Công nghệ thông tin nên có nhiều thuận lợi khi mở quán sửa chữa máy
vi tính và thiết kế web. Công việc này giúp Chiến có thể vận dụng kiến
thức trên giảng đường vào thực tế. Nhờ vậy, việc học của Chiến không
những tiến bộ mà cậu còn kiếm được đồng ra đồng vào.
Kinh doanh thành công có sự đóng góp không nhỏ
của hoàn cảnh. Như trường hợp của Hoàng Văn Tiến (ĐH Giao thông vận
tải). Tiến từng bán cờ Việt Nam nhân trận chung kết bóng đá U23 Việt Nam
gặp U23 Malaysia SEA Games 25. Lúc bắt đầu trận đấu, cờ bán rất chạy.
Nhưng cuối cùng, đội Việt Nam thảm bại khiến phi vụ kinh doanh của Tiến
thảm bại theo.
Một số sinh viên mở quán cà phê nhưng được vài
tháng thì đóng cửa vì nhiều lí do như: chủ nhân không có thời gian trông
quán, khách ít, tiền thuê mặt bằng, mua nguyên liệu tăng…
Còn Hằng (ĐH KHXH&NV) ngày nào cũng phải
“trông trời, trông đất, trông mây”. “Nhiều hôm đang bán phải ôm hàng
chạy vô nhà dân vì trời mưa đột ngột. Sợ nhất là mấy món hàng làm bằng
sắt hay bị gỉ vì thấm nước”.
Cậu bạn tôi cũng từng bán hoa nhân ngày Phụ nữ
Việt Nam 20-10. Rút cuộc, cậu lỗ một triệu vì lí do khiến cả bọn cười
bò: “Con trai như mình không cạnh tranh nổi cái miệng con gái”. Hoa héo
chỉ còn biết đem vứt, cậu phải chạy ngược chạy xuôi vay tiền bạn bè để
trả nợ.
Kinh doanh không chỉ kiếm tiền
Đối với sinh viên, kinh doanh không đơn giản để
kiếm tiền. Đó là cơ hội trải nghiệm và thử sức. Môi trường kinh doanh
buộc sinh viên phải tiếp xúc với nhiều người. Quá trình “làm dâu trăm
họ” khiến các bạn trở nên dạn dĩ, khéo léo trong cách giao tiếp ứng xử.
Đó là vốn lận lưng quý báu cho nghề nghiệp tương lai.
Trước mặt tôi là cô sinh viên nhanh nhẹn, ăn nói
khéo léo. Ít ai biết một tháng trước, Hằng còn là cô bé nhút nhát, ít
nói. “Lần đầu tiên bán hàng một câu chào mời khách mình cũng không biết.
Nhờ những lần khách đông, bạn hỏi cái này, bạn hỏi cái kia làm mình trả
lời không kịp. Lâu dần, trình độ bán hàng của mình tăng lên đáng kể”,
Hằng cười.
Còn với Đình Khánh, việc đem sách tiếp thị trước
hàng trăm con người là một cực hình. Nhưng đó là nhiệm vụ cậu phải hoàn
thành. Lần đầu đi cùng với bạn, Khánh tạm yên tâm. Đến khi phải “tác
chiến” một mình, Khánh vừa run vừa lo, lại mắc cỡ nên không dám mở
miệng. “Lần ấy ra về mình nhục hết sức. Tự dặn lòng lần sau phải tự tin
lên. Lần sau, lúc chuẩn bị bắt đầu, mình tự nhủ phải liều một phen thì
nhà sách mới tồn tại, mới mong bán được sách. Vậy là liều. Giờ nghĩ lại
thấy đó quả là kì tích”, Khánh kể trong niềm vui. Bây giờ, Khánh tự tin,
dạn dĩ hẳn đặc biệt là trước đám đông.
Kinh doanh là cơ hội để sinh viên thể hiện khả
năng sáng tạo, đầu óc chiến lược biết nhìn xa trông rộng, chứng tỏ bản
lĩnh của mình. Hiền (SV năm 2, ĐH Kinh tế- Luật) cùng bốn người bạn hùn
vốn bán hoa trong ngày 8-3. Nhóm mua hoa từ chợ Thủ Đức rồi gửi nhà bạn
để bán gần trường ĐH Ngân Hàng. Hiền cho biết dù phải di chuyển hơi xa
nhưng bán ở đây thuận lợi hơn ở làng đại học vì ít bị cạnh tranh.Trong
nhóm bạn nào biết cắm hoa thì dạy cho các bạn khác. Rồi từ đó, nhóm sáng
tạo nhiều kiểu lạ, độc đáo khiến khách hàng rất thích thú.
Nhóm Nguyễn Ngọc Mai (ĐH KHXH&NV) không chỉ
bán hoa mà còn giới thiệu đến giới trẻ nghệ thuật thư pháp Việt. Nhóm
nhờ người thầy dạy thư pháp của mình viết những câu châm ngôn lên thẻ
tre, thanh trúc để tặng kèm lẵng hoa. Ngọc Mai bộc bạch: “Lợi nhuận bao
nhiêu không quan trọng. Điều bọn mình mong muốn là có thêm nhiều sinh
viên biết và yêu mến nghệ thuật thư pháp của cha ông”.
Sinh viên kinh doanh là một việc tốt cần được
khuyến khích đặc biệt là đối với các bạn học ngành kinh tế. Bạn không
chỉ có thêm tiền trang trải mà còn học được rất nhiều bài học thú vị làm
hành trang cho mai sau. Tuy nhiên, không nên quá đam mê kinh doanh gây
ảnh hưởng xấu đến học tập. Trong kinh doanh cần tính toán kĩ nếu không
bạn sẽ bị “mất cả chì lẫn chài”.
Nguồn http://muctim.com.vn
Mai Thị Quỳnh Nga
|
Trang
▼
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét